[Bàn về chế độ dân chủ] Chương 13: Vì sao chủ nghĩa tư bản thị trường lại có lợi cho chế độ dân chủ?
Chế độ dân chủ và chủ nghĩa tư bản thị trường giống như hai người gắn bó với nhau trong một cuộc hôn nhân đầy sóng gió, luôn luôn chao đảo vì xung đột, nhưng không ai muốn li dị. Còn so sánh với thế giới thực vật thì đấy giống như hai loài cộng sinh đối kháng với nhau.
Mặc dù quan hệ giữa chế độ dân chủ và chủ nghĩa tư bản thị trường là rất phức tạp, nhưng từ một loạt kinh nghiệm – kinh nghiệm còn tiếp tục gia tăng – với những hệ thống kinh tế và chính trị, tôi tin rằng chúng ta có thể rút ra được năm kết luận quan trọng. Tôi sẽ trình bày hai kết luận trong chương này, còn ba kết luận khác thì để dành cho chương sau.
1. Chế độ dân chủ tản quyền đã và đang chỉ tồn tại trong những nước với nền kinh tế tư bản thị trường giữ thế thượng phong, nó chưa bao giờ tồn tại trong một nước nơi nền kinh tế phi thị trường giữ thế thượng phong.
Mặc dù tôi chỉ nói tới chế độ dân chủ tản quyền, nhưng cũng có thể áp dụng kết luận này cho các chính phủ bình dân ở những thành bang Hy Lạp, La Mã, Italy thời Trung cổ và cho quá trình tiến hóa của các định chế dại diện và phát triển của sự tham gia của các công dân trong các nước Bắc Âu. Nhưng tôi sẽ bỏ qua phần này - ta đã xem xét một số vấn đề trong chương 2 – để tập trung hoàn toàn vào các định chế của chế độ dân chủ đại diện hiện đại, cũng có nghĩa là chế độ dân chủ tản quyền.
Ở đây bằng chứng rõ ràng đến mức làm người ta phải ngạc nhiên. Chế độ dân chủ tản quyền đã và đang chỉ tồn tại trong những nước với nền kinh tế tư bản thị trường giữ thế thượng phong, nó chưa bao giờ tồn tại (hay nhiều nhất cũng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn) trong một nước với nền kinh tế phi thị trường giữ thế thượng phong. Tại sao lại như vậy?
2. Có mối quan hệ chặt chẽ như thế là vì một số đặc trưng chủ yếu của chủ nghĩa tư bản thị trường làm cho nó trở thành điều kiện thuận lợi đối với các định chế dân chủ. Ngược lại, một số đặc trưng chủ yếu của nền kinh tế phi thị trường làm cho nó trở thành điều kiện bất lợi đối với triển vọng của chế độ dân chủ.
Trong nền kinh tế tư bản thị trường, các thực thể kinh tế đều là cá nhân hay doanh nghiệp (công ty, trang trại..v.v..) do các cá nhân hay nhóm người làm chủ chứ không phải nhà nước làm chủ là chính. Mục tiêu chính của các thực thể này là lợi ích kinh tế dưới dạng tiền lương, lợi nhuận, lãi và tiền thuê. Những người quản lí doanh nghiệp không có nhu cầu phải phấn đấu cho những mục tiêu đầy tham vọng và cao quí như phúc lợi cho tất cả mọi người hay lợi ích của xã hội. Họ có thể chỉ đi theo những động cơ có tính tư lợi mà thôi. Và vì thị trường cung cấp cho người chủ, người quản lí, công nhân và những người khác nhiều thông tin cực kì quan trọng mà họ cần cho nên họ có thể quyết định mà không cần phải có chỉ đạo từ trung ương. (Điều này không có nghĩa rằng họ có thể làm như thế mà không cần luật pháp, tôi sẽ trở lại vấn đề này trong chương sau).
Trái ngược với những điều trực giác có thể mách bảo cho chúng ta, thị trường giúp phối hợp và kiểm soát quyết định của các thực thể kinh tế. Kinh nghiêm lịch sử chứng tỏ một cách cực kì chắc chắn rằng hệ thống, trong đó hằng hà sa số những quyết định về mặt kinh tế được thực hiện bởi muôn vàn tác nhân độc lập nhưng cạnh tranh với nhau, mỗi người hành động vì những quyền lợi vị kỉ hạn hẹp và được dẫn dắt bởi thông tin do thị trường cung cấp, tạo ra hàng hóa và dịch vụ hiệu quả hơn hẳn bất kì hệ thống đã từng biết nào khác. Hơn thế nữa, nó làm điều đó với sự cân đối và ngăn nắp đáng kinh ngạc.
Kết quả là, trong dài hạn chủ nghĩa tư bản thị trường thường dẫn tới phát triển kinh tế, còn phát triển kinh tế lại là điều kiện thuận lợi cho chế độ dân chủ. Bằng cách xóa đói giảm nghèo và cải thiện điều kiện sống, kinh tế phát triển giúp giảm nhẹ các xung đột về chính trị và xã hội. Hơn thế nữa, khi có xung đột về mặt kinh tế, sự phát triển tạo ra nhiều nguồn lực hơn, những nguồn lực này có thể được sử dụng cho những giải pháp mà các bên đều có lợi, mỗi bên đều nhận được một cái gì đó. (Không có phát triển, các vụ xung đột kinh tế sẽ trở thành, nói theo ngôn ngữ của lí thuyết trò chơi, “tổng bằng không”: tôi được thì anh mất, anh được thì tôi mất. Kết quả là không thể nào hợp tác được). Phát triển còn cung cấp cho các cá nhân, các nhóm và chính phủ nguồn lực thặng dư để có thể giúp đỡ ngành giáo dục và như vậy, làm cho người dân có học và có văn hóa hơn.
Chủ nghĩa tư bản thị trường còn tạo điều kiện thuận lợi cho chế độ dân chủ vì những kết quả về mặt chính trị và xã hội của nó. Nó tạo ra giai tầng sỡ hữu chủ trung lưu đông đảo, đấy là những người thích tìm kiếm học vấn, sự độc lập, tự do cá nhân, quyền sở hữu, chế độ pháp quyền và quyền tham gia vào quá trình quản lí xã hội. Tầng lớp trung lưu, như Aristotle từng chỉ ra, là đồng minh tự nhiên của các tư tưởng và định chế dân chủ. Cuối cùng, và cũng có thể là quan trọng nhất, là bằng việc phi tập trung hóa những quyết định của chính quyền trung ương, chuyển chúng về cho những cá nhân và công ty độc lập với nhau, nền kinh tế tư bản thị trường không cần phải có một chính quyền trung ương mạnh, thậm chí là độc tài nữa.
Nền kinh tế phi thị trường có thể tồn tại ở những nơi khan hiếm nguồn lực và chẳng cần đưa ra nhiều quyết định về mặt kinh tế, những quyết định này cũng khá rõ ràng. Nhưng trong một xã hội phức tạp hơn, nhằm tránh sự hỗn loạn về mặt kinh tế và cung cấp một mức sống ít nhất cũng vừa phải thì lại cần có sự thay thế cho việc phối hợp và kiểm soát của thị trường. Thay thế khả dĩ duy nhất là chính phủ. Cho nên dù quyền sở hữu hợp pháp doanh nghiệp trong nền kinh tế phi thị trường có là gì thì trên thực tế quyết định của các doanh nghiệp vẫn là do chính phủ đưa ra và bị chính phủ kiểm soát. Không có sự phối hợp của thị trường, nhiệm vụ của chính phủ chắc chắn sẽ phải là phân bố tất cả các nguồn lực khan hiếm: tiền vốn, lao động, máy móc, đất đai, nhà làm việc, hàng tiêu dùng, nhà ở và tất cả những thứ khác. Để làm được việc đó chính phủ lại phải có một bản kế hoạch chi tiết và toàn diện và như vậy là các quan chức chính phủ phải lập kế hoạch, thực hiện và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đó. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi một lượng thông tin khổng lồ. Muốn đáp ứng được những chỉ thị đó, các viên chức chính phủ phải tìm và áp dụng những sáng kiến phù hợp. Sáng kiến có thể là phần thưởng (cả hợp pháp (tiền lương và tiền thưởng) lẫn bất hợp pháp (thí dụ như hối lộ), đến cưỡng bức và trừng phạt (phạt tù vì “tội phạm kinh tế”). Trừ những điều kiện hiếm hoi và có tính chuyển tiếp mà tôi sẽ trình bày ngay sau đây, không có chính phủ nào đáp ứng được nhiệm vụ nói trên.
Nhưng không phải sự thiếu hiệu quả của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung là tác hại lớn nhất đối với tương lai của chế độ dân chủ. Tác hại lớn nhất là những hậu quả về mặt xã hội và chính trị của nó. Nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung đặt toàn bộ các nguồn lực kinh tế vào tay các nhà lãnh đạo chính phủ. Câu danh ngôn: “Quyền lực luôn tham nhũng, quyền lực tuyệt đối tham nhũng tuyệt đối” có thể cho ta thấy trước những hậu quả của vận may chính trị không thể tin nổi này. Nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung gửi cho những người lãnh đạo chính phủ lời mời viết bằng chữ đậm như sau: Quí vị được tự do sử dụng tất cả những nguồn lực kinh tế này để cũng cố và giữ mãi quyền lực của quí vị!
Các nhà lãnh đạo chính trị phải có tinh thần hi sinh của những siêu nhân thì mới có khả năng chống cự được với sức cám dỗ như thế. Nhưng thành thích mà lịch sử ghi nhận được là rất rõ ràng: tất những nhà cầm quyền có khả năng tiếp cận với những nguồn lực do nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trao cho đều chứng tỏ sự uyên bác của câu cách ngôn nói trên. Chắc chắn là các nhà lãnh đạo có thể dùng chính phủ chuyên chế của họ cho những mục đích tốt hoặc xấu. Lịch sử ghi nhận cả hai – nhưng nói chung, tôi nghĩ những nhà độc tài làm được nhiều việc xấu hơn là tốt. Dù sao mặc lòng, các nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao giờ cũng gắn bó mật thiết với các chế độ chuyên chế.
BỔ SUNG
Mặc dù đấy là hai kết luận có giá trị, nhưng cũng cần nói thêm một chút.
Thứ nhất, phát triển kinh tế không phải đặc điểm riêng của chế độ dân chủ, mà kinh tế trì trệ cũng không phải là đặc điểm riêng của chế độ phi dân chủ. Trên thực tế, sự phát triển kinh tế và hình thức chính phủ hay chế độ dường như không có mối liên hệ nào[1].
Hơn thế nữa, mặc dù chế độ dân chủ chỉ tồn tại trong những nước có nền kinh tế tư bản thị trường, nhưng chủ nghĩa tư bản thị trường lại tồn tại trong cả những nước phi dân chủ. Trong một vài nước – đặc biệt là Đài Loan và Hàn Quốc – những tác nhân mà tôi đã nói trước đây, tức là những tác nhân song hành với sự phát triển kinh tế và kinh tế thị trường lại tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình dân chủ hóa. Những nhà lãnh đạo hai nước này, với chính sách nhằm khuyến khích sự phát triển của kinh tế thị trường, công nghiệp xuất khẩu, giai cấp trung lưu đông đúc và có học đã vô tình gieo những hạt giống cho sự tàn phá chế độ cai trị độc tài của chính mình. Như vậy là, mặc dù chủ nghĩa tư bản thị trường và sự phát triển kinh tế là những điều kiện thuận lợi cho chế độ dân chủ, nhưng trong dài hạn, chúng có thể không thuận lợi đến như thế, thực ra, chúng là những điều kiện hoàn toàn không thuận lợi đối với những chế độ phi dân chủ. Kết quả là, màn cuối của vở kịch có vai trò quan trọng đối với lịch sử sẽ diễn ra trong thế kỉ XXI, nó sẽ cho chúng ta thấy liệu chế độ phi dân chủ ở Trung Quốc có thể cưỡng lại được những lực lượng do chủ nghĩa tư bản thị trường tạo ra hay là không.
Nhưng nền kinh tế tư bản thị trường không chỉ tồn tại dưới hình thức công nghiệp-đô thị hay hậu công nghiệp quen thuộc trong thế kỉ XX. Nó có thể tồn tại – hay ít nhất, đã từng tồn tại – trong giai đoạn sản xuất nông nghiệp. Như chúng ta đã thấy trong chương 2, trong thế kỉ XIX, các định chế dân chủ căn bản – trừ quyền bỏ phiếu của phụ nữ - từng tồn tại và phát triển ở một số nước: Mĩ, Canada, New Zealand và Australia – lúc đó đấy đều là những nước sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Năm 1790, năm đầu tiên sau khi nước cộng hòa (Mĩ –ND) có hiến pháp mới (bản hiếp pháp đó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay), chỉ có 5% trong tổng số 4 triệu dân là được sống trong những khu vực có trên 25 ngàn người, 95% còn lại sống ở nông thôn, chủ yếu là trong các trang trại. Năm 1820, khi những định chế chính trị (dành cho đàn ông da trắng) của chế độ dân chủ tản quyền đã được thiết lập một cách chắc chắn thì trong tổng số gần 10 triệu dân, vẫn còn hơn 9 triệu người sống ở nông thôn. Năm 1860, tức là ngay trước cuộc Nội chiến, lúc đó Mĩ có hơn 30 triệu người, thế mà cứ mười người Mĩ thì có tới 8 người còn sống ở nông thôn. Nước Mĩ, được Alexis de Tocqueville mô tả trong Nền dân trị Mĩ, là nước nông nghiệp chứ không phải công nghiệp. Các cơ sở kinh tế của xã hội nông nghiệp đó, đương nhiên, chủ yếu là các trang trại thuộc quyền sở hữu của và được quản lí bởi các cá nhân và gia đình họ. Họ sử dụng phần lớn những thứ do mình sản xuất ra.
Nhưng quan trọng, đấy là nền kinh tế phi tập trung hóa cao độ (thực ra là phi tập trung hóa hơn cả khi diễn ra quá trình công nghiệp hóa), các nhà lãnh đạo chính trị không thể tiếp xúc được với nhiều nguồn lực, và nó tạo ra một tầng lớp trung lưu-điền chủ đông đảo. Vì vậy mà rất thuận lợi cho quá trình phát triển của chế độ dân chủ. Thực ra, trong quan điểm của Thomas Jefferson về nước Cộng hòa (Mĩ – ND) thì nền tảng tất yếu của chế độ dân chủ là xã hội nông nghiệp của những điền chủ độc lập.
Những cội rễ tiền công nghiệp của một vài chế độ dân chủ lâu đời không có liên quan gì với các nước trong thời đại hậu công nghiệp ư? Không. Kinh nghiệm thu thập được củng cố luận điểm quan trọng: dù hoạt động nào có giữ thế thượng phong thì nền kinh tế phi tập trung giúp tạo ra một dân tộc với những người công dân độc lập là điều kiện cực kì thuận lợi đối với sự phát triển và củng cố các định chế dân chủ.
Ngay bên trên tôi vừa nói rằng chính phủ từng quản lí kế hoạch tập trung một cách hiệu quả trong những điều kiện “hiếm hoi và có tính chuyển tiếp”. Hơn thế nữa, đấy là những chính phủ dân chủ. Đấy là chính phủ Anh và Mĩ trong Thế chiến I và còn rõ ràng hơn trong giai đoạn Thế chiến II. Nhưng trong những trường hợp này, việc lập kế hoạch và phân bố nguồn lực có mục tiêu rõ ràng, đấy là bảo đảm cho nhu cầu quân sự cùng với việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ chủ yếu cho người dân. Mục đích của chiến tranh được nhiều người ủng hộ. Mặc dù thị trường chợ đen có phát triển, nhưng thị trường chợ đen không lớn đến mức có thể làm giảm được hiệu quả của hệ thống phân phối và kiểm soát giá cả của trung ương. Cuối cùng, khi hòa bình lập lại, hệ thống này đã bị rỡ bỏ. Kết quả là các nhà lãnh đạo chính trị đã bị tước mất cơ hội mà họ có thể có nhằm sử dụng vai trò vượt trội trong lĩnh vực kinh tế của họ cho mục tiêu chính trị.
Nếu đặt những hệ thống thời chiến này sang một bên thì sẽ thấy rằng những nền kinh tế quản lí tập trung chỉ có thể tồn tại trong những nước với những nhà lãnh đạo bài dân chủ thâm căn cố đế mà thôi. Vì vậy mà khó gỡ được những hậu quả phi dân chủ của những trật tự kinh tế được xây dựng trên niềm tin phi dân chủ của các nhà lãnh đạo. Lenin và Stalin căm thù dân chủ đến mức dù có hay không có nền kinh tế quản lí tập trung họ vẫn ngăn chặn, không cho các định chế dân chủ hình thành và phát triển. Nền kinh tế quản lí tập trung chỉ đơn giản là làm cho nhiệm vụ của họ dễ dàng hơn, nó cung cấp cho họ nhiều nguồn lực hơn, nhờ thế mà họ có thể ép người khác chấp nhận ý chí của mình.
Nói đúng ra, chưa bao giờ, chưa có ai thực hiện một thí nghiệm mang tính lịch sử là ghép những định chế dân chủ với nền kinh tế quản lí tập trung trong thời bình. Tôi hi vọng rằng nó cũng sẽ không bao giờ được thực hiện. Tôi tin rằng có thể nhìn thấy trước được hậu quả. Nó báo trước điềm gở đối với chế độ dân chủ.
Nhưng mặc dù chủ nghĩa tư bản thị trường tạo rất nhiều thuận lợi cho các định chế dân chủ hơn bất kì nền kinh tế phi thị trường từng tồn tại cho đến bây giờ, nó cũng có những hậu quả bất lợi. Chúng ta sẽ xem xét những hậu quả đó trong chương sau.
Chú thích:
(1) Muốn thấy bằng chứng ấn tượng về điểm này, xin đọc Bruce Russtee, “A Neo-Kantian Perspective: Democracy, Interdepencence, and International Organizations in Building Security Communities” in Emanuel Adler and Michael Barenett, eds., Security Communities in Compararive and Historical Perspective (Cambridge: Cambridge University Press, 1998); and Adam Przeworski and Fernando Limongi, “Political Regimes and Economic Growth,” in Journal of Economic Perspective 7, 3 (Summer 1993): 51-70.
Nguồn: Bàn về chế độ dân chủ: Robert Alan Dahl, 2000.