[Bàn về chế độ dân chủ] Chương 12: Đâu là những điều kiện cơ bản có lợi cho chế độ dân chủ?

[Bàn về chế độ dân chủ] Chương 12: Đâu là những điều kiện cơ bản có lợi cho chế độ dân chủ?

Chế độ dân chủ thường xuyên gặp thất bại trong thế kỉ XX. Có hơn bảy mươi vụ sụp đổ, đấy là khi chế độ dân chủ phải nhường chỗ cho chế độ độc tài 1. Nhưng đây cũng là giai đoạn thành công rực rỡ của chế độ dân chủ. Trước khi kết thúc, thế kỉ XX đã trở thành thời kì chiến thắng của chế độ dân chủ. Sự lan tỏa và ảnh hưởng trên toàn cầu của các tư tưởng, định chế và thực hành dân chủ làm cho thế kỉ này trở thành giai đoạn phát triển dân chủ chưa từng có trong lịch sử loài người.

Vì vậy mà chúng ta đang trực diện với hai câu hỏi – hay nói đúng hơn, trực diện với một câu hỏi được đặt ra theo hai cách. Tại sao những định chế dân chủ lại được thiết lập tại nhiều nước trong nhiều khu vực trên thế giới đến như thế? Làm sao giải thích được thất bại của nó? Mặc dù không thể nào đưa ra được câu trả lời trọn vẹn, nhưng có thể liệt kê hai nhóm tác nhân liên quan với nhau và chắc chắn là có vai trò cực kì quan trọng.

THẤT BẠI CỦA NHỮNG PHƯƠNG ÁN THAY THẾ

Thứ nhất, trong suốt thế kỉ XX những phương án thay thế chủ yếu cho chế độ dân chủ đã thua trong cuộc cạnh tranh với nó. Ngay trước khi kết thúc một phần tư đầu tiên của thế kỉ những hình thức chính quyền phi dân chủ từng chi phối niềm tin và hoạt động trên hầu khắp các khu vực trên thế giới từ thời xa xưa – quân chủ, quí tộc thế tập, và quả đầu – đã đánh mất tính chính danh và sức mạnh về mặt tư tưởng. Mặc dù những chế độ này đã được thay thế bởi những chế độ phi dân chủ được lòng dân hơn như chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa quốc xã, chủ nghĩa Lenin và những tín điều và chính phủ độc tài khác, nhưng đây là những chế độ sớm nở tối tàn. Chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quốc xã đã bị một đòn chí tử sau thất bại của phe Trục thong Thế chiến II. Sau đó, cũng trong thế kỉ này, các chế độ độc tài quân phiệt, đặc biệt là ở Mĩ Latin cũng bị sụp đổ vì những thất bại trong lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, thậm chí là thất bại về quân sự nữa (Argentina). Trước khi bước vào thập niên cuối cùng của thế kỉ XX, chủ nghĩa Lenin tức là chế độ cộng sản Liên Xô, nền độc tài còn lại và cũng là kẻ cạnh tranh quan trọng nhất với chế độ dân chủ - sau khi bị suy yếu không thể nào gượng dậy nổi dưới áp lực từ bên ngoài và sự thối rữa ngay từ bên trong – đã bất ngờ sụp đổ.

Như vậy là chế độ dân chủ trên toàn thế giới đã được an toàn? Sau Thế chiến I tổng thống Mĩ, Woodson Wilson, từng nói vào năm 1919 với giọng điệu đầy lạc quan (nhưng hóa ra là sai lầm) rằng cuối cùng thế giới “đã thành nơi an toàn đối với chế độ dân chủ” hay chưa?

Đáng tiếc là chưa. Chế độ dân chủ chưa giành được chiến thắng chung cuộc, chiến thắng cũng chưa cận kề. Trung Quốc, nước đông dân nhất và cũng là siêu cường trên thế giới, vẫn chưa dân chủ hóa. Trong suốt bốn ngàn năm văn hiến, nhân dân Trung Quốc chưa từng biết chế độ dân chủ là gì, và khó có khả năng là Trung Quốc sẽ trở thành nước dân chủ trong một thời gian ngắn. Các chế độ phi dân chủ tiếp tục tồn tại cả ở những khu vực khác, thí dụ như ở châu Phi, Đông Nam Á, Trung Đông và ở một số nước thuộc Liên Xô cũ. Trong phần lớn các nước này, điều kiện cho chế độ dân chủ không được thuận lợi lắm, hậu quả là không rõ những nước này có chuyển sang chế độ dân chủ hay không và chuyển hóa như thế nào. Cuối cùng, tại một vài nước đã chuyển hóa và thiết lập được những định chế chính trị căn bản của chế độ dân chủ, các điều kiện cơ bản chưa đủ thuận lợi để có thể bảo đảm rằng chế độ dân chủ sẽ tồn tại vĩnh viễn.

Điều kiện cơ bản là gì? Một lần nữa, tôi xin đưa ra những điều kiện cơ bản hay nền tảng thuận lợi cho sự bền vững của chế độ dân chủ, còn ở đâu mà những điều kiện này quá yếu hay vắng mặt hoàn toàn thì chế độ dân chủ khó mà tồn tại được, nếu tồn tại được thì cũng bấp bênh.

Hình 8 - Đâu là những điều kiện thuận lợi cho các định chế dân chủ?

Những điều kiện quan trọng nhất đối với chế độ dân chủ:

  1. Các quan chức được bầu kiểm soát quân đội và cảnh sát
  2. Niềm tin vào chế độ dân chủ và văn hóa chính trị dân chủ
  3. Không có chế độ cai trị ngoại quốc vừa mạnh vừa thù địch với chế độ dân chủ

Những điều kiện thuận lợi cho chế độ dân chủ:

  1. Nền kinh tế thị trường và xã hội hiện đại
  2. Chủ nghĩa đa nguyên của những nền văn hóa thứ cấp (những nhóm văn hóa nằm trong một nền văn hóa khác – ND) yếu

 

Bây giờ là lúc hỏi: Những điều kiện đó là gì?

Để trả lời chúng ta có thể dựa vào một loạt kinh nghiệm của thế kỉ XX: những nước đã tiến hành quá trình chuyển tiếp sang chế độ dân chủ, đã củng cố và giữ vững được các định chế dân chủ của họ trong suốt hàng chục năm; các nước đã tiến hành chuyển tiếp, nhưng sau đó sụp đổ; và các nước chưa bao giờ thực hiện quá trình chuyển tiếp. Những thí dụ về quá trình chuyển tiếp, củng cố và sụp đổ của chế độ dân chủ cho thấy rằng năm điều kiện (có thể còn hơn) có ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội thành công của chế độ dân chủ trong một nước (hình 8).

CAN THIỆP CỦA NƯỚC NGOÀI

Các định chế dân chủ dường như khó phát triển trong một nước bị nước có thái độ thù địch đối với chính phủ dân chủ trong nước đó can thiệp.

Đôi khi đây là điều kiện đủ để giải thích vì sao các định chế dân chủ không thể phát triển hay tồn tại trong một đất nước, nơi có những điều kiện khác tương đối thuận lợi hơn. Thí dụ, nếu sau Thế chiến II Liên Xô không can thiệp thì có khả năng là hiện nay Tiệp Khắc được coi là một trong những chế độ dân chủ lâu đời. Sự can thiệp của Liên Xô còn cản trở, không để Ba Lan và Hungary phát triển các định chế dân chủ.

Đáng ngạc nhiên hơn là cho đến tận những thập kỉ cuối cùng của thế kỉ XX Mĩ là nước đã sưu tập được thành tích đáng buồn về sự can thiệp vào Mĩ Latinh, nơi đôi khi nước này còn tìm cách phá hoại chính phủ dân cử bằng cách can thiệp chống lại họ nhằm bảo vệ doanh nghiệp Mĩ hay (theo quan điểm chính thức) là bảo vệ an ninh quốc gia của Mĩ. Mặc dù những nước Mĩ Latin này, tức là những nước nơi chế độ dân chủ đã bị bóp chết từ trong trứng nước không hẳn là những nước dân chủ hoàn toàn nhưng nếu họ không bị Mĩ can thiệp – hay tốt hơn nữa là được ủng hộ mạnh mẽ ngay từ những bước đi đầu tiên trong tiến trình dân chủ hóa – thì các định chế dân chủ có thể đã tiến hóa dần theo thời gian. Tệ hại nhất là vụ can thiệp bí mật của các cơ quan tình báo Mĩ vào Guatemala vào năm 1954 nhằm lật đổ chính phủ dân cử của tổng thống Jacopo Arbent, một người dân túy và nghiêng về phái tả.

Cùng với sự sụp đổ của Liên Xô, các nước Trung Âu và vùng Baltic nhanh chóng chuyển sang thiết lập các định chế dân chủ. Bên cạnh đó, Mĩ và cộng đồng quốc tế nói chung, bắt đầu chống lại các chế độ độc tài ở Mĩ Latin cũng như ở những nơi khác và ủng hộ cho sự phát triển của các định chế dân chủ tại phần lớn các khu vực trên thế giới. Trong lịch sử loài người chưa bao giờ các lực lượng quốc tế – chính trị, kinh tế và văn hóa – lại có thái độ ủng hộ những ý tưởng và định chế dân chủ đến như thế. Trong những thập niên cuối cùng của thế kỉ XX, bầu không khí chính trị quốc tế đã diễn ra sự thay đổi mang tính thời đại giúp cải thiện đáng kể tương lai của tiến trình dân chủ.

KIỂM SOÁT QUÂN ĐỘI VÀ CẢNH SÁT

Trừ phi quân đội và cảnh sát nằm hoàn toàn dưới quyền kiểm soát của các quan chức dân cử, các định chế chính trị dân chủ khó mà phát triển hoặc tồn tại được lâu dài.

Bên cạnh mối đe dọa của sự can thiệp từ bên ngoài, mối đe dọa từ bên trong đối với chế độ dân chủ có thể xuất phát từ những người lãnh đạo nắm được những phương tiện cưỡng bức quan trọng nhất: quân đội và cảnh sát. Nếu các quan chức dân cử muốn dành và giữ quyền kiểm soát hữu hiệu đối với quân đội và cảnh sát thì cảnh sát và quân nhân, đặc biệt là hàng ngũ sĩ quan, phải phục tùng họ. Và thái độ phục tùng này (việc kiểm soát của các quan chức dân cử) phải ăn sâu bén rễ đến mức không ai có thể đánh bật được. Tại sao việc kiểm soát của các quan chức dân sự lại hình thành ở một số nước trong khi ở một số nước khác lại không là vấn đề quá phức tạp, không thể trình bày ở đây. Nhưng điều quan trọng đối với chúng ta là nếu không có sự kiểm soát như thế thì tương lai của chế độ dân chủ vẫn còn mờ mịt.

Xin xem xét lịch sử không được may mắn của vùng Trung Mĩ. Trong số 47 chính phủ ở Guatemala, El Salvador, Honduras và Nicaragua, được thành lập từ năm 1948 đến năm 1982, có đến hai phần ba giành được quyền lực không phải bằng những cuộc bầu cử tự do và công bằng – đa số bằng những cuộc đảo chính quân sự 2.

Ngược lại, từ năm 1959 Costa Rica đã và vẫn là ngọn hải đăng của nền dân chủ trong khu vực này. Tại sao người dân Costa Rica lại có thể phát triển và giữ vững được các định chế dân chủ còn những người láng giềng của họ thì không? Ta có thể tìm thấy một phần câu trả lời trong những điều kiện thuận lợi khác. Nhưng ngay cả những điều kiện này cũng không thể giữ được chính phủ dân chủ khi trực diện với những cuộc đảo chính quân sự thường diễn ra trong những khu vực còn lại của Mĩ Latin. Nhưng ngay từ năm 1950, Costa Rica đã loại bỏ được mối đe dọa này: vị tổng thống dân chủ, bằng một quyết định táo bạo chưa từng có, đã thủ tiêu quân đội của nước này!

Không có nước nào bắt chước Costa Rica và hiện có vẻ như nhiều nước cũng không muốn bắt chước. Không gì có thể minh họa một cách sống động về tầm quan trọng của việc các quan chức dân cử phải giành và giữ được quyền kiểm soát đối với quân đội và cảnh sát nếu muốn thiết lập và bảo tồn được các định chế dân chủ hơn là thí dụ vừa nêu.

ÍT HOẶC KHÔNG CÓ XUNG ĐỘT VĂN HÓA

Các định chế chính trị dân chủ có vẻ như sẽ dễ dàng phát triển và tồn tại ở những nước tương đối đồng nhất về văn hóa và khó khăn hơn ở những nước có những nền văn hóa thứ cấp quá khác biệt hay xung đột với nhau.

Những nền văn hóa khác biệt nhau thường hình thành xung quanh những khác biệt về ngôn ngữ, tôn giáo, sắc tộc, bản sắc dân tộc, khu vực và đôi khi là ý thức hệ nữa. Các thành viên chia sẻ bản sắc và ràng buộc tình cảm chung, họ phân biệt rõ ràng “chúng ta” với “người ta”. Họ hướng tới các thành viên khác của nhóm vì có những quan hệ cá nhân: bạn bè, đồng nghiệp, quan hệ thông gia, hàng xóm, khách. Họ thường tham gia vào những sự kiện, trong đó có những buổi hội hè và nghi lễ, tức là những sự kiện xác định ranh giới của nhóm. Trong tất cả những việc đó và cả những việc khác nữa, văn hóa có thể trở thành gần như “lối sống” đối với các thành viên của nhóm, thành đất nước trong một đất nước, dân tộc trong một dân tộc. Có thể nói, trong trường hợp này xã hội đã bị phân tầng theo chiều dọc.

Những vụ xung đột văn hóa có thể tràn vào vũ đài chính trị, và thường xảy ra như thế: thí dụ như xung đột về tôn giáo, sắc tộc, qui định về đồng phục trong nhà trường; hay sự bình đẳng trong việc tiếp cận với giáo dục; hoặc phân biệt đối xử của nhóm này đối với nhóm kia; hay chính phủ có nên ủng hộ tôn giáo và các định chế tôn giáo hay không, và nếu chính phủ làm thế thì phải ủng hộ tôn giáo nào và ủng hộ theo cách nào; hay hành động của một nhóm bị nhóm khác coi là kinh tởm và muốn cấm hẳn thí dụ như phá thai, giết bò, ăn mặc “khiếm nhã”, hay có cần sửa lại biên giới lãnh thổ và biên giới chính cho phù hợp với ước nguyện và yêu cầu của nhóm hay không và nếu sửa thì sửa như thế nào. Vân vân và vân vân.

Những câu hỏi như thế tạo ra vấn đề đặc biệt đối với chế độ dân chủ. Môn đồ của một nền văn hóa đặc biệt nào đó thường coi những đòi hỏi chính trị của họ là những vấn đề mang tính nguyên tắc, là niềm tin tôn giáo hay gần như mang tính tôn giáo, là bảo tồn văn hóa hay chính sự sống còn của nhóm. Kết quả là họ coi đòi hỏi của mình là cực kì quan trọng, không thể nào nhượng bộ được. Họ là những người không thể thương lượng. Nhưng trong qui trình dân chủ hòa bình, nói chung việc giải quyết các vấn đề chính trị đòi hỏi phải có thương lượng, hòa giải, nhượng bộ.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng các nước dân chủ lâu đời và ổn định thường biết cách tránh những cuộc xung đột về văn hóa. Ngay cả khi có những sự khác biệt văn hóa lớn giữa những người dân với nhau, họ thường để cho những vấn đề dễ đàm phán hơn (thí dụ như những vấn đề kinh tế) giữ thế thượng phong.

Có ngoại lệ không? Có vài trường hợp. Sự đa dạng về văn hóa đặc biệt rõ ở Mĩ, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan và Canada. Nhưng nếu đa dạng văn hóa đe dọa tạo ra những vụ xung đột khó điều hòa được, làm sao các định chế dân chủ có thể tồn tại được trong những nước đó?

Kinh nghiệm của những nước này – dù rất khác nhau – cho thấy rằng ở một đất nước, nơi tất cả những điều kiện khác đều thuận lợi đối với nền dân chủ, hậu quả chính trị bất lợi tiềm tàng của sự đa dạng về văn hóa đôi khi có thể làm cho trở thành quản lí được.

Đồng hóa. Đây là giải pháp của Mĩ. Từ những năm 1840 đến 1920, nền văn hóa chủ đạo – được những người định cư da trắng, phần lớn tới từ nước Anh, thiết lập một cách vững chắc trong hai thế kỉ thuộc địa và độc lập – đối mặt với làn sóng di dân không phải từ Anh như Ireland, các nước vùng Scandinavia, Đức, Ba Lan, Italy và những nơi khác – đấy là những di dân khác biệt về ngôn ngữ (trừ người Irland), tôn giáo, thức ăn, trang phục, phong tục, tập quán, hàng xóm và những đặc điểm khác. Năm 1910, hầu như cứ năm người sống ở Mĩ thì có một người sinh ra ở nước ngoài; ngoài ra, cứ bốn người da trắng sinh ở Mĩ thì ít nhất cũng có một người có cha mẹ sinh ra ở nước ngoài. Nhưng chỉ trong một hoặc hai thế hệ sau khi người nhập cư tới được bến bờ của nước Mĩ, hậu duệ của họ đã được đồng hóa với nền văn hóa chủ đạo sâu sắc đến mức mặc dù nhiều người Mĩ hiện vẫn còn giữ (hay phát triển) sự gắn bó với đất nước hay nền văn hóa quê cha đất tổ nhưng lòng trung thành chính trị và bản sắc chủ yếu thì đã là Mĩ.

Mặc dù sự thành công đáng kinh ngạc của quá trình đồng hóa trong việc làm giảm thiểu những vụ xung đột văn hóa mà người di dân đông đảo như thế có thể gây ra cho nước Mĩ, nhưng kinh nghiệm của Mĩ cũng cho thấy một số khiếm khuyết nghiêm trọng của giải pháp này.

Khởi kì thủy, khó khăn của quá trình đồng hóa giảm đáng kể bởi vì nhiều người trưởng thành đến Mĩ nhằm tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp mà nước này hứa hẹn cho nên họ hăng hái đồng hóa, để “trở thành người Mĩ chính hiệu”. Con cái họ còn nhiệt tình hơn. Quá trình đồng hóa xảy ra một cách tự nguyện hay là bị ép buộc bởi cơ chế xã hội (như sự xấu hổ) làm cho nhu cầu sử dụng áp lực của nhà nước giảm đến mức tối đa 3.

Nếu đông đảo những người nhập cư, nói chung, đã đồng hóa thành công, khi xã hội Mĩ đối diện với sự khác biệt về văn hóa và sắc tộc sâu sắc hơn thì những hạn chế của cách tiếp cận này mới bị phát hiện. Trong vụ chạm trán giữ dân da trắng và những thổ dân đã làm chủ Tân Thế Giới từ những ngày xa xưa, việc đồng hóa đã diễn ra bằng bạo lực, tái định cư bắt buộc và cách li khỏi xã hội chủ đạo. Xã hội Mĩ cũng không đồng hóa được phần lớn người nô lệ gốc Phi châu và hậu duệ của; cũng giống như người da Đỏ, họ là những người đã sống ở Mĩ rất lâu trước khi đa phần người nhập cư đến được bến bờ của Mĩ. Ranh giới đẳng cấp trên cơ sở sắc tộc do bạo lực tạo ra là lực cản hữu hiệu đối với quá trình đồng hóa. Sự thất bại tương tự cũng từng xảy ra vào cuối thế kỉ XIX, đấy là khi những người nhập cư châu Á tới làm việc trên các trang trại và công trường xây dựng đường sắt.

Còn có một sự ngăn cách lớn nữa mà đồng hóa có thể không vượt qua được. Trong những năm đầu của thế kỉ XIX n,ền văn hóa, kinh tế và xã hội thứ cấp dựa vào chế độ nô lệ, phát triển ở các bang miền Nam. Người Mĩ sống ở các bang miền Nam và đồng bào của họ ở các bang miền Bắc và miền Tây bị những lối sống không thể tương nhượng làm cho xa cách. Kết quả chung cuộc là “cuộc xung đột không thể kìm nén được”, một cuộc xung đột không thể giải quyết nổi - mặc cho những cố gắng to lớn – bằng biện pháp thương lượng và thỏa hiệp hòa bình 4. Thế là dẫn đến cuộc nội chiến kéo dài bốn năm và rất nhiều người đã phải hi sinh. Nhưng cuộc xung đột không chấm dứt ngay cả sau khi các bang miền Nam thua và chế độ nô lệ bị bãi bỏ. Nền văn hóa thứ cấp và cơ cấu xã hội đặc thù của miền Nam xuất hiện, trong đó việc đàn áp người Mĩ gốc Phi được thực hiện bằng đe dọa sử dụng vũ lực và khủng bố, và trên thực tế đã từng xảy ra những vụ bạo lực và khủng bố như thế.

Xin không liệt kê thêm những thất bại của quá trình đồng hóa trong quá khứ. Cuối thế kỉ XX người ta vẫn không rõ liệu thực tiễn của quá trình đồng hóa của Mĩ có giải quyết thành công với những người nói tiếng Tây Ban Nha cũng như những nhóm người thiểu số khác – tức là những nhóm người có bản sắc riêng và ngày càng gia tăng – hay không. Liệu Mĩ có phát triển thành xã hội đa văn hóa, nơi đồng hóa không còn bảo đảm được rằng những vụ xung đột văn hóa có thể được giải quyết một cách hòa bình, theo các thủ tục dân chủ hay không? Hay Mĩ sẽ trở thành một nước, trong đó những sự khác biệt về văn hóa sẽ nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, lòng bao dung và thích nghi? 5

Giải quyết bằng đồng thuận. Những nền văn hóa thứ cấp khác biệt và có khả năng xung đột với nhau đã và đang tồn tại ở Thụy Sĩ, Bỉ và Hà Lan. Chúng ta có thể học được gì từ kinh nghiệm của ba nước dân chủ này?

Những dàn xếp chính trị đòi hỏi sự nhất trí hoàn toàn hay đồng thuận rộng rãi trước khi quyết định đều do nội cách hay quốc hội đưa ra. Nguyên tắc cai trị của đa số sinh ra (ở mức độ khác nhau) nguyên tắc nhất trí. Bất cứ quyết định nào của chính phủ có ảnh hưởng mạnh tới quyền lợi của một hay một vài nền văn hóa thứ cấp cũng đều chỉ được thi hành sau khi đã được những người đại diện của nhóm đó trong nội các hay quốc hội công khai tán thành. Hệ thống bầu cử PR – bảo đảm rằng mỗi nhóm đều có đại diện một cách công bằng trong quốc hội - tạo điều kiện thuận lợi cho giải pháp này. Họ còn có đại diện trong nội các nữa. Với truyền thống đồng thuận trong những nước này, thành viên nội các của mỗi nhóm có thể phủ quyết những chính sách mà họ không đồng ý. (Những dàn xếp chính trị như thế này – các nhà chính trị học gọi là “dân chủ liên minh” (consociational) – khác nhau rất nhiều về chi tiết giữa ba nước nói trên. Xem thêm, Phụ lục B).

Rõ ràng là, không thể tạo ra được hệ thống đồng thuận tương tự như thế hoặc hệ thống đó sẽ không thể nào hoạt động được nếu không có những điều kiện cực kì đặc biệt. Trong đó có tài năng hòa giải; lòng khoan dung để có thể thỏa hiệp; những người lãnh đạo xứng đáng, những người này có thể đàm phán để tìm giải pháp – được những người ủng hộ tán thành - cho cuộc xung đột; đồng thuận rộng rãi - trên những mục tiêu và giá trị cơ bản – đủ sức làm cho người ta có thể đồng ý với nhau; bản sắc dân tộc làm nản lòng những yêu cầu đòi chia tách và lòng trung thành với những thủ tục dân chủ, tức là những thủ tục không chấp nhận bạo lực và biện pháp cách mạng.

Nhưng đây là những điều kiện hiếm khi xảy ra. Nơi nào không có những điều kiện như thế, khó có khả năng xảy ra những dàn xếp cần sự đồng thuận. Ngay cả khi đã có những dàn xếp như thế - như thí dụ đầy bi kịch ở Lebanon cho thấy – chúng cũng có thể sụp đổ dưới áp lực của xung đột gay gắt về văn hóa. Lebanon, nước từng có thời được các nhà chính trị học coi là “chế độ dân chủ liên minh” rất thành công, đã rơi vào cuộc nội chiến kéo dài trong năm 1958, đấy là khi căng thẳng nội bộ quá lớn, hệ thống đồng thuận không thề dàn xếp được.

Hệ thống bầu cử. Những khác biệt về văn hóa thường tuột khỏi vòng kiểm soát là do các chính khách cạnh tranh nhằm giành cho bằng được các ủng hộ viên. Các chế độ độc tài đôi khi cũng tìm cách sử dụng lực lượng cưỡng chế đồ sộ của nó nhằm áp đảo và đàn áp những vụ xung đột văn hóa, những vụ xung đột này sau đó có thể mất dần tính cách bạo lực và có những bước tiến dần tới dân chủ hóa. Tưởng là dễ dàng giành được sự ủng hộ của những người đồng văn, các chính trị gia có thể cố tình kêu gọi những thành viên của nhóm mình và bằng cách đó họ đã xúi giục tình trạng thù địch đang âm ỉ thành ra lòng hận thù mà đỉnh điểm sẽ là “thanh lọc văn hóa”.

Muốn tránh hậu quả như thế, các nhà chính trị học đề nghị thiết kế hệ thống bầu cử nhằm thay đổi sáng kiến của các chính khách sao cho hòa giải có lợi hơn là xung đột. Nếu làm theo đề nghị của họ, không ứng viên nào có thể được bầu nếu chỉ được sự ủng hộ của một nhóm văn hóa duy nhất, họ cần phải được cử tri của một vài nhóm lớn ủng hộ thì mới hi vọng trúng cử. Vấn đề dĩ nhiên là ngay từ trước, tức là trong quá trình dân chủ hóa, phải thuyết phục các nhà lãnh đạo chấp nhận phương án này. Một khi hệ thống bầu cử tách biệt hơn được áp dụng, vòng xoáy xung đột văn hóa có thể sẽ giảm hẳn.

Chia tách. Nếu sự phân li về văn hóa đã sâu sắc đến mức những biện pháp bên trên không thể nào giải quyết nổi thì biện pháp duy nhất còn lại là tách các nhóm văn hóa này thành những đơn vị chính trị khác nhau, trong đó mỗi nhóm đều có quyền tự chủ đủ để giữ được bản sắc và đạt được những mục tiêu chủ yếu về mặt văn hóa của họ. Trong một số trường hợp ,giải pháp có thể là hệ thống liên bang, trong đó các đơn vị - bang, tỉnh, tổng – có quyền tự chủ đến mức có thể giàn xếp được với các nhóm khác nhau. Thành phần then chốt trong xã hội đa văn hóa hài hòa của Thụy Sĩ là hệ thống liên bang do họ lập ra. Đa số các tổng của Thụy Sĩ là thuần nhất về mặt văn hóa, thí dụ một tổng có thể là của người nói tiếng Pháp theo đạo Thiên chúa, tổng kia là người nói tiếng Đức theo đạo Tin lành. Quyền lực của các tổng tương ứng với nhu cầu văn hóa của họ.

Tương tự như những giải pháp chính trị mang tính dân chủ đối với vấn đề đa văn hóa, giải pháp của Thụy Sĩ đòi hỏi phải có những điều kiện khác thường – trong trường hợp này, ít nhất phải có hai. Thứ nhất, công dân của những nền văn hóa thứ cấp phải nằm trong những vùng lãnh thổ được phân định từ trước, để giải pháp không gây ra những khó khăn nghiêm trọng. Và thứ hai, mặc dù vì mục đích nào đó mà họ được chia thành những đơn vị độc lập, nhưng công dân phải có bản sắc dân tộc, mục tiêu và giá trị chung đủ mạnh để có thể giữ được liên bang. Mặc dù Thụy Sĩ có cả hai điều kiện đó, nhưng đây là những điều kiện không phổ biến.

Ở đâu chỉ có điều kiện thứ nhất mà không có điều kiện thứ hai, sự khác biệt về văn hóa có thể dẫn đến yêu cầu đòi hỏi độc lập hoàn toàn. Nếu một nước dân chủ tách thành hai một cách hòa bình thì đây là giải pháp hoàn hảo, đấy là nói nếu chỉ xét theo các tiêu chuẩn dân chủ. Thí dụ, sau gần một thế kỉ gần như độc lập với Thụy Điển, năm 1905 Na Uy giành được độc lập hoàn toàn bằng con đường hòa bình.

Nhưng nếu điều kiện đầu tiên tồn tại một cách không hoàn chỉnh vì các nhóm hòa quyện vào nhau thì nền độc lập có thể tạo ra những khó khăn nghiêm trọng cho nhóm thiểu sổ (hay những nhóm thiểu số) sẽ bị đưa vào đất nước mới. Đến lượt nó, điều này lại biện họ cho đòi hỏi của họ về quyền độc lập hay tiếp tục ở lại, theo cách nào đó, trong đất nước cũ. Vấn đề này làm phức tạp thêm yêu cầu đòi độc lập khỏi Canada của tỉnh Quebec. Mặc dù nhiều công dân nói tiếng Pháp của Quebec muốn được độc lập hoàn toàn, nhưng tỉnh này lại có khá nhiều người không nói tiếng Pháp – đấy là những người nói tiếng Anh, thổ dân và những người nhập cư khác – họ muốn tiếp tục được là công dân Canada. Mặc dù giải quyết vấn đề lãnh thổ là phức tạp, nhưng về lí thuyết vẫn có thể có giải pháp sao cho những người muốn tiếp tục làm công dân Canada có thể làm được như thế, song về mặt chính trị, giải pháp có khả thi hay không thì vẫn còn chưa rõ ràng 6.

Sự kiện có thể làm người ta nản lòng là thành công của tất cả những giải pháp cho những vấn đề của hiện tượng đa văn hóa trong đất nước dân chủ mà tôi vừa trình bày và cả những vấn đề khác phụ thuộc vào những điều kiện đặc thù, nhưng đây lại là những điều kiện hiếm khi xảy ra. Vì đa số các nước dân chủ lâu đời đều có thành phần dân số không phức tạp lắm cho nên họ có thể tránh được những vụ xung đột văn hóa nghiêm trọng. Nhưng những thay đổi đã bắt đầu từ cuối thế kỉ XX chắc chắn sẽ chấm dứt tình hình thuận lợi này trong thế kỉ XXI.

NIỀM TIN VÀ VĂN HÓA DÂN CHỦ

Trước sau gì thì hầu như tất cả các nước cũng đều phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng sâu sắc – trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, quân sự, quan hệ quốc tế. Hậu quả là nếu hệ thống dân chủ muốn tồn tại trong một thời gian dài thì nó phải vượt qua được những thách thức và rối loạn mà những cuộc khủng hoảng này tạo ra. Đạt được chế độ dân chủ ổn định không chỉ là lái thuyền khi mưa thuận gió hóa, nó còn có nghĩa là đôi khi phải lái thuyền ngược gió và trong bão giông nữa.

Trong những vụ khủng hoảng nghiêm trọng và kéo dài có nhiều khả năng là chế độ dân chủ sẽ bị những lãnh tụ độc tài lật đổ, đấy là những kẻ hứa chấm dứt khủng hoảng bằng những biện pháp độc tài. Đương nhiên là biện pháp của họ đòi hỏi rằng những định chế và thủ tục dân chủ phải được xếp xó.

Trong thế kỉ XX, sự sụp đổ của chế độ dân chủ là hiện tượng thường thấy, như bảy mươi thất bại của chế độ dân chủ được nhắc tới ở đầu chương này là một bằng chứng. Nhưng cũng có một số nền dân chủ đã vượt qua được phong ba bão táp, không phải một mà nhiều lần. Một số, như chúng ta đã thấy, thậm chí đã vượt qua được những khác biệt văn hóa rất gay gắt. Và một số con vươn lên với con tàu dân chủ thậm chí còn có khả năng chịu đựng sóng gió hơn trước. Những nước đã vượt qua được giai đoạn giông bão đó chính là những nước mà nay chúng ta gọi là những nền dân chủ lâu đời.

Tại sao các định chế dân chủ ở một số nước lại khủng hoảng còn một số nước khác thì không? Ngoài những điều kiện thuận lợi mà tôi đã trình bày, chúng ta còn phải đưa thêm một yếu tố nữa. Viễn cảnh của chế độ dân chủ của một nước sẽ được cải thiện nếu công dân và những người lãnh đạo của họ ủng hộ mạnh mẽ cho những ý tưởng, giá trị và hoạt động dân chủ. Sự ủng hộ đáng tin cậy nhất xảy ra khi những niềm tin và khuynh hướng này ăn sâu bén rễ vào nền văn hóa của đất nước và được truyền từ thế hệ nọ sang thế hệ kia. Nói cách khác, đấy là đất nước có nền văn hóa chính trị dân chủ.

Nền văn hóa chính trị dân chủ giúp hình thành những người công dân với niềm tin rằng: chế độ dân chủ và quyền bình đẳng về chính trị là những mục tiêu đáng mong ước; các nhà lãnh đạo dân cử phải nắm trọn quyền kiểm soát quân đội và cảnh sát; phải giữ được những định chế dân chủ căn bản, được trình bày trong chương 8; cần phải có lòng khoan dung và bảo vệ sự khác biệt và bất đồng chính kiến giữa các công dân với nhau.

Tôi không có ý nói rằng mọi công dân trong một nước dân chủ phải được giáo dục để trở thành công dân có tinh thần dân chủ hòan hảo. May là không, hay chắc chắn là chưa có nền dân chủ nào như thế cả! Nhưng nếu đa số công dân không thích chế độ dân chủ và các định chế của nó hơn bất kì sự lựa chọn thay thế phi dân chủ nào khác và không ủng hộ những nhà lãnh đạo chính trị, những người thúc đẩy thực tiễn dân chủ thì chế độ dân chủ khó có thể vượt qua được những cuộc khủng hoảng chắc chắn sẽ phải xảy ra. Thực vậy, ngay cả một nhóm thiểu số tương đối đông những người phản dân chủ hung bạo và quân phiệt cũng có thể đủ sức phá tan khả năng bảo vệ những định chế dân chủ của đất nước.

Làm sao người dân một nước lại tin vào những ý tưởng và thực tiễn dân chủ? Làm sao các ý tưởng và thực tiễn dân chủ lại trở thành thành tố nội tại của nền văn hóa của đất nước? Muốn trả lời những câu hỏi này chúng ta phải đi sâu vào những sự kiện lịch sử, một số sự kiện chung nhất, một số là những sự kiện đặc thù của đất nước cụ thể nào đó, đây là nhiệm vụ vượt ra khỏi khuôn khổ của tác phẩm này. Chỉ xin được nói như sau: Đất nước có lịch sử dẫn đến những kết quả như thế là đất nước may mắn!

Nhưng dĩ nhiên là lịch sử không phải lúc nào cũng hào phóng như thế. Không những thế, lịch sử lại ban cho nhiều nước một nền văn hóa chính trị, mà trong trường hợp tốt nhất cũng chỉ ủng hộ các ý tưởng và định chế dân chủ một cách yếu ớt, còn trong trường hợp xấu nhất thì lại ủng hộ mạnh mẽ cho những chế độ độc tài.

KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Về mặt lịch sử, sự phát triển của niềm tin và văn hóa dân chủ gắn bó mật thiết với điều mà ta có thể gọi là nền kinh tế thị trường. Đặc biệt hơn là, nền kinh tế thị trường, trong đó các doanh nghiệp chủ yếu là của tư nhân chứ không phải quốc doanh nghĩa là kinh tế tư bản chủ nghĩa chứ không phải xã hội chủ nghĩa hay quốc doanh là điều kiện thuận lợi lớn đối với các định chế dân chủ. Nhưng sự gắn bó mật thiết giữa chế độ dân chủ và chủ nghĩa tư bản-thị trường lại che dấu một nghịch lí: kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa nhất định sinh ra sự bất bình đẳng về nguồn lực chính trị mà các công dân có thể tiếp xúc. Như vậy là, nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa làm suy yếu nghiêm trọng quyền bình đẳng chính trị: những người công dân bất bình đẳng về kinh tế khó có thể là những người bình đẳng về chính trị. Trong các nước với nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, bình đẳng hoàn toàn về mặt chính trị là việc bất khả thi. Kết quả là giữa chế độ dân chủ và kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa bao giờ cũng có sự căng thẳng. Có sự lựa chọn khả dĩ nào khác cho nền kinh tế thị trường, ít phương hại hơn đối với quyền bình đẳng chính trị hay không? Tôi sẽ trở lại vấn đề này, và trở lại với câu hỏi tổng thể hơn về quan hệ giữa chế độ dân chủ và chủ nghĩa tư bản thị trường trong hai chương sau.

Nhưng, hiện tại chúng ta không thể không kết luận rằng nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, xã hội do nó tạo ra và sự phát triển kinh tế mà nó thường đem lại là những điều kiện thuận lợi lớn cho sự phát triển và bảo vệ những định chế chính trị dân chủ.

TÓM TẮT

Có khả năng là những điều kiện khác cũng có vai trò tích cực – chế độ pháp quyền, một nền hòa bình kéo dài và những điều kiện khác nữa. Nhưng tôi tin rằng năm điều kiện mà tôi vừa trình bày là những điều kiện quan trọng nhất. Chúng ta có thể tóm tắt luận cứ của chương này bằng ba định đề sau đây: Thứ nhất, đất nước có cả năm điều kiện đó gần như chắc chắn sẽ phát triển và giữ được những định chế dân chủ. Thứ hai, đất nước không có cả năm điều kiện trên rất khó phát triển được những định chế dân chủ, mà nếu có thì cũng khó mà giữ được. Còn về những nước có điều kiện hỗn hợp – một số thuận lợi, còn một số bất lợi, thì sao? Tôi xin hoãn câu trà lời và định đề thứ ba cho đến khi chúng ta xem xét xong trường hợp kì lạ của Ấn Độ.

ẤN ĐỘ: CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ KHÔNG CHẮC CHẮN

Có thể bạn đã bắt đầu ngạc nhiên về Ấn Độ. Có phải nước này không có tất cả những điều kiện thuận lợi hay không? Nếu thế, nó có mâu thuẫn với toàn bộ luận cứ của tôi hay không? Vâng, không hoàn toàn.

Dường như việc Ấn Độ có thể giữ được các định chế dân chủ trong một thời gian dài trước những điều kiện như thế là rất khó có thể xảy ra. Cuối thế kỉ XX, Ấn Độ có gần một tỉ người, dân chúng lại chia tách theo nhiều cách hơn bất kì nước nào khác trên thế giới. Nguyên nhân chia rẽ bao gồm ngôn ngữ, đẳng cấp, giai cấp, tôn giáo và khu vực – mỗi thứ lại chia tành vô vàn tiểu nhóm khác nhau nữa 7.  Xin xem xét:

Ấn Độ không có ngôn ngữ dân tộc. Hiến pháp Ấn Độ chính thức công nhận 15 ngôn ngữ. Nhưng ngay cả như thế nó vẫn chưa nói hết được sự nghiệm trọng của vấn đề ngôn ngữ: ít nhất có một triệu người Ấn Độ nói một trong 35 ngôn ngữ khác nhau. Hơn thế nữa, người Ấn Độ nói hơn 22 ngàn phương ngữ khác nhau.

Mặc dù hơn 80% người dân theo Ấn giáo (số còn lại theo Hồi giáo, mặc dù có một bang, bang Kerala, lại chủ yếu là người Thiên chúa giáo), tác dụng đồng nhất hóa của Ấn giáo lại bị chính hệ thống đẳng cấp – do Ấn giáo qui định cho người Ấn Độ từ khoảng năm 1.500 trước Công lịch – làm suy giảm nghiêm trọng. Tương tự như ngôn ngữ, hệ thống đẳng cấp cũng là nguyên nhân chia rẽ bất tận. Xin nói ngay rằng rất nhiều người không nằm trong bốn đẳng cấp cha truyền con nối được qui định: đấy là những “tiện dân”, tiếp xúc với họ làm ô uế con người. Ngoài ra, mỗi đẳng cấp lại được chia thành cực kì nhiều tiểu đẳng cấp, trong đó địa vị xã hội, nơi cư trú và công việc của các thành viên của nó được qui định một cách rất chặt chẽ.

Ấn Độ là một trong những người nghèo nhất thế giới. Từ năm 1981 đến năm 1995 gần một nửa dân số Ấn Độ có mức sống tương đương với dưới một dollar Mĩ một ngày. Theo tiêu chí này, chỉ có bốn nước nghèo hơn Ấn Độ. Trong những năm 1993-1994 hơn một phần ba dân chúng Ấn Độ - tức là hơn 300 triệu người, đa số là người sản xuất nông nghiệp, sống trong các làng nhỏ – được chính thức coi là sống dưới mức nghèo khổ. Năm 1996 theo chỉ số nghèo đói (Human Poverty Index), Ấn Độ đứng thứ 47 trong số 78 nước đang phát triển, chỉ trên Rwanda (xếp thứ 48) có một bậc. Ngoài ra, gần một nửa người Ấn Độ trên 15 tuổi và hơn 60% phụ nữ trên 6 tuổi không biết đọc biết viết.

Mặc dù Ấn Độ đã giành được độc lập từ năm 1947 và thông qua hiến pháp dân chủ từ năm 1950, dựa vào những điều kiện mà tôi đã mô tả bên trên, sẽ không ai lấy làm ngạc nhiên nếu thực tiễn chính trị Ấn Độ có những khiếm khuyết nghiêm trọng, đấy là nói xét từ quan điểm dân chủ. Ở đây thường xảy ra những vụ vi phạm những quyền căn bản của người dân 8. Các nhà doanh nghiệp coi Ấn Độ là một trong 10 nước tham nhũng nhất thế giới 9. Tệ hơn nữa, năm 1975 hiến pháp dân chủ bị bãi bỏ và được thay bằng chế độ độc tài, đấy là khi thủ tướng Indira Gandhi tổ chức đảo chính, tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đình chỉ các quyền dân sự và bỏ tù hàng ngàn người đối lập có tiếng tăm.

Nhưng đa số người Ấn Độ, trong hầu hết thời gian, vẫn ủng hộ những định chế dân chủ. Hai năm sau khi Indira Gandhi cướp chính quyền, bà đã bị thất cử trong một cuộc bầu cử tương đối công bằng. Nếu người dân không am hiểu về dân chủ thì họ sẽ chẳng bao giờ làm như thế. Không chỉ giới tinh hoa chính trị, mà nói chung nhân dân Ấn Độ dường như gắn bó với những định chế và thực tiễn dân chủ hơn là Indira Gandhi tưởng và họ đã không cho bà cai trị theo lối độc tài.

Mặc dù đời sống chính trị Ấn Độ rất hỗn loạn và thường quá khích, nhưng dù sao những định chế dân chủ với tất cả những ưu khuyết điểm của nó vẫn tiếp tục hoạt động. Lời nhận xét này dường như làm lung lay tất cả mọi điều có thể tưởng tượng được. Giải thích chuyện này như thế nào? Bất kì câu trả lời nào cho câu đố mà người Ấn Độ đặt ra cũng đều là câu trả lời không chắc chắn. Dù có thể làm người ta ngạc nhiên, nhưng một số khía cạnh của đời sống Ấn Độ có thể giúp giải thích vì sao nước này có thể giữ được những định chế dân chủ của mình.

Trước hết, một vài điều kiện thuận lợi mà tôi đã trình bày quả thật có tồn tại tại Ấn Độ. Sinh ta từ thuộc địa cũ của Anh, lực lượng vũ trang Ấn Độ có thói quen và vẫn giữa được tinh thần tuân thủ các lãnh tụ dân sự được bầu. Do đó Ấn Độ đã tránh được mối đe dọa lớn nhất đối với các chính phủ dân chủ trong các nước đang phát triển. Khác với các nước Mĩ Latin, truyền thống của quân đội Ấn Độ ít khi ủng hộ cho các cuộc đảo chính quân sự hay chế độ độc tài quân sự. Cảnh sát, mặc dù có hiện tượng tham nhũng tràn lan, nhưng không phải là lực lượng chính trị độc lập đủ sức làm đảo chính.

Ngoài ra, những người lập nên nhà nước Ấn Độ hiện đại, tức là những người dẫn dắt Ấn Độ đến nền độc lập, giúp định hình hiến pháp và các định chế chính trị của quốc gia, đều là những người tin tưởng vào chế độ dân chủ. Những phong trào mà họ lãnh đạo đều ủng hộ mạnh mẽ cho các ý tưởng và định chế dân chủ. Có thể nói chế độ dân chủ là ý thực hệ dân tộc của Ấn Độ. Không có ý thức hệ nào khác. Như tinh thần quốc gia của Ấn Độ thì nó có thể là yếu, nhưng nước này gắn bó mật thiết với tư tưởng và niềm tin dân chủ đến mức ít người Ấn Độ ủng hộ phương án phi dân chủ.

Hơn nữa, dù Ấn Độ là nước đa dạng về văn hóa nhưng đây là nước duy nhất trên thế giới, nơi niềm tin và thực hành Ấn giáo lan truyền rộng khắp đến như thế. Cứ mười người thì có tám người là tín đồ Ấn giáo. Mặc dù hệ thống đẳng cấp là hệ thống gây chia rẽ và những người dân tộc chủ nghĩa theo Ấn giáo là mối đe dọa đối với những người thiểu số theo Hồi giáo, nhưng Ấn giáo đúng là đã tạo ra một cái gì đó làm cơ sở cho bản sắc chung của đa số người Ấn Độ.

Nhưng ngay cả khi những điều kiện này có cổ vũ cho các định chế dân chủ thì cảnh nghèo đói tràn làn cùng với sự chia rẽ gay gắt về văn hóa có thể là mảnh đất tốt cho sự bộc phát của những phong trào bài dân chủ, đủ sức lật nhào chế độ dân chủ và thiết lập chế độ độc tài. Tại sao chuyện đó lại không xảy ra. Xem xét một cách kĩ lưỡng hơn sẽ cho thấy một vài điều thú vị.

Thứ nhất, mỗi người Ấn Độ đều là thành viên của một nhóm thiểu số về mặt văn hóa, nhỏ đến mức họ không thể cai trị Ấn Độ một mình. Việc Ấn Độ bị chia cắt thành hằng hà sa số mảnh vụn văn hóa như thế có nghĩa là mỗi mảnh đều nhỏ, nhỏ đến mức không chỉ không thể trở thành đa số mà còn nhỏ đến mức không thể nào cai trị nổi cái tiểu lục địa to lớn và đa dạng đến như vậy. Không một cộng đồng thiểu số Ấn Độ nào có thể cai trị mà không dùng bạo lực của quân đội và cảnh sát một cách tràn lan. Nhưng, như chúng ta đã nhận xét, quân đội và cảnh sát không sẵn sàng làm những việc như thế.

Thứ hai, trừ một vài ngoại lệ, thành viên của nhóm thiểu số về mặt văn hóa không sống cùng nhau trong một khu vực duy nhất mà có xu hướng rải ra trong nhiều khu vực khác nhau của Ấn Độ. Hậu quả là, phần lớn các cộng đồng thiểu số đó không thể hi vọng tách ra thành một nước riêng biệt bên ngoài biên giới lãnh thổ Ấn Độ. Dù muốn dù không, số phận của đa phần người dân Ấn Độ đã được an bài: vĩnh viễn là công dân Ấn Độ 10.

Cuối cùng, đa phần người Ấn Độ cho rằng trên thực tế không thể có lựa chọn nào khác có thể thay thế được cho chế độ dân chủ. Tự mình, không có nhóm thiểu số Ấn Độ nào có thể lật đổ được các định chế dân chủ và thiết lập được chế độ độc tài, hi vọng vào sự giúp đỡ của quân đội và cảnh sát sẽ buộc họ phải duy trì chính phủ độc tài, không nhóm thiểu số nào có thể hi vọng tách ra thành một nước riêng hay có thể đưa ra được những phương án về định chế và tư tưởng có sức hấp dẫn, đủ sức thay thế cho chế độ dân chủ. Kinh nghiệm chỉ ra rằng bất cứ liên minh đáng kể nào từ những nhóm thiểu số khác nhau cũng đều chia rẽ, không thể duy trì được lâu dài để có thể chiếm chính quyền được, chứ chưa nói tới duy trì chính phủ độc tài. Dường như chế độ dân chủ là lựa chọn khả dĩ duy nhất đối với đa số người Ấn Độ.

Câu chuyện đầy đủ về chế độ dân chủ ở Ấn Độ thì phức tạp hơn nhiều, chuyện đầy đủ về bất kì vấn đề nào cũng đều như thế cả. Nhưng cuối cùng, Ấn Độ đã khẳng định định đề thứ ba của tôi. Một nước không có một hoặc một vài nhưng không phải tất cả năm điều kiện thuận lợi cho chế độ dân chủ, chế độ dân chủ là khá bấp bênh, có thể không chắc chắn, nhưng không hoàn toàn bất khả thi.

TẠI SAO CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ LAN TRÀN KHẮP THẾ GIỚI

Tôi bắt đầu chương này bằng cách nhận xét rằng chế độ dân chủ thường xuyên gặp thất bại trong suốt thế kỉ XX, nhưng đến cuối thế kỉ thì nó lại phát triển cực kì nhanh. Bây giờ chúng ta có thể giải thích được chiến thắng huy hoàng đó: những điều kiện thuận lợi mà tôi mô tả đã lan ra nhiều nước trên thế giới.

  • Nguy cơ của sự can thiệp của lực lượng thù địch với qua trình dân chủ hóa giảm bớt đáng kể từ khi chế độ thuộc địa bị giải thể, người dân đã giành được quyền tự chủ, những chế độ tài chủ chốt bị sụp đổ và cộng đồng quốc tế ủng hộ mạnh mẽ cho quá trình dân chủ hóa.
  • Sức cám dỗ của chế độ độc tài quân sự suy giảm vì không chỉ người dân mà ngay cả các vị chỉ huy quân sự cũng nhận thức được một cách rõ ràng rằng các nhà cầm quyền quân sự thường không có khả năng đáp ứng được những thách thức của xã hội hiện đại. Thực vậy, họ thường tỏ ra là những người rất thiếu năng lực. Như vậy là, tại nhiều nước, một trong những mối đe dọa lâu đời nhất và nguy hiểm nhất đối với chế độ dân chủ cuối cùng đã bị xóa sổ hay đã giảm đi rất nhiều.
  • Nhiều nước, nơi diễn ra quá trình dân chủ hóa, là những nước tương đối thuần nhất, đủ sức tránh được những vụ xung đột văn hóa nghiêm trọng. Đấy thường là những nước nhỏ, chứ không phải là tập hợp khổng lồ của những nền văn hóa khác nhau. Ở những nước bị chia rẽ một cách sâu sắc hơn về mặt văn hóa, người ta đã tìm được những giải pháp được mọi người đồng thuận. Ở ít nhất là một nước, đấy là Ấn Độ, không có nền văn hóa thiểu số nào đủ mạnh để có thể nắm quyền cai trị. Ngược lại, những nơi mà xung đột văn hóa quá mạnh, thí dụ như một số khu vực ở châu Phi và Nam Tư cũ, dân chủ hóa gần như là một thảm họa.
  • Cùng với những thất bại hiển nhiên của những hệ thống toàn trị, những chế độ độc tài quân sự và nhiều chế độ độc tài khác, lòng tin và ý thức hệ phi dân chủ đã đánh mất tính hấp dẫn mà nó từng có trước đây tại nhiều khu vực trên thế giới. Trước đây, trong lịch sử nhân loại chưa bao giờ có nhiều người ủng hộ những tư tưởng và định chế dân chủ đến như thế.
  • Những định chế của chủ nghĩa tư bản thị trường đã lan tràn từ nước nọ sang nước kia. Chủ nghĩa tư bản thị trường không chỉ làm cho kinh tế phát triển nhanh hơn và thịnh vượng hơn mà còn làm thay đổi một cách căn bản xã hội bằng cách tạo ra giai cấp trung lưu có ảnh hưởng và đông đảo, và cũng là giai cấp có cảm tình với những tư tưởng và định chế dân chủ.

Vì những lí do đó, và có thể còn có những lí do khác nữa, mà thế kỉ XX đã trở thành Thế kỉ Chiến thắng của Chế độ Dân chủ. Nhưng chúng ta phải xem xét chiến thắng này với sự thận trọng nhất định. Vì một lí do là trong nhiều “nước dân chủ” các định chế chính trị căn bản còn yếu và có nhiều khiếm khuyết. Trong hình 1 (trang 8) tôi đã coi 65 nước là những nước dân chủ. Nhưng chúng ta có đầy đủ lí do để chia những nước này thành ba nhóm: 35 nước dân chủ thật sự, 7 nước khá dân chủ và 23 nước chưa dân chủ lắm (xem Phụ lục C) 11. Như vậy là, “chiến thắng của chế độ dân chủ” chưa được trọn vẹn như đôi khi người ta mô tả.

Ngoài ra, có lí do để tự hỏi rằng liệu có thể giữ được thắng lợi của chế độ dân chủ trong thế kỉ XXI hay không. Câu trả lời phụ thuộc vào thành tựu của các nước dân chủ trước những thách thức mà họ sẽ gặp. Một trong những thách thức đó, như tôi đã nói trước đây, xuất phát trực tiếp từ những hậu quả đầy mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản thị trường: thuận lợi cho chế độ dân chủ ở một số khía cạnh, nhưng lại bất lợi ở những khía cạnh khác. Vì sao? Chúng ta sẽ tìm hiểu vấn đề này trong hai chương sau.

Chú thích:

(1) Tôi rút ra đánh giá này bằng cách kết hợp danh sách (sau khi xóa những chỗ trùng nhau) của hai công trình nghiên cứu có sử dụng những tiêu chí khác nhau: Frank Bealey, “Stability and Crisis: Fears About Threats to Democracy”, European Journal of Political Research 15 (1987): 687-715, and Alfred Stepan and Cindy Skach, “Presidentialism and Parliamentarism in Comparative Perspective”, in Juan .J. Linz and Arturo Valenzuela, eds., The Failure of Presidential Government (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1994), 119-136.

(2) Mark Rosenberg, “Political Obstacles to Democracy in Central America”, in James M. Malloy and Mitchell Seligson, ds., Authoritarians and Democrats: Regim Transition in Latin America (Pittsburgh: University of Pittsburgh Press, 1987), 193-250.

(3) Mặc dù đôi khi người ta nghĩ rằng tình trạng ép buộc không phải là không có. Tất cả trẻ con trong trường học đều phải nói tiếng Anh. Đa số nhanh chóng đánh mất khả năng hiểu tiếng nói của tổ tiên. Bên ngoài gia đình và khu vực lân cận tiếng Anh được dùng là chủ yếu – những người không hiểu hoặc không phản ứng được bằng tiếng Anh sẽ gặp rắc rối.

(4) Đã có nhiều tác phẩm viết về cuộc Nội chiến ở Mĩ. Ý kiến ngắn của tôi đương nhiên là không thể nói hết được những sự kiện phức tạp và nguyên nhân dẫn đến cuộc xung đột này. 

(5) Xin đọc phân tích so sánh tuyệt vời trong tác phẩm On Toleration (New Haven and London: Yale University Press, 1997) của Michael Walzer. Phần lời bạt nói về “Reflection on American Multiculturalism” (Bàn về chủ nghĩa đa văn hóa Mĩ).

(6) Scott J. Reid trình bày quá trình bầu cử hai vòng tạo điều kiện cho phần đông, mặc dù không phải là tất cả, những người sống ở Quebec tiếp tục ở lại Canada hay ở khu vực Quebec độc lập. Ông thừa nhận rằng đế xuất “của ông và những đề xuất tương tự có thể áp dụng được hoặc không thể áp dụng được” (“The Borders of an Independent Quebec: A thuoght Experiment”, Good Society 7 [Winter 1997]: 11-15).

(7) Số liệu sau đây phần lớn được lấy từ the Economist, August 2, 1997, 52, 90; United Nations Development Programme, Human Development Report (New York: Oxford University Press, 1997), 51; “India Five Decades of Progress and Pain”, New York Times, August 14, 1997; and Shashi Tharoor, “India’s Odd, Enduring Patchwork”, New York Times, August 8, 1997.

(8) Sau khi thất cử vào năm 1977 Indira Gandhi lại được bầu làm thủ tướng vào năm 1980. Năm 1984 bà hạn lệnh tấn công đền thờ Hồi giáo linh thiêng nhất ở Ấn Độ, lúc đó đang bị nhóm giáo phái người Sikh chiếm giữ. Không lâu sau đó bà đã bị hai vệ sĩ người Sikh sát hại. Người Hindus tức giận và đã giết chết hàng ngàn người Sikh. Năm 1987, Rajiv Gandhi, lúc đó đang làm thủ tướng, đàn áp phong trào đòi độc lập của người thiểu số Tamil. Năm 1991 ông bị người Tamil sát hại.

(9) Economist, August 2, 1997, 52.

(10) Điều này không đúng nếu các thành viên của thiểu số văn hóa khác biệt sống cùng với nhau trong một khu vực trên đường biên giới của Ấn Độ. Có một vài dân tộc thiểu số như thế, nổi bật nhất là người Kashmiris. Những có gắng đòi độc lập của họ đã bị lực lượng quân sự của chính phủ Ấn Độ đánh tan.

(11) Tiêu chí cho ba nhóm được trình bày trong phụ lục C.

Nguồn: Bàn về chế độ dân chủ: Robert Alan Dahl, 2000. 

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường