![[Tinh thần dân chủ] Chương 12: Trung Đông có thể dân chủ hóa hay không (Phần 2)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k22071_14.2_(1).jpg)
[Tinh thần dân chủ] Chương 12: Trung Đông có thể dân chủ hóa hay không (Phần 2)
CHẾ ĐỘ QUÂN CHỦ, CHỦ NGHĨA DÂN TÚY VÀ HỒI GIÁO
Tuy nhiên, chỉ một năm sau triển vọng dân chủ trong khu vực Ả Rập Trung Đông đã có vẻ ảm đạm hơn nhiều. Các chế độ ở đây và đồng minh bên ngoài của họ, Hoa Kỳ và châu Âu, phải chiến đấu với hai hệ lụy đáng báo động của việc mở cửa về chính trị: Chia rẽ nghiêm trọng về chính trị và lực lượng Hồi giáo cực đoan phát triển quá nhanh.
Ở Iraq, bế tắc về hiến pháp, cuộc nội chiến ngày càng gia tăng và chọn phương án đại diện theo tỉ lệ trong khi cả nước là khu vực bỏ phiếu duy nhất làm hệ thống bầu cử cho chế độ dân chủ non trẻ đã biến cuộc bầu cử ngày 30 tháng 1 thành cuộc trưng cầu dân ý về bản sắc, và các cử tri đã bầu trên cơ sở lòng trung thành với sắc tộc và giáo phái của mình. Các đảng của người Ả Rập dòng Sunni tẩy chay cuộc bầu cử, vì sợ rằng không có đủ người đại diện vì tỉ lệ người đi bầu thấp do bạo loạn trong khu vực của người Sunni gia tăng. Người Sunni chống lại trật tự chính trị hiện hành và chống cuộc chiếm đóng của Hoa Kỳ, nhưng vụ tẩy chay càng làm cho họ bị đẩy ra rìa về mặt chính trị. “Danh sách người Iraq” của vị thủ tướng lâm thời, Ayad Allawi, lựa chọn về nguyên tắc là phi giáo phái quan, là thất bại thảm hại về chính trị vì người Hồi giáo dòng Shiite nắm được đa số tuyệt đối số ghế trong quốc hội và, cùng với liên minh người Kurd, đã đứng ra thành lập một chính phủ chuyển tiếp.
Cùng với việc người Sunni bị đẩy ra khỏi quốc hội và những cuộc đàm phán về bản hiến pháp lâu dài, hố sâu ngăn cách giữa các giáo phái càng bị mở rộng mãi ra. Dưới áp lực của Mỹ, cuối cùng 15 người Sunni cũng được đưa thêm vào ủy ban soạn thảo hiến pháp gồm có 55 thành viên, nhưng đã quá muộn, không thể hình thành được thỏa hiệp trước thời hạn hoàn thành dự thảo là ngày 15 tháng 8 – thời hạn chót mà Hoa Kỳ kiên quyết đòi, bất chấp lời kêu gọi của người Iraq, đề nghị gia hạn theo những điều khoản của bản hiến pháp tạm thời. Ngày 15 tháng 10 là ngày trưng cầu dân ý về bản hiến pháp, do đó, đã trở thành cuộc trưng cầu dân ý về bản sắc thứ hai, người Kurd và Shiite gần như nhất trí thông qua văn kiện này trong khi đa số tuyệt đối người Ả Rập Sunni phản đối.
Sự phân cực tương tự cũng diễn ra trong cuộc bầu cử quốc hội theo bản hiến pháp mới của Iraq được tổ chức vào ngày 15 tháng 12. Các đảng và các liên minh lập ra những khu vực “không đi bầu” trong những vùng mà sắc dân ủng hộ họ chiếm đa số và danh sách những người thế tục và liên sắc tộc (đặc biệt danh sách của Allawi) một lần nữa phải trả giá đắt nhất. Ở Baghdad và nhiều thành phố khác, hình ảnh cuộc bầu cử đã bị những vụ đánh bom, những vụ giết người và các cuộc tấn công vũ trang khác làm cho méo mó. Mặc dù có tới 77% số cử tri đăng kí đã đi bầu, nhưng sự phân cực về sắc tộc và giáo phái càng nặng nề thêm. “Tất cả hi vọng cho rằng cử tri bỏ phiếu để tách tôn giáo ra khỏi chính trị hoặc vượt qua những rạn nứt về sắc tộc đều đã tan thành mây khói”, khi danh sách người Iraq của Allawi mất gần một nửa số ghế mà họ đã giành được trongcuộc bầu cử tháng 1 và các ứng viên độc lập khác cũng bị thua tơi tả.1
Sau cuộc bầu cử, bạo lực ở Iraq càng gia tăng và dưới thời vị thủ tướng bất hạnh Nurl al-Maliki các điều kiện chính trị bị bỏ cho tự trôi dạt. Mặc dù đã có thỏa thuận về trưng cầu dân ý vào tháng 10 năm 2005 nhằm xem xét một loạt tu chính hiến pháp trong vòng một vài tháng sau khi quốc hội được triệu tập, những vấn đề cơ bản như liên bang, cơ cấu quyền lực của hành pháp, kiểm soát ngành khai thác dầu khí và phân phối số tiền thu được từ ngành này đã lâm vào bế tắc. Trong khi đó, những lực lượng Hồi giáo dòng Shiite cạnh tranh với nhau, trong đó có những người trung thành với vị giáo sĩ cực đoan Muqtada ai-Sadr, nắm chặt quyền kiểm soát những khu vực khác nhau ở miền Nam Iraq. Ở Baghdad, Baquba, Kirkuk, Mosui và những thành phố khác đa sắc tộc khác ở miền Trung và miền Bắc, chủ nghĩa khủng bố, nạn bạo lực và thanh lọc sắc tộc ngày càng gia tăng. Đầu năm 2007. khoảng một trăm người Iraq bị chết mỗi ngày. Khoảng 2 triệu người Iraq phải bỏ nước ra đi và khoảng 1 triệu người phải tha phương cầu thực ngay ở trong nước. Cứ ba người Iraq thì có một người thất nghiệp và sản lượng điện chỉ đạt 60% mục tiêu mà lực lượng chiếm đóng Mỹ đặt ra khi họ chấm dứt chiếm đóng vào tháng 6 năm 2004.2 Trên mỗi chỉ số, cuộc thăm dò dư luận được tiến hành vào tháng 2 và tháng 3 năm 2007 cho thấy sự suy giảm đáng kể trong nhận thức và hy vọng vào tương lai của người Iraq. 60% nói rằng đời sống của họ đã trở nên xấu hoặc rất xấu, trong khi năm 2004 và 2005 con số này chỉ là 29%. 50% cho biết điều kiện ở Iraq tồi tệ hơn trước cuộc xâm lược của Mỹ vào năm 2003. Chỉ có 25% người Iraq nói rằng cảm thấy an toàn khi có mặt trong khu vực lân cận (giảm so với 63% vào năm 2005); 88% nói rằng điện không đủ (năm 2005 là 54%); chỉ có 28% hi vọng là cung cấp điện sẽ được cải thiện và 38% hi vọng rằng trong tương lại gần sẽ có nhiều việc làm hơn, trong khi đó, năm 2005 con số này là 75%.3
Các nhà độc tài trong thế giới Ả Rập nắm lấy cuộc khủng hoảng đang lan rộng ở Iraq để làm nản lòng và khước từ đòi hỏi dân chủ. Ở Ai Cập, Jordan, Algeria và Yemen, chế độ đã từng mở rộng hơn không gian chính trị cho phe đối lập và người bất đồng chính kiến nhưng nay đã kiên quyết rút lại. Thực chất, thông điệp mà họ gửi tới những thành phần cứng đầu là: “Muốn dân chủ hả? Hãy nhìn sang Iraq. Muốn hỗn loạn như thế à? Hãy biết ơn những gì đang có”. Trong cuộc gặp gỡ riêng tư với tổng thống “dân cử” nắm quyền trong một thời gian dài trong khu vực, một nhà hoạt động trong xã hội dân sự Ả Rập đã cảnh báo: “Tốt hơn hết là ông tạo điều kiện cho dân chủ hoặc ông sẽ chịu số phận như Saddam Hussein”. Nhưng khi hỗn loạn lan tràn khắp Iraq, cuộc vận động bầu cử tổng thống năm 2006 đã được tiến hành với khẩu hiệu lạnh lùng, mà thực chất là: “Hãy bỏ phiếu cho tôi nếu các vị không muốn ‘dân chủ’ kiểu Iraq.”4 Tương tự như thế, khi chế độ quân chủ chuyên chế ở Ả Rập Saudi chấm dứt cuộc cải cách được tiến hành cùng với việc lên ngôi của hoàng đế Abdullah vào năm 2005, các nhà hoạt động chính trị xuất thân từ cộng đồng Shiite thiểu số của nước này đổ lỗi cho cuộc chiến ở Iraq và Lebanon, nói rằng đấy là nguyên nhân của vụ đóng băng về chính trị này. “Câu nói thường được trích dẫn, mà nhiều người cho là của nhà vua Fahd đã quá cố, được nhiều người cảm thông, nhất là ở các tỉnh miền Đông [nơi có nhiều người Shiite sinh sống]: “Tại sao lại đốt từ bên trong, trong khi lửa đang cháy ở bên ngoài?”5
Ngoài bạo lực ở Iraq, còn một lực lượng khác tìm cách ngăn chặn những bước tiến về phía dân chủ hóa khu vực Trung Đông của người Ả Rập: trào lưu chính thống Hồi giáo. Trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử quốc hội Ai Cập, tháng 11 năm 2005, Huynh đệ Hồi giáo tranh cử như những ứng viên độc lập đã giành được nhiều ghế hơn là Đảng Dân chủ Quốc gia cầm quyền (NDP): 88 ghế, tức gần 20% tổng số ghế. Nhưng “mánh lới của chế độ độc tài” đã khôi phục được quyền lãnh đạo của NDP trong vòng sau của cuộc bầu cử.6 Ở Palestine, phong trào quân sự Hồi giáo Hamas làm cho đảng cầm quyền Fatah choáng váng khi giành được tới 56% ghế trong quốc hội (mặc dù chỉ thắng với đa số không đáng kể là 45% cử tri ủng hộ). Ở Iraq, danh sách của người Hồi giáo Shiite và Sunni giành đa số phiếu và đa số ghế trong cuộc bầu cử năm 2005, còn ở Bahrain, họ đã giành đa số ghế trong số bốn mươi ghế tại hạ viện trong cuộc bầu cử năm 2006. Ở Kuwait, người Hồi giáo giành được một phần ghế trong quốc hội, đây là khối đại biểu lớn nhất, trong cuộc bầu cử năm 2006.
Ở những nước khác trong khu vực, trong đó có Jordan và những chế độ quân chủ khác ở vùng Vịnh, cũng như Morocco, ngày càng trở nên rõ ràng rằng lực lượng chính trị Hồi giáo là lực lượng được hưởng lợi nhiều nhất từ những cuộc bầu cử như thế. Tất cả những chế độ này đều bị ám ảnh bởi bóng ma từng lởn vởn ở Algeria trong những năm 1991-1992, khi, tiếp theo “vụ đơm hoa kết trái của xã hội dân sự” và “cuộc bầu cử mang tính cạnh tranh và trung thực đầu tiên” trong lịch sử của đất nước này, Mặt trận Cứu nguy Hồi giáo (FIS) đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội.7 Nhằm ngăn chặn kết quả, tháng 1 năm 1992, quân đội đã ra tay can thiệp và hủy bỏ vòng hai cuộc bỏ phiếu. Sau đó quân đội lật đổ tổng thống đương nhiệm, cấm FIS, bắt tù các nhà lãnh đạo của mặt trận này, và gây ra cuộc nội chiến, cướp đi sinh mạng của khoảng 150.000 người.8 Cùng với việc Iraq ngày càng lún sâu vào nội chiến, Hoa Kỳ và các nước đồng minh châu Âu của Hoa Kỳ cảnh báo về việc các đảng phái và các ứng cử viên Hồi giáo, những người phản đối sống chung với Israel, các chế độ ở Ả Rập nhận thấy cơ hội có thể đảo ngược xu hướng tiến tới chế độ dân chủ và các quyền tự do cá nhân.
Ở Ai Cập, nước đông dân nhất và có ảnh hưởng chính trị mạnh nhất trong thế giới Ả Rập, việc tái khẳng chế độ độc tài diễn ra quyết liệt nhất. Trong vòng hai và ba cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 11 năm 2005, chế độ này đã khéo léo phá hoại ngầm những nỗ lực của những vị thẩm phán độc lập trong việc giám sát cuộc bầu cử trung thực. Phe đối lập chia rẽ nghiêm trọng và các nhóm xã hội dân sự thiếu nguồn lực để tiến hành giám sát cuộc bỏ phiếu đã bị vô hiệu hóa một cách dễ dàng và một loạt những hành vi sai trái – “từ tự tiện đóng cửa các điểm bỏ phiếu đến sử dụng bọn côn đồ, bạo lực đường phố và quyền lực trong quá trình kiểm phiếu” – đều được sử dụng nhằm khôi phục thế thượng phong của NDP.9 Câu lạc bộ thẩm phán, tổ chức quan trọng nhất của các thẩm phán, ngày càng phê phán chế độ và những hành vi sai trái trong bầu cử một cách thẳng thắn hơn; họ tung ra phong trào quần chúng (với những cuộc biểu tình lớn chưa từng có) đòi ban hành luật nhằm tăng cường sự độc lập tài chính và chính trị của các thẩm phán. Nhưng, các hoạt động mạnh mẽ này đã làm cho cơ quan tư pháp rơi vào tình trạng chia rẽ, chế độ đã lợi dụng cơ quan này trong việc thông qua đạo luật giúp tái lập quyền kiểm soát của nhánh hành pháp đối với nhánh tư pháp.10
Sau khi NDP giành được chiến thắng và Mubarak tuyên bố thu được chiến thắng vang dội trước ứng viên Ayman Nour và tái đắc cử vào tháng 9 năm 2005, NDP bắt đầu chiến dịch “cải cách” hiến pháp để có thể chống lại mọi “tai nạn” chính trị trong tương lai. Ba mươi bốn tu chính hiến pháp được quốc hội thông qua ngày 19 tháng 3 năm 2006, và một tuần sau đó thì được chấp thuận trong cuộc trưng cầu dân ý, cuộc trưng cầu này bị phe đối lập và hầu như toàn bộ cử tri tẩy chay.11 Mục tiêu chính của việc tu chính là hạn chế khả năng Huynh đệ Hồi giáo lặp lại thành tích trong cuộc bầu cử vừa rồi. Nhằm đảm bảo rằng Huynh đệ Hồi giáo tái tổ chức thành đảng chính trị, tu chính còn cấm các đảng phái chính trị dựa trên hay hoạt động dựa trên cơ sở tôn giáo. Tu chính cũng ngăn chặn, không cho Huynh đệ Hồi giáo chiếm được ghế trong quốc hội thông qua những ứng viên độc lập, như họ đã làm được trong cuộc bầu cử năm 2005, bằng cách chuyển hệ thống bầu cử “từ lấy ứng cử viên làm trung tâm thành hệ thống hỗn hợp chủ yếu dựa vào danh sách của đảng.”12 Để đảm bảo rằng, một lần nữa, các cuộc bầu cử không nằm ngoài vòng kiểm soát của chế độ, tu chính cũng tăng cường kiểm soát những nguồn tài trợ và hoạt động của đảng. Quan trọng hơn, các tu chính này đã xóa sổ phán quyết do tòa bảo hiến đưa ra vào năm 2000, yêu cầu cơ quan tư pháp giám sát trực tiếp của cuộc bầu cử, chuyển trách nhiệm giám sát cho ủy ban mới, do tổng thống kiểm soát. Trong khi về lý thuyết, vai trò của thủ tướng được tăng cường, nhưng trên thực tế, tổng thống và lực lượng an ninh được gia tăng “quyền lực chưa từng có” để chiến đấu với chủ nghĩa khủng bố, với quyền tìm kiếm, bắt giữ và nghe trộm mà không cần lệnh của tòa và đưa nghi phạm ra tòa án quân sự.13
Năm 2007, chế độ của Ai Cập đã thiết lập được gọng kìm độc tài cứng rắn của nó. Cuộc bầu cử hội đồng thành phố, được dự kiến tổ chức nào năm 2006, đã bị hoãn, dự định hai năm nữa và có thể còn lâu mới được tổ chức. Ayman Nour vẫn bị cầm tù, còn những lời phản đối của Hoa Kỳ thì quá mờ nhạt. Các đảng theo trường phái tự do và cánh tả truyền thống, với vài ghế trong quốc hội, vẫn bị mua chuộc và thiếu hiệu quả – phụ thuộc vào không gian chính trị ít ỏi mà chính quyền cho phép và quần chúng ủng hộ Huynh đệ Hồi giáo, mà đây chính là tổ chức có khả năng thay thế cho chế độ hiện hành trong thời gian gần.
Đến lượt mình, Huynh đệ Hồi giáo đã bị yếu đi vì các nhà lãnh đạo và những nhà tài trợ cho họ bị bắt giữ. Các thành viên của Huynh đệ bị đưa ra trước các tòa án quân sự – một số người bị đưa ra tòa quân sự sau khi bị tòa án hình sự từ chối xét xử – còn các nhóm nhân quyền thì không được theo dõi phiên tòa.14 Trong những tuần lễ trước cuộc bầu cử thượng viện, gọi là Hội đồng Shura, hàng chục thành viên Huynh đệ Hồi giáo, chủ yếu là từ những khu vực mà họ có ứng viên, đã bị bắt giam. Nhìn chung, hơn hai trăm thành viên Huynh đệ “đã bị bỏ tù vì tìm cách thực hiện quyền tự do lập hội và tự do thể hiện”, đây là vụ đàn áp Huynh đệ Hồi giáo trên diện rộng lần thứ ba, kể từ khi Mubarak lên cầm quyền từ năm 1981.15 Có những báo cáo nói rằng một số thành viên Huynh đệ bị giam giữ ít nổi tiếng hơn đã bị tra tấn.16
Ở Ai Cập, làn sóng độc tài tràn lên cả xã hội dân sự, những cuộc biểu tình của người lao động bị đàn áp, giấy phép của các tổ chức độc lập bị thu hồi, các nhà hoạt động bị bắt, còn những người lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế thì bị buộc phải đóng tài khoản e-mail. Trên báo chí, chủ nghĩa đa nguyên chính trị được thể hiện mạnh mẽ hơn, nhưng những ấn phẩm, các nhà báo và bloggers có tinh thần phê phán cũng bị đe dọa và đàn áp dữ dội hơn.17 Lời lên án mạnh mẽ và rõ ràng của Hoa Kỳ và châu Âu – đe dọa có những biện pháp trừng phạt – có thể trở thành đối trọng hiệu quả, chặn đứng được bước thụt lùi về phía độc tài. Nhưng, hoảng sợ trước sự ngóc đầu dậy của lực lượng Hồi giáo, sức mạnh đang lên của Iran và sự bất ổn chính trị trong khu vực, chính phủ Bush – chưa nói đến các chính phủ Âu châu thận trọng – quyết định rằng họ cần Mubarak hơn lúc nào hết, và nói chung là im lặng. Không rõ là thắng lợi đột ngột của các lực lượng Hồi giáo trong cuộc bầu cử năm 2005 là do chế độ độc tài đã mệt mỏi, do những tính toán sai lầm, hay đấy là động thái khôn ngoan của Mubarak nhằm báo động cho chính quyền Hoa Kỳ vì trước đó nước này đã tuyên bố là sẽ thay đổi chính sách đối ngoại kéo dài suốt 60 năm qua. Tôi nghiêng về giả thuyết thứ hai.
Cuộc đàn áp tương tự nhằm chống lại những người bất đồng chính kiến,đặc biệt là các phần tử Hồi giáo do cơ quan tình báo của Jordan tiến hành, sau khi kêu gọi quốc tế ủng hộ nhân vụ đánh bom tự sát làm chết 60 người trong ba khách sạn ở Amman vào ngày 9 tháng 11 năm 2005. Một số báo cáo đángtin cậy chứng tỏ đã có đánh đập, điều kiện giam giữ khắc nghiệt và một người đã bị tra tấn – đây là hiện tượng phổ biến trong các chế độ ở khu vực này.18 Ở Jordan, lời hứa về cải cách chính trị đã bắt đầu bị hủy bỏ trước đó mấy năm. Nhiều người đã từng hi vọng khi vua Abdullah lên ngôi vào tháng 2 năm 1999, sau khi vua Hussein băng hà. Thiết quân luật đã được dỡ bỏ, các đảng chính trị đã được hợp pháp hóa, các cuộc bầu cử quốc hội đã được phục hồi sau thời gian gián đoạn kéo dài hai mươi hai năm, tự do báo chí gia tăng và cải cách kinh tế được khởi động trong thập kỉ trước. Nhưng trước khi chết, người ta mới rõ rằng vua Hussein muốn những cải cách này chỉ là chu kỳ “tự do hóa mang tính chiến thuật”, một động thái chính trị kéo dài “nhằm duy trì chứ không phải là chuyển hóa chế độ độc tài” trong các nước Ả Rập, trong đó có Ai Cập, Jordan, Morocco, Algeria và Koweit.19 Dưới triều vua Hussein và người kế vị ông, chế độ ở Jordan đã sống được là nhờ “áp dụng khéo léo chiến lược song hành: tự do hóa và phi tự do hóa” mở rộng tự do và không gian chính trị nhằm duy trì tính chính danh của chế độ, rồi sau đó “đảo ngược quá trình, khi phe đối lập có thể trở thành lực lượng quá mạnh.”20
Giống như cha mình, nhà vua trẻ nói rất mạnh về cải cách dân chủ, nhưng trước hết vẫn ưu tiên cho sự tồn tại chế độ và “củng cố cơ sở chính trị của chế độ quân chủ.”21 Chế độ quân chủ ở Jordan dành hơn nửa thế kỉ để củng cố đường giới tuyến bấp bênh của cuộc xung đột Ả Rập-Israel, và người tị nạn Palestine có lẽ đông hơn các bộ lạc bản địa ở Jordan.22 Như vậy là, vua Abdullah nhấn mạnh cải cách kinh tế, trong đó có tự do hóa thương mại, chứ không phải là chương trình cải cách chính trị cụ thể. Trên thực tế, năm 2000, ngay sau ông này khi lên ngôi, tiến trình hòa bình Isreal-Palestine sụp đổ, và trước tình hình an ninh trong khu vực đang xấu đi, chế độ ở Jordan càng kìm kẹp chặt hơn về mặt chính trị. Tháng 6 năm 2001, quốc hội đã bị đình chỉ trong giai đoạn kéo dài đến hai năm, trong khi nhà vua ban hành hơn hai trăm nghị định, thành quả của tự do lập hội, tự do biểu tình và tự do báo chí đã bị rút lại. Mặc dù quốc hội và bầu cử đã được phục hồi vào năm 2003, nhưng đấy là theo hệ thống bầu cử – áp dụng từ năm 1993 “nhằm hạn chế thắng lợi thông qua các cuộc tuyển cử của lực lượng Hồi giáo” – cho phép mỗi cử tri chỉ chọn một ứng viên trong khu vực bầu cử được bầu nhiều đại biểu và do đó, những mối liên hệ cá nhân và ứng viên thuộc cùng bộ lạc sẽ được ưu tiên hơn so với các đảng chính trị có tổ chức, đặc biệt là Mặt trận Hành động Hồi giáo (đảng của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo.)23 Vua Abdullah tiếp tục nói về cải cách chính trị, năm 2003, ông cho thành lập Bộ phát triển chính trị và năm 2006 thì đưa ra chương trình nghị sự quốc gia, trong đó, một lần nữa, tập trung vào cải cách kinh tế, và hứa sẽ có những quyền tự do chính trị và tự do dân sự rộng rãi hơn. Nhưng, “quyền lực thực sự vẫn không nằm trong tay nội các hay quốc hội, mà nằm trong tay hoàng gia, tòa án và cơ quan tình báo.”24 Quan hệ giữa nhà nước độc tài và các lực lượng Hồi giáo ngày càng căng thẳng hơn, nhất là sau chiến thắng của Hamas trong cuộc bầu cử tháng 1 năm 2006 ở Palestine, làm bùng lên những mối lo ngại ở Jordan về hiệu ứng lan toả.
Cũng như ở Jordan, năm 1999, hi vọng ở Bahrain cũng gia tăng, đấy là khi vị tiểu vương trị vì trong một thời gian dài qua đời và con trai ông, Sheikh Hamad bin Isa ai-Khalifa, bước lên ngai vàng, mà dòng họ của ông đã giữ suốt hơn hai thế kỉ qua. Nhà vua vừa tròn 49 tuổi (người tự gọi là vua và là một phần của khế ước xã hội mới với nhân dân nước mình) đã nhanh chóng nới lỏng trật tự chính trị cứng nhắc, thả tù chính trị, cho phép những người lưu vong trở về, hủy bỏ luật và tòa án khẩn cấp, cho phụ nữ quyền bầu cử và tổ chức bầu cử quốc hội vào năm 2002, lần đầu tiên sau 27 năm vắng bóng. Các lực lượng Hồi giáo tẩy chay những cuộc bầu cử này vì người ta đã lập ra thượng viện có nhiều quyền hơn, nhưng đại biểu lại do nhà vua chỉ định. Nhưng năm 2006, họ đã quyết định tham gia tranh cử và giành được đa số ghế; nhóm Hồi giáo Shiite đã giành được tất cả 17 ghế mà họ nhắm tới. Tuy nhiên, chiến thắng đó cho thấy những giới hạn của cải cách dân chủ của đất nước này. Với người Shiite chiếm ít nhất 60% dân số cả nước chỉ có 700.000 ngàn người,25 và người Hồi giáo dòng Shiite trước đây đã từng kêu gọi bãi bỏ chế độ quân chủ, vương triều ai–Khalifa thuộc dòng Hồi giáo Sunni không thể có bước đột phá dân chủ thực sự. Khi các nhà hoạt động dân chủ của người Shiite ở Bahrain biết sử dụng Google Earth một cách khéo léo để đưa sự bất bình đẳng cùng cực của đất nước về đất đai và tài sản, – họ tung ra hình ảnh bốn mươi cung điện hoàng gia và “những vùng đấtđai rộng lớn không người ở, trong khi hàng chục ngàn người, chủ yếu là người Shiite nghèo khổ chen chúc nhau trong những khu vực đông người chật hẹp” – nhưng đấy là quá đủ đối với ngay cả chế độ quân chủ được thừa nhận là có tinh thần cải cách. Chế độ đã gia tăng quyền kiểm soát đối với xã hội dân sự.26
Ở hầu hết các nước khác trong thế giới Ả Rập cũng diễn ra hiện tượng tương tự, mở cửa chính trị đã bị đóng sập lại và triển vọng cải cách đã bị xì hơi. Ở Algeria, quá trình hòa giải của tổng thống Abdelaziz Bouteflika với người Hồi giáo sau khi ông được bầu năm 1999 đã hạ nhiệt được cuộc nội chiến, làm giảm đáng kể khủng bố và bạo lực. Tổng thống cũng giảm dần quyền kiểm soát của giới quân sự đối với lĩnh vực chính trị và chính phủ, đồng thời thúc đẩy cuộc bầu cử tổng thống có tính cạnh tranh hơn vào năm 2004. (Ông vẫn giành chiến thắng vang dội). Nhưng đảng Hồi giáo, FIS, vẫn bị loại, không được hoạt động chính trị, và khi nhiệm kì thứ hai của Bouteflika sắp chấm dứt thì có tin đồn là sẽ có tu chính hiến pháp, tạo điều kiện cho ông này làm thêm một nhiệm kì nữa. Dường như ông ta hạn chế quân đội chỉ “để cho mình được tự do hành động, chứ không phải nhằm dân chủ hóa Algeria”. Algeria ngày càng giống như hầu hết các nước Ả Rập khác, tức là “gặp phải vấn đề quyền lực tập trung quá nhiều vào tay một người cai trị duy nhất.”27 Năm 2005, Syria thả hàng trăm chính trị phạm và nới lỏng đàn áp chính trị hơn trước, nhưng áp lực quốc tế vẫn đè nặng lên nước này do vụ ám sát Rafiq Hariri, đây vẫn là chế độ độc tài thâm căn cố đế, sẵn sàng bắt và tra tấn bất cứ người nào dám thách thức tính chính danh của nó. Năm 2007, khi tổng thống Zine el-Abidine Ben Ali chuẩn bị bước vào năm cầm quyền thứ hai mươi, Tunisia vẫn chỉ là chế độ áp bức nhẹ nhàng hơn một chút so với chế độ của đảng Baath ở Syria, và cũng không có tính cạnh tranh hơn bao nhiêu. Nhưng với chính sách kinh tế tự do nước này và sự hợp tác có tính chiến lược trong cuộc chiến chống khủng bố; Mĩ và châu Âu nói chung có quan điểm khác về nước này.
Chú thích:
(1) Adeed Dawisha and Larry Diamond, “Iraq’s Year of Voting Dangerously”, Journal of Democracy 17 (April 2006): 99-100. Đọc thêm Larry Diamond, Squandered Victory: The American Occupation and the Bungled Effort to Bring Democracy to Iraq (New York: Owl books., 2006 paperback edition), “Afterword”, pp. 337-60.
(2) Jason Campbell, Michael O’Hanlon, and Umy Unikewicz, “The State of Iraq”, New York Times, March 18, 2007. Tháng 2 năm 2007, sản lượng điện đạt mức 3.600 megawatts, ít hơn thời trước chiến tranh và ít hơn hẳn 6.000 megawatts mà người đứng đầu lực lượng chiếm đóng Mĩ, đại sứ L. Paul Bremer tuyên bố là mục tiêu mà Mĩ cần phải đạt. Mỗi ngày Baghdad chỉ được cấp điện trong vài giờ.
(3) “Iraq Poll 2007”, BBC News, March 19, 2007, http://news.bbc.co.uk/2/shared/bsp/hl/pdfs/19_03_07 Iraq pollnew.pdf.
(4) Báo cáo này do một nhà hoạt động chia sẻ với tôi trong nửa đầu năm 2007.
(5) Fred Wehrey, “Ả Rập Saudi: Shi’a Pessimistic About Reform, but Seek Reconciliation”, Arab Reform Bulletin 5 (June 2007): 2, http://www.carnegieendowment.org/publications/lndex.cfm?fa=viewƐxid=1302Ɛxprog=zgpƐxproj=zdrl.
(6) Amr Hamzawy, “Egypt, 2005-2007. Backsliding on Democratic Reform”, trình bày tại Center on Democracy, Development, and the Rule of Law, Stanford University, May 23,2007.
(7) William B. Qaundt, “Aigetia’s Uneasy Peace”, in Larry Diamond, Marc F. Plattner, and Daniel Brumbreg, eds., Islam and Democracy in the Middle East (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 2003), p. 58.
(8) Freedom House, Freedom in the World, 2006, pp. 26-27
(9) Omar Shakir, “Taming the Pharaoh: Political Accountability in Modern Egypt”, bài chưa công bố, Stanford University, Center on Democracy, Development, and the Rule of Law, May 2007, p.35.
(10) Ibid., chap. 4.
(11) The Egyptian Organization for Human Rights reported a voter turnout in the referendum of less than 5%. Amr Hamzawy, “Amending Democracy Out of Egypt’s Constitulion”, Washington Post, April 2, 2007, http://www.carnegieendowment.org/publications/index.cfm?fa=viewƐxld=19085Ɛxprog=zgpƐxproJ=zdrl, zme.
(12) Ibid.
(13) Ibid.
(14) Egypt: Flawed Military Trials for Human Rights Leaders”, Human Rights Watch, June 5, 2007, http://hrw.org/english/docs/2007/06/05/egypt16072.htm.
(15) “Egypt: Muslim Brothers Arrested Ahead of Election”, Human Rights Watch, May 30, 2007, http://hrw.org/english/docs/2007/05/30/egypt16018.htm
(16) “Egypt: Faces of a Crackdown”, Human Rights Watch, video, May 30, 2007, http://hrw.orgt/video/2007/egypt05.
(17) Kamel Labidi, “Arab States: The Paradox of Press Freedom”, Arab Reform Bulletin 5 (June 2007): 5,
(18) Human Rights Watch, “Suspicious Sweeps: The General Intelligence Department and Jordan’s Rule of Law Problem” (September 2006), http://hrv.org/reports/2006/jordan0906/.
(19) Daniel Brumberg, “The Trap of Liberalized Autocracy”, in Diamond, Plattner, and Brumberg, Islam and Democracy in the Middle East, p. 35.
(20) Russell E. Lucas, “Deliberalization in Jordan”, In Diamond, Plattner, and Brumberg, Islam and Democracy in the Middle East, pp. 99-100.
(21) Julia Choucair, “Illusive Reform: Jordan’s Stubbon Stabilily”, Carnegie Papers no. 76, Democracy and Rule of law Project, Carnegie Endowment for International Peace, December 2006, p. 8.
(22) Theo tuyên bố chính thức tháng 9 năm 2002, người Palestine chiếm 43% dân số Jordan, nhưng nhiều người nói rằng khoảng 60%. Ibid., p. 5.
(23) Ibid., p. 7.
(24) Ibid., p. 10.
(25) Vali Nasr nói tỉ lệ người Shiite ở Bahrain là 75%. “When the Shiites Rise”, Foreign Affairs 85 (July-August 2006): 65.
(26) Falza Saleh Ambah, “In Bahrain, Democratic Activists Regret Easing U.S. Pressure”, Washington Post, November 27, 2006, http://www.washingtonpost.Com/wp-dyn/content/article/2006/11/26/AR2006112601135. html.
Ngay cả trước khi có vụ này, the Bahrain Center for Human Right Watch cũng đã bị đóng của và website của tổ chức này bị chặn khi giám đốc trung tâm, Abdulhadi Khawajah, công khai chỉ trích thủ tướng tham nhũng.
(27) Rachid Tiemҫani, “Algeria: Bouteflika and Civil-Military Relations”, Arab Reform Bulletin (June 2007): 4-5. Đọc thêm Freedom House, Freedom in the World, 2006, pp. 26-30.
Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)