Cơ chế hoạt động của hệ thống giá
Chương XV: Cơ chế hoạt động của hệ thống giá
Luận chứng chủ đạo của cuốn sách này có thể được tóm tắt trong một câu: khi nghiên cứu các tác động của bất kỳ một đề xuất kinh tế nào, chúng ta phải xem xét không chỉ những tác động tức thời hay ngắn hạn mà cả những tác động dài hạn, không chỉ các tác động trực tiếp mà cả các tác động gián tiếp, không chỉ các tác động đối với một nhóm cá thể đặc biệt nào đó mà trên tất cả mọi người. Chính vì thế, việc chúng ta chỉ tập trung sự chú ý của mình đến một điểm nhất định nào đó, ví dụ như quan tâm đến một ngành sản xuất nhất định mà không xem xét những gì đang xảy ra trong các ngành nghề khác, sẽ là ngu ngốc và dễ dẫn đến những nhận định sai lầm. Chính thói lười biếng cố hữu này - chỉ chịu xem xét mọi sự trong một ngành hay quy trình sản xuất nào đó – đã tạo ra phần lớn các luận chứng sai lầm trong kinh tế học. Các luận chứng này không chỉ xuất hiện trong lý luận của những người được thuê làm đại diện cho những lợi ích kinh tế đặc biệt mà còn tồn tại trong lập luận của một số nhà kinh tế học vốn được xem là uyên bác.
Chính việc không xem xét vấn đề một cách tổng thể đã trở thành nền tảng cho trường phái “sản xuất phục vụ tiêu dùng chứ không phục vụ cho lợi nhuận”, vốn luôn phản đối mạnh mẽ cái mà nó gọi là “hệ thống giá” xấu xa. Những người theo trường phái này tuyên bố rằng vấn đề sản xuất đã được giải quyết. (Sai lầm lớn này, như chúng ta sẽ xem xét ở phần sau, cũng là điểm khởi đầu của đa số các ý kiến gàn dở trong kinh tế học ngày nay và của những kẻ bịp bợm luôn muốn truyền bá tư tưởng “chia sẻ của cải”.) Họ cho rằng các nhà khoa học, các chuyên gia về hiệu năng sản xuất, các kỹ sư, các kỹ thuật viên, v.v… đã giải quyết xong vấn đề này. Họ có thể sản xuất ra bất kỳ thứ gì bạn muốn với số lượng không hạn chế. Nhưng hỡi ôi, thế giới này được cai trị không phải bởi các kỹ sư chỉ nghĩ đến vấn đề sản xuất mà bởi các thương nhân chỉ nghĩ đến lợi nhuận. Các thương nhân thuê các kỹ sư làm những gì họ muốn. Họ sẽ tạo ra bất kỳ điều gì có thể đem lại cho họ lợi nhuận, nhưng khi điều này không đem lại cho họ lợi nhuận nữa, những doanh nhân độc ác này sẽ ngừng sản xuất chúng, cho dù nhu cầu của nhiều người vẫn chưa được thỏa mãn, cho dù cả nhân loại có kêu khóc đòi thêm những sản phẩm đó.
Có nhiều sai lầm trong quan điểm vừa nêu trên đến mức chúng ta không thể cùng một lúc chỉ ra tất cả. Nhưng sai lầm chính, điều mà chúng ta đã đề cập đến, là việc họ chỉ xem xét một ngành sản xuất hoặc lần lượt xem xét một số ngành nhất định như thể chúng tồn tại đơn lẻ một mình và không liên quan đến các ngành sản xuất khác. Trên thực tế, mỗi ngành sản xuất đều tồn tại trong mối quan hệ với mọi ngành khác, và mỗi quyết định quan trọng được đưa ra trong ngành này đều ảnh hưởng đến và bị ảnh hưởng bởi những quyết định được đưa ra trong các ngành khác.
Ta sẽ thấy điều này rõ hơn nếu hiểu được vấn đề chung mà toàn bộ các hoạt động kinh doanh phải cùng giải quyết. Để thực sự đơn giản hóa, chúng ta hãy cùng xem xét vấn đề mà Robinson Crusoe phải đối diện trên hoang đảo. Thoạt đầu, những gì anh ta cần dường như vô hạn: anh ta bị ướt sũng vì nước mưa; anh ta run rẩy vì lạnh; anh ta bị đói và khát. Anh ta cần mọi thứ: nước uống, đồ ăn, nơi ẩn náu để tránh thú dữ, lửa, và một chỗ nào đó có thể nằm xuống và ngủ được. Anh ta không thể giải quyết được tất cả các vấn đề này cùng một lúc bởi không có đủ thời gian, sức khỏe và những nguồn lực khác. Anh ta trước tiên phải làm điều mà mình cần nhất. Hiện giờ, vấn đề lớn nhất của anh ta là khát. Anh ta sẽ phải đào một hố trên đất để chứa nước mưa, hoặc dựng nên một loại bể chứa thô sơ. Khi anh ta đã có một lượng nước nhất định, thay vì tiếp tục tìm cách cải thiện công cụ chứa nước của mình, anh ta phải ngay lập tức chuyển sang đi kiếm thức ăn. Anh ta có thể tìm cách câu cá, song để làm được việc này, anh ta cần phải có lưỡi câu và dây câu hoặc một cái lưới. Vì vậy, anh ta phải bắt đầu tìm cách tạo ra những thứ này. Những việc phải làm ngay sẽ khiến anh ta trì hoãn một số việc khác ít khẩn cấp hơn. Anh ta liên tục giải quyết vấn đề sử dụng thời gian và lao động của mình trong các phương án khác nhau.
Gia đình Robinson từ Thụy Sỹ, khi bị dạt lên hoang đảo, có lẽ sẽ thấy vấn đề này dễ giải quyết hơn một chút. Tuy có nhiều miệng ăn, họ cũng có nhiều tay làm hơn. Gia đình có thể thực hiện việc phân công và chuyên môn hóa lao động. Cha đi săn; mẹ nấu ăn; lũ trẻ đi kiếm củi. Nhưng gia đình này cũng không thể để cho một thành viên cứ làm mãi một việc mà không biết so sánh giữa tính cấp thiết của công việc người đó đang làm với những công việc khác vẫn chưa được làm. Khi lũ trẻ đã kiếm được một lượng củi nhất định, chúng không nên cứ tiếp tục làm việc này. Đã đến lúc một đứa phải được sai đi kiếm nước. Gia đình này cũng liên tục phải giải quyết vấn đề lựa chọn như thế nào trong các phương án khác nhau về việc sử dụng lao động và những phương tiện khác họ kiếm được, ví dụ như súng săn, cần câu cá, thuyền, rìu, hay cưa. Sẽ thật là ngốc nghếch nếu các thành viên chịu trách nhiệm kiếm củi trong gia đình trách một thành viên khác, người có nhiệm vụ bắt cá, là đã không giúp họ để có thể kiếm được nhiều củi hơn thay vì việc đã bắt được những con cá cho bữa tối của gia đình. Trong hai trường hợp này, khi có một cá thể hay một gia đình biệt lập, chúng ta có thể thấy rõ rằng một công việc chỉ có thể được tăng lên khi một công việc khác bị giảm đi.
Những ví dụ đơn giản như thế này thường bị chế giễu là “kinh tế học kiểu Crusoe”. Thật không may, chính những người hay cười giễu nhất lại là những người cần học lại chúng nhất, những người không hiểu được nguyên tắc nền tảng được hàm chứa trong những ví dụ đơn giản, hay những người hoàn toàn quên mất nguyên tắc này khi họ phải xem xét những vấn đề lớn và phức tạp hơn trong nền kinh tế của xã hội hiện đại.
Chúng ta hãy cùng nhìn vào tổng thể xã hội để xem xét việc chọn lựa giữa các phương án khác nhau nhằm sử dụng nguồn lao động và vốn sản xuất để thỏa mãn hàng ngàn nhu cầu và mong muốn với các mức độ cấp bách khác biệt được thực hiện như thế nào trong xã hội. Vấn đề này được giải quyết nhờ hệ thống giá, thông qua những mối quan hệ luôn biến động giữa chi phí sản xuất, giá sản phẩm và lợi nhuận.
Giá sản phẩm được đưa ra dựa trên mối quan hệ giữa cung và cầu. Sau đó, nó tác động ngược trở lại đến cung và cầu. Khi mọi người có nhu cầu cao hơn về một sản phẩm, họ sẽ trả thêm tiền để có nó. Giá sản phẩm đó sẽ tăng. Điều này sẽ làm tăng lợi nhuận của những người làm ra sản phẩm đó. Do việc sản xuất sản phẩm đó đem lại nhiều lợi nhuận hơn so với các sản phẩm khác, các nhà sản xuất sản phẩm đó sẽ mở rộng sản xuất và sẽ có thêm nhiều người khác tham gia vào ngành này. Lượng cung tăng lên sẽ khiến cho giá sản phẩm và mức lợi nhuận biên (phần lợi nhuận cao hơn so với mức lợi nhuận bình quân) giảm dần, cho đến khi mức lợi nhuận trong ngành này một lần nữa quay trở lại mức lợi nhuận bình quân (có tính đến cả các rủi ro có liên quan) của các ngành sản xuất; hoặc cầu của sản phẩm đó có thể giảm; hoặc cung của sản phẩm đó có thể tăng tới khi giá của nó giảm đến một mức mà tại đó, việc sản xuất sản phẩm này đem lại ít lợi nhuận hơn so với các sản phẩm khác; hoặc việc sản xuất bắt đầu bị thua lỗ. Khi những điều này xảy ra, những nhà sản xuất “vòng ngoài”, nghĩa là những nhà sản xuất có hiệu suất thấp hơn hay những người có chi phí sản xuất cao hơn, sẽ phải ngừng sản xuất. Sản phẩm này giờ đây sẽ chỉ được sản xuất bởi những nhà sản xuất có hiệu suất cao hơn và có chi phí sản xuất thấp hơn. Cung của sản phẩm đó sẽ giảm đi hoặc sẽ ngừng tăng.
Quy trình này là lý do khiến nhiều người nghĩ rằng giá sản phẩm được quyết định bởi chi phí sản xuất. Luận chứng này là không đúng khi được trình bày theo dạng này! Giá sản phẩm do cung và cầu quyết định, và cầu được quyết định bởi việc mọi người muốn có một sản phẩm đến mức nào và họ có gì để đổi lấy nó. Đúng là cung được quyết định một phần bởi chi phí sản xuất, song chi phí sản xuất của một sản phẩm trong quá khứ không thể quyết định giá trị của nó. Giá trị của nó sẽ phụ thuộc vào mối tương quan trong hiện tại giữa cung và cầu. Nhưng những tính toán của các doanh nghiệp về chi phí sản xuất và mức giá của sản phẩm đó trong tương lai sẽ quyết định sản lượng trong tương lai của sản phẩm đó. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cung trong tương lai. Vì vậy, mức giá và mức chi phí sản xuất biên của sản phẩm luôn có xu hướng trở nên cân bằng với nhau, song điều này không phải vì giá sản phẩm được trực tiếp quyết định bởi mức chi phí sản xuất biên của sản phẩm.
Hệ thống kinh tế tư nhân, vì vậy, có thể được so sánh với hàng ngàn chiếc máy, mỗi cái đều có bộ phận điều hành bán tự động. Song vì tất cả chiếc máy này và các bộ phận điều hành của chúng đều được kết nối và có ảnh hưởng đến nhau, chúng hoạt động như một cỗ máy lớn. Đa số chúng ta đều đã nhìn thấy bộ phận điều hành tự động của các động cơ hơi nước. Nó thường có hai quả bóng được gắn vào một trục và hoạt động nhờ vào lực ly tâm. Khi tốc độ của động cơ tăng lên, hai quả bóng này sẽ quay quanh trục và tự động khép van nhiên liệu có chức năng điều chỉnh lượng khí được dẫn vào động cơ. Vì vậy, động cơ sẽ giảm tốc độ. Nếu động cơ hoạt động quá chậm, hai quả bóng sẽ ngừng quay và rơi xuống, khiến cho van được mở rộng và làm cho động cơ của máy tăng lên. Vậy là mỗi lần tốc độ máy dịch chuyển khỏi mức phù hợp, chính sự dịch chuyển này sẽ tạo ra những lực tác động nhằm điều chỉnh chính sự dịch chuyển này.
Cung của hàng ngàn sản phẩm khác nhau cũng được điều khiển theo cách này trong hệ thống kinh tế tư nhân mang tính cạnh tranh. Khi mọi người muốn có nhiều hơn một sản phẩm nào đó, họ sẽ đưa ra các mức giá cạnh tranh và điều này sẽ khiến giá sản phẩm tăng. Lợi nhuận của các nhà sản xuất sản phẩm đó sẽ tăng lên. Điều này sẽ kích thích họ mở rộng sản xuất và khiến một số người khác ngừng sản xuất những sản phẩm khác và bắt đầu sản xuất sản phẩm này để thu lợi nhuận cao hơn. Song điều này sẽ làm tăng cung của sản phẩm đó và đồng thời giảm cung của một số sản phẩm khác. Vì vậy, giá của sản phẩm đó sẽ giảm so với giá của các sản phẩm khác. Các động lực kích thích việc mở rộng sản xuất sản phẩm đó sẽ biến mất.
Cũng tương tự như vậy, khi cầu đối với một sản phẩm nào đó giảm, giá của sản phẩm đó và lợi nhuận thu được từ việc sản xuất nó sẽ giảm, và việc sản xuất sản phẩm đó sẽ bị thu hẹp.
Đây chính là điều gây ra sự phẫn nộ ở những người không hiểu “hệ thống giá” mà họ phản đối. Họ cho rằng hệ thống này gây ra sự khan hiếm. Họ hỏi tại sao các nhà sản xuất giày lại phải giảm sản lượng khi việc tăng sản lượng không đem lại lợi nhuận. Tại sao các nhà sản xuất chỉ nghĩ đến lợi nhuận của mình? Tại sao họ lại phải tuân theo thị trường? Tại sao họ không sản xuất giày “theo hết năng suất của các quy trình công nghệ hiện đại”? Những người theo chủ nghĩa “sản xuất phục vụ tiêu dùng” kết luận: hệ thống giá và kinh tế tư nhân chỉ là một dạng “kinh tế học khan hiếm”.
Những câu hỏi và kết luận này xuất phát từ việc họ chỉ xem xét một cách tách biệt một ngành sản xuất nào đó, hay là chỉ nhìn thấy cái cây mà bỏ qua khu rừng. Việc sản xuất giày là quan trọng cho đến một mức độ nào đó, song bên cạnh giày ta cũng phải sản xuất áo khoác, áo sơmi, quần tây, nhà cửa, nhà máy, cầu đường, v.v… Sẽ thật là ngu ngốc nếu ta cứ tiếp tục sản xuất hàng núi giày thừa chỉ vì ta có thể sản xuất thêm, trong khi hàng trăm nhu cầu khác chưa được đáp ứng.
Trong một nền kinh tế ở trạng thái cân bằng, bởi các yếu tố sản xuất luôn là có hạn, một ngành sản xuất chỉ có thể mở rộng khi những ngành sản xuất khác thu hẹp. Một ngành sản xuất chỉ có thể mở rộng bằng cách thu hút lao động, mặt bằng và vốn đầu tư mà đáng lẽ sẽ được dùng cho các ngành khác. Và khi một ngành sản xuất thu hẹp hoặc ngừng tăng sản lượng, điều này không nhất thiết có nghĩa là có sự sụt giảm thật trong tổng sản lượng. Việc thu nhỏ có thể chỉ là việc chuyển lao động và vốn sang các ngành sản xuất khác để các ngành này có thể được mở rộng. Vì vậy, sẽ là sai nếu ta kết luận rằng sự thu hẹp của một ngành sản xuất cũng đồng nghĩa với sự thu nhỏ của tổng sản lượng của nền kinh tế.
Tóm lại, mọi thứ đều được tạo ra nhờ những thứ khác không được tạo ra. Trên thực tế, chi phí sản xuất có thể được định nghĩa bằng những thứ đã mất đi (thời gian rảnh rỗi, nhiên nguyên vật liệu và các phương án sử dụng khác) để có được những thứ được tạo ra.
Chính vì vậy, để duy trì một nền kinh tế khỏe mạnh, việc ta cho phép các ngành sản xuất đang tàn lụi chết đi cũng quan trọng như việc cho phép các ngành sản xuất đang phát triển được tiếp tục mở rộng, bởi các ngành sản xuất đang tàn lụi sử dụng lượng lao động và vốn đầu tư mà đáng lẽ nên dành cho các ngành sản xuất đang phát triển. Hệ thống giá - đối tượng của nhiều sự gièm pha – chính là điều có thể giúp giải quyết được vấn đề vô cùng phức tạp của việc quyết định mối tương quan về sản lượng giữa hàng ngàn loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau. Những vấn đề đáng nhẽ sẽ khiến ta đau đầu hầu như được tự động giải quyết nhờ hệ thống giá, lợi nhuận và chi phí, và được giải quyết tốt hơn vô vàn lần so với điều bất kỳ một nhóm những người quản lý kinh tế nào của chính phủ có thể làm được. Qua hệ thống này, mỗi người tiêu dùng với nhu cầu riêng của mình sẽ tạo ra ảnh hưởng trực tiếp hàng ngày lên nền kinh tế; trong khi các nhà quản lý kinh tế lại giải quyết vấn đề bằng cách tạo ra cho người tiêu dùng không phải những gì họ thực sự cần mà là những gì họ nghĩ rằng người tiêu dùng cần.
Mặc dù không hiểu được khả năng tự điều chỉnh của thị trường, song các nhà quản lý kinh tế không thích điều này và vì thế luôn cố gắng tìm cách thay đổi hay sửa chữa nó, thường nhằm phục vụ lợi ích của một nhóm cá thể luôn phàn nàn và gây áp lực nào đó. Trong các chương sau, ta sẽ cùng xem xét một số hậu quả mà sự can thiệp của họ mang lại.
Nguồn: Henry Hazlitt, Kinh tế học trong một bài học (Economics in One Lesson), Chương 15