[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương VI: Khởi lập kinh doanh

[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương VI: Khởi lập kinh doanh

KHỞI LẬP NGHIỆP

Trong sách giáo khoa, thế giới của “cạnh tranh hoàn hảo” là nơi mà lợi nhuận chỉ là phần mà người cung cấp nhận được sau khi họ đã trả tiền vốn, công lao động và trang trải cho quá trình phân phối. Cạnh tranh sẽ làm cho lợi nhuận giảm đến mức thấp nhất đủ để giữ cho người cung cấp tiếp tục tồn tại trên thị trường - tức là ”mức thu hồi chuẩn" (normal return) như nhau đối với tất cả mọi người. Nhưng Mises nói rằng khi mọi người đều nhận được mức thu nhập cận biên như nhau, không phụ thuộc vào tài khéo, động cơ hoặc cơ may thì sẽ chẳng ai cố gắng đổi mới sáng tạo nữa. Trong thế giới hiện thực, lợi nhuận có vai trò cao hơn thế rất nhiều. Đấy là động cơ chủ lực cho hành động của con người. Muốn hiểu kinh tế thì cần phải hiểu bản chất và vai trò thật sự của hoạt động khởi lập kinh doanh (entrepreneurship) và lợi nhuận.1

Khởi lập kinh doanh và lợi nhuận

Quá trình sản xuất bất kì loại hàng hóa nào cũng không chỉ là sử dụng đồng vốn theo một cách nào đó và nhận được “mức thu nhập chuẩn” do đồng vốn đó tạo ra. Trên thực tế, sản xuất bao gồm một loạt những lựa chọn khác nhau. Những nhân tố của quá trình sản xuất bổ sung cho nhau như đất đai, lao động và thiết bị phải được kết hợp cùng nhau. Chắc chắn là phải cần thời gian. Để có lợi nhuận về mặt tài chính, người tổ chức dự án - nhà khởi lập kinh doanh - phải bán được sản phẩm cuối cùng với giá cao hơn giá đầu vào. Nhưng sản xuất đòi hỏi thời gian, mọi sự có thể thay đổi trong thời gian đó, kết quả không có gì là chắc chắn: giá đầu vào có thể tăng, những người cạnh tranh khác có thể tham gia thị trường và tranh mất khách, sản phẩm mới và tốt hơn hay một quy trình sản xuất khác có thể xuất hiện, tâm lí người tiêu dùng có thể thay đổi, hoặc người tiêu dùng có thể không sẵn sàng mua món hàng đó với cái giá mà người sản xuất kì vọng.

Vì vậy, tất cả các quá trình sản xuất đều là một vụ đầu cơ. Đấy là một cố gắng nhằm dự đoán tình trạng của thị trường trong tương lai. Đầy rủi ro và không có gì bảo đảm là kết quả sẽ mĩ mãn. Thành công là sự kết hợp của kiến thức, tài năng và may mắn. Lợi nhuận không chỉ đơn giản là thu nhập tính trên khoản vốn được sử dụng trong một vụ kinh doanh ngẫu nhiên nào đó. Nói đến “tỷ lệ lợi nhuận” khi đầu tư vào một việc không chắc chắn như thế là điều hoàn toàn vô nghĩa. Lợi nhuận là phạm trù khó hiểu hơn rất nhiều.

Cái mà Mises gọi là khởi lập kinh doanh hay đầu cơ không chỉ giới hạn ở một vài thương lái ăn mặc đỏm dáng và khéo nói như trong trí tưởng tượng của mọi người. Ông nói rằng kết quả của mọi hành động đều là không chắc chắn cho nên mọi hành động đều là một vụ đầu cơ và ở mức độ nào đó, tất cả mọi người ở một mức độ nào đó đều là nhà khởi lập kinh doanh - mọi người đều tìm cách sử dụng nguồn lực và tài khéo của mình nhằm tạo ra lợi nhuận trong tương lai. Điều đó đúng đối với người công nhân đang theo học các khóa học với hi vọng cải thiện công việc trong tương lai, cũng như người quản trị doanh nghiệp đang xây nhà máy và cũng đúng đối với người kinh doanh cổ phiếu nữa.2

Không có cách nào biết được chắc chắn rằng công việc kinh doanh mà ta chọn có lời hay không. Chúng ta buộc phải dự đoán xem tương lai sẽ như thế nào. Lợi nhuận là động cơ thúc đẩy chúng ta dự đoán một cách chính xác nhất - sử dụng mọi kĩ năng, kinh nghiệm, hiểu biết và trí tuệ mà ta có. Nếu dự đoán sai thì khả năng bị lỗ là hoàn toàn có thể xảy ra. Lợi nhuận không phải là sự thực đã có kết cục (dead fact): lợi nhuận có sự sống và có ý nghĩa đối với con người vốn dĩ luôn hành động có mục đích.

Lợi nhuận là phần thưởng do những khách hàng hài lòng trao tặng

Lợi nhuận, Mises nói, không phải chỉ là tiền lời của cá nhân. Nó không chỉ là thước đo niềm hạnh phúc mà ta nhận được từ một thành công nào đó. Đúng ra, lợi nhuận bao hàm đánh giá của những người khác về đóng góp của chúng ta đối với đời sống và sự thịnh vượng của họ. Nó chính là sự ủng hộ tự nguyện của những khách hàng mà chúng ta đã làm cho hài lòng. Lợi nhuận là một hiện tượng xã hội phản ánh đánh giá của tất cả những người có liên quan.

Mô hình mức “thu hồi chuẩn” trong sách giáo khoa dường như giả định rằng một nhà khởi lập kinh doanh có thể thu được lợi nhuận lớn (“siêu lợi nhuận”) khi và chỉ khi người khác bị thiệt hại nặng. Từ đó lại xuất hiện ý tưởng cho rằng lợi nhuận là “bóc lột” - là số tiền ăn cắp được của người khác. Nhưng Mises cho rằng phần thưởng từ bất cứ công việc kinh doanh nào chắc chắn cũng đều được chia cho công nhân cũng như tất cả những người cung cấp những sản phẩm đầu vào cần thiết khác nhau. Và vì lợi nhuận chỉ có khi khách hàng chấp nhận sản phẩm, cho nên lợi nhuận càng lớn thì sự thịnh vượng của tất cả mọi người sẽ càng gia tăng.

Quá trình hình thành giá

Thành công của bất kì công việc kinh doanh nào cũng đều là do đã dự đoán đúng được giá cả trong tương lai. Nhưng vì tình hình luôn thay đổi cho nên dự đoán giá cả không phải là việc dễ. Sách giáo khoa có thể giả định rằng sau bất kì rối loạn nào, thị trường cũng sẽ lập tức trở lại với “giá cân bằng” đã biết: nhưng trên thực tế, Mises nói, việc điều chỉnh giá cả lại giống một vụ lở tuyết hơn. Bất kì thay đổi nào - ví dụ việc phát hiện một khu mỏ mới - đầu tiên chỉ có một số người sống gần đó biết mà thôi. Chỉ một vài người trong số đó nhận thức được tầm quan trọng của nó, đoán đúng được tác động của nó và nhanh chóng thực hiện những hành động đúng nhằm kiếm lời; nhưng thành công của họ lại khuyến khích những người khác làm theo. Những người này lại khuyến khích những người khác nữa v.v., làm cho việc điều chỉnh thị trường ngày càng đi xa hơn.

Việc điều chỉnh rộng khắp như thế có thể gây ra những vụ lở tuyết khác - ví dụ, nó sẽ đẩy giá các thiết bị khai khoáng cần thiết nhằm giành cho bằng được lợi thế cho khu mỏ mới. Trong khi đó, những vụ lở tuyết giá cả hoàn toàn tách biệt, do những sự biến đổi ở một nơi nào khác tạo ra lại có thể tác động đến vụ lở thứ nhất. Nói cách khác, điều chỉnh giá cả không diễn ra ngay lập tức và không phải là quá trình mang tính cơ học. Đấy là một quá trình rất phức tạp - một quá trình mang tính xã hội, Mises nói như thế. Và tất cả đều là do sách giáo khoa đã lờ đi những yếu tố quan trọng: các giá trị cá nhân, thời gian và địa điểm.

Giá tư liệu sản xuất

Tương tự giá thị trường của những món hàng mà chúng ta tiêu thụ (các nhà kinh tế học gọi là hàng tiêu dùng), giá tư liệu sản xuất (vật tư và thiết bị mà ta sử dụng trong quá trình sản xuất) cũng xuất hiện là do những người khác nhau có cách đánh giá khác nhau. Nhưng quá trình hình thành giá tư liệu sản xuất thì không trực tiếp như thế, Mises nói. Ông giải thích rằng tư liệu sản xuất không có mục đích tự thân, mục đích của nó là hàng tiêu dùng mà nó tạo ra. Tư liệu sản xuất được định giá trên cơ sở giá của hàng hóa tiêu thụ được sản xuất ra trong tương lai.

Một lần nữa thị trường lại thưởng cho những người đã có những dự đoán chính xác nhất. Nhà khởi lập kinh doanh có quan điểm quá bi quan về giá sản phẩm trong tương lai sẽ bị đẩy ra khỏi cuộc cạnh tranh nhằm giành những nguồn lực sản xuất mới và sẽ bị những người có quan điểm lạc quan hơn chiếm mất đất đai, thiết bị và công nhân. Trong khi đó nhà khởi lập kinh doanh quá lạc quan sẵn sàng trả giá cao hơn sẽ bị lỗ khi sản phẩm cuối cùng được đưa ra thị trường. Thành công thuộc về những người đưa ra được dự đoán chính xác về giá cả hàng hóa tiêu dùng trong tương lai.

Vì vậy mà quá trình này giữ cho giá tư liệu sản xuất lên xuống cùng với giá của hàng hóa tiêu dùng. Nó liên tục nhắc nhở người ta hướng những nguồn lực sản xuất sang những lĩnh vực có như cầu tiêu thụ cao nhất. Nó thường xuyên thúc đẩy người ta tìm ra phương thức đáp ứng các nhu cầu này một cách tốt nhất và rẻ nhất.

Tương tự tất cả các hiện tượng khác trong môn kinh tế học, chính quyết định của những cá nhân cụ thể là động cơ cho mọi sự chuyển động. Chức năng của các nhà khởi lập kinh doanh đã bị môn kinh tế học dòng chính bỏ qua, nhưng nó lại có vai trò then chốt đối với hoạt động của thị trường.

Lợi nhuận có thể là động cơ thúc đẩy các nhà khởi lập kinh doanh, nhưng Mises tin tưởng chắc chắn rằng họ là đầy tớ của người tiêu dùng. Trong thế giới của những đổi thay liên tục, họ phải thường xuyên tìm kiếm cơ hội kiếm lời bằng cách phục vụ người khác. Hiệu quả cuối cùng là gia tăng sự thịnh vượng của toàn xã hội. Và tác nhân chính để tất cả đều diễn ra một cách hiệu quả chính là cạnh tranh.

Chú thích:

(1) Xin đọc Human Action

(2) Vai trò quan trọng của kinh doanh được làm rõ hơn trong những công trình của Israel M. Kirzner, một trong những người kế tục của Mises trong trường phái Áo

Nguồn: Eamonn Butler (2014). Lược khảo Ludwig von Mises. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: Ludwig Von Mises―A Primer (2014). [Lưu ý: bảng đăng trên thitruongtudo.vn đã được Đinh Tuấn Minh hiệu đính].

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường