[Giải phẫu nhà nước] Cái Nhà nước không phải là
Ở khắp mọi nơi, Nhà nước gần như được coi là một thiết chế để phục vụ xã hội. Một số lý thuyết gia tôn vinh Nhà nước như một đỉnh cao của xã hội; trong khi một số người khác lại coi nó như một tổ chức tuy thân thiện nhưng lại không hiệu quả để đạt được các mục đích xã hội; nhưng hầu hết tất cả đều coi đó là phương tiện cần thiết để đạt được các mục tiêu của nhân loại, một phương tiện được sử dụng để chống lại “khu vực tư nhân” và thường giành phần thắng trong cuộc tranh giành nguồn lực. Với sự phát triển của nền dân chủ, quan điểm đồng nhất Nhà nước với xã hội đã gia tăng, cho đến cấp độ chúng ta thấy người ta thể hiện cảm tính hầu như trái với mọi nguyên tắc lập luận và lẽ thường, chẳng hạn như “chúng ta là chính quyền”. Thuật ngữ chung “chúng ta” thật hữu ích, nó đã tạo ra một lớp ngụy trang mang tính ý thức hệ bao trùm lên thực tế đời sống chính trị. Nếu “chúng ta là chính quyền”, thì bất cứ điều gì mà chính quyền làm đối với một cá nhân không chỉ công bằng và phi chuyên chế mà còn được cá nhân có liên quan “tự nguyện” chấp nhận. Nếu chính quyền gánh một khoản nợ công khổng lồ phải trả bằng cách đánh thuế nhóm này vì lợi ích của nhóm khác, thì thực tế gánh nặng này sẽ bị che lấp bằng cách nói rằng “chúng ta nợ chính chúng ta”; nếu chính quyền bắt một người nhập ngũ, hoặc tống anh ta vào tù vì bất đồng quan điểm, thì đó là anh ta đang “tự gây chuyện cho chính mình” và do đó, sự việc không có gì là không thỏa đáng. Theo suy luận này, bất kỳ người Do Thái nào bị chính quyền Đức Quốc xã sát hại đều không phải là bị sát hại; thay vào đó, họ đã “tự sát” vì họ cũng là chính quyền (vốn được chọn ra một cách dân chủ), và do đó, bất cứ điều gì chính quyền làm với họ đều được họ chấp nhận một cách tự nguyện. Ai đó nghĩ rằng không cần thiết phải nói quá về điều này, tuy nhiên phần lớn mọi người ở các mức độ khác nhau đều bám trụ vào sự trá ngụy này, không ít thì nhiều.
Do đó, chúng ta phải nhấn mạnh rằng “chúng ta” không phải là chính quyền; chính quyền không phải là "chúng ta." Chính quyền, theo bất kỳ ý nghĩa chính xác nào, không “đại diện” cho đa số người dân.1 Nhưng, ngay cả khi đúng là như vậy, ngay cả khi 70% người dân quyết định giết 30% còn lại, thì đây vẫn là tội giết người và sẽ không phải là tự sát xét từ phía thiểu số bị tàn sát.2 Không một phép ẩn dụ hay một câu cách ngôn rỗng tuếch rằng “tất cả chúng ta đều một phần thuộc về nhau” được phép che khuất thực tế căn bản này.
Vậy thì, nếu Nhà nước không phải là “chúng ta”, mà cũng không phải là “gia đình của nhân loại” tụ họp lại để cùng nhau quyết định các vấn đề chung, nếu Nhà nước không phải là một đại lễ đường hoặc câu lạc bộ đồng quê, thì nó là gì? Nói gắn gọn, Nhà nước chính là một tổ chức trong xã hội cố gắng duy trì thế độc quyền sử dụng vũ lực và bạo lực trong một khu vực lãnh thổ nhất định; cụ thể, nó là tổ chức duy nhất trong xã hội thu được doanh lợi không phải từ việc đóng góp tự nguyện hoặc thanh toán cho các dịch vụ nó cung cấp mà từ sự cưỡng bức. Trong khi các cá nhân hoặc tổ chức khác có được thu nhập của họ bằng việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ và bằng cách bán những hàng hóa và dịch vụ này cho người khác một cách hòa bình và tự nguyện, Nhà nước thu ngân sách từ việc sử dụng biện pháp cưỡng chế; nghĩa là, sử dụng và đe dọa bằng nhà tù và lưỡi lê.3 Sau khi sử dụng vũ lực và bạo lực để thu ngân sách, Nhà nước, nhìn chung, sẽ tiếp tục thiết lập các quy định và ra lệnh cho người dân thực hiện các hành động khác. Ai đó nghĩ rằng chỉ bằng việc quan sát đơn thuần tất cả các Quốc gia xuyên suốt lịch sử và trên toàn cầu là có đủ bằng chứng cho nhận định này; nhưng chính vì tầng tầng lớp lớp huyền thoại đã bao trùm quá lâu lên hoạt động của Nhà nước nên sự giải thích chi tiết là cần thiết.
Chú thích:
(1) Trong chương này, chúng ta không thể bàn nhiều về những vấn đề và những nguỵ biện đằng sau khái niệm “dân chủ.” Vì mục đích ở đây, giải thích như sau là đủ. “Đại biểu” hay người đại diện của một cá nhân luôn phải tuân theo những yêu cầu của cá nhân ấy, có thể bị bãi miễn bất kể khi nào và không được hành động đi ngược với lợi ích và ý muốn của người chủ. Rõ ràng “đại biểu” trong một chế độ dân chủ không bao giờ có thể đáp ứng được những chức phận của người đại diện như vậy, những chức phận duy nhất hòa hợp với một xã hội theo chủ nghĩa tự do cá nhân.
(2) Những người có tư tưởng dân chủ xã hội thường đối đáp lại rằng chế độ dân chủ - sự chọn lựa nhà cầm quyền bởi đa số - theo logic có ngụ ý rằng nhóm đa số phải để lại những quyền tự do nhất định cho thiểu số, bởi một ngày nào đó thiểu số có thể sẽ trở thành đa số. Không kể đến những lỗi nguỵ biện khác, lí lẽ này rõ ràng không thể đúng trong những bối cảnh mà thiểu số không thể trở thành đa số, ví dụ như khi thiểu số thuộc một chủng tộc khác hoặc một dân tộc thiểu số so với đa số.
(3) Theo Joseph A. Schumpeter, Capitalism, Socialism, and Democracy [Chủ Nghĩa Tư Bản, Chủ Nghĩa Xã Hội, và Chế Độ Dân Chủ] (NXB Harper and Bros. New York, 1942), tr. 198: “Sự va chạm và đối kháng giữa hai khu vực Nhà nước và tư nhân gia tăng từ phía tư nhân bởi thực tế rằng… Nhà nước đã và đang sống dựa vào ngân sách được tạo ra trong khu vực tư nhân lẽ ra được dành cho những mục đích cá nhân, nhưng đã bị những thế lực chính trị lái đi chệch hướng khỏi những mục đích cá nhân ấy.” Xem thêm Murray N. Rothbard, “The Fallacy of the ‘Public Sector,”’ New Individualist Review (Summer, 1961): 3ff.
Nguồn: Murray N. Rothbard, Anatomy of the State, Chương 1, Mises Institute, 2009.