[Bàn về chế độ dân chủ] Chương 2: Chế độ dân chủ bắt đầu từ đâu và phát triển như thế nào?
LƯỢC SỬ
Tôi đã bắt đầu, hẳn độc giả còn nhớ, bằng cách nói rằng chế độ dân chủ đã được người ta bàn thảo - khi sôi nổi, lúc ngập ngừng – trong suốt hai ngàn năm trăm năm qua. Chế độ dân chủ có thật sự cổ xưa đến thế hay không? Độc giả có thể tự hỏi như thế. Nhiều người Mĩ, mà có lẽ nhiều người khác nữa, có thể tin rằng hai trăm năm trước đây, ở Mĩ đã bắt đầu có chế độ dân chủ. Một số người khác, những người nắm được gốc gác sâu xa của nó, lại tuyên bố rằng nó bắt đầu ở Hi Lạp hay La Mã cổ đại. Vậy thì nó thực sự bắt đầu ở đâu và tiến hoá như thế nào?
Chúng ta có thể lấy làm hài lòng khi thấy: từ khi được con người phát minh ra, tạm gọi là ở Hi Lạp cổ đại cách đây hai ngàn năm trăm năm, chế độ dân chủ tiếp tục tiến lên – nhanh chậm mỗi lúc một khác - và lan tràn dần từ chỗ khởi đầu bé xíu đó cho đến ngày nay, đấy là lúc nó đã vươn tới tất cả các châu lục và phần đông nhân loại
Một bức tranh đẹp nhưng là bức tranh sai, ít nhất vì hai lí do sau đây.
Thứ nhất, những người đã làm quen với lịch sử châu Âu đều biết rằng sau những thế kỉ phát đạt đầu tiên ở Hi Lạp và La Mã, chính quyền nhân dân bắt đầu suy tàn và biến mất. Ngay cả nếu chúng ta có mở rộng biên độ trong việc quyết định xem chính phủ nào được gọi là “nhân dân”, “dân chủ” hoặc “cộng hoà”, thì cũng không thể mô tả sự thăng giáng của chúng như là quá trình tiến lên liên tục đến một đỉnh cao ở phía xa xa và chỉ bị ngắt quãng bằng những cú trượt chân ở nơi này hay nơi khác mà thôi. Không những thế, tiến trình lịch sử của chế độ dân chủ trông giống như đường đi của một du khách băng ngang một sa mạc bằng phẳng và gần như kéo dài vô tận, nó chỉ bị ngắt quãng bởi vài ngọn đồi cho đến khi, cuối cùng con đường bắt đầu vươn lên mãi cho tới những đỉnh cao của ngày hôm nay (Hình 1).
Hình 1: Những nước dân chủ (những nước chỉ có đàn ông mới có quyền bầu cử hoặc có quyền bỏ phiếu), 1850-1995
Thứ hai, sẽ là sai khi cho rằng dân chủ chỉ được phát minh một lần và cho tất cả, tương tự như, thí dụ, phát minh ra đầu máy hơi nước vậy. Khi các nhà nhân loại học và sử học tìm ra rằng những dụng cụ hoặc thói quen đã xuất hiện ở những giai đoạn và địa điểm khác nhau, họ thường muốn tìm hiểu xem những sự kiện riêng lẻ đó đã xảy ra như thế nào. Phải chăng những dụng cụ hoặc thói quen đó lan truyền bằng cách truyền bá từ những người phát minh đầu tiên tới những nhóm người khác hay chúng được những nhóm khác nhau phát minh một cách độc lập với nhau? Truy tìm câu trả lời là một công việc khó khăn, mà có thể là bất khả thi nữa. Sự phát triển của chế độ dân chủ trên thế giới thì cũng thế. Sự truyền bá từ nguồn gốc ban đầu đóng góp là bao nhiêu, còn bao nhiêu là do được phát minh một cách độc lập, nếu quả thật có sự phát minh như thế, tại những giai đoạn và địa điểm khác nhau?
Mặc dù câu trả lời chứa đầy bất định như thế, nhưng kiến thức chủ yếu mà tôi thu được sau khi đọc các tài liệu lịch sử là như sau: sự lan truyền của chế độ dân chủ một phần – có lẽ phần khá lớn – là do sự phát tán của các ý tưởng và thực hành dân chủ, nhưng phát tán không phải là tất cả. Giống như lửa, hội hoạ, hoặc chữ viết, dân chủ dường như đã được phát minh ở nhiều nơi và nhiều lần. Rút cục là, nếu những điều kiện thuận lợi cho việc phát minh ra chế độ dân chủ từng tồn tại trong một giai đoạn và tại một địa phương (thí dụ như ở Athens, khoảng thế kỉ thứ V trước Công nguyên), thì chẳng lẽ những điều kiện thuận lợi tương tự như thế lại không tồn tại ở những nơi khác?
Tôi cho rằng chế độ dân chủ có thể được phát minh một cách độc lập và được tái phát minh khi có những điều kiện thích hợp. Tôi tin rằng, những điều kiện thích hợp đã từng hiện diện vào những giai đoạn khác nhau và ở những khu vực khác nhau. Đất có thể canh tác được và có lượng mưa phù hợp thì nói chung nông nghiệp sẽ phát triển, tương tự như thế, một số điều kiện thuận lợi nhất định bao giờ cũng khuyến khích xu hướng phát triển chính phủ dân chủ. Thí dụ, do có thể có những điều kiện thuận lợi mà một hình thức cai trị theo lối dân chủ nào đó trong các bộ lạc đã từng tồn tại trước khi có sử thành văn.
Xin xem xét khả năng này: Giả sử một số người thiết lập được một nhóm tách biệt – “ta” và “họ”, chúng ta và người khác, nhân dân ta và nhân dân họ, bộ lạc của tôi và các bộ lạc khác. Ngoài ra, giả sử rằng nhóm này – tạm gọi là bộ lạc – không phụ thuộc vào quyền lực của ngoại nhân; các thành viên của bộ lạc, dù ít dù nhiều, đều có thể làm công việc của mình mà không bị ngoại nhân can thiệp. Cuối cùng, giả sử rằng một con số khá lớn các thành viên của nhóm, có thể là những già làng, tự coi họ là ngang bằng với nhau về tư cách và có thể có tiếng nói trong việc cai quản nhóm. Tôi tin rằng khuynh hướng dân chủ dễ nảy sinh trong những hoàn cảnh như thế. Cú hích làm cho sự tham gia một cách dân chủ phát sinh từ cái mà chúng ta có thể gọi là logic của quyền bình đẳng.
Trong một thời gian dài, khi con người sống chung trong các nhóm nhỏ và kiếm sống bằng cách săn bắt và hái lượm rễ củ, trái, hạt và các tặng phẩm khác của tự nhiên, chắc chắn là đôi khi, mà cũng có thể là họ thường xuyên phát triển một hệ thống trong đó nhiều thành viên được logic của quyền bình đẳng khuyến khích – đấy là những người lớn tuổi hơn hoặc có nhiều kinh nghiệm hơn – tham gia vào việc thông qua quyết định mà họ cần, với tư cách là một nhóm người. Những công trình nghiên cứu xã hội bộ lạc chưa có chữ viết khẳng định chắc chắn rằng đã từng có những trường hợp như thế. Như vậy là, trong hàng ngàn năm, một vài hình thức của chế độ dân chủ sơ khai có thể đã từng là hệ thống chính trị “tự nhiên” nhất.
Nhưng, chúng ta biết rằng giai đoạn kéo dài như thế đã chấm dứt. Khi con người bắt đầu định cư suốt một thời gian dài trong các cộng đồng cố định, chủ yếu là làm nông nghiệp hoặc buôn bán, những hoàn cảnh thuận lợi cho việc tham gia của nhân dân vào quá trình cai trị như tôi vừa nêu – bản sắc của nhóm, ít sự can thiệp từ bên ngoài, giả định về quyền bình đẳng – dường như đã trở thành của hiếm. Những hình thức đẳng cấp và thống trị trở thành “tự nhiên” hơn. Kết quả là, trong hàng ngàn năm, các dân tộc định cư đã không còn chính quyền nhân dân nữa. Chính quyền nhân dân được thay thế bằng chế độ quân chủ, chuyên chế, quý tộc, hoặc quả đầu chế, tất cả đều dựa trên một hình thức nào đó về thứ bậc hoặc đẳng cấp.
Rồi vào khoảng năm 500 trước Công nguyên, ở vài nơi những điều kiện thuận lợi dường như đã tái xuất hiện và ở một vài nhóm, người bắt đầu phát triển những hệ thống chính quyền bảo đảm những cơ hội tương đối rộng rãi cho việc tham gia vào quá trình thông qua quyết định của nhóm. Có thể nói, chế độ dân chủ sơ khai được tái phát minh trong một hình thức tiên tiến hơn. Biểu hiện quan trọng nhất xảy ra ở châu Âu, ba chính quyền như thế từng tồn tại dọc theo bờ Địa Trung Hải, những hình thức khác diễn ra ở Bắc Âu.
VÙNG ĐỊA TRUNG HẢI
Ở Hi Lạp và La Mã cổ đại, vào khoảng năm 500 trước Công nguyên, lần đầu tiên, những hệ thống chính quyền bảo đảm cho khá đông công dân quyền tham gia được thiết lập trên những cơ sở vững chắc tới mức chúng có thể tồn tại hàng thế kỉ, dù thỉnh thoảng cũng có những thay đổi nhất định.
Hi Lạp. Hy Lạp cổ đại không phải là một nước theo cách hiểu của chúng ta ngày nay, không phải là nơi mà tất cả mọi người Hi Lạp cùng sống trong một nhà nước duy nhất với một chính quyền duy nhất. Không những thế, Hi Lạp thời đó bao gồm mấy trăm thành phố độc lập, mỗi thành phố lại có một vùng nông thôn bao bọc xung quanh. Khác với Hoa Kì, Pháp, Nhật bản, và nhiều nước hiện đại khác, được gọi là quốc gia-dân tộc (nation-states) đã và đang giữ thế thượng phong trong thế giới hiện đại, nhà nước có chủ quyền ở Hi Lạp là những quốc gia-thành phố (city-states 1). Quốc gia-thành phố nổi tiếng nhất trong thời cổ đại, cũng như sau này, là Athens. Năm 507 trước Công nguyên, người dân Athens áp dụng hệ thống chính quyền nhân dân, một hệ thống chính quyền kéo dài được gần hai thế kỉ, tức là cho đến khi thành phố bị nước láng giềng phương Bắc là Macedonia chinh phục. (Sau năm 321 trước Công nguyên, chính quyền Athens nằm dưới sự kiểm soát của Macedonia suốt nhiều thế hệ; sau đó thành phố này lại bị người La Mã chinh phục).
Chính người Hi Lạp – mà có thể là người Athens – đã sáng chế ra thuật ngữ democracy hay demokratia từ từ demos của Hi Lạp tức là dân chúng, và kratos, tức là cai trị 2. Xin nói thêm, điều lí thú là trong khi ở Athens từ demos thường ám chỉ toàn thể người dân thành phố Athens, nhưng đôi khi nó lại chỉ có nghĩa là người bình dân hoặc chỉ là người nghèo mà thôi. Từ dân chủ, xem ra, đôi khi được giới phê bình quý tộc sử dụng như một thứ hình dung từ, biểu thị thái độ miệt thị của họ đối với những người bình dân đã giành được quyền kiểm soát chính phủ mà trước đây họ vẫn giữ. Dù sao mặc lòng, từ demokratia được đã được người dân Athens và những người Hi Lạp khác sử dụng cho chính quyền của Athens cũng như chính quyền của nhiều thành phố khác ở Hi Lạp 3.
Chế độ của Athens là quan trọng nhất, vượt xa và hơn hẳn những chế độ dân chủ từng tồn tại ở Hi Lạp; cả lúc đó cũng như hiện nay, đây là chế độ được biết rõ nhất, có ảnh hưởng nhiều nhất đối với triết lí chính trị và thường được người đời sau coi là trường hợp điển hình của quyền tham gia của công dân hay như một số người gọi là chế độ dân chủ tham gia (participatory democracy).
Chính quyền Athens là một chính quyền phức tạp, quá phức tạp, không thể mô tả đầy đủ được. Cơ quan quan trọng nhất và trung tâm của nó là một hội nghị 4 trong đó mọi công dân đều có quyền tham gia. Hội nghị bầu ra một vài viên chức chủ chốt – thí dụ như các tướng lãnh, một việc mà ngày nay chúng ta có thể coi là kì quặc. Nhưng phương pháp lựa chọn chính cho những chức vụ công cộng khác là rút thăm, tất cả các công dân có đủ tư cách đều có cơ hội được lựa chọn như nhau. Theo một số đánh giá, bằng cách rút thăm, mọi công dân bình thường đều có nhiều khả năng được bầu một lần trong đời vào chức vụ quan trọng nhất trong chính phủ.
Mặc dù một số thành phố Hi Lạp có tham gia vào việc hình thành những chính quyền đại diện sơ khai trong các đồng minh (alliance), liên minh (league), và liên bang (confederacy) [chủ yếu cho việc phòng thủ chung], nhưng chúng ta không có nhiều thông tin về những hệ thống đại diện này. Những hệ thống này hầu như cũng không để lại dấu ấn nào đối với tư tưởng và thực hành dân chủ và chắc chắn là chẳng có ảnh hưởng gì đối với những hình thức của chế độ dân chủ đại diện sau này. Hệ thống rút thăm những người làm công tác xã hội của Athens cũng không bao giờ trở thành phương án thay thế cho phương án lựa chọn đại biểu bằng những cuộc bầu cử.
Như vậy là, các định chế chính trị của chế độ dân chủ Hi Lạp, dù được coi là canh tân trong giai đoạn đó, đã bị chế độ dân chủ đại nghị hiện đại – trong suốt quá trình phát triển của mình – lờ đi hoặc bác bỏ hoàn toàn.
Rome/La Mã. Trong giai đoạn, khi mà chính quyền nhân dân được áp dụng ở Hi Lạp, thì nó cũng đồng thời xuất hiện ở thành phố La Mã, trên bán đảo Italy. Nhưng người La Mã lại gọi hệ thống của họ là nhà nước cộng hòa (republic), thuật ngữ này được hình thành từ từ res, trong tiếng Latin có nghĩa là sự vật hay công việc, và từ pulicus, nghĩa là công cộng: hiểu một cách đại khái thì nhà nước cộng hoà là công việc của nhân dân. (Tôi sẽ trở lại với hai từ dân chủ và cộng hoà sau).
Quyền tham gia trong việc cai trị nước Cộng hoà thoạt đầu chỉ giành cho giới thượng lưu và quí tộc mà thôi. Nhưng trong quá trình phát triển mà một lần nữa chúng ta sẽ chứng kiến, sau nhiều cuộc tranh đấu, giới bình dân (tiếng Latinh là plebs, hay plebeians) cũng đã giành được quyền tham gia. Giống như ở Athens, quyền tham gia ở đây cũng chỉ dành cho đàn ông; sau này, cho mãi đến thế kỉ XX, tất cả các chế độ dân chủ và nhà nước cộng hoà cũng đều như thế cả.
Xuất phát một thành phố với kích thước khá khiêm tốn, nước Cộng hoà La Mã đã mở rộng ra bằng cách thôn tính và chinh phục những khu vực nằm ở xa biên giới của thành phố cổ này. Kết quả là, nước Cộng hoà đã giành được quyền cai trị toàn bộ Italy và những vùng còn ở xa hơn nữa. Ngoài ra, nước Cộng hoà còn thường xuyên trao quyền công dân La Mã - được đánh giá cao - cho những người dân bị chinh phục; như vậy là, những người này không chỉ là thần dân (subject) mà là công dân (citizen) La Mã, với đầy đủ các quyền và đặc quyền của một công dân.
Dù đây là món quà khôn ngoan và rộng lượng, đấy là nói nếu đánh giá La Mã theo quan điểm của ngày hôm nay, nhưng chúng ta vẫn tìm được một khiếm khuyết to lớn: La Mã chưa bao giờ chỉnh sửa những định chế của chính quyền nhân dân cho phù hợp với sự gia tăng ghê gớm về mặt dân số và khoảng cách quá xa La Mã về mặt địa lí. Kì lạ là, đấy là nói nếu xét từ quan điểm của chúng ta hiện nay, những cuộc họp quốc hội mà công dân thành La Mã có quyền tham gia vẫn tiếp tục diễn ra trong thành phố La mã, như trước đây – tại địa điểm gọi là Nghị trường (Forum), hiện nay du khách vẫn còn thấy phế tích của nó. Nhưng hầu hết công dân La Mã sống trong vùng lãnh thổ xa xôi của nước Cộng hoà, thành thố này ở quá xa, không thể tới dự được, nếu không có những cố gắng phi thường và rất tốn kém. Hậu quả là càng ngày càng có nhiều người và cuối cùng là, trên thực tế, đa số tuyệt đối công dân không có cơ hội tham gia những cuộc họp quốc hội ngay tại trung tâm của hệ thống chính quyền La Mã. Có khác gì quyền công dân của Hoa Kì được trao cho dân chúng ở những bang khác nhau khi nước này mở rộng lãnh thổ, mặc dù là dân chúng ở những bang mới chỉ có thể thực hiện quyền bầu cử trong các cuộc bầu cử quốc gia nếu họ đến được thủ đô Washington, D. C. vậy.
Mặc dầu người La Mã là một dân tộc rất có khả năng sáng tạo và rất có tinh thần thực tế, họ vẫn không bao giờ phát triển được phương pháp chọn lựa một số viên chức quan trọng trong quốc hội thành một hệ thống chính quyền đại diện hoạt động hữu hiệu, trên cơ sở những đại biểu được bầu chọn một cách dân chủ.
Trước khi kết luận rằng người La Mã không sáng tạo hoặc không có năng lực bằng chúng ta, xin nhớ rằng các phát minh và cải tiến mà chúng ta đã quen thuộc dường như là quá hiển nhiên với chúng ta, đến nỗi chúng ta phải tự hỏi là tại sao những người đi trước lại không áp dụng chúng sớm hơn. Phần lớn chúng ta sẵn sàng coi những việc mà thời trước vẫn còn chưa được phát hiện là đương nhiên. Tương tự như thế, các thế hệ sau này sẽ có thể cũng sẽ tự hỏi vì sao chúng ta lại bỏ qua một số cải tiến mà họ coi là đương nhiên. Vì những điều mà chúng ta coi là đương nhiên chẳng lẽ chúng ta - tương tự như người La Mã - không đủ sức sáng tạo để định hình lại những định chế chính trị của chúng ta hay sao?
Dù nước Cộng hoà La Mã đã tồn tại lâu hơn là chế độ dân chủ Athens và lâu hơn bất cứ nền dân chủ hiện đại nào khác; sau khoảng năm 130 trước Công nguyên, nó bị suy yếu dần, đấy là do những cuộc bạo loạn, chiến tranh, quân phiệt hoá, tham nhũng, và suy thoái ý thức công dân vốn có của các công dân thành La Mã. Chế độ độc tài của Julius Caesar đã tiêu diệt nốt những tàn dư ít ỏi mà nhà nước cộng hòa đích thực còn để lại. Sau khi ông này bị ám sát vào năm 44 trước Công nguyên, nước cộng hoà một thời được các công dân cai trị đã trở thành đế chế, do các vị hoàng đế trị vì.
Cùng với sự sụp độ của nước Cộng hoà, chính quyền của nhân dân ở Nam phần châu Âu cũng biến mất theo. Nếu không kể những hệ thống chính trị của những bộ lạc nhỏ bé, phân tán, thì chính quyền của nhân dân đã biến khỏi bề mặt của trái đất trong gần một ngàn năm.
Italy. Giống như sự tái sinh của những loài sinh vật đã tuyệt chủng sau sự thay đổi lớn về khí hậu, khoảng năm 1100 sau Công nguyên, chính quyền nhân dân bắt đầu tái xuất hiện trong nhiều thành phố ở miền Bắc Italy. Một lần nữa, chính quyền nhân dân lại phát triển trong những quốc gia-thành phố tương đối nhỏ, chứ không phải trong những khu vực hoặc các nước lớn. Tương tự như mô hình quen thuộc ở La Mã và sau này còn lặp đi lặp lại trong suốt quá trình hình thành những chính quyền đại nghị hiện đại, quyền tham gia trong các cơ quan cai trị của các quốc gia-thành phố ban đầu cũng chỉ được giành cho các thành viên của những gia tộc thuộc tầng lớp trên mà thôi: quý tộc, đại địa chủ..v.v.. Nhưng, theo thời gian, dân cư thành phố, tức là những người có địa vị kinh tế và xã hội thấp hơn, bắt đầu đòi quyền tham gia. Những thành viên của giai tầng mà ngày nay chúng ta gọi là những giai cấp trung lưu – những nhà giàu mới, giới tiểu thương và chủ ngân hàng, những người thợ thủ công có tay nghề nằm trong phường hội, những người lính bộ binh do các hiệp sĩ cầm đầu – không chỉ đông hơn các giai cấp thượng lưu thống trị mà còn có khả năng tự tổ chức nữa. Hơn nữa, họ còn có thể đe doạ bằng những cuộc khởi nghĩa, và nếu cần thì nổi loạn. Kết quả , trong nhiều thành phố những người đó – đôi khi bị gọi là popolo – giành được quyền tham gia vào chính quyền của thành phố.
Trong hơn hai thế kỉ, những nước cộng hoà như thế đã sinh sôi nảy nở trong một số thành phố của Italy. Nhiều nước cộng hoà, tương tự như Florence và Venice, là những trung tâm của sự phồn vinh một cách lạ thường, ngành thủ công tinh xảo, hội hoạ và điêu khắc nguy nga tráng lệ, thiết kế đô thị không ai có thể địch nổi, thi ca và âm nhạc huy hoàng, và người ta hăng hái tìm về với thế giới cổ đại ở Hi Lạp và La Mã. Thời trung cổ - như sau này người ta gọi thế - sắp cáo chung, và sự bùng nổ không thể tưởng tượng nổi của tính sáng tạo khác thường của thời Phục hưng đã tới.
Nhưng, đáng buồn cho sự phát triển của chế độ dân chủ là, trong nửa sau thế kỉ XIV, các chính quyền cộng hoà ở một số thành phố lớn lần lượt nhường chỗ cho những kẻ thù truyền kiếp của chính quyền nhân dân: kinh tế suy thoái, tham nhũng, quả đầu chế, chiến tranh, chinh phục, và những nhà cai trị độc tài – những ông hoàng, vua chúa hay binh lính – cướp được chính quyền. Nhưng không chỉ có thế. Nhìn theo chiều dài của các trào lưu lịch sử, quốc gia-thành phố, tức là nền tảng của chính quyền nhân dân, chắc chắn phải bị diệt vong trước sự hiện xuất của một đối thủ với lực lượng vượt trội hơn hẳn: quốc gia dân tộc hay đất nước. Các thị trấn và thành phố sẽ phải sát nhập vào một thực thể lớn hơn và có nhiều sức mạnh hơn này, và như vậy là trở thành những đơn vị phụ thuộc của chính phủ.
Vang bóng một thời, quốc gia-thành phố cáo chung từ đó.
Vài lời về từ ngữ Có thể độc giả đã nhận thấy là tôi dùng thuật ngữ “chính quyền nhân dân” ở Hi Lạp, La Mã và Italy. Để dịnh danh chính quyền nhân dân của mình, người Hi Lạp, như chúng ta đã thấy, phát minh ra thuật ngữ democracy (dân chủ). Người La Mã dựa vào tiếng Latinh của mình và gọi chính quyền là republic (cộng hoà); và sau này người Italy lấy tên đó đặt cho chính quyền nhân dân của một số quốc gia-thành phố của họ. Độc giả có thể tự hỏi là dân chủ và cộng hoà có thể được sử dụng để nói về những hệ thống hiến định khác hẳn nhau như thế hay không. Hay hai từ này chỉ phản ánh những khác biệt trong những ngôn ngữ cội nguồn của chúng? Câu trả lời đúng đắn bị James Madison làm cho rối rắm thêm vào năm 1787, đấy là trong một bài báo có ảnh hưởng do ông chắp bút nhằm kêu gọi sự ủng hộ cho bản hiến pháp mới của Hoa Kì. Là một trong những kiến trúc sư chính của bản hiếp pháp này, đồng thời là một chính khách nắm vững hơn ai hết môn chính trị học vào thời của ông, Madison phân biệt giữa “một nền dân chủ thuần tuý, ý tôi là một xã hội gồm một ít công dân, những người tự tập hợp lại và tự mình quản lí chính quyền” và “nhà nước cộng hoà, ý tôi là chính phủ thực thi quy chế đại diện”5. Lịch sử trước đó không cung cấp cho ta cơ sở nào cho việc phân biệt như thế hết: cả ở La Mã lẫn Venice đều không có “quy chế đại diện”. Nói cho ngay, tất cả những nước cộng hoà trước đây đều khá thích hợp với định nghĩa của Madison về “một nền dân chủ”. Hơn nữa, ở Mĩ hai từ này được dùng thay thế cho nhau trong suốt thế kỉ XVIII. Sự phân biệt của Madison cũng không hiện diện trong công trình của triết gia chính trị nổi tiếng người Pháp là Montesquieu, một người mà Madison rất thán phục và thường ca ngợi. Chính Madison hẳn cũng biết rằng sự phân biệt do ông đề nghị không hề có cơ sở lịch sử vững chắc nào, và như vậy, chúng ta phải kết luận rằng ông làm điều đó để làm mất giá những nhà phê bình chủ trương rằng bản hiến pháp được đề nghị không đủ tính cách “dân chủ”. Cho dù như thế đi nữa (vấn đề không rõ ràng), sự kiện đơn giản là các từ dân chủ và cộng hoà (mặc cho ý kiến Madison) không định danh những kiểu chính quyền nhân dân khác nhau. Chúng chỉ chứng tỏ sự khác nhau giữa tiếng Hi Lạp và tiếng Latinh - đã làm cho những thế hệ sau lầm lẫn – vốn là ngôn ngữ cội nguồn của chúng. |
BẮC ÂU
Dù có gọi là chế độ dân chủ hay nhà nước cộng hoà, các hệ thống chính quyền nhân dân ở Hi Lạp, La Mã, và Italy đều không có một số đặc điểm quan trọng nhất của của chính quyền đại diện hiện đại. Hi Lạp cổ đại cũng như Italy thời Trung cổ và Phục hưng đều chỉ là những chính quyền địa phương, không có chính quyền trên bình diện quốc gia hoạt động một cách hữu hiệu. Có thể nói, La Mã chỉ có một chính quyền địa phương dựa trên sự tham gia của nhân dân nhưng không có nghị viện với các thành viên là những người đại diện do nhân dân bầu lên.
Theo quan điểm hiện nay, tất cả những hệ thống này rõ ràng là đã không có ít nhất là ba định chế chính trị quan trọng nhất: nghị viện trên bình diện quốc gia với các thành viên là những người đại diện do nhân dân bầu lên và các chính quyền địa phương do nhân dân bầu lên, nhưng cuối cùng vẫn phụ thuộc vào chính phủ quốc gia. Một hệ thống kết hợp giữa chế độ dân chủ ở cấp địa phương với một nghị viện dân cử ở trung ương còn là bí mật, cần được phát minh.
Sự kết hợp của các định chế chính trị này có xuất xứ nước Anh, khu vực Scandinavia, Hà Lan, Thuỵ Sĩ và những khu vực khác nằm ở phía bắc Địa Trung Hải.
Mặc dù quá trình phát triển chính trị ở những vùng này có sự khác nhau rất lớn, nhưng vẫn có thể được trình bày một cách đơn giản nhất như sau. Ở những khu vực khác nhau, những người đàn ông tự do và các nhà quý tộc bắt đầu tham gia trực tiếp vào các hội đồng khu vực. Bên cạnh những hội đồng này là các hội đồng vùng và toàn quốc mà thành viên là những người đại diện, trong đó toàn thể hay một số thành viên là những người được dân chúng bầu lên.
Hội đồng địa phương. Tôi bắt đầu với người Viking, không phải chỉ vì lí do tình cảm, mà còn bởi vì kinh nghiệm của họ chưa được nhiều người biết, mặc dù kinh nghiệm của họ có liên quan trực tiếp tới đề tài của chúng ta. Tôi đã vài lần ghé thăm một nông trại của Na Uy, nằm ở phía đông bắc và cách Trondheim – quê gốc của ông nội tôi (tôi rất vui khi thấy nó có tên là Dahl Vestre hay West Dahl) – khoảng 80 dặm. Trong thị trấn Steinkjer, ở gần đó, độc giả vẫn còn có thể nhìn thấy những tảng đá xếp thành hình một con thuyền, đấy là nơi mà trong giai đoạn từ năm 600 đến năm 1000 sau Công nguyên những người Viking tự do thường gặp nhau để mở hội nghị phân xử, tiếng Na Uy gọi là ting. (Nhân tiện xin nói thêm rằng từ thing [vật, sự vật] trong tiếng Anh có xuất xứ từ một từ Anh cổ vừa có nghĩa là một vật vừa có nghĩa là một cuộc họp). Trong các khu vực lân cận cũng có những địa điểm tương tự như thế, một số còn lâu đời hơn nữa.
Tới 900 sau Công nguyên, các hội nghị của người Viking tự do không chỉ diễn ra trong vùng Trondhein mà còn diễn ra ở nhiều khu vực khác của vùng Scandinavia nữa. Cũng như ở Steinkjer, ting thường diễn ra ngoài trời, trong khu vực được đánh dấu bằng những phiến đá lớn, dựng đứng. Tại cuộc họp này, những người tự do thường giải quyết các tranh chấp; họ tiến hành thảo luận, thông qua và bác bỏ các đạo luật; tiếp nhận hoặc quay lưng lại với đề xuất về tôn giáo (họ đã làm như thế khi họ tiếp nhận Kitô giáo thay cho tôn giáo của người Na Uy cổ); và thậm chí bầu hoặc đồng ý cho một ông vua mới bước lên ngai vàng – nhà vua cũng bị buộc phải tuyên thệ trung thành với những đạo luật được ting thông qua.
Người Viking biết rất ít hoặc chẳng biết gì và chắc là cũng chẳng quan tâm tới những hoạt động của chế độ dân chủ và nhà nước cộng hoà ở Hi Lạp và La Mã, cách đấy cả ngàn năm. Xuất phát từ logic về quyền bình đẳng được áp dụng cho những người tự do, dường như hội nghị là sản phẩm sáng tạo của chính họ. Trong thế kỉ X, ý tưởng về quyền bình đẳng tồn tại và lưu hành rộng rãi trong cộng đồng những người tự do Viking; điều đó được chứng thực bằng câu trả lời mà một số người Viking Đan Mạch đã nói khi họ chèo thuyền ngược một dòng sông ở nước Pháp. Lúc ấy một phái viên đứng trên bờ hỏi: “Chủ của các người là ai?”. Họ trả lời “Không có ai. Tất cả chúng tôi đều bình đẳng” 6
Nhưng chúng ta cũng chớ nên phóng đại. Quyền bình đẳng mà người Viking khoe khoang chỉ được áp dụng cho những người tự do; và quyền của những người này cũng khác nhau, tùy thuộc vào tài sản và địa vị. Nô lệ có địa vị thấp hơn người tự do. Giống như người Hi Lạp và người La Mã, hay người châu Âu và người châu Mĩ trong những thế kỉ sau đó, người Viking cũng có nô lệ: đó là tù binh chiến tranh hay những nạn nhân kém may mắn trong những cuộc cướp phá các dân tộc sống xung quanh, hoặc đơn giản chỉ là những người mà họ mua được trong những khu buôn bán nô lệ thời thượng cổ. Khác với những người sinh ra đã là người tự do; dù được phóng thích, nô lệ vẫn phụ thuộc vào những người chủ trước đó. Nếu nô lệ là đẳng cấp thấp hơn người tự do, thì bên trên người tự do là những gia đình quý tộc giàu có, thường là những người có nhiều đất đai và địa vị cha truyền con nối. Đỉnh kim tự tháp là nhà vua, quyền lực của nhà vua chỉ bị giới hạn bởi cuộc tuyển cử, nhà vua có bổn phận tuân theo luật lệ, và ông cũng cần giữ được lòng trung thành của tầng lớp quý tộc và sự ủng hộ của những người tự do.
Mặc dù có những giới hạn khắt khe như thế về quyền bình đẳng, giai cấp của những người tự do – nông dân tự do, tiểu chủ, điền chủ – lớn đến mức, trong một thời gian dài, họ có thể áp đặt ảnh hưởng của tư tưởng và thực hành dân chủ lên các định chế và truyền thống chính trị.
Trong một vài khu vực khác ở châu Âu, những điều kiện địa phương đôi khi cũng góp phần làm cho nhân dân có thể tham gia vào việc cai trị. Thí dụ, những thung lũng trong rặng Alps, góp phần che chở và tạo cho người ta mức độ tự trị nhất định, tạo điều kiện cho những người tự do tham gia hoạt động trong thôn xã. Một nhà văn hiện đại mô tả vùng Raetia (sau này trở thành tổng GraubÜnden của Thuỵ sĩ), khoảng năm 800 sau Công nguyên như sau: “Những người nông dân tự do… thấy mình sống trong môi trường bình đẳng không ở đâu có. Gắn bó với nhau vì có địa vị như nhau… và có quyền sử dụng như nhau đối với [các bãi chăn thả trên núi], họ tiêm nhiễm một quan niệm về quyền bình đẳng khác hẳn với quan niệm nặng nề về đẳng cấp và ý thức về địa vị của chế độ phong kiến thời Trung cổ. Tinh thần đặc biệt này rồi sẽ có ảnh hưởng quyết định đối với sự hình thành chế độ dân chủ ở Cộng hoà Raetia” 7.
Từ hội nghị tới nghị viện. Khi những người Viking đánh bạo đi về phía Tây, tới Iceland, họ mang theo truyền thống chính trị của mình và ở một vài nơi ting đã được tái lập. Nhưng họ còn làm nhiều hơn thế: năm 930 sau Công nguyên họ lập ra Althing hay là hội nghị toàn quốc – người tiên khu của nghị viện quốc gia rồi sẽ xuất hiện ở những nơi khác – là cội nguồn của luật pháp Iceland suốt ba thế kỉ, tức là cho đến khi người Iceland bị người Na Uy chinh phục 8.
Trong lúc đó, ở Na Uy, Đan Mạch và Thuỵ Điển, các hội nghị cấp vùng tiếp tục phát triển và sau đó, cũng như ở Iceland, là các hội nghị quốc gia. Mặc dù quyền lực của nhà vua và của bộ máy hành chính quan liêu tập quyền dưới quyền ông ta ngày càng gia tăng, vai trò của các hội nghị quốc gia giảm bớt, nhưng chúng vẫn để lại dấu ấn trong quá trình phát triển sau này.
Thí dụ, ở Thuỵ Điển truyền thống nhân dân tham gia trong các cuộc hội nghị trong thời kì Viking đã dẫn đến sự xuất hiện vào thế kỉ XV tiền thân của nghị viện hiện đại, đấy là khi nhà vua bắt đầu triệu tập những cuộc hội nghị đại biểu từ những khu vực khác nhau trong xã hội Thuỵ Điển: quý tộc, tăng lữ, thị dân và người dân thường. Những hội nghị này sau đó đã phát triển thành riksdag hay nghị viện Thụy Điển 9.
Ở Hà Lan và Flanders, với môi trường xung quanh khác hẳn, sự phát triển của những ngành nghề như chế tạo, thương mại và tài chính đã giúp tạo ra những giai cấp trung lưu thành thị hợp thành, tức là những người nắm giữ những nguồn lực kinh tế lớn. Những người cai trị luôn luôn thèm khát lợi tức không thể lờ đi tầng lớp giàu có này mà cũng không thể đánh thuế nếu không được các chủ sở hữu đồng tình. Để giành được sự đồng tình, những người cai trị thường triệu tập những cuộc nghị đại biểu từ các thị trấn và từ những giai cấp xã hội quan trọng nhất. Mặc dầu những hội nghị, nghị viện hoặc “estates”, như người ta vẫn gọi, không phát triển thẳng lên thành ra những cơ quan lập pháp quốc gia hiện đại, nhưng chúng đã tạo ra những truyền thống, thói quen, và những tư tưởng cổ vũ mạnh mẽ cho sự phát triển như thế.
Trong khi đó, từ những khởi đầu mơ hồ như thế, nghị viện dần dần hình thành trong những thế kỉ tới chắc chắn là sẽ gây được ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với tư tưởng và hành động của chính phủ đại diện. Đó là nghị viện của nước Anh thời Trung cổ. Là sản phẩm của quá trình tiến hoá chứ không phải là kết quả của ý tưởng và kế hoạch, Nghị viện phát triển từ các hội nghị thỉnh thoảng và do nhu cầu mà được triệu tập, dưới thời Edward I từ năm 1272 tới năm 1307.
Qúa trình tiến hoá của quốc hội từ những khởi đầu như thế là một câu chuyện quá dài và phức tạp, không thể nào tóm tắt được. Nhưng, đến thế kỉ XVIII sự phát triển như thế đã dẫn tới hệ thống hiến định; trong đó nhà vua và nghị viện, mỗi bên đều bị quyền uy của bên kia ngăn chặn; còn trong nội bộ nghị viện thì quyền lực của giới quí tộc cha truyền con nối trong Viện nguyên lão lại bị quyền lực của nhân dân trong Viện thứ dân ngăn chặn bớt; và những đạo luật do nhà vua và quốc hội ban hành lại được các quan toà giải thích; những người này, nói chung, nhưng không phải là luôn luôn, độc lập với cả nhà vua lẫn nghị viện.
Trong thế kỉ XVIII, hệ thống kiểm soát và cân bằng giữa các lực lượng xã hội chủ chốt ở trong nước và sự phân chia quyền lực bên trong chính quyền được người châu Âu hết lời ca tụng. Montesquieu, triết gia nổi tiếng người Pháp, cùng với những người khác hết lời ca ngợi; ở Mĩ, nó cũng được những người chấp bút bản hiến pháp Hoa Kì ngưỡng mộ; nhiều người trong số họ hi vọng tạo ra ở Hoa Kì nhà nước Cộng hoà với những đức tính tốt đẹp của của hệ thống ở Anh, nhưng lại không có những tật xấu của một chế độ quân chủ. Khi thời điểm đến, nước cộng hoà mà họ góp phần tạo dựng sẽ cung cấp một số gợi ý về mặt mô hình cho nhiều nước cộng hòa khác.
DÂN CHỦ HOÁ: ĐÃ KHỞI ĐỘNG, NHƯNG VẪN ĐANG ĐI
Nhìn lại, với tất cả lợi thế của kiến thức về sau này, chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng những ý tưởng và hoạt động chính trị xuất hiện hồi đầu thế kỉ XVIII ở châu Âu rồi ra sẽ trở thành những thành tố quan trọng trong những tín điều và định chế dân chủ sau này. Tôi xin sử dụng ngôn ngữ hiện đại và trừu tượng hơn ngôn ngữ mà người thời ấy vẫn dùng để nói một cách vắn tắt về những thành tố đó.
Được điều kiện và cơ hội ở một số khu vực ở châu Âu – đặc biệt là vùng Scandinavia, Flanders, Hà Lan, Thuỵ Sĩ và Anh – khích lệ, logic về quyền bình đẳng khuyến khích lập ra những hội nghị địa phương, trong đó, những người tự do có thể tham gia vào việc quản lí, ít nhất là cũng ở mức độ nào đó. Tư tưởng cho rằng các chính quyền cần sự đồng thuận của những người bị trị, ban đầu là đòi hỏi về việc tăng thuế, dần dần phát triển thành đòi hỏi về luật lệ nói chung. Trong các thị trấn, thành phố, khu vực hay cả nước, những cuộc hội nghị bao gồm tất cả những người tự do như thuở ban đầu không còn phù hợp nữa, đồng thuận bây giờ phụ thuộc vào sự có mặt của những người đại diện tại những cơ quan quyết định việc tăng thuế và ban hành luật pháp. Khác hẳn với cách làm ở Hi Lạp, người ta không tìm người đại diện bằng cách rút thăm hay lựa chọn ngẫu nhiên mà thông qua bầu cử. Để bảo đảm sự đồng thuận của những người công dân tự do trong một nước, một quốc gia, hay quốc gia-dân tộc, cần phải có những cơ quan lập pháp của những người đại diện dân cử hoặc nghị viện ở một số cấp: khu vực, toàn quốc, và có thể là cấp tỉnh, cấp vùng, hoặc những cấp trung gian khác nữa.
Những tư tưởng và hoạt động chính trị như thế của châu Âu cung cấp cho người ta cơ sở để tiến hành quá trình dân chủ hoá. Những tài liệu về chính quyền nhân dân ở Hi Lạp và La Mã cổ đại và ở các thành phố của Italy, góp phần làm cho những lời cổ vũ của những người muốn đẩy nhanh tiến trình dân chủ hóa càng đáng tin hơn. Những kinh nghiệm lịch sử như thế chứng tỏ rằng chính quyền phụ thuộc vào ý chí của nhân dân không phải chỉ là hi vọng hão huyền. Ngày xưa quả thật đã từng có như thế, và hơn nữa, còn kéo dài nhiều thế kỉ.
Những vấn đề chưa làm được. Nếu những tư tưởng, truyền thống, lịch sử và hoạt động vừa được mô tả bên trên có cho ta một lời hứa về quá trình dân chủ hoá, thì trong trường hợp tốt nhất đấy cũng chỉ là lời hứa mà thôi. Vẫn còn thiếu những vấn đề then chốt nhất.
Thứ nhất, ngay trong những nước có những khởi đầu may mắn nhất, những hiện tượng bất bình đẳng trắng trợn đã tạo ra những trở ngại to lớn đối với chế độ dân chủ: khác nhau về quyền, khác nhau về bổn phận, ảnh hưởng, và quyền lực giữa người tự do và người nô lệ, người giàu và người nghèo, người có ruộng và người không có ruộng, chủ và tớ, đàn ông và đàn bà, người làm công nhật và người học việc, chủ và thợ có tay nghề, chủ ngân hàng và công dân thành thị, lãnh chúa và tá điền, quý tộc và bình dân, vua chúa và thần dân, quan chức của nhà vua và những kẻ mà họ sai phái. Ngay cả những người tự do cũng khác hẳn nhau về địa vị, tài sản, lao động, nghĩa vụ, tri thức, quyền tự do, ảnh hưởng, và quyền lực. Và ở nhiều nơi vợ của một người tự do vẫn bị luật lệ, tập quán và thói quen, coi là tài sản của ông ta. Lúc đó, ở đâu và bao giờ, logic của quyền bình đẳng cũng đụng chạm với thực tế thô bạo của bất bình đẳng.
Thứ hai, ngay cả ở những nơi có hội nghị và nghị viện, những định chế này cũng hoàn toàn không đáp ứng được những tiêu chuẩn tối thiểu của chế độ dân chủ. Nghị viện thường không có quyền lực bằng nhà vua, phải qua nhiều thế kỉ thì việc kiểm soát các đại thần mới chuyển từ nhà vua sang nghị viện hay tổng thống mới thế chỗ cho nhà vua. Chính nghị viện cũng là nơi bảo vệ đặc quyền đặc lợi, nhất lại tại những viện dành riêng cho giới quí tộc và tăng lữ cao cấp. Những đại biểu do “nhân dân” bầu ra, trong trường hợp tốt nhất, cũng chỉ có một phần trọng lượng trong quá trình ban hành luật pháp mà thôi.
Thứ ba, những đại biểu của “nhân dân”, trên thực tế, cũng không phải là đại diện của toàn dân. Vì lí do là, nói cho cùng, chỉ có đàn ông mới là người tự do. Ngoài một vài ngoại lệ là các nữ hoàng, một nửa dân số trưởng thành không được tham gia vào đời sống chính trị. Nhiều nam giới trưởng thành, phải nói là đa số, cũng chịu chung số phận như thế. Mãi đến năm 1832 ở Anh cũng chỉ có 5 phần trăm nam giới trên 20 tuổi có quyền bầu cử. Trong năm đó đã diễn ra một cuộc đấu tranh mãnh liệt đòi nới rộng quyền bầu cử cho hơn 7 phần trăm một chút (hình 2)! Ở Na Uy, mặc dù đã sự tham gia đầy triển vọng của nhân dân vào các ting từ thời Viking, tỉ lệ người được quyền bầu cử cũng chỉ nhỉnh hơn một chút mà thôi 10.
HÌNH 2: Cử tri Anh quốc, 1831 – 1931
% của dân số 20 tuổi và trên nữa
Ghi chú: Số liệu lấy từ Bách khoa toàn thư Anh (Encyclopedia Britannica [1970], mục từ “Parliament” (Nghị viện)
Thứ tư, cho đến thế kỉ 18 và sau này, tư tưởng dân chủ và niềm tin vào chế dân chủ chưa được nhiều người chia sẻ, thậm chí nhiều người còn chưa hiểu nữa. Trong tất cả các nước, logic về quyền bình đẳng chỉ có tác dụng trong một số ít người, mà thường lại là những người có đặc quyền đặc lợi. Người ta không hiểu, về mặt định chế chính trị, nhà nước cộng hòa cần những gì. Trong phát biểu và trên báo chí, quyền tự do thể hiện bị hạn chế một cách nghiêm trọng, nhất là nếu đấy lại là những lời phê phán nhà vua. Đối lập chính trị bị coi là bất hợp pháp và không có tính chính danh. “Đối lập trung thành của hoàng thượng” là ý tưởng còn chưa hợp thời. Các chính đảng bị qui kết là nguy hiểm và phiền phức. Các cuộc bầu cử bị nhân viên của triều đình xuyên tạc nghiêm trọng.
Sự thúc đẩy các tư tưởng và thực hành dân chủ phụ thuộc vào một số điều kiện thuận lợi nhất định, nhưng lúc đó chưa có những điều kiện như thế. Khi chỉ có một ít người tin vào chế độ dân chủ và sẵn sàng chiến đấu vì nó, thì những nhóm đặc quyền đặc lợi sẽ tranh thủ sự giúp đỡ của chính quyền phi dân chủ nhằm duy trì quyền lợi của mình. Ngay cả khi có nhiều người hơn tin vào tư tưởng và mục tiêu của chế độ dân chủ thì muốn đẩy nhanh tiến trình dân chủ hóa, vẫn cần phải có cả những điều kiện khác nữa. Sau đây, trong Phần 4, tôi sẽ trình bày một số điều kiện quan trọng nhất.
Trong khi đó, cần nhớ rằng sau những khởi đầu đầy hứa hẹn, được phác hoạ trong chương này, quá trình dân chủ hoá đã không đi theo con đường thẳng tắp tới ngày nay. Có những giai đoạn lên thác và xuống ghềnh, những phong trào phản kháng, những vụ bạo loạn, những cuộc nội chiến và cách mạng. Trong một vài thế kỉ, sự ngóc đầu dậy của chế độ quân chủ trung ương tập quyền đã đẩy lùi một số tiến bộ đã đạt được – mặc dù, nực cười là, chính các chế độ quân chủ này lại có thể đã góp phần tạo ra một số điều kiện thuận lợi cho quá trình dân chủ hoá sau này.
Nhìn lại sự thăng trầm của chế độ dân chủ, rõ ràng là những lực lượng của lịch sử không thể bảo đảm được rằng dân chủ sẽ luôn luôn tiến lên – thậm chí là sống sót nữa, chính quyền nhân dân từng bị xóa sạch khỏi bề mặt trái đất trong những khoảng thời gian dài nhắc nhở chúng ta điều đó.
Dường như chế độ dân chủ cũng cần một ít may mắn. Nhưng may mắn cũng còn phụ thuộc vào những việc chúng ta tự làm cho mình nữa. Thậm chí nếu chúng ta không hi vọng rằng sức mạnh tốt lành của lịch sử sẽ ủng hộ chế độ dân chủ, chúng ta cũng không phải chỉ là nạn nhân của những sức mạnh mù quáng mà chúng ta không kiểm soát được. Có hiểu biết đầy đủ những yêu cầu của chế độ dân chủ và sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi của nó, chúng ta mới có thể hành động nhằm gìn giữ, và hơn nữa, thúc đẩy những tư tưởng và thực hành dân chủ
Chú thích:
(1) Thường được gọi là Polis (Thành bang) – ND
(2) Từ đó có từ democracy; vào cuối thế kỉ 19 trí thức Nhật bản du nhập tư tưởng phương Tây đã dịch là dân chủ, tức là nhân dân làm chủ hoặc nhân dân cai trị - ND
(3) Độc giả muốn tìm hiểu thêm về chế độ dân chủ ở Athens, xin đọc Mogens Herman Hansen, The Anthenian Democracy in the Age of Demostenes: Structure, Principles, and Ideology, translated by J. A. Crook (Oxford: Blckwell, 1991).
(4) Assembly hay còn gọi là Ecclesia - ND
(5) James Madison, The Federalist: A Commentary on the Constution of the United States… (New York: Modern Library [1937?], No. 10, 59.
(6) Johannes Brøndsted, The Vikings (New York: Penguin, 1960), 241
(7) Bejamin R. Barber, The Death of Communal Liberty: A History of Freedom in a Swiss Mountain Canton (Princeton: Princeton University Press, 1974), 115.
(8) Gwyn Kones, A History of the Vikings, 2d ed. (Oxford: Oxford University Press, 1985), 150, 152, 282-284.
(9) Franklin D. Scott, Sweden: The Nation’s History (Minneapolis: University of Minnesota Press, 1977), 111-112.
(10) Dolf Sternberger and Bernhard Vogl, eds., Die Wahl Der Parliament, vol. 1: Europa (Berlin: Walter de Gruyter, 1969), part 1, table A1, 632; part 2, 895, and table A2, 913.
Nguồn: Robert Alan Dahl (1998), On Democrary. Yale University Press.