[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương VII: Về tính toàn quyền của phe đa số ở Hoa Kì và những tác động của nó (Phần 5)
NGUY CƠ LỚN NHẤT CHO CÁC NƯỚC CỘNG HOÀ MĨ LÀ TỪ TÍNH TOÀN QUYỀN CỦA PHE ĐA SỐ
Chính là do sử dụng sai sức mạnh chứ không phải là vì không có sức mạnh mà các nước cộng hoà dân chủ bị đe doạ tiêu vong. − Chính quyền của các nước cộng hoà Mĩ tập trung hoá hơn và mãnh liệt hơn chính quyền của các nhà nước quân chủ châu Âu. − Nguy cơ từ đó. − Ý kiến của Madison và Jefferson về vấn đề này.
Thông thường thì các chính quyền bị tiêu vong vì bất lực hoặc vì bạo quyền. Trong trường hợp thứ nhất, quyền hành tuột khỏi tay chính quyền; trong trường hợp sau, người ta tước đoạt mất quyền hành khỏi tay chính quyền.
Có khá nhiều người khi thấy các nhà nước dân chủ rơi vào hỗn loạn, thì nghĩ ngay rằng chính quyền các nước đó hẳn là yếu và bất lực. Thực ra thì, một khi chiến tranh ở đó đã bùng lên giữa các đảng, thì chính quyền mất khả năng tác động tới xã hội. Nhưng tôi không cho rằng bản chất một chính quyền dân trị lại thiếu sức mạnh và thiếu nguồn lực. Ngược lại, tôi tin rằng hầu như bao giờ cũng là do lạm dụng sức mạnh và sử dụng sai nguồn lực khiến chính quyền ấy sụp đổ. Hầu như là sự hỗn loạn sinh ra từ bạo quyền hoặc từ sự vụng về, chứ không từ sự bất lực.
Không bao giờ nên lẫn lộn sự ổn định với sức mạnh, giữa vĩ đại và sống dai. Tại các nước cộng hoà dân chủ, quyền lực điều hành xã hội không bình ổn, vì nó thường thay đổi người và thay đổi mục tiêu. Nhưng ở bất cứ nơi đâu thì cũng không thể cưỡng lại nổi sức mạnh của nó.
Tôi cảm thấy chính quyền của các nước cộng hoà Mĩ cũng tập trung và còn mãnh liệt hơn chính quyền các nền quân chủ chuyên chế châu Âu. Song không vì thế mà tôi cho rằng chính quyền đó bị tiêu vong vì yếu đuối.
Nếu có bao giờ Tự do bị thất bại ở nước Mĩ, thì cần đi tìm trách nhiệm ở tính toàn quyền của phe đa số, cái đã đẩy phe thiểu số rơi vào tuyệt vọng và buộc phe thiểu số phải cầu viện đến sức mạnh vật chất. Khi đó sẽ là hỗn loạn, nhưng đó chỉ là hệ quả của bạo quyền do phe đa số tạo ra mà thôi.
Tổng thống Madison cũng nói lên những ý tưởng như thế. (Xem báo Federalist, số 51). Ông viết:
Cực kì quan trọng là, ở các nước cộng hoà, không chỉ bảo vệ xã hội khỏi sự đè nén của những người cầm quyền, mà còn phải bảo đảm cho một bộ phận xã hội tránh khỏi sự bất công do phía kia gây ra. Công lí là mục đích mà mọi chính quyền phải hướng tới; đó là mục đích của con người khi họ đoàn kết lại. Nhân dân đã làm và sẽ còn làm tất cả để đến mục tiêu đó, sẽ nỗ lực để hoặc là đạt được tới đích hoặc là mất toi Tự do.
Nếu có được một xã hội trong đó bên mạnh nhất đủ sức dễ dàng tập hợp lực lượng và đàn áp những bên yếu hơn, ta có thể coi sự hỗn loạn ngự trị ở đó cũng giống như cuộc sống trong trạng thái tự nhiên, nơi kẻ yếu hơn chẳng có gì bảo đảm chống lại sự bạo hành của kẻ mạnh hơn. Và tương tự như trong trạng thái tự nhiên, những điều bất tiện của một số phận bấp bênh lại bắt buộc những kẻ mạnh nhất phải phục tùng một chính quyền bênh vực cho những kẻ yếu và bênh vực cả cho bọn họ là những kẻ mạnh. Với một chính quyền thời hỗn loạn, những động lực đó dần dần dẫn các bên mạnh hơn tới chỗ phải chọn lấy một chính quyền đủ khả năng che chở tất cả các bên, cả kẻ mạnh lẫn kẻ yếu. Nếu bang Rhode Island tách ra khỏi Liên bang và rơi vào tay một chính quyền nhân dân có toàn quyền hành động trong phạm vi hạn hẹp, không còn hồ nghi gì nữa, sự bạo hành của phe đa số ở đó chỉ khiến cho việc thực thi các quyền trở nên bấp bênh, để rồi đi tới chỗ người ta sẽ đòi có một chính quyền hoàn toàn không có tính nhân dân nữa. Bản thân các phe phái đã làm cho những điều đó tất yếu phải xảy đến, sẽ lại vội vã cầu viện đến một chính quyền như thế.
Jefferson cũng nói: “Trong chính quyền của chúng ta, đối tượng duy nhất và có lẽ cũng không phải đối tượng chính yếu mà tôi băn khoăn lo lắng ấy là vấn đề về quyền hành pháp. Hiện thời và trong nhiều năm nữa, bạo quyền của lập pháp vẫn là nguy cơ đáng sợ hơn cả. Rồi tiếp đó đến lượt nguy cơ bạo hành của ngành hành pháp, nhưng việc đó sẽ xảy ra ở một giai đoạn lùi về sau nhiều nữa.”
Về vấn đề này, tôi ưng lời dẫn của Jefferson hơn mọi lời dẫn khác, vì tôi coi ông như một vị thánh, tông đồ mạnh mẽ nhất mà nền dân trị từng có.
Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)