Tín dụng làm chệch hướng sản xuất

Tín dụng làm chệch hướng sản xuất

Những chính sách hỗ trợ hay khuyến khích kinh tế của chính phủ đôi khi cũng đáng sợ như sự cản trở của chính phủ. Sự hỗ trợ hay khuyến khích này thường ở dưới dạng các khoản tín dụng trực tiếp của chính phủ hoặc bảo lãnh của chính phủ cho các khoản vay tư nhân.

Vấn đề tín dụng của chính phủ thường bị phức tạp hóa bởi khả năng lạm phát. Chúng ta sẽ thảo luận về các ảnh hưởng của lạm phát trong chương sau. Trong chương này, để đơn giản hóa vấn đề, chúng ta sẽ giả sử rằng tín dụng không bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Lạm phát, như chúng ta sẽ thấy ở phần sau, mặc dù làm sự phân tích của chúng ta trở nên phức tạp hơn, nhưng về bản chất không làm thay đổi tác động của những chính sách này.

Một đề xuất loại này thường xuyên được đưa ra trong quốc hội để xin tăng thêm tín dụng cho nông dân. Theo quan điểm của phần lớn nông dân luôn cần thêm tín dụng. Các khoản tín dụng do các công ty thế chấp tư nhân, công ty bảo hiểm hay ngân hàng cung cấp không đáp ứng “đủ” nhu cầu. Cho dù đã có bao nhiêu công ty cho vay vốn, quốc hội luôn tìm ra những nhu cầu tín dụng chưa được đáp ứng: nông dân có thể đã có đủ các tín dụng dài hạn hay ngắn hạn, song họ chưa có đủ các khoản tín dụng “trung hạn”, hoặc tỷ lệ lãi suất quá cao, hoặc có những khiếu nại cho rằng các khoản cho vay tư nhân chỉ dành cho những nông dân giàu có với cơ sở kinh tế đã vững vàng. Chính vì thế, các đề xuất thành lập tổ chức cho vay và loại hình tín dụng mới cho nông dân ngày càng chất chồng lên nhau ở các cơ quan lập pháp.

Sự tin tưởng quá mức vào các chính sách tín dụng này do hai quan điểm thiển cận gây ra. Quan điểm thứ nhất là chỉ nhìn nhận vấn đề từ phía người nông dân đi vay vốn. Quan điểm thứ hai là chỉ nhìn vào nửa đầu của giao dịch này.

Tất cả mọi khoản cho vay, đối với những người đi vay nghiêm túc, sớm hay muộn đều phải được hoàn trả. Tất cả tín dụng đều là nợ. Đề xuất tăng lượng tín dụng, vì thế, chỉ là một cách khác để đề xuất tăng nợ. Nếu ta thay “tín dụng” bằng “nợ”, sức hấp dẫn của các đề xuất này sẽ giảm đi đáng kể.

Ở đây, chúng ta không cần thảo luận đến các khoản cho vay bình thường mà nông dân có được thông qua nguồn vốn cho vay của tư nhân, ví dụ như các khoản thế chấp, tín dụng trả góp để mua xe hơi, tủ lạnh, tivi, máy kéo và các trang thiết bị sản xuất nông nghiệp khác, và các khoản vay ngân hàng để giúp nông dân duy trì hoạt động cho đến khi thu hoạch, bán sản phẩm, và thu được lợi nhuận. Ở đây, chúng ta chỉ thảo luận đến những khoản tiền do các cơ quan chính phủ cho nông dân vay hoặc bảo trợ cho nông dân vay từ nguồn khác.

Các khoản cho vay này có hai loại chính. Loại thứ nhất nhằm giúp nông dân có thể không tung nông phẩm ra thị trường. Đây là một loại tín dụng rất tai hại, nhưng chúng ta sẽ xem xét nó sau trong phần nói về sự kiểm soát hàng hóa của chính phủ. Loại thứ hai nhằm cung cấp vốn, thường để giúp người nông dân xây dựng cở sở vật chất cho việc sản xuất, ví dụ như để mua nông trang, mua gia súc kéo hoặc máy kéo, v.v…

Thoạt nhìn qua, ta sẽ nghĩ đây là một loại tín dụng hợp lý. Giả sử có một gia đình nghèo không có phương cách kiếm sống. Nếu để họ phải sống nhờ trợ cấp thì thật tàn nhẫn và lãng phí. Hãy mua cho họ một nông trang; giúp họ xây dựng cơ sở hạ tầng; biến họ thành những công dân có ích cho xã hội và tự hào về bản thân; giúp họ đóng góp vào tổng sản phẩm quốc dân và tự hoàn trả khoản cho vay này bằng lao động của mình. Hoặc trong một trường hợp khác, ta có một nông dân phải sử dụng những phương pháp canh tác cổ xưa và lạc hậu bởi người đó không có đủ tiền để mua máy cày. Hãy giúp người nông dân này một khoản tiền để mua một chiếc máy cày, nhờ đó người đó có thể tăng năng suất của mình; với khoản thu nhập tăng lên, người nông dân sẽ hoàn trả khoản cho vay này. Bằng cách ấy, chúng ta không chỉ khiến người nông dân nọ trở nên giàu có và tự lực hơn mà với lượng nông sản được tăng thêm, chúng ta thực sự giúp cả cộng đồng có nhiều của cải hơn. Còn khoản tiền cho vay thì thực sự không đáng gì với chính phủ và người nộp thuế bởi, theo luận chứng này, nó có khả năng “tự chi trả”.

Trên thực tế, đây là điều xảy ra hàng ngày thông qua hệ thống tín dụng tư nhân. Nếu một người muốn mua nông trang và chỉ có một nửa hoặc một phần ba số tiền cần có, những người hàng xóm hay một ngân hàng có thể cho người đó vay số tiền còn lại dưới dạng thế chấp trang trại. Nếu người này muốn mua máy kéo, bản thân công ty bán máy kéo hoặc một công ty tài chính khác có thể giúp người đó mua được chiếc máy kéo với khoảng một phần ba giá bán; phần còn lại được trả góp nhờ khoản tăng thu nhập mà chiếc máy kéo sẽ đem lại.

Nhưng có một sự khác biệt mang tính quyết định giữa những khoản cho vay do tư nhân cung cấp và các khoản cho vay của các cơ quan chính phủ. Mỗi người cho vay tư nhân chấp nhận rủi ro đối với vốn của chính mình. (Với một ngân hàng, tiền gửi của những người khác sẽ chịu rủi ro; song nếu khoản tiền đó bị mất, ngân hàng hoặc phải dùng tiền của mình để đền bù hoặc sẽ bị đóng cửa). Khi phải chịu rủi ro bằng vốn của chính mình, người cho vay thường rất cẩn trọng trong việc điều tra và xem xét để đánh giá giá trị của tài sản thế chấp, tính khả thi của phương án sản xuất và độ đáng tin cậy của người đi vay.

Nếu các cơ quan của chính phủ cũng có những quy định và đòi hỏi nghiêm ngặt như vậy, họ sẽ chẳng có lý do gì để tham gia vào lĩnh vực cho vay vốn, bởi khi đó họ sẽ làm chính công việc mà các tổ chức cho vay cá nhân đang làm. Nhưng các cơ quan cho vay của chính phủ hầu như luôn hoạt động theo các tiêu chuẩn khác. Mục tiêu của việc chính phủ tham gia vào lĩnh vực này là nhằm cung cấp tín dụng cho những đối tượng không đủ điều kiện để cho vay theo tiêu chuẩn của các tổ chức cho vay tư nhân. Nói cách khác, các cơ quan cho vay của chính phủ sẽ chấp nhận, bằng tiền của người nộp thuế, những rủi ro mà người cho vay tư nhân không chấp nhận với vốn của chính họ. Đôi khi, những người ủng hộ tín dụng của chính phủ cũng công nhận rằng tỷ lệ hoàn trả của các chương trình tín dụng chính phủ luôn thấp hơn so với hoạt động tín dụng tư nhân. Song họ cho rằng điều này sẽ được bù đắp bởi lượng sản phẩm được tạo ra nhờ sự sản xuất những người đi vay đã hoàn trả được khoản tiền vay và thậm chí của cả phần lớn những người đi vay không trả nổi khoản tiền vay của mình.

Luận chứng này cỏ vẻ đúng nếu chúng ta chỉ quan tâm đến những người được vay tiền của chính phủ mà bỏ qua những người không vay được tiền vì sự can thiệp của chính phủ. Thứ được đem ra cho vay không phải là tiền (tiền chỉ là một phương tiện trung chuyển) mà là vốn sản xuất. (Tôi đã lưu ý với các bạn là chúng ta sẽ xem xét ảnh hưởng của lạm phát đối với tín dụng ở phần sau). Thứ thực sự được cho vay chính là các nông trang hay máy kéo. Ta phải nhớ rằng số lượng nông trang và máy kéo là có hạn (giả sử rằng lượng máy kéo không cần thiết sẽ không được sản xuất ra, bởi nếu được sản xuất, chúng sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất những hàng hóa khác). Một nông trang hay máy kéo được đem cho A vay sẽ không thể được đem cho B vay. Câu hỏi quan trọng ở đây là A hay B là người sẽ được cho vay nông trang.

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ phải xem xét các thế mạnh và ưu điểm của A và B, mỗi người trong họ đóng góp hoặc có khả năng đóng góp gì cho sản xuất. Hãy ví dụ A là người sẽ có được nông trang nếu chính phủ không can thiệp vào. Ngân hàng địa phương hoặc những người hàng xóm biết rõ A và các hoạt động của người này trước đây. Họ muốn tìm được người sẽ sử dụng tốt vốn của họ. Họ biết A là một nông dân giỏi, một người trung thực và luôn giữ lời. Họ nghĩ rằng đầu tư vào A sẽ có mức rủi ro thấp. Bản thân A, nhờ chăm chỉ làm ăn và cần cù tiết kiệm, cũng đã có được một khoản tiền bằng một phần tư giá trị nông trang. Họ cho A vay ba phần tư còn lại, và người này có được nông trang.

Nhiều người có một tư tưởng kỳ lạ về tín dụng. Họ nghĩ rằng tín dụng là thứ ngân hàng trao cho một cá nhân hay doanh nghiệp. Ngược lại, tín dụng là thứ người đó đã có sẵn. Người đó có sẵn tín dụng thông qua những tài sản có giá trị thị trường lớn hơn khoản tiền cần vay, hoặc nhờ vào tính cách và lý lịch tốt của mình. Khi đến ngân hàng vay tiền, người đó mang theo những điều này. Đó là lý do vì sao ngân hàng cho người đó vay tiền. Ngân hàng không vô cớ cho ai bất kỳ thứ gì. Ngân hàng chỉ cho vay khi biết chắc mình sẽ được hoàn trả. Ngân hàng chỉ đơn thuần là trao đổi một hình thức tài sản dễ chuyển đổi ra tiền hơn lấy một loại tài sản khó chuyển đổi hơn. Đôi khi ngân hàng nhầm lẫn; khi đó, không chỉ ngân hàng mà cả cộng đồng sẽ chịu thiệt, bởi những giá trị đáng lẽ được tạo ra bởi người cho vay đã không được tạo ra, và một phần nguồn lực đã bị phí phạm.

Hãy cùng giả sử rằng A là người có tín dụng và là người sẽ được ngân hàng cho vay. Nhưng chính phủ tham gia vào việc cho vay với suy nghĩ của người làm từ thiện, và chính phủ cảm thấy lo lắng cho B. B không thể xin thế chấp hoặc các khoản vay khác từ người cho vay tư nhân bởi B không có tín dụng. B không có tiền tiết kiệm; B không được là một nông dân giỏi; B hiện tại có thể đang sống nhờ phụ cấp. Những người ủng hộ tín dụng chính phủ tự hỏi tại sao ta không biến B thành một người hữu dụng và có ích cho xã hội bằng cách cho B vay đủ để mua một nông trang và một chiếc máy kéo để bắt đầu sản xuất.

Trong một vài trường hợp nhất định, kết cục có thể sẽ đúng như điều họ mong đợi. Nhưng nhìn chung thì những người được lựa chọn bởi các chương trình cho vay của chính phủ có nhiều rủi ro hơn so với những người do các tổ chức cho vay tư nhân lựa chọn. Một lượng tiền lớn hơn sẽ không được hoàn trả khi cho họ vay. Tỷ lệ thất bại trong số họ sẽ cao hơn. Họ sẽ không sử dụng vốn vay tốt bằng những người kia, vì vậy họ sẽ làm lãng phí nhiều nguồn lực hơn. Thế nhưng những người được lựa chọn bởi các chương trình tín dụng của chính phủ sẽ có được trang trại và máy kéo thay vì những người đáng lẽ sẽ được các tổ chức tín dụng tư nhân lựa chọn. Bởi vì B có được nông trang, A sẽ không có nữa. A có thể sẽ phải từ bỏ việc đi vay vì lãi suất hoặc giá nông trang bị đẩy lên cao do sự can thiệp của chính phủ, hoặc vì không còn nông trang nào nữa tại khu vực đó. Trong trường hợp nào đi nữa, tín dụng chính phủ không làm tăng lên mà làm giảm lượng của cải do xã hội tạo ra, bởi nguồn vốn sản xuất sẵn có (các nông trang, máy kéo, v.v…) đã được giao vào tay những người kém năng suất hơn và không đáng tin bằng.

Vấn đề này sẽ trở nên rõ ràng hơn nếu chúng ta chuyển từ nông nghiệp sang các loại hình kinh doanh khác. Nhiều người cho rằng chính phủ nên gánh chịu những rủi ro “quá lớn đối với các doanh nghiệp tư nhân”. Điều này có nghĩa là chính phủ nên được phép chấp nhận, bằng tiền của người nộp thuế, những rủi ro mà bình thường không ai muốn tự mình gánh chịu.

Chính sách này sẽ dẫn đến rất nhiều vấn đề. Nó sẽ dẫn đến sự thiên vị (cho bạn bè hoặc người quen vay vốn; hoặc cho vay vốn để đổi lại các khoản đút lót). Nó sẽ gây ra nhiều tai tiếng và những phàn nàn tố cáo mỗi khi tiền của người nộp thuế được trao cho các doanh nghiệp thua lỗ. Nó sẽ dẫn đến xu hướng xã hội hóa nền kinh tế, bởi người ta sẽ hỏi rằng tại sao chính phủ không được chia sẻ lợi nhuận nếu chính phủ gánh chịu các rủi ro. Lý do gì có thể biện minh cho việc yêu cầu những người nộp thuế phải gánh chịu rủi ro trong khi những tư bản tư nhân được giữ lại lợi nhuận của mình? (Tuy nhiên, đây chính là điều chúng ta đã làm trong trường hợp các khoản cho vay mang tính “phi bảo trợ” của chính phủ cho nông dân, như chúng ta sẽ thảo luận sau.)

Hiện giờ, chúng ta sẽ tạm bỏ qua tất cả các vấn đề này và chỉ tập trung vào một hậu quả của loại hình cho vay này: việc lãng phí vốn và giảm sản xuất. Vốn sản xuất sẵn có bị đưa vào những dự án tồi hoặc không đáng tin cậy. Lượng vốn này sẽ được giao vào tay những người kém khả năng và không đáng tin bằng những người đáng lẽ đã có thể được nhận nó. Bởi lượng vốn sản xuất luôn có hạn (không giống như tiền tệ do các nhà máy in tiền sản xuất ra), những gì đã được trao vào tay B không thể được trao vào tay A nữa.

Mọi người muốn đầu tư vốn của mình, nhưng họ đều rất cẩn thận và muốn được hoàn trả vốn. Vì vậy, phần lớn người cho vay đều xem xét những đề nghị xin vay vốn rất cẩn thận trước khi chấp nhận rủi ro và đặt vốn vào đó. Họ sẽ cân nhắc giữa khả năng thu được lợi nhuận và khả năng thua lỗ. Đôi khi họ có thể mắc sai lầm, song họ ít mắc sai lầm hơn những người cho vay tiền chính phủ vì một vài lý do sau. Thứ nhất, đó thường là tiền của họ hoặc tiền đã được tự nguyện uỷ thác cho họ. Đối với chính phủ, đó là tiền thu được từ người khác thông qua thuế, cho dù người đó có muốn hay không. Tiền của các cá nhân chỉ được đầu tư khi có hoàn trả vốn và lãi. Điều này có nghĩa là người được cho vay vốn sẽ phải sản xuất ra loại sản phẩm cho thị trường mà mọi người thực sự cần. Trong khi đó, tiền của chính phủ thường được cho vay với những mục tiêu không rõ ràng như “tạo việc làm”, nghĩa là công việc càng kém hiệu quả càng được đánh giá cao, hay nói cách khác là với cùng một mức sản lượng, dự án nào càng đòi hỏi nhiều nhân công càng được đánh giá cao.

Hơn thế nữa, những người cho vay tiền tư nhân đều đã trải qua sự sàng lọc khắc nghiệt của thị trường. Nếu sai lầm, họ sẽ mất tiền và không còn vốn để tiếp tục cho vay. Họ sẽ chỉ có tiền để cho vay nếu họ đã thành công trong quá khứ. Chính vì thế, những người cho vay tư nhân (ngoại trừ một lượng nhỏ những người có được tài sản của mình thông qua thừa kế) đều đã phải trải qua sự lựa chọn sống còn của thị trường. Những người cho vay tiền chính phủ thì lại khác. Họ hoặc là những người đã vượt qua các kỳ thi công chức, hoặc là những người có khả năng trả lời các câu hỏi lý thuyết mang tính giả định, hoặc là những người có thể đưa ra những lý do thuyết phục nhất để ủng hộ việc cho vay hoặc để giải thích tại sao đó không phải là lỗi của họ khi khoản tiền cho vay không được hoàn trả. Kết quả cuối cùng không có gì thay đổi: những khoản cho vay của tư nhân luôn tận dụng được các nguồn lực và vốn sản xuất hiện có tốt hơn nhiều so với các khoản cho vay của chính phủ. Các khoản cho vay của chính phủ sẽ lãng phí nhiều vốn sản xuất và các nguồn lực hơn so với các khoản cho vay của tư nhân. Nói tóm lại, khi so sánh với các khoản cho vay của tư nhân, các khoản cho vay của chính phủ sẽ làm giảm chứ không làm tăng sản xuất.

Nói một cách đơn giản, các đề xuất cho vay của chính phủ chỉ nhìn thấy B mà bỏ quên A. Chúng nhìn thấy những người được cho vay tiền; chúng bỏ quên những người đáng lẽ đã có được khoản tiền ấy nếu không có sự can thiệp của chính phủ. Chúng nhìn thấy những dự án được cấp vốn vay; chúng bỏ quên những dự án không được cấp vốn. Các đề xuất này nhìn thấy những ích lợi tức thời đối với một nhóm cá thể nhất định, song bỏ qua những thiệt hại mà những nhóm khác và toàn thể xã hội phải gánh chịu.

Các khoản thế chấp và vay của các cá nhân và doanh nghiệp tư nhân được chính phủ bảo lãnh, mặc dù không rõ ràng như trường hợp các khoản cho vay và thế chấp trực tiếp của chính phủ, cũng dẫn đến những vấn đề tương tự. Những người ủng hộ điều này cũng quên rằng thứ được cho vay, thực chất là vốn sản xuất, rất có hạn; khi giúp B, họ lấy đi những khoản thế chấp hay vốn vay mà A đáng lẽ đã nhận được. Các khoản thế chấp mua nhà được chính phủ bảo lãnh với các khoản trả trước rất nhỏ hoặc bằng không (0) sẽ tạo ra các khoản nợ có khả năng thanh toán thấp và khiến những người nộp thuế phải gánh chịu rủi ro và bù đắp cho những khoản thua lỗ. Chúng khuyến khích người ta “mua” những ngôi nhà vượt quá khả năng tài chính của mình. Chúng cũng thường dẫn đến tình trạng thừa cung về nhà so với các hàng hóa khác. Chúng kích thích một cách tạm thời việc xây nhà và tăng giá thành xây dựng đối với mọi người (bao gồm cả những người mua nhà bằng thế chấp được bảo lãnh), và có thể khiến ngành xây dựng mở rộng quá mức, gây ra nhiều tốn kém. Tóm lại, về lâu dài, chúng không tăng tổng sản phẩm quốc dân; chúng chỉ khiến người ta đầu tư sai lầm.

Chúng ta có nhận xét từ đầu chương này rằng sự “hỗ trợ” của chính phủ đôi khi cũng đáng sợ như sự cản trở của chính phủ. Điều này đúng với cả sự trợ giá cũng như với các khoản cho vay của chính phủ. Chính phủ chỉ cho các hoạt động kinh doanh những gì chính phủ lấy đi từ chúng. Chúng ta thường nghe những người ủng hộ chương trình phục hồi kinh tế và cải cách xã hội do Roosevelt khởi xướng, hay những người ủng hộ nền kinh tế tập trung dưới sự chỉ đạo của chính phủ, nói rằng họ đã “cứu nhiều doanh nghiệp” khỏi chỗ lụn bại thông qua Công ty tài chính tái thiết, Công ty tín dụng sở hữu nhà và những cơ quan khác thuộc chính phủ vào năm 1932 và những năm sau đó. Nhưng chính phủ sẽ không có tiền để hỗ trợ các doanh nghiệp nếu trước hết họ không thu tiền từ các doanh nghiệp. Tất cả vốn của chính phủ đều đến từ thuế. Ngay cả chương trình “tín dụng nhà nước” thường được đem ra khoe khoang cũng phải theo nguyên tắc là cuối cùng sẽ được thanh toán bằng các khoản thu từ thuế. Khi chính phủ hỗ trợ hoặc cho các doanh nghiệp vay tiền, điều họ làm trên thực tế là thu thuế của các doanh nghiệp tư nhân thành công để hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân thua lỗ. Điều này có thể là hợp lý trong một vài tình huống đặc biệt mang tính khẩn cấp, với lý do vì sao chúng ta sẽ không xem xét tại đây. Nhưng về lâu dài, xét từ góc độ của toàn bộ nền kinh tế, đây không phải là điều có lợi. Thực tế đã chứng minh như thế!

Nguồn: Henry Hazlitt, Kinh tế học trong một bài học (Economics in One Lesson), Chương 6

Dịch giả:
Phạm Việt Anh
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh