[Mỹ] Việc tăng thuế của Biden ảnh hưởng tới kinh tế như thế nào?
Tổng thống Biden vừa nhậm chức với một chương trình nghị sự đầy tham vọng, bao gồm một danh sách dài các chính sách triển vọng sắp tới, từ mở rộng trợ cấp y tế, tăng mức phúc lợi An sinh Xã hội cho đến xóa nợ các khoản vay của sinh viên.
Chương trình nghị sự này sẽ rất đắt đỏ.
Khi còn là một ứng cử viên, Biden đã đề xuất một loạt các mức tăng thuế đối với các gia đình có thu nhập cao để chi trả cho một số chương trình mới. Theo kế hoạch, mức thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân sẽ tăng, nhóm những người thu nhập cao nhất sẽ phải đóng các loại thuế An sinh Xã hội, các triệu phú sẽ phải đối mặt với các mức thuế cao hơn nhiều đối với lãi từ vốn và cổ tức.
Các loại thuế suất này sẽ tăng như thế nào, chúng sẽ có những ảnh hưởng gì đối với nền kinh tế?
Tăng thuế thu nhập doanh nghiệp nghĩa là gì?
Cho đến năm 2018, Hoa Kỳ là quốc gia có mức thuế thu nhập doanh nghiệp pháp định cao nhất trong các nước phát triển. Ngay cả khi chưa tính đến thuế của tiểu bang, thuế suất cao nhất đã là 35%, cao hơn nhiều so với của Ireland (12,5%), Canada (15%), và Vương Quốc Anh (19%). Đạo luật Cắt giảm thuế và Việc làm (TCJA) vào năm 2017 [dưới chính quyền Trump] đã giảm mức thuế cao nhất xuống còn 21%. Giờ đây, chính quyền Biden muốn tăng thuế suất lên tới 28%, cao hơn hầu hết các quốc gia phát triển khác nhưng vẫn chỉ bằng 0,8 lần so với mức của năm 2017.
Có vẻ kỳ lạ khi chẳng có mấy người muốn quay trở lại các mức thuế trước thời đạo luật TCJA. Nhưng cũng có một số lý do hợp lý giải thích tại sao mức thuế cũ không được nhiều người ủng hộ. Đầu tiên, với thuế suất càng cao, các công ty sẽ càng có động cơ trốn thuế. Họ thuê các luật sư đắt giá chuyên về thuế để tìm cách cắt giảm các khoản thuế phải đóng. Họ chuyển trụ sở chính hoặc đôi khi chuyển lợi nhuận của họ đến các khu vực có thuế suất thấp. Một mức thuế cao hơn một công ty chuyển sự tập trung từ việc cố gắng sản xuất các sản phẩm tốt hơn ở mức chi phí thấp hơn sang việc tìm cách để giảm nghĩa vụ đóng thuế. Nó ảnh hưởng đến việc các công ty sản xuất cái gì, xây dựng ở đâu và cấp vốn như thế nào. Kết quả là người tiêu dùng phải trả nhiều hơn và nhận ít hơn – và doanh thu từ thuế của chính phủ cũng ít hơn.
Thứ hai, người đóng thuế lại thường không phải là người gánh chịu chi phí của khoản thuế đó. Trong trường hợp các loại thuế doanh nghiệp, nhà kinh tế John Cochrane giải thích “trên phương diện kế toán, mỗi đồng chi phí gia tăng mà các công ty phải trả đến từ các mức giá cao hơn, mức lương thấp hơn, hoặc cổ tức thấp hơn cho các cổ đông. Câu hỏi chỉ là ai phải chịu thuế mà thôi.”
Nhà kinh tế Michael Boskin cho rằng người lao động đang ngày càng phải gánh phần nhiều hơn các chi phí từ thuế doanh nghiệp:
Thuế doanh nghiệp, cũng giống như các loại thuế khác, xét cho cùng vẫn được trả bởi người dân. Trong một nền kinh tế tĩnh không có thương mại quốc tế, các cổ đông thường sẽ phải gánh chi phí. Thế nhưng, nền kinh tế Mỹ không phải là tĩnh mà cũng chẳng đóng cửa với giao thương, cho nên thuế thường được gánh bởi những yếu tố sản xuất kém di động nhất. Vốn có tính lưu động toàn cầu cao hơn nhiều so với lao động, và phần chênh lệch giữa thuế doanh nghiệp của Mỹ so với mức thuế thấp nhất của các đối thủ cạnh tranh thuế [ND: các thiên đường thuế] xét cho cùng sẽ được gánh bởi những người lao động. Trong một nền kinh tế đang tăng trưởng, đầu tư suy giảm sẽ dần kìm hãm sự tăng năng suất và mức lương trong tương lai.
Tăng trưởng kinh tế chậm hơn và các mức lương thấp hơn là cái giá cao phải trả cho một loại thuế đem lại quá ít doanh thu. Chả trách mà việc tăng thuế suất trở lại mức cũ đã chẳng nhận được mấy sự ủng hộ.
Thế còn thuế thu nhập cá nhân thì sao?
Khoảng một nửa ngân sách từ thuế của liên bang đến từ thuế thu nhập cá nhân. Các loại thuế này là thuế lũy tiến, nghĩa là khi thu nhập chịu thuế của bạn tăng, phần trăm thu nhập của bạn đóng vào thuế cũng tăng theo. Mọi đô-la từ thu nhập chịu thuế được đánh thuế ở một mức thuế nhất định, được gọi là thuế suất cận biên. Hiện nay, các thuế suất cận biên dành cho thu nhập kiếm được dao động từ 10% đối với đô-la chịu thuế đầu tiên cho tới 37% đối với phần thu nhập chịu thuế của cá nhân vượt quá 523.600 đô-la, và vượt quá 628.301 đô-la đối với người nộp thuế đã kết hôn. Tổng thống Biden muốn tăng thuế suất cao nhất lên tới 39,6% - mức có trước Đạo luật Cắt giảm thuế và việc làm.
Luật thuế thu nhập cá nhân không chỉ đánh thuế thu nhập. Người dân còn phải trả thêm thuế thu nhập đối với lợi tức thu được sau khi bán tài sản – lợi nhuận từ việc bán một tài sản ở mức giá cao hơn cái giá mà bạn phải trả ban đầu – và từ cổ tức. Thuế suất đối với khoản đầu tư phụ thuộc vào tổng thu nhập của người nộp thuế và khoảng thời gian mà người đó đã giữ khoản đầu tư. Nếu bạn bán một tài sản trong vòng một năm sau khi mua nó, thuế suất nhìn chung sẽ giống với mức thuế đối với lương của bạn. Nếu giữ nó nhiều hơn một năm thì bạn phải trả một mức thuế thấp hơn. Kế hoạch của Tổng thống Biden kêu gọi việc xóa bỏ thuế suất thấp hơn này đối với những người nộp thuế có thu nhập cao hơn 1 triệu đô-la. Điều này sẽ làm mức thuế tăng như thế nào? Hiện nay, mức thuế cao nhất đối với lợi tức dài hạn và các cổ tức tương tự là 23,8%. Kế hoạch của Biden kêu gọi mức này tăng lên tới 43,4%.
Mức thuế cận biên này sẽ có những tác động lớn lao tới nền kinh tế, được giải thích trong video dưới đây:
[Video: Why Tax Rates Matter More Than Taxes]
Mức thuế cận biên tác động tới các quyết định của cá nhân trong việc có nên làm việc nhiều giờ hơn, tuyển nhiều lao động hơn, hoặc đầu tư vào đổi mới - sáng tạo hoặc các ngành kinh doanh mới hay không. Như đoạn video giải thích “Không có các khoản đầu tư, không có giáo dục, hoặc không hoạt động kinh doanh, tất cả cộng lại sẽ là chất lượng sống của mọi người bị kéo xuống thấp hơn.”
Trong khi các mức thuế cận biên cao làm cản trở các hành vi tạo ra tăng trưởng kinh tế, nhiều nhà hoạch định chính sách vẫn bằng lòng chấp nhận kết quả đó để khiến cho hệ thống thuế có tính lũy tiến hơn. Họ lập luận rằng những người đóng thuế thu nhập cao có khả năng chi trả nhiều hơn. Thế nhưng, họ “có thể” không có nghĩa là họ “sẽ làm”. Như chúng ta đã thấy ở thuế thu nhập doanh nghiệp, với mức thuế càng cao, mọi người càng có nhiều động lực trốn thuế, thông qua thủ thuật kế toán hoặc thay đổi các quyết định kinh tế của họ.
Hơn nữa, Hoa Kỳ vốn đã là một trong những hệ thống thuế có tính lũy tiến nhất so với các nước phát triển khác. Nhà kinh tế Josh Rauh và Greg Kearney đã nêu nổi bật tính lũy tiến tương đối của luật thuế thu nhập của Mỹ như sau:
Có một sự thật ít được chú ý là Mỹ có một hệ thống thuế thu nhập có tính lũy tiến nhất trong nhóm các nước OECD. Hơn nữa nó đã có những xu hướng rõ rệt hơn trong hơn 40 năm qua. Trong khoảng thời gian đó, phần thuế liên bang được trả bởi các hộ gia đình nằm trong ngũ phân vị cao nhất đã tăng từ 55% vào năm 1979 đến 69% vào năm 2017. Điều này vượt xa Anh, Đức, Thụy Điển và thậm chí cả Pháp. Điều đó một phần là do sự khác biệt giữa thuế suất ở các mức thu nhập thấp hơn giữa các quốc gia này. Ví dụ, ở Pháp khi đạt mức thu nhập 33.000 đô la, thuế suất cận biên là 30%, trong khi thuế suất cận biên cấp liên bang đối với mức thu nhập này ở Mỹ chỉ là 12%.
Các mức thuế lũy tiến không nhất thiết đem lại khoản thu cao hơn hẳn từ thuế. Luật thuế chứa vô vàn các khoản khấu trừ thuế, thu hẹp khoản thu nhập chịu thuế của người đóng thuế, và các khoản miễn giảm thuế cũng trực tiếp làm vơi đi nghĩa vụ thuế của họ. Người đóng thuế có thể cắt bớt khoản thu nhập chịu thuế của họ bằng việc trừ đi các khoản đóng góp từ thiện, tiền lãi họ phải trả cho các khoản thế chấp và các loại thuế họ trả cho nhà nước và chính quyền địa phương. Các gia đình có trẻ nhỏ có thể giảm hóa đơn thuế của họ bằng cách yêu cầu miễn giảm thuế trẻ em phụ thuộc, các doanh nghiệp có thể yêu cầu miễn giảm thuế dành cho nghiên cứu và phát triển hoặc xây dựng nhà ở cho những người có thu nhập thấp. Luật thuế của Mỹ từ lâu đã được lấp đầy bằng những loại hình giảm trừ thuế này. Milton Friedman giải thích sự tương tác giữa những khoản khấu trừ thuế này với các mức thuế cao như trong video dưới đây:
[Video: What We Learned About 70% Tax Rates 50 Years Ago]
Đạo luật Cắt giảm thuế và Việc làm hạn chế một số loại miễn giảm này. Ví dụ, khoản khấu trừ thuế của bang và địa phương (SALT) được giới hạn ở mức 10.000 đô-la cho mỗi cá nhân nộp thuế. Các bang có thuế cao như New York và California biện luận rằng các hạn mức đối với khoản khấu trừ mà SALT quy định gây quá nhiều tổn hại cho những người đóng thuế ở bang họ. Nghe có vẻ kỳ quặc khi kế hoạch của Biden là kêu gọi việc tăng thuế suất nhưng lại khôi phục các khoản khấu trừ thuế mà chủ yếu đem lại lợi ích cho những người đóng thuế giàu có. Tuy nhiên, trong lịch sử, mức thuế cao hơn thường đi kèm với việc gia tăng các khoản khấu trừ.
Nhà kinh tế John Cogan giải thích lý do như sau:
[Video: John Cogan on the Negative Effects of High Taxes]
Còn thuế tiền lương thì sao?
An sinh Xã hội và một phần của chương trình Medicare được tài trợ thông qua thuế tiền lương và thu nhập từ tiền lương. 2,9% thuế Medicare – chia đều giữa người lao động và chủ lao động – được tính trên tất cả lương và thu nhập từ lương (những người đóng thuế thu nhập cao trả thêm một khoản thuế Medicare 0,9%). Thuế An sinh Xã hội thì phức tạp hơn. Nó là một khoản thuế 12,4% – tương tự, chia cho người thuê lao động và lao động – được tính trên các khoản thu nhập đến một mức được gọi là mức chịu thuế tối đa: 142.800 đô-la vào năm 2021. Thu nhập trên mức chịu thuế tối đa sẽ không phải đóng thuế An sinh Xã hội. Tổng thống Biden muốn tính toàn bộ Thuế An sinh Xã hội lên tất cả các khoản thu nhập trên 400.000 đô-la.
Có vẻ kỳ lạ khi những người có thu nhập cao nhất lại trả một phần thấp hơn trong thu nhập của họ cho thuế An sinh Xã hội so với những người có thu nhập dưới mức chịu thuế tối đa. Thế nhưng có một lý do lịch sử thú vị cho khoản thuế đặc biệt này. Các khoản thu nhập chịu thuế An sinh Xã hội của người lao động được sử dụng để quyết định những lợi ích mà họ sẽ nhận được khi nghỉ hưu. Khi thảo luận về kế hoạch An sinh Xã hội của Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, John Cogan giải thích cách áp dụng thuế An sinh Xã hội đối với thu nhập trên mức chịu thuế tối đa sẽ làm bản chất của nó thay đổi như thế nào:
Nền tảng của chương trình An ninh Xã hội của tổng thống Roosevelt (FDR) là nguyên tắc “quyền xứng đáng”, theo đó các lợi ích mà người lao động được hưởng là thông qua các khoản đóng góp thuế tiền lương. Mặc dù Quốc hội đã làm xói mòn nguyên tắc này trong nhiều năm, nhưng nó vẫn là một phần cốt lõi của chương trình. Kế hoạch của bà Warren kêu gọi bổ sung thêm các khoản thuế tiền lương, lợi tức, và cổ tức trả cho những người có thu nhập hàng năm từ 250.000 đô-la trở lên đối với các cá nhân và 400.000 đô-la trở lên đối với hộ gia đình. Nhưng một điểm khác biệt chính so với một trong những nguyên tắc cơ bản của chương trình An sinh Xã hội của FDR là kế hoạch đó không cung cấp thêm bất cứ lợi ích nào để đổi lấy các khoản thuế mới. Các khoản thuế mới trong kế hoạch của Warren sẽ chiếm khoảng một phần tư các khoản thu chảy vào hệ thống An sinh Xã hội trong tương lai. Một dòng ngân sách lớn như vậy để tài trợ cho các lợi ích không xứng đáng, có thể gọi là “tiền thưởng” trong thời của FDR, sẽ biến An sinh Xã hội trở thành một chương trình phúc lợi.
Thậm chí ngoài ảnh hưởng của nó đối với chương trình An sinh Xã hội, việc tăng thuế An sinh Xã hội đối với các mức thu nhập trên 400.000 đô-la sẽ giống như một mức tăng thuế suất cận biên đáng kể. Hiện nay, người lao động với thu nhập nằm trong nhóm thuế thu nhập cá nhân cao nhất chịu một mức thuế suất cận biên khoảng 40,8%, trong đó 37% cho thuế thu nhập cá nhân và 3,8% cho Medicare. Thêm một khoản thuế 12,4% nữa sẽ nâng mức thuế suất cận biên lên trên 50%, và đó còn chưa tính các khoản thuế thu nhập cấp bang. Giống như các mức thuế suất cận biên khác, những mức thuế cao này sẽ ảnh hưởng đến các quyết định làm việc, và cuối cùng làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Kết luận
Các mức thuế cận biên cao làm tổn hại nền kinh tế và sẽ làm giảm các cơ hội kinh tế cho mọi người. Thế nhưng chúng ta cần ngân sách để chi trả cho các dịch vụ thiết yếu của chính phủ - và nhiều hơn nữa để tài trợ cho các cải cách được vạch ra bởi chính quyền mới. Liệu có phương cách tốt hơn hay không? Thật may là có. Thuế tiêu thụ như thuế bán hàng hoặc thuế giá trị gia tăng là một cách thức hiệu quả hơn nhiều để tăng thêm ngân sách.
Trong Blueprint for America (tạm dịch là Bản thiết kế cho nước Mỹ), Michael Boskin giải thích:
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thay đổi theo hướng áp dụng một mức thuế tiêu thụ lũy tiến tích hợp trên diện rộng sẽ làm tăng đáng kể GDP thực tế và mức lương trong tương lai. Thay thế cả thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân bằng thuế tiêu thụ quy mô lớn, có tính trung lập với doanh thu hoặc thuế thu nhập tiêu thụ sẽ tạo ra những khoản thu còn lớn hơn.
Thuế tiêu thụ sẽ tạo ra cho người lao động, doanh nhân, và những người đổi mới - sáng tạo nhiều động lực hơn để làm việc, đầu tư, và sáng tạo. Kết quả sẽ là một nền kinh tế mang đến nhiều cơ hội kinh tế hơn trong khi vẫn tạo ra nguồn thu phù hợp cho chính phủ.
Chú thích:
Trong bài luận Human Prosperity Project, Taxation, Individual Actions, and Economic Prosperity: A Review , nhà kinh tế Josh Rauh và Greg Kearney xem xét luật thuế của Mỹ và thảo luận các hậu quả kinh tế của thuế tài sản được đề xuất. Vào tháng 10 năm 2020, các nhà kinh tế Timothy Fitzgerald, Kevin Hassett, Cody Kallen, and Casey B. Mulligan phân tích chương trình nghị sự kinh tế của tổng thống Biden. Họ phát hiện các mức tăng thuế được đề xuất của Biden và các thay đổi có lập trình đối với các chương trình quyền lợi sẽ làm giảm việc làm, tiêu thụ, và sản lượng kinh tế.
Trong Blueprint for America, Michael Boskin đưa ra một bản thiết kế cho cải cách thuế.
Nguồn: Daniel Heil, Tax Rate Hikes and the economy, Policy Ed, 10/2/2021