![[Tinh thần dân chủ] Chương 13: Làm cho dân chủ hoạt động (Phần 1)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k22071_15.1_(1).jpg)
[Tinh thần dân chủ] Chương 13: Làm cho dân chủ hoạt động (Phần 1)
Từ năm 1974, dân chủ đã trải qua mấy giai đoạn. Sau giai đoạn hướng tới dân chủ trong những năm cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, quá trình chuyển đổi dân chủ đã lấy được đà và đạt được đỉnh cao cùng với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô cũ. Đầu những năm 1990, ngay cả những nước nghèo nhất ở châu Phi hậu thuộc địa – được coi là ít hi vọng nhất về dân chủ – cũng đã hòa vào làn sóng dân chủ hóa. Nhiều người đã nuôi hi vọng vào tương lai và thành tựu của dân chủ toàn cầu. Nếu cho đến nay, dân chủ đã lan tràn nhanh như vậy thì vì sao nó lại không lan ra khắp hoàn cầu?
Tôi cũng từng vui mừng trước những bước đột phá của dân chủ và cảm thấy ngay tại chỗ niềm hi vọng, lòng quyết tâm và thành tựu mà tự do đã giành được. Thật vậy, trong suốt hơn hai thập kỉ, tôi đã khẳng định khả năng không giới hạn của dân chủ – trong đó có khả năng mà tôi trình bày trong cuốn sách này – là toàn thể thế giới có thể trở thành dân chủ. Tuy nhiên, toàn thế giới trở thành dân chủ vẫn chưa đủ. Câu hỏi có tính quyết định hơn là, những nước đã trở thành dân chủ có thể tiếp tục là dân chủ, và họ có thể đạt được mức độ dân chủ mà người dân coi là xứng đáng để có hay không?
Đầu những năm 1990, tôi xem xét kĩ lưỡng hơn các thức hình thành những chế độ dân chủ mới, tôi đã gặp quá trình phát triển làm người ta lo lắng, nhiều nhà xã hội học cũng như các tố chức dân sự và các nhà hoạt động nhân quyền cũng đã nhận ra hiện tượng đó. Nhiều chế độ dân chủ được xây dựng một cách quá sơ sài và trên thực tế là những chế độ “phi tự do”, nếu quả thật đấy có thể được gọi là chế độ dân chủ.1 Tuy những chế độ này đã tổ chức các cuộc bầu cử mang tính cạnh tranh, thậm chí không biết chắc là đảng nào sẽ giành được quyền lực, và thậm chí các đảng đã thay nhau cầm quyền, nhưng đối với số đông quần chúng nhân dân, dân chủ vẫn còn hạn hẹp hay thậm chí còn là hiện tượng chưa nhìn thấy được. Cái mà nhiều người (hay tuyệt đại đa số) trải nghiệm là sự hỗn hợp của tình trạng quản trị yếu kém: lực lượng cảnh sát ngược đãi họ, các ông trùm ở địa phương áp bức họ và bộ máy quản lý quan liêu kém hiệu quả, bộ máy tư pháp tham nhũng và không thể tiếp cận được, giới ăn trên ngồi trốc cầm quyền thì dễ bị mua chuộc, coi thường nguyên tắc pháp quyền và chỉ có trách nhiệm giải trình với chính họ.2 Kết quả là, người dân – đặc biệt là những người ở dưới đáy xã hội, chiếm đa số trong nhiều chế độ dân chủ mới – từ công dân chỉ là hữu danh vô thực. Họ chỉ có vài kênh để tham gia và vài kênh để lên tiếng mà thôi. Có các cuộc bầu cử, nhưng đấy là những đảng tham nhũng, những đảng có quan hệ chủ/khách với nhau cạnh tranh với nhau và phục vụ quyền lợi của nhân dân cũng là hữu danh vô thực nốt. Có quốc hội và chính quyền địa phương, nhưng họ không đại diện và không đáp ứng trước đòi hỏi của quần chúng cử tri. Có hiến pháp, nhưng không có chủ nghĩa hiến định – tức là cam kết với những nguyên tắc và hạn chế được ghi trong văn kiện thiêng liêng này. Có chế độ dân chủ theo nghĩa hình thức, nhưng nhân dân vẫn không được tự do về chính trị. Kết quả là, thái độ hoài nghi, thậm chí là yếm thế và thất vọng của xã hội đối với “dân chủ” lan rộng.
Tôi đã nhận xét trong hai chương đầu tiên rằng có lý do để hỏi liệu chế độ dân chủ hời hợt như thế có thể chỉ nên gọi là chế độ độc tài cạnh tranh hay không. Nhưng dù chế độ có là độc tài cạnh tranh hay chỉ là dân chủ chất lượng thấp, quản lý tồi, thì thách thức vẫn còn đó: Để cơ cấu dân chủ tồn tại lâu dài – và xứng đáng tồn tại trong thời gian dài – thì nó phải là thực chất chứ không chỉ vỏ ngoài. Các chế độ này phải có thực thất, chất lượng và ý nghĩa. Cùng với thời gian, chế độ phải nghe thấy tiếng nói của người dân, lôi kéo họ tham gia, chấp nhận sự phản đối của họ, bạo vệ quyền tự do của họ và đáp ứng trước những nhu cầu của họ.
Trong những thập kỉ sắp tới, số phận của dân chủ sẽ không được quyết định bởi quy mô của sự mở rộng của nó sang những chế độ độc tài còn lại trên thế giới. Thật không may là, quá nhiều chế độ này đã học được những bài học thực tế về cách phá hoại quá trình thay đổi dân chủ – và học được những biện pháp hợp tác với nhau trong công việc phá hoại đó. Đáng tiếc là sự khác biệt của rất nhiều chế độ chuyên quyền ở châu Á, Liên Xô cũ và Trung Đông khi trở thành chế độ dân chủ bầu cử (chưa nói tới dân chủ tự do) trước năm 2015 phải nói là ít. Đa số là những nhà nước có bộ máy an ninh hiệu quả và tàn nhẫn. Họ đã biết những hiểm nguy của việc cho xã hội dân sự nhiều quyền hơn và cho bất đồng chính kiến nhiều không gian hơn, đấy là chưa nói tới phe đối lập chính trị nghiêm túc hơn. Họ đã thấy quá trình tự do hóa chính trị đưa đến – như ở Mexico, Senegal, Serbia, Georgia, Ukraine, Kenya và những nước khác – những “rủi ro” là đảng cầm quyền bị mất quyền lực. Trong thời gian tới, ở hầu hết các nước thuộc Liên Xô cũ –– đặc biệt là Belarus và Trung Á, và nhiều khả năng là chính nước Nga và ở hầu hết các nước Ả Rập và độc tài ở châu Á, con đường tốt nhất để tiến tới chuyển hóa dân chủ, thông qua tự do hóa từng bước một dường như nói chung đã bị đóng lại rồi. Một số chế độ có thể sụp đổ vì một cuộc khủng hoảng bất ngờ hoặc hàng ngũ cầm quyền chia rẽ, nhưng trong giai đoạn trước mắt, có thể dẫn tới một chính quyền độc tài mới chứ không phải là dân chủ.
Chắc chắn là, tương lai thực sự cho quá trình chuyển hóa dân chủ trong thập kỉ tới là có. Tương lai nằm trong những lân bang, nơi chế độ dân chủ đang giữ thế thượng phong hay hiện diện một cách mạnh mẽ (Mỹ Latin, Nam và Đông Nam Á và một phần của châu Phi) và trong những chế độ đã mở cửa phần nào và có cạnh tranh (Venezuela, Malaysia, Kyrgyzstan, Nigeria và một số các chế độ khác ở châu Phi) hoặc những nước yếu kém về thiết chế, nội bộ chia rẽ và đang khủng hoảng (Pakistan, Iran và Zimbabwe). Trong số các quốc gia Ả Rập, Morocco sẽ vẫn có vị trí tốt nhất trong việc thỏa thuận con đường tiến tới dân chủ. Và khi chấp bút tác phẩm này, Nepal đang trong quá trình chuyển hóa dân chủ, còn chế độ quân sự của Thái Lan dường như có khả năng trả lại quyền lực cho chính quyền dân sự, được bầu trong vòng từ một đến hai năm, mặc dù với một hiến pháp kém dân chủ hơn so hiến pháp bị bãi bỏ.
Nếu lịch sử gần đây có cho ta bất kì bản hướng dẫn nào đó thì thập kỉ tiếp theo sẽ mang đến một số bất ngờ. Chế độ cộng sản Cuba có thể lung lay khi Fidel Castro chết –– hoặc nhiều khả năng là khi Hoa Kỳ trở nên thông minh hơn và hủy bỏ những biện pháp cấm vận, đã thất bại đối với đảo quốc này. Ngay cả ở Singapore, một nhà nước cực kì mạnh mẽ và tự tin, thì nền chính trị cũng có khả năng sẽ mở ra theo hướng cạnh tranh thực sự, khi cha đẻ của chế độ và hiện là “cố vấn cấp cao”, ông Lý Quang Diệu từ trần. Những khoản viện trợ nước ngoài thông minh hơn và được phối hợp tốt hơn có thể khuyến khích hay áp lực, buộc nhiều nước phụ thuộc vào viện trợ ở châu Phi liều mình chơi canh bạc dân chủ thực sự. Nhưng bất ngờ cũng có thể xảy ra từ những vụ sụp đổ của các chế độ dân chủ mới, đẩy nhanh hơn nữa thoái trào dân chủ trong thời gian vừa qua.
Thế là, nói chung, dường như khó xảy ra hiện tượng là số nước dân chủ trên thế giới sẽ gia tăng mạnh mẽ trong thập kỉ tới. Cũng khó có khả năng xảy là – trong bối cảnh “cuộc chiến chống khủng bố vẫn tiếp tục” và cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc ở Iraq và khu vực Trung Đông – Hoa Kỳ và các đồng minh dân chủ của họ sẽ sử dụng đòn bẩy địa chính trị quý giá nhằm thúc đẩy dân chủ trong những khu vực đang gặp rắc rối. Thiếu cách tiếp cận hướng tới tương lai theo kiểu đó, hầu hết những nước với triển vọng dân chủ nghèo nàn sẽ vẫn là những nước phi dân chủ.
Sau thập kỉ tới, triển vọng cho việc mở rộng dân chủ một lần nữa trên toàn cầu sẽ phụ thuộc chủ yếu vào ba yếu tố sau đây. Thứ nhất, kinh tế có phát triển từng bước để có thể nâng cao thêm trình độ giáo dục, thông tin, và quyền lực và tổ chức của người công dân tự trị hay không. Thứ hai, sự hội nhập từng bước của những nước này vào nền kinh tế, xã hội và trật tự chính trị toàn cầu, trong đó dân chủ vẫn là giá trị giữ thế thượng phong và là hệ thống chính trị có sức hấp dẫn nhất. Hai điều kiện này, rõ ràng là có liên quan mật thiết với nhau, sẽ tạo ra áp lực dân chủ hóa ngày càng gia tăng ở châu Á (nhất là ở Trung Quốc và Việt Nam), ở Iran (nếu chế độ không sụp đổ sớm hơn), và trong một số nước thuộc thế giới Ả Rập (nếu áp lực khổng lồ về an ninh trong khu vực giảm đi). Chế độ dân chủ muốn duy trì sức hấp dẫn của nó và lấy lại đà như một giá trị phổ quát, thì các chế độ dân chủ đã ổn vững của “phương Tây” – trước hết là Hoa Kỳ ––phải tỉnh táo và giữ được những quyền tự do của họ, trong cuộc chiến đấu nhằm chống lại sự lan tràn những mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố.
Tác nhân thứ ba sẽ quyết định liệu dân chủ có bùng nổ một lần nữa, như đã từng xảy ra trong những năm 1980 và 1990 hay không: Trước khi dân chủ có thể lan truyền xa hơn, nó phải cắm rễ sâu hơn vào nơi nó đã đâm chồi. Những chế độ dân chủ mới xuất hiện từ năm 1974 phải chứng minh rằng họ có thể giải quyết được vấn đề quản trị và đáp ứng được kì vọng của các công dân về tự do, công lí, đời sống tốt đẹp hơn và xã hội công bằng hơn. Nếu các chế độ dân chủ không hoạt động tốt hơn trong việc ngăn chặn tội ác và tham nhũng, làm cho kinh tế phát triển, giảm bất bình đẳng về kinh tế và bảo đảm công bằng và tự do thì trước sau gì nhân dân cũng mất niềm tin vào dân chủ và đi theo (hay chấp nhận) những lựa chọn phi dân chủ khác. Các chế độ dân chủ mới xuất hiện trong những thập kỉ vừa qua phải được củng cố, sao cho tất cả các tầng lớp xã hội đều cam kết lâu dài và vô điều kiện với dân chủ, coi đó là hình thức chính phủ tốt nhất và tin tưởng vào những tiêu chuẩn của hiến pháp dân chủ. Nói cách khác, các chế độ dân chủ chỉ có thể tồn tại được nếu các nhà lãnh đạo và công dân của họ tiếp thu được tinh thần dân chủ. Nếu các chế độ dân chủ mới và chưa ổn định không thể tồn tại được lâu thì thách thức trước mắt chúng ta sẽ không phải là kéo dài ngọn triều dân chủ mà là quản lý vụ sụp đổ của dân chủ, tức điều mà Samuel Huntington gọi là làn sóng ngược thứ ba. Nguyên tắc căn bản của bất kì chiến dịch quân sự hay địa chính trị nào là ở một thời điểm nào đó, lực lượng hay sự nghiệp đang tiến triển phải củng cố thành quả của nó, trước khi chinh phục thêm lãnh thổ mà nó có thể chiếm giữ.
Lý do thứ hai, vì sao số phận của dân chủ trong tương lai gần được quyết định chủ yếu trong những nước vừa trở thành dân chủ trong một hay hai thập niên gần đây có liên quan đến điều này. Để trở thành giá trị hay mục đích toàn cầu, dân chủ phải được người ta coi là mô hình có thể đứng vững được. Như Huntington nhận xét trong khi trình bày làn sóng thứ ba, ảnh hưởng mạnh nhất vẫn là những ảnh hưởng mang tính khu vực.3 Có thể tưởng tượng được là Trung Quốc sẽ dân chủ hóa nếu chế độ dân chủ ở Đài Loan chìm sâu hơn vào sự phân cực về chính trị và cuộc khủng hoảng về bản sắc dân tộc hay không? Hay có thể tưởng tượng được rằng Việt Nam (và cuối cùng là Lào, Campuchia và Miến Điện) sẽ tiến theo hướng dân chủ nếu chế độ đó thất bại ở Indonesia? Tương lai của dân chủ ở các nước Liên Xô cũ sẽ như thế nào nếu nó không thể củng cố ở Trung và Đông Âu? Một nửa châu Phi độc tài sẽ như thế nào nếu các chế độ vừa xuất hiện ở lục địa này, bắt đầu từ Nam Phi, không thể làm cho dân chủ hoạt động? Dân chủ có thể sống được ở Tây Phi nếu Nigeria rơi vào tay chính quyền quân sự, hỗn loạn về chính trị hay – lạy Chúa tôi – sụp đổ hay không?
Chắc chắn là những thành tựu của tự do trên thế giới là có thực và đang lan tràn. Nhưng tán dương chiến thắng của dân chủ thì hơi sớm. Ngoài các chế độ dân chủ đã công nghiệp hóa từ lâu, chỉ có một vài nước xây dựng được chế độ dân chủ ổn định và tự do với chất lượng tương đối cao mà thôi. Và thật đáng ngạc nhiên, như tôi đã chỉ ra, thậm chí ngay cả ở những nước mà chúng ta coi là thành công về dân chủ –– Ba Lan, Hungary, Chile, Đài Loan, Hàn Quốc, Nam Phi, Ghana – vẫn có những vấn đề về quản trị và bất bình sâu sắc. Nếu chúng ta coi tiêu chuẩn của chúng ta về củng cố dân chủ là giả định về tính không thể đảo ngược được – nghĩa là khó tưởng tượng được và trên thực tế, ít công dân tưởng tượng được khả năng sụp đổ của chế độ dân chủ –– thì chúng ta có thể tuyên bố rằng mười thành viên mới của EU từ khu vực hậu cộng sản, cùng với Đài Loan, Hàn Quốc, Chile, Uruguay và có thể là cả Mexico, Brazil và Argentina là những chế độ dân chủ mới, đã được củng cố. Nhưng đấy chỉ là một nhóm nhỏ trong số 80 hoặc gần như thế những nước dân chủ xuất hiện sau năm 1974 mà thôi.4 Nhưng nếu chúng ta đặt ra vạch cao hơn để đánh giá mức độ củng cố dân chủ, trong đó có sự cam kết rộng rãi và sâu sắc của dân tộc với dân chủ như là hình thức chính phủ tốt nhất thì số nước dân chủ mới được coi là chắc chắn sẽ ít đến mức làm người ta phải ngạc nhiên.
Danh sách so sánh những nước dân chủ trên thế giới “đang gặp rủi ro” sẽ phải bao gồm phần lớn 22 nước dân chủ với dân số trên một triệu người ở Mỹ Latin và vùng Caribbe, sáu trong số mười nước dân chủ ở châu Á (trong đó có Philippines, Indonesia, Sri Lanka và Bangladesh); tất cả những nước dân chủ hậu Xô Viết nhưng chưa phải là thành viên EU; và hầu như tất cả 23 nước dân chủ ở châu Phi, ngoại trừ những nước dân chủ lâu đời là Botswana và Mauritius. Tất cả những danh sách kiểu đó đều có tính chủ quan và mơ hồ, nhưng tôi cho rằng phải bao gồm hơn 50 nước. Nếu không tính đến những nước dân chủ đã công nghiệp hóa như Nhật Bản, các thành viên mới của EU và những nước dân chủ tự do bé tí ở vùng Caribbe và các đảo ở Thái Bình Dương, thì phải coi ba phần tư các chế độ dân chủ còn lại là chưa hoàn hảo, chưa vững chắc, và có thể bị đảo ngược.5
Đây là sự kiện đáng suy nghĩ sau ba thập kỉ của làn sóng thứ ba. Nhiệm vụ cấp bách nhất của dân chủ trong thập kỉ tới là thay đổi hiện trạng này. Muốn thế, chúng ta phải tìm hiểu những lý do làm cho thành tích của dân chủ không cao và xây dựng chương trình nghị sự cho công cuộc cải cách.
Chú thích:
(1) Lần đầu tiên tôi ghi nhận xu hướng này một cách chi tiết trong Larry Diamond, “Democracy in Latin America: Degrees, Illusions, and Directions for Consolidation”, in Tom Farer, ed., Beyond Sovereignty: Collectively Defending Democracy in America (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1996). Chế độ dân chủ phi tự do, nông cạn và đáng ngờ lần đầu tiên xuất hiện một cách rộng rãi ở Mĩ Latin và chính người Mĩ Latin là những người đầu tiên phát hiện ra cho thế giới vào những năm 1980 và 1990. Xem thêm, ví dụ, Terry Lynn Karl, “Imposing Consent? Electoralism versus Democratization in El Salvador”, in Paul Drake and Eduardo Silva, eds., Elections and Democratization in Latin America, 1980-1985 (San Diego: Center for Iberian and Latin American Studies, Center for U.S./Mexican Studies, University of California at San Diego, 1986), pp. 9-36; Terry Lynn Karl, “Dilemmas of Democratization in Latin America”, Comparative Politics 23, no. 1 (1990): 14-15; Terry Lynn Karl, “The hybrid Regimes of Central America”, Joumal of Democracy 6 (July 1995): 72-86; Guillermo O’Donnell, “On the State, Democratization and Some Conceptual Problems: A Latin American View with Glances at Some Postcommunist Countries”, World Development 21, no. 8 (1993): 1355-69; and Guillermo O’Donnell, “Delegative Democracy”, Journal of Democracy 5 (January 1994): 55-69.
(2) Tôi đã trình bày những xu hướng này một cách bao quát hơn trong Larry Diamond, Developing Democracy: Toward Consolidation (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1999), pp. 43-63. Những khiếm khuyết của chế độ dân chủ phi tự do là đề tài chính trong Fareed Zakaria, The Future of Freedom: Illiberal Democracy at Home and Abroad (New York: W. W. Norian, 2003)
(3) Samuel P. Hunting, The Third Wave: Democratization in the Late Twentieth Century (Norman: University of Oklahoma Press, 1991), p. 105.
(4) Ngoài những nước dân chủ “mới” này, những nước dân chủ thuộc Thế giới Thứ ba trước năm 1974 như Ấn Độ, Costa Rica và Botswana, cũng như hơn một chục nước đảo quốc nhỏ bé có thể được đưa vào danh sách này. Về tính không thể đảo ngược được, như một trong một vài cách hiểu về củng cố dân chủ, xin đọc Andreas Schedler, “What Is Democrallc Consolidation?”, Journal of Democracy 9 (April 1998): 91-107.
(5) Tính toán của tôi bao gồm 8 nước dân chủ hậu cộng sản chưa được là thành viên EU, 17 trong số 22 nước dân chủ Mĩ Latin, Mông Cổ, Indonesia, Philippines, Sri lanka, Đông Timor, Papua New Guinea, và Bangladesh ở châu Á và châu Đại Dương, tất cả các nước dân chủ ở châu Phi, trừ Botswana và Mauritius và Thổ Nhĩ Kì.
Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)