Các mức giá “ngang bằng”

Các mức giá “ngang bằng”

Lịch sử của thuế quan khiến chúng ta nhớ một điều: những người có quyền lợi đặc biệt luôn nghĩ ra những lý do tuyệt vời để giải thích tại sao quyền lợi của họ phải luôn được chú trọng đặc biệt. Họ đưa ra những kế hoạch nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân. Lúc ban đầu, những kế hoạch này thường bất hợp lý đối với các học giả khác - những người không liên quan gì đến những lợi ích đó - chẳng buồn phê phán hay chỉ ra rằng chúng sai ở đâu. Nhưng những người có quyền lợi liên quan sẽ tiếp tục kiên trì theo đuổi kế hoạch của họ. Bởi những kế hoạch này, nếu được thực hiện, sẽ đem lại nhiều lợi ích trước mắt về kinh tế cho họ, nên họ sẵn sàng thuê các nhà kinh tế học và chuyên gia về giao tế để phổ biến kế hoạch thay cho họ. Công chúng sẽ thường xuyên được nghe những kế hoạch được trình bày với nhiều số liệu, sơ đồ và đồ thị đầy tính thuyết phục và sẽ sớm chấp nhận những kế hoạch này. Các học giả khác thường chỉ nhận ra nguy cơ của những kế hoạch này khi đã quá muộn. Họ không thể trong vòng vài tuần tìm hiểu toàn bộ vấn đề một cách kỹ càng như những chuyên gia đã được thuê để nghiên cứu và tìm cách bảo vệ những kế hoạch này trong nhiều năm. Họ sẽ bị xem là những người thiếu hiểu biết và chuyên gây rối, những người dám chống lại lẽ thật hiển nhiên.

Câu chuyện mà tôi vừa kể giống như câu chuyện về các mức giá “ngang bằng” cho nông sản. Tôi không nhớ nổi lần đầu tiên nó được đệ trình, nhưng cùng với New Deal (Điều Luật Mới) năm 1933, nó đã trở thành một nguyên tắc bất biến, được đưa vào luật, được áp dụng, và đã có rất nhiều tác động lên nền kinh tế.

Đây là lý luận của những người ủng hộ các mức giá ngang bằng: Nông nghiệp là ngành sản xuất cơ bản và quan trọng nhất trong tất cả các ngành sản xuất. Vì vậy, nó phải được duy trì bằng mọi giá. Hơn nữa, sự thịnh vượng của tất cả những người khác đều phụ thuộc vào sự thịnh vượng của người nông dân. Nếu nông dân không có sức mua để mua sản phẩm của các ngành sản xuất khác, các ngành này sẽ bị đóng cửa. Đây chính là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng năm 1929, hay ít nhất cũng là nguyên nhân cho việc chúng ta không phục hồi nổi sau cuộc khủng hoảng này. Giá nông sản đã giảm mạnh trong khi giá của các sản phẩm công nghiệp chỉ giảm nhẹ. Kết quả là nông dân không thể mua các sản phẩm công nghiệp; công nhân trong các thành phố bị sa thải và không mua nổi nông sản; cuộc khủng hoảng bắt đầu quay tròn và ngày càng lan rộng. Chỉ có một cách duy nhất để cứu vãn tình hình, và nó rất đơn giản: Nâng mức giá của nông sản lên tới mức ngang bằng với mức giá của những hàng hóa nông dân cần phải mua. Mức ngang bằng này được tính dựa trên mức thu nhập thực của nông dân trong thời kỳ 1909-1914, vốn là thời kỳ thịnh vượng của nông dân tại Mỹ. Mối tương quan giữa các mức giá này phải được tái thiết và duy trì mãi mãi.

Để xem xét tất cả những điều bất hợp lý trong luận chứng có vẻ rất hợp lý mà tôi vừa nêu ra, chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian và sẽ đi chệch khỏi điều chúng ta cần quan tâm đến ở đây. Chẳng có lý do nào đủ hợp lý để biện hộ cho việc chọn một mối tương quan giữa các mức giá nhất định trong một khoảng thời gian nhất định và xem chúng là tiêu chuẩn bất khả xâm phạm, hay thậm chí chỉ xem chúng là “bình thường” hơn so với bất kỳ một mối tương quan giá cả nào trong một thời kỳ nào khác. Ngay cả khi chúng là “bình thường” tại thời điểm đó, lý do gì có thể biện hộ cho việc tiếp tục duy trì mối tương quan đó vào 60 năm sau, bất chấp những khác biệt lớn lao trong điều kiện sản xuất và nhu cầu trên thị trường trong hiện tại? Không phải ngẫu nhiên mà người ta chọn lựa thời kỳ 1909-1914 làm nền tảng để tính mức ngang bằng giá. Nếu xét về tương quan giữa các mức giá, đây là thời kỳ thuận lợi nhất cho giá nông sản trong toàn bộ lịch sử nền kinh tế của chúng ta.

Nếu thực sự có một chút logic hay phi vụ lợi nào trong luận chứng này, đáng lẽ nó phải được áp dụng chung cho mọi ngành nghề. Nếu mối tương quan giá giữa nông sản và các sản phẩm công nghiệp trong thời kỳ giữa tháng tám năm 1909 và tháng bảy năm 1914 cần phải được duy trì vĩnh viễn, tại sao ta không duy trì mối tương quan giữa mọi loại hàng hóa của thời kỳ này?

Trong ấn bản lần thứ nhất của cuốn sách này vào năm 1946, tôi đã dùng ví dụ minh họa sau để chỉ ra những điểm bất hợp lý trong luận chứng nói trên:

Một chiếc xe hơi 6 xi-lanh hiệu Chevrolet vào năm 1912 có mức giá là $2.150. Một chiếc Chevrolet 6 xi-lanh siêu việt hơn nhiều vào năm 1942 có giá là $907. Thế nhưng nếu được điều chỉnh để giữ mức tương quan với giá nông sản, vào năm 1942, giá của chiếc xe này sẽ là $3.270. Mức giá trung bình của một pound nhôm trong những năm 1909-1913 là 22,5 cent. Vào đầu năm 1946, giá của nó là 14 cent; song nếu tính theo giá “ngang bằng”, nó phải là 41 cent.

Việc quy đổi hai so sánh trên ra con số ngày nay sẽ không dễ dàng và khó chính xác bởi mức lạm phát cao (mức giá của các sản phẩm tiêu dùng tăng lên gấp hơn ba lần) giữa năm 1946 và 1978 và bởi sự khác biệt lớn về mặt chất lượng của xe hơi trong hai thời kỳ. Song điều này chỉ càng làm rõ tính bất khả thi và phi thực tế của luận chứng này.

Trong ấn bản năm 1946, sau khi đưa ra ví dụ minh họa trên, tôi chỉ ra rằng chính sự tăng năng suất tương tự trong sản xuất nông nghiệp là một trong những lý do dẫn đến sự giảm giá nông sản. “Trong khoảng thời gian 5 năm từ 1955 đến 1959, sản lượng bông của Mỹ là 428 pound trên một acre, so với 260 pound trên một acre trong khoảng thời gian 5 năm từ 1939 đến 1943, và chỉ 188 pound trên một acre trong khoảng thời gian “mẫu” từ năm 1909 đến năm 1913.” Khi những sự so sánh này được quy chuyển ra con số ngày nay, ta thấy rằng năng suất trong sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng lên, mặc dù với một tốc độ chậm hơn. Trong khoảng thời gian 5 năm từ 1968 đến 1972, sản lượng bông là 467 pound trên một acre. Tương tự như vậy, trong khoản thời gian 5 năm từ 1968 đến 1972 sản lượng ngô là 84 pound trên một acre so với 26,1 (năm 1935-1939) và sản lượng lúa mì là 31,3 pound trên một acre so với 13,2 (năm 1935-1939).

Chi phí sản xuất nông sản đã giảm xuống đáng kể nhờ việc ứng dụng các loại phân bón hóa học, các loại giống được cải tiến và sự cơ khí hóa quy trình sản xuất. Trong ấn bản năm 1946, tôi đã viết: “Tại một số nông trang lớn đã được cơ khí hóa hoàn toàn và sử dụng những dây chuyền sản xuất hàng loạt, người ta chỉ cần một phần ba hoặc một phần năm lượng lao động để sản xuất ra cùng một lượng sản phẩm so với vài năm trước đây.” Vậy nhưng những người ủng hộ luận chứng giá “ngang bằng” đã không chịu chú ý đến điều này.

Việc họ từ chối không chịu áp dụng nguyên tắc giá “ngang bằng” một cách phổ biến trong mọi ngành sản xuất không phải là bằng chứng duy nhất cho thấy toàn bộ luận chứng này là một công cụ nhằm hỗ trợ những lợi ích kinh tế đặc biệt của những cá thể nhất định chứ không phải là một kế hoạch kinh tế nhằm phục vụ lợi ích chung của xã hội. Chúng ta cũng còn bằng chứng thứ hai: khi giá nông sản tăng lên cao hơn mức giá “ngang bằng” do sức ép thị trường hoặc do các chính sách của chính phủ, những người chịu trách nhiệm về nông nghiệp trong quốc hội hoàn toàn không yêu cầu hạ giá nông sản xuống bằng mức giá “ngang bằng” hoặc yêu cầu những người sản xuất nông nghiệp phải trả lại khoản trợ giá đã được nhận. Nguyên tắc này chỉ hoạt động theo một chiều.

Gạt sang một bên tất cả những điều vừa thảo luận, chúng ta hãy cùng quay trở lại xem xét luận chứng sai lầm chính có liên quan đến chúng ta ở đây. Đây là luận chứng cho rằng nếu người nông dân bán được các sản phẩm của mình với giá cao hơn, người đó sẽ mua nhiều sản phẩm công nghiệp hơn; các ngành sản xuất công nghiệp nhờ đó sẽ phát triển và mọi lao động đều sẽ có việc làm. Trong trường hợp này, người nông dân có được mức giá “ngang bằng” hay không không phải là điều quan trọng.

Mọi điều đều phụ thuộc vào việc những mức giá nông sản cao hơn đó đã hình thành như thế nào. Nếu chúng là kết quả của sự phục hồi chung của nền kinh tế hay của sự phát triển thương mại, sản xuất công nghiệp và sức mua của các công nhân trong thành phố (chứ không phải do lạm phát), các mức giá cao này sẽ thực sự là biểu hiện của việc tăng của cải và hoạt động sản xuất cho không chỉ nông dân mà tất cả mọi người trong mọi ngành sản xuất. Nhưng trường hợp chúng ta đang thảo luận là khi giá nông sản được nâng lên do sự can thiệp của nhà nước. Điều này có thể được thực hiện thông qua một số cách. Nó có thể được đưa ra thông qua chỉ thị của nhà nước (đây thường là phương pháp ít hữu hiệu nhất); hoặc thông qua việc chính phủ sẵn sàng mua tất cả nông sản mà nông dân muốn bán cho chính phủ ở mức giá “ngang bằng” hoặc cho nông dân vay đủ tiền để giữ nông sản của mình lại và không tung ra thị trường cho tới khi giá nông sản tăng đến mức giá “ngang bằng” hoặc cao hơn; hoặc thông qua việc chính phủ quy định hạn chế lượng nông sản được sản xuất. Nó có thể được thực hiện bằng việc kết hợp các cách thức trên, như điều thường xảy ra trên thực tế. Hiện tại, chúng ta hãy tạm giả định rằng các mức giá nông sản cao hơn này đã được hình thành do sự can thiệp của chính phủ thông qua một trong những cách trên.

Điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp này? Người nông dân bán được các sản phẩm của mình với giá cao hơn. “Sức mua” của họ vì vậy sẽ tăng lên, cho dù tổng sản lượng nông sản có thể giảm đi. Họ sẽ trở nên giàu có hơn và mua nhiều sản phẩm công nghiệp hơn. Đây là điều mà những người chỉ xem xét tác động tức thời của các chính sách lên những nhóm cá thể có liên quan trực tiếp sẽ nhìn thấy.

Song có một hậu quả khác cũng chắc chắn sẽ xảy ra. Giả sử như lúa mì vốn thường được bán với giá $2,50 một pound giờ bị chính sách này đẩy lên mức $3,50 một pound. Với mỗi pound lúa mì, người nông dân sẽ được thêm một đôla và người công nhân ở thành phố sẽ phải trả thêm một đôla vì giá bánh mì cao hơn. Điều này cũng sẽ xảy ra với những nông sản khác. Nếu người nông dân có thêm một đôla trong sức mua của mình để mua các sản phẩm công nghiệp, người công nhân ở thành phố sẽ mất đi một đôla trong sức mua của họ để mua các sản phẩm công nghiệp. Tính về tổng quan, các ngành sản xuất công nghiệp không được lợi gì, vì lượng sản phẩm bán được trong thành phố sẽ giảm tương đương với lượng tăng ở nông thôn.

Cơ cấu của của các sản phẩm công nghiệp được tiêu thụ cũng sẽ thay đổi. Những người sản xuất công cụ sản xuất nông nghiệp và dịch vụ bán hàng phục vụ dân cư nông thôn sẽ phát triển mạnh, trong khi những cửa hàng và siêu thị lớn trong thành phố sẽ có doanh thu nhỏ hơn.

Vấn đề tất nhiên không dừng lại ở đây. Chính sách này không chỉ không đem lại ích lợi mà còn gây thiệt hại. Đây không đơn thuần là việc chuyển sức mua đến cho người nông dân từ những người tiêu dùng trong thành phố hay những người nộp thuế nói chung, hay cả hai. Nó thường đồng nghĩa với việc giảm tổng sản lượng nông nghiệp để nâng giá, với việc phá hủy tài sản của xã hội, với việc sẽ có ít lương thực hơn cho người tiêu dùng. Việc phá hủy tài sản này sẽ xảy ra cụ thể như thế nào tùy thuộc vào các phương pháp được sử dụng để nâng giá. Đó có thể là việc thực sự phá hủy những nông sản đã được sản xuất, giống như trường hợp đốt bỏ cà phê ở Brazil. Đó có thể là việc bắt giảm diện tích canh tác, giống như chương trình AAA (Agricultural Adjustment Administration: Quản lý điều chỉnh nông nghiệp) tại Mỹ khi nó được giới thiệu lần đầu hay trong những lần tái xuất sau đó. Chúng ta sẽ xem xét tác động của một số biện pháp này khi chúng ta đến phần thảo luận về sự kiểm soát hàng hóa của chính phủ.

Ở đây, ta chỉ cần chỉ ra rằng khi một người nông dân giảm sản lượng nông sản để nâng cao giá, người nông dân đó tuy bán được mỗi pound lúa mì với giá cao hơn, song ông ta lại sản xuất và bán được ít pound lúa mì hơn. Kết quả là tổng thu nhập của ông ta không tăng tương đương với mức tăng giá. Một số người ủng hộ mức giá ngang bằng cũng nhận ra điều này, và dùng nó làm lý do để đòi chính phủ đảm bảo mức thu nhập ngang bằng cho người nông dân. Nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được bằng các khoản hỗ trợ cho nông dân lấy ra từ tiền đóng thuế. Nói cách khác, việc giúp người nông dân theo cách này đơn thuần là sẽ thu nhỏ sức mua của công nhân và những nhóm lao động khác.

Trước khi kết thúc chủ đề này, chúng ta cần phải xem xét một lý luận nữa của những người ủng hộ mức giá ngang bằng. Lý luận này được đưa ra bởi những người có lý luận sắc sảo hơn. Họ sẽ thừa nhận: “Đúng như vậy! Đúng là về mặt kinh tế, việc đưa ra những mức giá ngang bằng là không hợp lý. Các mức giá này là những ưu tiên đặc biệt. Chúng là gánh nặng đối với người tiêu dùng. Thế nhưng chẳng phải thuế quan cũng là một gánh nặng đối với nông dân hay sao? Chẳng phải người nông dân cũng đang phải trả mức giá cao hơn khi mua các sản phẩm công nghiệp vì thuế quan hay sao? Sẽ không tốt nếu chúng ta áp thuế quan trên các nông sản để bù lại, vì trong hàng xuất khẩu của Mỹ, nông sản chiếm tỷ lệ cao nhất. Song ta có thể dùng hệ thống giá ngang bằng thay cho thuế quan để bảo hộ người nông dân. Đây là một cách hợp lý để đảm bảo công bằng cho người nông dân.”

Những người nông dân yêu cầu mức giá ngang bằng quả là có những lý do chính đáng xét về mặt pháp lý. Các thuế quan mang tính bảo hộ gây cho họ nhiều thiệt hại hơn cả mức mà họ nhận biết được. Khi nhập khẩu hàng công nghiệp vào Mỹ giảm, xuất khẩu nông sản từ Mỹ cũng giảm, bởi các quốc gia khác không có đủ lượng đôla cần thiết để mua nông sản của chúng ta. Điều này còn khiến các quốc gia khác áp dụng các mức thuế quan mang tính trả đũa. Tuy nhiên, luận chứng nêu trên không thể được coi là hợp lý. Luận chứng này sai trong những điều nó muốn ám chỉ. Không có một mức thuế chung được áp dụng cho tất cả các sản phẩm “công nghiệp” hay tất cả các sản phẩm phi nông nghiệp. Có một số ngành sản xuất phục vụ thị trường nội địa hay cho xuất khẩu mà không có thuế quan bảo hộ. Nếu một người công nhân trong thành phố cũng phải mua chăn len hay áo khoác với giá cao hơn vì thuế, liệu người này có được “đền bù” khi tiếp tục phải trả giá cao hơn cho áo làm từ vải bông hay thực phẩm, hay trên thực tế ông ta đã bị ăn cướp đến hai lần?

Một số người nói chúng ta nên “bảo hộ” đồng đều tất cả mọi người, song đây là điều bất khả thi. Ngay cả nếu chúng ta giả định rằng điều này có thể làm được về mặt kỹ thuật – áp dụng một loại thuế để bảo hộ A, một nhà sản xuất công nghiệp phải chịu sự cạnh tranh từ thị trường quốc tế; cung cấp một khoản trợ cấp cho B, một nhà sản xuất công nghiệp nhằm xuất khẩu – chúng ta vẫn không thể bảo hộ hay trợ cấp cho tất cả mọi người một cách đồng đều hoặc “công bằng”. Chúng ta sẽ phải cho tất cả mọi người cùng được hưởng một tỷ lệ phần trăm (hay một lượng tiền) thuế quan bảo hộ hay trợ cấp giống nhau, và chúng ta sẽ không bao giờ có thể biết chắc liệu mình có bảo hộ hay hỗ trợ nhiều lần với một số nhóm nhất định đồng thời bỏ sót một số nhóm khác hay không.

Nhưng cứ giả sử rằng chúng ta có thể làm được việc này, vậy lúc đó, ta sẽ đạt được gì? Ai sẽ hưởng lợi khi mọi người đều phải bảo hộ và hỗ trợ lẫn nhau? Ta sẽ có được lợi ích gì khi lượng tiền mọi người mất đi thông qua thuế tương đương với sự hỗ trợ hay bảo hộ họ nhận được? Ta sẽ chỉ lấy mất một lượng lớn lao động từ các ngành sản xuất và chuyển họ vào những công tác quản lý nhà nước không cần thiết.

Chúng ta có thể giải quyết vấn đề một cách đơn giản bằng cách ngừng cả hệ thống mức giá ngang bằng và hệ thống thuế quan bảo hộ. Khi chúng cùng tồn tại, chúng hoàn toàn không có khả năng bù trừ lẫn nhau nhằm duy trì sự công bằng. Sự tồn tại của cả hai hệ thống này chỉ có nghĩa là nông dân A và nhà sản xuất công nghiệp B đều được hưởng lợi trong khi C, người bị những luận chứng này bỏ quên, phải chịu thiệt hại.

Vậy là một lần nữa, những ích lợi ảo tưởng của một luận chứng sai lầm nữa đã biến mất khi chúng ta xem xét không chỉ những tác động tức thời và ngắn hạn đối với một nhóm cá thể nhất định mà cả các tác động dài hạn lên toàn xã hội.

Nguồn: Henry Hazlitt, Kinh tế học trong một bài học (Economics in One Lesson), Chương 13

 

Dịch giả:
Phạm Việt Anh
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh