Lý thuyết của John Locke về nhà nước đạo đức (Phần 1)
Hobbes khẳng định rằng sự lật đổ cách mạng một chính quyền đã được thiết lập sẽ ngay lập tức dẫn tới tình trạng vô chính phủ, nhưng Cách mạng Anh năm 1688 không dẫn tới một kết quả kinh khủng như vậy. Hoàn toàn không thấy mình ở trong một “trạng thái tự nhiên”, người dân Anh năm 1688 chỉ đơn thuần chứng kiến một sự thay đổi về quyền tối cao, và một sự gia tăng tương đối địa vị của Quốc hội cùng với sự giảm bớt uy quyền của nhà Vua. Những thay đổi này có ý nghĩa sâu sắc đối với tương lai của việc cai trị ở Anh, nhưng đã không xảy ra bằng bạo lực, và được đa số người dân chào mừng. John Locke (1632 – 1704) đặt ra cho mình nhiệm vụ biện minh cho cuộc cách mạng này, và đi đến thiết lập một nguyên lý cho rằng thẩm quyền cai trị phụ thuộc vào sự phù hợp của nó với luật đạo đức. Ông giải thích nguyên lý này trong luận văn thứ 2 của ông, tác phẩm Bàn về chính quyền dân sự, hay Luận văn về nguồn gốc, phạm vi và mục đích đúng đắn của Chính quyền dân sự, được xuất bản vào năm 1690, chỉ hai năm sau Cuộc cách mạng.
Locke được giáo dục tại trường Westminster và Christ Church ở Oxford, và sau đó tiếp tục nghiên cứu y khoa. Vào năm 1666 ông trở thành bác sĩ cá nhân cho Anthony Ashley Cooper, mà sau này là Earl Shaftesbury, và được bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng khi Shaftesbury trở thành Chủ tịch thượng viện năm 1672. Sau đó khi Shaftesbury tham gia vào âm mưu đưa Công tước vùng Monmouth lên làm vua, và Locke dù không đóng bất cứ vai trò nào trong âm mưu này, ông nghĩ tốt hơn nên rời Anh tới Hà Lan năm 1683. Năm 1684 Sharles II cắt trợ cấp giảng dạy mà ông vốn hưởng từ năm 1659, và Jame II đã cố gắng tác động để dẫn độ ông. Nhưng cuối cùng ông được tha thứ và trở lại Anh sau sự lên ngôi của William Orange. Ngoài “Lá thư bàn về lòng khoan dung”, luận văn “Bàn về Chính quyền dân sự”, và các tác phẩm chính trị khác, ông còn có một đóng góp quan trọng cho lý thuyết về nhận thức với tác phẩm “Một nghiên cứu về giác tính con người”.
Lý thuyết chính trị của Locke, tương tự như lý thuyết của Hobbes, phản ảnh hoàn cảnh của thời đại ông sống. Cũng như Hobbes, người sống trong giai đoạn bất ổn và nguy hiểm do Nội chiến, vì vậy mong muốn biện minh cho một chính quyền mạnh với quyền lực tuyệt đối; Locke cũng phải chịu đựng sự ngược đãi của nền quân chủ Stuarts, vì vậy mong muốn biện minh cho cuộc cách mạng lật đổ nó, tuy nhiên để công bằng, cần phải nói thêm rằng các quan điểm của Locke về bản chất đạo đức của các cuộc cách mạng đã có trước năm 1688.
Locke cho rằng một chính quyền hoàn toàn có thể bị lật đổ bằng một cuộc cách mạng mà không làm tan rã xã hội, và bất cứ chính quyền nào cũng có thể bị thay thế theo cách này trong một số điều kiện nào đó. Một thế kỉ sau đó, những tư tưởng này được chào đón nồng nhiệt bởi các nhà lập quốc Mỹ như là một sự biện minh cho sự từ chối thừa nhận đối với thẩm quyền của Quốc hội Anh, và vì vậy, ở một mức độ nào đó, những tư tưởng này chịu trách nhiệm cho tất cả những hệ quả sâu sắc kéo dài cho đến hiện tại theo sau sự độc lập về mặt chính trị giữa Anh và Mỹ.
Luật Tự nhiên
Lý thuyết chính trị của Locke, tương tự như lý thuyết của Hobbes, là lý thuyết về một Nhà nước lý tưởng, nhưng khác về bản chất vì nó là một lý thuyết đạo đức. Trong khi Hobbes nghĩ rằng Nhà nước lý tưởng là lý tưởng theo nghĩa duy lý, thì Locke lại nghĩ rằng nó là lý tưởng theo nghĩa đạo đức. Lý thuyết của ông dựa trên giả định rằng có một Luật tự nhiên, và luật này có một đặc điểm đạo đức đặc biệt. Từ đây ông hiểu về Nhà nước Lý tưởng như là một nhà nước lý tưởng về mặt đạo đức.
Tuy nhiên, Locke không cố gắng để biện minh cho giả định rằng có một luật đạo đức nền tảng vì cho rằng điều này hiển nhiên đúng.
“Trạng thái tự nhiên có một Luật tự nhiên cai trị, nó ràng buộc đối với tất cả mọi người, và lý tính, vốn là luật đó, dạy tất cả mọi người rằng, tất cả là bình đẳng và độc lập, không ai được phép làm tổn hại tới sinh mạng, sức khỏe, sự tự do, hoặc nói chung là tài sản của người khác; vì tất cả mọi người là sản phẩm của một Đấng tác tạo khôn ngoan và quyền năng vô hạn; tất cả là tôi tớ của một Ông chủ tối cao, được gửi vào trong thế giới bởi mệnh lệnh của ngài và mưu sự của ngài; họ là tài sản của ngài, và được tạo ra để tồn tại trong sự hài lòng của ngài, chứ không phải sự hài lòng của người khác”.
Sau đó, ông đề cập đến Luật tự nhiên như là “ý chí của Thượng đế”.
Do vậy, từ đầu, cách tiếp cận với lý thuyết chính trị của Locke khác hoàn toàn với cách của Hobbes. Hobbes xem con người như một tồn tại bị chi phối bởi ước muốn và được ban cho quan năng lý tính có khả năng cho anh ta thấy làm thế nào để có thể thỏa mãn hoàn toàn các ước muốn của anh ta. Mặt khác, Locke xem con người như một tồn tại mà lý tính của anh ta sẽ tiết lộ một luật tự nhiên độc lập quy định các tiêu chuẩn đạo đức mà anh ta phải tuân theo mọi lúc. Tóm lại, Hobbes xem con người như một tồn tại duy lý nhưng phi đạo đức, trong khi Locke xem con người về bản chất là một tồn tại đạo đức.
Lý thuyết của Locke phù hợp hơn với giả định ngầm của đa số mọi người cả trong thời đại của ông và thời đại của chúng ta, nhưng ông không biện minh cho các giả định giáo điều mà ông đưa ra về Luật tự nhiên và những gì nó quy định. Dường như ông xem những giả định này là hiển nhiên đúng, và đối với những người đồng ý với ông về điểm này thì lý thuyết chung của ông rõ ràng là thỏa đáng. Nhưng nó không thể làm thỏa mãn những người phủ nhận sự tồn tại của một luật đạo đức tự nhiên độc lập, hoặc những người có quan điểm khác với ông về điều gì mà luật đó quy định.
Trạng thái Tự nhiên
Trong khi khái niệm của Locke về nhà nước lý tưởng hoàn toàn khác với khái niệm của Hobbes, thì giải thích của ông về nguồn gốc của xã hội chính trị có nhiều điểm chung. Thứ nhất, khái niệm của ông về trạng thái tự nhiên tương tự với khái niệm của Hobbes về trạng thái tự nhiên. Với trạng thái tự nhiên Locke hiểu là trạng thái trong đó con người sống với “sự tự do hoàn hảo để thực hiện các hành động, và bố trí các tài sản của họ như họ thấy phù hợp, trong các ranh giới của Luật tự nhiên, mà không cần sự cho phép hay phụ thuộc vào ý chí của bất cứ ai khác” – tóm lại, trạng thái tự nhiên là trạng thái trong đó con người sẽ sống khi họ không phục tùng một chính quyền. Sự khác nhau giữa khái niệm trạng thái tự nhiên của Locke và khái niệm của Hobbes là Hobbes nhận thức về Luật tự nhiên chỉ theo nghĩa logic của một sự tính toán duy lý, trong khi Luật tự nhiên mà Locke muốn nói đến là một tiêu chuẩn đạo đức độc lập. Hay, để minh họa sự tương phản này theo ngôn ngữ riêng của họ, Hobbes nghĩ rằng mục đích của lý tính là để “đạt được nhận thức về các kết quả” trong khi Locke nghĩ rằng lý tính “dạy con người (họ chỉ cần tham khảo nó) rằng mọi người là bình đẳng và độc lập, không ai được phép làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, sự tự do, hay nói chung là các tài sản của người khác”. Tuy nhiên, dù sự khác nhau này cả hai triết gia hiểu về trạng thái tự nhiên như là trạng thái giả thiết (đôi khi có thể là một trạng thái thực) trong đó con người sống mà không phục tùng một chính quyền nào.
Nguồn gốc của chính quyền
Thứ hai, Locke đưa ra một giải thích tương tự về nguồn gốc của chính quyền. Giống Hobbes, ông tin rằng con người đồng ý để thiết lập một chính quyền để củng cố Luật tự nhiên. Trong khi Hobbes xem luật này đặc trưng bởi sự duy lý và Locke xem nó đặc trưng bởi đạo đức, thì cả hai nghĩ rằng, vì con người bất đồng về ý nghĩa thực tế của nó, nên trong bất cứ trường hợp nào không đáng tin để tuân theo tự nguyện, mà họ cần trao cho một cơ quan quyền lực tập trung quyền củng cố nó. Như Locke nói:
“Chính quyền dân sự là phương cách chữa trị những sự bất tiện của trạng thái tự nhiên, chắc chắn nó rất quan trọng ở nơi đâu mà con người phán quyết theo cách riêng của họ”.
Cho đến giờ giải thích của Locke về bản chất của chính quyền rất giống với giải thích của Hobbes. Nhưng bởi vì ông xem Luật tự nhiên như một luật đạo đức nên ông bác bỏ học thuyết về Quyền tối cao tuyệt đối của Hobbes. Hobbes nghĩ rằng nếu con người là duy lý thì họ sẽ, vì lợi ích của họ, trao một quyền lực vô giới hạn cho cơ quan quyền lực tối cao. Trong thực tế, dù đây có là một điều hợp lý để thực hiện hay không, Locke nghĩ rằng quyền lực luôn luôn phải phục tùng luật tự nhiên, tức là đạo đức. Như ông nói “Không ai có thể trao cho người khác nhiều quyền lực hơn những gì anh ta có, và không ai có một quyền lực tùy tiện tuyệt đối đối với anh ta, hay đối với bất cứ ai khác”. Ông tiếp tục:
“Con người … trong trạng thái tự nhiên, không có quyền lực tùy tiện đối với sinh mạng, sức khỏe, sự tự do hay tài sản của người khác, nhưng chỉ có những quyền mà luật tự nhiên đã quy định cho anh ta để bảo tồn chính mình và phần còn lại của nhân loại, đấy là tất cả những gì mà anh ta có thể chuyển nhượng cho cộng đồng, và thông qua cộng đồng tới cơ quan lập pháp, vì vậy cơ quan lập pháp không có nhiều hơn những quyền này. Quyền lực của họ được giới hạn vì lợi ích chung của toàn xã hội”.
Các giới hạn đạo đức của quyền lực nhà nước
Từ những trích dẫn này, rõ ràng là Locke tin rằng tất cả các chính quyền phải phục tùng các tiêu chuẩn đạo đức mà Luật tự nhiên quy định, và sẽ sai trái khi các hành động của họ xung đột với các tiêu chuẩn này. Theo ông, không chính quyền nào có quyền tuyệt đối để cai trị như nó muốn hơn cá nhân có quyền quyệt đối để hành động như anh ta muốn. Sự nhấn mạnh của Locke vào nguyên tắc này chủ yếu để chống lại học thuyết về “quyền thần thánh của Nhà vua” – học thuyết cho rằng vua không thể làm gì sai trái bởi vì thẩm quyền của ông ta bắt nguồn từ Thượng đế, và bởi vì các hành động của ông ta là sự diễn đạt ý chí chí của Thượng đế. Locke nghĩ rằng vua cũng giống như những con người bình thường hay sai lầm, có khả năng vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức mà ông ta phải phục tùng.
Sự nhấn mạnh của Locke vào các giới hạn đạo đức đối với thẩm quyền của chính quyền đôi khi được xem như là trái ngược hoàn toàn với sự bảo vệ của Hobbes đối với quyền tối cao tuyệt đối của chính quyền. Đúng là Hobbes không thừa nhận sự giới hạn về mặt đạo đức đối với thẩm quyền của chính quyền theo nghĩa mà Locke hiểu về từ “đạo đức”; nhưng, như đã trình bày ở trương trước, Hobbes không xem thẩm quyền là không thể bãi bỏ được. Ông tin rằng chính vì lợi ích của người dân mà cần phải cho phép chính quyền có quyền tuyệt đối bao lâu mà chính quyền hoàn thành mục đích mà nó được thiết lập cho – duy trì trật tự và an ninh công cộng – nhưng ông tin rằng, nếu chính quyền không thực hiện được mục đích này, các thần dân của nó, vì lợi ích của chính họ, từ chối tuân theo nó. Chắc chắn Hobbes nhấn mạnh vào những lợi ích của việc tuân theo hơn là vào sự biện minh cho việc nổi loạn, nhưng không nghi ngờ gì đó một phần là vì tính nhút nhát tự nhiên của ông và kinh nghiệm về những mối nguy mà ông trải qua trong cuộc nội chiến. Do vậy sự khác nhau về quan điểm của Hobbes và Locke đối với phạm vi thẩm quyền của chính quyền đó là sự khác nhau về mức độ nhấn mạnh hơn là sự khác nhau về nguyên tắc. Tuy nhiên, họ biện minh cho quyền nổi loạn trên cơ sở rất khác nhau. Hobbes nghĩ rằng sự nổi loạn sẽ được biện minh trên cơ sở sự tư lợi cá nhân nếu một chính quyền không thể củng cố các Luật tự nhiên duy lý, trong khi Locke nghĩ rằng nó được biện minh trên cơ sở đạo đức nếu chính quyền không tuân theo các Luật tự nhiên đạo đức. Nhưng không ai cho rằng thẩm quyền của chính quyền sẽ được xem như bất khả xâm phạm trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Thực tế là Hobbes và Locke nhấn mạnh vào hai nguyên tắc cai trị khác nhau, nhưng bổ sung cho nhau. Hobbes thấy rằng bản chất của một chính quyền là cai trị, và vì mục đích này nó phải đứng ở vị trí để củng cố các quyết định của nó lên người dân. Locke thấy không kém phần đúng đắn là quyền lực cưỡng chế này có thể được thực thi chỉ bao lâu mà đa số dân chúng – vốn đông hơn rất nhiều so với chính quyền – đồng thuận phục tùng quyền lực cưỡng chế này; và ông lập luận rằng họ có thể biện minh khi rút lại sự đồng thuận đó nếu chính quyền không tuân theo các nguyên tắc đạo đức mà họ chấp nhận. Hobbes cũng thừa nhận cơ sở tự nguyện của sự cai trị (ngoại trừ đối với Công cuộc được thiết lập bằng “sự tiếm đoạt”) khi ông nhấn mạnh tính tự nguyện của khế ước xã hội, nhưng ông ít quan tâm hơn Locke với hoàn cảnh mà sự đồng thuận này sẽ được rút lại, và ông có xu hướng nghĩ rằng họ sẽ nổi dạy chỉ trong những hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Những sự khác nhau này về sự nhấn mạnh đối với tầm quan trọng tương đối của đồng thuận và thẩm quyền không nghi ngờ gì chủ yếu là vì Hobbes bị thuyết phục rằng một chính quyền mạnh và ổn định là lợi ích chính của mọi người dân, và trong khi Locke quan tâm đến sự biện minh cho cách mạng chống lại ông vua người đã gây ra những tổn thương cá nhân cho ông và ông tin rằng các chính sách của ông ta mâu thuẫn với luật đạo đức. Từ đây, trong khi nguyên tắc đồng thuận phổ biến đối với chính quyền là ẩn tàng trong giải thích của Hobbes về nguồn gốc của “các công quốc được hình thành từ sự thiết lập”, thì đó là sự đồng thuận của một tính cách dễ phục tùng hơn nhiều so với tính cách mà Locke nghĩ cần thiết để đảm bảo cho chính quyền tuân thủ Luật tự nhiên.
Tuy nhiên, Locke thừa nhận rằng chính quyền không thể dựa trên sự đồng thuận cá nhân, vì các cá nhân có thể bất đồng trong các quan niệm của họ về bổn phận của chính quyền. Ông nghĩ rõ ràng rằng trong thực tế sự đồng thuận mà thẩm quyền chính quyền dựa vào phải là sự đồng thuận của đa số vì đa số là sức mạnh chính trị quyết định:
“Đó là bất cứ cộng đồng nào cũng hành động dựa trên sự đồng thuận của các cá nhân của nó, và vì cộng đồng là một thực thể, nó phải di chuyển về một hướng, và chắc chắn là nó sẽ di chuyển về hướng nào mà lực lớn hơn mang nó, lực đó là sự đồng thuận của đa số, ngược lại, thực thể hay cộng đồng không thể được di chuyển bởi sự đồng thuận từ mọi cá nhân liên kết vào trong cộng đồng đồng; và vì vậy mọi người bị ràng buộc bởi sự đồng thuận của đa số”.
Trong đoạn văn này, rõ ràng Locke đang viết về điều mà chúng ta gọi là xã hội “dân chủ”, vì trong xã hội quý tộc một thiểu số nhỏ thường thống trị đa số bởi vũ lực và sự sợ hãi. Nhưng trong xã hội dân chủ, theo Locke, rõ ràng là, không thể có được sự ủng hộ của tất cả cho một hành động nào đó, thì các chính sách nhận được đa số ủng hộ lại rất phổ biến. Và ông nghĩ rằng mọi người thuộc về một xã hội như vậy ngầm đồng ý chấp nhận nguyên tắc cai trị đa số.
Tuy nhiên, dường như Locke không nhận ra sự mâu thuẫn tiềm tàng giữa nguyên tắc cai trị đa số và Luật tự nhiên như ông hiểu về nó. Cái sau, như đã thấy, là một luật đạo đức vốn dạy rằng “không ai có quyền làm hại mạng sống, sức khỏe, sự tự do hay nói chung là các tài sản của người khác”, nhưng dường như có thể là, thỉnh thoảng đa số nghĩ nó có quyền gây hại cho người khác. Thực vậy, hầu như chắc chắn rằng Locke xem những sự xâm phạm hiện đại như vậy đối với tài sản tư nhân và việc áp đặt thuế đối với tài sản thừa kế – cả hai được ủng hộ bởi đa số quốc hội trong thời hiện đại – là một sự vi phạm đối với các quyền tự nhiên của người sở hữu tài sản. Thực tế là Locke chưa bao giờ đối diện trực tiếp với tình thế khó xử này, tức là nếu các quyền tự nhiên của cá nhân là không thể thủ tiêu thì sự sai trái mà đa số lấy đi tài sản của họ cũng giống như sự sai trái mà một cá nhân chuyên chế lấy đi; trong khi, nếu ý chí của đa số có tính quyết định khi quyết định các chính sách, thì sẽ không có sự đảm bảo rằng có một “luật tự nhiên” độc lập và khách quan.
Sự thật là các xã hội chính trị khác nhau hiểu về các quyền tự nhiên rất khác nhau. Chẳng hạn, ngày nay quyền sở hữu tự nhiên được hiểu khá khác nhau giữa người Anh và người Mỹ; và cả hai hiểu nó theo nghĩa rất khác với nghĩa mà nó được người Nga hiểu hoặc được hiểu bởi Locke. Ngoài ra, Locke không đưa ra các lý lẽ có cơ sở cho việc ông tin rằng các quyền tự nhiên của cá nhân phải xuất hiện với tất cả mọi người như chúng đã xuất hiện với ông. Trong thực tế, khái niệm phổ biến về các quyền tự nhiên, vốn được chứa đựng trong luật pháp của các nước dân chủ, nhìn chung là khái niệm được đa số tin tưởng. Nói cách khác, các quyền tự nhiên có xu hướng được định nghĩa bởi quan điểm của đa số về những quyền này là gì.
Tuy nhiên dù giả định của Locke là có các quyền tự nhiên hiển nhiên đúng và vĩnh cữu mà không cần biện minh, ông phác thảo ra một nguyên tắc dân chủ nền tảng khi nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc chấp nhận phổ biến bởi cộng đồng đối với một khái niệm chung về các quyền tự nhiên. Điều này đã trở thành nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ hiện đại. Thể chế dân chủ được phân biệt với thể chế toàn trị chủ yếu bởi sự thừa nhận các nguyên tắc phù hợp với một tập hợp các quyền cá nhân được chấp nhận bởi đa số và được củng cố bởi “sức mạnh lớn hơn” của họ khi bị thách thức bởi chính quyền hoặc bởi thiểu số. Các quốc gia mà có một sự chia rẽ nghiêm trọng đối với các quan điểm liên quan đến các đặc trưng của các quyền cá nhân sẽ thiếu các điều kiện cần thiết cho một nền dân chủ ổn định, vì chúng chứa đựng các thách thức lâu dài đối với bất kì khái niệm nào về các quyền đó dù được ủng hộ bởi chính quyền hiện hành.
Do vậy, lý thuyết của Locke về nhà nước trở thành một phân tích chính xác về thể chế dân chủ hiện đại một khi tính tương đối của “các quyền tự nhiên” được thừa nhận. Vì bản chất của dân chủ là chấp nhận các quyền cá nhân nào đó như là bất khả xâm phạm, và bảo vệ các quyền này khi chúng bị đe dọa bởi chính quyền hoặc các phe phái. Các nền dân chủ hiện đại không hiểu các quyền tự nhiên như Locke đã hiểu, nhưng họ đồng ý với ông rằng bổn phận đầu tiên của chính quyền là đảm bảo cho những quyền này không bao giờ bị hi sinh cho sự thực hành quyền lực tùy tiện.
Nguồn: Internet Encyclopedia of Philosophy: Libertarianism
Nguồn: Nhóm Tinh thần khai minh: Chủ nghĩa tự do cá nhân và các nhà tư tưởng của chính nó