Tiểu sử Murray Newton Rothbard

Tiểu sử Murray Newton Rothbard

Đánh thuế chỉ đơn thuần là hành vi trộm cắp, cho dù đó là hành vi trộm cắp ở quy mô lớn và khổng lồ mà không một tên tội phạm tinh vi nào có thể sánh kịp. Nó là một cuộc tịch thu bắt buộc tài sản của các cư dân hoặc chủ thể trên toàn quốc.

Về Murray Newton Rothbard (1926 - 1995)

Murray Rothbard sinh ngày 2 tháng 3 năm 1926, là con trai của David và Rae Rothbard. Ngày từ khi còn nhỏ, ông đã là một học sinh xuất sắc; và thành tích học tập của ông tại Đại học Columbia, nơi ông theo học chuyên ngành toán học và kinh tế, vô cùng nổi bật. Trong khoa kinh tế học tại Đại học Columbia, Rothbard không hề được dạy về kinh tế học trường phái Áo, và đối với ông, Mises không là gì hơn một cái tên. Tuy nhiên, trong một khóa học về lý thuyết giá cả do George Stigler đưa ra, ông đã biết đến những lập luận chống lại các biện pháp phổ biến lúc bấy giờ như kiểm soát giá và tiền thuê. Rothbard cảm thấy những lập luận này vô cùng lôi cuốn; và ông đã viết cho nhà xuất bản của một cuốn sách nhỏ mà Stigler và Milton Friedman đã viết về kiểm soát tiền thuê.

Nhà xuất bản được đề cập là Foundation for Economic Education; và các chuyến thăm đến trụ sở của nhóm này đã dẫn Rothbard đến một cuộc gặp với Ludwig von Mises. Rothbard ngay lập tức bị cuốn hút bởi kinh tế học trường phái laissez-faire của Mises, và khi tác phẩm Human Action [Hành động con người ] của Mises xuất hiện vào năm 1949, nó đã gây ấn tượng rất lớn đối với ông. Từ đó, ông trở thành một nhà nghiên cứu pha-xô học (Praxeology): tại đây, quan điểm bảo vệ nền kinh tế tự do nhất quán và cứng rắn trong luận thuyết của Mises là điều mà ông đã tìm kiếm từ lâu. Ông sớm trở thành thành viên tích cực trong các seminar của Mises tại Đại học New York. Trong thời gian đó, ông tiếp tục chương trình nghiên cứu tiến sĩ tại Đại học Columbia. Người hướng dẫn của Rothbard là nhà sử học kinh tế lỗi lạc Joseph Dorfman, và ông nhận bằng vào năm 1956, với luận án The Panic of 1819 [Cuộc hoảng loạn năm 1819 ] – hiện vẫn là một công trình nghiên cứu chuẩn mực.

Khi hiểu sâu hơn về kinh tế học trường phái laissez-faire (thị trường tự do, nhà nước can thiệp tối thiểu), ông phải đối mặt với một thế lưỡng nan. Trường phái này lập luận rằng hàng hoá và dịch vụ nên để thị trường cung ứng rộng rãi. Nếu vậy, liệu an ninh, quốc phòng cũng nên để thị trường cung ứng thay vì độc quyền nhà nước? Rothbard nhận ra rằng ông sẽ hoặc phải từ bỏ laissez-faire hoặc chấp nhận tư tưởng vô chính phủ cá nhân chủ nghĩa. Đến mùa đông năm 1949, ông không còn khó khăn cho việc đưa ra lựa chọn của mình.

Rothbard nhanh chóng thu hút sự chú ý của Quỹ William Volker, nhóm chủ đạo hỗ trợ các học giả tự do truyền thống trong những năm 1950 và đầu những năm 1960. Ông bắt đầu dự án viết một cuốn sách giáo khoa để diễn giải tác phẩm “Hành động con người” cho phù hợp với trình độ của sinh viên đại học; một chương mẫu ông viết về tiền và tín dụng đã được Mises chấp thuận. Song khi đang tiếp tục công việc này, ông đã thay đổi dự án để cho ra đời tác phẩm Man, Economy and State [Con người, Nền kinh tế và Nhà nước ] (1962), vốn sau này trở thành một tác phẩm trọng yếu của kinh tế học trường phái Áo.

Rothbard hoàn toàn nhất trí với nỗ lực của Mises để suy luận ra toàn bộ kinh tế học từ tiên đề về hành động kết hợp với một vài định đề phụ. Rothbard đã thực hiện việc suy luận chi tiết hơn nhiều so với Mises; và trong quá trình này, ông đã có những đóng góp quan trọng, có tính mới về mặt lý thuyết cho pha-xô học. Ông đã chỉ ra các lập luận liên quan đến vấn đề tính toán xã hội chủ nghĩa không chỉ áp dụng với một nền kinh tế do chính phủ kiểm soát, mà còn cho cả một công ty tư nhân sở hữu toàn bộ nền kinh tế. Kể cả công ty tư nhân cũng không thể thực hiện được tính toán kinh tế. Ông cũng tích hợp lý thuyết về tiền thuê của Frank Fetter với lý thuyết tư bản của trường phái kinh tế học Áo; và cho rằng giá độc quyền không thể tồn tại trên thị trường tự do. Thêm nữa, ông đưa ra một phê phán xuất sắc đối với kinh tế học trường phái Keynes, và ông đã nhìn trước được phần lớn những lý lẽ của cuộc cách mạng “kỳ vọng duy lý” mà Robert Lucas sau này đã đoạt giải Nobel.

Như Rothbard từ đầu đã lên kế hoạch, phần cuối cùng của cuốn sách Man, Economy and State, sẽ trình bày sự phân loại và phân tích toàn diện về các loại can thiệp của chính phủ. Phần này cũng dự kiến phê phán triệt để các trụ cột lập luận khuôn mẫu về công lý cho thuế khoá; một đoạn phân tích súc tích dự kiến bác bỏ quan điểm bài bác thị trường, cho rằng thị trường chủ yếu dựa trên “sự may mắn” - đây vốn dĩ là quan điểm có ảnh hưởng lớn đến tác phẩm sau này của John Rawls và những người tiếp nối Rawls. Thật không may, phần cuối này xuất hiện trong phiên bản gốc với tình trạng bị cắt xén nghiêm trọng. Phiên bản đầy đủ của nó chỉ xuất hiện vào năm 1972, với tiêu đề Power and Market [Quyền lực và Thị trường]. Phiên bản hoàn chỉnh của sách Man, Economy and State như Rothbard dự định ban đầu, hiện đã có sẵn tại Viện Mises.

Công trình bậc thầy này tuy vậy vẫn chưa thể làm khô cạn các ý tưởng và đóng góp của Rothbard cho lý thuyết kinh tế. Trong một nghiên cứu tiêu biểu khác, “Toward a Reconstruction of Utility and Welfare Economics” [Hướng tới việc xây dựng lại độ thoả dụng và kinh tế học phúc lợi] (1956), ông đã chỉ ra nếu chúng ta nghiêm túc nhìn nhận một sự thật là độ thỏa dụng có tính thứ bậc chứ không phải mang tính số lượng, thì các quan điểm bài-thị trường của các nhà kinh tế phúc lợi hiện đại chỉ đáng bỏ đi. Nếu áp dụng chặt chẽ nguyên tắc sở thích được bộc lộ (demonstrated preference), ta được phép nói rằng những người tham gia vào trao đổi tự nguyện đều kỳ vọng có được các lợi ích được tiên lượng trước. Nhà kinh tế học, chừng nào còn khách quan, sẽ không thể phát biểu gì thêm. Các bài nghiên cứu chính của ông về lý thuyết kinh tế được in lại sau khi ông mất trong tuyển tập hai cuốnThe Logic of Action [Logic hành động (1997).

Rothbard dành sự quan tâm sâu sắc đến lý thuyết tiền tệ. Ông nhấn mạnh các ưu điểm của chế độ bản vị vàng cổ điển và ủng hộ quy định dự trữ ngân hàng 100%. Theo ông, hệ thống này sẽ ngăn chặn việc mở rộng tín dụng mà theo lý thuyết của trường phái kinh tế học Áo về chu kỳ kinh doanh của Mises và Friedrich Hayek phát triển, đã dẫn đến sự suy thoái không thể tránh khỏi. Ông đã tóm tắt quan điểm của mình cho công chúng trong cuốn sách nhỏ đã được tái bản nhiều lần What Has Government Done to Our Money? [Chính phủ đã làm gì tiền của chúng ta?] (1964) và cũng đã viết một cuốn giáo trình, The Mystery of Banking [Bí ẩn hoạt động ngân hàng] (1983).

Rothbard đã cho thấy lý thuyết trường phái kinh tế học Áo có thể soi sáng lịch sử kinh tế như thế nào trong tác phẩm America's Great Dpression [Cuộc Đại suy thoái Mỹ] (1963). Cuộc Đại suy thoái năm 1929 tại Mỹ không phải là bằng chứng cho sự thất bại của chủ nghĩa tư bản không bị kiểm soát. Thay vào đó, nó thể hiện các vấn nạn khi nhà nước can thiệp vào nền kinh tế. Nền kinh tế sụp đổ là một sự điều chỉnh cần thiết đối với sự bùng nổ nhân tạo xuất phát từ chính sách mở rộng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong những năm 1920. Những nỗ lực của chính phủ để "chữa trị" tình trạng suy thoái chỉ làm cho vấn đề tồi tệ hơn.

Khi đưa ra lập luận này, Rothbard đã trở thành người tiên phong trong “chủ nghĩa xét lại Hoover”. Trái ngược với những chuyện hoang đường do chính Hoover và các cộng sự rêu rao, Hoover thực ra không phải là người công kích mô hình chính phủ lớn. Ngược lại, các chính sách kinh tế của nhà “Kỹ trị” (Engineer in Politics) (Herbert Hoover, tổng thống thứ 31 của Hoa Kỳ, xuất thân là một kỹ sư mỏ - ND) là tiền thân của các chính sách Kinh tế Mới (New Deal). Quan điểm về Hoover của Rothbard rốt cục lại được đón nhận rộng rãi. 

Đối với Rothbard, chính sách ngân hàng đóng vai trò then chốt trong lịch sử kinh tế Mỹ. Giống như Michelet, ông tin rằng viết sử là làm cho khối thịt sống động trở lại; và các cuộc thảo luận của ông không phải là những bài thuyết trình khô khan về số liệu thống kê. Ông luôn quan tâm đến việc xác định các tác nhân và lợi ích cụ thể đằng sau các quyết định mang tính lịch sử. Cuộc đấu tranh giữa hai đối thủ giới ngân hàng là Morgan và Rockefeller được tái hiện nhiều lần trong các bài báo của ông về lĩnh vực này, được tổng hợp trong cuốn A History of Money and Banking in the United States [Lịch sử tiền tệ và ngân hàng tại liên bang Mỹ] (1999).

Rothbard đã vượt ra khỏi ranh giới của kinh tế học trong công trình viết về lịch sử của mình. Trong bộ sách bốn tập, Conceived in Liberty [Tự do trong thời kỳ thai nghén] (1975-1979), ông trình bày chi tiết về lịch sử thuộc địa Hoa Kỳ, nhấn mạnh đến những tiền thân của chủ nghĩa tự do cá nhân trong Cách mạng Hoa Kỳ. Như thường lệ, ông thách thức quan điểm chính thống. Ông không đề cao vai trò của Thanh giáo ở bang New England, và đức hạnh cũng như tài năng quân sự của George Washington không gây ấn tượng với ông. Đối với Rothbard, Các Điều khoản Hợp bang (Articles of Confederation) không phải là các sắp xếp thể chế lỏng lẻo cần phải được thay thế bằng bản Hiến pháp tập trung hơn. Ngược lại, bản thân Các Điều khoản đã cho phép quá nhiều quyền kiểm soát tập trung.

Mặc dù Rothbard thường đồng thuận với Mises, nhưng trong một lĩnh vực, ông cho rằng Mises đã nhầm lẫn. Mises cho rằng các phán xét luân lý là chủ quan: mục đích tối hậu không phụ thuộc vào đánh giá duy lý. Rothbard phản đối, cho rằng bản chất con người có thể hình thành được luân lý khách quan. Cách tiếp cận của ông, dựa trên nghiên cứu của ông về triết học Aristotle và Thomist, được trình bày trong tác phẩm lớn The Ethics of Liberty [Luân lý học về tự do] (1982), nghiên cứu chính của ông về triết học chính trị.

Trong hệ thống luân lý chính trị của ông, quyền làm chủ chính mình (self-ownership) là nguyên lý cơ bản. Với một quan niệm vững chắc về quyền làm chủ chính mình, sự độc quyền mang tính bắt buộc của chính phủ đối với các dịch vụ quốc phòng an ninh là không hợp lệ; và Rothbard dồn tâm sức bác bỏ các lập luận đối nghịch của những người ủng hộ một nhà nước tối thiểu mà Robert Nozick là một trong số đó. Ông đóng góp những giải thích quan trọng về các vấn đề của lý thuyết pháp lý tự do cá nhân, chẳng hạn như bản chất của hợp đồng và tiêu chuẩn thích hợp của sự trừng phạt. Ông giải thích tại sao lí luận phương tiện của Mises về thị trường mặc dù có nhiều giá trị nhưng không hoàn toàn thành công; và ông chỉ trích cụ thể quan điểm của Hayek về pháp trị.

Rothbard đã sửa đổi câu triết lý nổi tiếng của Marx1: ông mong muốn cả hiểu và cải tạo thế giới. Ông đã cố gắng áp dụng những ý tưởng đã phát triển trong công trình lý thuyết của mình vào nền chính trị hiện tại và phổ biến các quan điểm tự do cá nhân đến công chúng - một vấn đề ông cho là tối quan trọng. Giống như Randolph Bourne, Rothbard khẳng định rằng “chiến tranh là sức khỏe của nhà nước”; theo đó ông phản đối một chính sách ngoại giao hiếu chiến.

Sự ủng hộ đối với chính sách ngoại giao không can thiệp đã khiến ông trở thành lãnh đạo của phái Cánh hữu Cũ (the Old Right). John T. Flynn, Garet Garrett và những “người theo chủ nghĩa biệt lập” trước Thế chiến thứ hai có cùng quan điểm với Rothbard về mối liên hệ khăng khít giữa quyền lực nhà nước và chính sách ngoại giao hiếu chiến.

Tình hình hoàn toàn khác với chủ nghĩa bảo thủ thời hậu chiến. Mặc dù Rothbard là người đóng góp ban đầu cho Tạp chí National Review của William Buckley, ông đã bác bỏ quyết tâm theo đuổi Chiến tranh Lạnh do Buckley và các thành viên trong ban biên tập của ông như James Burnham và chủ biên Frank S. Meyer ủng hộ. Ông đã đoạn tuyệt với những người bảo thủ tự phong này và sau đó trở thành một trong những đối thủ lớn nhất của họ. Vì những lý do tương tự, ông đã lên án những người kế vị tân bảo thủ của họ. Ông theo đuổi một chính sách thực dụng là liên minh tạm thời với bất kỳ nhóm nào, tại một thời điểm nhất định, chống lại chủ nghĩa quân phiệt và các cuộc viễn chinh nước ngoài. Ông đã đặt nền móng cho lập trường chính trị của mình trong một bài luận quan trọng, “Left and Right: The Prospects for Liberty” [Cánh Tả và Cánh Hữu: Triển vọng cho Tự do], xuất bản trong một tạp chí học thuật quan trọng, Left and Right, mà ông đã dựng nên. Tạp chí bao gồm các bài luận quan trọng xét lại lịch sử xét và chính sách đối ngoại, nhưng tiếc là chỉ kéo dài từ 1965-1968.

Trong nỗ lực nhằm mở rộng ảnh hưởng của tư tưởng tự do cá nhân trong thế giới học thuật, Rothbard đã thành lập Tạp chí Journal of Libertarian Studies vào năm 1977. Tạp chí này khởi đầu thuận lợi bằng một hội nghị chuyên đề bàn về tác phẩm Anarchy, State, and Utopia [Vô chính phủ, Nhà nước và Xã hội không tưởng] của Robert Nozick. Cho đến nay, đây vẫn là tạp chí quan trọng nhất gần gũi với những ý tưởng của chủ nghĩa tự do cá nhân.

Rothbard thành lập một tạp chí khác vào năm 1987, Review of Austrian Economics, để tạo ra một môi trường học thuật cho các nhà kinh tế học và những người khác quan tâm đến trường phái kinh tế học Áo. Đây cũng là tạp chí quan trọng trong lĩnh vực chuyên môn của nó. Tạp chí này vẫn còn tiếp tục cho đến nay, sau năm 1997 đổi tên mới là Quarterly Journal of Austrian Economics.

Trong những bình luận của mình về các sự kiện hiện tại, Rothbard thể hiện một khả năng đáng kinh ngạc trong việc hấp thụ lượng lớn thông tin về bất cứ chủ đề nào mà ông quan tâm. Bất kết câu hỏi đặt ra là gì, chẳng hạn các phe phái tranh giành ở Afghanistan hay các nguồn đầu tư vào dầu mỏ ở Trung Đông, ông luôn luôn có dữ liệu liên quan khi cần. Một ví dụ về chuyên mục của ông được lấy từ Rockwell Rothbard Report, có sẵn trong The Irrepressible Rothbard (2000). Một tạp chí khác mà ông thành lập, The Libertarian Forum, cung cấp các bình luận mang tính thời sự của ông cho giai đoạn 1969-1984. Ông đã trình bày các bài viết đại chúng rộng khắp các chủ đề từ góc nhìn của chủ nghĩa tự do cá nhân trong For a New Liberty [Về một nền tự do mới] (1973).

Rothbard vẫn còn một thành tựu học thuật cuối cùng, mặc dù đáng buồn là nó chỉ xuất hiện sau khi ông qua đời. Trong hai bộ sách đồ sộ, Economic Thought Before Adam Smith and Classical Economics [Tư tưởng kinh tế trước Adam Smith và Kinh tế học Cổ điển] (1995), ông đã trình bày một cách chi tiết và uyên bác về lịch sử của lý thuyết kinh tế. Adam Smith, trái với quan niệm chung, không phải là cha đẻ của kinh tế học hiện đại. Sự bảo vệ của Adam Smith đối với lý thuyết giá trị lao động, được sửa đổi và kế thừa bởi những người kế tục trường phái Ricardo, đã đẩy kinh tế học vào con đường sai lầm. Những người hùng trong nghiên cứu của Rothbard là các học giả Tây Ban Nha, những người đã phát triển một lý thuyết chủ quan về giá trị trước Smith rất lâu, và những nhân vật sau này như Cantillon, Turgot và Say. Ông mổ xẻ tư tưởng dị giáo đã định hình cho chủ nghĩa Mác và đưa ra một mô tả phù hợp về tính cách và tư tưởng của John Stuart Mill.

Rothbard đã liên kết chặt chẽ với Viện Ludwig von Mises từ khi được thành lập vào năm 1982 bởi Llewellyn H. Rockwell, Jr. Tổ chức này đã trở thành phương tiện chính thúc đẩy các ý tưởng của ông và ông đã giữ chức vụ Phó Giám đốc Học thuật.

Ông giảng dạy tại Brooklyn Polytechnic Institute [Học viện Bách khoa Brooklyn] từ giữa những năm 1960 đến giữa những năm 1980; Từ năm 1986 đến khi qua đời vào ngày 7 tháng 1 năm 1995, ông là Giáo sư Kinh tế Xuất sắc S.J. Hall  tại Đại học Nevada, Las Vegas.

"Sự hỗ trợ không thể thiếu" cho cuộc sống và công việc của thiên tài sáng tạo và đa tài này là người vợ yêu quý của ông, JoAnn Rothbard. Sự kết hợp giữa thành tựu học thuật và các nỗ lực cổ vũ tự do của ông là không gì sánh kịp.

Chú thích: 

(1) Marx: "Các nhà triết học chỉ diễn giải thế giới khác nhau; vấn đề là ở chỗ cải tạo thế giới"

Nguồn: David Gordon, Murray N. Rothbard Profile, Mises Institute

Dịch giả:
Vũ Huệ Ngân
Hiệu đính:
Nguyễn Văn Thịnh