[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XIII: Tại sao các quốc gia ngày nay thất bại (Phần 7)

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XIII: Tại sao các quốc gia ngày nay thất bại (Phần 7)

SÂN CHƠI NGHIÊNG HẲN VỀ MỘT PHÍA

Thập niên 1990 là thời kỳ cải cách ở Ai Cập. Từ khi đảo chính quân sự lật đổ chế độ quân chủ vào năm 1984, Ai Cập được điều hành theo đường lối gần như xã hội chủ nghĩa, trong đó chính phủ đóng vai trò trọng tâm trong nền kinh tế. Nhiều lĩnh vực kinh tế được thống lĩnh bởi các doanh nghiệp quốc doanh. Qua nhiều năm, sự tuyên truyền về chủ nghĩa xã hội đã chấm dứt, các thị trường mở cửa và khu vực tư nhân phát triển. Thế nhưng vẫn không có các thị trường dung hợp, mà thị trường chịu sự kiểm soát của nhà nước và một vài doanh nhân có quan hệ với Đảng Dân chủ quốc gia (NDP), đảng chính trị do tổng thống Anwar Sadat sáng lập năm 1978. Các doanh nhân trở nên ngày càng dính líu với đảng nhiều hơn, và đảng trở nên ngày càng có quan hệ với doanh nhân nhiều hơn dưới thời chính phủ Hosni Mubarak. Mubarak, người lên làm tổng thống vào năm 1981 sau khi Anwar Sadat bị ám sát, cùng với đảng NDP cai trị đất nước cho đến khi bị buộc phải thoái vị trong các cuộc nổi dậy của quần chúng và quân đội vào tháng 2/2011, như chúng ta đã thảo luận trong phần mở đầu quyển sách này.

Các doanh nhân chủ chốt đã được bổ nhiệm vào các vị trí chính phủ then chốt trong những lĩnh vực liên quan mật thiết với quyền lợi kinh tế của họ. Rasheed Mohamed Rasheed, nguyên chủ tịch công ty Unilever ở AMET (châu Phi, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ), trở thành bộ trưởng ngoại thương và công nghiệp; Mohamed Zoheir Wahid Garana, chủ sở hữu và giám đốc điều hành Công ty Du lịch Garana, một trong những công ty lớn nhất ở Ai Cập, trở thành bộ trưởng du lịch; Amin Ahmed Mohamed Osman Abaza, nhà sáng lập Công ty Thương mại Bông, công ty xuất khẩu bông lớn nhất Ai Cập, trở thành bộ trưởng nông nghiệp.

Trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, các doanh nhân đã thuyết phục chính phủ hạn chế việc thành lập doanh nghiệp thông qua sự điều tiết của nhà nước. Những lĩnh vực này bao gồm truyền thông, sắt thép, ô-tô, nước giải khát có cồn và xi-măng. Mỗi lĩnh vực đều hết sức tập trung với các hàng rào cản trở việc tham gia thị trường để bảo hộ các doanh nhân và doanh nghiệp có quan hệ chính trị. Những doanh nhân lớn có quan hệ với chế độ, như Ahmed Ezz (sắt thép), gia đình Sawiris (truyền thông đa phương tiện, nước giải khát và viễn thông), và Mohamed Nosseir (nước giải khát và viễn thông) không chỉ được nhà nước bảo hộ mà còn có các hợp đồng với chính phủ và các khoản vay ngân hàng lớn mà không cần tài sản thế chấp. Ahmed Ezz vừa là chủ tịch Công ty Thép Ezz lớn nhất trong ngành thép, sản xuất ra 70% sản lượng thép của Ai Cập, vừa là thành viên cao cấp của đảng NDP, chủ tịch Ủy ban Quy hoạch và ngân sách Quốc hội nhân dân, và là bạn bè thân hữu của Gamal Mubarak, một trong những người con trai của tổng thống Mubarak.

Các cuộc cải cách kinh tế thập niên 1990 đã được các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà kinh tế thúc đẩy với mục đích tự do hóa thị trường và giảm vai trò của nhà nước trong nền kinh tế. Một cột trụ chính của công cuộc cải cách trong mọi lĩnh vực là việc tư nhân hóa tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Tư nhân hóa ở Mexico (chương 1), thay vì làm tăng tính cạnh tranh, chỉ đơn thuần biến các độc quyền thuộc sở hữu nhà nước thành các độc quyền thuộc sở hữu tư nhân, và trong quá trình đó làm giàu cho những doanh nhân có quan hệ chính trị như Carlos Slim. Chính điều này cũng đã xảy ra ở Ai Cập. Các doanh nhân có quan hệ với chế độ đã tác động mạnh đến việc thực hiện chương trình tư nhân hóa Ai Cập theo cách có lợi cho giới quyền thế doanh nhân giàu có, thường được người địa phương gọi là “cá voi”. Vào thời điểm bắt đầu chương trình tư nhân hóa, nền kinh tế bị chiếm lĩnh bởi 2/3 những con cá voi này.

Một trong số đó là Ahmed Zayat, người chỉ huy tập đoàn Luxor. Năm 1996, chính phủ quyết định tư nhân hóa công ty nước giải khát Al Ahram (ABC), vốn là một đơn vị sản xuất bia độc quyền ở Ai Cập. Tập đoàn Công ty Tài chính Ai Cập dưới sự lãnh đạo của nhà phát triển bất động sản Farid Saad, cùng với công ty tài chính mạo hiểm đầu tiên ở Ai Cập vào năm 1995 cũng tham gia bỏ thầu. Tập đoàn này bao gồm Fouad Sultan, nguyên bộ trưởng du lịch, Mohamed Nosseir và Mohamed Ragab, các doanh nhân quyền thế khác. Họ có các mối quan hệ tốt, nhưng không đủ mạnh. Giá bỏ thầu 400 triệu bảng Ai Cập của họ bị bác bỏ vì quá thấp. Zayat có quan hệ tốt hơn. Ông không có đủ tiền để mua ABC, vì thế ông tiến hành một kế hoạch tài tình theo kiểu của Carlos Slim. Cổ phần của ABC được phát hành lần đầu trên Thị trường chứng khoán Luân Đôn, và tập đoàn Luxor thu được 74,9% số cổ phần này với giá 68,5 bảng Ai Cập một cổ phần. Ba tháng sau, cổ phần được chia nhỏ làm hai, và tập đoàn Luxor có thể bán tất cả với giá 52,5 bảng/cổ phần, hưởng lợi ròng 36%, và Zayat có thể dùng tiền này để trả tiền mua ABC với giá 231 triệu bảng trong tháng sau. Vào thời điểm đó, ABC đang có lợi nhuận hàng năm vào khoảng 41,3 triệu bảng Ai Cập và có dự trữ tiền mặt là 93 triệu bảng Ai Cập. Thật là một món hời. Năm 1999, công ty ABC vừa tư nhân hóa đã mở rộng thế lực độc quyền từ bia sang rượu thông qua mua công ty độc quyền rượu quốc gia Gianaclis cũng được tư nhân hóa. Gianaclis là một công ty hoạt động rất có lãi nhờ núp đằng sau hàng rào thuế quan lên đến 3.000% đối với rượu nhập khẩu, và có tỷ lệ lợi nhuận gộp là 70% trên doanh số. Năm 2002, công ty độc quyền này đổi chủ khi Zayat bán ABC cho Heineken với giá 1,3 tỉ bảng Ai Cập. Tỷ lệ lợi nhuận là 563% chỉ trong năm năm.

Mohamed Nosseir không phải lúc nào cũng thua. Năm 1993, ông mua Công ty đóng chai El Nasr chuyên độc quyền đóng chai và bán Coca-Cola ở Ai Cập. Mối quan hệ của Nosseir với bộ trưởng doanh nghiệp nhà nước lúc bấy giờ, Atef Ebeid, cho phép ông thực hiện doanh vụ gần như không có cạnh tranh. Hai năm sau, Nosseir bán công ty với giá hơn gấp ba lần giá mua. Một ví dụ khác là về phong trào tham gia của khu vực tư nhân trong ngành điện ảnh của nhà nước vào cuối thập niên 1990. Một lần nữa, các mối quan hệ chính trị ngụ ý rằng chỉ có hai gia đình được phép bỏ thầu và điều hành ngành điện ảnh - một trong hai gia đình đó là gia đình Sawiris.

Ai Cập ngày nay là một nước nghèo, không nghèo đến mức như các nước miền nam thuộc vùng hạ Sahara châu Phi, nhưng vẫn có khoảng 40% dân số rất nghèo và sống với dưới 2 USD một ngày. Trớ trêu thay, như ta đã thấy trên đây (chương 2), vào thế kỷ 19, Ai Cập là nơi có một nỗ lực thành công đầu tiên trong việc thay đổi thể chế và hiện đại hóa kinh tế dưới thời Muhammad Ali, người đã mang lại một thời kỳ tăng trưởng kinh tế mang tính chiếm đoạt trước khi đất nước bị sáp nhập vào Đế quốc Anh. Từ thời thuộc địa Anh, một hệ thống thể chế chiếm đoạt đã nổi lên và được tiếp nối bằng quân đội sau năm 1954. Đã có ít nhiều tăng trưởng kinh tế và đầu tư vào giáo dục, nhưng đa số dân chúng gần như không có các cơ hội kinh tế, trong khi giới quyền thế mới có thể hưởng lợi từ những mối quan hệ với chính phủ.

Một lần nữa, các thể chế kinh tế chiếm đoạt này cũng được nâng đỡ bởi các thể chế chính trị chiếm đoạt. Tổng thống Mubarak dự định bắt đầu một triều đại chính trị, chuẩn bị cho con trai ông là Gamal lên thay ông. Kế hoạch này bị triệt hạ bởi sự sụp đổ chế độ chiếm đoạt của ông vào đầu năm 2011 khi bất ổn và biểu tình lan rộng trong cuộc cách mạng nhân dân “Mùa xuân Ảrập”. Trong thời gian Nasser làm tổng thống, đã có những khía cạnh dung hợp của các thể chế kinh tế, nhà nước đã mở rộng hệ thống giáo dục và mang lại những cơ hội chưa từng có trong chế độ cai trị của Vua Farouk trước đây. Nhưng đây là một ví dụ về sự kết hợp không ổn định giữa các thể chế chính trị chiếm đoạt với tính dung hợp của các thể chế kinh tế.

Kết quả không thể tránh khỏi xảy ra dưới thời Mubarak là các thể chế kinh tế trở nên chiếm đoạt hơn, phản ánh sự phân phối quyền lực chính trị trong xã hội. Theo một ý nghĩa nào đó, cuộc cách mạng Mùa xuân Ảrập là phản ứng trước tình trạng này. Điều này không chỉ đúng với Ai Cập mà cả với Tunisia. Ba thập niên tăng trưởng của Tunisia trong các thể chế chính trị chiếm đoạt đã bắt đầu đảo ngược khi tổng thống Ben Ali và gia đình ông bắt đầu làm cho nền kinh tế ngày càng kiệt quệ.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh