Các tập đoàn kinh tế, tập đoàn độc quyền và chủ nghĩa tự do

Các tập đoàn kinh tế, tập đoàn độc quyền và chủ nghĩa tự do

Những người phản đối chủ nghĩa tự do khẳng định rằng trong thế giới ngày nay không còn những điều kiện tiên quyết để có thể thực thi cương lĩnh của chủ nghĩa tự do nữa. Chủ nghĩa tự do đã từng khả thi, đấy là khi mà trong mỗi lĩnh vực sản xuất đều có rất nhiều công ty kích cỡ trung bình, cạnh tranh quyết liệt với nhau. Còn hiện nay, vì các tập đoàn kinh tế lớn và các công ty độc quyền đã kiểm soát toàn bộ thị trường cho nên chủ nghĩa tự do không còn đất dụng võ nữa. Không phải các chính trị gia mà chính là xu hướng hiện hữu bên trong quá trình tiến triển không gì cưỡng lại được của hệ thống tự do kinh doanh đã giết nó. 

Quá trình phân công lao động đã tạo cho mỗi đơn vị sản xuất một chức năng riêng biệt. Sản xuất còn phát triển thì quá trình này sẽ không bao giờ ngưng. Chúng ta đã bỏ qua giai đoạn khi một nhà máy sản xuất tất cả máy móc từ lâu rồi. Hiện nay, nhà máy chế tạo máy mà không chuyên sản xuất một số loại máy móc nhất định thì không thể nào cạnh tranh nổi. Cùng với việc chuyên môn hoá, lĩnh vực phục vụ của một người cung cấp riêng biệt sẽ phải tiếp tục mở rộng mãi lên. Thị trường do một nhà máy dệt chuyên sản xuất một vài loại vải phải rộng hơn là thị trường được cung ứng bởi một người thợ dệt làm ra tất cả các loại vải. Không nghi ngờ gì rằng quá trình chuyên môn hóa sản xuất sẽ diễn ra trong tất cả các loại hình xí nghiệp có thị trường trên toàn thế giới. Nếu quá trình phát triển này không bị chủ nghĩa bảo hộ và những biện pháp bài tư bản khác cản trở thì kết quả sẽ là: trong mỗi lĩnh vực sản xuất sẽ chỉ còn một ít công ty, thậm chí một công ty chuyên sản xuất với mức độ chuyên nghiệp hóa cực kì cao và cung cấp cho toàn thế giới.

Hiện nay, dĩ nhiên đấy còn là điều xa lạ với chúng ta vì tất cả các chính phủ đều thi hành chính sách nhằm chia cắt nền kinh tế thế giới thành những mảnh nhỏ, trong đó, bằng những loại thuế xuất nhập khẩu và những biện pháp bảo trợ khác, người ta cố tình giữ lại hoặc thành lập mới những công ty không thể cạnh tranh nổi trên thị trường tự do. Người ta cho rằng những chính sách nhằm chống lại việc tập trung hóa năng lực sản xuất như thế là nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi sự bóc lột của những tổ hợp độc quyền.

Để xem xét giá trị của luận điểm này ta sẽ giả sử rằng quá trình phân công lao động trên thế giới đã tiến xa đến mức việc sản xuất mỗi một mặt hàng đều tập trung trong tay một hãng duy nhất và người tiêu dùng, với tư cách là người mua, bao giờ cũng phải đối mặt với một người bán hàng duy nhất. Trong những điều kiện như thế, nếu theo lí thuyết kinh tế thiếu cân nhắc thì người sản xuất sẽ có thể treo giá thật cao để được lợi nhuận khổng lồ và như vậy là làm giảm đáng kể mức sống của người tiêu dùng. Dễ dàng nhận thấy rằng đây là ý tưởng hoàn toàn sai lầm. Giá cả độc quyền, nếu đấy không phải là do những hành động can thiệp của chính phủ, chỉ có thể giữ được nếu kiểm soát được các loại khoáng sản và những nguồn lực cần thiết khác. Lợi tức của một công ty sản xuất độc quyền riêng biệt mà lớn hơn lợi tức của các công ty khác thì chắc chắn sẽ thúc đẩy sự hình thành các công ty cạnh tranh, và cạnh tranh là nhằm loại bỏ thế độc quyền, đưa giá và lợi tức về tiêu chuẩn chung.

Tuy nhiên các công ty độc quyền trong các lĩnh vực sản xuất không thể trở thành hiện tượng đại trà được vì ở mỗi mức độ tích lũy của cải của nền kinh tế, số vốn được đầu tư và số lao động sẵn sàng tham gia vào sản xuất – và kết quả là số sản phẩm xã hội – là đại lượng cho trước. Quy mô sản xuất có thể cắt giảm nhằm làm gia tăng giá bán trên một đơn vị sản phẩm và lợi nhuận gộp của một nhà độc quyền hay một số nhà độc quyền trong một hay một số lĩnh vực sản xuất, khi đó thì vốn đầu tư và lao động tham gia sản xuất trong những lĩnh vực đó có thể bị cắt giảm tương ứng. Vốn và lao động được giải phóng sẽ chảy vào các lĩnh vực sản xuất khác. Nhưng nếu tất cả các ngành đều tìm cách cắt giảm sản xuất để bán được giá cao hơn thì số vốn và lao động được giải phóng sẽ được cung ứng với giá thấp hơn và sẽ tạo ra động lực cho việc hình thành những xí nghiệp sản xuất mới, những xí nghiệp này sẽ đập tan vị thế độc quyền của các xí nghiệp khác. Đấy là lí do vì sao ý tưởng về những tập đoàn hay công ty độc quyền bao trùm lên tất cả là ý tưởng không thể nào đứng vững được.

Các công ty độc quyền thật sự chỉ có thể được hình thành bằng cách kiểm soát đất đai và các nguồn tài nguyên. Quan điểm cho rằng tất cả đất canh tác trên hành tinh này đều có thể tập trung vào tay một công ty độc quyền duy nhất chẳng đáng được đem ra bàn thảo. Chúng ta sẽ chỉ xem xét những công ty độc quyền hình thành do kiểm soát được những cơ sở khai thác những loại khoáng chất hữu ích. Trên thực tế đã có những công ty độc quyền kiểu đó; đấy là những công ty khai thác một số khoáng sản không quan trọng lắm; và những cố gắng nhằm giành độc quyền khai thác các loại khoáng sản khác cũng có thể sẽ thành công trong tương lai. Điều đó có nghĩa là chủ nhân của những khu mỏ và khai khoáng đó sẽ nhận được mức địa tô cao hơn, còn người tiêu dùng thì giảm tiêu thụ và sẽ tìm những vật liệu thay thế cho những loại vật liệu đã trở nên đắt đỏ. Công ty độc quyền toàn cầu trong lĩnh vực dầu mỏ sẽ dẫn đến gia tăng nhu cầu đối với thuỷ điện và than đá .v.v. Từ quan điểm của nền kinh tế toàn cầu cũng như sub specie aeternitatis [từ quan điểm vĩnh cửu – ND], điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ sử dụng những loại nguyên liệu đắt tiền một cách tiết kiệm hơn và như thế là sẽ để lại cho các thế hệ tương lai nhiều hơn là trong nền kinh tế thiếu vắng độc quyền.

Con ngáo ộp độc quyền, thường xuất hiện trong tâm trí mỗi khi người ta nói tới sự phát triển kinh tế một cách tự do, không phải là điều đáng lo. Các công ty độc quyền toàn cầu chỉ có thể thực sự khả thi đối với một vài sản phẩm thuộc ngành khai khoáng. Chưa thể nói được là hậu quả sẽ tốt hay xấu. Đối với những người mà trong khi xem xét những vấn đề kinh tế nhưng vẫn chưa giải thoát khỏi cảm giác đố kị thì những công ty độc quyền này được coi là có hại vì mang lại cho chủ nhân của chúng lợi nhuận quá cao. Còn những người tiếp cận với vấn đề mà không có thái độ chấp trước thì sẽ thấy rằng các công ty này buộc người ta phải sử dụng một cách tiết kiệm những nguồn nguyên liệu hạn chế mà con người đang nắm trong tay. Nếu thực sự có thái độ đố kị đối với lợi tức của nhà tư bản độc quyền thì người ta có thể đánh thuế thu nhập từ những mỏ đó và đưa vào ngân khố quốc gia, đấy là cách làm an toàn và không sợ có những hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế.

Khác với các công ty độc quyền toàn cầu vừa nói, đã có các công ty độc quyền trên bình diện quốc gia và xuyên quốc gia. Hiện nay đấy là những công ty đáng quan tâm vì chúng không xuất phát từ xu hướng tiến triển tự nhiên của hệ thống kinh tế như là một bộ phận của hệ thống kinh tế được vận hành một cách tự do, mà là sản phẩm của những chính sách kinh tế bài chủ nghĩa tự do. Những cố gắng nhằm bảo đảm địa vị độc quyền đối với một số mặt hàng trong tất cả các trường hợp chỉ có thể trở thành khả thi vì mức thuế xuất nhập khẩu cao, làm chia cắt thị trường thế giới thành những thị trường quốc gia nhỏ bé. Ngoài những công ty độc quyền kiểu này thì chỉ còn những tập đoàn do các ông chủ nắm được một số nguồn lực tự nhiên mà chi phí vận tải cao giúp ngăn chặn được sự cạnh tranh của các công ty từ những khu vực khác là đáng quan tâm mà thôi.

Bàn về hậu quả của các tập đoàn, các tổng công ty hay xí nghiệp chuyên cung cấp cho thị trường một loại hàng hoá nào đó mà nói rằng công ty độc quyền “kiểm soát” thị trường hay “áp đặt” giá cả là sai lầm căn bản. Công ty độc quyền không kiểm soát, nó cũng chẳng có khả năng áp đặt giá cả. Ta chỉ có thể nói đến kiểm soát thị trường hay áp đặt giá cả cho một mặt hàng nếu đấy là loại hàng hoá cực kì cần thiết, theo đúng nghĩa đen của từ này, đối với người tiêu dùng và hoàn toàn không thể thay thế được bằng bất cứ món hàng nào khác. Điều này rõ ràng là không đúng đối với bất cứ loại hàng hoá nào. Chẳng có loại hàng hoá nào lại có thể là cái gì đó không thể thiếu đối với những người sẵn sàng mua nó trên thị trường.

Việc hình thành giá cả độc quyền khác với việc hình thành giá cạnh tranh là ở chỗ: trong những điều kiện rất đặc biệt, công ty độc quyền có thể thu được lợi nhuận lớn hơn nhờ bán một số lượng hàng hoá ít hơn với giá cao hơn (chúng ta gọi đấy là giá cả độc quyền) so với giá mà thị trường sẽ quyết định trong trường hợp có nhiều người bán hơn tham gia cạnh tranh (ta gọi đấy là giá cạnh tranh). Giá độc quyền chỉ có thể xuất hiện trong những điều kiện đặc biệt: giá tăng nhưng cầu không giảm mạnh đến mức có thể ngăn chặn được lợi nhuận ròng quá cao từ việc bán ít hàng hơn với giá cao hơn. Nếu quả thật người ta có thể giành được vị trí độc quyền trên thương trường và sử dụng nó để tạo ra giá cả độc quyền thì lợi tức trong lĩnh vực này sẽ cao hơn lợi tức trung bình.

Có thể xảy ra hiện tượng là mặc dù lợi tức cao như thế nhưng vẫn không xuất hiện các xí nghiệp mới cùng loại bởi vì người ta sợ rằng sau khi giá giảm từ độc quyền xuống cạnh tranh thì các xí nghiệp này sẽ không đem lại lợi nhuận tương xứng. Tuy nhiên người ta phải tính đến khả năng là những ngành có liên quan có thể nhảy vào sản xuất món hàng do một công ty nào đó nắm độc quyền với giá tương đối thấp và trở thành những hãng cạnh tranh. Và dù thế nào đi nữa thì những ngành sản xuất các món hàng thay thế cũng sẽ lợi dụng những hoàn cảnh thuận lợi như thế nhằm mở rộng sản xuất của chính mình. Tất cả những tác nhân như thế khiến khó xảy ra chuyện một công ty không nắm được độc quyền kiểm soát những loại nguyên liệu thô đặc thù trở thành công ty độc quyền trong một lĩnh vực sản xuất nào đó. Những công ty như thế chỉ có thể xuất hiện nhờ những biện pháp hành chính như bằng sáng chế, thuế xuất nhập khẩu, ưu đãi về thuế khoá, môn bài và những ưu tiên ưu đãi khác, hoặc những ưu tiên ưu đãi tương tự khác. Mấy chục năm trước người ta thường nói tới độc quyền trong lĩnh vực giao thông vận tải. Hệ thống môn bài có tác dụng tới mức độ nào đối với sự độc quyền trong lĩnh vực này vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Hiện nay, nói chung, người ta đã không còn lo lắng nhiều về vấn đề này nữa. Ô tô và máy bay đã trở thành những phương tiện cạnh tranh đầy thách thức đối với ngành đường sắt. Nhưng ngay cả trước khi các phương tiện đó xuất hiện thì việc sử dụng đường thuỷ cũng đã đặt ra mức trần đối với giá vé mà đường sắt có thể thu trên một số tuyến đường rồi.

Quan điểm của nhiều người hiện nay cho rằng các công ty độc quyền sẽ giết chết những điều kiện tiên quyết cho việc thực thi lí tưởng tự do của chủ nghĩa tư bản chẳng những là một sự thổi phồng quá đáng mà còn là sự thiếu hiểu biết thực tế nữa. Dù có xuyên tạc và vặn vẹo vấn đề độc quyền như thế nào thì chúng ta vẫn luôn luôn đi đến kết luận rằng giá cả độc quyền chỉ có thể xảy ra nếu người ta kiểm soát được những nguồn lực tự nhiên đặc chủng nào đó hoặc những quy định của pháp luật và bộ máy hành chính tạo ra những điều kiện cần thiết cho sự hình thành các doanh nghiệp độc quyền. Nếu kinh tế được phát triển một cách tự do thì, ngoại trừ ngành khai khoáng và một vài lĩnh vực có liên quan, xu hướng cản trở cạnh tranh sẽ không có đất sống. Ý kiến thường được người ta đưa ra nhằm chống lại chủ nghĩa tự do là những điều kiện cạnh tranh từng tồn tại trong thời kì khi mà kinh tế học và tư tưởng tự do cổ điển vừa mới xuất hiện đã không còn giữ thế thượng phong nữa là ý kiến hoàn toàn không đúng. Muốn tái lập những điều kiện đó thì chỉ cần thực hiện một vài yêu cầu của chủ nghĩa tự do, mà cụ thể là: tự do thương mại trong từng nước và giữa các nước với nhau.

Nguồn: Ludwig von Mises, Chủ nghĩa tự do truyền thống (Liberalism - The Classical Tradition). Chương 2 - Chính sách kinh tế tự do (mục 7). Edited by Bettina Bien Greaves, Liberty Fund, Inc. 2005.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh