Cách thức mà một xã hội tự do đương đầu với đại dịch
Trong suốt hàng trăm năm, các nhà kinh tế học đã viết về vai trò của chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội. Những cuộc thảo luận này có một chủ đề xuyên suốt: chính những nhà hoạch định chính sách lại thường không có đủ thông tin hay động cơ đúng đắn so với những gì các cá nhân, thị trường, thể chế và xã hội có thể tự mình đạt được. Các nhà kinh tế học đã theo dõi và chứng minh sự can thiệp của chính phủ có thể dẫn đến những hậu quả khó lường về mặt kinh tế, hay thậm chí là vi phạm nhân quyền.
Các nhà kinh tế học vốn thích quản trị tư nhân hơn quản trị công. Họ đã áp dụng logic này để chống lại chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa phát xít, chiến tranh, các hoạch định chính sách vĩ mô, hàng hóa công, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, quản lý môi trường cũng như hàng trăm vấn đề khác. Những tranh luận liên tục này hình thành cơ sở vững chắc để bảo vệ tự do thuần túy.
Dẫu vậy, chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà chính phủ kiểm soát tự do đi lại, đóng cửa doanh nghiệp, tùy ý quyết định loại hình kinh doanh nào thực sự cần thiết, làm gián đoạn chuỗi cung ứng một cách nguy hiểm, buộc đóng cửa trường học, nhà thờ và hạn chế đi lại. Yêu cầu phải ở-ngay-tại chỗ quả là một cơn ác mộng cho tư tưởng tự do, minh chứng cho việc sử dụng sức mạnh cưỡng chế tồi tệ nhất đối với quyền cá nhân, và kết quả thật thảm khốc.
Theo quan điểm của tôi, chúng ta đã không chuẩn bị đủ tốt để đối phó với cuộc tấn công dữ dội này. Không có đủ nhiều những bài viết và tác phẩm chứng minh rằng tự do, nguồn lực thị trường và quản trị tư nhân tốt hơn việc chính phủ đóng cửa và kiểm soát mọi thứ để ứng phó với đại dịch. Vậy thì ta có thể tìm kiếm những lập luận tốt hơn ở đâu đây?
Một phần vấn đề nằm ở chỗ, với vai trò là các nhà kinh tế, sử học và triết gia chính trị, mọi người đang yêu cầu chúng ta hãy ở yên trong lĩnh vực của mình và không chen vào các vấn đề y tế. Nhìn chung thì đó là lời khuyên tốt. Tuy vậy, có một vấn đề. Các nhà khoa học máy tính và vật lý lý thuyết mơ về chuyện đóng cửa toàn xã hội cũng không có 20 năm đào tạo y tế nghiêm túc và hẳn là cũng không chịu ở yên trong lĩnh vực của mình. Chắc chắn họ cũng cực kì ít quan tâm đến các tác động kinh tế từ các kế hoạch của họ.
Vậy ta sẽ tìm đến đâu để có được những bình luận xác đáng về các khía cạnh y tế của việc giãn cách xã hội? Đâu là các chuyên gia có kinh nghiệm và uy tín, cung cấp các bằng chứng đáng tin chứng minh việc giãn cách xã hội là quyết định sai lầm?
Để tôi giới thiệu cho bạn về Donald A. Henderson (1928-2016). Ông là người có công xóa bỏ dịch bệnh được ca ngợi nhất thế kỷ 20 và đặc biệt đã giúp thế giới thoát khỏi bệnh đậu mùa. Ông sinh tại Lakewood, bang Ohio, là con trai của một kỹ sư và y tá. Ông học Đại học Oberlin và tốt nghiệp cao học ngành y từ Đại học Rochester. Sau đó, ông tiếp tục tham gia đào tạo hai năm ở Đặc vụ Tình báo Dịch bệnh của Trung tâm nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm, sau đó chuyển đến Geneva (Thụy Sĩ), lãnh đạo một ban của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chuyên về bệnh đậu mùa.
Tôi khuyến khích bạn đọc hãy đọc toàn bộ tiểu sử của ông ấy được đăng tại Viện Đại học John Hopkins, nơi ông đứng đầu một nhóm nghiên cứu dịch tễ học xuất sắc.
Năm 2006, theo lệnh của chính quyền Bush, một số lập trình viên máy tính và một nhóm nhỏ các quan chức y tế công cộng bắt đầu làm sống lại một ý tưởng tiền hiện đại về cách li tập trung, đóng cửa và giãn cách xã hội. Lối tư duy này trái với logic của y học hiện đại. Tư duy đó dựa trên một giả thuyết là ta phải chạy trốn khỏi những con virus, trong khi đó tiến sĩ Henderson đã dành cả đời mình để thực hiện khám phá vĩ đại về lý thuyết virus hiện đại. Ông chứng minh rằng chúng ta không cần phải chạy trốn mà thực tế có thể xây dựng khả năng miễn dịch thông qua khoa học bằng miễn dịch tự nhiên hoặc vaccine.
Ở tuổi 78, tiến sĩ Henderson bắt tay vào hành động và đưa ra một phản ứng cực kỳ thông minh đối lại với chính sách cách ly và giãn cách vốn đang thịnh hành lúc bấy giờ. Kết quả là (bài nghiên cứu mang tên) "Các biện pháp Giảm thiểu Bệnh dịch trong việc Kiểm soát Đại dịch Cúm". Henderson, mặc dù được liệt kê cuối cùng, là tác giả chính cùng với các đồng tác giả Thomas V. Inglesby, nhà dịch tễ học Jennifer B. Nuzzo và bác sĩ Tara O’Toole.
Và đây là một kết luận đáng chú ý: Kinh nghiệm cho thấy rằng các cộng đồng phải đối mặt với dịch bệnh hay các biến cố bất lợi khác phản ứng tốt nhất và ít lo lắng nhất khi hoạt động xã hội bình thường của cộng đồng ít bị gián đoạn nhất. Những biện pháp lãnh đạo về mặt chính trị và y tế nhằm đảm bảo sự yên tâm và cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết là những yếu tố cực kỳ quan trọng. Nếu một trong hai ở dưới mức tối ưu thì một dịch bệnh vốn có thể kiểm soát được sẽ có thể biến thành thảm họa.
Gần như toàn bộ người Mỹ đều bị che mắt bởi các sự kiện xảy ra vào mùa xuân năm nay (2020). Chúng ta cứ ngỡ mình sống trong nền pháp trị bảo vệ các quyền thương mại, tự do và tài sản. Rồi đột nhiên, ta lại vỡ lẽ ra điều trái ngược. Nguyên cớ đều nằm ở một chủng virus mà hầu hết người dân và những học giả không chuyên về y học biết rất ít. Mạng sống và tương lai của chúng ta đều nằm trong tay các “những chuyên gia về sức khỏe cộng đồng” – là những người được chỉ định, được gọi là chuyên gia trong khi khả năng thì chưa được kiểm chứng – làm việc với một nhóm các chính trị gia đầy vô minh và tham vọng. Bằng quyền lực chuyên chế họ đã ban hành những chính sách cực đoan chỉ trong vài ngày.
Tại sao điều đó lại xảy ra? Vào tháng Giêng năm nay chúng ta đều biết rằng COVID-19 là chủng virus nguy hiểm đối với những người già cả sống trong các nhà dưỡng lão, vậy tại sao một số vị thống đốc lại tống các bệnh nhân đau ốm vào đó để gây lây lan? Chúng ta cũng biết rằng loại virus này vốn nguy hiểm chết người nhất là với nhóm có bệnh lý nền, vậy tại sao giới hoạch định chính sách không tập trung vào nhóm người dễ nhiễm bệnh thay vì phải ra lệnh phong toả cho mọi người? Tại sao chúng ta bắt buộc trường học phải đóng cửa trong khi trẻ em lại thuộc nhóm ít có khả năng nhiễm bệnh, điều mà tất cả chúng ta đều biết? Nhìn lại quá khứ, chúng ta từng biết cách đối phó với các loại virus khác nhau mà các tác động xấu tới xã hội tự do và pháp trị chỉ ở mức tối thiểu hay thậm chí là không hề có. Tại sao chúng ta lại chối bỏ những khuôn mẫu từng có hiệu quả trong quá khứ?
Nước Mỹ đã chọn một con đường khác, theo cái lộ trình do sau: phong tỏa, đóng cửa trường học và doanh nghiệp, đưa ra các sắc lệnh ở yên tại nhà, cách ly bắt buộc, thiết lập các điểm kiểm soát tại biên giới của các tiểu bang, mang khẩu trang, và chia rẽ bắt buộc giữa người với người. Nó giống với một thí nghiệm chính trị-xã hội bởi chưa từng có điều gì tương tự xảy ra trong lịch sử Hoa Kỳ hay ở bất kỳ xã hội phát triển nào trong thời hiện đại.
Chi phí cho xã hội và sự hỗn loạn sẽ còn bám theo chúng ta dài dài. Báo cáo này chỉ nhằm tìm ra câu trả lời cho những vấn đề cấp bách nhất. Đại dịch phải được xử lý như thế nào trong một xã hội tự do? Đâu là nguồn gốc và đâu là cơ sở cho việc phong tỏa? Tại sao các mô hình này lại thất bại nặng nề? Trong trường hợp xuất hiện thêm một loại virus khác, về việc chúng ta sẽ phải làm cái gì, các chuyên gia y tế có tay nghề, giàu kinh nghiệm và bác ái, họ định sẽ tuyên bố như thế nào?
Việc làm cấp bách bây giờ đó là chúng ta phải tự phổ cập và hành động cho chính mình ở một mức độ cao hơn như thế. Ta phải đảo chiều thực tế từ kế hoạch tập trung mang tính cưỡng bách sang phía tự do, và ta phải làm thế bằng cách nhân danh nhân quyền và sức khỏe con người.
Nguồn: Edward Peter Stringham, Introduction và How a Free Society Deals with Pandemics, American Institute for Economic Research, 21/5/2020