P/v ông Phạm Thế Anh: "Chậm mở cửa lại, doanh nghiệp FDI có thể rời đi, nhưng doanh nghiệp trong nước mới gặp nguy thực sự"
PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng phải có sự đánh đổi chứ không thể nào an toàn tuyệt đối khi mở cửa trở lại. Ở những nơi có độ phủ vắc xin cao thì phải nhanh chóng chấp nhận chuyện "sống chung với Covid".
PGS.TS Thế Anh - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - đã nói như vậy khi bàn về việc mở cửa, phục hồi lại nền kinh tế sau dịch.
Muốn giữ chân doanh nghiệp nước ngoài, cần cho họ thấy sự thay đổi trong tư duy chống dịch
- Thưa PGS.TS Phạm Thế Anh, vừa qua một số hiệp hội kinh doanh nước ngoài tại Việt Nam đã đồng loạt ký tên vào văn bản đề nghị Chính phủ sớm mở cửa lại nền kinh tế. Trước đó, một thống kê cũng đã chỉ ra có khoảng 20% doanh nghiệp FDI đã chuyển một số hoạt động sản xuất khỏi Việt Nam. Ông nghĩ sao về những việc như thế?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Lúc này, việc mở cửa đã không còn là chuyện nên hay không nữa mà là bắt buộc phải làm. Mở như thế là vì toàn bộ nền kinh tế chứ không chỉ có khối FDI.
Doanh nghiệp FDI rời đi chứng tỏ họ còn có lựa chọn. Nhưng doanh nghiệp trong nước thì chẳng có lựa chọn nào cả. Một mở cửa! Hai là họ chết hẳn.
Đóng góp của FDI vào kinh tế Việt Nam rất lớn, chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhưng họ cũng chỉ sử dụng khoảng 6-7 triệu lao động thôi, còn nước ta hiện có tới hơn 50 triệu lao động.
Cứu doanh nghiệp trong nước phải được đặt lên ưu tiên hàng đầu
Thế giới họ phòng chống bệnh dịch nhưng họ không đóng cửa sản xuất như mình, ngoại trừ một vài nước có nguồn lực mạnh và bệnh dịch chưa thâm nhập sâu, ví dụ Trung Quốc hay New Zealand. Ở Việt Nam hiện nay, biến chủng mới đã xâm nhập rất sâu. Chúng ta phải đi theo con đường “sống chung với Covid-19” như phần lớn các nước khác.
- Vậy theo ông, cụ thể là chúng ta nên làm gì?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Ở những nơi tỷ lệ tiêm chủng cao như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… thì phải sớm mở cửa lại cho doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở có biện pháp phòng chống dịch phù hợp,
Hiện nay, những quy định như 2-3 ngày công ty lại phải xét nghiệm test nhanh, 1 tuần test PCR một lần… gây khó khăn rất lớn, không khả thi đối với doanh nghiệp. Những doanh nghiệp số lượng lao động lớn tới cả chục ngàn người mà cứ xét nghiệm như vậy thì chi phi phí lớn khủng khiếp.
Những quy định đó đúng về mặt dịch tễ - y tế. Nhưng nó chưa thỏa đáng về mặt kinh tế. Có lẽ các quy định đưa ra nên được thống nhất giữa nhiều ban ngành.
Theo tôi, nước ta nên giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp về công tác chống dịch. Nhà nước chỉ cần đặt ra những quy định nền tảng. Ví dụ vẫn là test Covid định kỳ nhưng cái định kỳ đó cần giãn ra. Cũng không nên test toàn bộ công ty mà nên điều tra chọn mẫu.
Nếu doanh nghiệp để xảy ra ca nhiễm, thiệt hại nhiều lắm chứ nên chính họ cũng rất có ý thức chống dịch. Thứ hai, nếu có chuyện xảy ra thì nên quy định phân xưởng nào, khu vực nào có ca nhiễm thì dừng, test và cách ly nhanh chóng rồi cho sản xuất lại. Không thể tiếp tục tình trạng cả nhà máy rộng lớn tới hàng chục nghìn công nhân nhưng chỉ vì vài ca f0 mà phải dừng toàn bộ.
- Nhưng đối với doanh nghiệp FDI, chúng ta phải làm gì để các doanh nghiệp FDI tiếp tục yên tâm khi đầu tư vào việt Nam?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Nếu chúng ta vẫn còn giữ tư duy chống dịch như cũ thì các doanh nghiệp FDI sẽ thấy bất an. Họ không biết liệu mấy tháng nữa, Việt Nam có tiếp tục giãn cách xã hội nữa hay không?
Vì thế, chúng ta cần phải cho họ thấy sự an tâm về chính sách phòng chống dịch bệnh của mình, tức là không còn theo đuổi mục tiêu "Zero Covid" nữa.
Nếu họ an tâm với những điều kiện đó thì việc chuyển đơn hàng đi một chút đó chỉ là tạm thời. Nhưng nếu họ không an tâm mà chuyển đi hẳn thì đó sẽ là vấn đề lớn cần đặc biệt quan tâm.
Không thể nào có sự an toàn tuyệt đối
- Ông có giải pháp gì cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Đối với khu vực phi chính thức, các hàng quán thì cũng phải dựa theo tỷ lệ tiêm vắc xin. Có 2 con số: tỷ lệ phủ vắc xin của toàn dân, và tỷ lệ phủ vắc xin ở những người làm dịch vụ.
Tất nhiên người tiêm 2 mũi vắc xin vẫn có nguy cơ thấp nhiễm bệnh. Nhưng chúng ta phải chấp nhận. Làm cái gì cũng phải có sự đánh đổi chứ không thể nào an toàn tuyệt đối. Ở những nơi có độ phủ vắc xin cao thì phải nhanh chóng chấp nhận chuyện "sống chung với Covid".
- Một số địa phương đến giờ vẫn theo đuổi mục tiêu "Zero Covid". Ông nghĩ sao về điều đó?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Đó là các địa phương chưa có ca nhiễm trong cộng đồng. Điều ấy có thể thông cảm được vì tỷ lệ phủ vắc xin ở những nơi này còn chưa cao. Nhưng với những nơi phủ vắc xin rộng thì không thể giữ mãi mục tiêu ấy được nữa.
Nguồn: Thu Hường, "Chậm mở cửa lại, doanh nghiệp FDI có thể rời đi, nhưng doanh nghiệp trong nước mới gặp nguy thực sự", SohaVN, 30/09/2021.