[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương X: Truyền bá sự thịnh vượng (Phần 5)
NGUỒN GỐC CỦA SỰ CÁCH BIỆT GIÀU NGHÈO TRÊN THẾ GIỚI
Chương này và ba chương trước đã nói về câu chuyện các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp xuất hiện ở Anh như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc Cách mạng công nghiệp, và lý do tại sao một số quốc gia hưởng lợi từ cuộc Cách mạng công nghiệp và bước vào lộ trình tăng trưởng, trong khi những quốc gia khác không làm được điều đó, hay thật ra còn nhất quyết từ chối tiến hành công nghiệp hóa. Vấn đề liệu một đất nước có bước vào quá trình công nghiệp hóa hay không phần lớn phụ thuộc vào các thể chế của đất nước đó. Trải qua sự chuyển đổi tương tự như cuộc Cách mạng vinh quang ở Anh, Hoa Kỳ đã phát triển kiểu thể chế chính trị và kinh tế dung hợp của mình vào cuối thế kỷ 18. Do đó, nước Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên khai thác các công nghệ mới từ quần đảo Anh, rồi nhanh chóng vượt qua Anh để trở thành đất nước tiên phong trong công nghiệp hóa và công nghệ. Nước Úc đi theo một lộ trình tương tự để đến với các thể chế dung hợp, cho dù ít nhiều chậm trễ hơn và kém nổi bật hơn. Người dân nước Úc, giống như ở Anh và Hoa Kỳ, đã phải đấu tranh để có được các thể chế dung hợp. Một khi đã có những thể chế này, Úc đã khởi động quá trình tăng trưởng kinh tế riêng của mình. Úc và Hoa Kỳ có thể công nghiệp hóa và phát triển nhanh chóng bởi vì các thể chế tương đối dung hợp của họ sẽ không cản trở các công nghệ mới, hoạt động phát minh đổi mới, hay sự phá hủy sáng tạo.
Sự việc không diễn ra như vậy ở hầu hết các thuộc địa khác của châu Âu. Câu chuyện của họ hoàn toàn ngược lại so với Úc và Hoa Kỳ. Tình trạng cư dân bản địa thưa thớt và thiếu tài nguyên để chiếm đoạt đã khiến cho chủ nghĩa thực dân ở Úc và Hoa Kỳ trở nên rất khác so với các thuộc địa khác, ngay cả khi dân chúng phải tranh đấu quyết liệt cho các quyền chính trị và các thể chế dung hợp. Ở Moluccas cũng như ở nhiều thuộc địa châu Âu khác ở châu Á, vùng Caribê và Nam Mỹ, dân chúng gần như không có cơ hội chiến thắng trong cuộc đấu tranh này. Trong những vùng này, thực dân châu Âu đã áp đặt một kiểu thể chế chiếm đoạt mới, hoặc tiếp quản các thể chế chiếm đoạt sẵn có, nhằm khai thác các tài nguyên quý giá đa dạng, từ gia vị đến đường và vàng bạc. Ở nhiều nơi, họ thay đổi thể chế khiến cho sự xuất hiện của các thể chế dung hợp rất khó xảy ra. Ở một vài nơi, họ dứt khoát gạt bỏ các ngành công nghiệp đang phát triển hoặc thể chế kinh tế dung hợp hiện có. Hầu hết những nơi này đều không có cơ may hưởng lợi từ công nghiệp hóa vào thế kỷ 19 hoặc thậm chí trong thế kỷ 20.
Tình hình ở những vùng còn lại của châu Âu cũng khá khác biệt so ở Úc và Hoa Kỳ. Khi cuộc Cách mạng công nghiệp Anh tăng tốc vào cuối thế kỷ 18, hầu hết các nước châu Âu đi theo chế độ chuyên chế dưới sự cai trị của nhà vua và giới quý tộc, với phần lớn nguồn thu nhập đến từ việc sở hữu đất hoặc từ đặc quyền kinh doanh dựa vào các rào cản gia nhập thị trường. Sự phá hủy sáng tạo hình thành từ quá trình công nghiệp hóa sẽ làm xói mòn các đặc lợi thương mại của giới lãnh đạo, thu hút nguồn tài nguyên và lao động ra khỏi đất đai của họ. Tầng lớp quý tộc sẽ là kẻ thua cuộc về kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa. Quan trọng hơn, họ cũng sẽ là người thua cuộc chính trị, vì quá trình công nghiệp hóa chắc chắn sẽ tạo ra bất ổn và thách thức chính trị đối với độc quyền chính trị của họ.
Nhưng quá trình chuyển đổi thể chế và cuộc Cách mạng công nghiệp Anh tạo ra những cơ hội và thách thức mới đối với các nước châu Âu. Mặc dù chủ nghĩa chuyên chế đang tồn tại, nhưng Tây Âu cũng có chung quá trình phân hóa thể chế giống như đã tác động đến Anh trong thiên niên kỷ trước. Tuy nhiên, diễn biến ở Đông Âu, ở Đế chế Ottoman và Trung Quốc thì rất khác. Những khác biệt này có ý nghĩa quan trọng đối với việc lan truyền công nghiệp hóa. Cũng giống như nạn dịch hạch hay sự gia tăng thương mại ở Đại Tây Dương, thời điểm quyết định hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp làm trầm trọng hơn các xung đột về thể chế ở nhiều quốc gia châu Âu. Một nhân tố chính là cuộc Cách mạng Pháp năm 1789. Sự cáo chung của chủ nghĩa chuyên chế tại Pháp đã mở đường cho các thể chế dung hợp, và người Pháp cuối cùng bắt tay vào công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Thật ra, cuộc Cách mạng Pháp còn đạt được nhiều hơn thế. Cách mạng Pháp giúp lan truyền các thể chế Pháp thông qua quá trình xâm lược và cải cách mạnh mẽ các thể chế chiếm đoạt ở một số nước láng giềng. Do đó, Cách mạng Pháp mở ra con đường đi đến công nghiệp hóa không chỉ ở Pháp, mà cả ở Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ và nhiều vùng ở Đức và Ý. Xa hơn về phía đông, phản ứng sau nạn dịch hạch cũng tương tự, nhưng thay vì sụp đổ, chế độ phong kiến đã gia tăng sức mạnh. Áo-Hung, Nga và Đế chế Ottoman tụt hậu hơn về mặt kinh tế, nhưng thể chế quân chủ chuyên chế của họ vẫn xoay sở để tồn tại cho đến tận Thế chiến thứ nhất.
Ở những nơi khác trên thế giới, chủ nghĩa chuyên chế cũng dai dẳng như ở Đông Âu. Điều này đặc biệt đúng ở Trung Quốc, nơi sự chuyển tiếp giữa triều đại nhà Minh và nhà Thanh đã dẫn đến một nhà nước cam kết xây dựng một xã hội nông nghiệp ổn định và thù địch với thương mại quốc tế. Nhưng cũng có những khác biệt quan trọng về thể chế ở châu Á. Nếu Trung Quốc phản ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp giống hệt như Đông Âu, thì Nhật Bản đã phản ứng theo cùng một cách thức như Tây Âu. Cũng giống như ở Pháp, phải có một cuộc cách mạng để thay đổi hệ thống, lần này cuộc cách mạng được lãnh đạo bởi các lãnh chúa vùng lên từ lãnh địa Satsuma, Chōshū, Tosa và Hizen. Các lãnh chúa lật đổ shogun, bắt đầu thời kỳ Minh Trị Duy Tân, và đưa Nhật Bản vào con đường cải cách thể chế và tăng trưởng kinh tế.
Ở đất nước Ethiopia biệt lập, chúng ta cũng thấy chủ nghĩa chuyên chế có sức bền đáng kể. Ở những nơi khác trên lục địa châu Âu, chính áp lực thương mại quốc tế từng giúp chuyển đổi thể chế ở Anh vào thế kỷ 17 lại khóa chặt nhiều vùng Tây và Trung Phi vào các thể chế chiếm đoạt thông qua việc buôn bán nô lệ. Điều này đã tàn phá xã hội ở một vài nơi và dẫn đến sự ra đời của các nhà nước bóc lột nô lệ ở những nơi khác.
Các biến chuyển về thể chế mà chúng tôi vừa mô tả sẽ quyết định những nước nào có thể tranh thủ những cơ hội lớn xuất hiện từ thế kỷ 19 trở đi và những nước nào không làm được điều này. Gốc rễ của sự cách biệt giàu nghèo trên thế giới mà chúng ta quan sát thấy ngày hôm nay có thể được tìm thấy trong quá trình phân hóa này. Với một vài ngoại lệ, các nước giàu ngày nay là những nước bắt tay vào quá trình công nghiệp hóa và thay đổi công nghệ bắt đầu từ thế kỷ 19, và những nước nghèo là những nước đã không làm được điều này.
Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)