2010: năm của những bài học về kinh nghiệm phát triển
[SGTT - 12.2010] - Năm 2010 uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức bốn cuộc hội thảo lớn: đánh giá về khả năng vượt qua khủng hoảng của nền kinh tế năm 2009 và triển vọng năm 2010; những vấn đề của mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam; ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì đà tăng trưởng; tái cơ cấu đầu tư công.
Tăng trưởng: trả giá bằng bất ổn vĩ mô
Có thể nói các cuộc hội thảo này đã tổng kết và nhận định một cách ngày càng rõ ràng và nhất quán về những vấn đề nội tại cốt tuỷ của Việt Nam: khiếm khuyết trong mô hình tăng trưởng quá chú trọng vào lượng (chỉ số tăng trưởng), dựa trên mở rộng đầu tư, mà đầu tư công đóng vai trò nòng cốt; khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa đạt được tốc độ cải cách như mong muốn, vẫn chiếm giữ một nguồn lực chi phối và gây tác động lớn đến điều kiện nền kinh tế; sự mất cân đối ngày càng trầm trọng của các cân đối vĩ mô căn bản; và cuối cùng là bất ổn vĩ mô đang trở thành một cái giá đắt phải trả cho quá trình tăng trưởng.
Hội thảo chính sách cao cấp Việt Nam hướng tới thập niên mới và giai đoạn xa hơn do viện Khoa học xã hội Việt Nam và ngân hàng Thế giới tổ chức, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ vào giữa tháng 8.2010 là một sự kiện có nhiều ý nghĩa và rất giàu ý tưởng. Trong bài trình bày chính tại hội thảo, chuyên gia kinh tế hàng đầu về Đông Á, Homi Kharas (viện Brookings, Mỹ) vạch rõ những thách thức lớn trong cải cách kinh tế – xã hội của Việt Nam nhằm tránh sa vào bẫy thu nhập trung bình trong những thập niên tới. Đó là việc chuyển từ mô hình sản xuất đa dạng hoá hiện nay sang chuyên môn hoá trong nền kinh tế toàn cầu, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên tích luỹ nguồn lực sang dựa trên các quá trình đổi mới và sáng tạo, và cuối cùng là việc quản lý nền kinh tế từ chế độ nhân trị (dựa trên quan hệ và uy tín cá nhân người lãnh đạo) sang chế độ pháp quyền (dựa trên các quy tắc ứng xử khách quan và duy lý).
Cuộc hội thảo này cũng vạch ra những rủi ro lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt, như rủi ro tín dụng trong khu vực doanh nghiệp quốc doanh được ưu đãi, bong bóng nhà đất ở những thành phố lớn, bất bình đẳng gia tăng trong nước và những ảnh hưởng từ môi trường thương mại quốc tế và hội nhập toàn cầu đã thay đổi sau khi gia nhập WTO.
Phát triển dựa trên quá trình phối hợp?
Một cuộc thảo luận mang tính khái quát cao của GS Jin Huang (Hoàng Thanh) (viện Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore) tại Hà Nội vào tháng 10.2010 về những vấn đề và thách thức nghiêm trọng hiện nay trong mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc hẳn sẽ mang lại nhiều điều đáng suy ngẫm cho Việt Nam. Vị học giả này cho rằng Trung Quốc đang đối diện với bảy vấn đề căn bản: 1) việc kiểm soát ngày càng khó hơn đội ngũ công chức và cán bộ, 2) sự phát triển không đồng đều trong nước, 3) mô hình tăng trưởng lệ thuộc quá nhiều vào mở rộng đầu tư, 4) sự phụ thuộc quá mức vào thương mại quốc tế, 5) sự mất an ninh về năng lượng, 6) môi trường đang dần bị huỷ hoại nhanh, và 7) làm sao cải cách được hệ thống chính trị xã hội hiện thời cho phù hợp với sự phát triển mới của Trung Quốc.
Cuộc thảo luận của GS Michael Porter đến từ đại học Harvard về mô hình kinh tế Việt Nam nhìn từ góc độ khả năng cạnh tranh quốc gia vào cuối tháng 11.2010 tại Hà Nội, GS Michael Porter cùng nhóm nghiên cứu đã vạch rõ điểm yếu căn bản của nền kinh tế Việt Nam là giá trị gia tăng và năng suất thấp. Mặc dù thành tựu kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu, nhưng hàng xuất khẩu chính vẫn chủ yếu là thâm dụng lao động và thâm dụng tài nguyên, đi liền với sự thiếu vắng mối liên kết trực tiếp giữa các ngành xuất khẩu. Tính bền vững của xuất khẩu Việt Nam sẽ bị đe doạ nghiêm trọng vì tính chất sử dụng lao động giá rẻ.
Bên cạnh những khuyến nghị chi tiết về các giải pháp vi mô, GS Porter nhấn mạnh đến nhu cầu cải cách thể chế quản lý kinh tế để phát hiện và thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam. Cụ thể, ông khuyến nghị Việt Nam cần chuyển từ mô hình cũ là Chính phủ dẫn dắt phát triển kinh tế thông qua các quyết định chính sách và hệ thống công cụ tạo động lực sang mô hình mới hơn là phát triển kinh tế dựa trên quá trình phối hợp giữa chính quyền các cấp, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và đào tạo cùng các tổ chức tư nhân và dân sự trong xã hội.
Nguồn: SGTT Ngày 31/12/2010 - Nguyễn Đức Thành