Ép hạ lãi suất là điều không thể
[Dân Việt - 11.2010] - Vấn đề lãi suất luôn là câu chuyện liên quan mật thiết với bài toán kiềm chế lạm phát, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia) trao đổi với phóng viên báo NTNN.
Ngân sách thâm hụt cao
Theo ông, bản chất của "cơn sốt" lãi suất những ngày vừa qua có phải do sự mất cân đối cung - cầu dòng tiền như nhiều phân tích đã nêu hay không?
- Để bắt đầu với câu chuyện lãi suất, tôi cho rằng cần phải có cách nhìn đúng sự thật. Lâu nay Chính phủ, Nhà nước vẫn chưa cắt nghĩa những nguyên nhân thật của câu chuyện lãi suất tăng cao. Nhưng dưới góc độ là một người nghiên cứu, tôi cho rằng cái gì là sự thật vẫn phải là sự thật.
Câu chuyện lãi suất cao đã diễn ra trong suốt cả năm 2010, bất chấp những chủ trương, lời kêu gọi của những tổ chức, việc hạ thấp lãi suất là hoàn toàn bất lực. Và cho đến thời điểm này, lãi suất thực sự bước vào nguy cơ tăng cao, thậm chí còn cao hơn nữa từ nay đến cuối năm.
Nguyên nhân của việc lãi suất cao xuất phát từ 2 yếu tố. Đó là trong cả năm 2009, chúng ta triển khai gói kích cầu hỗ trợ lãi suất rất mạnh mẽ. Những doanh nghiệp được hưởng chính sách này đã hấp thu và sử dụng một nguồn vốn lớn gây tác động khiến cho lãi suất và mặt bằng lãi suất tăng cao trong năm 2010.
Bởi thực chất thị trường vốn vẫn luôn trong tình trạng khan hiếm cả trong năm 2009 và 2010 nên giá đồng vốn buộc phải "đắt đỏ" hơn. Ngoài ra, việc những diễn biến, động thái của nền kinh tế khiến cho người dân, dư luận không thể tin rằng lạm phát có thể hạ, cũng là nguyên nhân khiến cho các ngân hàng buộc phải đưa mức lãi suất lên cao để bù đắp lòng tin vào đồng tiền.
Có nghĩa là nguồn vốn khan hiếm và lòng tin vào việc lạm phát khó có thể hạ, là yếu tố khiến cho lãi suất tăng cao?
- Đúng, đó là 2 nguyên nhân tôi cho là cơ bản khiến cho lãi suất buộc phải tăng cao và còn có nguy cơ tăng cao hơn nữa từ nay đến cuối năm. Nói nguồn vốn khan hiếm là do ngân sách thâm hụt cao nên buộc Nhà nước phải vay vốn trên thị trường, không lúc này thì lúc khác, vô hình chung tạo nên sự khan hiếm vốn.
Bên cạnh đó việc đầu tư cho các tập đoàn, DNNN số tiền lớn cũng tạo nên nhu cầu vốn lớn trên thị trường. Mặt khác từ đầu năm đến nay yếu tố lạm phát luôn "rình rập". Dù rằng những tháng đầu năm chỉ số giá tiêu dùng có thấp nhưng từ tháng 9 đến nay lạm phát luôn tăng rất cao.
Cộng thêm thị trường ngoại hối, tỷ giá, vàng, USD luôn biến động khó lường lại càng gây nên sức ép lên vấn đề lãi suất.
Khó, hay không thể?
Vậy có khả năng nào cho việc giảm lãi suất trong thời gian tới hay không?
- Tôi muốn làm rõ một quan điểm ở đây rằng: Mặt bằng lãi suất trong tương lai gần không có cơ sở nào để hạ. Nói như vậy để dư luận không nên gây sức ép lên các cơ quan quản lý và bản thân các doanh nghiệp cũng không nên kỳ vọng.
Nếu việc hạ lãi suất cứ phải cố làm sẽ chỉ gây méo mó thêm thị trường tiền tệ. Tất nhiên, việc có mức lãi suất thấp thì nền kinh tế mới lành mạnh. Nhưng những yếu tố để hạ lãi suất đều không có.
Như ông nói thì chuyện hạ lãi suất là bất khả thi?
- Tôi nghĩ là cơ hội để NHNN can thiệp vào việc hạ lãi suất là không nhiều nếu không muốn nói là không có. Cá nhân tôi nhìn nhận rằng câu chuyện lãi suất cao trong năm 2010 và đặc biệt trong thời gian gần đây là hệ quả của những chính sách của ta trong nhiều năm trước đó.
Bởi vì để tăng hay hạ lãi suất cần phải có thời gian đủ dài để những chính sách điều tiết mới có thể tác động đến.
Tuy nhiên, tôi cho rằng mặc dù trong ngắn hạn khó có cơ hội để hạ lãi suất nhưng vẫn cần triển khai những biện pháp tích cực như: Ngân sách hạn chế vay mượn hơn, lạm phát phải được giảm xuống một cách thực sự chứ không phải bằng lời nói, thâm hụt thương mại cần phải được cân đối…
Để có thể hạn chế thâm hụt ngân sách, chỉ có 2 cách, một là bơm USD (việc này hiện tại mình không có điều kiện để làm) và hai là tăng lãi suất. Như vậy rõ ràng chúng ta đang không có nhiều sự lựa chọn.
Riêng tôi cho rằng các phương án khác mà lâu nay chúng ta vẫn dùng như "kêu gọi đồng thuận", chỉ đạo bằng biện pháp hành chính thực chất là sự liên kết độc quyền. "Đồng thuận hạ lãi suất" thực chất là sự "dìm hàng" đồng vốn của người có tiền cho vay.
Muốn giải quyết bài toán hạ lãi suất, như tôi đã nói ở trên, không có cách gì khác là phải từ gốc, từ những chính sách kinh tế vĩ mô và quan trọng là phải dành thời gian cho nó "thấm" chứ không thể nói hạ là hạ, nói tăng là tăng được.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Dân Việt - 22.10.2010, link khác: http://vepr.org.vn/533/news-detail/433983/cap-nhat-tin-kinh-te-chinh-sach/ep-ha-lai-suat-la-dieu-khong-the.html