Các chương trình nhằm chia sẻ việc làm
Chương VIII: Các chương trình nhằm chia sẻ việc làm
Tôi đã nói đến những điều luật nhằm tạo ra việc làm và các cách công đoàn gây sức ép bắt các doanh nghiệp phải thuê nhiều lao động hơn số cần thiết. Gốc rễ của những điều này, cũng như của việc công chúng chấp nhận và ủng hộ chúng, chính là sự sợ hãi các máy móc thiết bị mới, hay cách suy nghĩ rằng một phương thức lao động sản xuất có năng suất cao hơn sẽ giảm việc làm của người lao động, và một cách lao động sản xuất kém hiệu quả sẽ tạo ra thêm việc làm.
Tư tưởng này được hỗ trợ bởi luận chứng cho rằng trên thế giới chỉ có một lượng công việc cố định để làm, và rằng, nếu chúng ta tăng thêm lượng công việc cần làm thông qua những phương pháp lao động kém hiệu quả hơn, ít nhất chúng ta cũng có thể nghĩ ra những chương trình hay dự án nhằm chia sẻ lượng công việc này cho càng nhiều người càng tốt.
Luận điểm sai lầm đó chính là cơ sở cho việc phân chia lao động một cách tỉ mỉ theo đòi hỏi của các công đoàn. Trong ngành xây dựng ở các thành phố lớn, sự phân chia lao động này đã trở nên quá đáng. Thợ xây không được phép dùng đá dành cho việc xây ống khói, bởi đó là công việc của những thợ đá. Thợ điện không được phép gỡ một tấm bảng gỗ để chữa đường điện ở đằng sau và sau đó lắp lại như trước, cho dù việc đó có đơn giản đến đâu, bởi đó là công việc của thợ mộc. Một thợ ống nước sẽ không được gỡ một viên gạch lát để sửa một chỗ rò trong buồng tắm, bởi đó là việc của người lát gạch.
Nhiều cuộc tranh chấp “lãnh thổ” nảy lửa đã diễn ra giữa các công đoàn khác nhau để giành quyền được làm những loại công việc không mang tính đặc thù cao. Trong tuyên bố của các hãng đường sắt Mỹ đệ trình lên Ủy Ban Chưởng Lý về Các Quy Trình Hành Chính, các hãng đã đưa ra nhiều ví dụ, trong đó Ban Điều Chỉnh Đường Sắt Quốc Gia đã quyết định rằng:
Mỗi hoạt động riêng lẻ được thực hiện trên đường sắt, cho dù có nhỏ đến mức nào (ví dụ như nói chuyện qua điện thoại hoặc bật hay tắt một công tắc) đều thuộc sở hữu của một nhóm lao động nhất định, và nếu một người thuộc một nhóm lao động khác, trong khi làm nhiệm vụ thường xuyên của mình, thực hiện những hoạt động này, người đó không chỉ phải được trả thêm một ngày lương vì việc đó mà, đồng thời với việc này, những người thuộc nhóm lao động có chức năng thực hiện hoạt động này song không được sử dụng để thực hiện hoạt động đó cũng sẽ được trả một ngày lương vì không được yêu cầu đến thực hiện hoạt động đó.
Đúng là một vài người có thể được hưởng lợi, trong khi toàn bộ những người còn lại trong chúng ta sẽ chịu thiệt hại, từ sự phân công lao động tùy tiện và tỉ mỉ quá mức này khi nó xảy ra trong trường hợp của họ. Nhưng những người muốn biến sự phân công lao động đó thành thông lệ chung không nhận thấy rằng nó luôn nâng cao chi phí sản xuất và dẫn đến việc lượng công việc được thực hiện và lượng sản phẩm được sản xuất ra bị giảm đi. Người chủ phải thuê hai lao động để làm công việc của một người đúng là đã tạo thêm việc làm cho một lao động nữa. Song ông ta cũng mất đi một khoản tiền mà đáng lẽ có thể được dùng cho một việc khác và tạo ra việc làm cho một người khác. Bởi chi phí sửa phòng tắm của ông ta đắt gấp đôi so với mức giá đáng ra ông ta phải trả, ông ta quyết định sẽ không mua một chiếc áo len mà ông ta đã muốn mua. “Lao động” không hề được tăng lên, bởi tăng một ngày công không thực sự cần thiết cho người thợ lát gạch nghĩa là giảm một ngày công của người thợ đan áo hoặc dệt len. Bản thân người đi thuê lao động sẽ trở nên nghèo hơn. Thay vì sửa được nhà tắm và mua được áo len, giờ đây, ông ta chỉ sửa được nhà tắm mà không có áo len. Nếu chúng ta xem chiếc áo len này là một phần của tổng sản phẩm quốc gia, quốc gia đã mất đi một chiếc áo len. Đây chính là kết quả cuối cùng của những cố gắng tạo ra việc làm thông qua sự phân công lao động tùy tiện.
Song vẫn có nhiều chương trình hay dự án nhằm chia sẻ công việc theo kiểu khác. Chúng thường được đề xuất bởi những người phát ngôn hay làm luật của các công đoàn. Đề xuất được đưa ra nhiều nhất là về việc rút ngắn tuần lao động. Trong Điều luật về lương và giờ làm việc của Liên bang, một trong những lý do chính của việc đưa ra điều khoản phạt đối với việc làm quá giờ là nhằm “chia sẻ việc làm” và “tăng lượng việc làm”. Điều khoản trước đây tại các bang cấm thuê phụ nữ hay trẻ vị thành niên làm việc hơn 48 giờ một tuần được đưa ra dựa trên lý do rằng thời gian làm việc dài hơn sẽ có hại cho thể chất và tinh thần của họ. Một lý do nữa cho rằng làm việc dài hơn sẽ giảm hiệu năng của lao động. Song điều luật trong luật liên bang, rằng người thuê lao động phải trả cho người lao động 150% mức lương bình thường cho tất cả những giờ làm việc vượt quá con số 40 trong một tuần, không thực sự vì lý do sức khỏe hay hiệu suất lao động mà đơn giản là nhằm tăng thu nhập hàng tuần cho người lao động và khiến người thuê lao động phải tuyển thêm nhân công thay vì bắt những lao động hiện có làm việc hơn 40 giờ một tuần. Tại thời điểm cuốn sách này được viết, có rất nhiều dự án đề đạt việc “giảm thất nghiệp” bằng tuần làm việc 30 giờ hoặc bốn ngày.
Tác động thực sự của những kế hoạch này, cho dù được thực hiện bởi các công đoàn riêng lẻ hay được quy định bởi các nhà làm luật, là gì? Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta cần xem xét hai trường hợp. Trường hợp đầu tiên là khi tuần làm việc 40 giờ giảm xuống 30 giờ và lương tính theo giờ không thay đổi. Trường hợp thứ hai là khi tuần làm việc 40 giờ giảm xuống 30 giờ, nhưng lương theo giờ được tăng lên đủ để không ảnh hưởng tới mức lương theo tuần của những lao động đang có việc làm.
Chúng ta hãy cùng xem xét trường hợp đầu tiên. Hãy giả sử rằng tuần làm việc 40 giờ giảm xuống 30 giờ và mức lương tính theo giờ không thay đổi. Nếu nhiều người đang thất nghiệp khi kế hoạch này được áp dụng, chắc chắn kế hoạch sẽ cung cấp thêm việc làm. Tất nhiên, chúng ta không thể đảm bảo rằng nó sẽ cung cấp đủ việc làm để duy trì được cùng một tổng lương và tổng giờ làm việc như trước, trừ phi ta đưa ra giả định khó có thể xảy ra là mọi ngành đều có cùng một tỷ lệ thất nghiệp, và những lao động mới được thuê làm việc cũng có một năng suất như những lao động được thuê từ trước. Nhưng ngay cả khi chúng ta chấp nhận những giả định này, rằng có đủ số lao động với tay nghề phù hợp để thuê trong mỗi ngành và những lao động mới này không làm tăng chi phí sản xuất, kết quả của việc giảm tuần làm việc từ 40 giờ xuống 30 giờ và giữ nguyên mức lương theo giờ sẽ là gì?
Mặc dù nhiều lao động hơn được thuê, mỗi lao động sẽ làm việc ít giờ hơn, và vì thế không có sự gia tăng trong tổng số giờ làm việc và chắc sẽ không có một sự tăng đáng kể nào trong sản xuất. Tổng lương và “sức mua” sẽ không lớn hơn. Tất cả những gì sẽ xảy ra, dưới những giả định thuận lợi nhất mà hiếm khi xảy ra trong thực tế, là những lao động được thuê từ trước sẽ bao cấp cho những lao động mới được thuê, bởi để cho những lao động mới được nhận 3/4 mức lương mà những lao động cũ được nhận trước đây, những lao động cũ giờ sẽ chỉ được nhận 3/4 mức lương cũ của họ. Đúng là những lao động cũ giờ đây phải làm việc ít giờ hơn, song những thời giờ rảnh rỗi này được trả bằng một cái giá cao mà thường không phải điều những lao động cũ muốn; đó là một sự hy sinh nhằm cung cấp việc làm cho những người khác.
Những người lãnh đạo công đoàn yêu cầu tuần làm việc ngắn hơn để “chia sẻ việc làm” thường nhận ra điều này, và chính vì thế, họ thường đưa ra đề xuất dưới một dạng khác nhằm giúp những người lao động được lợi cả đôi đường. Họ sẽ yêu cầu giảm tuần làm việc từ 40 xuống 30 giờ để cung cấp thêm việc làm và bù đắp lại cho tuần làm việc ngắn hơn bằng cách tăng mức lương tính theo giờ lên 33.33%. Những lao động trước đây được nhận $226 một tuần để làm việc 40 giờ; để lương tính theo tuần của họ không thay đổi khi làm việc 30 giờ một tuần, mức lương tính theo giờ của họ phải được tăng lên khoảng hơn $7,53.
Hậu quả của việc này là gì? Điều đầu tiên và hiển nhiên nhất là tăng chi phí sản xuất. Nếu trước đây những người lao động, khi làm việc 40 giờ một tuần, được trả mức lương thấp hơn mức lương mà họ có thể được trả khi xét đến chi phí sản xuất, giá sản phẩm và lợi nhuận của chủ doanh nghiệp, họ có thể được tăng mức lương tính theo giờ và không phải giảm số giờ làm việc trong tuần. Nói cách khác, họ có thể làm việc cùng số giờ một tuần và được tăng lương tính theo tuần lên một phần ba, thay vì vẫn nhận lương như cũ khi làm việc theo chế độ tuần 30 giờ. Nhưng nếu dưới chế độ 40 giờ một tuần, các lao động đã được trả mức lương cao nhất có thể khi xét đến chi phí sản xuất và giá sản phẩm (và hiện tượng thất nghiệp mà mọi người đang cố gắng xử lý có thể là một dấu hiệu cho thấy rằng người lao động đang được nhận lương cao hơn mức này), thì mức tăng lương 33,33% sẽ khiến cho chi phí sản xuất tăng vượt quá mức chịu đựng.
Vì vậy, việc tăng lương này sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn trước. Các doanh nghiệp kém hiệu quả sẽ phải đóng cửa và những người lao động năng suất thấp sẽ mất việc làm. Sản xuất sẽ bị giảm trong mọi ngành nghề. Chi phí sản xuất cao hơn và các nguồn cung bị thu hẹp thường làm tăng giá cả, khiến cho người lao động mua được ít hàng hóa hơn với cùng một lượng tiền. Mặt khác, tỷ lệ thất nghiệp tăng sẽ làm giảm nhu cầu trên thị trường và điều này sẽ làm giảm giá. Điều gì sẽ thực sự xảy ra với giá hàng hóa sẽ phụ thuộc vào chính sách tiền tệ được áp dụng. Song nếu chính sách đánh tụt giá trị của tiền tệ được áp dụng nhằm nâng cao mức giá để có thể trả được mức lương mới đã được tăng, điều này sẽ là một cách trá hình nhằm giảm mức lương thật để nó sẽ quay trở lại với đúng mức trước đây nếu tính theo lượng hàng hóa có thể mua. Kết quả trên thực tế sẽ là tuần làm việc trở nên ngắn hơn mà không có sự tăng lương tính theo giờ, giống như những gì chúng ta đã thảo luận ở phần trên.
Nói tóm lại, các kế hoạch nhằm chia sẻ việc làm đều dựa trên cùng một loại ảo tưởng mà chúng ta đã xem xét ở trên. Những người ủng hộ chúng thường chỉ nghĩ đến những việc làm họ có thể cung cấp cho những cá thể hay nhóm cá thể nhất định mà không xem xét tác động của việc họ làm trên tất cả mọi người và toàn bộ nền kinh tế.
Các kế hoạch này cũng dựa trên suy nghĩ sai lầm rằng lượng công việc trên thế giới là cố định. Không có luận chứng nào sai lầm hơn điều này. Chừng nào vẫn có những nhu cầu hay mong muốn chưa được thỏa mãn mà có thể được thỏa mãn bởi công việc, lượng công việc trên thế giới này sẽ không có giới hạn. Trong nền kinh tế trao đổi hiện đại, lượng công việc trên thế giới sẽ nhiều nhất khi tương quan giữa mức giá, mức lương và chi phí sản xuất ở trong tình trạng tối ưu. Song các mối tương quan này là gì? Đây là điều chúng ta sẽ xem xét trong các chương sau.
Nguồn: Henry Hazlitt, Kinh tế học trong một bài học (Economics in One Lesson), Chương 8