Bài học kinh tế cơ bản
Không một lĩnh vực nghiên cứu nào lại có nhiều luận chứng sai lầm như trong kinh tế học. Điều này bắt nguồn từ bản chất của bộ môn. Bên cạnh những khó khăn vốn tồn tại trong bất kỳ lĩnh vực nghiên cứu nào, trong kinh tế học, khó khăn bị tăng thêm hàng ngàn lần vì một yếu tố thường không có ảnh hưởng lớn trong những lĩnh vực nghiên cứu khác (vật lý, toán học, y dược, …): sự tồn tại của những tư lợi và mục tiêu cá nhân đằng sau các luận chứng kinh tế. Mỗi nhóm cá thể, bên cạnh những lợi ích kinh tế chung, cũng có những lợi ích riêng mang tính đối lập với các nhóm khác. Trong khi nhiều chính sách xã hội về lâu dài sẽ phục vụ cho lợi ích của mọi người, một số chính sách lại nhằm vào phục vụ một đối tượng cụ thể nào đó, ngay cả khi điều đó gây tổn hại cho những người khác. Những người được hưởng lợi từ những chính sách này sẽ tìm cách để bảo vệ chúng. Họ sẽ thuê những người giỏi nhất để đưa ra các luận chứng kinh tế nhằm thuyết phục công chúng. Cuối cùng, công chúng hoặc sẽ tin vào tính đúng đắn của những luận chứng và chính sách kinh tế đó, hoặc sẽ cho rằng trong trường hợp này, có được những luận chứng rõ ràng và chính xác là điều không thể.
Bên cạnh những luận chứng kinh tế nhằm phục vụ các tư lợi và mục tiêu cá nhân, trong kinh tế học, ta có một yếu tố nữa cũng góp phần sinh ra những luận chứng kinh tế sai lầm. Đó là xu hướng khó thay đổi của con người khi chỉ xem xét những tác động ngắn hạn của một chính sách nào đó, hoặc chỉ xem xét những tác động này trên những nhóm cá thể nhất định, và vì thế bỏ qua các tác động dài hạn trên mọi nhóm cá thể trong xã hội. Nói tóm lại, đó là vấn đề bỏ qua các tác động thứ cấp.
Chính yếu tố này tạo ra sự khác biệt giữa kinh tế học tốt và kinh tế học tồi. Các nhà kinh tế học tồi sẽ chỉ thấy những gì trước mắt. Các nhà kinh tế học tốt sẽ biết nhìn xa trông rộng. Các nhà kinh tế học tồi chỉ thấy những tác động ngắn hạn và trực tiếp của một chính sách hay biện pháp kinh tế. Các nhà kinh tế học tốt sẽ quan tâm đến những tác động dài hạn và gián tiếp. Các nhà kinh tế học tồi chỉ biết xem xét hiệu ứng của một chính sách kinh tế trên một nhóm cá thể nhất định. Các nhà kinh tế học tốt sẽ tìm hiểu hiệu ứng của nó lên mọi nhóm cá thể trong xã hội.
Đây dường như là một lẽ tất nhiên! Ai cũng biết tầm quan trọng của việc phải xem xét tất cả các tác động trực tiếp và gián tiếp, ngắn hạn và dài hạn, của một chính sách lên mọi đối tượng trong xã hội. Ngay trong cuộc sống cá nhân của mình, chúng ta ai chẳng biết có những khoái lạc đem lại vui thú trong chốc lát song về lâu dài sẽ để lại những hậu quả khủng khiếp! Ngay cả một em bé cũng biết nếu ăn quá nhiều kẹo em sẽ bị sâu răng! Ngay cả một người say rượu cũng biết mình sẽ thức dậy sáng mai với cái bụng nôn nao và đầu nhức như búa bổ, và một người nghiện rượu phải biết mình đang hủy hoại gan và rút ngắn cuộc đời của mình! Ngay cả Don Juan cũng biết rằng mình tự chuốc lấy nhiều rủi ro, từ việc bị tống tiền cho đến bệnh tật! Và cuối cùng, để lấy một ví dụ có liên quan đến kinh tế, dù vẫn thuộc về đời sống cá nhân của chúng ta: chẳng phải ngay một người lười biếng hay một kẻ phá gia chi tử cũng biết rồi họ sẽ phải chịu cảnh thiếu thốn và nghèo đói?
Vậy nhưng trong lĩnh vực kinh tế học, những điều tưởng chừng rất cơ bản này lại thường xuyên bị lãng quên. Nhiều người được xem là những nhà kinh tế học nổi tiếng, song lại phản đối sự tiết kiệm và ủng hộ việc tiêu vượt mức an toàn của ngân sách quốc gia, và cho rằng đó là cách cứu vãn nền kinh tế. Khi có người chỉ ra những hậu quả nghiêm trọng mà những chính sách này về lâu dài sẽ gây ra đối với nền kinh tế, họ trả lời một cách vô trách nhiệm, với giọng lưỡi của đứa con hoang đàng trước lời cảnh báo của người cha: “Về lâu dài thì lúc ấy chúng ta cũng chết cả rồi!”. Và những luận chứng thiển cận nguy hiểm này lại được nhiều người xem là sự khôn ngoan, là sự dí dỏm của những bộ óc uyên bác.
Hiện thực không dí dỏm như vậy! Thảm họa là ở chỗ ngay trong hiện tại chúng ta đã phải gánh chịu hậu quả của những chính sách kinh tế sai lầm từ trước. Ngày hôm nay chính là tương lai mà những nhà kinh tế tồi thường khuyên chúng ta không cần nghĩ tới. Những tác động dài hạn của một số chính sách kinh tế có thể chỉ còn cách chúng ta vài tháng, cũng có thể là vài năm hay vài thập kỷ. Trong trường hợp nào đi nữa, những hậu quả đó đã tiềm ẩn sẵn trong các chính sách kinh tế được đưa ra, như con gà trong quả trứng hay bông hoa trong hạt giống.
Trên phương diện này, toàn bộ nội dung của kinh tế học có thể được rút gọn thành một bài học, và bài học này có thể được đúc kết thành một câu: Kinh tế học bao gồm việc xem xét không chỉ những tác động ngắn hạn mà cả những tác động dài hạn của bất kỳ một chính sách hay biện pháp kinh tế nào; nó bao gồm việc theo dõi những tác động đó không chỉ đối với một nhóm cá thể nhất định mà với mọi nhóm trong xã hội.
90% các luận chứng kinh tế sai lầm trên thế giới - những luận chứng đang gây nhiều tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu - đều là hậu quả của việc bỏ qua bài học này. Chúng đều mắc một trong hai lỗi hoặc đôi khi cả hai: hoặc chúng chỉ tính đến các tác động tức thời của một chính sách hay biện pháp kinh tế, hoặc chúng chỉ xem xét các tác động này trên một nhóm cá thể nhất định và bỏ qua các nhóm khác.
Tất nhiên, thái cực ngược lại cũng là một sai lầm. Khi xem xét một chính sách, chúng ta không nên chỉ chú trọng vào các tác động dài hạn trên toàn bộ xã hội. Đây là lỗi mà các nhà kinh tế học theo trường phái cổ điển hay mắc phải, và nó dẫn đến một thái độ thờ ơ vô trách nhiệm đối với những nhóm cá thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các chính sách hay biện pháp kinh tế nhằm vào các ích lợi kinh tế tổng hòa mang tính dài hạn trên diện rộng.
Nhưng ngày nay rất ít người (trong đó chủ yếu là các chuyên gia kinh tế học) mắc phải sai lầm này. Luận chứng kinh tế sai lầm lớn nhất của thời đại chúng ta - luận chứng thường xuyên xuất hiện trong các cuộc thảo luận hay đàm thoại về kinh tế, luận chứng được sử dụng trong hàng ngàn diễn văn chính trị, luận chứng trọng điểm của kinh tế học theo trường phái “mới” - là quan điểm chỉ chú trọng vào các tác động ngắn hạn của các chính sách kinh tế lên một nhóm cá thể nhất định, và bỏ qua hoặc coi nhẹ các tác động dài hạn đối với toàn bộ xã hội. Các nhà kinh tế học “mới” tự cho rằng đây là một phương pháp luận đúng đắn, một sự tiến bộ mang tính cách mạng so với các nhà kinh tế học thuộc trường phái “cổ điển” hay “chính quy”, bởi vì họ đã chú ý đến điều mà các nhà kinh tế học theo trường phái cổ điển thường bỏ qua: các tác động ngắn hạn. Nhưng với việc quá chú trọng vào các tác động ngắn hạn và bỏ qua các tác động dài hạn, họ đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng hơn nhiều! Trong nỗ lực nghiên cứu và tìm hiểu một cách tỉ mỉ từng cái cây, họ đã bỏ qua cả cánh rừng. Phương pháp luận và các kết luận của họ luôn mang nặng tính phản ứng. Đôi khi chính họ phải ngạc nhiên khi nhận thấy những điểm tương đồng giữa quan điểm của họ với các hoạt động buôn bán của thế kỷ 17. Trên thực tế, họ rơi vào những sai lầm của nền kinh tế thế giới từ thuở sơ khai - những sai lầm mà các nhà kinh tế học theo trường phái cổ điển đã chỉ ra và tưởng là đã vĩnh viễn xóa bỏ chúng khỏi kinh tế học.
Có người nói rằng các nhà kinh tế học tồi, khi trình bày các luận chứng sai lầm của họ trước công chúng, thường giàu tình thuyết phục hơn so với khi các nhà kinh tế học tốt trình bày các luận chứng đúng đắn của mình, và công chúng thường tin tưởng vào những điều xuẩn ngốc được nói ra từ diễn đàn của những kẻ mị dân hơn là vào lời nói của những người chính trực đang cố gắng chỉ ra các sai lầm. Lý do dẫn đến điều này thật ra không có gì khó hiểu: những kẻ mị dân và các nhà kinh tế tồi không hoàn toàn nói sai; họ chỉ nói không đủ sự thật. Họ chỉ nói đến các tác động tức thì của một chính sách lên một nhóm cá thể nào đó, và trong những giới hạn nhỏ bé của mình thì điều họ nói thường là đúng. Trong trường hợp này, ta cần phải chỉ ra toàn bộ sự thật, rằng những chính sách đó có thể sẽ có những tác động dài hạn tiêu cực, hoặc nó có thể đem lại lợi ích cho một nhóm cá thể nhất định nhưng lại gây tổn hại cho những nhóm khác. Song xem xét được hết các tác động chính của một chính sách kinh tế lên toàn bộ xã hội là một quá trình phức tạp và mất nhiều thời gian. Công chúng thường không đủ kiên nhẫn hay hiểu biết để theo dõi hết quá trình này. Các nhà kinh tế học tồi thường giúp công chúng biện minh cho sự lười biếng hay thiếu hiểu biết của mình bằng cách cho rằng không cần thiết phải theo các quá trình tư duy và đánh giá này vì chúng rất “cổ điển”, mang nặng tính phi can thiệp, là biểu hiện của chủ nghĩa “biện minh tư bản”, hay bất kỳ một ngôn từ nào khác có thể giúp họ hạ uy tín các luận chứng kinh tế này trước công chúng.
Chúng ta đã nêu lên bản chất của bài học cũng như chỉ ra một cách khái quát những luận chứng kinh tế sai lầm đi ngược lại bài học này. Song ta sẽ không thể hiểu rõ bài học và nhận dạng đúng các luận chứng kinh tế sai lầm nếu không có các ví dụ minh họa rõ ràng. Qua các ví dụ, chúng ta sẽ từ các vấn đề đơn giản nhất tiến tới các vấn đề phức tạp nhất trong kinh tế học. Chúng ta cũng sẽ học cách phát hiện và tránh các luận chứng kinh tế sai lầm, từ những luận chứng thô sơ và dễ nhận ra nhất cho đến những luận chứng tinh vi nhất. Đó là nhiệm vụ tiếp theo của chúng ta.
Nguồn: Henry Hazlitt, Kinh tế học trong một bài học (Economics in One Lesson), Chương 1