[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương I: Rất gần nhau mà rất khác nhau (Phần 2)
TỪ CAJAMARCA…
Các cuộc thám hiểm của de Solís, de Mendoza và de Ayolas được tiến hành theo dấu chân của những cuộc thám hiểm nổi tiếng hơn sau khi Christopher Columbus lần đầu tiên nhìn thấy một trong những hòn đảo của quần đảo Bahamas vào ngày 12/10/1492. Quá trình bành trướng và thuộc địa hóa châu Mỹ của người Tây Ban Nha bắt đầu một cách nghiêm túc bằng việc thâm nhập Mexico của Hernán Cortés vào năm 1519, đoàn thám hiểm Francisco Pizarro đến Peru một thập niên rưỡi sau đó, và đoàn thám hiểm của Pedro de Mendoza đến Río de la Plata chỉ hai năm sau. Suốt một thế kỷ tiếp theo, Tây Ban Nha chinh phục và thuộc địa hóa hầu hết miền trung, tây và nam Nam Mỹ, trong khi Bồ Đào Nha chiếm lĩnh từ Brazil cho đến miền đông.
Chiến lược thuộc địa hóa của Tây Ban Nha hết sức hữu hiệu. Chiến lược đó được Cortés hoàn thành trước tiên ở Mexico, dựa vào quan sát rằng cách tốt nhất để người Tây Ban Nha vượt qua sự chống đối là thu phục người cầm đầu thổ dân. Chiến lược này giúp người Tây Ban Nha giành được của cải tích lũy của người cầm đầu và cưỡng bức người dân bản xứ cống nạp phẩm vật và lương thực. Bước kế tiếp là biến chính họ trở thành tầng lớp thế lực mới trong xã hội bản xứ và giành quyền kiểm soát việc thu thuế, cống nạp và lao động cưỡng bức hiện hữu.
Khi đoàn thám hiểm của Cortés đến thủ đô Tenochtitlan vĩ đại của người Aztec vào ngày 8/11/1519, họ được vua Aztec Moctezuma tiếp đãi theo lời khuyên của các cố vấn của nhà vua rằng nên chào đón người Tây Ban Nha trong hòa bình. Những gì xảy ra sau đó được mô tả tường tận theo tài liệu sưu tập sau năm 1545 của linh mục dòng Francisco Bernardino de Sahagún trong bộ sách nổi tiếng Florentine Codices.
Ngay lập tức họ [người Tây Ban Nha] bắt giữ Moctezuma… rồi tất cả các khẩu súng cùng nổ vang… Nỗi sợ hãi tràn ngập. Cứ như thể mọi trái tim đều ngừng đập. Ngay trước khi trời dần tối, người ta hoảng loạn, kinh ngạc, sợ hãi và bàng hoàng.
Và ngay sau đó khi trời vừa rạng sáng, mọi thứ mà người Tây Ban Nha yêu cầu được công bố: bánh ngô trắng, gà tây nướng, trứng, nước, gỗ, củi, than… Việc này thật ra là họ buộc Moctezuma phải ra lệnh.
Và khi người Tây Ban Nha đã ổn định, họ yêu cầu Moctezuma phải giao nộp tất cả của cải của thành phố… một cách nôn nóng, họ tìm kiếm vàng. Rồi ngay sau đó Moctezuma đưa người Tây Ban Nha đi. Họ đi xung quanh ông… mọi người đều tóm chặt lấy ông.
Và khi họ đi đến nhà kho, một nơi được gọi là Teocalco, ngay sau đó những món đồ rực rỡ được mang ra; chiếc quạt lông chim đuôi seo, các đồ trang trí, những chiếc khiên, những chiếc đĩa bằng vàng… những chiếc lưỡi liềm mũi bằng vàng, những dải băng nẹp chân bằng vàng, những dải băng nẹp tay bằng vàng, những dải băng quấn trước trán bằng vàng.
Ngay khi ấy vàng được tháo ra… ngay lập tức họ châm lửa, thiêu cháy… tất cả những thứ quý giá. Tất cả đều cháy. Và người Tây Ban Nha đúc vàng thành từng thỏi… Họ đi khắp nơi… Họ thâu tóm mọi thứ, tất cả những gì họ tìm thấy mà họ cho là tốt.
Ngay sau đó họ đi đến kho riêng của Moctezuma… ở nơi được gọi là Totocalco… người ta mang đến tài sản riêng của Moctezuma… tất cả mọi thứ quý giá; những chiếc vòng cổ có mặt dây chuyền, những dải đeo tay với những chùm lông chim đuôi seo, những dải băng đeo tay bằng vàng, những chiếc vòng đeo tay, những dải băng bằng vàng đính vỏ ốc… và những chiếc vương miện kết ngọc lam, biểu tượng của người thống trị. Họ thâu tóm toàn bộ.
Việc chinh phục người Aztec bằng quân đội hoàn tất vào năm 1521. Cortés, trên cương vị thống đốc tỉnh Tân Tây Ban Nha, khi đó bắt đầu phân chia nguồn lực quý giá nhất, người dân bản xứ, thông qua thành lập hệ thống cai trị được gọi là encomienda. Hệ thống này xuất hiện lần đầu tiên ở Tây Ban Nha vào thế kỷ 15 như một phần của việc tái chinh phục miền nam đất nước từ người Moors, người Ảrập từng định cư ở đó trong và sau thế kỷ thứ 8. Ở Tân Thế giới, hệ thống này có một hình thức tàn bạo hơn: một nhóm người dân bản xứ được phân bổ cho một người Tây Ban Nha đứng đầu được gọi là encomendero. Người dân bản xứ phải cống nạp cho encomendero phẩm vật và sức lao động, đổi lại, encomendero sẽ có trách nhiệm hoán cải họ thành các giáo dân Thiên chúa giáo.
Tài liệu sống động về sự vận hành hệ thống encomienda còn truyền lại cho chúng ta ngày nay là từ Bartolomé de las Casas, tu sĩ dòng Dominic vốn là một trong những người chỉ trích hệ thống thuộc địa Tây Ban Nha đầu tiên và kịch liệt nhất. De las Casas đến đảo Hispaniola của Tây Ban Nha vào năm 1502 với một đội thuyền do tân thống đốc Nicolás de Ovando chỉ huy. Ông ngày càng vỡ mộng và lo lắng trước cách đối xử bóc lột và tàn bạo đối với người dân bản xứ mà ông phải chứng kiến hằng ngày. Năm 1513, ông làm đức cha tuyên úy trong cuộc chinh phục Cuba của người Tây Ban Nha, thậm chí còn được bổ nhiệm làm encomienda vì sự phục vụ của ông. Tuy nhiên, ông từ bỏ tước vị và bắt đầu một chiến dịch bền bỉ nhằm cải cách các thể chế thuộc địa của Tây Ban Nha. Nỗ lực của ông lên đến đỉnh cao trong quyển sách Một giải thích ngắn cho sự hủy diệt người Anh-điêng (A Short Account of the Destruction of the Indies), viết vào năm 1542, như một đòn tấn công khinh miệt vào tính chất dã man trong sự cai trị của người Tây Ban Nha. Về hệ thống cai trị encomienda, ông từng viết như sau trong trường hợp Nicaragua:
Mỗi người định cư chiếm cứ một cơ ngơi trong thành phố được phân cho họ, bố trí thổ dân đến làm việc cho họ, chiếm lấy nguồn lương thực vốn dĩ khan hiếm của thổ dân cho bản thân họ, và thôn tính đất đai vốn thuộc sở hữu và là nơi làm việc của người bản xứ, nơi họ trồng trọt các sản phẩm theo truyền thống. Người định cư đối xử với toàn bộ thổ dân - người quyền quý, người già, phụ nữ và trẻ em - như thành viên trong hộ gia đình họ, và bắt những người này lao động suốt ngày đêm, không được nghỉ ngơi vì bất kỳ nguyên nhân nào, để phục vụ lợi ích riêng của người định cư.
Đối với việc chinh phục New Granada, hiện nay là đất nước Colombia, de las Casas tường thuật toàn bộ chiến lược hành động của người Tây Ban Nha:
Để đạt mục đích lâu dài là thâu tóm toàn bộ vàng hiện có, người Tây Ban Nha triển khai chiến lược thông thường là phân chia thành phố và người dân bản xứ giữa họ với nhau… rồi sau đó, họ đối xử với người bản xứ như nô lệ. Người chỉ huy đoàn thám hiểm sẽ bắt giữ vua của toàn lãnh thổ làm tù nhân trong sáu hay bảy tháng, đòi hỏi một cách trái phép ngày càng nhiều vàng ngọc hơn từ nhà vua… Vua hoảng sợ đến mức, trong nỗi lo lắng muốn được giải thoát khỏi sự kiểm soát của những người hành hạ mình, phải chấp thuận yêu cầu rằng ông sẽ chất đầy vàng trong một tòa nhà rồi giao nộp cho họ; vì mục đích đó, ông cử người đi tìm vàng, và từng chút một, họ đưa vàng về cùng với nhiều đá quý. Nhưng ngôi nhà vẫn chưa được chất đầy, và người Tây Ban Nha cuối cùng tuyên bố rằng họ sẽ xử ông tội chết vì thất hứa. Người chỉ huy, như một người đại diện cho luật pháp, ra lệnh xét xử nhà vua và chính thức buộc tội nhà vua, phạt ông bằng cách tra tấn nếu ông vẫn không tôn trọng cam kết. Họ tra tấn ông bằng cách bắt “đi tàu bay giấy”, đốt mỡ động vật dưới bụng ông, ghim chặt cả hai chân ông vào cọc bằng móc sắt và ghim cổ ông vào một móc sắt khác, rồi với hai người giữ hai tay ông, họ bắt đầu đốt đế dưới chân ông. Thỉnh thoảng, người chỉ huy sẽ đến xem và nhắc đi nhắc lại rằng họ sẽ tra tấn ông từ từ cho đến chết trừ khi ông giao nộp thêm vàng, và trên thực tế họ đã làm như thế, nhà vua cuối cùng chết trong nỗi đau đớn cực độ mà họ bắt ông phải chịu.
Chiến lược và thể chế chinh phục hoàn tất ở Mexico nhanh chóng được áp dụng cho những nơi khác dưới thời đế quốc Tây Ban Nha. Không nơi nào các chiến lược và thể chế này được thực hiện hữu hiệu bằng cuộc chinh phục Peru của Pizarro. Như de las Casas bắt đầu trong tài liệu của ông:
Năm 1531, lại một kẻ đại gian ác khác cùng đoàn tùy tùng đến thám hiểm vương quốc Peru. Hắn bắt đầu với dự định bắt chước chiến lược và chiến thuật mà những nhà thám hiểm đồng liêu đã thực hiện tại những nơi khác ở Tân thế giới.
Pizarro bắt đầu trên bờ biển gần thành phố Peruvian của người Tumbes và tiến về phía nam. Ngày 15/11/1532, ông đến thành phố núi Cajamarca, nơi vua Inca Atahualpa cắm trại cùng các binh lính. Ngày hôm sau, Atahualpa, người vừa đánh bại em trai mình là Huáscar trong cuộc tranh tài giành quyền kế vị vua Huayna Capac mới băng hà, đi cùng đoàn tùy tùng đến nơi người Tây Ban Nha cắm trại. Atahualpa bị kích động vì tin tức về những hành động hung bạo mà người Tây Ban Nha gây ra, như vụ xâm phạm một ngôi đền Thần Mặt trời Inti. Những gì xảy ra sau đó ai cũng biết. Người Tây Ban Nha giăng bẫy và giật bẫy. Họ giết binh lính bảo vệ và tùy tùng của Atahualpa, có lẽ lên đến hai nghìn người, và bắt giữ nhà vua. Để được tự do, Atahualpa phải cam kết cống nạp một gian phòng chất đầy vàng và hai gian phòng như thế chất đầy bạc. Ông đã làm điều đó nhưng người Tây Ban Nha bội ước và siết cổ ông cho đến chết vào tháng 7/1533. Tháng 11 năm đó, người Tây Ban Nha thâu tóm thủ đô Cusco của người Inca, và giới quý tộc Inca ở đây bị đối xử hệt như Atahualpa, bị cầm tù cho đến khi họ cống nạp vàng bạc. Khi không thỏa mãn những đòi hỏi của người Tây Ban Nha, họ bị thiêu sống. Các kho báu nghệ thuật vĩ đại của Cusco, như đền thờ Thần Mặt trời, bị bóc gỡ vàng và nấu chảy thành vàng thỏi.
Cho đến lúc này, người Tây Ban Nha tập trung chú ý vào người dân của đế chế Inca. Cũng như ở Mexico, dân chúng bị phân vào các encomienda, mỗi người trong đoàn người chinh phục của Pizarro sẽ được phân công phụ trách một encomienda. Encomienda là thể chế chính dùng để kiểm soát và tổ chức lao động trong giai đoạn thuộc địa ban đầu, nhưng chẳng bao lâu hệ thống này nhường bước trước một hệ thống khác vững mạnh hơn. Năm 1545, một người dân địa phương tên Diego Gualpa đi tìm một đền thờ bản xứ trên vùng núi Andes ở nơi mà ngày nay là Bolivia. Anh bị một luồng gió mạnh hất tung xuống mặt đất và ngay trước mặt anh là một vỉa quặng bạc. Đây là một phần của rặng núi bạc khổng lồ mà người Tây Ban Nha đặt tên là El Cerro Rico, có nghĩa là “Ngọn đồi giàu có”. Xung quanh nơi ấy mọc lên thành phố Potosí, mà vào thời hoàng kim năm 1650 có dân số lên đến 160 nghìn người, lớn hơn cả Lisbon hay Venice lúc bấy giờ.
Để khai thác bạc, người Tây Ban Nha cần thợ mỏ - rất nhiều thợ mỏ. Họ phái đến đây một tổng trấn, viên chức thuộc địa người Tây Ban Nha Francisco de Toledo, với nhiệm vụ chính là giải quyết vấn đề lao động. De Toledo đến Peru vào năm 1569, trải qua năm năm đầu tiên đi khắp nơi và tìm hiểu nhiệm vụ mới. Ông cũng được phân công nhiệm vụ điều tra toàn bộ dân số trưởng thành. Để tìm người lao động cần thiết, trước tiên de Toledo di dời gần như toàn bộ thổ dân, tập trung họ vào những thành phố mới gọi là reducciones - hiểu sát nghĩa là ‘thu gọn’ - giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc bóc bột lao động của vương triều Tây Ban Nha. Sau đó ông sửa đổi và điều chỉnh một thể chế lao động Inca gọi là mita, theo ngôn ngữ Quechua của người Inca có nghĩa là “vòng quay”. Theo hệ thống mita, người Inca sử dụng lao động cưỡng bức để điều hành các trang trại được thiết kế nhằm cung cấp lương thực cho các đền thờ, giới quý tộc và quân đội. Đổi lại, giới quyền thế của Inca đảm bảo an ninh và cứu đói. Trong tay của de Toledo, hệ thống mita, đặc biệt là mita ở thành phố Potosí, trở thành cơ chế bóc lột sức lao động lớn nhất và nặng nề nhất trong thời kỳ thuộc địa Tây Ban Nha. De Toledo xác lập một địa bàn hoạt động khổng lồ, chạy từ miền trung của Peru ngày nay và bao trùm phần lớn Bolivia thời hiện đại. Vùng này bao trùm khoảng hai trăm nghìn dặm vuông. Trong địa bàn hoạt động này, 1/7 nam giới, những người mới đến ở trong các reducciones, bị buộc phải lao động trong các hầm mỏ ở Potosí. Hệ thống cai trị mita của thành phố Potosí tồn tại suốt thời kỳ thuộc địa và chỉ bị bãi bỏ vào năm 1825. Bản đồ 1 trình bày địa bàn hoạt động của hệ thống mita bao trùm một phần đế chế Inca vào thời điểm bị người Tây Ban Nha đô hộ. Bản đồ này minh họa phạm vi bao trùm của hệ thống cai trị mita lên vùng đất trung tâm của đế chế, kể cả thủ đô Cusco.
Bản đồ 1: Đế chế Inca, mạng lưới đường sá Inca, và địa bàn hoạt động của hệ thống cai trị mita để khai thác khoáng sản
Điều ấn tượng là, bạn vẫn còn thấy di sản của mita ở Peru ngày nay. Hãy xem sự khác biệt giữa các tỉnh Calca và Acomayo nằm kế bên. Dường như không có gì khác nhau giữa các tỉnh này. Cả hai đều ở vùng núi cao, và dân cư hai tỉnh đều là hậu duệ của người Inca nói tiếng Quechua. Thế nhưng Acomayo nghèo hơn nhiều, dân chúng tiêu dùng ít hơn khoảng 1/3 so với người dân Calca. Dân chúng biết điều này. Ở Acomayo, họ hỏi những người nước ngoài gan dạ: “Bạn có biết người dân ở đây nghèo hơn những người ở Calca ngoài kia không? Tại sao bạn còn muốn đến đây làm gì?” Gan dạ là vì, so với Calca, thật khó để đến được tỉnh Acomayo từ thủ đô Cusco, khu vực trung tâm cổ của đế chế Inca. Đường đến Calca được lát phẳng, trong khi đường đến Acomayo ở trong tình trạng đổ nát kinh khủng. Để đi qua Acomayo, bạn cần một con ngựa hay một con la. Ở Calca và Acomayo, người dân trồng cùng những loại hoa màu như nhau, nhưng ở Calca, họ bán hoa màu ra chợ lấy tiền. Còn ở Acomayo, dân chúng tự cung tự cấp. Sự khác biệt rõ rệt đối với mọi người và đối với dân chúng sống ở đó, có thể được hiểu như sự khác biệt thể chế giữa hai nơi này - sự khác biệt thể chế với cội nguồn lịch sử từ thời de Toledo và kế hoạch bóc lột người lao động bản xứ hữu hiệu của ông. Sự khác biệt lịch sử giữa Acomayo và Calca là ở chỗ, Acomayo nằm trong địa bàn hoạt động của hệ thống cai trị mita của thành phố Potosí. Còn Calca thì không.
Ngoài việc tập trung lao động và hệ thống cai trị mita, de Toledo còn hợp nhất encomienda vào một loại thuế thân, một số lượng bạc cố định mỗi người trưởng thành phải nộp mỗi năm. Đây là một cơ chế khác được thiết kế để bắt buộc dân chúng phải tham gia thị trường lao động và giúp các chủ đất Tây Ban Nha giảm tiền công. Một thể chế khác, được gọi là repartimiento de mercancias, cũng trở nên phổ biến dưới thời de Toledo. Hình thành từ động từ repartir trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là phân phối, repartimiento hiểu sát nghĩa là “sự phân phối hàng hóa”, liên quan đến việc bán hàng hóa cưỡng bức cho người địa phương với mức giá do người Tây Ban Nha ấn định. Cuối cùng, de Toledo áp dụng trajin - có nghĩa là “gánh nặng” - sử dụng người bản xứ thay thế động vật để mang vác hàng hóa, như rượu, lá coca, hay hàng dệt may trong công việc kinh doanh của giới quyền thế Tây Ban Nha.
Xuyên suốt thế giới thuộc địa Tây Ban Nha ở châu Mỹ, các thể chế và cơ cấu xã hội tương tự cũng nổi lên. Sau giai đoạn cướp bóc và thèm khát vàng bạc ban đầu, người Tây Ban Nha xây dựng một mạng lưới thể chế được thiết kế nhằm bóc lột người bản xứ. Toàn bộ hệ thống encomienda, mita, repartimiento và trajin được thiết kế để đẩy mức sống thổ dân xuống mức tồn tại tối thiểu và qua đó giành lấy toàn bộ thu nhập thặng dư cho người Tây Ban Nha. Họ đạt được điều này bằng cách chiếm đoạt đất đai, cưỡng bức lao động, trả tiền công thấp cho dịch vụ lao động, áp thuế cao, và tính giá hàng hóa cao mà thậm chí còn không được mua một cách tự nguyện. Cho dù các thể chế này tạo ra nhiều của cải cho vương triều Tây Ban Nha và làm cho những người chinh phục và hậu duệ của họ trở nên giàu có, chúng cũng biến châu Mỹ La-tinh thành một châu lục cách biệt giàu nghèo nhất trên thế giới và phá hủy nhiều tiềm năng kinh tế của nơi này.
…CHO ĐẾN JAMESTOWN
Khi người Tây Ban Nha bắt đầu chinh phục châu Mỹ vào thập niên 1490, nước Anh là một cường quốc châu Âu nhỏ đang phục hồi từ ảnh hưởng tàn phá của cuộc nội chiến, cuộc chiến Hoa hồng. Đất nước bấy giờ không ở vào vị thế tranh thủ cướp bóc bổng lộc và vàng bạc cũng như khai thác cơ hội bóc lột các dân tộc bản địa châu Mỹ. Gần 100 năm sau, vào năm 1588, sự thất bại thảm hại của Hạm đội Spanish Armada trong nỗ lực của nhà vua Tây Ban Nha Philip II nhằm xâm chiếm nước Anh, đã làm dấy lên những làn sóng rung động khắp châu Âu. Chiến thắng của nước Anh, mặc dù là một sự may mắn, đã báo hiệu quyết tâm ngày càng tăng của nước này trên biển mà cuối cùng sẽ giúp họ tham gia vào việc xâm chiếm thuộc địa.
Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà người Anh bắt đầu công cuộc thuộc địa hóa Bắc Mỹ đúng vào lúc đó. Nhưng họ là người đến sau. Họ chọn Bắc Mỹ không phải vì nơi này hấp dẫn, mà vì đó là tất cả những gì còn sót lại. Những phần “đáng mơ ước” của châu Mỹ, nơi có đông đảo người dân bản xứ để bóc lột và nơi có các mỏ vàng mỏ bạc, bấy giờ đã bị chiếm cứ hết. Người Anh nhận lấy những gì còn lại. Khi cây bút người Anh và cũng là nhà nông nghiệp học Arthur Young thảo luận về nơi sản xuất “các sản phẩm lương thực”, qua đó ông muốn nói tới các hàng hóa nông sản có thể xuất khẩu, ông nhận xét:
Nhìn tổng thể, xem ra việc sản xuất lương thực của các nước thuộc địa giảm dần giá trị khi người ta càng đi xa mặt trời. Ở vùng West Indies, nơi nóng nhất, mỗi đầu người làm ra 8 bảng 12 hào 1 xu. Ở các thuộc địa phía nam châu lục, mỗi đầu người làm ra 5 bảng 10 hào. Ở các thuộc địa miền trung là 9 hào 6,5 xu. Ở các vùng định cư phía bắc chỉ có 2 hào 6 xu. Thước đo này chắc chắn cho ta thấy bài học quan trọng nhất - tránh thuộc địa hóa các vùng phía bắc.
Nỗ lực đầu tiên của người Anh để thiết lập một thuộc địa ở Roanoke, Bắc Carolina, từ năm 1585 đến 1587, là một sự thất bại hoàn toàn. Năm 1607, họ thử lại một lần nữa. Vào cuối năm 1606, ba con tàu Susan Constant, Godspeed và Discovery, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Christopher Newport, khởi hành đến Virginia. Những người đi chinh phục, dưới sự bảo trợ của Công ty Virginia, tiến vào vịnh Chesapeake và ngược dòng lên một con sông mà họ đặt tên là sông James, theo tên vua Anh James I đang cầm quyền. Ngày 14/5/1607, họ thành lập vùng định cư Jamestown.
Cho dù những người định cư trên các con tàu thuộc sở hữu của Công ty Virginia là người Anh, họ tuân theo một mô hình thuộc địa hóa chịu ảnh hưởng nặng nề của khuôn mẫu thuộc địa hóa do Cortés, Pizarro và de Toledo thiết lập. Kế hoạch ban đầu của họ là bắt giữ người đứng đầu địa phương và sử dụng ông như một phương thức để chiếm đoạt lễ vật cống nạp và cưỡng bức dân chúng lao động sản xuất lương thực và tạo ra của cải cho họ.
Lần đầu tiên đổ bộ lên Jamestown, thực dân Anh không biết rằng họ đang ở trên lãnh thổ của liên minh Powhatan gồm khoảng 30 chính thể trung thành với một nhà vua được gọi là Wahunsunacock. Thủ đô của Wahunsunacock đặt tại thành phố Werowocomoco, chỉ cách Jamestown 20 dặm. Kế hoạch của thực dân là tìm hiểu thêm về vị trí phương hướng của mảnh đất này. Nếu không thể dụ dỗ người dân bản xứ cung cấp lương thực và lao động, chí ít thực dân cũng có thể trao đổi với họ. Quan niệm tự mình làm việc và trồng cây lương thực dường như không tồn tại trong tâm trí thực dân. Đó không phải là điều mà những người chinh phục Tân thế giới đã làm.
Wahunsunacock nhanh chóng nhận thức được sự hiện diện của thực dân và xem xét dự định của họ một cách đầy hoài nghi. Ông đảm nhiệm một vùng đất vốn là một đế chế khá lớn ở Bắc Mỹ. Nhưng ông có nhiều kẻ thù và thiếu sự kiểm soát chính trị tập trung áp đảo đối với người Inca. Wahunsunacock quyết định xem thử dự định của người Anh là gì, thoạt đầu ông phái các sứ giả đến nói rằng ông muốn có mối quan hệ bằng hữu với họ.
Khi mùa đông năm 1607 trôi qua, những người định cư ở Jamestown bắt đầu cạn kiệt lương thực, và người lãnh đạo được bổ nhiệm vào hội đồng cai trị thuộc địa, Edward Marie Wingfield là một người hay do dự và không quyết đoán. Tình thế được ứng cứu nhờ vào thuyền trưởng John Smith, người có những ghi chép là một trong những nguồn thông tin chính về sự phát triển thuộc địa ban đầu. Ông này vốn có một tính cách thú vị và kích động hơn bình thường. Chào đời ở vùng nông thôn Lincolnshire nước Anh, ông trở thành một người lính đánh thuê, bất chấp mơ ước của cha là cho ông đi làm kinh doanh. Thoạt đầu, ông chiến đấu cùng quân đội Anh ở Hà Lan, sau đó tham gia lực lượng Áo phục vụ ở Hungary chống lại quân đội của Đế chế Ottoman. Ông bị bắt ở Romania, bị bán làm nô lệ và phải làm công việc đồng áng. Một ngày kia, ông xoay sở để khống chế chủ nô, đánh cắp quần áo và ngựa rồi trốn thoát đến biên giới nước Áo. Smith gây vạ trong cuộc hành trình đến Virginia rồi bị bỏ tù trên con tàu Susan Constant do nổi loạn sau khi bất tuân mệnh lệnh của Wingfield. Khi con tàu cập bến Tân thế giới, kế hoạch là đưa ông ra xét xử. Tuy nhiên, quả là nỗi kinh hoàng tột độ đối với Wingfield, Newport và những kẻ chinh phục quyền thế khác khi họ mở niêm phong mệnh lệnh, họ nhận ra rằng Công ty Virginia đã chỉ định Smith làm thành viên hội đồng cai trị để cai quản Jamestown.
Khi Newport giong buồm trở về Anh để lấy thêm người và hàng hóa tiếp tế, còn Wingfleld thì không quyết đoán về những gì nên làm, chính Smith là người đã cứu thực dân. Ông phát động một loạt thương vụ trao đổi để bảo đảm nguồn cung lương thực. Trong một lần mua bán này, ông bị bắt dưới tay Opechancanough, một người em trai của Wahunsunacock, và được đưa đến trước mặt nhà vua ở Werowocomoco. Ông là người Anh đầu tiên gặp Wahunsunacock, và chính trong lần gặp gỡ đầu tiên đó, theo một vài tài liệu, mạng sống của Smith chỉ được cứu thoát bằng sự can thiệp của Pocahontas, con gái Wahunsunacock. Được thả tự do ngày 2/1/1608, Smith quay về Jamestown, lúc bấy giờ vẫn còn thiếu hụt lương thực một cách ngặt nghèo, cho đến khi Newport kịp thời quay về từ Anh sau đó trong cùng ngày.
Thực dân Anh ở Jamestown không học hỏi được gì nhiều từ kinh nghiệm ban đầu này. Khi năm 1608 trôi qua, họ tiếp tục tìm kiếm vàng và kim loại quý. Xem ra họ vẫn không hiểu rằng để sống còn, họ không thể dựa vào người dân địa phương nuôi sống họ thông qua cưỡng bức hay trao đổi. Chính Smith là người đầu tiên nhận ra rằng mô hình thuộc địa hóa từng phát huy tác dụng tốt đối với Cortés và Pizarro không thể áp dụng ở Bắc Mỹ. Chỉ đơn giản là tình huống cơ bản quá khác biệt. Smith nhận xét rằng, không như người Aztec và Inca, người dân Virginia không có vàng. Quả thật, ông ghi trong nhật ký: “Bạn phải biết, thực phẩm là toàn bộ của cải của họ”. Anas Todkill, một trong những người định cư đầu tiên để lại một quyển nhật ký lớn, bày tỏ nỗi thất vọng của Smith và những người khác về những gì hé lộ qua sự thừa nhận này:
“Không chuyện trò, không hy vọng, không làm việc, mà là đào vàng, lọc vàng, chở vàng”.
Khi Newport quay về Anh vào tháng 4/1608, ông mang theo một lô đồng thau, khoáng sản cũng có màu vàng. Ông quay lại vào cuối tháng 9 với mệnh lệnh từ Công ty Virginia là phải kiểm soát người dân bản xứ chặt chẽ hơn. Kế hoạch của họ là ban thưởng cho Wahunsunacock với hy vọng sẽ chiêu dụ ông thuần phục vua Anh James I. Họ mời ông đến Jamestown, nhưng Wahunsunacock vẫn hết sức ngờ vực thực dân Anh, và không có ý định mạo hiểm để bị bắt. John Smith ghi chép lại phúc đáp của Wahunsunacock: “Nếu vua của các ông tặng quà cho tôi, tôi cũng là một vì vua, và đây là đất đai của tôi… Cha ông phải đến với tôi, chứ không phải tôi đến với ông ấy, tôi sẽ không đến pháo đài của ông, mà cũng sẽ không cắn miếng mồi câu như thế”.
Nếu Wahunsunacock không “cắn miếng mồi câu như thế” thì Newport và Smith sẽ phải đến Werowocomoco để làm lễ tấn phong. Chung quy sự kiện xem ra là một thất bại hoàn toàn, với điều duy nhất bộc lộ rõ rệt là quyết tâm của Wahunsunacock rằng đã đến lúc cắt đứt với thực dân. Ông ra lệnh cấm vận thương mại. Jamestown không thể trao đổi hàng hóa tiếp tế được nữa. Wahunsunacock sẽ bỏ đói họ.
Newport giong buồm một lần nữa về Anh vào tháng 12/1608. Ông mang theo một lá thư do Smith viết, nài nỉ các giám đốc Công ty Virginia thay đổi cách suy nghĩ về thuộc địa. Không có triển vọng gì để làm giàu nhanh chóng bằng cách bóc lột Virginia theo đường lối của Mexico và Peru. Không có vàng hay kim loại quý, và không thể cưỡng bức người dân bản xứ làm việc hay cung cấp lương thực.
Smith nhận ra rằng nếu muốn có một thuộc địa vững chắc, chính những người đi chinh phục sẽ phải làm việc. Do đó, ông van xin các giám đốc gửi sang đúng người: “Khi các ông lại cử người sang đây, tôi tha thiết mong các ông gửi sang khoảng ba mươi người thợ mộc, người làm ruộng, làm vườn, ngư dân, thợ rèn, thợ nề và những người đào bứng cây, với trang bị tốt, còn hơn là 1.000 người như những người chúng tôi đang có”.
Smith không muốn có thêm một thợ kim hoàn nào nữa. Một lần nữa, Jamestown sống sót là nhờ vào khả năng xoay sở của ông. Ông tìm cách lừa phỉnh và ức hiếp các nhóm thổ dân để họ trao đổi hàng hóa với ông, và khi họ không đồng tình, ông chiếm lấy những gì ông có thể chiếm được. Quay trở lại vùng định cư, ông chịu toàn bộ trách nhiệm và đặt ra quy luật “ai không làm việc thì không được ăn”. Jamestown sống sót qua mùa đông thứ hai.
Công ty Virginia vốn dĩ là một doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận, và sau hai năm thảm họa, xem ra không có chút hơi hướng lợi nhuận nào cả. Các giám đốc công ty quyết định rằng họ cần một mô hình cai trị mới, họ thay thế hội đồng cai trị bằng một thống đốc duy nhất. Người đầu tiên được bổ nhiệm vào vị trí này là Ngài Thomas Gates. Lưu ý đến một vài khía cạnh cảnh báo của Smith, công ty nhận thấy họ cần phải thử một điều đó gì mới mẻ. Nhận thức này được dẫn dắt bởi các sự kiện diễn ra vào mùa đông 1609-1610 - cái gọi là “mùa đông chết đói”. Phương thức cai trị mới không có chỗ cho Smith, vốn đã bất mãn quay về Anh vào mùa thu năm 1609. Không có tài tháo vát của ông, và với sự bóp nghẹt nguồn cung lương thực của Wahunsunacock, những người đi chinh phục ở Jamestown đã phải bỏ mạng. Trong số 500 người bước vào mùa đông, chỉ có 60 người còn sống sót đến tháng 3. Tình cảnh tuyệt vọng đến mức họ buộc phải ăn thịt đồng loại.
“Điều gì đó mới mẻ” được Gates và cấp phó của ông, Ngài Thomas Dale, áp dụng ở thuộc địa là chế độ làm việc khắc nghiệt tàn bạo đối với những người Anh định cư - lẽ dĩ nhiên không áp dụng đối với giới quyền thế điều hành thuộc địa. Chính Dale là người ban hành “Luật thiêng liêng, đạo lý và thượng võ”, trong đó có các điều khoản:
- Không nam giới hay phụ nữ nào được bỏ trốn từ thuộc địa sang phía người dân bản xứ, vi phạm sẽ bị phạt tử hình.
- Bất kể ai trộm cướp trong vườn, công cộng hay tư nhân, hay trong vườn nho, hay lấy trộm bắp ngô, đều bị phạt tử hình.
- Không một thành viên nào của thuộc địa được bán hay lấy bất kỳ hàng hóa nào của đất nước này cho một thuyền trưởng, thủy thủ hay chủ tàu để họ chở ra khỏi thuộc địa nhằm mục đích sử dụng riêng, vi phạm sẽ bị phạt tử hình.
Công ty Virginia lập luận, nếu không thể khai thác bóc lột được người dân bản xứ, có lẽ họ có thể làm điều đó với chính những người đi định cư. Mô hình phát triển thuộc địa mới giúp Công ty Virginia sở hữu toàn bộ đất đai. Nam giới được bố trí ở trong các lán trại, và được cấp khẩu phần do công ty ấn định. Các nhóm lao động được tuyển chọn, mỗi nhóm được giám sát bởi một đại diện công ty. Hệ thống cũng gần giống như luật quân đội, với sự hành quyết là biện pháp trừng phạt đầu tiên. Như một phần của các thể chế mới của thuộc địa, điều khoản đầu tiên vừa nêu trên là quan trọng. Công ty đe dọa tử hình những người nào bỏ trốn, ứng với cơ chế lao động mới, việc bỏ trốn sang sống với thổ dân trở thành một phương án ngày càng hấp dẫn hơn đối với những người đi định cư bị bắt buộc phải lao động. Phương án khả dĩ khác, ứng với mật độ dân số thấp ngay cả của người bản xứ ở Virginia ngày ấy, là triển vọng sống một mình ở biên giới ngoài tầm kiểm soát của Công ty Virginia. Khả năng đối phó của công ty trước các phương án này thì có hạn. Công ty không thể ép buộc những người Anh định cư làm việc với khẩu phần ít ỏi.
Bản đồ 2: Mật độ dân số ở châu Mỹ năm 1500
Bản đồ 2 trình bày ước lượng mật độ dân số ở các vùng khác nhau của châu Mỹ vào thời điểm người Tây Ban Nha chinh phục vùng đất này. Mật độ dân số ở Hoa Kỳ, ngoài những khoảnh nhỏ, nhiều nhất cũng chỉ đến 3/4 người trên một km2, ở miền trung Mexico hay Peru thuộc vùng núi Andes, mật độ dân số lên đến 400 người trên một km2, cao hơn gấp 500 lần. Những gì người ta có thể làm ở Mexico hay Peru đều bất khả thi ở Virginia.
Phải mất một thời gian Công ty Virginia mới nhận ra rằng mô hình thuộc địa hóa ban đầu không phát huy tác dụng ở Virginia, và phải mất một thời gian nữa, họ mới thấm thía thất bại của “Luật thiêng liêng, đạo lý và thượng võ”. Bắt đầu từ năm 1618, một chiến lược hoàn toàn mới mẻ được áp dụng. Vì không thể ép buộc thổ dân cũng như những người định cư, phương án duy nhất là tạo cho họ các động cơ khuyến khích. Năm 1618, công ty bắt đầu “hệ thống cấp đất theo đầu người”; cấp cho mỗi nam giới định cư 50 mẫu đất và thêm 50 mẫu nữa cho mỗi thành viên gia đình và cho toàn bộ người phục vụ mà gia đình mang đến Virginia. Những người định cư được cấp nhà và được giải thoát khỏi các hợp đồng ràng buộc, và vào năm 1619, một cơ quan lập pháp được thành lập, thực chất trao cho mọi nam giới trưởng thành một tiếng nói trong luật pháp và thể chế cai quản thuộc địa. Đó là khởi điểm của nền dân chủ ở Hoa Kỳ.
Phải mất 12 năm Công ty Virginia mới học xong bài học đầu tiên rằng những gì từng phát huy tác dụng đối với người Tây Ban Nha ở Mexico cũng như ở Trung và Nam Mỹ sẽ không có tác dụng ở phương bắc. Thời gian còn lại của thế kỷ 17 chứng kiến một loạt cuộc vật lộn của công ty với bài học thứ hai: phương án duy nhất để một thuộc địa có thể đứng vững về mặt kinh tế là xây dựng những thể chế mang lại động cơ khuyến khích cho những người định cư đầu tư và tích cực làm việc.
Khi Bắc Mỹ phát triển, giới quyền thế của nước Anh hết lần này đến lần khác ra sức thiết lập các thể chế giới hạn nghiêm ngặt các quyền kinh tế và chính trị đối với mọi người, ngoại trừ một ít dân cư đặc quyền của thuộc địa, như người Tây Ban Nha đã làm. Thế nhưng trong mọi trường hợp, mô hình này đều bị đổ vỡ, như từng xảy ra ở Virginia.
Một trong những nỗ lực tham vọng nhất được bắt đầu chẳng bao lâu sau khi công ty Virginia thay đổi chiến lược. Năm 1632, mười triệu mẫu đất ở mạn trên vịnh Chesapeake được vua Anh Charles I cấp cho Cecilius Calvert, lãnh chúa Baltimore. Hiến chương Maryland cho phép lãnh chúa Baltimore hoàn toàn tự do thành lập một chính phủ theo bất kỳ đường lối nào ông muốn, với điều VII quy định rằng Baltimore sẽ có “quyền lực tự do hoàn toàn và tuyệt đối để cai quản tỉnh nhà một cách tốt đẹp và hạnh phúc, trên tinh thần chung của sự ban bố này, để ban hành, thực hiện và duy trì luật pháp theo bất kỳ hình thức nào”.
Baltimore vạch ra một kế hoạch chi tiết để thành lập một xã hội trang viên, biến thể Bắc Mỹ của phiên bản nông thôn nước Anh thế kỷ 17 lý tưởng hóa. Đất được chia ra thành nhiều lô rộng hàng nghìn mẫu, được điều hành bởi các lãnh chúa. Các lãnh chúa sẽ tuyển mộ tá điền - những người lao động trên những mảnh đất này và phải nộp tô cho giới quyền thế - những người có đặc quyền kiểm soát đất đai. Một nỗ lực tương tự khác được thực hiện sau này vào năm 1663, với việc thành lập Carolina của tám chủ sở hữu đặc quyền, trong đó có Ngài Anthony Ashley Cooper. Ashley Cooper cùng với thư ký của ông, nhà triết học Anh vĩ đại John Locke, soạn thảo Hiến pháp cơ bản của Carolina. Văn kiện này, cũng như Hiến chương Maryland trước đó, là bản phác thảo cho một xã hội có tôn ti thứ bậc của giới đặc quyền dựa vào sự kiểm soát của một tầng lớp thế lực có đất. Phần mở đầu văn kiện lưu ý: “Việc cai quản tỉnh nhà sẽ được thực hiện theo cách phù hợp nhất với chế độ quân chủ mà chúng ta đang sống và tỉnh này là một phần trong đó; và chúng ta sẽ tránh dựng nên một nền dân chủ cho đa số”.
Các điều khoản của Hiến chương cơ bản phác thảo một cơ cấu xã hội cứng nhắc. Ở dưới đáy cơ cấu đó là các trang viên, với điều khoản 23 quy định: “Tất cả con cái của trang viên sẽ là trang viên, và cứ thế áp dụng cho mọi thế hệ”. Phía trên trang viên, những người không có thế lực chính trị, là các chủ đất lớn và nhỏ (landgrave và cazique) tạo thành tầng lớp quý tộc. Các chủ đất lớn được cấp mỗi người 48 nghìn mẫu đất, và các chủ đất nhỏ được cấp mỗi người 24 nghìn mẫu. Các chủ đất lớn và nhỏ đều có đại diện trong quốc hội, nhưng họ chỉ được phép tranh luận những biện pháp đã được phê duyệt trước bởi tám người chủ sở hữu đặc quyền ban đầu.
Hệt như các nỗ lực áp đặt luật lệ hà khắc ở Virginia đã từng thất bại, các kế hoạch xây dựng cùng một loại thể chế như vậy ở Maryland và Carolina cũng chịu chung số phận với những lý do tương tự. Trong mọi trường hợp, xem ra người ta không thể ép buộc những người định cư vào một khuôn khổ xã hội tôn ti thứ bậc cứng nhắc, bởi lẽ đơn giản là có quá nhiều phương án mở ra cho họ ở Tân thế giới. Thay vào đó, họ cần phải được khuyến khích làm việc. Và chẳng mấy chốc, họ đòi hỏi các quyền tự do kinh tế và chính trị nhiều hơn. Ở Maryland cũng thế, những người định cư khăng khăng đòi hỏi đất đai riêng, và họ buộc lãnh chúa Baltimore phải thành lập một cơ quan lập pháp. Năm 1691, cơ quan lập pháp thuyết phục nhà vua công bố Maryland là một thuộc địa của nhà vua, qua đó bãi bỏ các đặc quyền chính trị của lãnh chúa Baltimore và các chủ đất lớn của ông. Cuộc chiến tranh kéo dài tương tự cũng diễn ra ở hai miền Carolina, một lần nữa các chủ đất cũng thua cuộc. Nam Carolina trở thành một thuộc địa của nhà vua vào năm 1729.
Cho đến thập niên 1720, toàn thể 17 thuộc địa ở vùng đất mà sau này sẽ trở thành Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đều có cơ cấu cai trị tương tự như nhau. Trong tất cả các trường hợp, họ đều có một thống đốc, và một tổ chức lập pháp dựa vào sự bầu chọn của các chủ sở hữu tài sản nam giới. Đó không phải là những nền dân chủ; phụ nữ, nô lệ và những người không có tài sản không được bỏ phiếu. Nhưng các quyền chính trị lại rất phổ cập so với các xã hội khác lúc bấy giờ. Chính các cơ quan lập pháp và các nhà lãnh đạo này đã kết hợp lại tạo thành Quốc hội lục địa đầu tiên vào năm 1774, khúc dạo đầu của nền độc lập ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Các cơ quan lập pháp này tin rằng họ có quyền xác định tư cách thành viên và quyền thu thuế riêng. Điều này, như ta biết, đã gây rắc rối cho chính phủ thuộc địa Anh.
Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)