[Nhật Bản duy tân 30 năm] - Văn Hóa Đông Tây (Phần 3)

[Nhật Bản duy tân 30 năm] - Văn Hóa Đông Tây (Phần 3)

MỘT NGƯỜI BẢO THỦ

Muốn hình dung ra cái hiện tượng “hóa Tây giữ Đông” của dân tộc Nhật Bản. Ông giáo sư Lafcadio Hearn chép truyện một chàng thanh niên con nhà Thần đạo võ sĩ của Nhật ở giữa thế kỷ XIX, mà ông đặt tên là “Một người bảo thủ”.

Thuở nhỏ, anh này cũng phải chịu sự giáo dục nghiêm khắc như con nhà võ sĩ khác. Người ta rèn tập anh phải chịu đói chịu lạnh cho quen. Người ta dạy dỗ anh cái đạo lập thân xử thế, bất cứ gặp cảnh ngộ nào cũng phải ung dung trấn tĩnh, coi thường sự đau đớn khổ sở, xem khinh sự chết và đừng thèm sợ hãi gì hết. Bởi vậy, có bữa cách giáo dục lạ thay! người ta dẫn anh đi xem một vụ xử trảm, căn dặn khi ngó thấy gươm chém đầu rơi, không được rùng mình biến sắc chút nào. Trở về, anh phải ăn một chén cơm chan canh đỏ tươi như sắc máu. Đến đêm, người ta sai anh ra chỗ xử trảm ban ngày mà tìm cái đầu rụng đó đem về. Cả ngày, anh chàng hết giờ luyện tập võ nghệ, thì tới giờ nghiên cứu Hán văn, Nho học và những triết lý của Thần đạo, của Phật giáo. Không bao lâu, anh chàng trở nên một người vũ dũng, lễ độ, liêm khiết, hăm hở đem tấm thân của mình cống hiến cho nước, cho vua, cho đồng bào, cho danh dự.

Lúc này có đoàn tàu chiến của ngoại quốc ra vô phấp phới ở cửa biển Hoành Tân, Giang Hộ, hăm dọa bắt buộc Nhật Bản phải mở cửa thông thương. Chàng thiếu niên võ sĩ ta thấy tổ quốc bị khinh khi như thế, thì khí phẫn uất nổi lên đùng đùng. Nhưng không biết làm sao nhấn chìm cả đoàn tàu của kẻ nghịch đi, tối ngày chàng khấn vái Thần, Phật lấy phép linh xô đẩy ra khỏi bờ biển Phù Tang hay là dùng cách nào đánh chìm nó xuống đáy biển hết thảy. Cả dân tộc cũng đều một lời khấn vái như chàng vậy. Song đoàn tàu vẫn trơ trơ bất động; Thần, Phật làm ngơ. Liền đó, Mạc phủ tới. Triều đình, tự thú mình vô lực để chống lại sức mạnh của người Tây dương, bèn hạ lệnh cho nhân dân phải mau mau học lấy ngôn ngữ và học thuật Âu châu. Vì sự sinh tồn của quốc gia quan hệ ở đó; nếu không duy tân cải cách sớm lẹ, thì nguy cho nền độc lập của dân tộc quốc gia.

Chàng thanh niên võ sĩ ta liền đi học tiếng Anh ở một hải cảng bị buộc mở ra giao thông lúc bấy giờ; chàng háo kỳ, nên chăm chỉ nghiên cứu dọ hỏi cả những sự tình của các nước Tây phương. May sao gặp được một vị giáo sĩ Thiên Chúa thấy chàng là người chí sĩ, bèn đem lòng thương, dạy chàng học Thánh kinh. Chàng tự suy nghĩ trong trí, có lẽ tại người Âu châu có một nền luân lý rất cao, cho nên họ mới hùng cường quái lạ như thế kia chăng. Vì tấm lòng ái quốc sai khiến, chàng trở nên tín đồ Gia Tô và vẫn cặm cụi nghiên cứu những học thuật Âu Tây.

Lần hồi, chàng tự tỉnh ngộ và tin quyết rằng tinh thần khoa học chống chọi với đạo lý Gia-tô, và chống chọi với cả những tôn giáo tổ truyền Nhật Bản nữa. Bảo rằng có một ông Thượng đế chủ tể vũ trụ và linh hồn của mỗi người trường sinh bất diệt, thì làm sao mà tin cho được. Chàng nghĩ trong trời đất không có cái tính thiêng liêng nào hơn là cái tình người đối với người thì mới phải. Rồi đó chàng thôi không tín ngưỡng đạo Gia-tô nữa. Bây giờ, muốn phán đoán Âu châu cho đúng, chàng quyết đi du lịch quan sát Âu châu một phen.

Chàng qua ở quanh các nước Âu châu rất lâu năm, tự mưu lấy sự sống của mình, cho nên hết làm việc bằng tay thì làm việc bằng não, cốt để kinh nghiệm cho nhiều, và mắt ngó thấy mỗi sự vật gì, chàng cũng chịu khó tìm xét suy nghĩ đến nơi.

Thử hỏi sau cuộc du lịch quan sát đó, chàng thanh niên võ sĩ có cảm giác và phán đoán ra thế nào?

Té ra trước cặp mắt chàng xem xét, thì văn minh Âu châu có mở mang thông minh của con người ta một cách đáng sợ thật, nhưng nó vẫn thiếu giá trị về tinh thần. Cái chỉ tỏ ra đặc sắc của Âu Mỹ, chỉ là sức mạnh vật chất của họ tràn lan mở rộng ra một cách dữ dằn, do nơi một công cuộc cạnh tranh nhau gớm ghiếc mà ra. Sự sống là một đám vật lộn tranh ăn giữa đàn beo sói. Kẻ mạnh và kẻ khôn lanh làm cho thế giới thành ra địa ngục cho những kẻ hèn yếu. Thói xa hoa hoang phí vô độ của một bọn người bắt cả phần đông phải làm tôi mọi mà không biết thương hại một chút nào. Còn biết bao nhiêu con người ta khổ não tới nước những sự cần dùng thiết thân cho họ mà họ không có. Chỉ vì tính dâm lạc trong một vài giờ, mà thói kiêu căng của bọn giàu có nhai nuốt mất cả công lao nhọc nhằn hàng mấy chục năm. Rồi chàng nghĩ bụng: “Bọn ăn thịt người ở đời văn minh còn độc dữ bằng mấy bọn ăn thịt người ở chốn rừng rú, là vì chúng đòi thịt mãi, không biết bao nhiêu cho vừa!”

Mà hễ xã hội càng lớn lên chừng nào, thì vực thẳm hang sâu đau đớn khổ sở của xã hội đặt mình lên trên đó càng thêm sâu thẳm chừng nấy. Người Âu châu chỉ biết tôn trọng có sức mạnh mà thôi, coi sức mạnh như thần thánh; rõ ràng họ thờ phụng những vị thần bạo ngược đời xưa là Odin và Thor, mà đổi tên khác đi đó thôi. Cái thế giới đó không còn có đức tín gì hết.

Rồi thì anh Nhật Bản này cả quyết xuống tàu trở về tổ quốc đứng lên hô hào đồng bào dìu dắt quần chúng. Chương trình hành động của anh ta rất là đơn giản:

“Anh em chúng ta chỉ nên mượn của Âu châu những cái gì cần dùng cho sự hộ vệ tổ quốc ta mà thôi, còn thì ta vẫn phải giữ những cái tinh hoa của văn minh nước Nhật cổ mới được”.

Câu chuyện tóm tắt đại khái trên đây, thật khéo tả rõ ra cái chủ não Âu hóa của dân tộc Nhật Bản; nó không phải là tư tưởng cố chấp của một người đâu, chính là tấm gương chiếu rọi chung cả tinh thần dân Nhật vậy.

Quả thực, Nhật Bản họ chỉ cốt Âu hóa để cho dễ chống chọi với Âu châu và cho dễ còn y là người Nhật đó thôi.

Nguồn: Đào Trinh Nhất (2012[1937]). Nhật Bản duy tân 30 năm. NXB Lao Động-Xã Hội.

Tác giả liên quan