[Giải phẫu nhà nước] Cái Nhà nước là

[Giải phẫu nhà nước] Cái Nhà nước là

Con người được sinh ra trần trụi trên thế giới này, và cần dùng trí tuệ của mình để học cách sử dụng các nguồn tài nguyên do thiên nhiên ban tặng, và biến chúng (chẳng hạn như đầu tư vào “tài sản cố định”) thành những hình thù và nơi chốn sao cho các tài nguyên này có thể được sử dụng nhằm thỏa mãn nhu cầu và nâng cao mức sống của con người. Biện pháp duy nhất mà con người có thể làm là sử dụng trí tuệ và năng lượng để biến đổi tài nguyên (“sản xuất”) và trao đổi những sản phẩm này với những sản phẩm do người khác tạo ra. Con người đã phát hiện được rằng, thông qua quá trình trao đổi tự nguyện, năng suất và theo đó mức sống của tất cả các bên tham gia trao đổi có thể gia tăng rất nhiều. Do đó, con đường “tự nhiên” duy nhất để con người tồn tại và thu được của cải là sử dụng trí tuệ và năng lượng của mình để tham gia vào quá trình sản xuất-và-trao đổi. Anh ta làm như thế, trước hết, bằng cách tìm các nguồn tài nguyên thiên nhiên, và sau đó biến đổi chúng (mà theo Locke đã nói, bằng cách “hòa công lao động của mình” vào đó), biến chúng thành tài sản của cá nhân anh ta, rồi trao đổi tài sản này với tài sản có được theo cách tương tự của những người khác. Vì thế, con đường xã hội được dẫn lối theo những yêu cầu của bản chất con người là con đường của “quyền sở hữu” và “thị trường tự do” với đồ cho tặng hay trao đổi những quyền như thế. Thông qua con đường này, con người đã học được cách tránh những phương pháp “rừng rú” tranh giành những nguồn tài nguyên khan hiếm, tức là A chỉ có thể thu được những nguồn tài nguyên ấy bằng cách gây tổn hại cho B và, thay vào đó, con người đã nhân rộng những nguồn tài nguyên này trong quá trình sản xuất và trao đổi yên bình và hài hòa.

Nhà xã hội học vĩ đại người Đức, Franz Oppenheimer, đã chỉ ra rằng có hai con đường loại trừ lẫn nhau để có được của cải: một là, con đường sản xuất và trao đổi như đã nói bên trên, ông gọi đó là các “phương tiện kinh tế”. Con đường khác thì đơn giản hơn ở chỗ nó không đòi hỏi năng suất, đó là cách chiếm đoạt hàng hóa hay dịch vụ của người khác bằng vũ lực và bạo lực. Đây là phương thức chiếm đoạt mang lại lợi ích cho một bên, là phương thức trộm cướp tài sản của người khác. Đây là phương thức mà Oppenheimer gọi là các “phương tiện chính trị” để giành được của cải. Cần phải nói rõ rằng việc sử dụng lý trí và năng lượng một cách yên bình trong sản xuất là con đường “tự nhiên” dành cho con người: là phương tiện cho sự tồn tại và thịnh vượng của con người trên trái đất này. Cũng cần nói rõ rằng phương tiện bóc lột, cưỡng bách là trái với luật tự nhiên; mang tính chất ký sinh, nguyên do là thay vì gia tăng thì nó làm giảm sản xuất. “Phương tiện chính trị” bòn rút sản phẩm để nuôi dưỡng một cá nhân hoặc nhóm người ký sinh và phá hoại; và sự bòn rút này không chỉ làm giảm số người sản xuất, mà còn làm giảm động lực của người sản xuất đến mức họ chỉ làm đủ sống qua ngày. Về lâu dài, kẻ cướp tự hủy hoại nguồn sống của mình - thu hẹp hoặc xóa bỏ chính nguồn cung của mình. Nhưng không chỉ như thế; ngay cả trong ngắn hạn, kẻ bóc lột cũng đang hành động đi ngược lại bản chất con người đích thực của họ.

Chúng ta giờ đây đang phải trả lời đầy đủ hơn cho câu hỏi: Nhà nước là gì? Nhà nước, theo lời của Oppenheimer, là “bộ máy tổ chức các phương tiện chính trị”; nó là hệ thống hóa quá trình bóc lột trên một lãnh thổ nhất định1. Vì tội phạm cùng lắm là lẻ tẻ và không ổn định; sự ký sinh mang tính chất phù du, và lối sống ký sinh, ép buộc có thể bị loại bỏ bất cứ lúc nào bởi sự kháng cự của các nạn nhân. Nhà nước cung cấp một kênh hợp pháp, có trật tự, có hệ thống cho việc cướp bóc tài sản tư nhân; nó đưa ra một lối sống ổn định, an toàn và tương đối “yên bình” cho tầng lớp ký sinh của xã hội2. Vì sản xuất phải luôn có trước cướp bóc, nên thị trường tự do có trước Nhà nước. Nhà nước chưa bao giờ được tạo ra từ một bản “khế ước xã hội”; nó luôn được tạo ra trong quá trình xâm lược và bóc lột. Mẫu hình kinh điển là một bộ lạc xâm lược dành một khoảng thời gian quý báu của mình cho phương thức cướp bóc và tàn sát bộ lạc khác, để nhận ra rằng khoảng thời gian cướp bóc sẽ kéo dài hơn và bền vững hơn, và tình thế cũng dễ thở hơn, nếu bộ lạc bị xâm lược được để cho sống và sản xuất trong điều kiện những kẻ xâm lược với tư cách là những người thống trị yêu cầu một khoản cống nạp đều đặn hàng năm3. Một phương thức ra đời của Nhà nước có thể được minh họa như sau: trên dải đồi phía nam “Ruritania”, một nhóm thổ phỉ cố gắng chiếm quyền kiểm soát vật thể một vùng đất, và cuối cùng thủ lĩnh của đám thổ phỉ tuyên bố hắn ta là “Vua của chính quyền tối cao và độc lập Nam Ruritania”; và, nếu hắn ta và thuộc hạ có đủ sức mạnh để duy trì sự thống trị này trong một thời gian, thì ngạc nhiên chưa! một Nhà nước mới đã được hình thành và gia nhập "câu lạc bộ các quốc gia" và những thủ lĩnh đám thổ phỉ trước đây đã biến thành giới quý tộc hợp pháp của một vương quốc.

Chú thích:

(1) Franz Oppenheimer, The State [Nhà nước] (NXB Vanguard Press, New York 1926) tr. 24 –27:

Có hai phương tiện đối nghịch nhau về căn bản, theo đó con người do nhu cầu tồn tại, buộc phải có được những phương tiện cần thiết nhằm thỏa mãn những ham muốn của mình. Hai phương tiện này là làm việc và cướp bóc, sức lao động của bản thân và sự chiếm hữu sức lao động của người khác bằng vũ lực… Trong cuộc thảo luận sau đây, tôi đề xuất gọi sức lao động của bản thân và sự trao đổi tương đương giữa sức lao động của một người với sức lao động của người khác là “phương tiện kinh tế” nhằm thỏa mãn nhu cầu, còn sự chiếm hữu đơn phương sức lao động của người khác sẽ được gọi là “phương tiện chính trị”. Nhà nước là một tổ chức của các phương tiện chính trị. Do đó, không Nhà nước nào có thể tồn tại cho đến khi các phương tiện kinh tế đã tạo ra một số lượng nhất định các đối tượng để thỏa mãn các nhu cầu, những đối tượng này có thể bị lấy đi hoặc chiếm hữu bằng các hành động trộm cướp hiếu chiến.

(2) Albert Jay Nock đã viết rất sinh động rằng

Nhà nước tuyên bố và thi hành độc quyền tội ác… Nó cấm các cá nhân giết người, nhưng chính nó tổ chức giết người ở quy mô to lớn. Nó trừng phạt những cá nhân trộm cướp, nhưng chính nó lại không ngần ngại nhúng tay vào bất cứ thứ gì nó muốn, cho dù là tài sản của công dân hay của nước ngoài.

Nock, On Doing the Right Thing, and othet Essays (NXB Harper và Bros., New York, 1929), tr. 143; trích dẫn theo Jack Schwartzman, “Albert Jay Nock - A Superflous Man”, Faith and Freedom (Tháng 12, 1953), tr. 11.

(3) Oppenheimer, the State, tr. 15:

Vậy thì theo khái niệm xã hội học, Nhà nước là gì? Nhà nước, trọn vẹn từ căn nguyên của nó, là một thiết chế xã hội, do một nhóm người chiến thắng áp đặt lên một nhóm thất bại, với mục đích duy nhất là điều chỉnh quyền thống trị của nhóm người chiến thắng đối với nhóm thất bại, và bảo vệ bản thân nó trước sự nổi dậy từ bên trong và sự tấn công từ bên ngoài. Theo thuyết mục đích, sự thống trị này không có mục đích nào khác ngoài sự bóc lột kinh tế của những kẻ chiến thắng.

Và de Jouvenel đã viết rằng: “Về bản chất, Nhà nước là kết quả của những thành công đạt được bởi một băng cướp, những kẻ tôn chính chúng lên trên các xã hội nhỏ bé, riêng lẻ.” Bertrand de Jouvenel, On Power (New York: Viking Press, 1949), tr. 100-101.

Nguồn: Murray N. Rothbard, Anatomy of the State, Chương 2, Mises Institute, 2009.