[Nhật Bản duy tân 30 năm] - Văn Hóa Đông Tây (Phần 4)

[Nhật Bản duy tân 30 năm] - Văn Hóa Đông Tây (Phần 4)

XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Trong thời đại duy tân, văn hóa Thái Tây vang dội đến cuộc sinh hoạt chính trị và xã hội Nhật Bản, có hai cái sức mới, thế lực rộng lớn: Xã hội chủ nghĩa và Phụ nữ vận động.

Xã hội chủ nghĩa truyền vô nước Nhật vào khoảng 1890, nghĩa là sau lúc thực hành duy tân mới được 22 năm.

Những tín đồ xã hội chủ nghĩa trước hết ở nước Nhật chính là những người Nhật tín đồ Thiên Chúa. Lúc nào nước họ luôn mấy trăm năm ngờ vực cấm tuyệt đạo Thiên Chúa, tới chừng khai quốc duy tân, họ lại lợi dụng ngay đạo Thiên Chúa và các ông cố đạo làm xe chở học thuyết nọ chế độ kia của Âu Mỹ đem qua cho họ.

Katamaya - nhà viết báo, Kinoshita - nhà văn học, Abe - cựu giáo sĩ và giáo sư, đều là người truyền bá xã hội chủ nghĩa đầu hết. Nhưng họ là người xã hội chủ nghĩa ôn hòa, chịu ảnh hưởng Tolstoi.

Có nhiều người khác tư tưởng mạnh bạo hơn, như Sakai, chủ trương phổ thông đầu phiếu và Kotoku, cộng sản, chủ trương lấy tổng bãi công làm khí giới để đối phó với tư bản.

Các nhà xã hội chủ nghĩa Nhật Bản hoạt động cũng hăng hái: nào là dịch những sách của Marx, Engels và Kropotkine, nào là mở ra những báo chí làm cơ quan truyền bá chủ nghĩa xã hội, nào là tổ chức ra các cuộc mít tinh, nào là xướng khởi nhiều vụ bãi công. Kể tới tháng Chạp năm 1904, xã hội chủ nghĩa mới hoạt động có 14 năm, mà họ bán được 15.000 cuốn sách dịch của Âu châu, 200.000 tờ báo, 39.000 tập sách cổ động, 120 cuộc đại hội và lập ra nhiều chi bộ ở trong 11 nơi có thợ khai mỏ và xưởng công nghệ lớn lao. 

Ban đầu chính phủ còn dung dưỡng, nhưng sau thấy chủ nghĩa xã hội có cái phong trào vận động cộng hòa, tức là có ý nghĩa phản đối, cách mạng, xâm phạm bất kính với quyền tuyệt đối của đức Thiên hoàng. Bấy giờ chính phủ mới ra tay trừng trị: tịch thu, hủy đốt những sách của Marx; các báo xã hội hơi nói quá một chút đều bị phạt vạ rất nặng, các ông trợ bút chủ nhiệm thường bị kêu án tù năm mười năm, còn nhà in thì bị tịch biên mất.

Sức đè xuống càng nặng, thì sức bùng lên càng nhiều. Năm 1910, vợ chồng Kotoku và mấy chục bạn đồng chí xã hội chủ nghĩa rủ nhau sắp đặt ám sát Minh Trị Thiên hoàng và khởi loạn. Nhưng cơ mưu bị bại lộ; họ đều bị bắt. Ngày 24 janvier năm 1911, hai vợ chồng Kotoku và mười người nữa bị xử tử.

Dầu bị trừng trị cấm ngăn mặc lòng, đảng viên xã hội Nhật Bản vẫn hoạt động, vẫn tuyên truyền, nhất là trong đám thợ thuyền, cho tới thanh niên học sinh và hạng trí thức vô sản cũng quy hướng chủ nghĩa xã hội rất nhiều.

Bắt đầu từ năm 1807, thợ mỏ ở Trường Kỳ bỏ việc, nắm đầu ông chủ và hai người lính cảnh sát mà đánh gần chết, từ đó trở đi thợ thuyền Nhật Bản, chịu ảnh hưởng xã hội chủ nghĩa, có tổ chức thành ra liên đoàn hẳn hoi và tổ chức ra những cuộc đình công luôn luôn. Thợ thuyền đàn bà cũng vậy.

Tinh thần cách mạng càng ngày càng bồng bột.

Bởi vậy các nhà cầm quyền ở Nhật Bản vẫn lo sợ phong trào cộng sản tràn lan qua nước mình. Họ phải chiếm cứ Mãn Châu và tính xâm đoạt cả nội, ngoại Mông Cổ nữa, là cốt đóng đường chặn ngõ cộng sản qua nước Nhật đó.

Nhiều người Âu châu xem xét tình trạng Nhật Bản rồi nói trước rằng rồi đây thế nào cũng thực hành một chế độ cộng sản mới, chế độ cộng sản Thiên hoàng làm chủ, để cho được điều hòa tấm lòng người ta trung thành với cuộc dĩ vãng và tấm lòng hâm mộ những sự mới lạ đời nay.

Kỳ thực, dân Nhật chỉ mượn chủ nghĩa xã hội để làm khí giới đối phó với những tay quý phái, nghiệp chủ, phú gia, không đè nén ức hiếp họ được nữa thôi, chớ không khi nào trong tâm não họ mất được cái tinh thần trung nghĩa sùng bái Thiên hoàng. Vụ âm mưu của hai vợ chồng Kotoku đã nói sơ trên kia chỉ là chuyện muôn ngàn thuở vậy thôi. Từ đó tới nay gần ba chục năm trời, thỉnh thoảng vẫn có một vụ âm mưu hay ám sát có mục đích chính trị chớ chẳng không, nhưng chỉ là đối với quan liêu chính khách mà phát ra, còn đối với Thiên hoàng, dầu kẻ gây biến làm phản tới đâu cũng vẫn là đặt cao trên đầu, coi như “thần thánh bất khả xâm phạm”.

PHỤ NỮ VẬN ĐỘNG

Địa vị gia đình và xã hội của đàn bà Nhật xưa kia cũng bó buộc thấp thỏi như chị em nhà Nam chúng ta vậy. Cũng y như mình, sợi dây luân lý nghiêm khắc trói buộc họ không biết là mấy vòng: tứ đức, tam tòng, chức nghiệp, tiết tháo... vòng nào cũng riết chặt lạ lùng. Đến đỗi đàn bà phải thờ Trinh nữ đạo (貞女道) thiêng liêng như đàn ông phải thờ Võ sĩ đạo; một chương trên xa kia đã nói.

Song, tới lúc quốc gia dân tộc bước vào cõi duy tân, mọi việc ùn ùn sửa đổi theo ảnh hưởng văn hóa Thái Tây, tự nhiên địa vị phụ nữ cũng vậy.

Đồng thời với xã hội chủ nghĩa, phụ nữ vận động cũng xuất hiện ở Nhật. Nhờ nơi phụ nữ tự giác mạnh bạo, mà cũng nhờ nơi công cuộc Minh Trị giáo dục xô đẩy phần nhiều. Độc giả đã thấy trong tờ sắc lệnh thề nguyền duy tân của Minh Trị, việc quan hệ nhất là việc quốc dân giáo dục, trai gái cũng thế.

Phụ nữ giáo dục vừa mới gây dựng mở mang theo cách thức Thái Tây được mười lăm năm, liền có phụ nữ vận động nổi lên. Các cô có học thức mới, nhất là các cô đi du học Âu Mỹ về, xúm nhau tổ chức hoạt động, và có khi yêu cầu ra mặt nữa, cho địa vị và quyền lợi đàn bà được sửa đổi theo thời.

Họ muốn sửa đổi ít nhiều khoản ở trong luật pháp, phong tục, mà triều đình chính phủ phải chiều theo. Bởi vậy trong bộ Dân luật mới thảo giữa hồi duy tân, sự yêu cầu của đàn bà được thỏa mãn, như là nhất định một vợ một chồng, bỏ hẳn thói tục đa thê ngày trước, lại cho đàn bà cũng được có sản nghiệp riêng, và có quyền như đàn ông được đứng lên xin ly hôn vì lẽ chồng có ngoại tình.

Về mặt chức nghiệp, họ cũng được thỏa nguyện và được bình đẳng với đàn ông; nghĩa là các ty các sở, bất cứ công tư, đều mở rộng cửa cho viên chức đàn bà. Họ cũng đậu đốc tơ, mở bệnh viện, hay là làm trạng sư ngang vai đồng bậc với đàn ông.

Duy có về mặt sửa đổi phong tục và luân lý gia đình, chị em bên Nhật đã phải nhiều phen lao tâm khổ tứ, kêu gào chống chọi lắm mới được. Họ không chịu cái lối hôn nhân “cha mẹ đặt đâu ngồi đó” nữa. Nhiều cô ra mặt phản kháng gia đình, không chịu lấy anh chồng do cha mẹ hay gia đình lựa chọn, mà các cô không biết mặt mày tâm tính và không thể nào thương. Ngoài đường, người ta thấy nam nữ học sinh dắt tay nhau đi lại tự nhiên; cái luân lý “nam nữ thụ thụ bất thân 男女授受不親” của thói Nho xưa, các cô đã hất đi xa lắc. Trong nhà, kính chồng chiều chồng đã đành, nhưng anh chồng lăm le ràng buộc các cô bằng những sợi dây luân lý hà khắc như xưa, thì các cô “cách mạng” ngay, không chịu bị ép một bề.

Âu hóa vang dội thành ra phong trào phụ nữ vận động ở Nhật trong thời kỳ duy tân đại khái như vậy đó.

Phụ nữ vận động lúc bấy giờ có nhiều tay kiện tướng đứng ra xung phong đột trận, sốt sắng kêu gào. Nổi tiếng thứ nhất là cô Ume Tsuda, giáo sư trường Quý tộc nữ tử học hiệu, đã nhiều lần thay mặt chị em đi dự mấy cuộc Phụ nữ thế giới đại hội ở Âu châu và Mỹ châu.

Họ lập ra nhiều báo chí làm cơ quan cho phụ nữ vận động, làm chủ và viết bài toàn là đàn bà.

Có mấy cô có tư tưởng cấp tiến, muốn nhập phụ nữ vận động và xã hội chủ nghĩa làm một, để nâng cao địa vị của phụ nữ bình dân và sinh kế quyền lợi của họ; không phân giai cấp. Phụ nữ vận động trải qua thời gian không mấy, mà thâu được kết quả khá nhiều; ngoài ra những kết quả vật chất, người ta thấy tinh thần tự do và bác ái nhiễm sâu trong óc của các hạng phụ nữ Nhật, giàu sang nghèo hèn không còn là hàng rào cách biệt như xưa. Rất đỗi có những cô con gái quý tộc, thà bỏ địa vị sang giàu, thà bị bôi tên trong sổ quý phái, để tự do kết hôn với một anh học trò nghèo, hay là một chú thợ bình dân.

Nguồn: Đào Trinh Nhất (2012[1937]). Nhật Bản duy tân 30 năm. NXB Lao Động-Xã Hội.