Áp giá trần cho sinh phẩm y tế, vật tư xét nghiệm: Có thể nhanh nhưng không hiệu quả!

Áp giá trần cho sinh phẩm y tế, vật tư xét nghiệm: Có thể nhanh nhưng không hiệu quả!

Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn sự vận hành của các thị trường cung ứng vật tư y tế trên khắp thế giới. Để ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, chính phủ các nước buộc phải sử dụng tới các biện pháp can thiệp vào thị trường như cấm đầu cơ vật tư y tế, đơn giản hóa thủ tục mua sắm, rút ngắn thời gian đấu thầu, chỉ định thầu và thậm chí là áp giá trần. Nhưng chính sách áp giá trần có giải quyết được bài toán khan hiếm vật tư y tế hiện nay không?

Khan hiếm nguồn cung

Sự khan hiếm nghiêm trọng đang diễn ra trên thị trường sinh phẩm, vật tư xét nghiệm do mọi quốc gia đều phải tăng cường năng lực và tốc độ xét nghiệm, trong khi những sản phẩm này lại phụ thuộc vào một vài nhà sản xuất lớn trên thế giới.

Tháng 3-2020, một loạt phòng thí nghiệm lớn tại Thái Lan đã từ chối nhận xét nghiệm do thiếu thuốc thử. Tháng 4-2020, các phòng thí nghiệm tại Mỹ và Anh thông báo chậm trả kết quả xét nghiệm do nguồn cung sinh phẩm khan hiếm. Sau đó một loạt quốc gia khác cũng lên tiếng, trong khi gã khổng lồ sản xuất các sinh phẩm này là Qiagen và Roche trần tình rằng nguồn cung hóa chất của họ cũng cạn kiệt và năng lực sản xuất của họ đã ở mức tối đa.

Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật thị trường này khi đầu tháng 8-2020 Viện Pasteur Nha Trang đã phải thông báo từ chối xét nghiệm cho các tỉnh thành lân cận với lý do hết nguồn sinh phẩm, hóa chất, và vật tư. Địa phương nào quá tải xét nghiệm thì gửi mẫu bệnh phẩm về Viện Pasteur nhưng phải kèm sinh phẩm, kit tách chiết, vật tư tiêu hao tương đương với số lượng mẫu (sau đó tình trạng thiếu hụt sinh phẩm, hóa chất, vật tư của Viện Pasteur Nha Trang đã được giải quyết).

Tuy nhiên, chính ngành y tế các tỉnh cũng đang gặp khó khăn trong việc mua sắm sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm do khả năng tiếp cận thông tin bị hạn chế, không có nhiều kinh nghiệm trong đấu thầu mua sắm hàng hóa cũng như sự khan hiếm nguồn hóa chất. Một vài sai phạm do mua sắm thiết bị và vật tư với giá quá cao và nghi án trục lợi dù qua đấu thầu đã dẫn tới một loạt địa phương đang bị thanh tra, kiểm tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, dẫn tới tình trạng các địa phương “không dám mua sinh phẩm và kit xét nghiệm vì sợ sai phạm”.

Để tháo gỡ khó khăn này, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý thành lập Tổ công tác xác định khung giá trần của sinh phẩm, vật tư xét nghiệm, sau đó Bộ Y tế sẽ thông báo khung giá trần để các cơ sở y tế, các địa phương thực hiện chỉ định thầu mua các mặt hàng này. Tuy giải pháp này có thể nhanh chóng giải quyết ngay khúc mắc của các địa phương nhưng liệu đây có phải là biện pháp tối ưu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp?

Những câu hỏi liên quan tới giá trần

Thứ nhất, đâu là cơ sở để xác định khung giá trần của sinh phẩm, vật tư xét nghiệm? Sau khi đã xác định được mức giá trần thì bao lâu khung giá trần sẽ được điều chỉnh một lần? Lấy gì đảm bảo sự điều chỉnh khung giá trần của Nhà nước nhanh nhạy và tiết kiệm được như cơ chế thị trường? Trường hợp khẩu trang và nước rửa tay y tế tại Việt Nam, thực tế cho thấy cú sốc giá chỉ phản ánh tâm lý hoảng loạn nhất thời. Sau một thời gian rất ngắn thị trường tự điều tiết thì tới nay giá cả của hai mặt hàng này đã giảm đáng kể và ổn định cả về lượng cung lẫn cầu mà không cần tới giá trần của Nhà nước.

Thứ hai, nếu khung giá trần được xác định quá thấp sẽ dẫn tới việc các nhà sản xuất hiện tại và đầu tư tương lai e ngại trong việc mở rộng năng lực sản xuất cũng như đầu tư mới. Ngoài ra, các nhà sản xuất sẽ cân nhắc dịch chuyển nguồn cung sang các thị trường khác tiềm năng và ít ràng buộc quy định hơn.

Thứ ba, ngược lại, khi khung giá trần được xác định quá cao sẽ khiến các nhà cung cấp có xu hướng đẩy mức giá bán chạm ngưỡng giá trần để đạt được lợi ích cao nhất. Hơn nữa, mức giá trần cao cũng dễ dàng tạo điều kiện cho các đơn vị mua sắm móc ngoặc với nhà cung cấp để ăn chênh lệch, hoa hồng thay vì đàm phán để đạt mức giá hợp lý.

Thứ tư, xây dựng khung giá trần để các đơn vị mua sắm áp dụng cho chỉ định thầu, một hình thức mua sắm kém minh bạch, sẽ chỉ khiến năng lực mua sắm của các đơn vị y tế bị suy giảm, đồng thời tăng khả năng hối lộ, gian lận và kết quả lựa chọn nhà thầu bị ảnh hưởng bởi các nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn.

Do đó, nếu Nhà nước can thiệp quá mạnh vào giá cả thị trường sinh phẩm và vật tư xét nghiệm mà bỏ qua sự điều tiết linh hoạt, ưu việt của thị trường sẽ là lợi bất cập hại. Thay vì giá trần, có một số giải pháp hữu hiệu có thể giải quyết bài toán mua sắm vật tư y tế.

Giải pháp hợp đồng mua sắm quốc gia, liên quốc gia

Sự khan hiếm nguồn cung cấp y tế tạo ra sự cạnh tranh không cần thiết giữa các cơ quan trong một quốc gia, bao gồm giữa các cơ quan mua sắm cấp trung ương với địa phương, với các bộ ban ngành và các công ty, bệnh viện công. Thay vì tạo ra sự cạnh tranh không cần thiết trên, một hợp đồng mua sắm minh bạch cấp quốc gia sẽ giúp tăng khả năng đàm phán về giá cả, đảm bảo chất lượng hàng hóa và giúp giảm tham nhũng.

Mặc dù việc mua hàng hóa và dịch vụ ở cấp trung ương có thể kéo dài thời gian phân phối và đôi khi bỏ qua nhu cầu của địa phương, nhưng chính phủ có thể giảm thiểu những vấn đề này bằng cách thành lập các nhóm làm việc liên cơ quan để cải thiện việc điều phối mua sắm thiết bị y tế.

Mua sắm liên quốc gia giữa các quốc gia Đông Nam Á cũng được coi là một biện pháp hữu hiệu để tăng khả năng điều phối, cung ứng nhu cầu vật tư y tế, đặc biệt khi Việt Nam đang là chủ tịch Asean. Việc này sẽ giúp Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Nam Á có chiến lược và chủ động hơn trong việc hợp tác mua sắm trang thiết bị y tế.

Ví dụ điển hình trong trường hợp này là Hiệp định Mua sắm chung (JPA) của các quốc gia châu Âu nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng hơn với các biện pháp xử lý khủng hoảng y tế, cải thiện an ninh nguồn cung, cùng với giá cả hợp lý cho các nước EU(1).

Đảm bảo tính minh bạch trong suốt quá trình mua sắm

Đây là yêu cầu vô cùng quan trọng đối với bất kỳ quá trình mua sắm nào để đảm bảo đồng tiền chi ra sẽ mang lại lợi ích tốt nhất và cứu sống được số lượng người nhiều nhất có thể. Do đó, cơ quan mua sắm cần công bố rộng rãi thông tin hợp đồng và đảm bảo việc người dân có thể tiếp cận nguồn thông tin này một cách dễ dàng.

Để đạt được sự minh bạch hơn, dữ liệu mua sắm cần phải có sẵn và có thể truy cập kịp thời thông qua một nền tảng tập trung. Điều này cho phép các bên liên quan giám sát các hợp đồng ở cấp quốc gia và địa phương với sự trợ giúp của cổng mua sắm điện tử và nền tảng dữ liệu mở. Như vậy, khi bất kỳ một cơ quan y tế nào tại Việt Nam tiến hành ký hợp đồng mua sắm vật tư thiết bị y tế đều phải công bố thông tin hợp đồng lên cổng thông tin quốc gia này và người dân có thể dễ dàng vào xem và đánh giá mức độ hiệu quả của các đơn vị. Các đơn vị mua sắm cũng có thể sử dụng cổng thông tin này để lựa chọn được nhà thầu tốt hơn.

ProZorro chính là một nền tảng mua sắm trực tuyến tiêu biểu để giám sát chi tiêu công của Ukraine. Người mua sử dụng ngân sách công sẽ có nghĩa vụ công bố hợp đồng trong vòng một ngày kể từ khi hợp đồng được ký kết lên ProZorro(2). Các thông tin này sẽ được lưu trữ trên đó và các tổ chức phi chính phủ của Ukraine có thể kiểm tra, xem xét và cập nhật thông tin giao dịch liên quan tới dịch Covid-19 cho người dân.

 

Chú thích:

(1) European Commission, Preparedness and response

(2) ProZorro - The Official Resource on Public Purchasing in Ukraine

Nguồn: Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Thị Thuận, Áp giá trần cho sinh phẩm y tế, vật tư xét nghiệm: Có thể nhanh nhưng không hiệu quả!Thời báo kinh tế Sài Gòn, 23/8/2020