Mại dâm*

Mại dâm*

Người bán dâm có thể là đàn ông hay đàn bà, mặc dù dân chúng và các học giả quan tâm nhiều nhất đến việc bán dâm của đàn bà cho đàn ông. Đấy là điều không đáng ngạc nhiên vì hiện tượng mại dâm đàn bà-đàn ông chiếm phần chủ yếu trong quan hệ tình dục mang tính thương mại, mặc dù hiện tượng mại dâm đồng tính nam cũng khá thịnh hành, cũng như mại dâm đàn ông-đàn bà và mại dâm đồng tính nữ nữa (Diana, 1985; Perkins and Bennett, 1985; Ringdal, 2004). Vì vậy, Ericsson (1980: 349) nhận xét rằng “Đáng lẽ phân đều giữa hai giới thì mại dâm lại có đặc điểm là có khá nhiều người bán dâm là đàn ông, còn số khách hàng là nữ giới lại tương đối ít”. Mặc dù là hiện tượng phổ biến, nhưng tại nhiều nước trên thế giới, mại dâm vẫn bị coi là phi pháp, còn ở những nơi mà nó được coi là hợp pháp thì nhiều hoạt động cần thiết cho mại dâm lại bị coi là phi pháp.

Bài này khẳng định rằng cấm đoán mại dâm và những biện pháp khác của chính phủ nhằm ngăn chặn thị trường dịch vụ tình dục là vi phạm những quyền căn bản của công dân và là chính sách xã hội tồi dở. Thứ nhất, việc ngăn chặn như thế là vi phạm quyền căn bản của cá nhân trong việc tự do quan hệ tình dục với đối tác mà họ lựa chọn; nhà nước tìm cách ngăn chặn đàn ông và đàn bà trưởng thành tìm kiếm đối tác tình dục là việc làm vô đạo đức. Thứ hai, họ tạo ra thêm chi phí cho người bán dâm, cho khách hàng của họ và xã hội nói chung. 

Sau phần dẫn nhập, bài này sẽ trình bày những thị trường mại dâm trong xã hội đương thời và ba hệ thống pháp luật thường thấy trong việc quản lý hiện tượng mại dâm. Sau đó sẽ trình bày những luận cứ căn bản được đưa ra nhằm cấm đoán mại dâm, tất cả đều là những biến thể của “nguyên tắc tổn hại” và chỉ ra rằng vì sao phải bác bỏ những luận cứ như thế. Sau đó sẽ trình bày hệ thống pháp luật tối ưu cho việc quản lý hiện tượng mại dâm

Mại dâm: thị trường và chế độ pháp luật

Muốn quyết định xem có cần cấm đoán mại dâm hay không, trước hết cần phải hiểu mại dâm là gì và những thị trường mại dâm khác nhau đang tồn tại ở những nước phát triển nhất.

Mại dâm là một ngành kinh doanh lớn trên thế giới. Cần phải đánh giá những số liệu nói lên quy mô của nó, nhưng đánh giá mang tính bảo thủ của Moffatt’s (2005: 193) cho rằng thu nhập hàng năm trên toàn thế giới của ngành này là 20 tỉ USD. Ở Anh, nghiên cứu của Hội đồng thành phố Glasgow cho rằng mỗi năm ở thành phố này người ta chi tới 6 triệu bảng cho mại dâm đàn bà-đàn ông(3).

Thị trường mại dâm

Từ mại dạm mô tả một loạt hoạt động diễn ra trong những bối cảnh khác nhau. Bà Diana (1985: 3) viết: “Việc phân tầng mại dâm và tổ chức của nó rắc rối và phức tạp hơn là người ta vẫn tưởng. Một số tiêu chí còn chống lấn lên các tiêu chí khác”. Tuy vậy, cũng có thể nhận biệt được ba thị trường mại dâm căn bản(4).

Mại dâm đường phố là hình thức mại dâm dễ thấy nhất, tức là người bán dâm mời gọi khách hàng ngay trên đường phố công cộng và thường cung cấp dịch vụ ở chỗ công cộng. Hầu hết các thành phố lớn ở Bắc Mỹ và châu Âu đều có những “khu đèn đỏ”, dành cho mại dâm đường phố. Mặc dù những khu vực đó thường nằm xa khu dân cư, mại dâm diễn ra công khai trên đường phố có thể làm người ta khó chịu, những người không tham gia hoạt động mại dâm có thể bị gạ gẫm và đấy là những chỗ dường như có nhiều tội ác (hay lo sợ có tội ác) do những người vãng lai tham gia vào những hoạt động ngầm gây ra. Những người bán dâm trên đường phố (và khách hàng của họ) thường trở thành đối tượng của nạn cướp giật và những hành động bạo lực khác. Trên thực tế, người ta tính được rằng số vụ giết gái mại dâm trên đường phố ở Mỹ là 459 trên 100.000, nghĩa là những người bán dâm trên đường phố có sắc suất bị giết cao hơn 18 lần so với những phụ nữ cùng lứa tuổi và cùng sắc tộc (Potterat et al., 2004). Bên thứ ba có thể tham gia vào hoạt động mại dâm đường phố, thường là cung cấp một hình thức bảo vệ nào đó cho người bán dâm. Những câu chuyện khủng khiếp do những người chống đối mại dâm trình bày thường liên quan đến những người bán dâm trên đường phố, nhiều người trong số họ rất dễ bị tổn thương và đã bị hãm hại; trong các nước đã phát triển, phần lớn những người bán dâm trên đường phố đều là những người nghiện ma túy rất nặng, họ chỉ kiếm tiền để mua ma túy. Trong khi mại dâm đường phố là hình thức mại dâm dễ thấy nhất, những đấy chỉ là phần nhỏ trong thị trường mại dâm mà thôi; người ta đã tính ta rằng mại dâm đường phố chỉ chiếm 20% mại dâm nữ và 5% mại dâm nam, tỉ lệ này có thể còn giảm hơn nữa sau khi có Internet và điện thoại di động giá rẻ, tạo điều kiện cho sự phát triển của những thị trường mại dâm khác (Cameron et al., 1999).

Thị trường mại dâm thứ hai là nhà thổ, hay như người ta thường gọi là “nhà tắm hơn” (saunas) hay “phòng massage” (massage parlours). Ở đấy có nhiều người bán dâm chuyên nghiệp, thường làm theo ca hay quay vòng. Nhà thổ thường có tiếp viên hay “má mì”. Những nhà thổ lớn còn có bảo vệ. Nhiều nhà thổ ở các nước đã phát triển hiện còn quảng cáo trên Internet, liệt kê các dịch vụ và giá cả nữa. Nhà thổ không gây ra khó chịu như mại dâm đường phố, mặc dù những người sống gần những nhà thổ đông khách có thể cảm thấy bất an. Tại nhiều nước đã phát triển, nhất là ở Australia, Đức, Hà Lan và bang Nevada ở Mỹ, nhà thổ được hoạt động hợp pháp và chính phủ quản lý nhằm bảo đảm việc sử dụng bao cao su và đóng thuế. (Diana, 1985; Fleiss and Labi, 2003; Perkins và Bennett, 1985; Ringdal,2004)(5).

Thị trường mại dâm thứ ba gọi là hộ tống hay “gái gọi”(6). Gái gọi là những người bán dâm độc lập, họ gặp khách hàng tại nhà hay tại phòng khách sạn của khách, mặc dù nhiều gái gọi tìm khách hàng thông qua các môi giới. Gái gọi gây ra ít phiền toái nhất; hàng xóm, bạn bè, thậm chí đối tác có thể là gái gọi mà không ai biết. Trong các nước đã phát triển, thị trường gái gọi (và ở mức độ thấp hơn là nhà thổ) phát triển rất mạnh, bằng chứng là các website do các đối tác lập ra nhằm chia sẻ thông tin và giá cả về các “gái” và môi giới (Diana, 1985; Fleiss and Labi, 2003; Perkins and Bennett, 1985; Ringdal, 2004).

Moffatt và Peters (2004) đã chỉ ra rằng những phụ nữ bán dâm ở Anh trong nhà thổ hay gái gọi thường có thu nhập gấp ba lần lương người lao động chân tay và gấp hai lần lương người lao động bàn giấy. Họ tính được rằng thu nhập của người bán dâm trong nhà thổ và gái gọi ở nội thành London là hơn 50.000 bảng một năm(7), mà không phải đóng thuế thu nhập, không cần chứng chỉ bằng cấp hay kinh nghiệm, thường đòi hỏi đối với người lao động bình thường có mức lương như thế.

Chế độ pháp luật quản lý việc mại dâm

Mại dâm được quản lý bằng một trong ba chế độ pháp lý sau đây. Thứ nhất, nơi mại dâm và những hoạt động đi kèm là hợp pháp, bao gồm cả ma cô, những người bán dâm được bên thứ ba quản lý. Đấy là tình trạng pháp lý hiện hành về mại dâm tại nhiều nước, trong đó có Áo, Singapore và Thụy Sĩ.

Thứ hai và thịnh hành hơn, được áp dụng ở Australia, Đức, Hà Lan, Hungary, Anh và bang Nevada ở Mỹ; cho phép mại dâm và những hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho nó, nhưng một số hoạt động của bên thứ ba (mặc dù không phải lúc nào cũng thế) thì bị coi là bất hợp pháp. Chế độ này nhằm giảm thiểu số người làm nghề mại dâm và bảo vệ người bán dâm, không để họ bị bọn ma cô hay tú bà bóc lột.

Thứ ba, coi mại dâm và mọi hoạt động liên quan đến mại dâm đều là bất hợp pháp. Đấy là tình trạng pháp lý trong thế giới Hồi giáo và Arab, cũng như Thụy Điển. Trong một số nước, như Iran và Somalia, mại dâm bị kết án tử hình. Năm 1999 Thụy Điển ban hành Luật chống báng dịch vụ mại dâm, luật này đặc biệt ở chỗ coi việc mua dâm là phạm tội, tức là coi người mua dâm chứ không phải người bán dâm là tội phạm.

Ngay cả ở những nơi mà mại dâm được coi là hợp pháp, vẫn có những rào cản pháp lý ngăn chặn không cho nó trở thành một nghề tương tự như những nghề khác. Đáng chú ý nhất là, trong một số nước, kể cả Anh, việc người bán dâm thuê bên thứ ba làm những việc như bảo vệ và những dịch vụ khác bị coi là bất hợp pháp. Dư luận xã hội đầy sức mạnh còn tham gia vào việc vận động hành lang cho việc chống mại dâm nữa. Sau chiến dịch vận động nhằm đưa mại dâm ra ngoài vòng pháp luật thành công ở Thụy Điển, một chiến dịch tương tự đang diễn ra ở Na Uy, và tháng 7 năm 2007 có báo cáo nói rằng các bộ trưởng trong chính phủ Anh đã xem xét việc đưa ra những đề nghị tương tự(8). Bây giờ ta sẽ xem xét những luận cứ căn bản được đưa ra nhằm cấm hiện tượng mại dâm

Cấm mại dâm: ủng hộ và chống đối

Tất cả các luận cứ được đưa ra nhằm chống mại dâm đều là những biến thể của “nguyên tắc tổn hại”. Như đã nói trong phần mở đầu của tuyển tập này, nguyên tắc có hại được John Stuart Mill [1859] trình bày một cách thuyết phục nhất; nguyên tắc này nói rằng hạn chế về mặt luật pháp đối với tự do của cá nhân chỉ có thể được biện minh khi nó được dùng để ngăn chặn mối nguy hại đối với người khác. Nguyên tắc này là nền tảng quan trọng của luật hình sự trong tất cả các xã hội văn minh (mặc dù nó có thể có xuất xứ từ những nguồn khác nhau) và cuộc tranh luận về phạm vi áp dụng thích hợp của luật thường bao gồm đánh giá liệu một hành động nào đó có làm hại người khác hay không (Feinberg, 1984). Vì thế mà những người ủng hộ việc cấm mại dâm tìm cách chứng minh rằng nó có gây tác hại.

Có thể nhận ra hai biến thể chính của luận cứ này. Thứ nhất, mại dâm làm hại những người bán dâm, vì người ta tin rằng chắc chắn là có sự bóc lột những người phụ nữ hành nghề mại dâm. Thứ hai, người ta khẳng định rằng mại dâm làm hại xã hội hay buộc những người khác phải chịu ảnh hưởng, dù họ không tham gia trực tiếp vào lĩnh vực này.

Hại đối với người bán dâm

Có khả năng là luận cứ dai dẳng nhất nhằm chống lại mại dâm là: mại dâm chắc chắn có hại cho những người bán dâm. Trung tâm của luận cứ này là quan điểm cho rằng không có ai tự ý làm người bán dâm và vì vậy mà mại dâm chắc chắn là có bóc lột, cưỡng bức hay ít nhất cũng là do tuyệt vọng mà ra. Luận cứ này thường được áp dụng cho gái bán dâm, những người được cho là bị mất hết quyền lực và bị đẩy ra ngoài lề trong những xã hội bị coi là gia trưởng.

Quan niệm cho rằng mại dâm nữ chắc chắn là có sự bóc lột phụ nữ là trọng tâm của luận cứ của những người bênh vực cho quyền lợi của phụ nữ, chống mại dâm. Những người phụ nữ bán dâm bị họ coi là những người không được quyền chọn những nghề khác, chủ yếu là do nghèo đói mà ra: “Mại dâm là do không còn lựa chọn nào khác… Muốn thoát khỏi mại dâm, phụ nữ cần những gì? Họ cần tiền lương đủ sống. Đặc biệt, nhu cầu của họ bao gồm nhà ở, học nghề và chăm sóc y tế, kể cả chữa trị việc lạm dụng thuốc” (Farley, 2005: 2; xem thêm Pateman, 1988: ch. 7).

Miêu tả như thế về mại dâm được áp dụng không chỉ cho những người bán dâm trên đường phố hay những người phụ nữ bị bán làm gái mại dâm mà còn được áp dụng cho tất cả những người phụ nữ làm nghề mại dâm nữa: “Sự khác biệt giữa việc sự kiện đó xảy ra ở khách sạn Plaza hay ở một nơi nào đó kém lịch sự hơn không phải là sự khác biệt quan trọng… Hoàn cảnh không làm giảm nhẹ hay thay đổi được bản chất của mại dâm (Dworkin, 1997: 140−41).

Quan niệm cho rằng mại dâm là sự bóc lột phụ nữ thường là quan điểm của những người Marxist về bóc lột, bị họ coi là hiện tượng cố hữu trong lòng chủ nghĩa tư bản; mại dâm nữ là hình thức bóc lột thô lậu, dường như là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Do đó, theo Rowbotham (1972: 65):  “Hệt như người bán dâm đổi tình lấy tiền, người công nhân đổi lao động và cuộc sống của họ lấy đồng lương mỗi ngày”.

Theo Pateman (1988: ch. 7) mại dâm là sản phẩm của “chủ nghĩa tư bản gia trưởng”, nhưng người ta cũng nói rằng có sự khác biệt về chất giữa bóc lột người đàn bà bán dâm và bóc lột sức lao động của người đàn ông trong chủ nghĩa tư bản; nơi người đàn ông chỉ bán sức lao động của họ cho người sử dụng lao động, quan hệ không thể tách rời giữa thể xác và tâm hồn có nghĩa là khi người phụ nữ bán dâm là ‘người đó bán mình theo nghĩa thực tế nhất của từ này” (ibid.: 207).

Do đó, họ tuyên bố rằng bản chất của sự xâm hại về mặt thể xác của mại dâm có nghĩa là nó không phải là “công việc bẩn thỉu” như nhiều “công việc bẩn thỉu khác”, hay chỉ là một thí dụ về sự bóc lột tư bản chủ nghĩa trong số nhiều vụ bóc lột khác: “Xí nghiệp bóc lột sức lao động là xấu xa, nhưng hàng ngày chúng không xâm hại từng lỗ chân lông trên cơ thể bạn” (Farley, 2005: 4). Như vậy là người ta nói rằng mại dâm xâm phạm quyền sở hữu cơ thể của chính người đàn bà. Trên cơ sở đó, người ta nói rằng mại dâm là có hại.

Quan điểm cho rằng mại dâm nhất định sẽ kèm theo bóc lột phụ nữ, tất cả phụ nữ bán dâm đều là nạn nhân bị thiệt hại, đã có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhận thức xã hội và định hình chính sách xã hội về mại dâm. Có thể nhận thấy điều này trong quá trình xây dựng luật cấm của Thụy Điển vào năm 1999, liên quan đến “mại dâm… là biểu hiện của nạn bạo hành của nam giới đối với phụ nữ và trẻ em” cho nên “nó được chính thức coi là hình thức bóc lột phụ nữ và trẻ em”  (Bộ công nghiệp, lao động và thông tin, 2004: 1).

Nhưng bằng chứng thực tế lại không ủng hộ lời tuyên bố của những người phản đối mại dâm khi họ nói rằng chỉ những người phụ nữ (và đàn ông) đã tuyệt vọng hay họ ép buộc, không còn lựa chọn nào khác mới bán dâm mà thôi. Nhiều công trình nghiên cứu thực tiễn đã chỉ ra rằng người bán dâm có xuất xứ từ tất cả các giai tầng xã hội. Thí dụ, những cuộc khảo cứu “gái gọi” cho thấy nhiều người tốt nghiệp đại học, có thu nhập tương đối cao ngay khi họ tìm những công việc khác. Đấy là những người phụ nữ có cơ hội lựa chọn công việc và họ bán dâm không phải là do túng quẫn (Diana, 1985; Perkins và Bennett, 1985; Satz, 1995). Trên thực tế, một trong những công trình nghiên cứu toàn diện nhất về mại dâm ở Mỹ cho thấy một phần ba gái bán dâm xuất thân từ những gia đình có thu nhập cao (Diana, 1985: 45).

Trái ngược với lời tuyên bố của những người theo phái nữ quyền phản đối mại dâm rằng người bán dâm chẳng có quyền hành gì và không được lựa chọn, họ phải làm tất cả những gì khách hàng yêu cầu (xem, thí dụ: Dworkin, 1997: 140; Farley, 2005: 3), bằng chứng thực tế chứng tỏ rằng người bán dâm thường đàm phán khá lâu với khách hàng về những việc họ sẽ làm hay không làm và giá phải trả cho những dịch vụ đặc biệt (Diana, 1985; Pheterson, 1996). Do đó, như Pheterson (1996: 39) mô tả: “Trên thực tế, hoạt động tình dục cũng như giá cả đều được đàm phán. Gái bán dâm đề nghị hay khách hàng đòi hỏi, nhưng cô ta là người phải thỏa thuận điều kiện chung cuộc”. Thực ra, khoản thu nhập cao của nhiều người bán dâm là bằng chứng nữa chứng tỏ rằng họ không phải là những người không có quyền hành gì, nhất định phải có quyền mặc cả thì mới mặc cả được tiền công cao như thế.

Như vậy là, mại dâm là một trong nhiều hoạt động mà người ta muốn tham gia khi lợi ích thu được lớn hơn là giá phải trả. Trong bất cứ xã hội nào, nơi người dân không sống bằng lộc thánh mà phải lao động mới có ăn thì người dân nhất định phải tham gia những hoạt động mà giá phải trả là chính cá nhân – với giả định rằng họ thích chơi hơn thích làm. Có những người, như Wertheimer (1992: 215) mô tả, “hầu như trong tất cả các hợp đồng lao động, thực tế là hầu như trong tất cả các hợp đồng mang lại lợi ích, đều có yếu tố tiêu cực”, nhưng “Chúng ta không nói rằng người công nhân do làm việc mà bị tổn thương… Chúng ta giả định rằng lợi ích mà người công nhân đó thu được lớn hơn là giá phải trả”.

Vì vậy mà chỉ ra rằng một người do hoàn cảnh kinh tế mà phải làm những việc mà trong hoàn cảnh khác họ sẽ không làm hay giá phải trả là chính cá nhân người đó, không chứng minh được rằng người đó bị bóc lột hay bị ép buộc hay hành động vì tuyệt vọng.  Nó chỉ chứng tỏ rằng những lựa chọn đáng mong ước hơn đòi hỏi sự hợp tác của những người khác, thí dụ người ta muốn kiếm sống trong khi vẫn được an nhàn, và sự hợp tác như thế bị pháp luật cấm đoán. Như Ericsson (1980: 346) đã chỉ rõ: “nói rằng gạ gẫm bán dâm có nguyên nhân kinh tế … là hoàn toàn chấp nhận được, khi chúng ta sẵn sàng nói như thế về ‘bệnh suy nhược thần kinh’”. Nếu người bán dâm tham gia bán dâm vì lý do kinh tế thì cũng tương tự như nói rằng bán dâm cũng là một nghề như bất kỳ nghề nào khác, dù đấy là luật, y tế hay lau chùi cửa sổ thì cũng vậy mà thôi.

Hơn nữa, nếu đàn bà và đàn ông có quyền lựa chọn bạn tình thì điều đó phải bao gồm việc lựa chọn đổi tình lấy tiền, nếu họ muốn như thế. Vì vậy, lời tuyên bố của Farley (2005: 1) rằng “đàn bà có quyền KHÔNG là gái bán dâm” phải hàm ý rằng đàn bà (và đàn ông) có quyền làm người bán dâm. Nếu không phải như thế thì một quyền lực ngoại tại nào đó có quyền quyết định rằng đàn bà (và đàn ông) có thể làm tình với người nào. Quan điểm này dường như không tương thích với bất kì khái niệm nào về quyền tự chủ, tự do cá nhân hay trao quyền cho cá nhân.

Ý tưởng cho rằng đàn bà không có chọn lựa khi tham gia vào quan hệ tình dục thương mại trong khi đàn ông có thể lựa chọn mà không bị bóc lột hay ép buộc dường như ám chỉ rằng đàn bà không thể tham gia vào địa hạt tình dục mà không có sự bảo vệ của nhà nước. Vì đàn bà không phải là công dân hạng hai, nghĩa là chấp nhận rằng họ có thể chọn lựa cách sử dụng cơ thể của mình theo cách mà họ thấy phù hợp, thậm chí nếu đấy có nghĩa là bán dâm.

Trên thực tế, Pheterson (1996: 37−8) từng khẳng định rằng việc coi những người phụ nữ bán dâm là nạn nhân là sản phẩm của “sự hòa nhập của phụ nữ vào xã hội theo lối truyền thống, không cho phụ nữ nói chuyện về tình dục, không cho đòi tiền trong bất cứ tình huống nào” và vì thế mà là một phần của “việc áp đặt mang tính quy chuẩn sự phụ thuộc của phụ nữ về mặt tình dục và tài chính”. Đối với Pheterson, chỉ khi phụ nữ được coi là có khả năng lựa chọn trong việc tham gia bán dâm trên cùng mặt bằng với đàn ông thì họ mới đạt được sự giải phóng và quyền bình đẳng thật sự. Theo đó, không phải mại dâm duy trì vĩnh viễn sự phụ thuộc của đàn bà, mà niềm tin rằng đàn bà không thể tự do lựa chọn khi bán dâm và vì vậy mà những người phụ nữ bán dâm chắc chắn là nạn nhân mới góp phần vào việc duy trì sự lệ thuộc đó.

Hại đối với xã hội

Cái hại thứ hai thường được gán cho mại dâm là tác hại đối với những người không trực tiếp tham gia vào công nghệ tình dục. Ở cấp độ cơ bản nhất, mại dâm được cho là gây hậu quả đối với xã hội qua việc lan truyền những bệnh lây qua đường tình dục, làm thiệt hại cho xã hội; nó còn được gán cho là có liên hệ với tệ nạn lạm dụng ma túy và những loại tội phạm hình sự khác, và đe dọa những mối quan hệ đã ổn định và như thế là góp phần vào việc phá vỡ các cuộc hôn nhân và gia đình.

Cách tiếp cận mang tính thực tế đối với mại dâm nhằm tìm cách giảm bớt những tác hại do mại dâm gây ra là đặc trưng của chính sách xã hội trong nhiều nước đã phát triển, mặc dù giảm mại dâm đến mức càng ít càng tốt nói chung là mục tiêu dài hạn của chính sách như thế.

Tuy nhiên, nhiều tác hại được cho là do mại dâm gây ra cũng phải được áp dụng cho những hoạt động tình dục khác, trong đó có ngoại tình và tình một đêm (Fabre, 2006: 163). Do đó, khẳng định rằng mại dâm phải bị đưa ra ngoài vòng pháp luật trên cơ sở những luận cứ như thế, về mặt logic, cũng hàm ý rằng những quan hệ tình dục phi-thương mại khác, tức là những quan hệ góp phần làm lan truyền bệnh tật và phá vỡ hôn nhân cũng phải bị cấm. Dĩ nhiên, đề nghị như thế không phải là đề nghị đặc biệt hấp dẫn, đấy chính là cách tiếp cận trong những nước Hồi giáo nghiêm khắc như Iran và Saudi Arabia, nơi ngoại tình (cũng như mại dân) là những tội ác nghiêm trọng. Nếu mại dâm phải bị cấm trên cơ sở như thế thì cũng phải chứng minh rằng vì sao ngoại tình và sự lang chạ nói chung không bị đưa ra ngoài vòng pháp luật.

Nhiều tác hại được liệt kê bên trên là kết quả trực tiếp của tình trạng pháp lý của mại dâm và có thể được cải thiện nếu mại dâm và những hoạt động cần thiết cho nó diễn ra trong khuôn khổ của pháp luật. Sự kiện là trong phần lớn các quốc gia, mại dâm tồn tại trong những tình huống khó xác định về mặt luật pháp làm cho những người tham gia vào lĩnh vực này phải hoạt động trong thế giới mù mờ, xấu nhất là khi mại dâm bị tội phạm có tổ chức kiểm soát. Điều này lại liên kết mại dâm với những hoạt động tội phạm khác, như buôn bán ma túy và làm cho bọn tội phạm chú ý đến người bán dâm và khách hàng của họ. Coi việc cung cấp dịch vụ của bên thứ ba cho người bán dâm là hoạt động phạm pháp càng làm cho những người bán dâm khó áp dụng những biện pháp an toàn mà không tìm đến những tổ chức tội phạm.

Chính vì trong rất nhiều nước, mại dâm là bất hợp pháp hay không được xác định chắc chắn về mặt luật pháp cho nên mới có hiện tượng mua bán phụ nữ làm gái bán dâm, mặc dù mức độ của loại tội phạm này gần như chắc chắn là bị phóng  đại vì lý do chính trị (Weitzer, 2007a, 2007b). Hơn nữa, chỉ những công việc chui mới dễ bị mắc những tội đó, những lĩnh vực hoạt động hợp pháp, được nhà nước quản lý không gặp phải những vấn đề tương tự như bạn buôn người và lạm dụng con người. Có thể làm sáng tỏ con đường đi lên bằng thí dụ nhà thổ lớn nhất Australia, có tên gọi là Daily Planet, được đưa lên thị trường chứng khoán vào tháng 5 năm 2003; một công ty như vậy dường như sẽ không tham gia nhiều hơn vào việc buôn người và lao động cưỡng ép so với những công ty như Tesco hay Wal-Mart. Đặt công nghệ tình dục trên cơ sở như những lĩnh vực khác của nền kinh tế là biện pháp tốt nhất nhằm chấm dứt những tác hại liên quan đến mại dâm.

Cần phải nói thêm rằng có ít bằng chứng chứng tỏ rằng cấm đoán làm giảm được tệ nạn mại dâm. Không những thế, có bằng chứng cho thấy rằng những biện pháp nhằm gia tăng những chi phí bằng tiền và không bằng tiền hầu như không có ảnh hưởng tới hiện tượng mại dâm. Bằng chứng từ châu Âu và Mỹ cho thấy rằng quan hệ pháp lý của mại dâm trong một nước cụ thể hay một bang của Mỹ ít ảnh hưởng tới tỉ lệ người bán dâm so với toàn bộ dân số. Không những thế, mật độ dân số là yếu tố quyết định đối với sự lan tràn của mại dâm; có thể đấy là do trong những khu vực thưa dân ở nông thôn, sự kiểm soát xã hội thường gắt gao hơn (nhất là sự khinh bỉ của xã hội) và việc có quá đông khách hàng, thường thấy ở các khu vực đô thị, làm cho mại dâm phát triển (MacCoun and Reuter, 2001; Moffatt, 2005).

Luận cứ căn cơ hơn, nói rằng mại dâm có hại đối với xã hội dựa trên niềm tin rằng mại dâm là vô đạo đức và về bản chất là sai. Luận cứ này khẳng định rằng thậm chí nếu mại dâm có diễn ra theo cách nào đó mà nó không hề làm phiền xã hội và thậm chí nếu những người bán dâm tự nguyện làm việc đó thì ngay sự tồn tại của mại dâm đã góp phần phá hủy đạo đức xã hội rồi, vì vậy, nó phải bị đưa ra ngoài vòng pháp luật. Quan điểm đòi hỏi của đạo đức xã hội (dù nó có nghĩa là gì và được xác định như thế nào thì cũng vậy) phải chà đạp lên quyền của cá nhân trong việc tham gia vào những hành động tự nguyện củng cố cho những lời kết án của tôn giáo đối với mại dâm (và nhiều hoạt động được coi là vô đạo đức khác) và những lời phê phán của một số nhà hoạt động trong phong trào nữ quyền đối với mại dâm.

Theo những người nữ quyền chống bán mại dâm thì đấy là một trong nhiều định chế xã hội góp phần duy trì quan niệm cho rằng đàn bà thua kém hơn đàn ông, và giá trị chủ yếu của đàn bà là thỏa mãn nhu cầu tình dục của đàn ông. Theo Satz (1995: “Tình dục được thương mại hóa …[duy trì] thế giới, trong đó đàn bà là nhóm người phụ thuộc. Mại dâm là sai vì việc bán dâm củng cố cách suy nghĩ của nhiều người về sự bất bình đẳng giới… mại dâm đương thời góp phần và còn là bằng chứng củng cố quan niệm cho rằng về mặt xã hội, đàn bà thua kém hơn đàn ông”.

Tương tự như thế, Pateman (1988: 199) khẳng định rằng mại dâm là một phần của công nghệ tình dục, tức là ngành “thường xuyên nhắc nhở đàn ông – và cả đàn bà – rằng đàn ông có quyền của phái nam, rằng họ có quyền gia trưởng trong việc tiếp cận với thân thể phụ nữ”.

Như vậy là, người ta nói rằng mại dâm không chỉ có hại đối với những người phụ nữ bán dâm mà còn có hại cho những người không trực tiếp tham gia vào công việc này; nhưng họ phải sống trong xã hội, trong đó thái độ của đàn ông và đàn bà bị ảnh hưởng, theo một cách nào đó, bởi nạn mại dâm. Theo nghĩa này, người ta khẳng định rằng tất cả phụ nữ đều có trải nghiệm thực tế về mại dâm vì họ sống trong thế giới được định hình bởi nạn mại dâm và những định chế mang tính gia trưởng.

Nhưng phải hỏi rằng liệu mại dâm có củng cố quyền lực được cho là đàn ông có đối với đàn bà hay là ngược lại. Dường như là trái với tuyên bố của Pateman, những người muốn có tình thì phải trả tiền có ít quyền “trong việc tiếp cận với thân thể phụ nữ” hơn là những người không mất tình phí.

Hơn nữa, khẳng định rằng những người phụ nữ từ một giai cấp hay nhóm đơn lẻ có chung những trải nghiệm đơn lẻ là khẳng định chẳng có bằng chứng thực tế nào hết. Trên thực tế, mỗi cá nhân đều được định hình bởi những trải nghiệm và giá trị mang tính chủ quan và mang tính cá nhân của người đó. Những trải nghiệm và giá trị đó dĩ nhiên là có tính xã hội và văn hóa, nhưng không giống hệt như những trải nghiệm và giá trị của những người cùng giới, cùng tuổi tác, cùng sắc tộc hay hoàn cảnh kinh tế.

Nếu tất cả phụ nữ đều có chung một trải nghiệm thì không rõ tại sao trải nghiệm đó phải là trải nghiệm của những người bán dâm chứ không phải là trải nghiệm, thí dụ, của những luật sư thành đạt hay chính trị gia cao cấp hoặc giáo sư đại học.

Hơn nữa, nếu trải nghiệm của tất cả phụ nữ đều bị định hình bởi sự kiện là một số người phụ nữ là gái điếm thì điều này cũng phải được áp dụng đối với đàn ông. Căn cứ vào sự kiện là một số đàn bà và một số đàn ông là những người bán dâm, vậy thì về khía cạnh này, trải nghiệm của đàn bà và đàn ông phải giống nhau và như vậy là mại dâm không còn hiện tượng có tính áp bức đối với riêng phụ nữ nữa.

Công và tư

Trong ngữ cảnh của nguyên tắc tổn hại đó, mục đích của yếu của Mill (1859 [1985]) là phân định rạch ròi lĩnh vực đạo đức công và tư. Nghĩa là xác định đâu là những vấn đề riêng tư mà cá nhân phải quan tâm và đâu là những vấn đề công mà chính phủ phải quan tâm. Không có sự phân biệt như thế, phạm vi mà chính phủ có thể can thiệp vào đời sống của người dân sẽ là vô giới hạn. Theo Mill, chỉ có những hành động có ảnh hưởng trực tiếp tới người khác mới thuộc về lĩnh vực của đạo đức công và vì vậy là mục tiêu phù hợp của lập pháp, những hành động không có ảnh hưởng trực tiếp tới người khác nằm trong lĩnh vực của đạo đức cá nhân và vì vậy là vấn đề của lương tâm mỗi cá nhân.

Trong khi những người nữ quyền khẳng định rằng “vấn đề cá nhân là vấn đề chính trị” thì thực ra những vấn đề cá nhân phải là những vấn đề của từng cá nhân, cho nên “vấn đề cá nhân là vấn đề cá nhân”. (McElroy, 1995: 125). Do đó, như McElroy (ibid.: 125−6) từng viết, cuộc sống tình dục của đàn ông và đàn bà trưởng thành là vấn đề cá nhân, nằm ngoài lĩnh vực chính trị hay lĩnh vực công: “Có một cánh cửa chính trị, cánh cửa này đóng nhằm tách biệt và bảo vệ các cá nhân khỏi xã hội. Người ta gọi sự bảo vệ này bằng những tên khác nhau: tuyên ngôn nhân quyền, quyền tư hữu, quyền cá nhân, hay pháp quyền tự nhiên. Dưới cái ô của sự bảo vệ như thế, người đàn bà đưa ra những quyết định liên quan đến họ và chỉ liên quan đến họ mà thôi. Thí dụ, họ quyết định những vấn đề liên quan tới tình dục”.

Như vậy là, nguyên tắc tổn hại không nhằm mục đích mở rộng khả năng can thiệp dường như vô giới hạn của chính phủ bằng cách trao cho dân chúng quyền tuyên bố rằng họ bị thiệt hại bởi những hành động do những người trưởng thành khác làm trong chỗ riêng tư. Đúng ra, nguyên tắc tổn hại nhằm đóng cánh cửa và giới hạn khu vực, trong đó chính phủ có thể can thiệp – bằng cách phân định rõ khu vực công và tư của hành động của con người. Nhưng người ta có thể vạch ra được một đường biên giới như thế, đời sống tình dục của những người trưởng thành phải thuộc về lĩnh vực riêng tư.

Chế độ pháp lý tối ưu

Một phần tư thế kỷ trước, Ericsson (1980: 336) đã từng nhận xét rằng mọi cuộc thảo luận về mại dâm đều khởi sự từ quan điểm cho rằng mại dâm là hiện tượng không đáng mong muốn. Mặc dù hiện nay trong sách báo mang tính hàn lâm đã có những cách hiểu khác, nhưng cách tiếp cận đó vẫn giữ thế thượng phong trong những cuộc thảo luận chính sách cho giai đoạn hiện tại. Thí dụ, báo cáo tham khảo của chính phủ Anh năm 2004 bắt đầu với những lời lẽ như sau: “Mại dâm có thể gây ra những hậu quả tai hại đối với những người tham gia và cho cộng đồng rộng rãi hơn” (Home Office, 2004: 5). Đương nhiên là cũng có thể nói như thế về việc lái xe, nhưng không có báo cáo tham khảo nào của chính phủ về giao thông đường bộ bắt đầu với tuyên bố tương tự như thế. Người ta vẫn lái xe vì họ nghĩ rằng lợi ích thu được lớn hơn giá phải trả, tương tự như vậy, mại dâm vẫn tồn tại vì người bán dâm và khách hàng của họ nghĩ rằng lợi ích mà họ thu được lớn hơn giá phải trả. Xuất phát điểm phù hợp nhất trong quá trình tìm kiếm chế độ pháp lý tối ưu cho mại dâm là công nhận những lợi ích mà người ta thu được từ hoạt động này.

Đối với những người làm nghề mại dâm, mại dâm là cách kiếm thu nhập tương đối cao, thời gian làm việc tương đối ngắn, giờ giấc linh hoạt và không đòi hỏi chứng chỉ tay nghề. Trong khi, đó lại không phải là nghề mà ai cũng suy nghĩ tới, có bằng chứng rằng một số người cho rằng đó là công việc đáng làm, một công việc tạo điều kiện cho họ cung cấp điều mà họ coi là dịch vụ quan trọng cho những người khác (Diana, 1985: ch. 2; Fleiss, 2002; Perkins và Bennett, 1985: ch. 11).

Đối với khách hàng, mại dâm tạo cho họ cơ hội có những mối liên hệ tình dục và thân mật bên ngoài những buổi hẹn hò và bổn phận thường ngày. Có rất nhiều lý do vì sao người ta lại thích chuyện đó. Có thể lý do thường gặp nhất là thỏa mãn nhu cầu tình dục mà không còn cách nào khác, có thể đối tác dài hạn không có khả năng hay không muốn hoặc không có đối tác dài hạn. Một số khách hàng có thể không có khả năng hay kém hấp dẫn đến mức không tìm được đối tác bên ngoài lĩnh vực thương mại. Một số người có thể đến với gái bán dâm vì họ thích làm tình với đối tác hấp dẫn hơn là những đối tác mà họ có thể kiếm được bằng cách khác. Một số khách hàng có thể muốn làm tình với nhiều đối tác khác nhau hay đơn giản là họ không có những quan hệ gắn bó với ai hết. Mại dâm còn tạo điều kiện cho người ta tìm hiểu hoạt động tình dục của mình và có trải nghiệm tình dục khác biệt, bên ngoài mối quan hệ sẵn có; đấy là một trong những cách giúp người ta tham gia vào “thí nghiệm trong khi sống”. Có bằng chứng chứng tỏ rằng khách hàng của các gái gọi muốn có sự gần gũi cả về tình cảm lẫn thể xác – thực ra, yêu cầu của khách hàng trong lĩnh vực này có thể là gánh nặng tâm lý đáng kể đối với người bán dâm (Lever and Dolnick, 2000; Monto, 2000; Perkins và Bennett, 1985).

Như Perkins và Bennett (1985: 222) đã viết trên cơ sở công trình nghiên cứu có tính thực nghiệm trên bình diện quốc tế về công nghệ tình dục, mại dâm phải được coi là dịch vụ xã hội, tạo điều kiện cho người ta chấp nhận các nhu cầu và ước muốn khác nhau:

Chúng tôi coi [mại dâm] là một loại dịch vụ xã hội, nó cung cấp lối thoát về mặt tình dục vì thỏa mãn về mặt tình dục có thể giúp ngăn chặn bệnh tật cho nhiều người đàn ông và đôi khi giúp ngăn chặn cả những rối loạn tâm lý nữa. Ngay cả những người coi đấy là hiện tượng đáng tiếc hay chưa được tốt cũng có thể coi đấy như một trong những nghề có tính cách giúp đỡ, một loại dịch vụ, tương tự như y tế, như công tác xã hội hay cảnh sát, giúp người ta giải quyết những vấn đề của mình.

Do đó, lời tuyên bố chính xác hơn, mở đầu cho báo cáo tham khảo về đề tài này nên được viết như sau: Mại dâm có thể tạo ra những lợi ích tích cực cho các cá nhân tham gia cũng như cho cộng đồng rộng rãi hơn.

Chế độ pháp lý tối ưu đối với mại dâm phải hợp pháp hóa mại dâm và tất cả những hoạt động bổ trợ cho nó, trong đó có bên thứ ba, tức là những người quản lý hay cung cấp dịch vụ cho họ nhằm thu được lợi nhuận. Khuôn khổ pháp lý như thế sẽ bảo đảm rằng người bán dâm có thể sử dụng môi giới nhằm kiểm tra khách hàng hay làm việc trong những nhà thổ có bảo vệ thích hợp và những dịch vụ khác, thí dụ như y tế. Việc hợp pháp hóa hoàn toàn sẽ đưa ngành công nghiệp này vào hệ thống thuế khóa và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hiện những hành động phạm pháp.

Nếu có những vụ bóc lột vô đạo đức đối với những người không tự ý lựa chọn tham gia bán dâm thì những loại tội phạm đó có thể và phải bị xử lý bằng những điều luật về bắt cóc, lạm dụng tình dục và luật lao động. Đưa mại dâm từ thị trường chợ đen hay mù mờ vào nền kinh tế minh bạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết những vấn đề như thế.

Những thiệt hại đối với xã hội, về nguyên tắc, thường liên quan với mại dâm đường phố cũng có thể được đưa vào khuôn khổ pháp lý như thế, thậm chí ở những nơi mại dâm đã được hợp pháp hóa, đa số những người bán dâm đường phố vẫn nằm bên ngoài những điều luật và quy định quản lý việc bán hàng trên đường phố và đóng thuế. Dưới chế độ pháp lý tối ưu, cảnh sát hay những cơ quan khác sẽ có thể can thiệp nhằm ngăn chặn mại dâm đường phố, trên cơ sở bán hàng trên đường mà không có giấy phép hay trốn thuế chứ không phải là phạm tội về mặt tình dục

Kết luận

Cấm đoán mại dâm là một thí dụ về chính sách tồi, dựa trên những lý lẽ sai lầm đang rất thịnh hành hiện nay. Đấy một phần là do ít người muốn công khai thách thức nó. Bài này đã chỉ ra rằng mại dâm là trao đổi tự nguyện, đôi bên đều có lợi, giữa những người đàn bà và đàn ông đã trưởng thành. Nhiều tổn hại liên quan đến mại dâm thực ra là kết quả của tình trạng bán hợp pháp hay bất hợp pháp của nó tại nhiều quốc gia. Mại dâm phải nằm trong lĩnh vực đạo đức cá nhân chứ không phải lĩnh vực quản lý của nhà nước, nhà nước ép buộc đời sống tình dục của người trưởng thành là sai.

Tài liệu tham khảo:

Cameron, S., A. Collins and N. Thew (1999), ‘Prostitution services: an exploratory analysis’, Applied Economics, 31: 1523−9.

Diana, L. (1985), The Prostitute and Her Clients, Springfield, IL: Charles C. Thomas.

Dworkin, A. (1997) Life and Death: Unapologetic writings on the continuing war against women, New York: Free Press.

Edlund, L. and E. Korn (2002), ‘A theory of prostitution’, Journal of Political Economy, 110(11): 181−214.

Ericsson, L. O. (1980), ‘Charges against prostitution: an attempt at a philosophical assessment’, Ethics, 90: 335−66.

Fabre, C. (2006), Whose Body Is It Anyway?, Oxford: Oxford University Press.

Farley, M. (2005), Unequal, San Francisco, CA : Prostitution Research and Education Center.

Feinberg, J. (1984), Harm to Others: The Moral Limits of the Criminal Law, vol. 1, New York: Oxford University Press.

Fleiss, H. (2002), Pandering, Los Angeles, CA : 1 Hour Entertainment.

Fleiss, H. and N. Labi (2003), ‘In defense of prostitution’, Legal Affairs, September/October.

Home Office (2004), Paying the Price: A consultation paper on prostitution, London: TSO.

Lever, J. and D. Dolnick (2000), ‘Clients and call girls: seeking sex and intimacy’, in R. Weitzer (ed.), Sex for Sale: Prostitution, Pornography and the Sex Industry, London: Routledge.

MacCoun, R. J. and P. Reuter (2001), Drug War Heresies: Learning from Other Vices, Times and Places, Cambridge: Cambridge University Press.

McElroy, W. (1995), XXX: A Women’s Right to Pornography, New York: St Martin’s Press.

Mill, J. S. (1859 [1985]), On Liberty, London: Penguin Classics.

Ministry of Industry, Employment and Communications (2004), Prostitution and Trafficking in Women, Stockholm: Ministry of Industry, Employment and Communications.

Moffatt, G. (2005), ‘The economics of prostitution’, in S. W. Bowmaker (ed.), Economics Uncut, Cheltenham: Edward Elgar.

Moffatt, G. and S. A. Peters (2004), ‘Pricing personal services: an empirical study of earnings in the UK prostitution industry’, Scottish Journal of Political Economy, 51(5): 675−90.

Monto, M. A. (2000), ‘Why men seek out prostitutes’, in R. Weitzer (ed.), Sex for Sale: Prostitution, Pornography and the Sex Industry, London: Routledge.

Pateman, C. (1988), The Sexual Contract, Cambridge: Polity.

Perkins, R. and G. Bennett (1985), Being a Prostitute: Prostitute Women and Prostitute Men, London: Allen and Unwin.

Pheterson, G. (1996), The Prostitution Prism, Amsterdam: Amsterdam University Press.

Potterat, J., D. Brewer, S. Muth, R. Rothenburg, D. Woodhouse, J. Muth, H. Stites and S. Brody (2004), ‘Mortality in a long-term open cohort of prostitute women’, American Journal of Epidemiology, 159(8): 778−85.

Ringdal, N. (2004), Love for Sale: A Global History of Prostitution, trans. R. Daly, London: Atlantic Books.

Rowbotham, S. (1972), Women, Resistance and Revolution, London: Penguin.

Satz, D. (1995), ‘Markets in women’s sexual labor’, Ethics, 106(1): 63−85.

Weitzer, R. (2007a), ‘The facts about the slave trade’, Foreign Affairs, 86(3): 164−5.

Weitzer, R. (2007b), ‘The social construction of sex trafficking: ideology and institutionalization of a moral crusade’, Politics and Society, 35(3): 447−75.

Wertheimer, A. (1992), ‘Two questions about surrogacy and exploitation’, Philosophy and Public Affairs, 21(3): 211−39.

Zelizer, V. A. (2005), The Purchase of Intimacy, Princeton, NJ : Princeton University Press.

Nguồn: John Meadowcroft, Mại dâm, Phạm Nguyên Trường dịch, Blog Phạm Nguyên Trường, 24/11/2014 

Bản gốc tiếng Anh: John Meadowcroft, Prostitution, in "Prohibitions", ed. John Meadowcroft, London, Institute of Economic Affairs, 2008, 178-195 

Chú thích:

* Tôi xin cám ơn Adrian Blau và một người phản biện dấu tên vì những nhận xét của họ cho bản thảo.

(2) Tuy nhiên, những khó khăn về định nghĩa có thể xuất hiện vì quan hệ như thế có thể tồn tại trong một số cuộc hôn nhân và những mối quan hệ khác, đòi hỏi việc “mua sự gần gũi” (Edlund and Korn, 2002; Zelizer, 2005). Edlund và Korn (2002) đã tìm cách vượt quan vấn đề này bằng cách định nghĩa rằng mại dâm là mua dâm mà từ quan điểm của người mua là không có khả năng thụ thai. Định nghĩa này tuy không giải quyết được toàn bộ khó khăn, nhưng có thể gần với định nghĩa thực tế về mại dâm.

(3) Website tin tức của hãng BBC, Đàn ông ở Glasgow chi tới 6,6 triệu bảng cho tình dục 

(4) Ở Mỹ, thị trường mại dâm thứ tư lập trung vào dịch vụ tình dục tại những bến đỗ xe tải (xem, thí dụ, Diana, 1985).

(5) Các websites trở thành nguồn thông tin quan trọng về mại dâm ở Anh, những trang này có thông tin về nhiều bài báo có tính hàng lâm như Moffatt and Peters (2004).

(6) Sau đây sẽ gọi đơn giản là gái gọi – ND.

(7) Thu nhập hàng năm của gái gọi ở New York (sau khi đã hiệu chỉnh lạm phát), do Satz (1995), đưa ra là từ 30.000 đến 100.000 USD.  Đồn rằng những gái gọi làm việc cho bà ‘Hollywood Madam’ Heidi Fleiss được trả món tiền 4 đến 5 chữ số một đêm chỉ để chuyên phục vụ khách hàng của bà ta (Fleiss, 2002).

(8) Đàn ông mua dâm có thể bị truy tố, Guardian, 10 September 2007, p. 1.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường