[Rothbard Tinh hoa] Con người, Nền kinh tế và Nhà nước: Đại luận của Rothbard về lý thuyết kinh tế (Phần 2)
(Tiếp theo Phần 1)
Rothbard nhanh chóng thu hút sự chú ý của Quỹ William Volker, nhóm tài trợ tài chính hàng đầu cho các học giả tự do cổ điển thời bấy giờ. Quỹ này đã cam kết tài trợ cho Rothbard viết một cuốn sách giáo khoa diễn giải tác phẩm Human Action (Hành động con người) bằng ngôn ngữ đơn giản phù hợp với sinh viên đại học. Rothbard đã viết một chương mẫu về tiền và tín dụng và nhận được sự chấp thuận của Mises. Khi Rothbard tiếp tục, dự án này chuyển thành một công trình lớn hơn. Kết quả là, đại luận Man, Economy and State (Con người, Nền kinh tế và Nhà nước), gồm 2 tập, được xuất bản năm 1962, và là một trong những đóng góp quan trọng nhất cho kinh tế học trường phái Áo trong thế kỷ 20.
Mises đã ghi nhận tầm quan trọng của cuốn sách. Trong bài đánh giá cuốn sách này trong The New Individualist Review, Mises gọi đó là “một đóng góp mang tính thời đại cho pha-xô học (praxeology), hay khoa học chung về hành động của con người, và cho phần ứng dụng thực tiễn quan trọng nhất, được diễn giải sâu sắc nhất của nó, kinh tế học” 15. Tất cả những ai nghiên cứu các tác phẩm của Mises đều biết ông là một nhà phê bình khắt khe, vậy nên khi ông bình luận về một cuốn sách như vậy thì đó hẳn là điều thực sự ấn tượng.
Rothbard hoàn toàn tán thành nỗ lực của Mises trong công việc diễn dịch toàn bộ kinh tế học từ tiên đề về hành động kết hợp với một vài định đề phụ. Rothbard đã thực hiện việc diễn dịch chi tiết hơn nhiều so với Mises; và trong quá trình này, ông đã đóng góp những đổi mới quan trọng về mặt lý thuyết cho pha-xô học.
Quan điểm của ông về pha-xô học khác đáng kể với quan điểm của Mises, nhưng cũng khá tinh tế. Rothbard nghĩ rằng con người trực tiếp nhận thức được những thứ cần thiết trong thế giới thực nghiệm. Chúng ta không chỉ thấy con người hành động: chúng ta đồng thời hiểu rằng đây là một đặc điểm thiết yếu của bản chất con người. Đây là quan điểm thuộc trường phái Aristotle và Kinh viện như được Rothbard trích dẫn: “tất cả con người đều hành động vì họ tồn tại và bản chất của họ là con người” trong Tập I của cuốn Nicomachean Ethics (Luân lý học Nicomachean) của Aristotle16. Quan điểm này trái ngược với quan điểm của Mises, thuộc trường phái Kant. Mises cho rằng con người phải suy nghĩ theo những phạm trù nhất định. Nếu theo Mises, chúng ta có thể biết chắc một số mệnh đề, như tiên đề hành động, là tiên nghiệm thực sự; chúng ta biết những mệnh đề này theo nghĩa mà chúng ta không thể nghĩ theo hướng mâu thuẫn với nghĩa đó. Điều này tạo ra một sự khác biệt giữa thế giới hiển hiện trong mắt chúng ta và một thế giới như chính nó. Theo quan điểm của Rothbard, sự khác biệt như vậy là không có.
Ông đã loại bỏ phương pháp tân cổ điển chuẩn mực là dùng chứng minh toán học trong kinh tế học. Mises thì không loại bỏ phương pháp này, ông đã nhận xét:
Chỉ với một vài dòng sắc bén, ông ấy (Rothbard) đã đánh đổ phương tiện chính của các nhà kinh tế toán học, tức ý tưởng ngụy biện khi sử dụng các khái niệm xác định và cân bằng đôi bên để thay thế cho khái niệm nhân - quả, bị coi là lỗi thời.17
Tác phẩm này rất đáng chú ý vì sự chặt chẽ và sáng tạo của nó. Một trong những đổi mới quan trọng nhất của cuốn sách liên quan đến luận điểm nổi tiếng của Mises. Rothbard khẳng định rằng luận điểm tính toán xã hội chủ nghĩa của Mises về bản chất hoàn toàn không phải là luận điểm về chủ nghĩa xã hội. Thay vào đó, điểm cốt lõi của luận điểm là: trong trường hợp không có thị trường, việc tính toán kinh tế không thể diễn ra. Do đó, nếu một công ty đơn lẻ, ngay cả khi thuộc sở hữu tư nhân cũng sẽ không thể tính toán được nếu như nó kiểm soát toàn bộ nền kinh tế:
Các phân tích của chúng ta nhằm mở rộng cuộc thảo luận nổi tiếng về khả năng tính toán kinh tế dưới chủ nghĩa xã hội, do Giáo sư Ludwig von Mises đưa ra hơn 40 năm trước. Mises, người mở đầu cũng như kết thúc cuộc tranh luận, đã đưa ra chứng minh không thể chối cãi rằng một hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa không thể tính toán được, vì nó thiếu thị trường, và do đó thiếu giá cả cho người sản xuất và đặc biệt là tư liệu sản xuất. Bây giờ chúng ta thấy rằng, nghịch lý thay, lý do tại sao một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa không thể tính toán không phải cụ thể bởi vì nó là xã hội chủ nghĩa! Chủ nghĩa xã hội là hệ thống mà nhà nước cưỡng chế nắm quyền kiểm soát tất cả các tư liệu sản xuất trong nền kinh tế. Lý do không thể tính toán được dưới chủ nghĩa xã hội là do một tác nhân sở hữu hoặc chỉ đạo việc sử dụng tất cả các nguồn lực trong nền kinh tế. Cần phải làm rõ rằng cho dù tác nhân đó là Nhà nước, một cá nhân, hay một các-ten độc quyền cũng không khác biệt gì. Bất kể là gì, không thể thực hiện được tính toán kinh tế ở bất kỳ khâu nào trong cấu trúc sản xuất bởi quy trình sản xuất chỉ còn mang tính nội bộ và không có thị trường. Khi không thể tính toán thì chỉ còn lại các quyết định cảm tính và sự rối loạn trật tự kinh tế, bất kể chủ sở hữu duy nhất là Nhà nước hay tư nhân.18
Ở đây, Rothbard đã kết hợp một cách xuất sắc lập luận của Mises với luận điểm trọng tâm trong bài luận “The nature of the Firm” (Bản chất của hãng) của Ronald Coase.19 Coase đã xem xét các công ty riêng lẻ, phải đối mặt với quyết định mở rộng sản xuất nội bộ hay mua sản phẩm trên thị trường. Ông đã nói rằng trong “một hệ thống cạnh tranh có một mức độ lập kế hoạch “tối ưu’”. Rothbard đã thấy rằng quan điểm của Mises và Coase là giống nhau. Rothbard lưu ý,
Đối với mọi hàng hoá tư liệu sản xuất, phải có một thị trường xác định, trong đó có các công ty mua và bán hàng hóa đó. Và điều hiển nhiên là quy luật kinh tế đó cũng đặt ra một ngưỡng tối đa xác định đối với quy mô tương đối của bất cứ doanh nghiệp nào trên thị trường tự do… Do quy luật này, không bao giờ có thể có một Các-ten siêu to, siêu khổng lồ bao trùm toàn bộ nền kinh tế hoặc xảy ra các vụ sáp nhập cho đến khi chỉ còn một Công ty siêu Khổng lồ sở hữu tất cả các tài sản sản xuất trong nền kinh tế.21
Xu hướng độc quyền hoá không tồn tại trên thị trường tự do. Quan điểm này của Rothbard kế thừa Mises và các nhà kinh tế thị trường tự do khác; nhưng Rothbard đã vượt xa họ. Trong một phát kiến khác, ông tuyên bố rằng toàn bộ khái niệm giá độc quyền không áp dụng cho thị trường tự do. Không có cách nào để phân biệt cái gọi là giá độc quyền do một công ty trong ngành quyết định với giá cạnh tranh.
Các nghiên cứu kinh tế về toàn bộ vấn đề này còn có một thiếu sót lớn. Đó là việc không nhận ra ảo tưởng của toàn bộ khái niệm giá độc quyền… Ảo tưởng rằng có một mức giá gọi là giá cạnh tranh, đối lập với nó là “ mức giá độc quyền” cao hơn, thường là kết quả của các hạn chế.
Tuy nhiên, nếu chúng ta phân tích vấn đề một cách chặt chẽ, câu chuyện sẽ trở nên rõ ràng… không có cách nào để phân biệt, ngay cả về mặt khái niệm, bất kỳ mức giá nhất định nào là “giá độc quyền”. Cái được cho là “giá cạnh tranh” không thể được xác định bởi chính bản thân nhà sản xuất hay bởi quan sát viên không vụ lợi.22
Lập luận của Rothbard cho kết luận triệt để này khá trực diện:
Độ co giãn của đường cầu cũng không thiết lập bất kỳ tiêu chí nào. Ngay cả khi bỏ qua tất cả những khó khăn trong việc phát hiện và xác định đường cầu… chúng ta sẽ thấy rằng giá cả, nếu được ước tính chính xác, sẽ luôn được người bán thiết lập sao cho tồn tại độ co giãn đối với khoảng chênh trên mức giá thị trường. Làm thế nào để mọi người, kể cả bản thân người sản xuất, biết được mức giá thị trường này là cạnh tranh hay độc quyền?23
Rothbard tỏ ra không khoan nhượng với các lý thuyết cạnh tranh độc quyền của Joan Robinson và Edward Chamberlin:
Lý thuyết gia cạnh tranh độc quyền đối sánh giữa công ty lý tưởng này [tức là công ty không có ảnh hưởng đến giá cả] với những công ty có ảnh hưởng nhất định đến việc định giá và do đó ở một mức độ nào đó là “độc quyền”. Tuy nhiên, rõ ràng là đường cầu đối với một công ty không thể co giãn hoàn toàn trên toàn bộ [đường cầu].24
Lý thuyết về vốn/tư bản là trung tâm của kinh tế học trường phái Áo, và Rothbard đặc biệt coi trọng việc thống nhất “lý thuyết tiền tô tuyệt vời và bị lãng quên” của Frank Fetter25 với lý thuyết lãi suất theo sở thích thời gian thuần khiết và lý thuyết trường phái Áo về cấu trúc sản xuất. Không có gì ngạc nhiên khi ông muốn thể hiện những ưu điểm của lý thuyết trường phái Áo so với các học thuyết cạnh tranh khác. Ông cũng phê phán sâu sắc đối với luận điểm chính của lý thuyết đối lập. Theo Frank Knight, vốn là một nguồn quỹ có tính liên tục, không ngắt quãng; điều này trái ngược với quan điểm của trường phái Áo, do Eugen von Böhm-Bawerk tiên phong, nhấn mạnh các giai đoạn sản xuất theo thời gian. Rothbard công kích lý thuyết này, được thể hiện theo phiên bản của Earl Rolph, một trong những môn đệ của Knight.
Hãy để Rolph hình dung ra một hệ thống sản xuất, được chia nhỏ hoặc tích hợp tuỳ trường hợp, trong đó không có ai tạm ứng hàng hoá hiện tại (vốn dưới dạng tiền) mà ông ta phủ nhận sự tồn tại. Và những người lao động và chủ đất làm việc với các sản phẩm trung gian trong nhiều năm mà không được trả công cho đến khi thành phẩm sẵn sàng cung cấp cho người tiêu dùng. Cứ để Rolph khuyên họ đừng lo lắng, vì họ đã mặc nhiên được ngầm trả tiền khi làm việc. Vì đây chính là hàm ý logic suy ra từ quan điểm Knight-Rolph.26
Rothbard đưa ra một phê bình có tính nền tảng và có sức công phá mạnh đối với kinh tế học trường phái Keynes. Ông bắt đầu phê phán Keynes bằng cách chỉ ra rằng toàn bộ hệ thống lý luận của Keynes dựa trên một giả định sai lầm. Keynes cho rằng tổng chi tiêu có thể thấp hơn mức cần thiết để duy trì toàn dụng việc làm. Nhưng làm sao điều này có thể xảy ra? Nếu công nhân thất nghiệp, liệu họ có chịu chấp nhận mức tiền công thấp hơn không? Làm sao sau đó họ còn thất nghiệp được nữa trên thị trường tự do?
Keynes lại giả định rằng tiền công không thể giảm. “Trạng thái “cân bằng không toàn dụng lao động” của trường phái Keynes chỉ xảy ra nếu tỷ lệ tiền công bị cứng nhắc khi giảm xuống, tức là nếu đường cung lao động dưới mức “toàn dụng lao động” co giãn vô hạn.”27
Nhờ sự gia tăng chi tiêu của chính phủ trong khi tiền công danh nghĩa không đổi nên tiền công thực tế giảm xuống. Phát kiến được nhiều người ca ngợi của Keynes chỉ là một nỗ lực tinh vi để lừa công nhân. Họ chỉ nhìn vào tiền công danh nghĩa; thế là bằng cách nào đó, họ sẽ không biết rằng mình bị cắt giảm tiền công.
Rothbard nhận thấy giải pháp của Keynes hoàn toàn không phù hợp:
Tuy nhiên, các công đoàn đã tìm hiểu về vấn đề sức mua và phân biệt giữa mức tiền công danh nghĩa và mức tiền công thực; thật ra, vấn đề này cũng không đòi hỏi nhiều lý luận để phân biệt được. Trớ trêu thay, sự ủng hộ lạm phát của Keynes dựa trên “ảo tưởng tiền tệ” , vốn dĩ lại dựa trên kinh nghiệm cũ trong lịch sử… trong thời kỳ lạm phát, giá cả tăng nhanh hơn tiền công. Tuy nhiên, một nền kinh tế trong đó các công đoàn áp đặt mức tiền công tối thiểu chính xác là nơi mà các công đoàn sẽ luôn tồn tại bất kể các thiệt hại về tiền công danh nghĩa hay tiền công thực tế của công nhân.28
Do đó, để chấm dứt thất nghiệp, tiền công phải giảm. Nhưng những người theo trường phái Keynes vẫn chưa bị khuất phục: họ “dùng đến chiêu cuối” 29. Họ biện luận rằng ngay cả khi tiền công giảm, tình trạng thất nghiệp vẫn có thể tồn tại. Nhu cầu đầu cơ để nắm giữ tiền mặt sẽ ngăn chặn đầu tư: các doanh nhân sẽ tích trữ tiền mặt vì dự đoán giá cả sẽ còn giảm tiếp.
Phân tích của Rothbard về ý tưởng này là một trong những phát kiến quan trọng nhất. Trong bài phê bình, ông đã tiên đoán được vấn đề kỳ vọng hợp lý mà nhờ nó Robert Lucas sau này đã đoạt giải Nobel.30 Rothbard cho rằng Keynes đã sai khi nghĩ nhu cầu nắm giữ tiền mặt để đầu cơ sẽ quyết định lãi suất. Thực ra, nhu cầu giữ tiền chỉ là một phản ứng suy đoán:
Một sai lầm nghiêm trọng cơ bản của trường phái Keynes là tiếp tục coi lãi suất là mức lãi ghi trong hợp đồng của các khoản vay thay vì sự chênh lệch giá giữa các giai đoạn sản xuất. Như chúng ta thấy, cái trước chỉ là hình tướng của cái sau. Nếu có một kỳ vọng lớn về việc tăng lãi suất có nghĩa là có kỳ vọng lớn về sự gia tăng chênh lệch giá, hoặc tăng tỷ suất lợi nhuận ròng. Khi giá giảm có nghĩa là các nghiệp chủ kinh doanh đang kỳ vọng giá đầu vào sẽ giảm hơn nữa trong tương lai gần so với giá bán sản phẩm của họ… tất cả những gì chúng đối diện là tình huống mà các nghiệp chủ kinh doanh kỳ vọng rằng giá các yếu tố đầu vào sẽ sớm giảm, ngừng đầu tư và chờ đợi sự kiện đáng mừng này để tăng lợi nhuận. Đây không phải là “sự ưa thích thanh khoản” mà là suy đoán về sự thay đổi giá cả. 31
Tại điểm này, Rothbard phát triển một luận điểm quan trọng tiên đoán được Lucas. Ông cho rằng những suy đoán như vậy không phải là nguồn gốc bất ổn. Ngược lại, “kỳ vọng giá nhân tố giảm sẽ tăng tốc độ dịch chuyển về trạng thái cân bằng và do đó hướng tới mối quan hệ lãi suất thuần khiết được xác định bởi sở thích thời gian.”32
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu nhu cầu giữ tiền tăng đến mức không giới hạn? Điều gì sẽ xảy ra nếu các nghiệp chủ kinh doanh không đầu tư gì cả? Rothbard một lần nữa phản bác bằng một luận điểm "kỳ vọng hợp lý":
Mối lo của trường phái Keynes là mọi người sẽ tích trữ tiền bạc thay vì mua trái phiếu vì sợ giá chứng khoán giảm… điều này có nghĩa là… không đầu tư vì kỳ vọng lãi suất tự nhiên sắp tăng. Tuy nhiên, kỳ vọng này không phải là một trở lực mà ngược lại sẽ đẩy nhanh sự điều chỉnh tăng tiếp theo. Hơn nữa, nhu cầu về tiền không thể là vô hạn vì mọi người phải luôn tiếp tục tiêu dùng, bất kể kì vọng của họ là gì.33
Tóm lại, quan điểm của Keynes về sự ưa thích thanh khoản về cơ bản là không phù hợp:
Tóm lại, những người theo trường phái Keynes cho rằng nguyên nhân của sự ưa thích thanh khoản không phải là sự bất trắc nói chung mà là sự bất trắc cụ thể của giá trái phiếu trong tương lai. Chắc chắn đây là một quan điểm rất hời hợt và hạn chế.34
Quan điểm của Rothbard về vai trò của các kỳ vọng trong việc tăng tốc điều chỉnh lãi suất được ứng dụng rộng rãi hơn là vấn đề tích trữ theo trường phái Keynes. Hiệu ứng này hiện hữu trong tất cả các thay đổi giá dự kiến. Ông viết:
Lãi suất tự nhiên trên thị trường bao gồm một cấu phần sức mua được điều chỉnh theo giá thực tế: tăng lên về mức danh nghĩa trong giai đoạn tăng trưởng mở rộng nói chung và giảm đi trong giai đoạn thu hẹp nói chung. Lãi suất cho vay chỉ đơn giản là sự phản ánh những gì đã và đang xảy ra với lãi suất tự nhiên. Cho đến đây, quan điểm này tương tự như học thuyết của [Irving] Fisher, ngoại trừ việc đây là kết quả của những thay đổi thực tế, không phải những thay đổi đã được tiên đoán trước... Chúng ta thấy rằng các nghiệp chủ kinh doanh sẽ ngừng mua các yếu tố sản xuất cho đến khi giá của các yếu tố này giảm xuống mức thấp như dự đoán trong tương lai còn hơn bị mất tiền vì mua đắt. Nhưng quá trình biến động giá dự đoán này không chỉ xảy ra trong trường hợp cực đoan là lợi nhuận tiềm năng "âm". Nó xảy ra bất cứ khi nào có dự đoán về thay đổi giá cả… Nếu tất cả những thay đổi đều được mọi người tiên đoán trước, sẽ không tồn tại không gian cho cấu phần sức mua (của lãi suất) thể hiện.35
Chú thích:
(15) Ludwig von Mises, The New Individualist Review (Autumn, 1962):41.
(16) Man, Economy, and State with Power and Market, p. 2.
(17) Mises, New Individualist Review, p. 40.
(18) Man, Economy, and State with Power and Market, pp. 614–15.
(19) Ronald Coase, “The Nature of the Firm,” Economica n.s. 386 (1937).
(20) Trích dẫn trong Man, Economy, and State with Power and Market, p. 613.
(21) Như trên, p. 613; nhấn mạnh theo bản gốc.
(22) Như trên, pp. 687–88; nhấn mạnh theo bản gốc.
(23) Như trên, p. 689; nhấn mạnh theo bản gốc.
(24) Như trên, p. 721; nhấn mạnh theo bản gốc.
(25) Như trên, p. xcv.
(26) Như trên, p. 507
(27) Như trên, p. 780.
(28) Như trên, p. 784.
(29) Như trên, p. 785.
(30) Tôi biết ơn GS Bryan Caplan đã lưu ý tôi về việc này
(31) Man, Economy, and State with Power and Market, pp. 789–90; emphasis in the original.
(32) Như trên, p. 790.
(33) Như trên, p. 791.
(34) Như trên; nhấn mạnh theo bản gốc.
(35) Như trên, p. 796.
Nguồn: Mises Institue