Công khai nguyên nhân lỗ các tập đoàn
[Tuổi trẻ online - 05/09/2011] Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các tập đoàn lỗ là chuyện không mới. Tuy nhiên, kết quả vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố, theo TS Nguyễn Đức Thành - giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội), cần phân tích sâu hơn để có giải pháp phù hợp.
Ông Thành nói:
- Trước tiên, theo tôi, với các DNNN và cả doanh nghiệp tư nhân, việc năm nay lãi, sang năm thua lỗ là bình thường do những khó khăn như khủng hoảng kinh tế, thị trường bị thu hẹp hay những vấn đề khác về vốn, lãi suất, chậm tiến độ, đối tác không giải ngân khiến quá trình xây dựng kéo dài... Tuy nhiên, tôi cho rằng việc có nhiều vấn đề trong kết quả kiểm toán một lần nữa chứng minh quá trình cải cách DNNN là không thể đảo ngược và không nên chậm trễ.
* Thưa ông, các tổng công ty thua lỗ đều có lợi thế kinh doanh khá lớn nên khi có kết quả kiểm toán, các cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm?
- Tôi cho rằng việc xem xét kỹ nguyên nhân thua lỗ là cần thiết. Chúng ta cần nắm rõ các nguyên nhân khiến các doanh nghiệp có vốn nhà nước đó đi xuống. Tuy nhiên, việc kết luận ngay trách nhiệm cá nhân hoặc tái cơ cấu là vội vã. Như Tổng công ty Bưu chính, tôi nghĩ do đặc thù thời cuộc, việc họ lỗ là có thể hiểu được và điều cần thiết là xem lại những điểm mạnh, điểm yếu để có biện pháp tăng năng lực cho doanh nghiệp.
Nhưng Tổng công ty xây dựng Sông Hồng lỗ thì cũng cần xem xét lại. Các DNNN đều có lý do khi thua lỗ, trong đó có nhiều lý do khách quan. Nên theo tôi, vấn đề là cần công khai hơn nữa xem các tổng công ty lỗ có lý do trách nhiệm không cao, quản trị doanh nghiệp, sử dụng vốn không tốt... hay không. Cần làm rõ hơn các nguyên nhân, từ đó mới có thể đề ra các biện pháp điều chỉnh, tái cơ cấu kịp thời, chính xác.
* Nhà nước cần cảnh giác trước những khoản lỗ của các DNNN bởi tình hình có thể còn phức tạp hơn các con số rất nhiều?
- Việc các tổng công ty lớn thua lỗ theo kết quả kiểm toán thêm một bằng chứng nữa về hiệu quả của các DNNN. Tôi cho rằng việc Nhà nước tái cơ cấu, bán bớt cổ phần nhà nước tại một số doanh nghiệp sẽ không chỉ giúp Nhà nước có thêm tiền đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết hơn, doanh nghiệp phải năng động hơn, mà điều quan trọng là qua đó Nhà nước giảm bớt rủi ro cho mình trong tương lai. Việc các nhà máy ximăng thua lỗ, nhiều khả năng Nhà nước phải đứng ra trả nợ là một ví dụ. Tiền nhà nước không thể cứ đem đi tài trợ cho các doanh nghiệp được.
* Chúng ta phải làm gì để tránh tình trạng có kết quả kiểm toán mới giật mình về những thông tin thua lỗ từ các tập đoàn? Lúc đó mới đưa ra tái cơ cấu thì đã muộn, đã thiệt hại rồi.
- Tôi cho rằng việc cải cách, tái cơ cấu các DNNN cần là quá trình liên tục và không ngừng nghỉ. Đối tượng tái cơ cấu không nên chỉ là các doanh nghiệp đã thua lỗ hoặc có dấu hiệu yếu kém, mất vốn nhà nước mà phải gồm cả những doanh nghiệp đang có lãi, đang hoạt động bình thường. Nhiều DNNN đang phát triển nhờ những lợi thế lớn như lĩnh vực độc quyền, lợi thế đất đai, nguồn lực... Trong điều kiện thuận lợi như thế, họ không để lộ ra những yếu kém, thậm chí phát triển mạnh, chèn ép cả khả năng phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, khi những vấn đề mới bộc lộ các DNNN thường khó chống chọi lại các biến động mạnh. Vì vậy, cần chủ động tăng hiệu quả DNNN trước một thế giới đang thay đổi, nhiều khó khăn và biến động. Thị trường đang đòi hỏi nhiều trách nhiệm, kỹ năng, năng lực mà nhiều DNNN chưa đáp ứng nổi. Muốn không giật mình cần phải để các doanh nghiệp vào cuộc cạnh tranh sòng phẳng nhằm tăng năng lực và luôn ở thế sẵn sàng trước các biến động.
* Cải cách DNNN cũng là yếu tố then chốt để tăng tính bình đẳng, đưa VN vào quỹ đạo tăng trưởng mới?
- Điều này là chắc chắn. Các DNNN cần phải được tách khỏi sự liên kết chặt chẽ với các bộ ngành và những ưu đãi. Cần tránh tối đa sự ủng hộ, bảo lãnh nợ của các bộ với các DNNN. Chúng ta đang coi những điều trên bình thường. Trong khi tôi cho điều đó cần được coi là rất không bình thường, bởi khu vực có hiệu quả cao hơn phải có những thuận lợi ít nhất tương đương với khu vực DNNN.
VN có đặc thù về sự phát triển của các DNNN và nó liên quan rất nhiều đến môi trường kinh doanh bình đẳng, đến khả năng bị chèn ép, giảm cơ hội phát triển của khu vực ngoài quốc doanh.
Vốn FDI đã có dấu hiệu chuyển từ VN sang các nước khác trong khu vực có môi trường kinh doanh tốt hơn. Nếu bị tách ra khỏi quỹ đạo tăng trưởng, tính hấp dẫn của khu vực, VN sẽ bị bỏ lại. Hệ quả dễ thấy và có thể đang diễn ra là tốc độ tăng trưởng chậm lại, những mâu thuẫn xã hội tích tụ.
Ngoài ra, khi không còn hấp dẫn các luồng đầu tư, VN sẽ phải đối mặt với khả năng phụ thuộc nhiều hơn vào vốn các nhà đầu tư lớn, giá rẻ, điển hình là Trung Quốc. Đây là điều rất phức tạp và lâu dài...
Nguồn: tuổi trẻ online - 05/09/2011 - Link khác: http://vepr.org.vn/533/news-detail/433935/cap-nhat-tin-kinh-te-chinh-sach/cong-khai-nguyen-nhan-lo-cac-tap-doan.html