Hạ lãi suất - “thuốc bổ” cho doanh nghiệp?
[Toquoc - 05/09/2011] Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội cho rằng, thay vì hạ lãi suất, doanh nghiệp nên ủng hộ nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách ổn định vĩ mô, thu hẹp khu vực doanh nghiệp nhà nước…
Xung quanh tín hiệu Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay xuống mức 17%-19% trong tháng chín tới, đã có rất nhiều phản ứng trái chiều từ các chuyên gia kinh tế cũng như đại diện các hiệp hội doanh nghiệp. Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) về vấn đề này.
+ Ông có cho rằng, thông điệp hạ lãi suất sẽ là “liều thuốc bố” để các doanh nghiệp có thêm động lực chống chọi với khó khăn hiện nay?
Ông Nguyễn Đức Thành: Mỗi doanh nghiệp có một cách tiếp nhận thông điệp này khác nhau. Đây sẽ là tin vui cho phần lớn các doanh nghiệp nếu thông điệp hạ lãi suất trở thành sự thực. Vấn đề quan trọng là có làm được hay không?
Còn trong trường hợp mục tiêu không thực hiện được thì việc hạ lãi suất không còn là “liều thuốc bổ” nữa mà ngược lại, doanh nghiệp sẽ hứng chịu nhiều hậu quả do môi trường vĩ mô bị xáo trộn, những ảnh hưởng do chính sách thúc ép…Vậy là lợi bất cập hại.
Do vậy, cần phải tỉnh táo để nhìn nhận thấu đáo bản chất vấn đề rằng, liệu có cơ sở để thực hiện được việc giảm lãi suất không?
Theo quan điểm của tôi, khi thực hiện một chính sách kinh tế thì phải có cả một quá trình. Không thể một tổ chức, một cơ quan nhà nước nào đó cứ thích làm gì thì làm. Các ngân hàng muốn thực hiện việc hạ lãi suất cũng phải nhìn vào cơ sở kinh tế của việc hạ lãi suất hiện nay. Một khi cứ muốn làm thế mà trái với quy luật thị trường thì ảnh hưởng còn nặng nề hơn.
+ Thực tế là từ đầu năm tới nay đã có khoảng 30% doanh nghiệp phá sản vì lãi suất quá cao. Nếu không hạ lãi suất thì doanh nghiệp còn khó khăn hơn. Nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với lượng hàng tồn kho gấp 2,3 lần năm 2010, sản phẩm bán ra không có lãi, thậm chí lỗ. Bên cạnh đó, thời gian quay vòng vốn cũng không ngắn…
Ông Nguyễn Đức Thành:Thời điểm này đang là giai đoạn khó khăn chung của mọi nền kinh tế. Do vậy, các doanh nghiệp phải xác định tự đương đầu với khó khăn. Doanh nghiệp có thể tìm những giải pháp để vượt khó như: tiết kiệm chi tiêu, thu hẹp sản xuất…
Vẫn biết rằng các doanh nghiệp luôn mong lãi suất “càng thấp càng tốt” nhưng cần phải hiểu rằng, lãi suất không phụ thuộc vào ngân hàng, doanh nghiệp, nhà nước… mà phụ thuộc vào bối cảnh của nền kinh tế lúc này. Nếu việc thực hiện bình ổn kinh tế vĩ mô trong năm sau đạt kết quả với những chính sách tốt, lạm phát giảm, kèm theo tình hình kinh tế thế giới ổn định…thì mới có điều kiện giảm lãi suất. Ngoài ra, cũng có những chính sách, phương pháp cải tổ của ngân hàng có thể giúp cải thiện lãi suất như: tăng hiệu quả của hệ thống ngân hàng, giảm chi phí trung gian…. nhưng việc này cũng không thể thực hiện trong một sớm một chiều.
Nhìn vào thực trạng kinh tế hiện nay, tôi cho rằng, giảm lãi suất xuống 17-19% là khó thực hiện, không phù hợp do lạm phát vẫn còn cao, kinh tế vĩ mô bất ổn. Các thông điệp chính sách thì vẫn chưa đủ mới để tạo ra nguồn thông tin nhằm cải thiện kinh tế một cách ổn định trong tương lai.
+ Hạ lãi suất ở mức 17-19% rất khó. Vậy theo ông, lãi suất ở mức bao nhiêu là phù hợp?
Ông Nguyễn Đức Thành: Mức 17-19%, theo quan sát của tôi đây là những khoản vay giữa các ngân hàng nhà nước lớn cho những doanh nghiệp nhà nước lớn và độ an toàn thấp. Đây là trường hợp đặc biệt bởi có thể nói, đây là mức lãi suất thấp nhất có thể có của nền kinh tế hiện nay.
Nhìn lại toàn bộ nền kinh tế, chúng ta thấy rằng, nếu các ngân hàng cổ phần bình thường cho những doanh nghiệp tư nhân bình thường vay không có thế chấp hay bảo hộ của nhà nước thì những rủi ro kinh doanh là hoàn toàn hiện hữu.
Khi đó, vấn đề đặt ra là lãi suất bao nhiêu thì phù hợp? Rõ ràng là không thể ở mức lãi suất thấp như trên mà sẽ phải cộng thêm chi phí của ngân hàng, chi phí rủi ro của khoản vay của doanh nghiệp…khi đó, lãi suất sẽ nằm ở khoảng từ 20-24%. Đây có lẽ là mức lãi suất phù hợp từ nay đến cuối năm.
+ Một số quan điểm cho rằng, dù cho việc giảm lãi suất được thực hiện vào tháng chín tới nhưng việc tiếp cận vốn vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ không hề dễ dàng do các ngân hàng thương mại sẽ tìm cách “lách” để gây khó dễ cho doanh nghiệp? Ông có cho rằng, điều này là có thể?
Ông Nguyễn Đức Thành: Hoàn toàn có khả năng xảy ra việc này. Thị trường luôn sòng phẳng. Khi mà các ngân hàng thương mại bị ép đưa ra mức lãi suất không phù hợp thực tế thì các ngân hàng sẽ có những phản ứng như vậy. Tuy nhiên, ở đây ngân hàng không có lỗi. Bởi như tôi đã phân tích, lãi suất không phụ thuộc vào ngân hàng, doanh nghiệp, thậm chí không phụ thuộc vào Ngân hàng Nhà nước… mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố lớn hơn và cần phải xem xét trong cả một quá trình.
Giả sử Ngân hàng Nhà nước “ép một cách cứng rắn” các ngân hàng thương mại cho vay với mức lãi suất 17%-19% thì các doanh nghiệp cần phải hiểu rằng, điều này không hề có lợi cho doanh nghiệp bởi khi đó các ngân hàng thương mại sẽ tạo ra các phụ phí để thu nhập thêm cho ngân hàng. Đó là chưa kể đến ngay cả doanh nghiệp cũng sẽ khó tiếp cận vay vốn. Thành ra khi đó, các khoản vay sẽ chỉ dựa trên quan hệ cá nhân, quan hệ giữa doanh nghiệp lớn với ngân hàng …Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ khó tiếp cận với các khoản vay, buộc họ phải đi vay chợ đen…
Xét cho cùng, nếu chính sách này được thực hiện thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn đã thua thiệt sẽ lại càng thua thiệt hơn. Trong khi các doanh nghiệp lớn lại càng có cơ hội tiếp nhận vốn với lãi suất thấp từ17% -19%. Khi đó sẽ xảy ra tình trạng “méo mó” trong thị trường, bắt nguồn từ sự “méo mó” trong thị trường vốn khi mà các ngân hàng buộc bị hạ mức lãi suất cho vay dưới mức thị trường.
Do vậy, nếu doanh nghiệp tác động đến nhà nước về việc hạ lãi suất có nghĩa là doanh nghiệp đã “tự chặt vào tay mình”.
Ngoài ra, nếu Ngân hàng Nhà nước quyết tâm thực hiện hạ lãi suất thì sẽ phải bơm lượng tiền lớn cho các ngân hàng thương mại, đồng nghĩa với việc kinh tế vĩ mô sẽ bất ổn hơn trong vòng vài tháng tới, kéo theo tỷ giá biến động và lãi suất sẽ phải tăng lên rất cao để ổn định vĩ mô. Và khi đó, ngân hàng, doanh nghiệp, ngân hàng Nhà nước và cả người dân đều phải gánh chịu hậu quả.
+ Vậy theo quan điểm của ông, phương án nào tốt hơn việc hạ lãi suất hiện nay để giảm thiểu khó khăn cho các doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Đức Thành: Trong điều kiện kinh tế khó khăn thì mọi doanh nghiệp đều phải tự xoay sở. Không phải cứ khó khăn là kêu cứu Nhà nước hạ lãi suất, hỗ trợ giá…Đó chỉ là “lợi ngắn hạn và hại về lâu dài”.
Điều doanh nghiệp nên yêu cầu Nhà nước thực hiện trong giai đoạn này, đó là Nhà nước phải bình ổn kinh tế vĩ mô và thu hẹp khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Bởi trong cùng môi trường kinh doanh nhưng doanh nghiệp Nhà nước ngốn nhiều nguồn lực, được ưu đãi nhiều hơn, làm méo mó chính sách của Nhà nước. Khi nguồn lực sai lệch, thị trường cạnh tranh bị mất đi thì tất yếu sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và các doanh nghiệp khác.
Do vậy, chỉ với hai yêu cầu trên đối với Chính phủ, về lâu về dài mọi doanh nghiệp Việt Nam mới “sống” được. Đó chính là cái nhìn “sâu xa” cần thiết của doanh nghiệp trong giai đoạn này.
Thực tế, ba năm qua “điệp khúc” hạ lãi suất đã tái diễn nhiều lần, cứ doanh nghiệp đòi hạ lãi suất thì nhà nước lại đáp ứng, sau đó lại bất ổn vĩ mô và lại tăng lãi suất.
Lấy ví dụ các doanh nghiệp như những cánh tay đang chấp chới vì kiệt sức trong một bể bơi. Thay vì việc cố hết sức giơ cao tay để được cứu, hãy yêu cầu rút hết nước ở bể bơi ra để tất cả đều được cứu thoát.
+ Cám ơn ông!
Nguồn: Toquoc - 05/09/2011 - Link khác: http://vepr.org.vn/533/news-detail/433934/cap-nhat-tin-kinh-te-chinh-sach/ha-lai-suat-thuoc-bo-cho-doanh-nghiep-.html