Tại sao giới trí thức căm ghét chủ nghĩa tư bản?
Tại hầu hết các trường đại học, đặc biệt là tại các khoa xã hội-nhân văn, chủ nghĩa tư bản bị coi là một từ bẩn thỉu. Nền kinh tế thị trường nhận được rất ít ủng hộ và rất nhiều chỉ trích quyết liệt. Hiện tượng này xảy ra tại các trường đại học Hoa Kỳ, và còn nhiều hơn tại Pháp. Điều này cũng đúng với Đức, Anh và nhiều quốc gia khác nữa. Nhưng rốt cuộc thì tại sao nhiều trí thức lại cảm thấy bị xúc phạm bởi khái niệm chủ nghĩa tư bản đến thế?
TS. Rainer Zitelmann |
Nhiều trí thức không hiểu bản chất của chủ nghĩa tư bản - một trật tự kinh tế xuất hiện và phát triển một cách tự phát. Không giống như chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản không phải là một trường phái tư tưởng áp đặt vào thực tế. Ngược lại, chủ nghĩa tư bản dựa trên thị trường tự do chủ yếu phát triển một cách tự phát, từ dưới lên chứ không phải được chỉ định từ trên xuống. Trong suốt lịch sử loài người, chủ nghĩa tư bản đã tiến hóa và phát triển giống như cách mà các ngôn ngữ đã phát triển theo thời gian – là kết quả của một quá trình tự phát và không bị áp đặt, điều khiển. Esperanto, một ngôn ngữ được phát minh năm 1887 với mục tiêu trở thành ngôn ngữ toàn cầu, đã tồn tại hơn 130 năm qua mà không đạt được sự chấp nhận rộng rãi như các nhà sáng lập hi vọng. Chủ nghĩa xã hội cũng mang đặc điểm tương tự như một ngôn ngữ kiểu kế hoạch như thế - cả hai đều là những hệ thống do giới trí thức nghĩ ra.
Sự cạnh tranh giữa các nhóm tinh hoa
Để hiểu tại sao rất nhiều trí thức giữ quan điểm chống chủ nghĩa tư bản, điều quan trọng là phải nhận ra rằng họ là một tầng lớp tinh hoa, hay ở mức độ nào đó là một cộng đồng thực hành tự định nghĩa mình như vậy. Tâm lý bài chủ nghĩa tư bản của giới trí thức được nuôi dưỡng bởi sự bất bình và đối nghịch với giới tinh hoa doanh nghiệp. Theo nghĩa này, sự cạnh tranh giữa hai nhóm chỉ đơn giản là một cuộc cạnh tranh giữa các tầng lớp tinh hoa khác nhau để tranh giành địa vị trong xã hội. Nếu việc có học vấn cao hơn không tự động đồng nghĩa với việc được đảm bảo thu nhập và địa vị xã hội cao hơn, thì nền kinh tế thị trường, căn nguyên của vấn đề đó, phải có gì đó thiếu công bằng, đó là quan điểm của giới trí thức. Khi sống trong một hệ thống mà trong đó những kẻ khác luôn được tưởng thưởng cao (về mặt kinh tế), nơi những ông chủ doanh nghiệp quy mô vừa đã có thu nhập cao hơn và giàu có hơn hẳn một giáo sư triết học, xã hội học, nghiên cứu văn hóa hay lịch sử nghệ thuật, thì thật dễ hiểu khi các trí thức tỏ ra hoài nghi với một trật tự kinh tế dựa trên cạnh tranh.
Sự khinh bỉ hàm chứa trong luận điệu này chứng tỏ giới trí thức có xu hướng xem hệ giá trị của họ là tuyệt đối. Giới trí thức đánh giá con người qua trình độ học vấn và vốn văn hóa. Theo đó, thật bất công khi một người có trình độ học vấn trường ốc thấp kém và không quan tâm tới văn hoá cao cấp lại có thể tích lũy được một lượng tài sản lớn, trong khi những học giả được giáo dục bài bản và đọc cả đống sách lại chỉ sống với đồng lương ít ỏi? Không có gì đáng ngạc nhiên khi những trí thức như vậy cảm thấy thế giới hiện tại dường như bị đảo lộn về giá trị. Rốt cuộc cũng chỉ vì họ đã tự tạo ra cảm giác vượt trội về bản thân dựa trên việc họ được học hành tốt hơn, biết cái này cái kia nhiều hơn và có khả năng diễn đạt bản thân tốt hơn.
Đề cao quá mức giá trị của kiến thức sách vở
Nói cho dễ hiểu, giới trí thức có xu hướng đánh đồng tri thức với giáo dục hàn lâm và học hành sách vở. Ngành tâm lý học giáo dục gọi loại tri thức thu thập được từ sách vở là "tri thức hiện" (explicit knowledge), được thu nhận qua hình thức "học hiện" (explicit learning/ học một cách ý thức). Tuy nhiên, có một loại tri thức khác được thu nhận qua "học ngầm" (implicit learning / học không ý thức), một hình thức căn bản và mạnh mẽ hơn nhiều, dù nhiều trí thức dường như không biết về sự tồn tại của nó. Các doanh nhân thường tích luỹ tri thức qua quá trình học ngầm, nên điều quan trọng là chúng ta cần hiểu sự khác biệt giữa hai hình thức học cũng như sự khác biệt giữa hai loại tri thức này.
Hayek, người đầu tiên đưa ra khái niệm "học ngầm", đưa ra ví dụ về những đứa trẻ có thể vận dụng các quy tắc ngữ pháp và các cách diễn đạt thông dụng mà không cần ý thức về chúng. "Một đứa trẻ nói đúng ngữ pháp mà không cần biết các quy tắc ngữ pháp không chỉ hiểu được tất cả các sắc thái ngữ nghĩa do người khác diễn đạt thông qua việc tuân theo các quy tắc ngữ pháp, mà còn có thể sửa lỗi ngữ pháp trong lời nói của người khác". Tương tự như vậy, những kỹ năng của một thợ thủ công hay vận động viên - vốn liên quan đến câu hỏi làm như thế nào chứ không phải làm cái gì - chủ yếu được tiếp thu theo cách vô thức. "Đặc tính cơ bản của những kỹ năng này là ta thường không thể miêu tả cách chúng được thực hiện một cách tường tận (rõ ràng)".
Gần đây, thuật ngữ "tri thức ẩn" đã được Michael Polanyi, triết gia người Anh gốc Hungary giới thiệu lại. Michael Polanyi là học giả có nhiều đóng góp giá trị trong kinh tế học và triết học. Trong cuốn sách nổi tiếng xuất bản năm 1966 mang tên The tacit dimension (Chiều ẩn), Polanyi có viết một câu kinh điển: "Chúng ta có thể biết nhiều hơn những gì chúng ta có thể nói".
Đối với Polanyi, đây là một vấn đề cốt lõi trong giao tiếp. "Mỗi thông điệp đều chứa các thông điệp ngầm mà cả người nói và người nghe đều không thể phát ngôn, nhưng người nghe lại phải dựa vào các thông điệp ngầm này để khám phá những thông tin chưa được truyền đạt".
Polanyi làm rõ sự khác biệt giữa "tri thức ẩn" và "tri thức hiện" - giữa một bên là kỹ năng còn bên kia là kiến thức lý thuyết. "Kỹ năng của một tài xế không thể thay thế được lý thuyết lái xe; tương tự, kiến thức tôi có về cơ thể của tôi không thể thay thế được kiến thức của bộ môn sinh lý học thân thể; cũng tương tự, việc hiểu biết niêm luật thơ không mang lại cho tôi cảm nhận mà một bài thơ mang lại, cho dù tôi không biết gì về niêm luật thơ".
Nói cách khác, việc học tập không nhất thiết là kết quả của quá trình lĩnh hội tri thức một cách có ý thức và hệ thống, mà thường là kết quả của những quá trình vô thức. Trong một thử nghiệm mô phỏng trên máy tính, những người tham gia được đề nghị đóng vai một cán bộ quản lý nhà máy. Họ được giao nhiệm vụ điều chỉnh quy mô nhân viên nhằm duy trì sản xuất một khối lượng đường nhất định. Các đối tượng tham gia thí nghiệm không được tiết lộ thông tin về công thức điều chỉnh hệ thống. Trong quá trình học, họ cũng không biết là sau đó họ sẽ có bài kiểm tra kiến thức. Mặc dù vậy, bài kiểm tra sau đó cho thấy, những người tham gia đều điều chỉnh lượng đường mà không thể giải thích tại sao họ lại làm được như vậy.
Giáo dục chính quy chỉ đóng vai trò thứ yếu trong việc phát triển các kỹ năng lãnh đạo doanh nghiệp. Thành công của doanh nhân được xác định bởi các yếu tố khác học hành trường lớp, trong đó then chốt là kỹ năng bán hàng - một kỹ năng ít khi được dạy tại các cơ sở hàn lâm, song lại là điều kiện tiên quyết, cần thiết cho thành công của họ với tư cách là doanh nhân hoặc nhà đầu tư.
"Học ngầm" khác với "học hiện" ở chỗ những kết quả của nó rất khó, hoặc thậm chí không thể, được chứng minh bằng chứng chỉ hay bằng cấp. Còn nếu cứ theo chuẩn giá trị của một trí thức thì một doanh nhân - có thể vì đã không đọc nhiều sách hay không tỏ ra có nhiều tiềm năng ở trường đại học như anh ta - sẽ chẳng có gì để so sánh với một bằng tiến sĩ và một bảng danh sách dài các công trình nghiên cứu được xuất bản.
Thất vọng sâu sắc với nền kinh tế thị trường
Giới trí thức không thể hiểu tại sao một kẻ bỏ học đại học với "trí tuệ kém cỏi", những kẻ chỉ đọc rất ít trong số rất nhiều những cuốn sách mà họ đã đọc, rốt cuộc lại kiếm được nhiều tiền hơn, sống trong một căn nhà lớn hơn và lái một chiếc xe hơi tốt hơn hẳn. Họ cảm thấy bị xúc phạm về cảm giác "công bằng", và thấy được minh oan bằng niềm tin rằng chủ nghĩa tư bản hoặc thị trường "hoạt động sai" và cần "sửa chữa" bằng việc phân phối lại tài sản trên quy mô lớn. Bằng cách rút bớt của người giàu một số của cải mà họ "không đáng hưởng", giới trí thức tự an ủi mình rằng, nếu không thể xóa bỏ hẳn hệ thống tư bản tàn bạo, thì ít nhất họ cũng có thể "sửa chữa" nó ở một mức độ nào đó.
Trong một bài luận năm 1998, Robert Nozick, nhà triết học theo chủ nghĩa tự do đã bàn luận về câu hỏi: "Tại sao trí thức phản đối chủ nghĩa tư bản?". Lập luận của ông dựa trên giả định rằng những người trí thức luôn cảm thấy vượt trội hơn các thành viên khác trong xã hội. Kể từ thời Platon và Aristotle, các trí thức đã nói với chúng ta rằng sự đóng góp của họ cho xã hội có giá trị lớn hơn bất kỳ đóng góp của các nhóm khác. Nozick đặt ra câu hỏi, vậy cảm giác về giá trị này đến từ đâu?
Câu trả lời của Nozick là: Bắt đầu từ trường học - nơi những học sinh học hành sáng láng được khen ngợi và giành được điểm số tốt. Vào thời điểm những đứa trẻ "thông minh, lưu loát" tốt nghiệp giáo dục chính quy, chúng đã tự khắc sâu ý thức về sự vượt trội của mình so với những đứa bạn học kém hơn, điều này sẽ khiến chúng mong đợi xã hội bên ngoài nói chung cũng vận hành theo những chuẩn mực tương tự. Nhưng khi nhận ra rằng, nền kinh tế thị trường không đánh giá các kỹ năng của chúng theo cùng chuẩn mực giá trị, thì trong chúng tất yếu sẽ dấy lên cảm giác thất vọng, phẫn nộ và thù địch với hệ thống tư bản.
Tôi thì cho rằng, căn nguyên của dạng niềm tin này còn có nguồn gốc xa hơn nữa. Đa số các trí thức sinh trưởng trong tầng lớp trung lưu, ở các gia đình chú trọng giáo dục, có cha mẹ hay họ hàng là học giả, chứ ít người sinh ra trong tầng lớp có bố mẹ là doanh nhân hay công nhân. Từ thời thơ ấu, họ đã được nhồi nhét thông điệp cho rằng giáo dục, đọc sách, hoạt động xã hội hay chính trị quan trọng hơn việc phấn đấu để đạt được sự giàu có về vật chất. Tiếp sau đó, hệ thống giáo dục lại tiếp tục gia cố các giá trị mà những đứa trẻ vốn đã tiếp thu ở nhà: học sách vở, kĩ năng nói/viết, thành tựu học vấn là những giá trị được ghi nhận cao nhất.
Trong thế giới bên ngoài cánh cổng đại học, các trí thức vô cùng thất vọng khi phát hiện ra rằng, có những kỹ năng khác được đánh giá cao hơn kiến thức sách vở hay khả năng viết những bài luận khoa học xuất sắc. Và khi thị trường, vốn do nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng chi phối, quyết định rằng, chẳng có gì là xấu khi một người có kiến thức sách vở và trình độ học vấn phi thường lại kiếm được ít tiền hơn so với một nhà tư bản có thể là đọc ít sách hơn họ, thì giới trí thức đã tìm đủ những lời biện minh để đi đến kết luận rằng, một nền kinh tế tư bản dựa trên các nguyên tắc thị trường tự do thật đáng kinh tởm và "bất công".
Nguồn: Rainer Zitelmann, Why Intellectuals Are So Upset By The “Injustices” Of The Market Economy. Đây là phiên bản rút gọn từ bài nghiên cứu Why Intellectuals Don't Like Capitalism? in trong Chương 10 của cuốn sách The Power of Capitalism của tác giả. Nhan đề tiếng Việt do Thị Trường Tự do Academy đặt.
© Thị Trường Tự do Academy 2021
-------------------------------
*Rainer Zitelmann là một nhà sử học, xã hội học và doanh nhân. Ông là tác giả của 23 đầu sách được dịch ra 12 thứ tiếng. Cuốn "Quái kiệt làm điều khác biệt" của ông là một bestseller quốc tế, đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam.