[Khảo lược Adam Smith] - Chương III: Của cải của các quốc gia

[Khảo lược Adam Smith] - Chương III: Của cải của các quốc gia

Những chủ đề bao trùm của tác phẩm

Adam Smith viềt Của cải của các quốc gia một phần là để chọc tức các chính khách vì chính sách của họ hạn chế và làm méo mó chứ không giúp cho thương mại phát triển. Vì vậy mà ông đã sử dụng cách viết đơn giản, hiện nay vẫn còn có thể hiểu được.

Nhưng Smith còn cố gắng xây dựng một môn khoa học mới, đầy là môn kinh tế học nữa. Đấy là tác phẩm có tính chất khai phá, các thuật ngữ và khái niệm ông dùng hầu như không còn thích hợp nữa. Nội dung lan man, nhiều đoạn lạc để và đầy những sự kiện, từ giá bạc ở Trung Quốc cho đến thực đơn của các cô gái điếm người Ireland ở London, vì vậy mà rất khó theo dõi. Trước hết xin được tập trung vào một số chủ đề chính của tác phẩm.

Chủ đề nổi bật nhất là các quy định về quản lí thương mại đã được xây dựng một cách thiếu căn cứ và phản tác dụng. Quan điểm giữ thế thượng phong đương thời là tư tưởng của phái “lợi thương”, cho rằng tài sản của quốc gia là số tiền mà họ có. Điều này hàm ý rằng muốn giàu hơn thì phải bán nhiều hàng ra nước ngoài để thu về thật nhiều tiền và phải mua thật ít để ngăn không cho tiền mặt chảy ra nước ngoài. Quan điểm về thương mại như thế đã dẫn đến việc hình thành hệ thống thuế nhập khẩu, trợ cấp cho xuất khấu, thuế và các biện pháp ưu đãi cho nền công nghiệp trong nước, tất cá đều nhằm hạn chế nhập khẩu và khuyến khích xuất khẩu.

Quan điểm mang tính cách mạng của Smith là tài sản không phải là số vàng và bạc nằm trong kho của nhà nước. Tiêu chuẩn thực sự đề đánh giá tài sản quốc gia là lượng hàng hóa và dịch vụ mà nó sản xuất ra. Ông là người phát minh ra khái niệm: tổng sản phẩm quốc nội1 (GDP), được dùng phổ biến và có vai trò nền tảng trong môn kinh tế học hiện nay. Và ông khẳng định rằng muốn tối đa hoá tổng sản phẩm thì không được cản trở khả năng sản xuất, mà phải để cho nó được tự do.

Chủ đề quan trọng khác là khả năng sản xuất phụ thuộc vào phân công lao độngtích luỹ vốn. Càng đầu tư và cho những ngành sản xuất có hiệu quả thì càng có nhiều tài sản được sản xuất ra trong tương lai. Chia sản xuất thành nhiều công đoạn nhỏ, mỗi công đoạn lại giao cho những người có chuyên môn thì hiệu quả sẽ cao. Người sản xuất đem số sán giai phẩm phụ trội đó ra trao đổi hoặc đầu tư vào máy móc nhằm tiết kiệm nhiều lao động hơn nữa.

Chủ đề thứ ba của cuốn sách là thu nhập của đất nước trong tương lai phụ thuộc vào tích luỹ vốn. Càng đầu tư vào những ngành sản xuất có hiệu quả thì càng có nhiều tài sản được sản xuất ra trong tương lai. Nhưng người dân chỉ tích lũy khi họ tin tưởng rằng tài sản của họ sẽ không bị ăn cắp. Quốc gia thịnh vượng là quốc gia không những đã làm ra nhiều tiền mà còn biết quản lí và bảo vệ số tiền đã làm ra.

Chủ đề thứ tư: đây là hệ thống tự động. Khi một món hàng hoá nào đó trở nên khan hiếm thì người dân sẵn sàng trả giá cao hơn: cung cấp các loại hàng hóa này sẽ được lợi hơn, vì vậy, người sản xuất đầu tư nhiều hơn cho việc sản xuất các loại hàng hóa khan hiếm. Còn nơi hàng hóa dư thừa thì giá cả và lợi nhuận sẽ thấp, người sản xuất sẽ chuyển vốn và doanh nghiệp đến những chỗ khác. Như vậy là, nền sản xuất tự động tập trung chú ý vào những nhu cầu thiết yếu nhất của quốc gia mà không cần sự chỉ đạo của nhà nước.

Nhưng hệ thống này chỉ có thể trở thành tự động khi có nền thương mại và cạnh tranh tự do mà thôi. Khi chính phủ trợ cấp hoặc bảo đảm sự độc quyền cho những người sản xuất được chính phủ ủng hộ hoặc dùng hàng rào thuế quan che chắn cho họ thì những nhà sản xuất này có thể đòi giá cao. Người nghèo là người bị thiệt nhất vì phải trả giá cao hơn cho những món hàng thiết yếu nhất.

Chủ đề tiếp theo của tác phẩm Của cải của các quốc giacác giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau tạo ra những định chế chính quyền khác nhau như thế nào. Những người săn bắn và hái lượm thời xưa chẳng có tài sản gì đáng giá. Nhưng đối với người nông dân thì ruộng đất, mùa màng và vật nuôi trở thành tài sản có giá trị và họ xây dựng chính quyền và hệ thống pháp lí nhằm bảo vệ những tài sản đó.

Trong thời đại thương nghiệp, tức là khi người ta tích luỹ vốn, tài sản còn có ý nghĩa hơn nữa. Nhưng đây chính là giai đoạn của các thương nhân, thương nhân nào biết cách lợi dụng các tiến trình chính trị nhằm bóp méo thị trường theo hướng có lợi cho mình thì sẽ càng thu đươc nhiều lợi nhuận hơn. Cạnh tranh và trao đổi tự do sẽ bị đe dọa bởi các doanh nghiệp độc quyền, các ưu đãi về thuế khóa, kiểm soát và những ưu tiên ưu đãi khác, tức là những ưu đãi mà chính quyền dành một số nhà sản xuất.

Đấy chính là lí do vì sao Smith tin rằng nhà nước phải bị giới hạn. Chức năng chủ yếu của nhà nước là bảo đảm quốc phòng, xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy giáo dục. Nhà nước phải giữ cho nền kinh tế thị trường cởi mở và tự do và không được làm méo mó thị trường.

Sản xuất và trao đổi

Cuốn thứ nhất trong năm “cuốn sách” của tác phẩm Của cải của các quốc gia giải thích cơ chế của sản xuất và trao đổi và đóng góp của chúng vào thu nhập quốc dân.

Lợi ích của chuyên môn hóa

Dùng một nhà máy sản xuất đinh ghim làm thí dụ, Smith chỉ ra rằng phân công lao động - chuyên môn hóa lao động – tạo ra nhiều sản phẩm hơn hẳn. Sản xuất đinh có vẻ như “một việc tầm thường”, nhưng hoá ra lại rất phức tạp. Dây phải được chuốt, kéo thẳng, cắt và vuốt một đầu cho nhọn. Đầu kia được mài nhẵn và đập phẳng. Đinh ghim sau đó phải được tẩy trắng và đóng gói. Cả thảy có khoảng mười tám công đoạn.

Ông bảo rằng nếu để một người làm tất cả các công đoạn khác nhau thì một ngày anh ta chỉ làm được 20 cái là cùng (còn nếu phải đi đào mỏ và luyện thép nữa thì cả ngày cũng chưa chắc đã làm được cái nào). Nhưng trong nhà máy, công việc được chia ra cho nhiều người khác nhau, mỗi người chỉ thực hiện một đến hai công đoạn mà thôi. Một tổ gồm 10 người đàn ông khoẻ mạnh có thể làm được 48.000 cái đinh trong một ngày, nghĩa là mỗi người làm được 4.800 cái, gấp 240 lần năng suất của một người làm việc đơn độc.

Việc chuyên môn hóa hiệu quả đến mức nó không chỉ xuất hiện trong các công ty mà còn xuất hiện giữa các nước khác nhau nữa. Người nông dân chuyên môn trồng cấy và chăn nuôi: nếu họ không phải mất thì giờ tự sản xuất tất cả vật dụng trong gia đình thì ruộng nương sẽ được trông nom chu đáo hơn và năng suất hơn. Trong khi đó, các nhà sản xuất sẽ lấy làm sung sướng vì được cung cấp vật dụng gia đình và giao việc sản xuất đổ ăn thức uống của mình cho nông dân. Tương tự như thể, các nước thực hiện chuyên môn hóa bằng cách xuất khẩu những món hàng mà họ sản xuất có hiệu quả nhất và nhập khẩu những món hàng mà các nước khác sản xuất có hiệu quả hơn.

Smith cho rằng hiệu suất gia tăng không chỉ vì người làm một việc trong một thời gian dài có tay nghề cao hơn. Thời gian mất mát do di chuyển từ công đoạn này sang công đoạn kia giảm đi; ngoài ra, chuyên môn hoa tạo điều kiện cho người ta sử dụng máy móc nhằm tiết kiệm nhân công, làm cho hiệu suất còn gia tăng hơn nữa. Và như vậy là: “Tiến bộ vĩ đại nhất trong việc tăng năng suất lao động và phần lớn kĩ năng, tay nghề và óc sáng kiến, dù được nhắm vào đâu hay áp dụng ở đâu thì có vẻ như cũng đều là kết quả của phân công lao động cả2

Phân công lao động thắt chặt quan hệ hợp tác của hàng ngàn người trong quá trình sản xuất ra phần lớn các đồ vật ta dùng hằng ngày:

Lấy thí dụ như chiếc áo khoác bằng len mà người làm thuê theo lối công nhật vẫn mặc hằng ngày, dù trông có thô và đơn giản đến đâu chăng nữa thì nó vẫn là sản phẩm của quá trình lao động kết hợp của rất nhiều người. Người chăn cừu, người phân loại len, người chải len, người thợ nhuộm, người quay tơ, người thợ dệt, người thợ hồ vải và nhiều người khác nữa – họ phải kết hợp tay nghề của mình để làm ra cái sản phẩm giản dị như thế3.

Hơn nữa, việc chuyên chở len lại đời hỏi phải có thủy thủ, thợ đóng tầu, thợ làm cánh buồm; thậm chí kéo để cất len cũng đòi hỏi phải có người khai mỏ, người cán thép nữa. Không thể nào liệt kê hết được. Nhưng chính sự hợp tác như thế của hàng ngàn người có tay nghề cao là nguồn gốc số cải to lớn của các nước đã phát triển và đã tạo ra những sản phẩm thí dụ như những chiếc áo khoác bằng len mà ngay một người nghèo nhất cũng có thể mua được - đấy chính điều mà Smith gọi là “sự giàu có mang tính phổ quát đã lan tỏa đến cả những người nghèo nhất4”.

Trao đổi: đôi bên cùng có lợi

Chương II giải thích việc trao đổi sản phẩm làm cho lợi ích của quá trình sản xuất đó lan tỏa ra cộng đồng như thế nào. Ông cho rằng do có một số năng lực đặc biệt, về sức mạnh hoặc trí tuệ, mà một người trong một xã hội bán khai có ích cho việc làm cung tên giỏi hơn những người khác, trong khi những người kia lại giỏi hơn trong việc sản xuất kim loại. Bằng cách chuyên môn hóa, người làm cung tên làm được nhiều tên hơn, còn người thợ rèn thì rèn được nhiều dao hơn. Thể là hai người đều có những công cụ tốt và cả hai đều có lợi do việc làm của người kia đã được chuyên môn hóa và có hiệu quả cao.

Xu hướng “trao đổi và mua bán”, Smith tuyên bố, là bản chất tự nhiên và phổ quát của con người vì cả đôi bên đều có lợi. Thực tế, trao đổi sẽ không thể nào xảy ra nếu một trong hai bên nghĩ rằng mình sẽ bị thiệt. Và đấy chính một quan niệm thấu triệt quan trọng nhất. Trong thời của Smith, tương tự như thời của chúng ta, người ta thường bán hàng lấy tiền chứ không phải là hàng đổi hàng nữa. Vì tiền được coi là tài sản cho nên có vẻ như chỉ có người bán được lợi mà thôi. Nhưng Smith đã chỉ ra rằng cả hai bên đều có lợi. Nhờ trao đổi mà cả hai bên đều nhận được món hàng họ cần mà không phải mất nhiều công sức như khi họ phải tự làm lấy tất cả mọi thứ. Nhờ trao đổi mà ai cũng thành giàu lên. Nói cách khác, tài sản không phải là nhất thành bất biến mà là được tạo ra trong quá trình buôn bán. Đấy là một ý tưởng cực kì táo bạo.

Một quan niệm thấu triệt quan trọng khác là trao đổi mang lại lợi ích cho cả hai bên ngay cả khi mỗi bên đều giả định và chấp nhận rằng giao kèo mua bán chỉ mang lại lợi ích cho mình mà không hề nghĩ đến quyền lợi của đối tác. Thế là may, vì nó giúp chúng ta phương pháp thuyết phục người khác từ bỏ những thứ mà ta đang cần. Smith viết như sau:

Chúng ta hi vọng có bữa ăn trưa không phải vì người bán thịt, người nấu bia hay người làm bánh mì có lòng tốt mà vì họ tôn trọng quyền lợi của chính mình. Chúng ta không quan tâm đến lòng nhân ái mà quan tâm đến tính ích kỉ của họ, không bao giờ chúng ta nói chuyện với họ về nhu cầu của mình mà chỉ nói về lợi ích của họ mà thôi5.

Smith dùng từ “tự-ái” hay “tư lợi” không phải để ám chỉ “lòng tham” hay “tính ích kỉ”. Hồi thế kỉ XVIII nó chỉ có nghĩa là không phải thu lợi bằng cách sẵn sàng làm hại người khác, mà là mối quan tâm hoàn toàn phù hợp và chính đáng đối với phúc lợi của chính mình. Đấy là điều tự nhiên và quan trọng đối con người đến mức trong tác phẩm Lí thuyết về cảm nhận đạo đức Smith phải gọi là “sự khôn ngoan!6” Cũng trong cuốn sách này, ông còn nhấn mạnh rằng sự “thông cảm” (ngày nay chúng gọi là “đồng cảm”) đối với người khác là một trong những tính cách nổi bật nhất của nhân loại, và công bằng (không làm hại người khác) là một trong những luật lệ quan trọng nhất của nó

Thị trường càng mở rộng thì lợi ích càng nhiều

Lợi ích do trao đổi mang lại chính là động cơ thúc đẩy chúng ta chuyên môn hoá và như vậy, càng làm gia tăng sản phẩm thặng dư mà ta có thể đem ra trao đổi. Mức độ chuyên môn hóa phụ thuộc vào mức độ gia tăng quá trình trao đổi, Smith nói như thế - nghĩa là phụ thuộc vào mức độ mở rộng của thị trường7. Thí dụ, chỉ có các “thành phố lớn” mới có đủ việc làm cho những người phu khuân vác chuyên nghiệp, còn ở những khu dân cư thưa thớt thì ngay cả thợ mộc hay thợ xây cũng không có việc làm, buộc người ta phải tự làm lầy nhiều hơn.

Tiền chính là phương tiện mở rộng thị trường8. Cuộc đời sẽ trở nên nhạt nhẽo, mệt mỏi nếu người nấu bia đói ăn phải tìm cho bằng được anh nướng bánh mì khô miệng. Đầy là lí do vì sao chúng ta phải sử dụng vật trung gian là tiền - đổi sản phẩm mà chúng ta có thừa để lấy tiền và sau đó đổi tiền lấy những sản phẩm mà chúng ta cần.

Chỉ số giá trị

Nhưng cái gì quyết định tỉ lệ trao đổi giữa các sản phẩm khác nhau, dù có dùng tiền hay là không? Smith cảm thấy bối rối vì một số thứ hoàn toàn vô ích (thí dụ như kim cương) lại có “giá trị trao đổi” cao, trong khi một số thứ cực kì quan trọng (như nước chẳng hạn) lại hầu như không có giá trị gì. Ngày nay chúng ta có thể giải quyết vấn đề này bằng lí thuyết lợi ích cận biên: vì kim cương là của hiếm cho nên có thêm một viên là niềm mơ ước lớn của chúng ta, còn nước thì quá nhiều cho nên có thêm một cốc cũng chả ích gì. Hoặc chúng ta có thể sử dụng luật cung cầu.

Đáng tiếc là lúc đó chưa ai biết thuyết lợi ích cận biên là gì, và tại thời điểm chấp bút Của cải của các quốc gia, Smith chưa hoàn thiện được phương pháp phân tích cung cầu. Cho nên ông phải xác định cái gì làm nên giá trị của sản phẩm.

Có vẻ đương nhiên là trong xã hội bán khai giá trị trước hết phải phản ánh sức lao động hàm chứa trong sản phẩm đó9. Xét cho cùng, chúng ta phải “khó khăn và cực nhọc” mới làm ra sản phẩm chúng ta bán để chúng ta khỏi phải làm sản phẩm mà chúng ta mua. Không có chuyện một trong hai bên mua sản phẩm mà người đó có thể tự làm với ít công sức hơn người kia, cho nên tỉ lệ trao đổi lí tưởng phải phản ánh được công sức ngang nhau.

Vì vậy, nếu những người thợ săn “giết một con hải li phải tổn gấp đôi công sức so với việc giết một con hươu thì đương nhiên là một con hải li phải đối được hay có giá là hai con hươu10”. Dĩ nhiên là Smith cũng đã thấy rằng không phải lao động nào cũng như nhau. Một quá trình sản xuất có thể là nặng nề hơn, hoặc đòi hỏi phải khéo léo hơn, hay phải huấn luyện lâu hơn và có nhiều kinh nghiệm hơn. Nhưng các tác nhân này sẽ được tính “bằng cách mặc cả và thỏa thuận trên thương trường11”.

Phần này đã bị nhiều người phê phán vì “thuyết giá trị lao động” đã mở cánh cửa cho Karl Marx tuyên bố rằng lao động của người lao động đã bị các ông chủ tư bản đánh cắp. Nếu quả như thế, chắc chắn việc trao đổi này sẽ chẳng mang điều gì tốt đẹp cho thế giới.

Nhưng thực ra Smith không dẫn ta đến lí thuyết về giá trị lao động. Trên thực tế ông chỉ cố gắng tìm hiểu cái mà hiện nay chúng ta coi là đại lượng kinh tế chính yếu, tức là giá thành sản xuất. Trong xã hội săn bắn giá thành hầu như chỉ là lao động. Nhưng chúng ta đã tiến hoá: Smith tiếp tục xác định các tác nhân khác của sản xuất - đất và vốn - những tác nhân được sử dụng trong những hệ thống kinh tế hiện đại hơn. Ý tưởng này cũng trở thành khái niệm căn bản trong kinh tế học ngày nay. Sau này, Smith còn đưa ra khái niệm cung và cầu, không chỉ là để khảo sát ảnh hưởng của chúng đối với giá cả mà còn xem chúng thúc đẩy toàn bộ hệ thống sản xuất và phân phối như thế nào. Đây là vấn đề rất mới, ông phải viết mấy chương mới giải thích đầy đủ được. Những chương này mô tả xã hội đã tiến hóa để thoát ra khỏi cái thời mà lao động là nguồn gốc duy nhất của giá trị12 như thế nào và chúng ta sẽ xem xét các chương đó cùng một lúc.

Đất đai, lao động và vốn

Đối với nền sản xuất hiện đại, dù thuộc bất cứ ngành nào cũng cần phải có người làm việc, cần thiết bị, thí dụ như công cụ hay máy móc để người ta làm và không gian làm việc. Vì vậy, giá thành sản phẩm có thể được chia cho ba nhân tố của quá trình sản xuất13, Smith khẳng định như thế. Khác với nền kinh tế săn bắn, những nhân tố nói trên thuộc sở hữu của những người khác nhau, vì vậy, những người này có quyền nhận một phần tiền lãi từ sản phẩm được làm ra. Đấy là lao động của người người lao động được thể hiện bằng tiền công. Đấy còn là vốn (Smith gọi là vốn tích luỹ) của người sử dụng lao động được thể hiện bằng lợi nhuận. Và việc sử dụng đất, được thể hiện bằng địa tô, trả cho chủ đất.

Vì vậy, cả đất, vốn và lao động đều đóng góp vào quá trình sản xuất, làm cho người lao động, người sử dụng lao động và chủ đất thành những người phụ thuộc vào nhau. Nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau còn vượt ra ngoài quá trình sản xuất; vì phần lớn sản phẩm là dùng để trao đổi cho nên họ cũng có vai trò quyết định trong việc định giá và phân phối sản phẩm nữa. Smith dẫn dắt chúng ta đến nhận thức rằng sản xuất, định giá và phân phối sản phẩm quốc gia không phải là các quá trình tồn tại một cách riêng biệt, mà tất cả xảy ra cùng một lúc, như những cấu phần liên quan với nhau của hệ thống kinh tế đang vận hành, mỗi người chỉ là một phần của hệ thống đó. Đấy cũng là một canh tân rất lớn về mặt lí thuyết.

Thị trường thúc đẩy sản xuất như thế nào

Sau đó Smith mới giải thích hệ thống này thúc đẩy và định hướng sản xuất như thế nào. Ông nói rằng giá cả thị trường mà sản phẩm được trao đổi có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá thành sản xuất của chúng (ông gọi đấy là “giá tự nhiên14”). Giá thị trường phụ thuộc vào nhu cầu (hoặc ít nhất là như cầu “có hiệu lực” của những người tiêu dùng có đủ tiền mua) và số sản phẩm được đưa ra thị trường. Nếu giá thị trường cao hơn giá thành sản xuất thì người bán có lời, nếu thấp hơn thì người bán lỗ.

Giá thị trường không thể thấp hơn giá sản xuất trong một thời gian dài: người bán sẽ rút khỏi thị trường chứ không để bị lỗ mãi. Nhưng cũng không thể cao hơn quá nhiều trong một thời gian dài. Nó sẽ báo cho những người cạnh tranh biết rằng có thể kiếm được lời, nguồn cung sẽ gia tăng và giá trị trường sẽ hạ xuống. Như vậy là mục tiêu của sản xuất là tạo ra số lượng cân bằng trên thị trường.

Dĩ nhiên là cạnh tranh có thể không hoàn hảo. Các quy định có thể cản trở việc tham gia vào thị trường. Doanh nghiệp độc quyền có thể đẩy giá lên bằng cách giữ cho thị trường luôn bị thiếu hụt. Hoặc thiếu thông tin: thí dụ người phát minh ra quy trình sản xuất rẻ hơn có thể thu được siêu lợi nhuận trong một vài năm, trước khi những người cạnh tranh cũng phát minh ra quy trình như thế. Cho nên giá “tự nhiên” và giá thị trường có thể khác nhau.

Tiền công phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế

Thị trường lao động cũng không hoàn hảo. Đất đai, vốn và lao động có thể phụ thuộc lẫn nhau, nhưng cuộc đấu tranh giữa người lao động, người sử dụng lao động và chủ đất là cuộc đấu tranh không cân sức. Người sử dụng lao động có thể thúc đẩy luật lệ cấm người lao động câu kết với nhau, như cách Smith nói, mặc dù việc câu kết giữa những người sử dụng lao động với nhau là hiện tượng "thường xuyên và chỉ có một kiểu15”. Nhưng người sử dụng lao động phải nhớ rằng trả tiền công thấp là sai lầm: tiền công cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn có thể gia tăng năng suất lao động và sẽ tạo ra nhiều lợi nhuận hơn.

Ông cho rằng nâng cao thu nhập quốc dân và gia tăng tích luỹ vốn sẽ là người bạn đồng hành tốt nhất của người lao động vì sẽ làm cho tiền công tăng lên. Người chủ đất với lợi tức gia tăng cũng sẽ thuê nhiều gia nhân hơn. Người thợ dệt hay thợ đóng giày có nhiều vốn hơn cũng sẽ thuê thêm thợ phụ. Nói cách khác, nhu cầu lao động tăng khi - và chỉ khi - tài sản của quốc gia tăng. Lao động sẽ chỉ được “tiền thưởng hào phóng” khi kinh tế phát triển mà thôi.

Tiền công thực tế là số hàng hóa mà nó mua được. Smith nhận thấy rằng trong khi thuế khóa làm cho giá cả các loại hàng hóa như nến, quần áo da, rượu và các loại hàng hoa xa xỉ khác gia tăng thì lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác lại rẻ đi, tất cả đều là nhờ hệ thống thị trường. Người nghèo lại càng có lợi, thế không phải là dở vì: “Chắc chắn là xã hội không thể thịnh vượng và hạnh phúc nếu đa số các thành viên của nó đều là những người nghèo đói và đáng thương16”.

Mức tiền công trên thị trường

Vế lí thuyết, Smith giả định, tiền công sẽ đi theo hướng cân bằng dần. Nếu một ngành nào đó được trả tiền công cao, người ta lập tức bỏ những ngành khác và thị trường sẽ nhanh chóng lập lại cân bằng. Làm sao mức tiền công thực tế lại có thể khác nhau được?

Ông trả lời rằng chúng ta không nên chỉ nhìn vào công “tính bằng tiền” mà phải nhìn vào công trả không phải bằng tiền nữa. Một số nghề vất vả hoặc không hấp dẫn (đấy là lí do vì sao đồ tể và đao phủ được trả tiền công cao hơn thợ dệt). Một số ngành (như xây dựng) có tính mùa vụ. Số khác (như y tế đáng được hưởng tiền công cao vì trách nhiệm xã hội rất lớn). Một số ngành tốn nhiều tiền ăn học (thí dụ như luật khoa), thậm chí đầu tư nhiều mà khả năng thành công có thể chẳng bao nhiêu (hát opera). Tất cả các nhân tố đó sẽ ảnh hưởng tới giá lao động trên thị trường của những ngành nghề cụ thể.

Tiền công và chính trị

Nhân tố chính trị cũng có ảnh hưởng tới thu nhập và lợi nhuận. Luật lệ có thể ngăn chặn không cho người dân làm một số nghề. Smith trích dẫn luật lệ chỉ cho thợ kéo ở Shefield được thuê nhiều nhất là một thợ học việc, còn thợ dệt ở Narfolk và thợ làm mũ ở Anh chỉ được thuê nhiều nhất là hai người. Những rào cản như thế giúp duy trì thu nhập cho những người có tay nghề, tức là những thợ cả trong nghề làm kéo, nghề dệt và nghề làm mũ - nhưng bằng cách tước đoạt “tài sản thiêng liêng” do lao động mà có của những người khác. Luật lệ như thế cũng ngăn cản không cho người lao động chuyển từ những ngành đang xuống dốc sang những ngành cần thiết hơn.

Smith khẳng định rằng: “Người làm cùng một nghề ít khi gặp nhau; ngay cả để vui chơi, giải trí, mà không kết thúc câu chuyện bằng âm mưu chống lại xã hội hoặc là tìm cách nâng giá17”.

Nhưng (ông liền viết) các chính trị gia và nhà lập pháp là những kẻ đồng lõa vì họ thông qua và cho thi hành những luật lệ làm cho sự câu kết như thế càng dễ xảy ra hơn và có hiệu quả hơn. Đấy là ông muốn nói đến những ưu tiên ưu đãi mà các hội nghề nghiệp được hưởng, từ thời Trung cổ các hội này đã khăng khăng bảo vệ sự độc quyền của mình, hạn chế số người được làm nghề và đưa ra điều kiện để được tham gia, đăng kí những người được cấp môn bài hành nghề và thu hội phí để giúp đỡ những người nghèo khó trong ngành của mình.

Nhưng một đạo luật, Smith nói, trong khi quy định việc đăng kí một cách công khai những người cùng nghề, đã tạo điều kiện cho họ dễ dàng gặp gỡ nhau hơn và làm cho những cuộc gặp gỡ mang tính âm mưu như vậy dễ dàng xảy ra hơn. Quỹ phúc lợi bắt buộc làm cho người ta phải gặp gỡ nhau thường xuyên hơn vì các hội viên phải đến trụ sở hội để đóng tiền. Nơi nào mà pháp luật còn đi xa hơn, cho phép các ngành nghề đó quyết định chính sách bằng quy tắc đa số thì “còn hạn chế cạnh tranh một cách hiệu quả hơn và kéo dài hơn bất cứ sự kết hợp tự nguyện nào18”.

Đối với Smith thì “kỉ luật thực sự và hiệu quả” nhất đối với việc kinh doanh chính là nỗi sợ bị mất khách hàng19. Thị trường tự do, trong đó khách hàng là “thượng đế” là phương pháp điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp hiệu quả hơn bất kì quy định chính thức nào khác - những quy định này lại thường tạo ra kết quả trái ngược hẳn với mục đích mà nó tuyên bố.

Vốn và lợi nhuận

Hơn nữa, những quy định ngặt nghèo còn ảnh hưởng đến một tác nhân nữa của quá trình sản xuất mà ông gọi là tư liệu tích luỹ (stock)20. Tư liệu tích luỹ, như sau này ông giải thích21, bao gồm hàng hóa dự trữ để sử dụng ngay như quần áo hoặc thức ăn, vốn cố định như máy móc; vốn lưu động, bao gồm công trình dở dang và hàng hóa đã làm xong nhưng còn giữ trong kho.

Smith nói rằng lợi nhuận của tư liệu tích luỹ – lợi tức trả cho những người đầu tư vào xí nghiệp sản xuất - biến đổi vô chừng. Lợi nhuận phụ thuộc vào giá cả của mặt hàng, vào tình hình làm ăn của đối thủ và “hàng ngàn hiện tượng ngẫu nhiên khác”, có thể xảy ra khi hàng hóa đang trên đường vận chuyển hoặc lưu giữ trong kho22. Tuy nhiên, lãi suất là đại lượng đầu tiên phản ánh khả năng sinh lời: người ta sẵn sàng trả lãi suất cao có nghĩa là họ có thể làm ra nhiều lợi nhuận khi đầu tư vốn vay vào sản xuất.

Bằng những thí dụ minh hoạ, Smith chỉ cho thấy lãi suất ở các thuộc địa ở Mỹ là rất cao, đấy là nơi có nhiều đất nhưng lại ít vốn và ít người làm. Đất, vì vậy mà rẻ nhưng vốn và lao động thì lại đắt - được thể hiện bằng lợi nhuận, lãi suất và tiền công, tất cả đều cao.

Đất đai và địa tô

Quan điểm của Smith về đất đai và địa tô23 cho thấy thái độ của ông đối với điền chủ cũng chẳng khác gì thái độ của ông đối với người sử dụng lao động: họ được hưởng “giá cả độc quyền”, không phải là do cố gắng, mà chỉ vì họ sở hữu khu đất, vị trí và độ phì nhiêu của khu đất đó. Các thương nhân giàu có càng muốn sở hữu những điền trang nguy nga ở vùng thôn quê thì nhu cầu về đất càng tăng, giá đất và địa tô vì vậy sẽ tăng thêm.

Đất cung cấp cho ta khoáng sản cũng như thức ăn và không gian sống. Phần nói thêm về bạc khá dài của Smith đã tập hợp được rất nhiều bằng chứng ủng hộ cho luận điểm của ông rằng thu nhập quốc dân tăng thì giá hàng hoá sẽ giảm nhưng giá đất lại tăng thêm.

Hệ thống tự động

Tóm lại: “tổng sản phẩm hằng năm của đất nước” bao gồm địa tô, tiền công và lợi nhuận, nghĩa là điền chủ, người lao động và người sử dụng lạo động chắc chắn là phải phụ thuộc vào nhau24. Họ là thành phần của hệ thống những dòng lưu chuyển không ngừng, trong đó hàng hóa được tạo ra, được trao đổi, sử dụng và thay thế - và các nguồn lực được sử dụng một cách hữu hiệu nhất - tất cả đều xảy ra hoàn toàn tự động.

Nhưng quá trình đó có thể bị bẻ cong bởi những người có đặc quyền đặc lợi, tức là những người lợi dụng quyền lực của chính phủ nhằm bóp méo hệ thống thị trường tự do để thu vén lợi ích riêng. Điền chủ có thể là những người ít năng động còn người lao động thì không có quyền lực: nhưng những người sử dụng lao động thì có cả động cơ lẫn sự nhạy bén nhằm thúc đẩy những quy định bóp nghẹt cạnh tranh. Vì vậy:

Bất kì đề xuất ban hành điều luật hoặc quy định điều tiết thương mại mới nào, có xuất xứ từ tầng lớp đó đều phải được lắng nghe một cách cực kì thận trọng và chỉ được áp dụng sau khi đã kiểm tra một cách kĩ lưỡng và đủ lâu, xem xét không chỉ với một sự chú tâm cao nhất mà còn với một sự nghi ngờ cao nhất nữa. Vì để xuất đó xuất phát từ những người mà quyền lợi không bao giờ trùng khít với quyền của xã hội, những người thường muốn lừa bịp, thậm chí áp bức xã hội và quả vậy, họ đã nhiều lần lừa bịp và áp bức rồi.25

Tích luỹ vốn

Cuốn II tác phẩm Của cải của các quốc gia nói về tích lũy vốn. Smith khẳng định rằng tích luỹ vốn là điều kiện cốt yếu đem lại tiến bộ kinh tế. Thặng dư tạo điều kiện cho quá trình trao đổi và chuyên môn hóa. Chuyên môn hoá lại tạo nhiều thặng dư hơn; đến lượt nó, thặng dư lại có thể được đầu tư vào những thiết bị mới, phức tạp và tiết kiệm nhân công cao hơn nữa. Đấy là một chu trình hợp lý. Nhờ có sự gia tăng vốn như thế mà sự thịnh vượng mới trở thành cái bánh ngày một lớn hơn: một cá nhân (hay một dân tộc) không phải nghèo đi để cho người khác (hay dân tộc khác) giàu lên. Ngược lại, khi tài sản tăng lên thì cả nước sẽ giàu thêm.

Tiền

Tiền, theo Smith, không có giá trị tự thân26. Nó chỉ là phương tiện trao đổi. Tài sản thật sự nằm ở món hàng mà tiền mua được chứ không phải nằm ở những đồng xu. Xét cho cùng, tổng sức mua của vàng và bạc cũng rất bấp bênh. Người có thu nhập bằng tiền ngày hôm nay có có thể đem tiền đó ra tiêu vào ngày mai và tạo ra thu nhập cho người thứ hai, người này lại có thể đem tiền đó ra tiêu vào ngày sau nữa và bằng cách đó tạo ra thu nhập cho người thứ ba. Như vậy, rõ ràng là số tiền đang lưu thông không phải là tổng thu nhập của quốc gia. Những người theo phái lợi thương sai vì đã lẫn lộn hai khái niệm đó.

Nhưng tiền cũng có tác dụng của nó. Đồng tiền nằm không là một công cụ vô dụng - là “vốn chết” - song nghiệp vụ ngân hàng hữu hiệu có thể làm cho tiền trở thành công cụ tích cực hơn. Thời Smith chưa có tiền giấy như ngày hôm nay (đấy thực chất là tuyên bố của chính phủ rằng tiền giấy mà họ in ra có giá trị sử dụng), thời đó các ngân hàng phát hành tiền được bảo đảm bằng số vàng trong kho dự trữ. Smith cho rằng điều đó làm cho tiền được lưu chuyển dễ dàng hơn, tuy nhiên ông đã nhận thấy rủi ro nếu ngân hàng phát hành quá mức dự trữ của họ - nên nhớ ông chấp bút tác phẩm này ngay sau cuộc khủng hoảng ngân hàng vào năm 1772, nhiều ngân hàng Scotland đã phá sản trong đợt khủng hoảng này. Smith cho rằng cạnh tranh làm cho ngân hàng phải thận trọng, tuy nhiên ông cũng coi trọng vai trò điều tiết trong nghiệp vụ ngân hàng. (Smith không phản đối tất cả các biện pháp điều tiết trong lĩnh vực kinh tế, ông chỉ phản đối những quy định có mục đích thúc đẩy những lợi ích đi ngược lại lợi ích chung mà thôi).

Tiêu dùng và đầu tư

Smith còn đưa ra một sự phân biệt mang tính sáng tạo nữa, đấy là phân biệt giữa tổng thu nhập và thu nhập ròng - tổng thu nhập trừ đi chi phí27, Chương III, nói về lao động và tiết kiệm, tiếp tục phân tích vấn đề này và là phần chính của Của cải của các quốc gia, tuy thuật ngữ của nó có thể làm cho người đọc hiện nay lúng túng. Smith chia lao động ra thành lao động sản xuất và lao động phi sản xuất. Lao động sản xuất là công việc tạo ra giá trị cao hơn chi phí và tạo ra thặng dư, có thể được đưa vào quá trình tái đầu tư - thí dụ như lao động của những người tham gia hoạt động sản xuất chế biến. Lao động phi sản xuất là công việc phục vụ cho việc tiêu thụ trực tiếp, thí dụ như công việc của bác sĩ hay nhạc công, luật sư hay nghệ sĩ múa rối, công chức hay anh hề, tức là những công việc không tạo ra thu nhập có thể dùng để tái đầu tư. Ông đã đưa ra sự phân biệt, mang tính nền tảng trong kinh tế học hiện đại, đấy là phân biệt giữa lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ.

Tiêu thụ ngay những dịch vụ như thế nghĩa là chúng ta đã dành lại ít thặng dư hơn cho việc duy trì và gia tăng nguồn vốn, mà đấy chính là cơ sở cho thu nhập trong tương lai của chúng ta. Hôm nay, ta càng tiêu thụ nhiều thì tốc độ phát triển và thu nhập trong tương lai sẽ càng giảm.

Nói tóm lại, ta có thể tiêu thụ nhiều đến mức chẳng còn gì để mở rộng năng lực sản xuất, thậm chí nhiều đến mức không thể duy trì được năng lực sản xuất nữa. Đấy chính là ăn vào vốn - Smith cho rằng: người “hoang phí không giới hạn việc chi tiêu trong trong khuôn khổ thu nhập của mình” mà “ăn bám vào số vốn mà cha ông họ đã tiết kiệm... nhằm duy trì sản xuất28

Vốn liếng còn có thể bị tiêu tán do quyết định đầu tư sai lầm (Smith gọi là “quản lí kém”). Đấy là ông nhắc đến những người theo phái lợi thương, tuy không làm giảm dự trữ vàng bạc của quốc gia, nhưng rõ ràng là đã làm giảm năng lực sản xuất của nó. Và nếu không có chế độ pháp trị thì vốn có thể bị mất cắp - làm cho người ta không còn muốn tích luỹ nữa.

Tuy nhiên, “các dân tộc vĩ đại không bao giờ bị nghèo đi vì sự ăn bám và quản lí kém trong lĩnh vực tư, nhưng đôi khi lại bị khánh kiệt vì sự ăn bám và quản lí kém trong lĩnh vực công29”. Người dân bình thường biết rằng muốn cải thiện điều kiện sống thì phải tiết kiệm và đầu tư. Nhưng các chính phủ thì lại ít quan tâm đến việc duy trì vốn liếng: vai trò của chính phủ là chi tiêu cho các dịch vụ thường nhật chứ không phải là đầu tư cho sản xuất. Smith nhận thấy rằng hầu như toàn bộ khoản thu của chính phủ đều được dùng để nuôi những người không tham gia hoạt động sản xuất.

Cho nên:

Vua chúa và các thượng thư là... những kẻ kiêu căng và xấc xược nhất vì họ giả bộ như đang chăm sóc đến tình trạng kinh tế của các cá nhân riêng lẻ... Họ, không có ngoại lệ, bao giờ cũng là những kẻ hoang phí nhất trong xã hội... Nếu việc chi tiêu hoang phí của họ không làm cho nhà nước sụp đổ thì các thần dân của họ lại càng không bao giờ làm như thế30.

Việc “chi tiêu quá mức của chính phủ” có thể buộc những người đóng thuế phải “thâm lạm vào vốn của mình” cho đến khi, dù “các cá nhân có căn cơ và quản lí tốt đến đâu cũng không bù đắp được sự lãng phí và suy giảm sản xuất” mà nó gây ra. Nhưng kinh tế thị trường là một hệ thống đầy sức mạnh. Chính phủ hoang phí có thể làm đất nước thụt lùi nhưng hiếm khi ngăn chặn được sự thăng tiến của nó:

Sự cố gắng nhằm cải thiện điều kiện sống thường xuyên, liên tục và giống nhau của mỗi người... thông thường đủ sức làm cho tình hình ngày một tiến bộ hơn, dù cho chính phủ có hoang phí đến đâu và trong quản lí có mắc sai lầm khủng khiếp đến đâu31

Bàn thêm về vốn

Smith nhận thấy rằng đồng vốn có thể sử dụng theo những cách khác nhau32. Một số tài sản (như dụng cụ nghề cá) cung cấp hàng hóa tiêu dùng ngay lập tức, số khác (máy móc) được dùng để sản xuất hoặc vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm; một loại vốn thường bị lờ đi, nhưng cũng có vai trò quan trọng và hữu ích không kém, đấy là vốn dùng trong thị trường bán lẻ, được dùng để chia hàng hóa thành những phần nhỏ hơn, tức là thành những đơn vị sử dụng - để khi muốn ăn thịt ta không phải mua cả một con bò.

(Điều này đã thúc đẩy Smith đưa ra nhận xét khôi hài về biện pháp của chính quyền nhằm giới hạn số người bán lẻ, tương tự như giấy phép cho quán bia vậy. “Không phải quá nhiều quán bia”, ông nói, “là nguyên nhân gây ra nạn nghiện rượu nói chung... mà chính nghiện rượu... làm phát sinh ra nhiều quán bia33”. Bán lẻ, cũng như mọi ngành khác, tuân theo nhu cầu).

Tuy nhiên, thông điệp chính của Cuốn II là việc tiết kiệm một phần sản phẩm của chúng ta, chứ không tiêu thụ hết, làm cho vốn sản xuất của chúng ta tăng lên; đền lượt nó lại làm gia tăng sản phẩm của chúng ta trong tương lai. Đầy chính là sự mở rộng vòng quay gia tăng tài sản - không liên quan gì (xin những người theo phái lợi thương nhớ cho) đền số lượng kim loại nằm trong tầng hầm của các ngân hàng.

Nhờ có sự tích luỹ vốn mà chúng ta có thể phát triển được nhiều quá trình sản xuất tiết kiệm lao động hơn và có mức độ chuyên môn hóa cao hơn. Phân công lao động sẽ càng ngày càng sâu sắc thêm và đến lượt nó, như Smith nói, lại đòi hỏi nhiều lao động hơn. Khi vốn gia tăng thì tiền công cũng tăng lên. (Smith chấp bút tác phẩm này trước khi cuộc Cách mạng Công nghiệp thể hiện hết sức mạnh của mình, tức là chấp bút lúc lao động chân tay đóng vai trò căn bản trong nền kinh tế. Có vẻ như ông không tưởng tượng được là máy móc có thể thay thế được con người).

Nói cách khác, kinh tế thị trường làm cho tài sản quốc gia gia tăng nhanh chóng chưa từng thấy, và số tài sản này sẽ lan toả xuống dưới, tới cả những người lao động nghèo khổ nhất. Thực tế là, người nghèo ở các nước giàu có, tức là những nước áp dụng hệ thống kinh tế thị trường, sống còn sướng hơn người giàu ở các nước nghèo nơi không áp dụng hệ thống này. Đấy chính là thông điệp toàn cầu: các nước sẽ tự cải thiện được hoàn cảnh của mình nếu họ không cố bám vào tư tưởng tự cung tự cấp hoặc tạo ra hàng rào thuế quan nhằm chống lại những người khác.

Lịch sử của các định chế kinh tế

Cuốn III xem xét sự phát triển của các mối quan hệ kinh tế, đôi khi dựa vào phỏng đoán và đôi khi dựa vào rất nhiều sự kiện lịch sử. Smith bắt đầu bằng việc thảo luận về quá trình tiến hóa từ nền kinh tề nông nghiệp lên nền kinh tế công nghiệp. Sự phát triển của các thành phố và sự phu thuộc lẫn nhau giữa thành thị và nông thôn là những hiện tượng hoàn toàn tự nhiên, ông khẳng định như thế. Thợ thủ công cần nông dân vì nông dân cung cấp cho họ lương thực, nông dân cần thợ thủ công vì thợ thủ công làm ra thiết bị, còn các thành phố thì cung cấp thị trường cho hàng hóa của họ: thực vậy, thành phố càng lớn thì trị trường càng to. Như vậy, không phải là thành phố sống bám vào nông thôn (như các nhà kinh tế học theo trường phái “trọng nông” của Pháp thời đó khẳng định); mà cả hai bên, qua trao đổi, đều làm gia tăng giá trị cho những đóng góp khác nhau của mình.

Smith mô tả sự sụp đổ của chế độ phong kiến ở châu Âu và khảo sát nguồn gốc của luật pháp phong kiến sau khi đế quốc Roma tan rã và làm sao thương mại lại có thể buộc nó phải nhường vai trò lịch sử của mình34. Smith biện luận rằng trước khi xuất hiện thương mại và buôn bán, tài sản nằm trong tay những điền chủ lớn và chắc chắn là những ông trùm này cũng trở thành những người có quyền hành duy trì luật lệ ở dịa phương. Đấy là quyền lực độc đoán và luật pháp phong kiến sinh ra là để tiết chế bớt sự độc đoán, dù không phải lúc nào cũng thành công. Nhưng sự phát triển của thương mại và buôn bán đã làm cho tài sản (và quyền lực) của các điền chủ bị gặm nhấm dần và những người quản gia của họ trở thành các tá điền độc lập. Bây giờ, những người tá điền, đã có khát vọng cá nhân, đòi phải được bảo đảm an toàn hơn và chế độ phong kiến phải tạo điều kiện cho chế độ pháp trị xuất hiện, tức là luật pháp được áp dụng giống nhau cho cả những người có địa vị cao lẫn những kẻ thấp hèn. Sự phát triển của thương mại đã tách quyền lực kinh tế khỏi quyền lực chính trị; thực vậy, quyền lực kinh tế đã có sức mạnh vô cùng to lớn.

Smith cho rằng đấy là kết quả đáng mừng, vì nó bảo vệ đồng vốn của mọi người và cho phép thương mại, buôn bán và sản xuất phát triển dưới sự che chở của luật dân sự. Một lần nữa, những nhóm người hoàn toàn không quan tâm đến việc phục vụ lợi ích chung, mà chỉ nghĩ đến việc bảo vệ tài sản và sự an toàn của chính mình, đã làm được một việc hữu ích.

Lí thuyết và chính sách kinh tế

Smith phê phán chính sách can thiệp vào nền kinh tế trong Cuốn IV. Ông bắt đầu với chủ nghĩa lợi thương và quan niệm sai lầm của nó khi cho rằng tiền và tài sản là một - và chính sách ngăn chặn nhập khẩu, khuyến khích xuất khẩu của nó nhằm giữ được càng nhiều vàng, bạc càng tốt35.

Phái lợi thương và tiền

Tiền, Smith nhắc nhở chúng ta, chỉ là phương tiện để trao đổi. Vì ngoại thương chỉ là một phần rất nhỏ của thương mại cho nên việc luân chuyển vàng qua biên giới khó có thể làm cho một nước lớn suy sụp.

Dĩ nhiên là những người theo phái lợi thương nói rằng vàng là vật lâu bền và những nước xuất khẩu vào nước ta có thể tích luỹ trong hàng chục năm, trong khi chúng ta lại ngu dốt đem đổi vàng lấy những món đồ mau tiêu hết. Smith phản bác rằng chúng ta hoàn toàn vui mừng khi nhập món rượu vang (mau tiêu hết) và xuất trở lại cho họ đồ kim khí (lâu bền). Nhưng người Pháp cũng không ngốc tới mức tích trữ nồi chảo nhiều hơn con số họ cần, còn chúng ta cũng không ngốc tới mức dành dụm vàng bạc nhiều hơn mức hữu dụng của chúng. Kim loại quý dư thừa là vốn chết, mà vốn chết thì không làm chúng ta giàu lên được.

Lợi thế tuyệt đối

Hạn chế nhập khẩu nhằm bảo tồn kho vàng bạc, Smith viết tiếp, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng nội địa có ít lựa chọn hơn: họ phải mua hàng của người sản xuất trong nước chứ không được mua hàng, có thể rẻ hơn hay tốt hơn, của nhiều nhà sản xuất ngoại quốc36. Đấy là chính sách kém hiệu quả. Cùng với việc phân công lao động giữa các ngành nghề các nước cũng phải sản xuất những thứ mà họ có khả năng làm tốt nhất và đem phần không dùng hết ra trao đổi. Luận cứ này chính là nguyên tắc mà ngày nay chúng ta gọi là lợi thế tuyệt đối, Smith kết thúc luận điểm này bằng thí dụ sống động sau đây:

Dùng kính, phân bón và tường che ở Scoland có thể trồng được những loại nho tốt nhất, rồi từ đó làm ra những loại rượu vang tốt nhất với giá đắt hơn khoảng ba mươi lần giá của loại rượu có chất lượng tương đương ở nước ngoài. Ngăn cấm nhập khẩu rượu vang ngoại quốc, thúc đẩy việc xuất rượu vang đỏ ở Scotland, điều luật như thể có hợp lý không?37

Chính sách can thiệp như thế không những là bất hợp lý và tổn kém mà còn dẫn đến những hiện tượng thoái hóa đạo đức nữa:

Quan chức nhà nước, người lẽ ra phải hướng dẫn dân chúng cách sử dụng đồng vốn của họ, thì lại không chỉ khoác lên mình một sự chú ý hoàn toàn không cần thiết mà còn tiếm quyền, vốn dĩ không những không thể trao cho bất kì cá nhân nào, mà còn không được trao cho bất kì hội đồng hay cơ quan nào; chưa ở đâu quyền lực lại trở thành nguy hiểm như khi nó nằm trong tay một kẻ điên rồ và ngạo mạn đến mức nghĩ rằng mình được trao sứ mệnh sử dụng quyền lực đó38.

Thuế nhập khẩu và trợ cấp

Smith thừa nhận rằng có thể áp dụng thuế nhập khẩu tạm thời nếu nó có thể buộc các nước khác giảm thuế nhập khẩu. Nhưng nói chung chính sách như thể là vô nghĩa và có hại, chúng ta phải thận trọng với những người ủng hộ chính sách đó. Thí dụ, Anh đánh thuế nhập khẩu rượu vang và bia với lí do là để giảm số người nghiện. Nhưng Smith phản bác lại rằng mặc dù rượu đôi khi có thể bị lạm dụng, nhưng nếu chúng ta có thể mua với giá rẻ thì vẫn tốt hơn là tự mình nấu lấy. Ông còn nhận xét rằng thuế nhập khẩu thiên vị Bồ Đào Nha hơn là Pháp với lí do là Bồ Đào Nha tiêu thụ sản phẩm của Anh nhiều hơn Pháp. Thủ đoạn vụng trộm của những người buôn bán nhỏ “đã trở thành châm ngôn hành động của đế chế to39”, ông phàn nàn như thế.

Chúng ta cũng không cần thiết phải lo về cán cân thương mại bất lợi, Smith nói với những người theo thuyết lợi thương như thế. Khi đất nước còn sản xuất nhiều hơn là tiêu thụ thì nó sẽ tiết kiệm và vốn liếng sẽ gia tăng. Nước đó có thể cứ nhập nhiều hơn xuất và tiếp tục làm ra sản phẩm dư thừa và trở thành giàu có hơn.

Lời phê phán của Smith về những chính sách can thiệp khác, trong đó có bù thuế và thưởng (trợ cấp)40 cho các nhà xuất khẩu, cho thấy hình ảnh thú vị về giai đoạn đó. Thí dụ:

Thưởng cho nghề đánh cá trích trắng theo kích thước của con tàu và tỉ lệ thuận với trọng tải của tàu chứ không phải theo sự cần cù và thành tích trong việc đánh cá, thì tôi sợ rằng nói chung tàu bè đều được trang bị chỉ để câu tiền thưởng chứ không phải là câu cá41.

Hạn chế buôn bán với thuộc địa

Của cải của các quốc gia được xuất bản chỉ vài tháng trước khi những vụ xáo trộn ở Mỹ biến thành bạo loạn thực sự. Chương nói về các thuộc địa42 chứng tỏ Smith có cảm tình với người Mỹ chủ yếu là vì chính sách hạn chế của những người theo phái lợi thương đã làm tổn hại cho lĩnh vực thương mại của họ (chẳng mang lại lợi ích gì cho Anh quốc) và một phần là vì ông cảm thấy rằng theo lẽ công bằng thì với số thuế thu được như thế, Mỹ phải được quyền có nhiều đại diện hơn trong Nghị viện.

Trong khi truy nguyên nguồn gốc của các thuộc địa, Smith cho rằng thuộc địa thường được dựng lên với hi vọng tìm được vàng và bạc, mà những người theo phái lợi thương đánh đồng với tài sản quốc gia. Nhưng tài sản chính của Mỹ lại là đất đai. Đất vừa nhiều, vừa rẻ, muốn biến của cải tiềm tàng của nó thành hiện thực thì cần phải có nhiều lao động: Vì thể mà lao động trở thành đất đỏ, nhưng trên thực tế nông nghiệp Mỹ có năng suất cao đến mức có thể chịu đựng được giá nhân công cao như thế. Thực ra, Mỹ phì nhiêu và giàu có đến mức ngay cả thuế khóa và những hạn chế về thương mại của Anh quốc cũng không thể làm cho nó phá sản được.

Đáng tiếc là chính sách buộc Mỹ chỉ được buôn bán với đất mẹ đã làm vốn và doanh nghiệp của Anh quốc không được sử dụng một cách hữu hiệu hơn - hạn chế sự thịnh vượng của cả Anh lẫn Mỹ, kết quả là vốn sẽ tích luỹ chậm hơn và vì vậy mà thu nhập trong tương lai ở cả hai nước cũng thấp hơn. Anh quốc, ông nói, cố gắng biến Mỹ thành “những người tiêu thụ” nhưng chính sách đó đã biến các điền chủ Mỹ thành chính trị gia: và vì phần lớn nền công nghiệp Anh quốc tập trung cho thương mại xuyên Đại Tây Dương cho nên rủi ro chính trị là rất lớn. Chỉ có tự do hóa thương mại và tự do hóa chính trị mới có thể làm giảm được mỗi đe doạ, nhưng các khoản đầu tư của Anh quốc đã bị làm cho méo mó đến mức sự điều chỉnh cần thiết nhất định là đau đớn.

Chính sách hạn chế thương mại của Anh quốc là thí dụ nữa của tư duy theo lối lợi thương, coi quyền lợi của người sản xuất là tối thượng. Nhưng: “Tiêu thụ là mục đích cuồi cùng của sản xuất, quyền lợi của người sản xuất cần phải được quan tâm khi và khi chỉ khi nó cũng làm lợi cho người tiêu thụ”43.

Phương án tự do

Smith cũng phê phán những người theo phái trọng nông của Pháp vì họ cho rằng tất cả mọi giá trị đều từ đất và từ sản xuất nông nghiệp mà ra - các nhà buôn và “thợ thủ công” ở thành phố chỉ làm mỗi một việc là phân bố lại tài sản đó, tự họ chẳng sản xuất được gì hết. Smith phản bác rằng dân thành thị cũng là người sản xuất. Họ không đơn giản là chỉ tiêu vốn: họ luân chuyển đồng vốn. Họ là những người sản xuất chứ không phải là phi sản xuất.

Tuy nhiên, ông coi triết lí của những người theo phái trọng nông là một trong những triết lí tốt hơn. Họ không lầm lẫn giữa sản phẩm và tiền, họ cho rằng muốn có năng suất tối đa thì thương mại phải được tự do hoàn toàn.

Smith khẳng định rằng kinh tế thị trường đủ sức vượt qua trở lực ngay cả khi tự do chưa được hoàn hảo: nhưng cái hay của chế độ kinh tế tự do là nó hoạt động một cách tự động. Nói theo cách của Smith thì “hệ thống các quyền tự do thiên bẩm đơn giản và hiển nhiên tự củng cố chính nó”. Như chúng ta đã thấy, khi người ta được tự do theo đuổi quyền lợi riêng của mình thì họ sẽ thúc đẩy quyền lợi của tất cả mọi người. Không cần bất cứ chỉ đạo nào của trung ương:

Nhà vua được được hoàn toàn giải phóng khỏi nhiệm vụ mà để thực hiện nó thì trí tuệ hay hiểu biết của con người sẽ không bao giờ đủ, ông ta được giải phóng khỏi nhiệm vụ quản lí công việc của tư nhân hay là hướng nó vào những ngành phù hợp nhất với quyền lợi của xã hội.44

Tất cả những hệ thống muốn đưa các nguồn lực vào những hướng cụ thể nào đó “trên thực tế đều làm hỏng những mục tiêu vĩ đại mà nó nhắm đến45”.

Vai trò của chính phủ

Vai trò của chính phủ được khảo sát trong Cuốn V. Ông có thái độ phê phán đối với chính phủ và bộ máy quản lí hành chính quan liêu nhưng không ủng hộ laissez-faire46. Ông tín rằng nền kinh tế thị trường mà ông mô tả chỉ có thể hoạt động và đem lại lợi ích khi người ta tuân thủ luật lệ của nó - đấy là tài sản được an toàn và hợp đồng được tôn trọng. Vì vậy, bảo vệ công líchế độ pháp trị là vấn đề quan trọng sống còn.

Quốc phòng cũng quan trọng không kém. Người nước ngoài ăn cắp hay người hàng xóm ăn cắp thì cũng thế; chúng đều không làm chúng ta tốt hơn.

Nhưng Smith còn đi xa hơn thế, ông khẳng định rằng chính phủ còn có trách nhiệm cung cấp công trình công cộngthúc đẩy giáo dục nữa.

Quốc phòng

Smith cho rằng trong thời săn bắn và hái lượm, mỗi người phải tự bảo vệ lấy mình. Vì người thợ săn, tức là người sống ngày nào biết ngày ấy và có rất ít hoặc chẳng có tài sản nào, gần như không cần bất kì chính quyền trung ương nào. Tuy nhiên, trong thời đại kinh tế nông nghiệp, khi người ta bắt đầu tích lũy tài sản (thí dụ như thóc lúa hoặc vật nuôi) thì bảo vệ trở thành ưu tiên. Khi nguyên tắc phân công lao động hình thành thì lực lượng vũ trang chuyên nghiệp xuất hiện. Người có nhiểu tài sản càng kiếm được nhiều, nhưng họ buộc mọi người đều phải đóng góp chứ không được đóng vai hưởng ké nữa. Quốc phòng trở thành chức năng của chính phủ từ đấy.

Công lí

Lí lẽ tương tự như vậy được áp dụng cho công lí. Khi tiến vào xã hội thương mại, xã hội trao đổi, những người có của cải phải thiết lập chính phủ dân sự nhằm bảo vệ họ trong cuộc đấu tranh chống lại những người hàng xóm tay trắng:

Sự sung túc của những người giàu kích thích sự phẫn nộ của người nghèo, những người thường bị nhu cầu thúc đẩy và lòng đố kị xúi giục, xâm phạm vào tài sản của người giàu. Phải có sự bảo vệ của chính quyền dân sự thì người sở hữu tài sản có giá trị, thu được sau nhiều năm lao động, mà cũng có thể là nhiều thế hệ nối tiếp nhau, mới có thể ngủ yên được47.

Rõ ràng là mọi người đều được lợi nếu họ chấp nhận quyền lực của các quan tòa độc lập. Nỗ lực của những người giàu và có thế lực nhằm thiết lập cơ chế bảo vệ bằng pháp luật còn được khuyến khích bởi xu hướng tự nhiên của con người là tôn trọng uy quyền của những người có những phẩm chất như sức khỏe, thông thái, khôn ngoan, chín chắn, giàu có và có địa vị.

Nói cách khác, chính phủ dân sự là hệ quả của xung đột và bất bình đẳng, tức là những hiện tượng xuất hiện trong xã hội thương mại. Đấy là kết quả tự nhiên, nói chung là có lợi, tuy hoàn toàn không có nghĩa là tối hảo.

Chính phú dân sự, lẽ ra nó được dựng lên nhằm bảo vệ tài sản, thì trên thực tế nó được dựng lên nhằm bảo vệ người giàu chống lại người nghèo, hoặc bảo vệ những người có tài sản chống lại những người hoàn toàn không có gì48.           

Việc chính phủ, được xây dựng trên nền tảng không hoàn hảo như thế, có một cơ cấu không hoàn hảo chẳng phải là chuyện đáng ngạc nhiên. Quyền thu thuế cho phép chính phủ tích luỹ được những nguồn lực to lớn, nhưng nó lại không có động cơ quản lí tài sản hữu hiệu như tư nhân vẫn làm. Vì vậy:

Khi các mảnh đất của nhà vua được chuyển thành tài sản tư nhân thì chỉ sau vài năm là đã được cải thiện và được chăm sóc kĩ lưỡng... Ngân khố thu từ thuế nhập khẩu và thuế đánh vào các mặt hàng tiêu dùng nội địa nhất định sẽ gia tăng khi thu nhập và tiêu thụ của người dân gia tăng49.

Thiếu vắng động cơ quản lí là vấn đề cần phải được khắc phục: “Dịch vụ công chỉ được cải thiện khi phần thưởng phù hợp với kết quả và tỉ lệ thuận với sự siêng năng trong khi thực hiện50”.

Các định chế và công trình công cộng

Nhiệm vụ thứ ba của chính phủ, theo Smith, là “xây dựng và duy trì những định chế và công trình công cộng, cực kì cần thiết cho xã hội, nhưng lợi ích mà một người hay một nhóm người thu được từ đó không thể nào bù đắp được chi phí cho nên không thể trông mong một người hay một nhóm người nào đó đứng ra xây dựng và duy trì51”.

Công việc này bao gồm các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, tức là làm cho việc buôn bán được thuận lợi hơn và giáo dục, tức là làm cho người dân trở thành thành phần có tính xây dựng trong trật tự kinh tế và xã hội.

Công trình công cộng

Muốn có thịnh vượng thì phải có thương mại, mà thương mại lại cần cơ sở hạ tầng như đường xá, cầu cống, hải cảng. Smith tin rằng một số công trình sẽ không bao giờ hoàn được vốn cho nên phải lấy tiền thuế tài trợ cho việc xây dựng các công trình đó. Nhưng phí sử dụng cũng có thể bù đắp được một phần, chứ không chỉ dùng tiền thuế của cả nước. Tương tự như thế, nếu lợi ích chỉ mang tính địa phương mà phí sử dụng không đủ bù đắp thì sử dụng thuế địa phương là tốt nhất: thí dụ người đóng thuế ở London phải trả cho việc lát đường và chiếu sáng ở London.

Smith cho rằng xã hội cần có chính sách ưu tiên ưu đãi nhằm khuyến khích những người muốn mở mang thương mại với những nước “bán khai”. Nhưng sự giúp đỡ phải được thực thi dưới hình thức doanh nghiệp độc quyền trong thời gian ngắn (như bằng phát minh hay bản quyền) chứ không phải là những khoản trợ cấp lấy từ người đóng thuế.

Vì cho đến đây, tác phẩm Của cải của các quốc gia là sự chỉ trích việc chính phủ “chỉ đạo” cách sử dụng đồng vốn của người dân, nên các chi tiêu công cộng bên trên có thể nói là kì quặc. Chắc chắn là thương mại đòi hỏi phải có hạ tầng cơ sở cũng như phải có công lí. Nhưng không rõ tại sao đường xá, cầu cống, hải cảng lại không được xây trên cơ sở thương mại và toàn bộ giá thành sẽ do những người sử dụng trả. Ngay cả việc lát đường hay chiều sáng cũng có thể do các cơ sở thương mại địa phương trả vì họ sẽ thu được lợi nhuận. Và tại sao chính phủ lại phải dính líu vào việc mở những tuyến giao thương mới.

Có thể chúng ta thông cảm với Smith vì hiện nay chúng ta có nhiều công cụ tài chính hơn để tài trợ cho công việc kinh doanh mạo hiểm hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu mới. Chúng ta cũng có công nghệ hoàn hảo hơn để dễ dàng thu phí sử dụng cầu đường, hải cảng. Nhưng trong thế kỷ XVIII, sáng kiến và tài trợ của chính phủ có vẻ như là biện pháp duy nhất nhằm thực hiện một số việc mà mọi người đều coi là thiết yếu.

Giáo dục thế hệ trẻ

Smith cho rằng giáo dục thế hệ trẻ cũng tương tự như xây dựng cơ sở hạ tầng - rất cần thiết nhằm thúc đẩy thương mại. Nhưng ở đây, một lần nữa, lập luận và đề xuất giải pháp của ông có vẻ như mâu thuẫn với tinh thần chung của tác phẩm.

Xuất phát điểm là dù có rất nhiều lợi ích, phân công lao động cũng có thể đem đến những hậu quả xấu về mặt xã hội. Tập trung vào những công việc lặp đi lặp lại hằng ngày chắc chắn sẽ làm bó hẹp quan điểm và mối quan tâm của người dân:

Một người mà cả đời chỉ thực hiện vài hoạt động giản đơn, mà kết quả có thể cũng như nhau hoặc gần như nhau thì anh ta sẽ không có cơ hội thể hiện sự hiểu biết hoặc áp dụng sáng kiền nhằm tìm ra phương pháp khắc phục những khó khăn chẳng bao giờ xảy ra52.

Marx sau này sẽ gọi đấy là sự “vong thân” (tha hóa) và Smith khẳng dịnh rằng cần phải có giáo dục để uốn nắn lại chuyện đó. Giáo dục phải đặt trọng tâm vào những người lao động nghèo, đấy chính là những người dễ bị tha hóa nhất (chủ các hãng xưởng, thương nhân có công việc thú vị hơn). Muốn cho buôn bán diễn ra một cách thuận lợi thì người dân phải “biết đọc, biết viết, biết làm toán”: hình học và cơ học cũng là những môn học có ích, Smith nói như thế.

“Xã hội” có thể thúc đẩy việc học tập bằng cách xây dựng trường học - như trường do chính quyền địa phương tài trợ ở Kirkcaldy, nơi Smith từng theo học. Nhưng nhà nước có thể đầu tư xây dựng trường mà không cần phải chu cấp toàn bộ tiền lương của giáo viên. Giáo viên phải dựa chủ yếu vào học phí, công tác giảng dạy sẽ hiệu quả hơn. Smith bực bội nhớ lại thời sinh viên ở Oxford: “Các khoản tài trợ các trường phổ thông và đại học, dù ít dù nhiều, chắc chắn sẽ làm giảm sức ép đối với sự cố gắng của các giáo viên. Tiền công của họ hoàn toàn không phụ thuộc vào thành tích và uy tín của họ trong cái nghề đặc biệt này53”.

Ông không nói rõ nhà nước phải tài trợ cho giáo dục phổ thông như thế nào, nhưng ông lưu ý sâu sắc đến các kĩ năng như đấu kiếm và nhảy múa nên được đào tạo tại các trường tư, đây là những lĩnh vực mà người học phải trả toàn bộ học phí. Người đọc thời này, sau khi đã thấy những lời cảnh báo của Smith về các công việc nhà nước nên làm, có thể hỏi rằng phải chăng nên tài trợ cho các sinh viên nghèo hơn là tài trợ cho trường học.

Giáo dục cho mọi người

Smith còn nhận thấy vai trò của nhà nước trong việc học tập của người lớn tuổi và giáo dục trong lĩnh vực tôn giáo nữa. Các giáo sĩ trở thành những kẻ lười biếng vì tiền công của họ được lấy từ thuế thập phân54, nhưng sức cám dỗ của các thành phố đang phát triển làm cho việc giáo dục tôn giáo và giáo dục đạo đức trở thành quan trọng hơn lúc nào hết. Cho nên ông ủng hộ vai trò của nhà nước trong việc khuyến khích nghiên cứu khoa học, triết học và nghệ thuật - nhưng ở đây ông cũng không nói rõ phải khuyến khích như thế nào. Ông khẳng định rằng nhà nước phải “đặc biệt chú ý” đấu tranh chống lại việc gây ra “tổn thương về tinh thần” cho những người nhút nhát cũng như phải ngăn chặn sự lây lan của “bệnh hủi và những căn bệnh ghê tởm và gớm ghiếc khác55”.

Quyền lực tối cao

Khoản cuối cùng phải dùng thuế để trả là để duy trì “phẩm giá của quyền lực tồi cao”, trong đó có chi phí của hoàng gia và tòa hình sự. Nhưng phần lớn chi phí của toà dân sự phải do các bên tranh chấp chi trả vì họ là những người hưởng lợi chính, Smith khẳng định như thể.

Nguyên tắc thuế khóa

Sau khi chứng minh rằng nhất định phải thu một số loại thuế, Smith quay sang câu hỏi thu như thế nào thì có lợi nhất. Luận cứ của ông ở đây quen thuộc và vững chắc hơn. Ông nhận thức rõ rằng: “Không có nghệ thuật nào mà một chính phủ lại học được từ một chính phủ khác nhanh hơn là nghệ thuật móc tiền từ túi người dân56”.

Hiển nhiên là cần phải có một số kiềm chế và Smith để xuất bốn nguyên tắc thuế khóa nổi tiếng. Thứ nhất, dân chúng nên đóng góp theo tỉ lệ với thu nhập mà họ được hưởng nhờ sự bảo vệ của nhà nước. Thứ hai, mức thuế phải xác định chứ không lệ thuộc vào quyết định tùy tiện của nhân viên thuế vụ. Thứ ba, không được gây ra khó khăn trong việc đóng thuế. Thứ tư, chỉ được gây ra những phản ứng phụ tối thiểu: không tốn kém trong hành thu, không gây trở ngại cho sản xuất và doanh nghiệp, không quá nặng buộc người ta phải trốn thuế ví dụ như tìm cách buôn lậu, không đòi hỏi nhân viên thuế vụ “phải viếng thăm thường xuyên và kiểm tra gay gắt57”.

Thuế là thứ mà chính phủ phải thu một cách đúng đấn, Smith nói như thế. Thí dụ như đánh thuế các công ty là không khôn ngoan - vì, như ông nhận thấy với một sự sáng suốt hiếm có – vốn, thứ mang lại thu nhập cho chúng ta, có mức năng động rất cao:

Người chủ tư liệu tích lũy thực chất là công dân toàn thể giới và không nhất thiết phải gắn bó với một nước cụ thể nào. Người đó có thể rời bỏ đất nước nơi người đó trở thành đối tượng của những cuộc điều tra rắc rối nhằm ấn định mức thuế khóa nặng nề và đưa vốn của mình đến đất nước nơi người đó có thể tiến hành công việc kinh doanh hoặc thụ hưởng gia tài của mình một cách dễ dàng hơn58.

Nhưng ở đây đề xuất của Smith cũng có một vài mâu thuẫn. Ông chống lại thuế tiêu thụ, nhưng lại ủng hộ thuẻ đánh vào hàng xa xỉ phẩm (kể cả những món hàng mà hiện nay chúng ta coi là bình thường, thí dụ như thịt gà). Ông bảo rằng dân chúng phải đóng thuế tỉ lệ với thu nhập của họ, nhưng lại muốn người giàu đóng “nhiều hơn tí lệ đó”.

Nợ công

Trong khi quan điểm của Smith về vai trò của chính phủ không được nhất quán với nguyên tắc tổng quát của ông và những gợi ý về chính sách có vẻ như cũng không được xem xét một cách đầy đủ với sự chính xác thường thấy của ông thì ông lại kết thúc tác phẩm với văn phong vốn có của mình. Các chính phủ có xu hướng tiêu nhiều hơn cả số tiền mà họ có thể móc được từ túi người dân, ông lưu ý như thế. Cho nên ông kết thúc tác phẩm Của cải của các quốc gia với lời cảnh báo rằng nợ quốc gia mà lớn thì chỉ có hại59.

Phát hành trái phiếu là chính phủ rút vốn ra khỏi tiến trình đầu tư và phát triển, và hướng nó vào tiêu thụ trong hiện tại - chi tiêu cho hoạt động của chính phủ - nghĩa là phát triển sẽ bị chậm lại. Ngoài ra các khoản vay của chính phủ tạo điều kiện cho các chính trị gia mở rộng chức năng và gia tăng quyền lực của mình mà không cần đòi hỏi dân chúng phải tăng thuế. Và họ sẽ tìm mọi cách trốn nợ. Vì những lí do đó, nợ quốc gia không phải là sự chuyển nhượng nhân từ từ nhóm người này sang nhóm người khác: nó chính là mỗi đe dọạ thực sự đối với tự do và vì vậy mà cũng là mỗi de dọạ đối với sự thịnh vượng

Của cải của các quốc gia trong bối cảnh hiện tại

Thế giới thời Smith tất nhiên là khác hẳn thế giới của chúng ta hiện nay, đấy là thế giới trước khi cuộc Cách mạng Công nghiệp làm biến đổi tất cả mọi thứ. Ông có thái độ nghi ngờ đối với các công ty cổ phần, trụ cột của chủ nghĩa tư bản ngày nay. Ông khẳng định rằng “quá nhiều chủ" không thể giữ cho nó hướng vào cái gì được60. Có thể ông đã nói đúng. Ông không tiên đoán được sự gia tăng sức mạnh của các công đoàn, không tiên đoán được vấn đề ô nhiễm công nghiệp, vấn để lạm phát và nhiều vấn đề đang làm đau đầu các nhà kinh tế học hiện nay.

Nhưng bằng cách chỉ rõ tự do và an toàn để làm việc, buôn bán, tiết kiệm và đầu tư thúc đẩy sự thịnh vượng mà không cần chính quyền chỉ đạo, tác phẩm Của cải của các quốc gia để lại cho chúng ta một loạt giải pháp đầy sức mạnh để giải quyết những vấn đề kinh tế khó khăn nhất mà thế giới có thể đặt ra cho chúng ta. Nền kinh tế tự do là hệ thống dễ thích ứng và linh hoạt, có thể chịu đựng được những cú sốc và đương đầu được với mọi tình huống của tương lai.

Chú thích:

(1) P. J. O. Rourke, Về tác phẩm Của cải của các quốc gia, Atlantic Moniny Press, New York, 2006, trang 7-8.

(2) Của cải của các quốc gia, Cuốn I, Chương I, trang 13, đoạn 1.

(3) Của cải của các quốc gia, Cuốn I, Chương I, trang 22, đoạn 11.

(4) Của cải của các quốc gia, Cuốn I, Chương II, trang 22, đoạn 10.

(5) Của cải của các quốc gia, Cuốn I, Chương II, trang 26-27, đoạn 12

(6) Lí thuyết về cảm nhận đạo đức, Phần VI, Tiết 1.

(7) Của cải của các quốc gia, Cuốn I, Chương III.

(8) Của cải của các quốc gia, Cuốn I, Chương IV.

(9) Của cải của các quốc gia, Cuốn I, Chương V.

(10) Của cải của các quốc gia, Cuốn I, Chương VI, trang 65, đoạn 4.

(11) Của cải của các quốc gia, Cuốn I, Chương V, trang 49, đoạn 4.

(12) Của cải của các quốc gia, Cuồn I, Chương V-XI.

(13) Của cải của các quốc gia, Cuốn I, Chương VI.

(14) Của cải của các quốc gia, Cuốn I, Chương VII.

(15) Của cải của các quốc gia, Cuốn I, Chương VII, trang 84, đoạn 13.

(16) Của cải của các quốc gia, Cuốn I, Chương VIII, trang 96, đoạn 36.

(17) Của cải của các quốc gia, Cuốn I, Chương X, Phần II, trang 145, đoạn 27.

(18) Của cải của các quốc gia, Cuốn I, Chương IX, trang 145, đoạn 30.

(19) Của cải của các quốc gia, Cuốn I, Chương X, Phần I1, trang 146, đoạn 31.

(20) Của cải của các quốc gia, Cuốn I, Chương X.

(21) Của cải của các quốc gia, Cuốn II, Chương 1.

(22) Của cải của các quốc gia, Cuốn I, Chương IX, trang 105, đoạn 3.

(23) Của cải của các quốc gia, Cuốn 1, Chương XI.

(24) Của cải của các quốc gia, Cuốn I, Chương XI.

(25) Của cải của các quốc gia, Cuốn I, Chương XI, trang 267, đoạn 10.

(26) Của cải của các quốc gia, Cuốn II, Chương Il.

(27) Của cải của các quốc gia, Cuốn II, Chương Il.

(28) Của cải của các quốc gia, Cuốn II, Chương II, trang 339, đoạn 20.

(29) Của cải của các quốc gia, Cuốn II, Chương III, trang 342, đoạn 36.

(30) Của cải của các quốc gia, Cuốn II, Chương III, trang 346, đoạn 36.

(31) Của cải của các quốc gia, Cuốn II, Chương III, trang 343, đoạn 31.

(32) Của cải của các quốc gia, Cuốn II, Chương V.

(33) Của cải của các quốc gia, Cuốn II, Chương V, trang 360, đoạn 7.

(34) Của cải của các quốc gia, Cuốn III, Chương IV.

(35) Của cải của các quốc gia, Cuốn III, Chương IV.

(36) Của cải của các quốc gia, Cuốn IV, Chương II.

(37) Của cải của các quốc gia, Cuốn V, Chương 11, trang 458, đoan 15.

(38) Của cải của các quốc gia, Cuốn IV, Chương 11, trang 456, đoan 10.

(39) Của cải của các quốc gia, Cuốn IV, Chương I, Phần I, trang 493, đoạn C8.

(40) Của cải của các quốc gia, Cuốn IV, Chương IV và V.

(41) Của cải của các quốc gia, Cuốn IV, Chương V, trang 520, đoạn 32.

(42) Của cải của các quốc gia, Cuốn IV, Chương VII.

(43) Của cải của các quốc gia, Cuốn IV, Chương VIl, trang 660, đoan 49.

(44) Của cải của các quốc gia, Cuốn IV. Chương IX, trang 687, đoạn 51.

(45) Của cải của các quốc gia, Cuốn V. Chương X, trang 687, đoạn 50 .

(46) "Laissez-faire là lí thuyết hay hệ thống chính quyền ùng hộ tính tự chủ trong lĩnh vực kinh tế, tin rằng chinh quyền càng ít can thiệp vào quản lý kinh tế thì càng tốt. Khái niệm này được cho là có xuất xứ từ quan điểm vô vi của Lão tử - ND

(47) Của cải của các quốc gia, Cuốn V. Chương I, Phần lI trang 710 đoạn C2.

(48) Của cải của các quốc gia, Cuốn V. Chương I, Phần lI trang 715 đoạn 12.

(49) Của cải của các quốc gia, Cuốn V. Chương II, Phần I trang 824 đoạn a18.

(50) Của cải của các quốc gia, Cuốn V. Chương I, Phần lI trang 719 đoạn 20

(51) Của cải của các quốc gia, Cuốn V. Chương I, Phần IlI, trang 723 đoạn C1

(52) Của cải của các quốc gia, Cuốn V. Chương I, Phần IlI, trang 782 đoạn F50

(53) Của cải của các quốc gia, Cuốn V, Chương 1, Phần III, mục II, trang 760.

(54) Thuế thập phân (một phần mười sản phẩm hằng năm của một trang trại. Trước đây được dùng để trả thuế ùng hộ giáo sĩ và nhà thờ) - ND.

(55) Của cải của các quốc gia, Cuốn V, Chương I, Phần III, muc II, trang 787- 788, đoạn f60.

(56) Của cải của các quốc gia, Cuốn V, Chương II, phụ lục cho mục I  và Il, trang 861, đoạn h12..

(57) Của cải của các quốc gia, Cuốn V, Chương II, Phần II, trang 861, đoạn b6.

(58) Của cải của các quốc gia, Cuốn V, Chương 1, mục II, trang 848-849, đoạn f8.

(59) Của cải của các quốc gia, Cuốn V. Chương III.

(60) Của cải của các quốc gia, Cuốn V, Chương 1, Phần II, mục 1, trang 744, đoạn e22.

Nguồn: Eamonn Butler (2007). Khảo lược Adam Smith. Phạm Nguyên Trường dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: "Adam Smith-A Primer" (2007)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường