Bản chất của chính phủ  (Phần 2)

Bản chất của chính phủ (Phần 2)

(Tiếp theo Phần 1)

Bây giờ điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp giữa hai cá nhân có sự bất đồng về một vụ việc mà hai bên đều tham gia?

Trong xã hội tự do, một người không bị bắt buộc phải giao dịch với người khác. Họ chỉ làm như thế trên cơ sở sự nhất trí tự nguyện, và, khi có thêm yếu tố thời gian, trên cơ sở hợp đồng. Nếu hợp đồng bị phá vỡ do quyết định tùy tiện của một người, điều đó có thể gây ra tổn hại về mặt tài chính đến mức thảm họa cho người kia, và nạn nhân sẽ không còn cách nào khác ngoài việc giữ tài sản của đối phương để đền bù thiệt hại. Nhưng ở đây, lại một lần nữa, việc sử dụng sức mạnh không thể là quyết định cá nhân của một ai. Và điều này dẫn đến một trong những chức năng quan trọng nhất và phức tạp nhất của chính phủ: chức năng làm trọng tài giải quyết các bất đồng giữa mọi người với nhau theo các luật khách quan.

Tội phạm là thiểu số nhỏ trong bất kỳ xã hội bán văn minh nào. Nhưng việc bảo vệ và cưỡng chế thực thi hợp đồng thông qua các tòa án dân sự là nhu cầu tối quan trọng của một xã hội hòa bình. Không có sự bảo vệ đó, không nền văn minh nào có thể phát triển hay được duy trì.

Không như loài vật, con người không thể tồn tại bằng cách hành động theo một loạt phản ứng tức thời. Con người phải đặt ra các mục tiêu và đạt được chúng trong một dải thời gian; anh ta phải tính toán các hành động và lập kế hoạch dài hạn cho cuộc đời mình. Trí tuệ của con người càng mẫn tiệp và kiến thức càng rộng lớn thì kế hoạch của anh ta càng có tầm xa. Nền văn minh càng cao hoặc càng phức tạp, thì càng đòi hỏi các hoạt động có tầm nhìn xa hơn, và bởi vậy đòi hỏi cả các thỏa thuận mang tính hợp đồng giữa con người với nhau cũng phải dài hạn, và nhu cầu của con người được bảo vệ an toàn trong những thỏa thuận như vậy càng cấp thiết hơn.

Thậm chí một xã hội hàng đổi hàng nguyên thủy cũng không thể vận hành được nếu một người đồng ý đổi một giạ khoai tây lấy một rổ trứng và rồi, sau khi đã nhận đủ trứng, từ chối giao khoai tây. Hãy hình dung những hành động được dẫn dắt bởi sự thất thường này sẽ mang lại hậu quả như thế nào trong một xã hội công nghiệp nơi người ta giao những hàng hóa trị giá một tỷ đôla theo hình thức bán chịu, trả dần, hay ký những hợp đồng xây các công trình hàng tỷ đôla, hay ký hợp đồng cho thuê thời hạn đến chín mươi chín năm.

Hành động đơn phương vi phạm hợp đồng gắn liền với việc sử dụng vũ lực một cách gián tiếp: về bản chất, nó là khi một người nhận các giá trị vật chất, hàng hóa hay dịch vụ, từ một người khác, sau đó từ chối thanh toán và do đó giữ hàng hóa đó bằng vũ lực (thuần túy là sự chiếm giữ vật chất), chứ không phải bằng quyền, tức là, giữ hàng hóa mà không có sự nhất trí của người chủ sở hữu. Tương tự, tội lừa đảo cũng liên quan tới việc gián tiếp sử dụng vũ lực: nó là việc đoạt lấy giá trị vật chất mà không được sự đồng ý của người chủ sở hữu, nhờ hứa hão hoặc nuốt lời hứa. Trấn lột là một biến tướng nữa của việc sử dụng vũ lực gián tiếp: đó là việc đoạt lấy các giá trị vật chất mà không phải để trao đổi lấy giá trị khác, bằng cách đe dọa dùng vũ lực, bằng bạo lực hoặc gây thương tích.

Một số trong các hành động kể trên rõ ràng là hành vi phạm tội. Những hành động khác, chẳng hạn việc đơn phương vi phạm hợp đồng, có thể không mang động cơ tội ác, nhưng do sự thiếu trách nhiệm hoặc thiếu lý trí gây ra. Chúng cũng có thể là các vấn đề phức tạp khi cả hai bên tham gia đều đòi công lý. Nhưng dù thế nào, tất cả các vấn đề như vậy đều phải được đưa ra trước những luật định khách quan và phải được giải quyết bởi một trọng tài vô tư thực thi luật pháp, tức là bởi một quan tòa (và một ban hội thẩm, trong trường hợp cần thiết).

Hãy quan sát nguyên tắc căn bản điều chỉnh công lý trong tất cả những trường hợp này: nó nói rằng không ai được phép đoạt lấy bất cứ giá trị gì từ người khác mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu, và, như một hệ quả tất yếu, rằng các quyền của con người không thể được giao phó cho một quyết định đơn phương, cho sự lựa chọn tùy tiện, cho sự phi lý trí, tính thất thường của người khác.

Về bản chất, đó là mục đích đúng đắn của một chính phủ, nhằm làm tồn tại xã hội trở thành điều khả thi đối với mọi người, bằng cách bảo vệ lợi ích và đấu tranh chống những cái xấu mà con người có thể gây ra cho nhau.

Các chức năng đúng đắn của một chính phủ được giao vào tay ba lực lượng lớn, tất cả đều liên quan tới vấn đề sử dụng sức mạnh và bảo vệ nhân quyền: cảnh sát để bảo vệ con người khỏi tội ác, các lực lượng vũ trang để bảo vệ con người khỏi các thế lực ngoại xâm, và tòa án để giải quyết tranh chấp giữa con người với nhau theo các luật khách quan.

Ba lực lượng này kéo theo nhiều vấn đề như là hệ quả tất yếu và phái sinh của chúng, và việc thực thi chúng dưới hình thức lập pháp cụ thể thì vô cùng phức tạp. Cái này thuộc về lĩnh vực của một khoa học đặc biệt: triết học về luật pháp. Nhiều sai lầm và bất đồng có thể xảy ra trong việc thực thi, nhưng điều cốt yếu ở đây là nguyên tắc cần được thực thi: các nguyên tắc phát biểu rằng mục đích của luật pháp và của chính phủ là bảo vệ các quyền cá nhân.

Ngày nay, nguyên tắc này bị quên lãng, phớt lờ và lảng tránh. Kết quả là tình trạng hiện nay của thế giới, nhân loại đi giật lùi về tình trạng vô luật pháp của một chế độ độc tài tuyệt đối, về sự tàn bạo thời nguyên thủy của việc cai trị bằng sự dã man.

Khi phản đối khuynh hướng này, một cách thiếu cân nhắc, một số người đang đặt ra câu hỏi liệu chính phủ có phải vốn bản chất là xấu xa và phải chăng vô chính phủ là hệ thống xã hội lý tưởng? Vô chính phủ, khi là một khái niệm chính trị, là một ý tưởng trừu tượng ngây thơ: vì tất cả các lý do đã thảo luận ở trên, xã hội nào thiếu vắng một chính phủ có tổ chức sẽ bị giao phó vào tay kẻ xấu đầu tiên xuất hiện, kẻ sẽ đẩy nó vào sự hỗn loạn được tạo nên từ xung đột giữa các băng nhóm. Nhưng khả năng phát sinh sự vô đạo đức của con người chưa phải là lý do duy nhất để phản đối hệ thống vô chính phủ: ngay cả một xã hội, nơi mà tất cả các thành viên đều có lý trí đầy đủ và đạo đức tốt, không phạm lỗi nào, cũng không thể hoạt động trong tình trạng vô chính phủ: bởi vì cái nhu cầu về các luật khách quan và một vị trọng tài giải quyết các bất đồng thân thiện giữa con người với nhau, chính nhu cầu đó làm cho việc thành lập một chính phủ trở thành cần thiết.

Biến thể gần đây của lý thuyết vô chính phủ đang làm mê hoặc một số người trẻ tuổi cổ súy cho tự do. Đó là cái thứ quái dị gọi là “các chính phủ cạnh tranh”. Thừa nhận những tiền đề căn bản của các nhà thống kê hiện đại, những người không nhận thấy sự khác biệt giữa chức năng của chính phủ và chức năng của các ngành sản xuất, giữa động lực và sản xuất; những người cổ súy cho quốc hữu trong kinh doanh, các nhân vật đề xướng “chính phủ cạnh tranh” nhìn vào mặt kia của đồng xu và tuyên bố rằng vì cạnh tranh có lợi như thế cho kinh doanh, nên cũng có thể áp dụng chuyện cạnh tranh cho chính phủ. Thay vì chỉ có duy nhất một chính phủ độc quyền, họ tuyên bố cần có một số chính phủ khác nhau trong cùng khu vực địa lý, cạnh tranh để giành được sự trung thành cá nhân của mỗi công dân, mỗi công dân đều được tự do “đi mua hàng” và hạ cố lui tới bất kỳ chính phủ nào anh ta chọn.

Hãy nhớ rằng kiềm chế con người bằng sức mạnh là dịch vụ duy nhất mà chính phủ phải cung cấp. Hãy tự hỏi mình xem cạnh tranh trong dịch vụ đó sẽ thành ra như thế nào.

Người ta không thể bảo lý thuyết này là mâu thuẫn khái niệm, bởi vì rõ ràng nó không cho thấy một sự thông hiểu về hai khái niệm “cạnh tranh” và “chính phủ”. Người ta cũng không thể bảo nó là một sự khái quát hóa linh hoạt, bởi vì nó không có mối liên hệ nào hoặc tham chiếu nào tới thực tiễn và không tài nào cụ thể hóa nó vào thực tiễn được, thậm chí dù chỉ một cách phác thảo hay đại khái mà thôi. Một ví dụ minh họa là đủ: giả sử ông Smith, khách hàng của Chính phủ A, ngờ rằng hàng xóm nhà bên của ông là Jones, khách hàng của Chính phủ B, đã ăn cắp của Smith. Quân của Cảnh sát A bèn đến nhà ông Jones và chạm mặt quân của Cảnh sát B, phe này tuyên bố rằng họ không chấp nhận hiệu lực của khiếu nại của ông Smith và không công nhận quyền của Chính phủ A. Chuyện gì xảy ra khi đó? Quý vị tự rút ra kết luận.

Sự phát triển của khái niệm “chính phủ” đã trải qua một quá trình lịch sử dài và quanh co. Những ý nghĩ mơ hồ về chức năng của chính phủ dường như đã tồn tại trong tất cả các xã hội có tổ chức. Những ý nghĩ ấy từng xuất hiện khi người ta nhận ra sự khác biệt ngầm (thường không tồn tại) giữa một chính phủ và một băng cướp; nhận ra vòng hào quang tôn kính và quyền lực đạo đức mà chính phủ được hưởng với tư cách người bảo vệ “luật pháp và trật tự”; nhận ra cái thực tế rằng ngay cả những nhà nước xấu xa nhất cũng thấy cần thiết phải duy trì chút vẻ bề ngoài của trật tự và công bằng giả hiệu, dù chỉ do thói quen hay do truyền thống, và phải kiếm được vài lời biện minh đạo đức cho cho quyền lực của chúng, huyền bí hoặc mang tính xã hội. Cũng giống như các vị hoàng đế Pháp phải viện đến “Quyền lực Thần thánh của Nhà Vua”, các nhà độc tài hiện đại của Liên Xô phải dốc tiền vào tuyên truyền để biện minh cho sự cai trị của họ trước những đối tượng bị họ bắt ép làm nô lệ.

Trong lịch sử nhân loại, việc hiểu được các chức năng đúng đắn của chính phủ là một thành tựu chỉ mới đạt được gần đây: cách nay 200 năm và bắt nguồn từ thời các vị tổ khai quốc của Cách mạng Mỹ. Các vị này không chỉ xác định bản chất và những đòi hỏi của một xã hội tự do, mà họ còn phát minh ra phương thức để biến nó thành thực tiễn. Một xã hội tự do, như bất kỳ sản phẩm nào của con người, không thể được tạo ra nhờ các phương thức ngẫu nhiên, hay bằng việc chỉ ngồi mơ ước, hay bằng các “mong muốn thiện tâm” của lãnh tụ. Một hệ thống pháp chế phức tạp, dựa trên các nguyên tắc có hiệu lực khách quan, là điều kiện bắt buộc phải thỏa mãn để làm cho xã hội tự do và giữ cho nó tự do, một hệ thống không phụ thuộc vào các động cơ, phẩm chất đạo đức hay mong muốn của bất kỳ một quan chức nào, một hệ thống không để một cơ hội nào, một kẽ hở luật pháp nào cho độc tài phát triển.

Hệ thống kiểm tra và cân bằng của Mỹ là một thành tựu như thế. Và mặc dù những mâu thuẫn nhất định trong Hiến pháp đã tạo kẽ hở cho sự phát triển của chế độ nhà nước trung ương tập quyền, nhưng thành tựu vô song đạt được là khái niệm hiến pháp như là phương tiện để giới hạn và kiềm chế quyền lực của chính phủ.

Ngày nay, khi thành tựu này đang bị người ta âm mưu xóa bỏ, không phải là thừa khi nhắc lại rằng Hiến pháp là sự kiềm chế đối với chính phủ, chứ không phải với các cá nhân rằng nó không quy định đạo đức của các cá nhân, mà chỉ quy định đạo đức của chính phủ, rằng nó không phải là một đặc quyền đối với chính phủ, mà là một hiến chương cho việc bảo vệ các công dân trước chính phủ.

Bây giờ hãy xem mức độ đảo lộn về đạo đức và chính trị của chính phủ ngày nay. Thay vì bảo vệ các quyền con người, chính phủ đang trở thành kẻ xâm phạm quyền con người nguy hiểm nhất; thay vì canh gác tự do, chính phủ đang xây chế độ nô lệ; thay vì bảo vệ con người khỏi những kẻ khởi xướng vũ lực, chính phủ đang khởi xướng vũ lực và áp bức theo bất kỳ cách nào và trong bất kỳ vấn đề gì nó muốn; thay vì đóng vai trò như một công cụ khách quan trong quan hệ giữa con người với con người, chính phủ đang tạo ra một triều đại ngầm, chết chóc, đầy bất trắc và đáng sợ, bằng các hình thức luật phi khách quan, mà việc diễn giải luật phụ thuộc vào những quyết định tùy tiện của các vị công chức tùy tiện; thay vì bảo vệ con người khỏi bị thương tổn bởi những cơn thất thường, chính phủ đang đòi hỏi cho nó quyền được hành xử thất thường không giới hạn, đến mức độ chúng ta đang nhanh chóng tiến đến thời kỳ đảo ngược hoàn toàn: thời kỳ mà chính phủ được tự do làm bất kỳ cái gì nó muốn, trong khi công dân chỉ có thể hành động nếu được phép; là một giai đoạn trong thời kỳ đen tối nhất của lịch sử con người, giai đoạn cai trị bằng sự dã man.

Thường khi có nhận xét cho rằng, bất chấp các tiến bộ về vật chất, nhân loại đã không đạt được một mức độ tiến bộ đáng kể nào về đạo đức. Nhận xét này thường được một vài kết luận bi quan về bản tính con người phụ họa. Quả thật, chất lượng đạo đức của nhân loại đang đi xuống một cách đáng hổ thẹn. Nhưng nếu người ta nhìn vào sự vi phạm đạo đức đầy ma quỷ của chính phủ (chính cái đức vị tha tập thể đã làm cho sự vi phạm này thành điều có thể xảy ra), mà trong phần lớn lịch sử, nhân loại đã phải sống với sự vi phạm ấy, người ta sẽ bắt đầu tự hỏi làm thế nào mà nhân loại có thể bảo tồn được, dù chỉ cái vỏ ngoài của nền văn minh, và vết tích nào của lòng tự trọng đã không bị tiêu diệt đi mất mà giúp họ đứng thẳng trên đôi chân của mình?

Người ta cũng bắt đầu nhìn thấy rõ hơn bản chất của những nguyên tắc chính trị, vốn phải được chấp nhận và cổ súy như một phần trong cuộc chiến cho sự Phục Hưng của trí tuệ con người.

 

Nguồn: Ayn Rand, Bản chất của chính phủ, Phạm Đoan Trang dịch, Nguyễn Đức Thành hiệu đính và giới thiệu, VEPR, Tác phẩm dịch DC-06, 2010

 

 

 
 

 

 
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
 
 
 
Dịch giả:
Phạm Đoan Trang
Hiệu đính:
Nguyễn Đức Thành