[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương II: Cuộc đời, sự nghiệp, trước tác

[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương II: Cuộc đời, sự nghiệp, trước tác

Sự nghiệp ở châu Âu và Mĩ

Ludwig von Mises sinh năm 1881, ở Lemberg, Galicia (bây giờ là thành phố Lviv ở Ukraine), con của một người hoạt động trong ngành cung cấp tài chính và xây dựng đường sắt"1. Ông lớn lên chủ yếu ở Vienna, vào đại học năm 1900 và tốt nghiệp tiến sĩ luật và kinh tế năm 1906. Giống như đa số sinh viên hồi đó, ban đầu ông tin rằng nhà nước cần phải can thiệp vào kinh tế, nhưng tác phẩm Các nguyên lí của kinh tế học của Carl Menger đã cho ông thấy tầm quan trọng của thị trường tự do và tin rằng sự lựa chọn của các cá nhân chính là nền tảng vững chắc của nhu cầu kinh tế.

Chức vụ đã giữ trong lĩnh vực kinh tế

Sau khi tốt nghiệp, Mises vào làm cho Phòng Thương mại Áo, một tổ chức bán chính thức, làm nhiệm vụ cố vấn cho chính phủ Áo về lĩnh vực chính sách kinh tế. Không lâu sau ông đã trở thành một nhà phân tích lỗi lạc - danh hiệu này càng được củng cố thêm sau khi ông xuất bản tác phẩm bất hủ: Lí thuyết về tiền tệ và tín dụng năm 1912.

Mises muốn được đứng trên bục giảng của các trường đại học, nhưng ông không phát triển được trong nghề này - ông tin rằng trở ngại là do những quan điểm về thị trường tự do, phóng khoáng không hợp với giới hàn lâm lúc đó. Năm 1913 ông bắt đầu giảng dạy ở trường Đại học Tổng hợp Vienna, nhưng chỉ là một giảng sư ngoại ngạch, sống chủ yếu bằng thù lao chứ không phải bằng lương của nhà trường.

Sau khi đi nghĩa vụ trong thời gian diễn ra Thế chiến I, Mises trở thành Giám đốc Uỷ ban Bồi thường. Ông đã gặp và đề nghị một nhà kinh tế học trẻ tuổi là Friedrich Hayek cùng cộng tác với mình; từ đó ông có điều kiện chấm dứt vai trò giảng sư để chuyên tổ chức những buổi hội thảo quy tụ được rất nhiều học giả theo trường phái tự do đầy tài năng lúc đó.

Nghiên cứu hàn lâm

Năm 1922 Mises cho xuất bản một tác phẩm bắt hủ khác, cuốn Chủ nghĩa xã hội. Ông vẫn tiếp tục quan tâm đến vấn đề tiền tệ và tín dụng, và năm 1927 ông thành lập Viện Nghiên cứu Chu kì Kinh tế. Áo, cùng làm việc với Hayek ở đây. Cùng năm đó ông cho xuất bản tác phẩm Chủ nghĩa tự do truyền thống, trong đó ông đúc kết và tái tuyên bố những nguyên tắc nền tảng của chủ nghĩa tự do.

Các công trình nghiên cứu chu kì kinh tế càng làm Mises thêm lo lắng về tình hình kinh tế của nước Áo. Đấy là giai đoạn lạm phát phi mã ở Đức, nước Áo cũng không tránh được. Đồng bạc mất giá đến mức 14.400 đồng tiền giấy mới đổi được một đồng tiền vàng. Mises tiên đoán rất đúng rằng lạm phát phi mã trong những năm 1920 chắc chắn sẽ dẫn đến những sụp đổ dây chuyển của hệ thống tín dụng và ngân hàng.

Mises vui vẻ nhận ngay lời mời làm Giáo sư quan hệ kinh tế quốc tế tại Viện Nghiên cứu Quốc tế ở Geneva - mặc dù ông vẫn tiếp tục làm việc bán thời gian cho Phòng Thương mại Áo cho đến khi Hitler thôn tính Áo năm 1938. Nhưng nguồn gốc Do Thái và thái độ chống chủ nghĩa toàn trị quyết liệt của ông buộc ông phải rời bỏ nước Áo và làm cho chính phủ Thụy Sĩ cảm thấy khó xử: năm 1940 ông và vợ, bà Margit, di cư sang Mĩ và trở thành công dân của nước này vào năm 19462.

Sáng tác và giảng dạy ở Mĩ

Mặc dù đã có uy tín từ trước đó, nhưng khi đến New York thì Mises đã ngoài 60 tuổi, và ông đã đấu tranh để tìm cho bằng được một vị trí trong giới hàn lâm. Có thể khả năng Anh ngữ tương đối kém cũng như thái độ thiếu hòa nhã đã làm hại ông. Tuy nhiên, từ năm 1945 đến năm 1949 ông vẫn giảng dạy ở trường Đại học Tổng hợp New York, nhưng cũng chỉ là giáo sư thỉnh giảng không lương. Nhưng đây lại là giai đoạn hoạt động tích cực của ông. Như thời còn ở Vienna, Mises lôi kéo được rất nhiều sinh viên và giáo viên tài năng tham gia các buổi hội thảo của mình. Ông viết một loạt tác phẩm, như Bộ máy quan liêu (Bureaucracy), Chính phủ toàn trí toàn năng (Omnipotent Government), Tâm lí bài tư bản (The Anti-capitalist Mentality) và Lí thuyết và lịch sử (Theory and History), những tác phẩm phơi bày rõ những khiếm khuyết của tư tưởng phi tự do và chứa đựng những quan điểm thấu triệt quan trọng và mới mẻ về phương pháp của khoa kinh tế học. Năm 1949 ông cho xuất bản tác phẩm Human Action, một tác phẩm liên kết kinh tế học và chủ nghĩa cá nhân thành một tổng thể đầy ấn tượng. Đây được coi là công trình vĩ đại nhất đời ông.

Những năm cuối đời, ông được trao rất nhiều bằng danh dự và tước vị. Vị trưởng thượng của Trường phái kinh tế Áo mất vào tháng 10 năm 1973. Đúng một năm sau đó, Friedrich Hayek, người học trò và cũng là người bạn thân của Mises nhận giải Nobel kinh tế cho những công trình về lí thuyết chu kì kinh tế mà hai người đã cùng góp công khai phá.

Trước tác về kinh tế học, khoa học chính trị và phương pháp

Suốt cuộc đời, lúc nào Mises cũng sẵn sàng bảo vệ những quan điểm chống-nhà-nước-toàn-năng3 của mình một cách quyết liệt nhất. Ngay buổi họp mặt đầu tiên của hội Mont Pelerin - một nhóm các nhà tư tưởng theo xu hướng xã hội tự do do Hayek thành lập năm 1947 - trong một cuộc thảo luận về thuế thu nhập lũy tiến, Mises đã có phản ứng và tuyên bố: “Tất cả các vị đều là bọn xã hội chủ nghĩa [theo mô hình Liên Xô cũ]". Còn khi Fritz Machlup, một môn đồ hết lòng với ông, tỏ ý nghi ngờ tính hữu lí của việc lấy vàng làm bản vị tiền tệ thì Mises đã cắt đứt quan hệ với ông này trong ba năm.

Có thể, chính nhờ kinh nghiệm của cuộc nội chiến ở châu Âu mà Mises biết được nguy cơ tiềm ẩn trong việc thỏa hiệp với chủ nghĩa xã hội . Nhưng tư tưởng xã hội chủ nghĩa lại được nhiều người ưa chuộng và chính quan điểm không khoan nhượng của Mises đã cản trở sự thăng tiến của ông trong giới hàn lâm. Ngay cả những công trình lí thuyết cô đọng nhất của ông cũng thường chứa đầy những cuộc luận chiến nóng bỏng chống lại khuynh hướng nhà nước toàn năng4 - một vấn đề mà người đọc trong giới hàn lâm coi là chưa được giải quyết.

Việc Mises viết bằng tiếng Đức cũng là một trở ngại vì lúc đó các nhà kinh tế học đều tập trung chú ý vào những người viết bằng tiếng Anh như Fisher, Marshall và Keynes. Vì không nằm trong giới trí thức truyền thống cho nên các công trình của ông thường không được dịch ngay; một số bản dịch lại không thể hiện được chính xác nguyên tác. Ngay cả khi viết bằng tiếng Anh, tức là khi đã định cư ở Mĩ, giọng văn của ông cũng không được trôi chảy: Ý nghĩa rối rắm và do cách chọn từ của ông nên thường bị bóp méo đi. Đôi khi, chỉ trong vài trang sách ông đã chuyển từ những lí luận đầy tính hàn lâm sang những lời thoá mạ cay độc nhất nhằm chống lại những tư tưởng mà ông cho là yếu kém. Những lời đả kích chua cay ấy có thể đã làm độc giả xa lánh. Nhưng ngay cả như thế, ông vẫn xứng đáng được nghiên cứu một cách kĩ lưỡng vì tác phẩm của ông vẫn rất mới, vẫn đầy sức mạnh và có liên quan đến ngày hôm nay.

Những tác phẩm viết về lí thuyết kinh tế

Cuốn Lí thuyết về tiền tệ và tín dụng xuất bản năm 1912 là một thành công rực rỡ. Đề tài rộng và tỉ mỉ trong chi tiết, tác phẩm này đã biến phân tích kinh tế vi mô thành lí thuyết về tiền tệ, tín dụng và lạm phát. Tác phẩm này tạo được ảnh hưởng lớn ở châu Âu, mặc dù ở Anh và Mĩ nó đã bị cách tiếp cận của kinh tế vĩ mô do Irving Fisher đưa ra một năm trước đó làm lu mờ. Nhưng công trình nghiên cứu về tiền tệ và tín dụng, và đặc biệt là lí giải của ông về chu kì kinh tế như là kết quả không thể tránh được của những vụ đầu tư sai lệch do được cấp tín dụng vẫn là một trong những đóng góp quan trọng nhất của Mises cho khoa kinh tế học. Human Action là một thành tựu vĩ đại nữa của ông, đây là lời khẳng định dứt khoát rằng kinh tế học chỉ là một phần của môn khoa học bao trùm hơn về hành động của con người mà ông gọi là praxeology (khoa học về hành động con người). Các nguyên lí của kinh tế học có thể được rút ra từ một vài tiền đề về mục tiêu và sự lựa chọn của con người. Nó tập trung chú ý xem xét cách thức các cá nhân phản ứng với các sự kiện và vai trò tối quan trọng của thời gian, sự bất định và xét đoán trong những quyết định như thế - tất cả những điều này đều bị môn kinh tế học vĩ mô dòng chính bỏ qua. Trên nền tảng như thế, Human Action cung cấp cho chúng ta cách hiểu mới mẻ về bản chất thật sự của đồng tiền, của hiện tượng độc quyền, cạnh tranh, lạm phát, vai trò của chính phủ và rất nhiều vấn đề khác nữa.

Các hệ thống của tổ chức xã hội

Mises tin rằng kinh tế học, nếu hiểu đúng, có thể cung cấp cho ta một bản chỉ dẫn quan trọng về những kiểu tổ chức kinh tế hoặc xã hội khả thi cũng như những loại tổ chức bất khả thi. Tác phẩm Quốc gia, Nhà nước và Nền kinh tế (Nation, State and Economy), xuất bản năm 1919, là một ví dụ tuyệt với. Tác phẩm này nói rằng các dân tộc, quá nhiệt tình trong việc bảo vệ nền văn hóa của mình, thường tìm cách ngăn cản việc nhập cư và tạo ra những rào chắn chống lại các nhóm khác. Hậu quả là làm cho một số dân tộc bị mắc kẹt trong những khu đông đúc và nghèo đói, làm cho họ càng thêm tức giận và kích thích họ tìm cách chiếm đoạt vùng lãnh thổ mà họ “cần”. Nhưng chỉ chính phủ mới có khả năng tạo ra những rào cản làm bùng phát những cuộc xung đột như thế; chỉ khi bãi bỏ các rào cản thì chính phủ mới chấm dứt được xung đột.

Như vậy, chủ nghĩa xã hội chính là phương thức tạo ra xung đột. Các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa phải tự bế quan toả cảng hoặc việc di cư sẽ phá hỏng những kế hoạch đã được chuẩn bị kĩ lưỡng của họ. Tất cả các nước xã hội chủ nghĩa vốn đã là những nước theo đường lối đế quốc, trong khi các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa bao giờ cũng tươi sáng hơn, cho nên muốn giữ được huyền thoại về tính ưu việt của mình họ sẽ buộc phải biến tất cả các nước khác thành xã hội chủ nghĩa.

Mises đã phát triển những quan điểm này trong Chủ nghĩa xã hội, một tác phẩm vĩ đại nữa của ông được xuất bản năm 1922. Tác phẩm này có nhiều điểm làm người ta phải nhức nhối, nhưng choáng váng nhất là luận điểm nói rằng trong chủ nghĩa xã hội người ta sẽ không thể nào tính toán được hiệu quả kinh tế: không có giá cả thì không làm sao biết được sản phẩm sản xuất ra có hiệu quả về mặt kinh tế hay không.

Cuốn Phê phán chủ nghĩa can thiệp (Critique of Interventionism) xuất bản năm 1929 chỉ rõ rằng chủ nghĩa xã hội được pha loãng ra cũng chẳng có gì hay họ hơn. Tác phẩm này giải thích rằng bất cứ sự can thiệp nào vào thị trường cũng đều tạo ra những phản ứng phụ không mong muốn và không lường trước được. Ví dụ như giữ giá sữa thấp sẽ làm gia tăng nhu cầu nhưng làm giảm lợi nhuận, các nhà cung cấp không còn muốn cung cấp nữa. Thiếu hụt chắc chắn sẽ xảy ra: chính phủ lại phải can thiệp và cứ như thế, chẳng mấy chốc việc can thiệp một cách từ từ sẽ biến thành chủ nghĩa xã hội triệt để. Là một nhà luận chiến vĩ đại, Mises còn tiếp tục trở lại chủ đề này trong các tác phẩm khác, ví dụ như Kế hoạch hóa vì tự do và chính sách kinh tế (Planning for Freedom and Economic Policy).

Trong chuyên khảo ngắn có tên Bộ máy quan liêu, xuất bản năm 1944, Mises đã chỉ ra vì sao những viên chức dân sự không bao giờ có thể trở thành doanh nhân được. Kinh doanh, Mises nói, bao giờ cũng phải trực diện với một thách thức đơn giản: lợi nhuận; nhưng các cơ quan của chính phủ lại đối mặt với một vấn đề không thể giải quyết được: những yêu cầu chính trị bất tận và luôn luôn cạnh tranh với nhau. Trong tác phẩm Chính phủ toàn trí toàn năng, xuất bản năm 1944, ông còn tái khẳng định rằng chính sách can thiệp sẽ làm giảm hiệu quả sản xuất và dẫn tới nhu cầu phải chiếm những khu vực mang lại nhiều lợi nhuận hơn, châm ngòi cho chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đế quốc, nghĩa là dẫn tới chiến tranh.

Tác phẩm Chủ nghĩa tự do, xuất bản năm 1927, là một lời tuyên bố ngắn gọn và súc tích về một sự lựa chọn duy nhất có thể chấp nhận được. Tác phẩm này nói rằng thịnh vượng kinh tế phụ thuộc vào chuyên môn hóa và thương mại. Nhưng chuyên môn hóa và thương mại chỉ có thể tồn tại khi phương tiện sản xuất nằm trong tay tư nhân và người dân được tự do trao đổi. Điều đó đòi hỏi phải có hòa bình và tự do, mà kinh nghiệm lại cho chúng ta thấy rằng muốn có hòa bình và tự do thì lại phải có quyền chính trị và quyền công dân bình đẳng. Những người theo phái tự do phải ngăn chặn vai trò của chính phủ nhằm thúc đẩy những quyền này và bảo vệ hòa bình: các chính phủ dễ dàng gặm nhấm quyền sở hữu tư nhân nếu họ có quyền làm như thế. Tuy nhiên, chủ nghĩa tự do là lực lượng bảo vệ hòa bình. Mises nói: người dân sống nhờ vào buôn bán với người khác thì họ không muốn đánh nhau.

Những tác phẩm viết về phương pháp luận

Mises viết ba cuốn về lí thuyết kinh tế và phương pháp. Đó là cuốn Những vấn đề nhận thức luận của kinh tế học (Epistemological Problems of Economics), xuất bản năm 1933, trong đó ông đưa ra luận điểm cho rằng khác với vật lí học, kinh tế học không phải là khoa học thực nghiệm, mà là hệ thống suy diễn, tương tự như toán học, trong đó bất kì định lí nào cũng có thể được suy ra từ một tiền đề đơn giản là tất cả các cá nhân đều hành động với một mục đích nào đó. Đấy là điểm xuất phát tự nhiên của những ý tưởng về lựa chọn, giá cả, thời gian, lợi nhuận và nhiều thứ khác nữa. Chỉ có quan sát chúng ta mới biết chính xác dân chúng lựa chọn cái gì, nhưng phương pháp suy luận lại cho chúng ta biết họ lựa chọn như thế nào - và đây chính là đối tượng nghiên cứu thực sự của kinh tế học.

Cuốn Nền tảng căn bản của kinh tế học (The Ultimate Foundations of Economics), xuất bản năm 1952, một lần nữa cho thấy vì sao các phương pháp của khoa học thực nghiệm không thể áp dụng được cho kinh tế học. Chúng ta hành động, Mises nói, vì chúng ta coi một số đồ vật hay sự kiện nào đó là có giá trị và từ quan điểm hiển nhiên như thế chúng ta có thể suy ra những ý tưởng về mục đích, phương tiện, thành công, thất bại, lợi nhuận và thiệt hại.

Nhà kinh tế học không cần gì khác. Không thể áp dụng các phương pháp quan sát và thực nghiệm cho môn kinh tế học vì ở đây không có những hằng số có thể đo lường được và không thể nào dự đoán được hành động của các cá nhân vì chúng ta không thể nào biết được mục đích của họ là gì và cái gì là có giá trị đối với họ. Niềm tin cho rằng xã hội loài người là có thể dự đoán được chính là cái đã sinh ra sự bịp bợm của những người ủng hộ quan điểm nhà nước toàn năng, là xã hội loài người cũng là xã hội có thể kiểm soát được.

Tác phẩm Lí thuyết và Lịch sử (Theory and History), xuất bản năm 1957, áp dụng phương pháp phê phán đó cho các môn khoa học khác. Cuốn sách này dành một phần để phê phán lí thuyết và phương pháp của những người theo Marx và một phần dành để bảo vệ chủ nghĩa tự do. Tác phẩm này khẳng định rằng vì lựa chọn của con người là không thể dự đoán được nên ý tưởng cho rằng chủ nghĩa xã hội hay bắt kì sự tiến bộ mang tính lịch sử nào khác là “tất yếu” là ý tưởng vô nghĩa. Tác phẩm này còn nói rằng tất cả các dữ liệu kinh tế về những sự kiện đã diễn ra là rất quan trọng. Vì chúng ta đang tìm cách hoàn thiện các lí thuyết mô tả hoạt động của thế giới cho nên cần phải nhớ rằng các dữ liệu mà chúng ta dựa vào đều phải là các dữ liệu có tính lịch sử. Các lí thuyết đó có thể thể hiện những ý tưởng của chúng ta, nhưng chúng không thể nói cho chúng ta biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra ngày mai vì ngày mai mọi thứ sẽ khác đi.

Di sản của Mises

Mises tỏ ra bi quan về những đóng góp của mình đối với lí thuyết chính trị và kinh tế học. Ông hi vọng rằng các tác phẩm của mình sẽ có ảnh hưởng ngay lập tức; nhưng trong suốt cuộc đời mình ông chỉ thấy chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa can thiệp vẫn được nhiều người ủng hộ.

Nhưng sau khi ông mất, những khiếm khuyết của chủ nghĩa xã hội theo mô hình Liên Xô cũ hiện thực đã hiện lên rất rõ. Đồng thời, việc tự do hóa thương mại đã nâng cao mức sống của người dân các nước nghèo nhất trên thế giới và làm cho các nước để quốc chủ nghĩa, từng đánh nhau, liên kết lại với nhau. Tư tưởng cho rằng chu kì kinh tế là do chính sách tài chính và tín dụng sai lầm tạo ra hiện đã được nhiều người công nhận. Và việc chuyển từ sản xuất hàng loạt sang nền kinh tế dịch vụ nhắm vào từng khách hàng riêng biệt khẳng định vai trò quan trọng của cá nhân so với các lực lượng vô nhân tính.

Nhìn chung, các tác phẩm của Ludwig von Mises đang có sức hấp dẫn nhiều hơn là ông từng lo lắng.

Chú thích:

(1) Về tiểu sử của Mises xin đọc thêm các tác phẩm sau đây: Ludwig von Mises, Notes and Recollections, Liberation Press, South Holland, II, 1978. Cũng xem Eamonn Butler, Ludwig von Mises, Fountainhead of the Modern Microeconomics Revolution, Gower, Brookfield, VT, and Aldershot, 1988.

(2) Người em của ông là Richard, một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực toán ứng dụng đã di cư sang Mỹ một năm trước đó

(3) Tạm dịch cụm từ anti-statist beliefs, xem chú thích chủ nghĩa quốc gia (statism) ngay sau đây

(4) Tạm dịch tự statism: lí thuyết và hoạt động ủng hộ cho việc tập trung sức mạnh kinh tế và chính trị vào tay nhà nước, kết quả là địa vị của cá nhân và cộng đồng (xã hội dân sự) trở nên yếu đi so với nhà nước.

Nguồn: Eamonn Butler (2014). Lược khảo Ludwig von Mises. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: Ludwig Von Mises―A Primer (2014) (lưu ý: bản đăng trên thitruongtudo.vn đã được Đinh Tuấn Minh hiệu đính).

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường