[Bàn về chế độ dân chủ] Chương 9: Đa dạng I: Chế độ dân chủ trên những quy mô khác nhau
Chế độ dân chủ có những biểu hiện đa dạng khác nhau hay không? Nếu có thì đấy là những biểu hiện như thế nào? Vì những từ chế độ dân chủ (democracy) và có tính cách dân chủ (democratic) được thảo luận một cách ẩu tả, quan điểm của Hampy Dumpy trong tác phẩm Through the Looking Glass (Qua cái gương) rất đáng được áp dụng:
“Khi tôi sử dụng một từ”, Humpy Dumpy lầu bầu nói, “nó có nghĩa đúng như tôi muốn ám chỉ, không hơn cũng không kém”.
“Câu hỏi là”, Alice nói, “liệu ông có thể làm cho từ ngữ có nghĩa ám chỉ nhiều thứ khác nhau hay không”
“Câu hỏi là”, Humpy Dumpy nói, “đâu là vấn đề - tất cả chỉ có thế thôi”.
NHƯNG NGÔN TỪ CÓ VẤN ĐỀ
Theo quan điểm của Hampy Dumpy, mọi người đều có quyền tự do coi bất kì chính phủ nào – kể cả chính phủ độc tài – là dân chủ. Điều đó xảy ra thường xuyên hơn là bạn có thể nghĩ. Các lãnh tụ độc tài đôi khi còn tuyên bố rằng chế độ của họ là kiểu “dân chủ” đặc biệt, ưu việt hơn hẳn những chế độ khác. Thí dụ như V. I. Lenin từng khẳng định rằng: “Chế độ dân chủ vô sản dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản, chính quyền Xô Viết dân chủ gấp triệu lần những nước cộng hòa tư sản dân chủ nhất”. Đấy là từ miệng con người vốn là kiến trúc sư chính trong việc thiết lập nền tảng của chế độ toàn trị từng cai trị Liên Xô trong suốt hơn 60 năm.
Những điều bịa đặt tương tự như thế còn được các lãnh tụ và những cán bộ tuyên truyền của các “nền dân chủ nhân dân” toàn trị ở mức độ cao ở các nước Trung và Đông Âu nằm dưới sự đô hộ của Liên Xô trong và sau Thế chiến II sáng tác thêm nữa.
Nhưng chúng ta lại hèn hạ chấp nhận lời tuyên bố của những kẻ độc tài rằng họ thực sự là những người dân chủ ư? Con rắn hổ mang không thể trở thành con bồ câu chỉ vì chủ nhân của nó nói như thế. Các nhà lãnh đạo đất nước và những cán bộ tuyên truyền của nó tuyên bố gì không phải là vấn đề, chúng ta có quyền nói rằng một nước là dân chủ khi nó có tất cả các định chế cần thiết đối với chế độ dân chủ.
Nhưng điều đó có nghĩa là chỉ có thể thỏa mãn các tiêu chí dân chủ khi có đầy đủ tập hợp những định chế chính trị của chế độ dân chủ tản quyền được mô tả trong chương trước? Không nhất thiết.
- Các định chế của chế độ dân chủ tản quyền cần cho quá trình dân chủ hóa chính quyền quốc gia trong hệ thống qui mô lớn, đặc biệt là đất nước. Nhưng chúng có thể là không cần thiết hoặc hoàn toàn không phù hợp đối với chế độ dân chủ trong các đơn vị có qui mô nhỏ hơn (hoặc lớn hơn?) hay trong các tổ chức nhỏ hơn, tức là những tổ chức độc lập với nhà nước và giúp hình thành xã hội dân sự (Ta sẽ bàn thêm vế vấn đề này sau).
- Các định chế của chế độ dân chủ tản quyền được mô tả trong chương trước bằng những thuật ngữ chung. Nhưng các nước dân chủ có thể khác nhau rất nhiều và khác nhau về những điểm quan trọng trong những định chế chính trị đặc thù của họ: tổ chức bầu cử, hệ thống đảng phái..v.v.. hay không? Chúng ta sẽ xem xét một số khác biệt này trong hai chương sau.
- Những định chế chính trị của chế độ dân chủ tản quyền là điều kiện cần song điều đó không có nghĩa là chúng là điều kiện đủ cho chế độ dân chủ. Nhưng hệ thống chính trị có những định chế đó sẽ thỏa mãn được - ở mức độ nào đó – những tiêu chí dân chủ được mô tả trong chương 4. Nhưng có khả năng là những định chế khác, những định chế bổ xung, có thể tạo điều kiện cho đất nước giành được một hay một số tiêu chí trọn vẹn hơn hay không?
DÂN CHỦ HI LẠP ĐỐI CHỌI VỚI DÂN CHỦ HIỆN ĐẠI
Nếu các định chế chính trị cần thiết cho chế độ dân chủ phải bao gồm những người đại diện được bầu thì chúng ta có thể nói gì về người Hi Lạp, tức là những người đầu tiên áp dụng từ chế độ dân chủ cho chính thể của các thành phố của họ. Liệu chúng ta có đẩy quan điểm của mình đến mức vô lí khi kết luận như Lenin, Mussolini và những người bài dân chủ khác trong thế kỉ XX rằng người Hi Lạp đơn giản là đã dùng sai thuật ngữ? Xét cho cùng thì họ là người đầu tiên phát minh ra và sử dụng từ chế độ dân chủ, chứ không phải chúng ta. Cho rằng Athens không phải là chế độ dân chủ thì có khác gì nói rằng anh em nhà Wright không phát minh ra máy bay vì cái máy của họ có rất ít điểm chung với nhũng chiếc máy bay của chúng ta hiện nay.
Tôn trọng đúng mức cách sử dụng từ ngữ trong quá khứ, có thể chúng ta còn học được đôi điều về chế độ dân chủ từ những người không chỉ cung cấp cho chúng ta từ đó mà còn cung cấp cho chúng ta những thí dụ về ý nghĩa của nó nữa. Nếu chúng ta nghiên cứu trường hợp được nhiều người biết nhất về chế độ dân chủ của người Hi Lạp – đấy là Athens – chúng ta sẽ nhận ra hai khác biệt quan trọng so với cách hiểu hiện nay của chúng ta. Vì những lí do mà chúng ta đã khảo sát, phần lớn những người dân chủ hiện nay khẳng định rằng hệ thống dân chủ chấp nhận được phải đáp ứng một tiêu chí dân chủ mà người Hi Lạp không chấp nhận: quyền công dân cho tất cả mọi người. Chúng ta còn đưa thêm vào một định chế chính trị mà người Hi Lạp cho rằng không những không cần thiết mà còn hoàn toàn không đáng mong muốn nữa: bầu những người đại diện với quyền ban hành luật lệ. Chúng ta có thể nói rằng hệ thống mà họ tạo ra là nền dân chủ sơ khai, dân chủ hội nghị hay dân chủ họp mặt của thành phố. Nhưng chắc chắn là họ không tạo ra chế độ dân chủ đại diện, như chúng ta hiểu hiện nay.
DÂN CHỦ HỘI NGHỊ ĐỐI CHỌI VỚI DÂN CHỦ ĐẠI DIỆN
Do đã quen chấp nhận tính chính danh của chế độ dân chủ đại diện, chúng ta có thể thấy khó hiểu vì sao người Hi Lạp lại gắn bó một cách nhiệt tình với chế độ dân chủ hội nghị đến như thế. Nhưng cho mãi đến thời gian gần đây đa số những người ủng hộ chế độ dân chủ còn cảm thấy như Jean-jacques Rousseau vào năm 1762, khi tác phẩm Bàn về khế ước xã hội được xuất bản. Hoặc sau này, như những người-chống liên bang, tức là những người phản đối bản hiến pháp của Mĩ vì họ tin rằng trong chế độ liên bang họ không còn tự cai quản được nữa, và như những người trong các tổng của Thụy Sĩ và các thành phố ở Vermont, tức là những người hiện vẫn còn khư khư bảo tồn những cuộc họp mặt của thị trấn, và những nhà nghiên cứu Mĩ trong những năm 1960 và 1970 nhiệt thành đòi hỏi phải thay hệ thống dân chủ đại diện bằng “chế độ dân chủ tham gia”, và rất nhiều những người khác, tức là những người tiếp tục nhấn mạnh ưu điểm của chính thể dân chủ được cai trị bởi những cuộc hội nghị của các công dân.
Những người ủng hộ chế độ dân chủ hội nghị nắm được lịch sử nhận thức rõ rằng cơ chế dân chủ đại diện có một quá khứ mờ ám. Như chúng ta đã thấy trong chương 2, chính thể đại diện bắt nguồn không phải như là thực tiễn dân chủ mà là cơ chế để cho những chính thể phi dân chủ - chủ yếu là những ông vua – có thể nắm được những nguồn thu có giá trị và những nguồn lực khác mà họ cần, đặc biệt là cho chiến tranh. Như vậy là, khởi kì thủy, cơ chế đại diện không phải là cơ chế dân chủ, cơ chế phi dân chủ đó sau này được ghép vào lí thuyết và thực tiễn dân chủ.
Ngoài mối nghi ngờ xác đáng về định chế thiếu vắng những phẩm chất dân chủ này ra, những người phê phán cơ chế đại diện còn sở hữu một điểm căn bản nữa. Đấy là, trong những đơn vị chính trị nhỏ, thí dụ như thị trấn, chế độ dân chủ hội nghị tạo điều kiện cho các công dân tham gia vào quá trình tự quản mà chính thể dân chủ đại diện trong các đơn vị lớn không thể nào cung cấp được.
Xin xem xét một trong những tiêu chí lí tưởng của nền dân chủ được mô tả trong chương 4: cơ hội tham gia một cách hữu hiệu vào việc đưa ra quyết định. Trong một đơn vị nhỏ được cai trị bởi các công dân tập hợp trong hội nghị toàn thể; những người tham gia có thể thảo luận và tranh luận những vấn đề mà họ cho là quan trọng; sau khi nghe những ý kiến ủng hộ và phản đối, họ có thể biểu quyết trực tiếp những vấn đề mà họ đang gặp; và kết quả là họ không phải ủy quyền cho những người đại diện giải quyết những vấn đề quan trọng nhất vì những người này có thể bị chi phối bởi mục tiêu và quyền lợi của cá nhân họ chứ không phải là của những cử tri của họ.
Với những ưu việt như thế, tại sao cách hiểu cũ về dân chủ lại phải cải trang nhằm thích ứng với những định chế chính trị ngay từ khởi thủy đã là phi dân chủ rồi?
CƠ CHẾ ĐẠI DIỆN ĐÃ TỒN TẠI
Như thường lệ, lịch sử cung cấp cho ta một phần câu trả lời. Trong những nước khi mà thực tiễn bầu chọn những người đại diện đã tồn tại thì những nhà cải cách dân chủ nhìn thấy một cơ hội tuyệt vời. Họ thấy không cần phải loại bỏ hệ thống đại diện mặc dù nó có nguồn gốc đáng ngờ và quyền bỏ phiếu còn giới hạn của nó. Họ tin rằng bằng cách mở rộng thành phần cử tri, cơ quan lập pháp hay quốc hội có thể biến thành cơ quan đại diện thực chất hơn, tức là trở thành cơ quan phục vụ cho những mục tiêu dân chủ. Một số người còn nhìn thấy trong cơ chế đại diện sự thay đổi sâu sắc và ngoạn mục đối với viễn cảnh của chế độ dân chủ. Destutt de Tracy - một tư tưởng gia người Pháp, những bài phê bình Montesquieu của ông này có ảnh hưởng lớn đối với Thomas Jefferson – đã nhận xét một cách hân hoan như sau: “Cơ chế đại diện hay chính thể đại diện có thể được coi là một phát minh mới, thời Montesquieu chưa hế biết… Chế độ dân chủ đại diện… là chế độ dân chủ thích hợp trong một thời gian dài và cho những vùng lãnh thổ rộng lớn”.
Năm 1820 James Mill coi “hệ thống đại diện” là “phát minh quan trọng của thời hiện đại”. Phát minh mới, phát minh quan trọng là những từ giúp chúng ta hiểu được phần nào sự phấn khích của những nhà cải cách dân chủ khi họ vứt bỏ rào cản của tư duy dân chủ truyền thống và nhận ra rằng bằng cách ghép cơ chế đại diện thời Trung cổ vào cây dân chủ thời Cổ đại người ta có thể tạo ra những hình thái mới của chế độ dân chủ.
Họ đã đúng. Thực chất là việc mở rộng quá trình cuối cùng đã dẫn tới thể chế dân chủ dựa trên quyền công dân của tất cả mọi người, điều đó đã giúp chúng ta có quan niệm như hiện nay về chế độ dân chủ.
Tuy nhiên, với những bất lợi tương đối như thế của cơ chế đại diện, tại sao những nhà cải cách dân chủ lại không bác bỏ nó và thay vào đó là hình thức dân chủ trực tiếp, thí dụ như hình thức dân chủ hội nghị của người Hi Lạp? Mặc dù có một số người ủng hộ khả năng này, nhưng đa số những người biện hộ cho chế độ dân chủ - tương tự như những người chấp bút bản hiến pháp Mĩ – kết luận rằng đơn vị chính trị mà họ muốn tiến hành dân chủ hóa quá to, không thể thực thi dân chủ hội nghị được.
NÓI THÊM: VỀ QUI MÔ VÀ CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ
Qui mô là vấn đề. Cả số người lẫn qui mô lãnh thổ đều có ảnh hưởng đối với hình thức của chế độ dân chủ. Hãy tưởng tượng bạn là nhà cải cách dân chủ trong một nước với chính thể phi dân chủ mà bạn muốn tiến hành dân chủ hóa. Bạn không muốn đất nước mình tan rã thành hàng chục thậm chí hàng trăm quốc gia bé tí mặc dù nếu làm như vậy mỗi nước sẽ nhỏ đến mức công dân của họ có thể thường xuyên gặp nhau để thực thi chủ quyền của họ trong các hội nghị. Công dân của nước bạn quá đông, không thể họp mặt được; hơn nữa, họ lại ở rải rác trong khu vực lãnh thổ quá to, tất cả các bạn không thể gặp nhau vì quá nhiều khó khăn. Bạn phải là gì đây?
Hiện nay và còn hơn thế nữa, trong tương lai, bạn có thể giải quyết vấn đề lãnh thổ bằng cách sử dụng những phương tiện thông tin điện tử, tạo điều kiện cho những công dân nằm rải rác trên khu vực rộng lới “gặp gỡ”, thảo luận và biểu quyết. Nhưng tạo điều kiện cho các công dân “gặp nhau” thông qua những phương tiện điện tử là một chuyện, giải quyết vấn đề do số công dân quá lớn đặt ra lại là chuyện hoàn toàn khác. Vượt quá một giới hạn nào đó, cố gắng sắp xếp cho tất cả mọi người gặp nhau và tham gia, thậm chí là qua những phương tiện điện tử, vào cuộc thảo luận mang lại thành công là việc làm lố bịch.
Nền dân chủ hội nghị to đến mức nào thì trở thành quá to? Nhỏ đến mức nào là vừa? Theo những đánh giá mang tính hàn lâm được thực hiện trong thời gian gần đây trong các quốc gia-thành phố Hi Lạp, số lượng công dân là đàn ông trưởng thành dao động từ 2 ngàn đến 10 ngàn người – theo các lí thuyết gia chính trị Hi Lạp thì đấy là con số hợp lí cho một thành bang hay quốc gia-thành phố tự quản. Nhưng ở Athens, số lượng công dân lớn hơn thế rất nhiều – khi chế độ dân chủ Athens đạt đến đỉnh cao vào khoảng năm 450 trước Công nguyên, con số có thể lên đến khoảng 60 ngàn người. “Kết quả là”, một nhà khoa học viết, “Athens có quá nhiều công dân, nó không thể hoạt động như một thành bang được nữa”. Một thế kỉ sau, do quá trình di dân, chết chóc do chiến tranh và bệnh tật và những hạn chế trong việc ban phát quyền công dân, con số có thể giảm còn một nửa, nhưng đấy vẫn là quá lớn, hội nghị chỉ có thể chứa được một phần rất nhỏ số công dân đàn ông của Athens mà thôi.
Một phép tính số học đơn giản cho thấy hậu quả của thời gian và số lượng. Giả sử chúng ta bắt đầu với một đơn vị nhỏ, thí dụ như một ủy ban có đúng 10 người. Chúng ta nghĩ rằng đấy là số lượng vừa phải, tạo điều kiện cho mỗi người có ít nhất 10 phút để thảo luận vấn đề đang bàn. Như vậy là chúng ta cần một giờ 40 phút cho cuộc họp, chắc chắn là các thành viên hội đồng mất không quá nhiều thời gian cho cuộc họp. Nhưng giả sử vấn đề phức tạp đến mức mỗi thành viên có thể cần nửa giờ để tranh luận. Lúc đó chúng ta cần lập kế hoạch cho cuộc họp kéo dài 5 giờ hoặc hai cuộc họp – nhưng thời gian vẫn có thể chấp nhận được.
Nhưng ngay cả một một ủy ban tương đối lớn vẫn sẽ là một hội nghị công dân nhỏ. Thí dụ một làng có 200 người, trong đó có 100 người trưởng thành, tất cả đều tham gia hội nghị. Giả sử mỗi người có quyền nói tổng cộng 10 phút. Cuộc họp với số lượng người khiêm tốn như thế cũng kéo dài 2 ngày, mỗi ngày làm việc 8 giờ - không phải là bất khả thi, nhưng cũng không dễ dàng gì! Xin xem xét một chút giả định dành 10 phút cho mỗi người tham gia. Khi số lượng người tham gia gia tăng thì tình hình sẽ càng ngày càng trở nên vô lí hơn. Trong “thành bang lí tưởng” với 10 ngàn công, dân thời gian sẽ vượt qua mọi giới hạn có thể chịu đựng được. Mỗi công dân có 10 phút nghĩa là cần hơn 200 ngày làm việc, mỗi ngày 8 giờ. Nếu mỗi người nửa giờ thì cần phải họp 2 năm liên tục (bảng 1)!
Bảng 1. Giá của chế độ dân chủ tham gia
Số người |
Tổng thời gian nếu mỗi người có |
|||||
10 phút |
30 phút |
|||||
phút |
giờ |
ngày 8 giờ |
phút |
giờ |
ngày 8 giờ |
|
10 |
100 |
2 |
300 |
5 |
||
20 |
200 |
3 |
600 |
10 |
1 |
|
50 |
500 |
8 |
1 |
1.500 |
25 |
3 |
500 |
5.000 |
83 |
10 |
15.000 |
250 |
31 |
1.000 |
10.000 |
167 |
21 |
30.000 |
500 |
63 |
5.000 |
50.000 |
833 |
104 |
150.000 |
2.500 |
313 |
10.000 |
100.000 |
1.667 |
208 |
300.000 |
5.000 |
625 |
Giả định rằng công dân nào cũng phát biểu dĩ nhiên là vô lí, ai đã tiếp xúc dù chỉ một chút với với những cuộc họp trong thị trấn đều biết như thế. Thường thì chỉ có một ít người nói là chính. Số còn lại có thể không nói vì một trong nhiều lí do sau đây: điều họ muốn nói đã được nói rồi hay họ đã quyết định rồi hoặc sợ diễn đàn, cảm thấy không phù hợp, không có quyền lợi cấp bách trong vấn đề được bàn thảo, hiểu biết không thấu đáo..v.v.. Khi một vài người thảo luận thì những người khác nghe (hoặc không) và khi cần biểu quyết thì họ biểu quyết (hoặc không).
Ngoài ra, nhiều cuộc thảo luận và thăm dò có thể diễn ra ở những chỗ khác nữa. Nhiều giờ trong bảng 1 có thể được sử dụng trong việc thảo luận những vấn đề công cộng trong những khung cảnh không chính thức khác. Cho nên chúng ta không nên đọc bảng 1 một cách đơn giản như những gì được liệt kê trong đó. Nhưng sau khi đã có sự dè dặt như thế, chế độ dân chủ hội nghị vẫn có một số vấn đề nghiêm trọng sau đây:
- Cơ hội tham gia giảm đi nhanh chóng khi số công dân gia tăng.
- Mặc dù nhiều người có thể tham gia bằng cách nghe các diễn giả, trong một cuộc họp con số tối đa người có điều kiện phát biểu là rất nhỏ - có thể ít hơn con số 100 rất nhiều.
- Những người tham gia đầy đủ này, trên thực tế, là người đại diện cho số còn lại, trừ việc biểu quyết (Nhưng đây là ngoại lệ quan trọng, tôi sẽ trở lại với vấn đề này sau).
- Như vậy là ngay cà trong một đơn vị được cai trị theo lối dân chủ hội nghị thì dường như thực tế là hệ thống đại diện đã có mặt rồi.
- Nhưng không có gì bảo đảm rằng những người tham gia đầy đủ là đại diện cho những người còn lại.
- Để cung cấp một hệ thống thỏa đáng trong việc bầu chọn những người đại diện, các công dân có thể muốn lựa chọn người đại diện trong những cuộc bầu cử tự do và công bằng.
NHỮNG HẠN CHẾ CỦA THỂ CHẾ ĐẠI DIỆN
Như vậy là, dường như cơ chế đại diện có ưu điểm. Hay nó thực sự có? Nực cười của sự kết hợp giữa thời gian và số lượng là nó làm giảm tính ưu việt bằng hai cách: ngay lập tức nó cho thấy khiếm khuyết to lớn của thể chế đại diện. Xin quay trở lại bảng 1 và phép tính số học của chúng ta, giả sử bây giờ chúng ta tính thời gian cần thiết nếu mỗi công dân đều phải gặp người đại diện của mình. Bảng 1 cho thấy luận cứ vững chắc nhằm chống lại khả năng tham gia của chính thể đại diện. Hãy tưởng tượng là người đại diện được bầu muốn dành 10 phút để thảo luận các vấn đề với tất cả các công dân trưởng thành trong khu vực mà người ấy làm đại diện. Chúng ta sẽ bỏ qua thời gian di chuyển và những vấn đề thực tế khác. Giả sử khu vực đó có 10 ngàn công dân trưởng thành, tức là số công dân lớn nhất trong bảng 1. Như đã chỉ ra: Người đại diện phải mất hơn một nửa số ngày làm việc trong năm chỉ để gặp mặt các cử tri của mình! Thế mà ở Mĩ đại biểu quốc hội được bầu từ khu vực trung bình có hơn 400 ngàn công dân trưởng thành. Hạ nghị sĩ muốn giành 10 phút cho mỗi công dân trong khu vực thì chẳng còn thời gian làm bất kì việc nào khác nữa. Nếu ông ta hay bà ta làm việc 8 giờ một ngày và làm tất cả các ngày trong năm thì ông hay bà ta phải cần 20 năm mới gặp mặt được tất cả các công dân mà mình đại diện, tức là cần khoảng thời gian dài gấp 10 lần thời gian mà đa số hạ nghị sĩ có thể phục vụ trong quốc hội.
Dân chủ hội nghị hay dân chủ đại diện? Chế độ dân chủ qui mô nhỏ hay chế độ dân chủ qui mô lớn? Cái nào tốt hơn? Cái nào dân chủ hơn? Cái nào cũng có những người ủng hộ đầy tâm huyết cả. Như chúng ta vừa thấy, cái nào cũng có ưu việt cả. Nhưng những phép tính số học giả định và thậm chí vô lí bên trên đã tiết lộ những giới hạn đối với sự tham gia của công dân trong cả hai trường hợp vừa nói. Vì không trường hợp nào có thể tránh được giới hạn không thể vượt qua do sự tương tác giữa thời gian tham gia và số người có quyền tham gia.
Qui luật của thời gian và số lượng: càng nhiều công dân trong một đơn vị thì công dân càng ít có khả năng tham gia trực tiếp vào những quyết định của chính quyền và càng có nhiều khả năng là họ phải ủy quyền cho người khác.
NAN ĐỀ CĂN BẢN CỦA CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ
Chế độ dân chủ có một nan đề căn bản còn bị che dấu. Nếu mục tiêu của chúng ta là thiết lập hệ thống cai trị dân chủ, tức là hệ thống tạo cơ hội tối đa cho các công dân tham gia vào việc ra quyết định chính trị thì ưu thế rõ ràng là thuộc về chế độ dân chủ hội nghị trong hệ thống chính trị qui mô nhỏ. Nhưng nếu mục tiêu của chúng ta là thiết lập chế độ cai trị dân chủ cung cấp tối đa cơ hội nhằm giải quyết một cách hữu hiệu những vấn đề mà công dân quan tâm nhất thì ưu thế thường lại thuộc về các đơn vị lớn, tức là những đơn vị cần có hệ thống đại diện. Đấy là nan đề giữa sự tham gia của công dân và tính hiệu quả của hệ thống.
Đơn vị dân chủ càng nhỏ thì tiềm năng cho sự tham gia của công dân càng lớn và nhu cầu ủy quyền cho những người đại diện thông qua quyết của chính quyền sẽ càng nhỏ. Đơn vị càng lớn thì khả năng giải quyết những vấn đề quan trọng đối với các công dân sẽ càng lớn và công dân càng cần phải ủy quyền cho những người đại diện thông qua quyết định.
Tôi không nhìn thấy cách giải quyết nan đề này. Nhưng ngay cả nếu chúng ta không giải quyết được thì chúng ta cũng có thể đương đầu được với nó.
ĐÔI KHI NHỎ LÀ ĐẸP
Với những hoạt động khác của con người, hệ thống chính trị không cần thiết phải thể hiện tất cả khả năng của chúng. Đầu đề của một cuốn sách đã nắm bắt được thực chất của một quan điểm: Nhỏ là đẹp (Small is Beautiful). Không nghi ngờ gì rằng về mặt lí thuyết trong những hệ thống chính trị cực kì nhỏ công dân có thể có mức độ tham gia cao mà những hệ thống lớn không thể nào so sánh được. Nhưng những hệ thống đó lại thường không vươn tới hết khả năng của mình.
Những cuộc họp trong một số thị trấn nhỏ ở New England cho ta những thí dụ tốt về khả năng và giới hạn của chúng. Mặc dù trong đại đa số các thị trấn ở New England những cuộc họp mặt truyền thống đã được thay bằng cơ quan lập pháp gồm những người đại biểu được bầu, nhưng những cuộc họp mặt như thế vẫn còn tiếp tục ở bang Vermont.
Một nhà quan sát và người tham gia có cảm tình, đồng thời là người nghiên cứu các cuộc họp ở Vermont nhận thấy rằng từ năm 1970 đến năm 1994 đã có 1.215 cuộc họp được tiến hành tại 210 thị trấn có ít hơn 4.500 dân ở Vermont. Từ những ghi chép của 1.129 cuộc họp đó, ông ta rút ra kết luận như sau:
Trung bình số người tham gia khi đếm số người tham gia tại mỗi cuộc họp vào lúc đông nhất là 139… Trung bình có 45 người tham gia ít nhất một lần… Trung bình có 19% cử tri đủ tư cách trong thị trấn tham gia cuộc họp và 7% cử tri đủ tư cách trong thị trấn (37% người tham gia) phát biểu ít nhất là một lần…. Phần lớn những người phát biểu sẽ phát biểu hơn một lần… Cuộc họp kéo dài thường dành trung bình khoảng 4 giờ… để thảo luận. Thời gian đủ để mỗi người tham gia có thể nói trong 2 phút 14 giây. Vì số người nói ít hơn hẳn số người tham gia cho nên mỗi diễn giả có trung bình gần như chính xác là 5 phút…
Ngược lại, vì trong cuộc họp mỗi người tham gia thường có khoảng bốn hoạt động cho nên trung bình một cuộc họp chỉ dành cho mỗi hoạt động 1 phút 20 giây mà thôi.
Những cuộc họp mặt trong thị trấn dường như không hẳn là mẫu mực của chế độ dân chủ tham gia. Nhưng đây không phải là toàn bộ câu chuyện. Khi các công dân biết rằng vấn đề được đem ra bàn thảo là không quan trọng và gây tranh luận thì họ sẽ ở nhà – tại sao không? Nhưng có vấn đề gây tranh luận thì họ sẽ đi họp. Mặc dù thị trấn quê hương tôi ở Connecticut, nói chung đã không còn tiến hành những cuộc họp truyền thống nữa, nhưng tôi vẫn nhớ những vấn đề gây chia rẽ dân chúng và họ đi họp đông đến mức chật cứng cả hội trường trường trung học, cuộc họp thứ hai dành cho những người không thể tham gia cuộc họp thứ cũng đông như thế. Cũng như ở Vermont, những người có học và có ảnh hưởng không chi phối được những cuộc hội nghị trong thị trấn. Niềm tin vững chắc và quyết tâm phát biểu một lần không phải là độc quyền của bất cứ nhóm kinh tế-xã hội nào.
Tuy có những giới hạn như thế nhưng ta cũng có nhiều điều để nói về chế độ dân chủ hội nghị.
NHƯNG ĐÔI KHI TO LẠI HƠN
Như đã thấy trong chương 2, người Hi Lạp cũng không giải quyết được nan đề này. Họ cũng đã nhận thức được rằng sự yếu kém về quân sự là gót chân Achilles của quốc gia nhỏ khi đối mặt với quốc gia lớn hơn. Mặc dù người Hi Lạp là những người mưu trí và can đảm trong việc bảo vệ nền độc lập của mình, nhưng họ đã không tránh khỏi thất bại trước lực lượng vượt trội của Philip of Macedon vào năm 322 trước công nguyên và sau đó là những thế kỉ bị bị ngoại bang cai trị. Ngay khi những quốc gia dân tộc tập quyền xuất hiện thì các thành bang phải diệt vong. Nhà nước cộng hòa thành phố vĩ đại cuối cùng, tức là Venice, đã đầu hàng mà không kháng cự lại lực lượng của Napoleon Bonaparte vào năm 1779 và sau đó không bao giờ giành lại độc lập được nữa.
Trong những thế kỉ dần đây, nhất là trong thế kỉ XX, người ta đã nhiều lần chỉ ra những khả năng hạn chế của các đơn vị tự quản đủ nhỏ để có thể thực hiện chế độ dân chủ hội nghị. Đấy không chỉ là những hạn chế trong lĩnh vực quân sự mà còn trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế, giao thông, vận tải, thông tin liên lạc, đi lại của người dân và hàng hóa, sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình, sản xuất nông nghiệp, lương thực, tội phạm, giáo dục, quyền con người, quyền chính trị và rất nhiều vấn đề đáng quan tâm khác.
Không còn những biến động mang tầm thế giới, tức là những biến động làm giảm mạnh và thường xuyên dân số thế giới và phá hoại nền công nghệ tiên tiến của nó, không thể tiên đoán được thế giới, trong đó tất cả những đơn vị chính trị lớn đều biết mất và được thay hoàn toàn bằng những đơn vị chính trị độc lập với dân số nhỏ đến mức (thí dụ, ít hơn 50 ngàn người) công dân của nó có thể tự cai trị và sẽ tìm cách tự cai trị, hoàn toàn dựa trên hệ thống dân chủ hội nghị. Vấn đề còn tồi tệ hơn, thế giới của những đơn vị nhỏ và hoàn toàn độc lập đó sẽ không ổn định vì chỉ cần vài đơn vị như thế liên kết lại và tiến hàng những cuộc xâm lược, thu gom hết đơn vị nhỏ này đến đơn nhỏ khác và như vậy là sẽ tạo ra một hệ thống quá lớn đối với thể chế hội nghị. Để có thể tiến hành dân chủ hóa đơn vị mới và lớn hơn này, các nhà cải cách dân chủ (hay cách mạng) lại phải tái phát minh ra chế độ dân chủ đại diện.
MẶT TỐI: MẶC CẢ TRONG GIỚI TINH HOA
Dù có những ưu điểm như thế, nhưng chính thể đại diện cũng có mặt tối của nó. Đa số công dân trong các nước dân chủ nhận thức được điều đó, vì phần đông họ cho rằng đấy là một phần giá phải trả cho cơ chế đại diện.
Mặt tối là: trong chính thể đại diện, các công dân thường giao cho những người đại diện quyền hành rất lớn trong việc thông qua những quyết định cực kì quan trọng. Họ không chỉ ủy quyền cho những đại biểu được bầu mà còn ủy quyền – thậm chí là không trực tiếp và theo đường vòng - cho các nhà quản lí, các quan chức, công chức, quan tòa và những tổ chức quốc tế xa lắc. Bám vào những định chế của chế độ dân chủ tản quyền, tức là những định chế giúp các công dân gây ảnh hưởng đối với hành động và quyết định của chính quyền lại là tiến trình phi dân chủ - mặc cả trong giới tinh hoa chính trị và quan liêu.
Về nguyên tắc, việc mặc cả trong giới tinh hoa được tiến hành bên trong những giới hạn được qui định trong những định chế và tiến trình dân chủ. Nhưng những giới hạn này thường khá rộng, việc tham gia và kiểm soát của dân chúng không phải lúc nào cũng mạnh mẽ và giới tinh hoa chính trị và quan liêu có quyền tự quyết rất lớn. Mặc dù có những giới hạn trong việc kiểm soát của dân chúng nhưng giới tinh hoa chính trị trong các nước dân chủ không phải là độc tài, nằm ngoài vòng kiểm soát. Hoàn toàn không phải thế. Những cuộc bầu cử định kì buộc họ phải thường xuyên chú ý tới ý kiến của người dân. Ngoài ra, trong khi đi đến quyết định, các nhóm tinh hoa chính trị và quan liêu còn có ảnh hưởng và kiểm soát lẫn nhau. Những cuộc mặc cả trong giới tinh hoa có hệ thống cân bằng và kiểm soát lẫn nhau của mình. Khi những người đại diện tham gia vào quá trình mặc cả thì họ cũng là kênh chuyển tải những khát vọng, mục tiêu và giá trị của người dân vào trong những quyết định của chính quyền. Giới tinh hoa chính trị và quan liêu trong các nước dân chủ là những người có quyền lực, có nhiều quyền lực hơn những công dân bình thường, nhưng họ không phải là bọn độc tài.
CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ CÓ THỂ TRỞ NHỮNG TỔ CHỨC DÂN CHỦ KHÔNG?
Cho đến lúc này chúng ta mới chỉ quan tâm tới những khả năng của chế độ dân chủ trong những đơn vị có qui mô nhỏ hơn một nước hay một quốc gia-dân tộc. Thế còn các đơn vị có qui mô lớn hơn hay ít nhất là có qui mô khác hẳn: tổ chức quốc tế thì sao?
Trong nửa sau thề kỉ XX các nước dân chủ càng ngày càng cảm thấy tầm quan trọng của quá trình quốc tế hóa – về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, bộ máy quan liêu, quân sự. Tương lai sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với chế độ dân chủ? Ngay cả nếu chính phủ của những nước độc lập nhường nhiều quyền lực cho lãnh đạo của những tổ chức quốc tế khác nhau thì tiến trình dân chủ có đơn giản là chuyển lên bình diện quốc tế hay không? Nếu như thế, khi ban lãnh đạo của những tổ chức quốc tế được dân chủ hóa thì những giá trị của chế độ dân củ sẽ không bị suy yếu và thậm chí còn được tăng cường thêm ư?
Ta có thể tìm trong lịch sử những trường hợp tương tự. Như chúng ta đã thấy trong chương 2, xuất phát điểm của tư tưởng và thực hành dân chủ là quốc gia-thành phố. Nhưng quốc gia-thành phố không thể trụ vững được trước sức mạnh ngày càng gia tăng của các quốc gia-dân tộc. Quốc gia-thành phố hoặc là không còn tồn tại như là những thực thể được mọi người công nhận hoặc là, tương tự như Athens và Venice, trở thành chính quyền lệ thuộc vào chính quyền của cả nước. Thế thì trong thế kỉ XXI chính quyền quốc gia có đơn giản là trở thành những chính quyền khu vực, lệ thuộc vào chính quyền quốc tế dân chủ hay không?
Xét cho cùng, người ta có thể nói rằng sự lệ thuộc của các chính quyền khu vực vào chính quyền quốc gia không có nghĩa là sự cáo chung của chế độ dân chủ. Ngược lại, quá trình dân chủ hóa chính quyền quốc gia không chỉ mở rộng một cách đáng kể lĩnh vực của chế độ dân chủ mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho những tiến trình dân chủ trong các đơn vị phụ thuộc như thành phố, thị trấn, bang, khu vực..v.v.. Như vậy là, theo quan điểm này thì thách thức không phải là ngừng tiến trình quốc tế hòa, một việc bất khả thi. Thách thức là dân chủ hóa các tổ chức quốc tế.
Đây là cảnh tượng hấp dẫn đối với những người đánh giá cao chế độ dân chủ, nhưng tôi lấy làm tiếc mà phải kết luận rằng đấy là quan niệm lạc quan thái quá. Ngay cả trong những nước, nơi các định chế và thực tiễn dân chủ đã tồn tại trong một thời gian dài và được thiết lập một cách vững chắc thì công dân cũng khó mà có thể kiểm soát một cách hữu hiệu nhiều vấn đề cực kì quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại. Kiểm soát những vấn đề như thế trong các tổ chức quốc tế còn khó khăn hơn nhiều.
Liên hiệp châu Âu cho ta bằng chứng rõ ràng. Ở đây có những cơ cấu về danh nghĩa là dân chủ, thí dụ như những cuộc bầu cử toàn dân và nghị viện. Nhưng hầu như tất cả các nhà quan sát đều đồng ý rằng “còn có những khiếm khuyết dân chủ” khổng lồ. Những quyết định cực kì quan trọng phần lớn diễn ta trong quá trình mặc cả giữa các nhóm tinh hoa chính trị và quan liêu. Các giới hạn được qui định không phải bởi những tiến trình dân chủ mà bởi điều mà những nhà thương thuyết thuyết phục được những người khác đồng ý và bởi những hậu quả có thể xảy ra với thị trường quốc nội và quốc tế. Mặc cả, cấp bậc và thị trường là những tác nhân có quyền quyết định. Ngoại trừ quá trình phê chuẩn kết quả, tiến trình dân chủ hầu như chẳng đóng vai trò gì.
Nếu những định chế dân chủ gần như không có hiệu quả trong việc cai trị Liên hiệp châu Âu thì tương lai cho tiến trình dân chủ hóa các hệ thống quốc tế dường như còn xa vời hơn nữa. Muốn đạt được mức độ kiểm soát của dân chúng gần với tình trạng đang hiện hữu trong các nước dân chủ, các tổ chức quốc tế phải giải quyết những vấn đề đang tồn tại như chúng đang được giải quyết trong các nước dân chủ. Các lãnh tụ chính trị sẽ phải thiết lập những định chế chính trị đủ sức cung cấp cho công dân những cơ hội tham gia chính trị, gây ảnh hưởng và kiểm soát có hiệu quả tương đương với những định chế hiện hữu trong các nước dân chủ. Để có thể tận dụng được lợi thế của những cơ hội đó, công dân cũng phải quan tâm và có thông tin về những quyết định có tính đường lối của các tổ chức quốc tế như họ đang làm với các quyết định của chính phủ trong chính nước mình. Muốn cho công dân có thông tin thì giới tinh hoa trong lĩnh vực truyền thông và chính trị phải tham gia vào những cuộc tranh luận và thảo luận về những phương án có thể được lựa chọn sao cho có thể thu hút được sự chú ý và tình cảm của công chúng. Muốn bảo đảm được những cuộc tranh luận công khai thì cần phải tạo lập được sự cạnh tranh trên bình diện quốc tế tương đương với sự cạnh tranh của các đảng phái và cá nhân ứng cử trong các nước dân chủ. Các đại biểu được bầu hay những cơ quan chức năng tương đương (bất kể là cơ quan nào) cũng cần phải kiểm soát những bộ máy hành chính quốc tế quan trọng cũng như cơ quan lập pháp và các quan chức như họ đang làm trong các nước dân chủ.
Những người đại diện của cơ quan quốc tế giả định đó sẽ được phân phối như thế nào trong dân chúng các nước khác nhau lại là vấn đề khó khăn nữa. Với sự khác biệt rất lớn về dân số giữa các nước khác nhau, không một hệ thống đại diện nào có thể cung cấp cho lá phiếu của mỗi công dân giá trị như nhau và ngăn chặn được những nước lớn luôn luôn có số phiếu áp đảo các nước nhỏ. Như vậy là, những giải pháp chấp nhận được cho những chế độ dân chủ nhỏ hơn sẽ phủ nhận quyền bình đẳng về mặt chính trị của các thành viên của những chế độ lớn hơn. Cũng như Mĩ và các hệ thống liên bang khác, những giải pháp chấp nhận được có thể được gán ghép với nhau như đã từng được dùng cho Liên minh châu Âu. Nhưng dù có đạt được thỏa hiệp nào đi nữa, nó vẫn dễ dàng biến thành nguồn gốc của những mối căng thẳng nội bộ, đặc biệt là khi thiếu vắng bản sắc chung mạnh mẽ.
Căng thẳng có thể dễ xảy ra vì, như tôi đã nói, cũng như trong chế độ dân chủ của một nước, phần lớn các quyết định đều bị coi là có hại đối với quyền lợi của một số người, trong tổ chức quốc tế vấn đề đó càng dễ xảy ra hơn. Gánh nặng nhất của một số quyết định có thể được đổ lên đầu một số nhóm, một số khu vực hay đất nước cụ thể nào đó. Nền văn hóa chính trị ủng hộ một số định chế đặc biệt có thể – mà có thể là cần phải có – giúp vượt qua được những căng thẳng như thế. Nhưng để có một nền văn hóa chính trị cần phải có thời gian, có thể là nhiều thế hệ. Ngoài ra, nếu những người bị thiệt thòi phải chấp nhận và thi hành quyết định về đường lối thì có khả năng là cần phải hình thành một bản sắc chung, tương tự như bản sắc đang hiện hữu trong những nước dân chủ hiện nay.
Tôi cảm thấy dường như rất khó đáp ứng được tất cả những yêu cầu chủ yếu cho việc dân chủ hóa các tổ chức quốc tế. Nhưng nếu không thể đáp ứng được những yêu cầu này, các quyết định mang tầm quốc tế được quyết định bằng tiến trình nào? Tôi nghĩ chúng sẽ được giải quyết chủ yếu bằng việc mặc cả giữa các nhóm tinh hoa chính trị và quan liêu – các nhà quản lí cao cấp, các vị bộ trưởng, các nhà ngoại giao, các thành viên chính phủ và bộ máy quản lí phi chính phủ, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp..v.v.. Mặc dù tiến trình dân chủ đôi khi cũng có thể thiết lập được những giới hạn cho cuộc mặc cả của giới tinh hoa, nhưng gọi hoạt động chính trị trong các hệ thống quốc tế là dân chủ thì chẳng khác gì cướp bóc ý nghĩa của chính thuật ngữ này.
XÃ HỘI ĐA NGUYÊN MẠNH MẼ BÊN TRONG CÁC NƯỚC DÂN CHỦ
Mặc dù chế độ dân chủ có vẻ như không vươn lên đến tầm quốc tế, điều quan trọng đối với chúng ta là cần phải nhớ rằng mỗi nước dân chủ đều cần có những đơn vị nhỏ hơn. Trong đất nước hiện đại, các đơn vị này là những thực thể đa dạng đến mức có thể làm người ta sửng sốt. Ngay cả những nước dân chủ nhỏ bé nhất cũng cần có các chính quyền đô thị. Những nước lớn hơn có thể có những cấp chính quyền khác: quận, thị xã, bang, tỉnh, khu vực..v.v.. Dù so với qui mô thế giới đất nước có nhỏ đến mức nào thì nó cũng cần có một loạt các tổ chức và hiệp hội độc lập – đấy chính là xã hội dân sự đa nguyên.
Không có câu trả lời duy nhất cho câu hỏi: làm thế nào quản lí một cách tốt nhất những hiệp hội nhỏ hơn của nhà nước và xã hội – các tổ chức công đoàn, các doanh nghiệp, các nhóm lợi ích đặc thù, các tổ chức giáo dục và những tổ chức khác. Có thể không phải tổ chức nào cũng cần quản lí một cách dân chủ, những khác biệt lớn về năng lực có thể áp đặt những giới hạn áp dụng cho các tiêu chí dân chủ. Và ngay cả khi có thể áp dụng được chế độ dân chủ thì một hình thức duy nhất cũng không chắc đã phải là tốt nhất.
Nhưng không có khía cạnh phi dân chủ nào của bất cứ chính quyền nào thoát khỏi được thách thức, dù đấy có là nhà nước và các đơn vị của nhà nước hay các tổ chức độc lập trong xã hội dân sự đa nguyên thì cũng thế. Những nguyên tắc dân chủ cung cấp cho chúng ta một số câu hỏi mà chúng ta có thể đặt ra với ban quản lí bất cứ hiệp hội nào.
- Trong khi thông qua quyết định ban lãnh đạo hiệp hội có bảo đảm là đã xem xét một cách bình đẳng lợi ích và quyền lợi của mỗi người có liên quan tới quyết định đó hay không?
- Có thành viên nào của hiệp hội được khẳng định là tốt hơn hẳn những người khác trong việc quản lí đến mức họ phải giao toàn bộ quyền hành trong việc cai quản hiệp hội cho những người đó? Nếu không thì trong quá trình cai quản hiệp hội ta không được coi các thành viên là những người bình đẳng về mặt chính trị?
- Nếu các thành viên là những người bình đẳng về chính trị thì ban quản lí hiệp hội có phải đáp ứng các tiêu chí dân chủ hay không? Nếu phải thì hiệp hội cần cung cấp cho các thành viên cơ hội tham gia một cách hữu hiệu, bình đẳng trong bầu cử, có hiểu biết minh bạch và kiểm soát chương trình nghị sự đến mức nào?
Trong hầu như tất cả, mà có thể là tất cả, các tổ chức ở khắp mọi nơi đều có chỗ cho chế độ dân chủ, và trong hầu như tất cả các nước dân chủ đều có khá nhiều chỗ cho cho nhiều dân chủ hơn.
Nguồn: Bàn về chế độ dân chủ: Robert Alan Dahl, 2000.