Ayn Rand
Ayn Rand là một trí thức lớn của thế kỷ XX. Sinh ra ở Nga vào năm 1905 và học tập ở đó, bà di cư đến Hoa Kỳ sau khi tốt nghiệp đại học. Khi còn là sinh viên bà đã nghiên cứu lịch sử, chính trị, triết học và văn học. Rand thấy chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cá nhân của Hoa Kỳ là một sự thay thế đáng mong muốn cho chủ nghĩa xã hội xấu xa và suy đồi ở Nga. Sau khi thành thạo tiếng Anh và thiết lập mình với tư cách là một nhà văn ở Mỹ, bà đã trở thành một người ủng hộ nhiệt thành cho triết lý của mình, Chủ nghĩa khách quan.
Triết lý của Rand nằm trong truyền thống của Aristotle, với sự nhấn mạnh của truyền thống đó vào chủ nghĩa tự nhiên trong siêu hình học, sự duy lý kinh nghiệm trong nhận thức luận, và sự tự thực hóa hiện trong đạo đức học. Chủ nghĩa khách quan dựa trên sự tư lợi duy lý và tự chịu trách nhiệm – với ý tưởng cho rằng không ai là nô lệ cho bất kỳ ai. Điểm nổi bật trong triết lý của bà là các chính sách có nguyên tắc phải dựa trên sự đánh giá duy lý về: tính hợp lý, năng suất, trung thực (để đưa ra một cách duy lý các quyết định tốt nhất chúng ta phải trung thực với sự kiện), toàn vẹn, độc lập, công bằng, và sự tự hào.
Triết lý chính trị của bà cũng nằm trong truyền thống tự do cổ điển, với sự nhấn mạnh của truyền thống đó đến chủ nghĩa cá nhân, sự bảo vệ về mặt hiến pháp đối với các quyền cá nhân gồm quyền sống, quyền tự do và quyền tư hữu, và một chính phủ hạn chế.
Bà viết cả các tác phẩm triết học mang tính hàn lâm lẫn phổ thông, và bà trình bày triết lý của mình trong cả hai hình thức hư cấu lẫn phi hư cấu. Các tác phẩm hoàn chỉnh về mặt triết lý và nổi tiếng nhất trong số đó là Atlas Shrugged và Suối nguồn. Triết lý của bà đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ các học giả và các trí thức công, cũng như có một sự hấp dẫn rộng rãi.
Cuộc đời
Cuộc đời của Ayn Rand cũng sinh động như những người anh hùng trong các cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất của bà, Suối nguồn và Atlas Shrugged. Rand lần đầu tiên làm nên tên tuổi của mình với tư cách là một tiểu thuyết gia, thông qua việc xuất bản tác phẩm We the Living vào năm 1936, rồi sau đó là Suối nguồn vào năm 1943, và tác phẩm lớn của bà Atlas Shrugged vào năm 1957. Những tiểu thuyết triết lý này chứa đựng các chủ đề mà sau đó bà sẽ phát triển với hình thức phi hư cấu trong một loạt bài tiểu luận và các cuốn sách được viết trong những năm 1960 và 1970.
Sinh ra tại St. Petersburg, Nga, vào ngày 2 Tháng 2 năm 1905, Rand được nuôi dưỡng trong một gia đình trung lưu. Khi còn là một đứa trẻ, bà yêu thích kể chuyện, và lúc chín tuổi bà đã quyết định trở thành một nhà văn. Ở trường, bà đã cho thấy những triển vọng học hành, đặc biệt là ở môn toán. Gia đình bà đã bị tàn phá bởi cuộc cách mạng cộng sản năm 1917: bởi cả các biến động xã hội mà cuộc cách mạng và cuộc nội chiến sau đó mang lại lẫn bởi hiệu thuốc của cha bà bị Xô viết tịch thu. Gia đình bà chuyển đến Crimea để khôi phục về mặt tài chính và để thoát khỏi sự khắc nghiệt mà cuộc cách mạng mang đến St. Petersburg. Sau đó họ trở về Petrograd (tên mới của St. Petersburg do những người Xô viết đặt), ở đây Rand theo học đại học.
Tại Đại học Petrograd, Rand tập trung nghiên cứu về lịch sử, thứ đến là triết học và văn học. Ở đây, bà gặp phải khó khăn do sự thống trị của các ý tưởng cộng sản cũng như các chính sách mạnh tay nhằm đàn áp sự tự do nghiên cứu và thảo luận.
Sau khi nghiên cứu lịch sử và chính trị Mỹ ở trường đại học, và do từ lâu đã là một người hâm mộ kịch, âm nhạc và phim truyện Phương tây, bà đã trở thành một người hâm mộ cho chủ nghĩa cá nhân Mỹ, về cả sức sống lẫn sự lạc quan của nó, và bà thấy nó đối lập với chủ nghĩa tập thể, sự suy tàn, và ảm đạm của Nga. Tuy nhiên, do không tin rằng trong chế độ Xô viết bà sẽ được tự do viết các loại sách mà bà muốn viết, nên bà quyết tâm rời khỏi nước Nga và đi đến Mỹ.
Rand tốt nghiệp trường Đại học của Petrograd vào năm 1924. Sau đó bà đăng kí theo học tại State Institute for Cinema Arts để nghiên cứu về việc viết kịch bản. Năm 1925, bà đã nhận được sự cho phép của chính quyền Xô Viết rời khỏi đất nước để thăm người thân tại Hoa Kỳ. Chuyến thăm của bà được cho phép trong một thời hạn rất ngắn; tuy nhiên, Rand đã quyết định không trở về Liên Xô.
Sau nhiều điểm dừng ở các thành phố ở Tây Âu, Rand đã tới thành phố New York vào tháng 2 năm 1926. Từ New York, bà đi tới Chicago, Illinois, ở đó bà đã dành sáu tháng để sống với người thân, học tiếng Anh, và phát triển các ý tưởng cho những câu chuyện và bộ phim. Bà đã quyết định trở thành một nhà biên kịch, và sau khi đã được gia hạn thị thực, bà đến Hollywood, California.
Vào ngày thứ hai của Rand ở Hollywood, một sự kiện xảy ra và có một ảnh hưởng lớn đến tương lai của bà. Bà bị Cecil B. DeMille (lúc đó là một trong các đạo diễn hàng đầu của Hollywood) làm bẩn, khi đang đứng tại cổng trường quay của ông. Bà đã nhận ra ông khi ông đi ngang qua trong chiếc xe của mình, và ông thấy bà đang nhìn chằm chằm vào mình. Ông dừng lại hỏi tại sao bà nhìn chằm chằm, và Rand giải thích rằng bà vừa mới đến từ Nga, rằng từ lâu bà rất đam mê các bộ phim của Hollywood, và rằng bà mơ ước trở thành một nhà biên kịch. DeMille lúc đó đang sản xuất bộ phim "The King of Kings", và cho bà đi xe đến chỗ trường quy của ông và thuê bà đóng một vai phụ. Sau đó, trong tuần thứ hai tại trường quay của DeMille, một sự kiện quan trọng đã xảy ra: Rand gặp Frank O'Connor, một diễn viên trẻ cũng làm việc như một diễn viên phụ. Rand và O'Connor đã kết hôn vào năm 1929, họ sống với nhau trong năm mươi năm cho đến khi ông qua đời vào năm 1979.
Rand cũng làm việc cho DeMille với tư cách là một người đọc kịch bản, và cố gắng đảm bảo về mặt tài chính trong khi viết các tác phẩm riêng của mình. Bà cũng đã làm nhiều công việc khác cho đến năm 1932 khi bán được kịch bản phim đầu tiên của mình, "Red Pawn" cho Universal Studios. Cũng vào năm 1932 vở kịch đầu tiên của bà, "Night of January 16th "được sản xuất ở Hollywood và sau đó ở Broadway.
Rand đã làm việc trong nhiều năm cho cuốn tiểu thuyết quan trọng đầu tiên của mình, We the Living, và hoàn thành vào năm 1933. Tuy nhiên, trong nhiều năm nó đã bị từ chối bởi các nhà xuất bản khác nhau, cho đến năm 1936 nó đã được xuất bản bởi Macmillan ở Mỹ và Cassell ở Anh. Rand mô tả We the Living là có tính tự truyện nhất trong số các tiểu thuyết của bà, chủ đề của nó là sự tàn bạo của cuộc sống dưới chế độ cộng sản ở Nga. We the Living không nhận được một phản hồi tích cực từ các nhà phê bình và trí thức Mỹ. Nó được xuất bản trong những năm 1930, một thập kỷ đôi khi được gọi là "Thập kỷ Đỏ", trong đó các trí thức Mỹ thường ủng hộ Cộng sản và, rất tôn trọng và ngưỡng mộ của các thử nghiệm của Liên Xô.
Dự án lớn tiếp theo Rand là The Fountainhead, mà bà đã bắt đầu vào năm 1935. Trong khi chủ đề của We the Living là chính trị, thì chủ đề của The Fountainhead là đạo đức, tập trung vào các chủ đề của chủ nghĩa cá nhân như tính độc lập và sự liêm chính. Nhân vật anh hùng của cuốn tiểu thuyết, kiến trúc sư Howard Roark, là hiện thân về một con người lý tưởng của bà, một người sống nguyên tắc và anh hùng theo đuổi các thành tựu.
Cũng như We the Living, Rand đã gặp khó khăn trong việc xuất bản The Fountainhead. Mười hai nhà xuất bản từ chối nó trước khi được xuất bản bởi Bobbs-Merrill vào năm 1943. Một lần nữa nó đã không được đón nhận bởi các nhà phê bình và các trí thức, tuy nhiên tiểu thuyết đã trở thành cuốn sách bán chạy, chủ yếu thông qua sự giới thiệu miệng. The Fountainhead làm Rand nổi tiếng như một một người ủng hộ cho các lý tưởng cá nhân chủ nghĩa, và việc tác phẩm bán chạy đã mang lại cho bà sự đảm bảo về mặt tài chính. Warner Brothers sản xuất một bộ phim dựa trên cuốn tiểu thuyết vào năm 1949, với các diễn viên nối tiếng Gary Cooper và Patricia Neal, trong đó Rand là người viết kịch bản.
Năm 1946, Rand bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết tham vọng nhất của bà, Atlas Shrugged. Lúc đó bà đang làm việc bán thời gian với tư cách là nhà biên kịch cho nhà sản xuất Hal Wallis. Năm 1951, bà và chồng chuyển đến thành phố New York, nơi bà bắt đầu dành toàn bộ thời giản để viết Atlas. Được xuất bản bởi Random House vào năm 1957, Atlas Shrugged là sự trình bày đầy đủ nhất quan điểm văn chương và triết lý của bà.
Atlas Shrugged ngay lập tức là một tác phẩm best-seller và là tác phẩm hư cấu cuối cùng của Rand. Các tiểu thuyết của bà trình bày về các chủ đề triết học, mặc dù Rand coi mình chủ yếu là một tiểu thuyết gia và chỉ là một triết gia không chuyên. Việc tạo ra các âm mưu và các nhân vật và kịch hóa những thành tựu và những xung đột là mục đích chính của bà khi viết các tác phẩm hư cấu, thay vì trình bày theo kiểu trừu tượng và mô phạm các chủ đề triết học.
Tuy nhiên, The Fountainhead (Suối nguồn) và Atlas Shrugged đã thu hút nhiều nhiều độc giả đến với Rand, những người quan tâm mạnh mẽ đến những ý tưởng triết lý mà tiểu thuyết thể hiện và thúc đẩy họ theo đuổi. Trong số những độc giả sớm nhất tìm đến với Rand, có một số một người mà Rand kết bạn, và sau này trở nên nổi tiếng đó là nhà tâm lý học Nathaniel Branden và nhà kinh tế Alan Greenspan, sau này là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang. Sự tương tác của bà với những người này và một số cá nhân quan trọng khác là một phần nguyên nhân khiến Rand chuyển từ tiểu thuyết hư cấu đến các tác phẩm phi hư cấu nhằm phát triển triết lý của mình một cách có hệ thống hơn.
Từ năm 1962 đến năm 1976, Rand viết và giảng về triết lý của mình, mà bây giờ có tên là "Chủ nghĩa khách quan". Các tiểu luận của bà trong thời kỳ này chủ yếu được xuất bản trong một loạt các ấn phẩm định kỳ, The Objectivist Newsletter, từ năm 1962-1965, The Objectivist, từ năm 1966-1971, và sau đó The Ayn Rand Letter, từ năm
1971-1976. Các tiểu luận được viết cho các tạp chí định kì này tạo thành cốt lõi của một seri chín quyển sách phi hư cấu được xuất bản trong khi Rand còn sống. Những cuốn sách này phát triển triết lý của Rand trong tất cả các chủ đề chính của nó và áp dụng vào các vấn đề văn hóa. Có lẽ quan trọng nhất trong những cuốn sách này là tác phẩm The Virtue of Selfishness, trong đó phát triển lý thuyết đạo đức của bà, chủ nghĩa tư bản: The Unknown Ideal, phát triển lý thuyết về chính trị và kinh tế: Introduction to Objectivist Epistemology, trình bày một cách hệ thống lý thuyết về các khái niệm của bà: và The Romantic Manifesto, lý thuyết về mỹ học.
Trong những năm 1960 mối quan hệ chuyên nghiệp quan trọng nhất của Rand là với Nathaniel Branden. Branden, tác giả của tác phẩm The Psychology of Self-Esteem và sau này được biết đến như một nhà lãnh đạo của phong trào self-esteem trong tâm lý học, đã viết nhiều tiểu luận về các chủ đề triết học và tâm lý, và chúng được xuất bản trong các cuốn sách và tạp chính định kì của Rand. Ông là người sáng lập và đứng đầu Viện Branden Nathaniel (N.B.I), một viện Chủ nghĩa khách quan hàng đầu của những năm 1960. Đặt trụ sở tại thành phố New York, N.B.I. xuất bản với sự chấp thuận của Rand rất nhiều tạp chí và cuốn sách móng về Chủ nghĩa khách quan, và thực hiện một loạt bài giảng tại New York. Sự phát triển nhanh chóng của N.B.I. và phong trào Khách quan dừng lại vào năm 1968 khi, vì cả hai lý do chuyên môn lẫn cá nhân, Rand và Branden ai đi đường lấy.
Rand tiếp tục viết và giảng dạy một cho đến khi bà ngừng xuất bản The Ayn Rand Letter vào năm 1976. Sau đó bà viết và giảng ít hơn khi sức khỏe của chồng trở nên suy giảm, dẫn đến cái chết của ông vào năm 1979, và khi sức khỏe của chính bà bắt đầu suy giảm. Rand qua đời vào ngày 06 tháng 3 năm 1982, trong căn hộ của mình ở thành phố New York.
Lý thuyết đạo đức của Rand: Đức hạnh của sự vị kỷ
Tiêu đề khiêu khích Đức hạnh của sự vị kỉ của Ayn Rand phù hợp với một luận đề khiêu khích tương tự về đạo đức. Đạo đức truyền thống luôn luôn nghi ngờ sự tư lợi, lên án các hành động vô đạo đức vốn được thúc đẩy bởi sự tư lợi, cũng như ca ngợi các hành động vị tha. Theo quan điểm truyền thống, một người tư lợi sẽ không cân nhắc lợi ích của người khác và do đó sẽ coi thường hoặc gây tổn hại cho những lợi ích này khi theo đuổi lợi ích của riêng mình.
Quan điểm của Rand là điều ngược lại mới đúng: sự tư lợi, khi được hiểu đúng, phải là tiêu chuẩn của đạo đức và sự vị tha là sự vô đạo đức sâu sắc nhất.
Theo Rand, sự tư lợi được hiểu đúng, là xem mình như là một mục đích tự thân. Nghĩa là cuộc sống và hạnh phúc của mình là các giá trị cao nhất của mình, và mình không tồn tại như một người đầy tớ hay nô lệ cho lợi ích của người khác. Và không ai tồn tại như một người đầy tớ hay nô lệ cho lợi ích của riêng mình. Cuộc sống và hạnh phúc của mỗi người là mục đích cuối cùng của anh ta. Sự tư lợi được hiểu đúng cũng đòi hỏi sự tự chịu trách nhiệm: cuộc sống của mình là của riêng mình, và vì vậy đó là trách nhiệm của mình để duy trì và nâng cao nó. Đó là tùy thuộc vào mỗi người trong chúng ta để xác định đâu là các giá trị mà cuộc sống của chúng ta đòi hỏi, làm thế nào tốt nhất để đạt được những giá trị đó, và hành động để đạt được những giá trị đó.
Đạo đức học về sự tư lợi của Rand là không thể tách rời với sự ủng hộ của bà cho chủ nghĩa tự do cổ điển. Chủ nghĩa tự do cổ điển, thường được gọi là "chủ nghĩa tự do cá nhân" trong thế kỷ 20, là quan điểm cho rằng cá nhân phải được tự do theo đuổi lợi ích riêng của họ. Về mặt chính trị, điều này ngụ ý rằng các chính phủ phải bị giới hạn để đảm bảo cho sự tự do của cá nhân khi làm như vậy (theo đuổi lợi ích riêng của họ). Nói cách khác, tính hợp pháp đạo đức của sự tư lợi ngụ ý rằng cá nhân có quyền đối với cuộc sống, sự tự do, tài sản, và việc theo đuổi hạnh phúc riêng của họ, và rằng mục đích của chính quyền là bảo vệ các quyền này. Về mặt kinh tế, việc để cho cá nhân tự do theo đuổi lợi ích riêng của họ một lần nữa ngụ ý rằng chỉ một mình hệ thống kinh tế tư bản hay thị trường tự do mới là đạo đức: các cá nhân tự do sẽ sử dụng thời gian, tiền bạc và tài sản khác của họ như họ thấy phù hợp, và sẽ tương tác và trao đổi tự nguyện với người vì lợi ích tương hỗ của họ.
Lý tính và đạo đức
Về cơ bản, phương tiện mà nhờ đó chúng ta sống cuộc sống của chúng ta với tư cách là con người, là lý tính. Khả năng duy lý là những gì cho phép chúng ta tồn tại và phát triển. Khi sinh ra chúng ta không biết điều gì là tốt cho chúng ta; đó là điều mà chúng ta phải học. Khi chúng ta sinh ra chúng ta không thể biết làm thế nào để đạt được những thứ tốt cho chúng ta; đó cũng là điều mà chúng ta phải học. Đó là thông qua lý tính mà chúng ta biết đâu là thực phầm và đâu là chất độc hại, những loài động vật nào hữu ích hoặc nguy hiểm đối với chúng ta, làm thế nào để tạo ra các công cụ, hình thức tổ chức xã hội nào hiệu quả, và vân vân.
Do đó, Rand ủng hộ sự tư lợi duy lý: lợi ích của một người không phải là bất cứ điều gì mà một người tình cờ cảm thấy thích; thay vì đó, chính nhờ lý tính mà một người xác định những gì là lợi ích của mình và những gì không. Bằng cách sử dụng lý tính ta đưa vào trong tính toàn tất cả các yếu tố mà ta có thể biết, dự đoán các hậu quả của các tiến trình hành động khả dĩ, và áp dụng các chính sách hành động một cách có nguyên tắc.
Các chính sách có nguyên tắc mà một người áp dụng được gọi là các đức hạnh. Một đức hạnh là một đặc trưng có được do tự tạo ra; nó là hệ quả từ việc xác định đâu là một chính sách tốt và cam kết hành động nhất quán theo chính sách đó.
Một đức hạnh là duy lý: coi việc sử dụng lý tính như là một sự tốt lành căn bản, và cam kết hành động theo lý tính là đức hạnh duy lý. Một đức hạnh khác là sản suất: cho rằng các giá trị mà ta cần để tồn tại phải được tạo ra, và cam kết tạo ra những giá trị đó là đức hạnh sản xuất. Một đức hạnh khác nữa là sự trung thực: cho rằng sự thật là sự thật và cho rằng cuộc sống của ta phụ thuộc vào việc hiểu biết và hành động phù hợp với sự thật, và cam kết với sự thật là đức hạnh trung thực.
Sự độc lập và toàn vẹn cũng là đức hạnh cốt lõi trong giải thích của Rand về sự tư lợi. Cho rằng ta phải suy nghĩ và hành động dựa trên những nỗ lực của chính mình, và cam kết với chính sách hành động độc lập là một đức hạnh. Và cho rằng mọi người phải xác định đâu là lợi ích của mình và hành động để đạt được chúng, và một chính sách cam kết hành động trên cơ sở niềm tin của ta là đức hạnh toàn vẹn. Các chính sách trái ngược, với việc tin một điều và làm một điều khác là một sự xấu xa đạo đức giả; và theo quan điểm của Rand đạo đức giả là một hành vi tự phá hoại.
Công bằng là một đức hạnh từ lợi cốt lõi khác: theo giải thích của Rand, công bằng có nghĩa là một chính sách phán quyết về con người, bao gồm cả bản thân mình, theo các giá trị và hành động của họ. Chính sách đối lập, với việc trao cho con người nhiều hơn hoặc ít hơn những gì họ xứng đáng là không công bằng. Đức hạnh cuối cùng trong danh sách của Rand là sự tự hào, theo lời của Rand, đó là chính sách với "tham vọng đạo đức". Điều này có nghĩa là một chính sách mà cam kết làm cho chính tôi trở thành người tốt nhất có thể, định hình tính cách của tôi tới mức cao nhất có thể.
Tóm lại, theo giải thích của Rand, người đạo đức là người hành động và cam kết hành động theo sự tự lợi ích tốt nhất của mình. Đó là bởi sống theo đạo đức tư lợi mà ta tồn tại, thịnh vượng, và đạt được hạnh phúc.
Hiện nay giải thích này về sự tư lợi là một quan điểm thiểu số. Quan điểm trái ngược thường xem sự tư lợi tương phản với đạo đức, cho rằng một người là đạo đức chỉ khi anh ta hy sinh sự tư lợi của bản thân cho lợi ích của người khác, hay ôn hòa hơn, khi chủ yếu hành động vì lợi ích của người khác. Ví dụ, phiên bản đạo đức chuẩn cho rằng một người là đạo đức khi anh ta đặt lợi ích của mình sang một bên để phục vụ Chúa, hay kẻ yếu và người nghèo, hay xã hội. Theo các giải thích này, lợi ích của Chúa, người nghèo, hoặc toàn xã hội được cho là có ý nghĩa đạo đức lớn hơn so với lợi ích của cá nhân người đó, và do đó một cách đúng đắn thì lợi ích cá nhân của người đó sẽ phải hy sinh khi cần thiết. Do đó, lý thuyết đạo đức vị tha này tin rằng ta nên xem mình về cơ bản như là một tôi tớ, tồn tại để phục vụ lợi ích của người khác, mà không phải là lợi ích của chính mình. "Sự phục vụ vị tha cho những người khác" hay "sự hy sinh quên mình" là những cụm từ mà cách giải thích này dùng để chỉ các hành động và động cơ đúng đắn.
Sự khác biệt cốt lõi giữa quan điểm tư lợi của Rand và quan điểm vị tha có thể được nhìn thấy trong lý do tại sao hầu hết những người ủng hộ sự vị tha nghĩ sự tư lợi là xấu xa, đó là: sự xung đột lợi ích.
Xung đột lợi ích
Đạo đức truyền thống xem sự xung đột lợi ích là cố hữu trong sự tồn tại của con người, và coi đạo đức là giải pháp: các nguyên tắc đạo đức cơ bản sẽ cho chúng ta biết lợi ích của ai nên phải hy sinh để giải quyết xung đột. Ví dụ, nếu có một sự xung đột căn bản giữa những gì Thượng đế muốn và những gì con người muốn, thì đạo đức tôn giáo sẽ đưa ra một nguyên tắc căn bản là ước muốn của con người cần phải hy sinh cho ước muốn của Thượng đế. Nếu có một sự xung đột căn bản giữa những gì xã hội cần và những gì cá nhân muốn, thì một số phiên bản đạo đức thế tục sẽ đưa ra một nguyên tắc căn bản là mong muốn của cá nhân cần phải hy sinh cho nhu cầu của xã hội.
Việc coi sự xung đột lợi ích là cố hữu hầu như luôn luôn bắt nguồn từ một trong hai niềm tin: đó là bản chất con người về cơ bản là mang tính phá hoại, hoặc là các nguồn lực kinh tế là khan hiếm. Nếu bản chất của con người về cơ bản là mang tính phá hoại, thì con người tất yếu xung đột với nhau. Nhiều triết lý đạo đức bắt đầu từ tiền đề này - ví dụ, huyền thoại về Gyges của Plato, giải thích của người Do Thái và Kitô giáo về Tội lỗi tổ tông, hay giải thích của Freud về id. Nếu những gì mà cá nhân từ bản chất muốn làm với nhau là hãm hiếp, trộm cướp, và giếp chóc, thì để có một xã hội những ham muốn cá nhân này cần phải bị hy sinh. Do đó, một nguyên tắc cơ bản của đạo đức là thúc giục cá nhân kìm chế những ham muốn tự nhiên của mình để xã hội có thể tồn tại. Nói cách khác, tự lợi là kẻ thù, và phải hy sinh cho những thứ khác.
Nếu nguồn lực kinh tế là khan hiếm, thì sẽ không đủ cho tất cả. Sự khan hiếm này đó đặt con người vào trong một cuộc xung đột căn bản với nhau: vì để thỏa mãn nhu cầu của người này, thì nhu cầu của người khác phải hy sinh. Nhiều triết lý đạo đức bắt đầu với tiền đề này. Ví dụ, những người theo sau lý thuyết của Thomas Malthus tin rằng tốc độ tăng trưởng dân số vượt xa tốc độ tăng trưởng lương thực. Giải thích của Mác về xã hội tư bản là sự cạnh tranh tàn bạo dẫn đến việc khai thác của một số người đối với người khác. Garret Hardin sử dụng ví dụ thuyền cứu sinh để bảo chúng ta tưởng tượng rằng xã hội giống như một chiếc thuyền cứu sinh với nhiều người hơn mà nó có thể chứa. Và như vậy để giải quyết sự cạnh tranh chết chóc này do việc thiếu nguồn lực gây ra, một nguyên tắc cơ bản của đạo đức là thúc giục các cá nhân phải hy sinh lợi ích của mình để những người khác có thể đạt được nhiều hơn và xã hội có thể tồn tại một cách hòa bình. Nói cách khác, trong tình trạng khan hiếm sự tư lợi là kẻ thù và phải hy sinh cho những cái khác.
Rand bác bỏ cả giả thiết về sự khan hiếm nguồn tài nguyên lẫn giả thiết về cách phá hoại của bản chất con người. Con người không được sinh ra với tội lỗi hay với các mong muốn phá hoại; họ cũng không nhất thiết đạt được chúng trong quá trình phát triển đến trưởng thành. Thay vào đó con người sinh ra với Tabula Rasa ("bảng trắng"), và thông qua sự lựa chọn và hành động của mình mà ta có được tính cách và thói quen của mình. Như Rand phát biểu, "Con người là một hữu thể với một tâm hồn tự tác tạo". Việc có những ham muốn ăn sâu như ăn cắp, hãm hiếp, giết người đều là kết quả của sự phát triển sai lầm và đạt được những thói quen xấu, cũng giống như sự lười biếng kinh niên hay thói quen ăn quá nhiều đồ ăn vặt. Và cũng giống như người ta không sinh ra với sự lười biếng nhưng có thể lựa chọn để phát triển thành một người có sức sống hoặc lười nhác, một người không sinh ra với đặc tính chống lại xã hội nhưng có thể lựa chọn để phát triển thành một người hợp tác hay thích xung đột.
Theo Rand, sự khan hiếm các nguồn lực là không có cơ sở. Bằng việc sử dụng lý tính, con người có thể khám phá những nguồn lực mới và làm thế nào để sử dụng nguồn lực hiện có hiệu quả hơn, bao gồm cả tái chế lẫn làm cho quy trình sản xuất hiệu quả hơn. Ví dụ, con người đã liên tục phát hiện và phát triển các nguồn năng lượng mới, từ động vật tới gỗ, than, dầu khí, hạt nhân, mặt trời; và không có kết thúc trong tiến trình này. Ở bất kỳ thời điểm nào, các nguồn lực sẵn có là một lượng cố định, nhưng theo thời gian lượng nguồn lực liên tục được mở rộng.
Bởi vì con người là duy lý nên họ có thể sản xuất ra một lượng ngày càng tăng các hàng hóa, và như vậy lợi ích của con người về cơ bản không mâu thuẫn với nhau. Thay vào đó, Rand cho rằng điều ngược lại mới đúng: vì con người có thể và sẽ trở nên hữu ích, nên lợi ích của con người về căn bản là hài hòa với nhau. Ví dụ, việc sản xuất ngô nhiều hơn của tôi là hài hòa với việc sản xuất nhiều đậu hơn của bạn, vì cả hai chúng ta khi sản xuất và trao đổi với nhau chúng ta đều tốt hơn. Đó là tốt cho lợi ích của bạn khi tôi có thể thành công trong sản xuất nhiều ngô hơn, cũng là tốt cho lợi ích của tôi khi bạn thành công trong việc sản xuất nhiều đậu hơn.
Xung đột lợi ích có tồn tại trong một phạm vi hẹp. Ví dụ, trong một lúc nào đó có sự trạnh tranh cho một số nguồn lực, và sự cạnh tranh tạo ra người thắng và người thua. Tuy nhiên, cạnh tranh kinh tế là một hình thức hợp tác rộng lớn hơn, một cách để phân bổ các nguồn lực mà không cần đến vũ lực và bạo lực. Bởi sự cạnh tranh, các nguồn lực được phân bổ một cách hiệu quả và hòa bình, và trong dài hạn nhiều nguồn lực hơn được tạo ra. Do đó, một hệ thống kinh tế cạnh tranh là vì lợi ích bản thân của tất cả chúng ta.
Vì vậy, Rand cho rằng đạo đức vị kỉ của bà là cơ sở cho hạnh phúc và tự do của cá nhân và thịnh vượng xã hội.
Ảnh hưởng của Rand
Ảnh hưởng của những tư tưởng của Rand khó đo đếm, nhưng nó rất lớn. Tất cả những quyển sách mà bà xuất bản khi còn sống vẫn tiếp tục được in, đã bán được hơn hai mươi triệu bản, và tiếp tục bán hàng trăm nghìn bản mỗi năm. Một cuộc khảo sát được tiến hành chung bởi Library of Congress and the Book of the Month Club vào đầu những năm 1990 kêu gọi độc giả nêu tên cuốn sách ảnh hưởng nhất đến cuộc sống của họ: Atlas Shrugged chỉ đứng thứ hai sau Kinh Thánh. Các trích đoạn từ tác phẩm của Rand thường xuyên được in lại trong sách giáo khoa và các tuyển tập đại học, và một số tập được xuất bản sau khi bà mất có chứa các tác phẩm, các bài báo, và thư từ trong thời kì đầu của bà. Những người được truyền cảm hứng từ ý tưởng của bà đã xuất bản nhiều cuốn sách thuộc nhiều lĩnh vực học thuật và thành lập một số viện nghiên cứu. Đáng chú ý trong số này là Viện Cato, có trụ sở tại Washington, DC, một think tank tự do cá nhân hàng đầu trên thế giới. Rand, cùng với người đạt giải Nobel Friedrich Hayek và Milton Friedman, là những người quan trọng trong việc thu hút các thế hệ cá nhân đến với phong trào tự do cá nhân. Cũng đáng chú ý là Viện Ayn Rand, được thành lập vào năm 1985 bởi nhà triết học Leonard Peikoff và có trụ sở tại California, và The Objectivist Center, thành lập vào năm 1990 bởi nhà triết học David Kelley và có trụ sở tại New York.
Nguồn: Stephen R. C. Hicks. Ayn Alissa Rand
Link khác: http://www.iep.utm.edu/rand