[Kinh tế học cấm đoán] Chương 1: Các nhà kinh tế học và cấm đoán (Phần 5)

[Kinh tế học cấm đoán] Chương 1: Các nhà kinh tế học và cấm đoán (Phần 5)

KINH TẾ HỌC CỦA CẤM ĐOÁN MA TÚY

Việc buôn bán ma túy và chất có chứa thuốc phiện bị cấm trên toàn lãnh thổ liên bang sau khi Luật về ma túy mang tên Harrison được thông qua vào năm 1914. Phần lớn các bang trước đó đã thực thi những biện pháp cấm đoán và ngăn chặn những sản phẩm này trước khi có Luật Liên bang. Trong khi ma túy được các nhà kinh tế học như Patten, Veblen, và Fisher nhắc tới, nhưng trong suốt 50 năm đầu, sau khi những biện pháp cấm đoán được ban hành, các nhà kinh tế học ít chú ý đến những biện pháp cấm đoán này. Bài báo của Simon Rottenberg (1968) bàn về kinh tế học của ma túy bất hợp pháp được công bố đúng vào lúc xã hội và các nhà khoa học xã hội bắt đầu tìm hiểu kết quả của những biện pháp cấm đoán này. Trong bài báo rồi sau này sẽ gây ra những tác động mạnh mẽ, Rottenberg (1968) đã trình bày những ý kiến đang thịnh hành lúc đó cho các cơ quan có thẩm quyền, đồng thời ghi nhận những tác nhân có ảnh hưởng đối với hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật. Ngoài ra, ông còn trình bày cơ cấu của thị trường, tổ chức và những lực lượng cạnh tranh, nhưng dường như ông đã phát hiện ra rằng khó có thể sử dụng phương pháp phân tích truyền thống để phân tích thị trường ma túy bất hợp pháp vì sự tương tác phức tạp của thị trường này với lực lượng thực thi pháp luật. Kết quả là Rottenberg lại đặt ra nhiều câu hỏi hơn là trả lời.

Rottenberg phát hiện ra rằng thị trường ma túy có tổ chức cao hơn và tình trạng độc quyền cũng cao hơn các thị trường bất hợp pháp khác. Ông đã tiến hành khảo sát ảnh hưởng của tội ác đối với xã hội, đặc biệt là trong mối liên hệ với sự phân phối nguồn lực của cảnh sát. Xã hội phải đối mặt với sự thỏa hiệp giữa việc thực thi pháp luật về ma túy và thực thi các đạo luật hình sự khác. Rottenberg mô tả chi tiết tình trạng tham nhũng và quá trình tham nhũng trong thị trường ma túy và đã lường trước được luận cứ của James Buchanan về tội phạm có tổ chức.

Chủ đề gây khó khăn cho quá trình phân tích của Rottenberg là sản phẩm định hình thị trường này lại thay đổi trong quá trình vận chuyển từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Ông nhận xét rằng trong quá trình vận chuyển qua mạng lưới phân phối cho tới tay người sử dụng, ma túy bị pha thêm các chất phụ gia và sản phẩm cuối cùng thường có hiệu lực rất khác nhau. Ông đưa ra ba giả thuyết giải thích sự thay đổi hiệu lực này. Thứ nhất, mặc dù đây là giả thuyết chưa chắc chắn, người tiêu dùng phản ứng rất mạnh đối với sự thay đổi giá cả nhưng không phản ứng mạnh trước sự thay đổi hiệu lực. Giả thuyết thứ hai là khi nguồn cung bị thiếu hụt thì giảm hiệu lực là biện pháp hợp lí. Mặc dù điều này có thể giúp giải thích sự biến đổi của hiệu lực nhưng nó không giải thích được cả sự thay đổi mang tính hệ thống lẫn “xu hướng pha thêm phụ gia thường thấy” mà Rottenberg đã ghi nhận được. Giả thuyết thứ ba là việc cho thêm chất phụ gia tạo ra nhiều loại sản phẩm khác nhau, nhằm phục vụ người tiêu dùng một cách tốt hơn. Ở đây, Rottenberg cũng cho rằng giả thuyết này chưa giải thích một cách thỏa đáng xu hướng quan trọng. Về vấn đề hiệu lực của ma túy, Rottenberg nhận xét: “Điều này cũng chẳng khác gì việc giải thích tại sao xe ô tô Falcon cũng như xe Continental đều được sản xuất, nhưng không giải thích được vì sao thị phần của Falcon gia tăng trong khi thị phần của Continental lại giảm” (1968, 83).

Tóm lại, đóng góp của Rottenberg chỉ có tính chất mô tả và đánh động chứ không có nhiều giá trị lâu dài về mặt học thuật hoặc thực tiễn. Ông đưa ra nhiều câu hỏi hơn là trả lời, nhưng đây chính là lí do vì sao đóng góp của ông lại quan trọng. Nhiều công trình nghiên cứu kể từ khi bài báo của ông được công bố sẽ trả lời những câu hỏi do ông đặt ra, sẽ tiếp tục mở rộng và điều chỉnh lại những luận điểm của ông.

Sau bài báo của Rottenberg, đã xuất hiện hai bài bình luận đáng chú ý vì đã gợi ra được những vấn đề quan trọng và đã đặt ra những nghi vấn đề về giá trị pháp lí căn bản của cấm đoán. Edward Erickson (1969) chỉ ra rằng những cố gắng nhằm hạn chế việc cung cấp những loại thuốc gây ảo giác đã dẫn đến kết quả là xã hội phải bỏ ra những chi phí lớn, như giá thành sản xuất một đơn vị thuốc gây ảo giác cao hơn, tái phân phối thu nhập gia tăng vì nạn trộm cắp do người nghiện gây ra, giảm chất lượng của lực lượng thực thi pháp luật trong lĩnh vực phòng chống ma túy. Với những chi phí như thế, xã hội phải nới lỏng việc thi hành luật lệ.

Raul A. Fernandez (1969) thảo luận hai điểm liên quan với nhau về thị trường ma túy mà Rottenberg chưa khảo sát một cách rõ ràng. Thứ nhất, địa vị của những người nghiện ma túy với tư cách vừa là người vừa sử dụng vừa là người bán dẫn đến những khó khăn và phức tạp nghiêm trọng trong việc áp dụng lí thuyết kinh tế cho thị trường này. Đối với Fernandez, hiện tượng nghiện ngập còn là vấn đề quan trọng vì nghiện làm giảm hiệu quả răn đe của án tù. Lại một lần nữa, chính vấn đề nghiện túy lại dẫn các nhà kinh tế học đến nghi vấn về tiền đề cơ bản về tính hợp lí của cá nhân khi đề cập đến việc sử dụng ma túy “gây nghiện” bất hợp pháp. Fernandez đề nghị cách tiếp cận đúng đắn đối với hiện tượng nghiện ngập là chữa trị chứ không phải là cấm đoán.


Mark H. Moore (1977) đưa ra một bản phân tích tỉ mỉ thị trường ma túy bất hợp pháp và việc thực thi pháp luật ở thành phố New York. Bản phân tích của ông đã sử dụng lí thuyết kinh tế, luật và phân tích việc thực thi luật pháp và quan sát trực tiếp hoạt động của thị trường ma túy ở thành phố New York. Những phương tiện này đã tạo điều kiện cho Moore đưa ra một bức tranh chân thực về sự phức tạp của thị trường ma túy và lật tẩy một số tín điều của dân chúng về thị trường ma túy bất hợp pháp. Thực vậy, công trình của ông thể hiện điều mà hiện nay đã trở thành kiến thức phổ thông về chính sách đối với thị trường ma túy.

Trước công trình nghiên cứu của Moore, hiểu biết thông thường nói rằng nhu cầu ma túy hoàn toàn không thay đổi và rằng giá cao không làm cho số lượng ma túy thiêu thụ giảm đi. Giá cao chỉ làm gia tăng chi phí của xã hội và tăng lợi nhuận cho giới buôn bán mà thôi. Lợi nhuận cao lại khuyến khích các đại lí ma túy và những khoản tiêu thụ mới và vì vậy mà đi ngược lại mục tiêu của chính sách xã hội. Moore đã phản bác một cách hữu hiệu giả thuyết về nhu cầu không thay đổi và khái niệm cho rằng giới buôn bán sẽ được lợi khi việc thực thi pháp luật được tăng cường (1977, 5-15).

Moore đề nghị quản lí hữu hiệu ma túy bằng cách tiếp tục chính sách cấm đoán hiện hành. Trong khi đẩy giá ma túy lên, những biện pháp cấm đoán làm ngã lòng “những người chưa sử dụng”, ngăn cản không để họ thử dùng, nhưng cấm đoán chỉ có ảnh hưởng không đáng kể đối với người “đã dùng rồi”. Moore ghi nhận rằng việc sử dụng ma túy thường bắt đầu và lan truyền qua bạn bè và các nhóm người sống gần nhau và các cơ quan thực thi pháp luật khó thâm nhập vào những nhóm có liên hệ chặt chẽ đó. Ông mặc nhiên thừa nhận rằng nếu việc tiếp cận với ma túy bị ngăn cản bằng cách đẩy giá lên thì việc lan truyền nạn sử dụng ma túy có thể bị chặn đứng và “những người chưa sử dụng” sẽ nản lòng, không thử hút ma túy nữa.

Nhưng sẽ là sai khi tuyên bố rằng cấm đoán là cần thiết nhằm cản trở sự tiếp cận với ma túy vì hệ thống lan truyền nó (các nhóm xã hội nhỏ) lại do những biện pháp cấm đoán tạo ra. Chính Moore khẳng định rằng cấm đoán đã tạo ra tổ chức đặc thù của thị trường ma túy: “Hầu như chắc chắn rằng tác nhân quan trọng duy nhất ảnh hưởng tới cơ cấu của hệ thống phân phối ma túy là ở nước Mĩ, tất cả công việc sản xuất, nhập khẩu, bán và sở hữu ma túy đều bị cấm. Đấy là lí do vì sao ngành công nghiệp này không được tổ chức thành lớn hơn và có hệ thống tiếp thị phi cá nhân hơn” (1977, 3). Ngoài ra, ông không tìm cách biện hộ cho những biện pháp cấm đoán như là biện pháp duy nhất hay tốt nhất nhằm ngăn chặn người tiêu dùng dùng thử ma túy.

Moore đề xuất thiết lập một loạt chương trình cho những người đang sử dụng ma túy. Ông công nhận rằng cấm đoán có hại cho những người đang sử dụng và rằng giá cao làm cho người nghiện buộc dân chúng nói chung phải gánh một phần chi phí dưới dạng trấn lột, ăn cướp và ăn cắp. Muốn tránh những vấn đề như thế, Moore đề nghị cho người nghiện tiếp cận với những nguồn ma túy hay thuốc gây mê giá rẻ; cho người nghiện tiếp cận với các biện pháp cai nghiện, công ăn việc làm, mức sống có thể chấp nhận được, cho họ được nghỉ ngơi và giải trí; và những người sử dụng ma túy bị bắt phải được đưa vào những cơ sở cai nghiện chứ không phải nhà tù (1977, 258-61).

Căn cứ để Moore tìm cách làm giảm nhẹ ảnh hưởng của những biện pháp cấm đoán đối với người đang sử dụng là khá vững chắc. Nhưng những đề nghị của ông lại có khiếm khuyết ở một số chi tiết cụ thể. Cố gắng của ông nhằm tạo ra sự phân biệt về giá cả (cho người chưa và người đã sử dụng ma túy - ND) là khiếm khuyết quan trọng và khó thực hiện. Ví dụ, đề nghị của ông sẽ làm cho việc trở thành người nghiện không còn tốn kém như trước và vì vậy mà khuyến khích người ta dùng thử ma túy. Chính Moore cũng công nhận rằng đề nghị của mình có mâu thuẫn:

Lưu ý rằng tình trạng tiến thoái lưỡng nan trong quá trình thực thi pháp luật về ma túy là tình trạng chung của tất cả các hệ thống khuyến khích mang tính tiêu cực. Vấn đề có tính chất căn bản: ước muốn khuyến khích xung đột với ước muốn làm giảm thiểu tác hại gây ra cho những người không hưởng ứng sáng kiến đó. Người ta không thể giảm được ảnh hưởng tiêu cực đối với những người đang sử dụng mà không tạo ra ảnh hưởng đối với hàng loạt những biện pháp khuyến khích mà người không sử dụng có thể gặp. Người ta cũng không thể thay đổi được những biện pháp khuyến khích người không sử dụng mà không tạo ta ảnh hưởng đối với người đang sử dụng (1977, 237).

Đề xuất của Moore sẽ làm cho chi phí của chính phủ gia tăng đáng kể. Lời khẳng định của ông rằng đa số ủng hộ chính sách cấm đoán (1977, xxi) đã không xem xét một cách đầy đủ sức chịu đựng của người nộp thuế đối với chi phí mà kiến nghị của ông
đòi hỏi.

Dường như Moore là người phê phán hiệu quả nhất những đề xuất của chính ông:

Mục tiêu duy nhất, quan trọng nhất của chiến lược phòng chống ma túy là ngăn chặn những người chưa sử dụng ma túy, không để họ bắt đầu sử dụng nó. Nếu cảnh sát không thực hiện được mục tiêu này với chi phí hợp lí, hiểu theo nghĩa là nguồn lực xã hội và bảo đảm được những quyền tự do công dân thì phải từ bỏ chính sách cấm đoán. Chính sách này có quá nhiều tác dụng phụ, có tính tiêu cực, mà lại có quá ít lợi ích trực tiếp, ngoại trừ việc ngăn chặn, không để cho những người chưa sử dụng thử dùng; không thể biện hộ cho việc tiếp tục chính sách này nếu nó không ngăn chặn được những người chưa sử dụng (1977, 238).

Cuối cùng, Moore nhắc nhở độc giả rằng công trình nghiên cứu của ông chỉ tập trung vào thị trường ma túy bất hợp pháp ở thành phố New York mà thôi và, hơn nữa, phương pháp luận của ông chưa hoàn toàn đầy đủ để có thể phân tích những vấn đề trước mắt: Phương pháp được sử dụng trong tác phẩm này có một số hạn chế nghiêm trọng. Phương pháp này tương tự như phương pháp trong đánh giá tin tức tình báo. Một ít thông tin chưa được thẩm tra, được thẩm tra không đầy đủ và thẩm tra một cách đầy đủ được tập hợp vào một bức tranh có hệ thống bằng cách kết hợp các định nghĩa tùy tiện với những giả định về cách thức của những người có lí trí.... Nó [phương pháp luận được áp dụng] có bất lợi là chỉ đưa ra những dự đoán tốt về bản chất của hiện tượng này. Hơn nữa, những dự đoán này có thể thay đổi hoàn toàn khi ta đưa vào chỉ một mẩu thông tin đã được xác nhận (1977, 4).

Vì vậy mà trong khi đóng góp của Moore là quan trọng theo nghĩa có thêm tài liệu bàn về thị trường ma túy, nhưng những khiếm khuyết trong phương pháp luận và phạm vi đã làm suy yếu khả năng áp dụng những khuyến nghị về chính sách của ông. Bằng cách đập tan phương pháp tiếp cận của thập niên 1960, Moore đã phục hồi những biện pháp cấm đoán, coi đó là chính sách kiểm soát việc sử dụng heroin.

Nguồn: Mark Thorntom (2016). Kinh tế học cấm đoán. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Economics of Prohibition

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường