[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 11: Nhà nước lỗi thời (Phần 1)
Cùng với việc suy giảm các dịch vụ công và trong thời đại thông tin, thị trường ngày càng trở thành phức tạp hơn, người ta thường quay sang với dụng dịch vụ tư nhân, từ giáo dục tới gửi bưu phẩm chất lượng cao và bảo hiểm thiên tai. Ngay cả những người từng cho rằng chính phủ phải cung cấp những dịch vụ như thế, bây giờ cũng thấy rằng nhà nước ngày càng vụng về và lỗi thời trong việc cung cấp hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ.
Tại sao chính phủ lại cung cấp quá nhiều mặt hàng mà tư nhân có thể làm tốt hơn nhà nước? Một số câu trả lời, chủ yếu có liên quan với chủ nghĩa đế quốc về mặt chính trị và bản chất của chính trị là rối loạn chức năng, đã được nói đến trong Chương 9. Nhưng chắc chắn là có một số lý do không đến mức ác ý như thế, ví dụ, luận cho rằng chính phủ cần cung cấp hàng hóa công cộng. Gần đây nhiều học giả đã lên tiếng phê phán quyết liệt luận cứ này. Nhưng các doanh nhân, không chờ các học giả chỉ cho cách thức làm ăn; trong khi các học giả tranh luận về việc liệu thị trường có thể hoạt động hay không thì trị trường đã làm ra tất cả những hàng hóa mà người tiêu dùng cần - từ ngọn hải đăng và trường học đến dịch vụ bưu chính và bảo hiểm bão lụt.
Thất bại của thị trường và hàng hóa công cộng
Lời tuyên bố về “thất bại của thị trường” có thể là luận cứ quan trọng nhất của giới hàn lâm trong việc ủng hộ sự can thiệp của nhà nước vào thị trường. Một số nhà kinh tế học khẳng định rằng trong một số trường hợp, thị trường không cung cấp được món hàng mà nhiều người muốn và sẵn sàng trả tiền mua món hàng đó. Nhưng nếu một người nào đó tuyên bố không phải trên sách báo rằng thị trường đã thất bại trong việc cung cấp một món hàng nào đó thì điều đó thường có nghĩa là thị trường đã không cung cấp cái mà người đó cần. Một người bạn thích chế giễu niềm tin vững chắc của tôi vào vòng quay của thị trường bằng cách nói rằng “thị trường đã thất bại” mỗi khi tôi phàn nàn là không tìm được một sản phẩm hay dịch vụ cụ thể nào đó: Trong khu vực của tôi không có hiệu bánh pizza ngon ư? “Thị trường thất bại rồi!”
Tất nhiên là trong hầu hết các trường hợp, nếu chúng ta không thể tìm thấy một loại hàng hóa hay dịch vụ mà chúng ta muốn, đấy có thể là một trong hai lý do: các doanh nhân đang bỏ lỡ cơ hội, gặp trường hợp này chúng ta nên nghĩ đến cơ hội cung cấp món hàng đó, hoặc có lý do chính đáng để không người nào cung cấp món hàng đó. Hiện nay, dường như nhiều người muốn vào những quán bar cấm hút thuốc. Tại sao hầu như không có quán nào cấm hút thuốc? Có thể đây là một cơ hội kinh doanh tuyệt vời. Nhưng có nhiều khả năng là những người hút thuốc uống nhiều hơn và “bo” nhiều hơn, vì vậy mà khó thu được lợi nhuận khi mở quán bar cấm hút thuốc (mặc dù trong mấy năm nữa chuyện này có thể thay đổi).
Phần lớn những lời tuyên bố nghiêm túc về sự thất bại của thị trường đều dựa trên lý thuyết về hàng hóa công cộng. Các nhà kinh tế học định nghĩa “hàng hóa công cộng” là hàng hóa kinh tế với hai đặc điểm sau đây: không có tính loại trừ (nonexcludability) và không có tính cạnh tranh (non-rivalrous) trong tiêu dùng. Nghĩa là, thứ nhất, những người không trả tiền cũng có thể hưởng thụ món hàng hóa đó. Ví dụ kinh điển là ngọn hải đăng, tất cả tàu bè đều có thể nhìn thấy ánh sáng của nó. Và thứ hai, cho những người khác cùng hưởng thụ không làm giảm chất lượng hưởng thụ của những người đang hưởng thụ món hàng hay dịch vụ đó. Ví dụ, sóng truyền thanh hay truyền hình hoặc phim ảnh – khác với ô tô hay cắt tóc - nhiều người có thể hưởng thụ cùng một lúc.
Các nhà kinh tế học khẳng định rằng người dân sẽ “ăn không” khi cung cấp cho họ những món hàng hoá không có tính loại trừ; nghĩa, tàu bè sẽ không đóng góp để bảo dưỡng hải đăng, vì họ có thể hưởng thụ dịch vụ miễn mà những tàu bè khác đóng góp. Tất nhiên, nếu nhiều người tìm cách “ăn không” thì dịch vụ này có thể hoàn toàn không còn được cung cấp nữa. Vì vậy, một số nhà kinh tế học cho rằng chính phủ phải đánh thuế người dân và tự mình cung cấp dịch vụ nhằm khắc phục những thất bại của thị trường.
Phân tích này đặt ra một số vấn đề. Hàng hóa có thể được sản xuất và phân phối theo nhiều biện pháp khác nhau, một số cho phép loại trừ, không cho những người không trả tiền sử dụng; trong khi những biện pháp khác thì không. Hầu như tất cả các hàng hóa đều có thể được sản xuất theo lối “công cộng”, có nghĩa là bằng biện pháp làm cho khó có thể ngăn cản những người không trả tiền sử dụng, hoặc theo lối tư nhân. Thường xảy ra khả năng là “tính công cộng” của hàng hóa phản ánh sự kiện là chính phủ sản xuất ra nó mà không quan tâm tới vấn đề loại trừ trong sử dụng. Như Tom G. Palmer viết trong Báo cáo chính sách của Viện (Cato Policy Report), năm 1983:
Luận cứ ủng hộ cho việc nhà nước cung cấp hàng hóa và dịch vụ được xây dựng trên những điều kiện hoàn toàn tĩnh, chứ không phải là động: món hàng đã có, chi phí cận biên1 cho việc làm cho một người nữa được thụ hưởng là bằng không (hoặc ít hơn chi phí nhằm loại trừ, không cho người đó thụ hưởng), thì việc tiêu tốn nguồn lực để loại trừ những người không trả tiền là không hiệu quả. Nhưng điều này lại tạo ra câu hỏi. Vì chúng ta sống trong thế giới, nơi mà hàng hóa không phải là có sẵn, mà phải được làm ra, vấn đề là biện pháp tốt nhất nhằm sản xuất những món hàng này. Luận cứ ủng hộ cho việc cung cấp của nhà nước, cho rằng hàng hoá đã được sản xuất không thể được coi là luận cứ.
Câu hỏi là để cho doanh nhân tìm những biện pháp mang lại lợi nhuận khi cung cấp hàng hóa hay giao cho chính phủ cung cấp những món hàng quan trọng khi chúng ta đối mặt với những vấn đề như thiếu vắng những tín hiệu thị trường, thiếu vắng động lực và quá trình thông qua quyết định bị chi phối bởi những nhóm lợi ích đặc biệt và ảnh hưởng chính trị, cái nào hiệu quả hơn. Luận cứ cơ bản của cuốn sách này là hàng hóa và dịch vụ có giá trị do thị trường cạnh tranh cung cấp là tốt nhất. Trong chương này, chúng ta sẽ xem xét một số ví dụ cụ thể của những hàng hóa và dịch vụ mà người ta nghĩ là thị trường không thể cung cấp, nhưng hóa ra thị trường không chỉ có khả năng mà đã làm từ lâu rồi.
Một số ví dụ kinh điển: Không phải là hàng hóa công cộng
Ví dụ truyền thống về hàng hóa công cộng là hải đăng. Các nhà kinh tế học đã nói với nhiều thế hệ sinh viên rằng tư nhân không thể xây dựng hải đăng bởi vì không thể nào thu tiền tất cả những người sử dụng ánh sáng của hải đăng. Từ tác phẩm Những nguyên lí của chính trị kinh tế học (Principles of Political Economy) của John Stuart Mill, xuất bản năm 1848 đến cuốn Kinh tế học (Economics) của Paul A. Samuelson, người từng đoạt giải Nobel về kinh tế, được hàng triệu sinh viên Mỹ đọc, những cuốn sách giáo khoa này đều lấy hải đăng làm ví dụ chứng tỏ rằng chính phủ cần phải cung cấp những món hàng hoá công cộng.
Nhưng, năm 1974, một nhà kinh tế học đã quyết định nghiên cứu cách thức cung cấp dịch vụ của hải đăng. Ronald H. Coase thuộc Đại học Chicago (University of Chicago), sau này được trao giải Nobel, đã tiến hành điều tra lịch sử hải đăng ở Anh và phát hiện ra rằng chính phủ không xây dựng hải đăng hay tài trợ cho việc xây dựng hải đăng:
Lịch sử những giai đoạn trước chứng tỏ, trái với niềm tin của nhiều nhà kinh tế học, doanh nghiệp tư nhân có thể cung cấp dịch vụ hải đăng… Một số ngọn hải đăng đã được xây dựng, vận hành, tài trợ và thuộc sở hữu tư nhân… Chính phủ chỉ có vai trò thiết lập quyền sở hữu và bảo vệ quyền sở những ngọn hải đăng mà thôi.
Phí được thu tại cảng. Một khi đã thấy giá trị của hải đăng, các chủ tàu đều sẵn sàng trả tiền. Trong thế kỷ XIX, tất cả các ngọn hải đăng ở Anh đều là tài sản của Trinity House, một tổ chức có từ lâu đời, dường như xuất phát từ hiệp hội thủy thủ từ thời Trung cổ, nhưng dịch vụ này vẫn được tài trợ bằng phí do tàu bè đóng góp.
Sau khi bài báo của Coase được đăng, nhà kinh tế học Kenneth Goldin liền viết: “Hải đăng là ví dụ về hàng hóa công cộng được nhiều người yêu thích, bởi vì phần lớn các nhà kinh tế học không thể tưởng tượng được phương pháp loại trừ, không cho những người không trả phí thụ hưởng. (Điều này chứng tỏ rằng các nhà kinh tế học không có trí tưởng tượng bằng những ông chủ của những ngọn hải đăng)”
Một ví dụ điển hình nữa của hàng hóa công cộng, dù mới hơn hẳn so với hải đăng, là nghề nuôi ong. Một số nhà kinh tế học nổi tiếng thế kỷ XX khẳng định rằng ong có ích cho những người trồng táo vì chúng thụ phấn cho hoa táo; nhưng người nuôi ong không có động cơ giúp đỡ những người trồng táo, và không thể ngăn ong trong một trang trại cụ thể nào, vì vậy mà người ta sẽ ít đầu tư vào việc nuôi ong, nếu đầu tư nhiều hơn thì sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Cũng vẻ hợp lý, thậm chí là rõ ràng - quá rõ ràng về mặt lý thuyết đến mức không có người nào bận tâm đến việc rà soát lại các sự kiện.
Nhà kinh tế học Stephen Cheung thuộc Đại học Washington (University of Washington) đã tiến hành khảo sát việc trồng táo ở bang Washington và một lần nữa, phát hiện ra rằng các doanh nhân đã làm những việc mà các nhà kinh tế học cho là không thể làm được. Những người trồng táo và người nuôi ong đã thỏa thuận với nhau từ rất lâu rồi. Những hợp đồng này tạo động lực cho người nuôi ong nuôi những đàn ong có lợi cho người trồng táo. Những thỏa thuận không chính thức giữa những người táo trồng đảm bảo rằng chủ nhân của tất cả các vườn táo đều trả một khoản tiền như nhau cho người nuôi ong chứ không “ăn không” của những chủ vườn khác. Những thoả thuận không chính thức này, tương tự như các hợp đồng thành văn, là một phần của mạng lưới hợp tác rộng lớn mà chúng ta gọi là vỏng quay thị trường hay xã hội dân sự. Khi nhà kinh tế học bắt tay nghiên cứu hoạt động của thị trường thì những người muốn chỉ ra những thất bại của thị trường mất dần đất dụng võ.
Khi nào chính phủ cung cấp dịch vụ?
Người ta thường nghĩ rằng chính phủ tham gia cung cấp dịch vụ khi khu vực tư nhân không thể làm được việc đó. Ngay cả nếu đúng như thế cũng sẽ xuất hiện câu hỏi vì sao người dân phải đóng thuế để tài trợ cho những dịch vụ mà họ không muốn trả tiền. Trừ khi chứng minh được rằng một hàng hóa hay dịch vụ cụ thể nào đó là hàng hóa công cộng - và như chúng ta đã thấy, đấy là điều khó – thì luận cứ ủng hộ cho việc chính phủ cung cấp dịch vụ chỉ đơn giản là lấy sở thích của một người nào đó thay thế cho quyết định của hàng triệu người tiêu dùng, bằng chính những đồng tiền của họ.
Nhưng, trên thực tế, chính phủ thường không cung cấp những dịch vụ mà thị trường lúc đó không cung cấp. Không những thế, các chính trị gia hứa dùng tiền công để cung cấp cho người dân thứ mà người dân không muốn dùng tiền của chính mình để thanh toán. Dịch vụ do bộ máy hành chính quan liêu độc quyền cung cấp, trên thực tế, không làm cho dịch vụ rẻ hơn, mà chỉ giấu giếm một phần chi phí mà thôi. Người ta không còn liên kết dịch vụ với số tiền phải trả nữa, vì vậy mà họ cảm thấy phấn khởi trước dịch vụ tưởng là miễn phí, nhưng thực chất là đắt đỏ, mặc dù họ không muốn thuế khóa gia tăng. Các chính khách sẽ có cơ hội giành điểm bằng cách đề nghị cung cấp một dịch vụ mới của chính phủ, mà nhiều cử tri không muốn trả tiền trong khi nhiều người khác vẫn đang trả tiền rồi.
Nhà kinh tế học W. Allen Wallis khẳng định rằng nền giáo dục của nước Anh và Mỹ là ví dụ tốt chứng tỏ điều đó. Ông viết: “Năm 1833, khi lần đầu tiên chính phủ Anh bắt đầu tài trợ cho trường học, ít nhất 2/3 số thanh niên thuộc tầng lớp lao động đã biết đọc biết viết, và số học sinh đã tăng gấp đôi trong vòng một thập kỷ - mặc dù trước đó chính phủ đã cố tình ngăn cản việc truyền bá văn hóa xuống tầng lớp hạ lưu vì lo sợ hậu quả của việc tuyên truyền bằng tài liệu in ấn”. (Tác giả nhấn mạnh). Đến 1870, khi nền giáo dục do chính phủ cung cấp là miễn phí và bắt buộc, hầu như tất cả các thanh niên đều biết đọc biết viết. Họ học đọc và học viết trong các trường có thu học phí, trong đó có những trường “tiểu học” với học phí không cao do các gia đình thuộc tầng lớp lao động lập ra. Ngay từ năm 1813, nhà triết học James Mill đã ghi nhận: “những tiến bộ nhanh chóng mà lòng ham học đang làm được trong những tầng lớp hạ lưu ở Anh”.
Ở Mỹ cũng thế, Wallis viết: “Chính phủ chỉ bắt đầu ‘miễn học phí’ sau khi việc học đã trở thành gần như đại trà”. Chính quyền các bang có thể đã quyết định miễn học phí, học tập trở thành bắt buộc và nhà trường do nhà nước quản lý vào cuối thế kỷ XIX nhằm mua chuộc cử tri vì họ sẽ không còn phải trả tiền trực tiếp cho trường học hoặc buộc nhà trường phải dạy chương trình tôn giáo và chính trị đặc biệt nào đó. Nhưng rõ ràng là, nhiều người vẫn có thể đi học mà không cần những hành động như thế của nhà nước.
Một ví dụ nữa: trước khi chính phủ liên bang nắm chương trình chăm sóc y tế (Medicare), dịch vụ này do tư nhân cung cấp, cá nhân phải trả tiền. Một cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu dư luận quốc gia tiến hành vào năm 1957 phát hiện ra rằng “cứ hai mươi người [từ 65 tuổi trở lên] thì có một người nói rằng không cần chăm sóc y tế bởi vì không có tiền làm việc đó”. Nếu trên 90% người cao tuổi có đủ khả năng thanh toán cho việc chăm sóc y tế mà họ cần, vì sao chính phủ phải có hẳn một chương trình chăm sóc y tế cho tất cả người cao tuổi? Wallis tổng kết bài học như sau:
Nghĩa là, nhiệm vụ của người làm chính trị là xác định những dịch vụ mà những nhóm cử tri lớn và có thể xác định được của ông ta đang mua và tìm ra những phương tiện nhằm đưa chi phí của những dịch vụ này sang cho xã hội trả. Thành công của sáng kiến không phải là một cái gì đó trước đây chưa ai làm thì nay đã được làm mà là đã chuyển chi phí cho toàn bộ xã hội. Chỉ khi có khá nhiều cử tri đã trả tiền cho dịch vụ nào đó thì đề nghị để họ không phải thanh toán cho dịch vụ đó mới có khả năng ảnh hưởng đến lá phiếu của họ.
Ví dụ gần đây hơn có thể là những khoản trợ cấp của chính phủ cho việc chăm sóc trẻ em. Khi ngày càng nhiều phụ huynh phải trả tiền cho những cơ sở giữ trẻ thì cũng ngày càng nhiều cử tri muốn được bao cấp khoản chi phí này. Thế là các chính trị gia liền tuyên bố rằng chăm sóc trẻ em là trách nhiệm của nhà nước hoặc tuyên bố rằng cha mẹ “không gánh vác nổi” chi phí cho việc chăm sóc trẻ em. Trên thực tế, họ có thể gánh vác được - họ đang gánh vác - nhưng họ không thích gánh vác. Các chính trị gia không bao giờ nói được chính xác lý do vì sao người không có con và những bà mẹ không đi làm lại phải đóng thuế để trả cho việc chăm sóc con em của người khác, nhưng thuế khóa trở thành quá cao và do đó, dường như là không thể tránh khỏi, cho nên cử tri dường như không còn liên kết gánh nặng thuế khóa đang ngày càng gia tăng với dịch vụ mới do chính phủ cung cấp nữa.
Đương nhiên là khi dịch vụ được chuyển từ thị trường vào tay chính phủ thì việc cung cấp nó không còn phản ứng một cách nhạy bén trước nhu cầu của người tiêu dùng nữa, mà sẽ ngày càng phản ánh sở thích của nhà cung cấp chứ không phải là sở thích của khách hàng. Người nhận dịch vụ của chính phủ chỉ có thể gây ảnh hưởng tới dịch vụ bằng một quá trình chính trị phức tạp, chứ không thể dùng biện pháp hiệu quả hơn nhiều: chọn dịch vụ của những nhà cung cấp cạnh tranh với nhau.
(Còn nữa)
Chú thích
(1) Marginal cost - Chi phí cận biên là chi phí tăng thêm để sản xuất thêm một đơn vị sản phẩm. Chi phí cận biên = thay đổi của tổng chi phí/thay đổi của tổng sản lượng.
Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.