Suy nghĩ kĩ trước khi chê bai chủ nghĩa tư bản
“Mọi người đều vì bản thân mình," một con voi nói vậy khi nó nhảy múa quanh những con gà. Câu nói đả kích chủ nghĩa tư bản này xuất phát từ một chính trị gia người Canada. Cụm từ “chủ nghĩa tư bản” đã bị mang tiếng xấu. Nó bị gán với những từ mang nghĩa xấu như “mèo béo”, “doanh nghiệp lớn”, “liên minh quân sự - công nghiệp”, “các nhà tư bản công nghiệp tham lam”, “các chính trị gia bảo thủ” (standpatters), “những kẻ phản động” và “những giá trị vật chất không đếm xỉa đến những giá trị nhân bản”. Nhiều học giả nghiêm túc coi chủ nghĩa tư bản là một hệ thống quá độ giữa chế độ phong kiến cũ và chủ nghĩa xã hội tất yếu.
Adam Smith đã bị gắn với cụm từ “chủ nghĩa tư bản” ngay cả khi ông không sử dụng cụm từ này. Khi nói về vốn (capital) ông đã không dùng cái tên đó; ông đã dùng từ “dự trữ” (stock) để miêu tả thứ mà chúng ta gọi là vốn. Karl Marx đã trả lời cuốn Wealth of Nations (Sự giàu có của các quốc gia) của Adam Smith và gọi tác phẩm đầy ý nghĩa của ông là Das Kapital (Tư bản luận). Những ý tưởng về nền kinh tế thị trường tự do bị chê bai và khinh thường – thậm chí là ghét bỏ. Từ đó, đối với nhiều người, cụm từ chủ nghĩa tư bản đã trở nên ít lôi cuốn hơn, mặc dù họ biết rất ít về nội dung của cuốn sách về kinh tế chính trị học gắn liền với tên tuổi của Marx.
Một số nhà kinh tế chính trị học yêu chuộng tự do cá nhân và thị trường tự do đã gợi ý rằng nên tìm ra một cái tên mới để mô tả tự do kinh tế và trách nhiệm cá nhân. Tuy nhiên, cho tới khi một cái tên mới xuất hiện, người ta nên thận trọng suy nghĩ kĩ trước khi chê bai nền kinh tế thị trường với tất cả những hàm ý trong cụm từ chủ nghĩa tư bản, bởi vì hiện tại không có ngôn từ thay thế nào sẵn có cho từ hợp lí này.
Hệ thống này có lỗi thời không?
Nhiều công dân kĩ tính của nước Mỹ coi chủ nghĩa tư bản của thời kỳ khởi đầu nền công nghiệp Mỹ như một vết tích cổ đang dần biến mất. Với sự bùng nổ dân số, đô thị hóa và công nghiệp hóa, họ cho rằng chủ nghĩa tư bản đã biến mất. Họ chưa thật sự sẵn sàng đi theo chủ nghĩa xã hội, nhưng họ chân thành ủng hộ kế hoạch hoá và sự can thiệp của chính phủ. John Kenneth Galbraith, phát ngôn viên sắc sảo của lực lượng khai phóng, kêu gọi mọi người cởi mở hoan nghênh một chủ nghĩa xã hội mới mà ông tin là vừa thức thời vừa cần thiết. “Không còn lựa chọn khả dĩ nào ngoài chủ nghĩa xã hội mới; không thể không chấp nhận nó nếu muốn tránh những bất an nghiêm trọng, những rối loạn xã hội lớn, và cả những tổn hại đáng kể về nhân mạng, sức khỏe và phúc lợi. Chủ nghĩa xã hội mới không phải là ý thức hệ; nó là do hoàn cảnh bắt buộc.”1
Thoạt đầu, giả định của chủ nghĩa Mác về thuyết định mệnh kinh tế khá là hợp lí, nhưng tôi không tin là nó có thể đứng vững khi xem xét kỹ càng kinh nghiệm lịch sử. Nghiên cứu về lịch sử của tôi khiến tôi chia sẻ với rất nhiều đồng nghiệp kĩ tính nhận định rằng những người tự do có thể, trong một giới hạn nhất định, lựa chọn những hệ thống kinh tế chính trị riêng cho mình. Điều này đúng với những gì đã diễn ra ở Tây Đức vào thời của Ludwig Ernhard. Người Đức đã chọn chủ nghĩa tư bản chứ không phải chủ nghĩa xã hội vốn được nhiều nhà kinh tế và chính trị người Mỹ, Anh và các nước châu Âu đề nghị. Theo ý kiến cá nhân tôi là người Mỹ có thể và nên kêu gọi đổi mới chủ nghĩa tư bản hơn là theo đuổi một chủ nghĩa xã hội mới.
Phần lớn người Mỹ hiện đại hiểu không đúng, cũng như có cái nhìn thiếu thiện cảm về chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản là một hệ thống cấp tiến và hấp dẫn của kinh tế chính trị học và cần được xem xét theo cách mới, với thái độ thân thiện hơn. Chủ nghĩa xã hội mới chưa bao giờ được thử nghiệm. Chủ nghĩa xã hội cũ không thực sự hấp dẫn. Hãy xem xét Nga, Trung Quốc, Cuba, Chi-lê, và nước Anh bây giờ [năm 1977- ND]. Chủ nghĩa tư bản đã được thử nghiệm và đạt được những thành công tuyệt vời nhất trong lịch sử nhân loại. Bản chất nào của hệ thống chính trị và kinh tế đã làm những người nghèo của Mỹ sung túc hơn những người giàu có ở nhiều quốc gia hoạt động dưới sự quản lí của Nhà nước? Dưới đây là những đoạn văn khen ngợi chủ nghĩa tư bản của tôi. Chúng có phần trữ tình nhưng dựa trên thực tế và sẵn sàng đón nhận các phê phán.
Một bản thành tích đáng mong muốn
Chủ nghĩa tư bản là một hệ thống kinh tế chính trị đã hoạt động, đang hoạt động và có cơ hội sẽ tiếp tục hoạt động. Hệ thống thay thế là chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội có sức lôi cuốn về mặt lí thuyết, nhưng trên thực tế, có khuynh hướng thiên về chuyên chế và đưa xã hội về thời kỳ nô lệ.
Chủ nghĩa tư bản không được sinh ra nhờ cuốn The Wealth of Nations, cũng như sẽ không chết bởi cuốn Das Kapital. Nó xưa cũ như lịch sử và mới mẻ như nghề giao báo với một cậu bé. Chủ nghĩa tư bản là một quan điểm và một cách sống. Những nguyên tắc của nó được đưa vào cuộc sống bất kể chúng có được hiểu, tán thành và yêu chuộng hay không.
Chủ nghĩa tư bản không có dấu tích của người Mỹ thuộc địa. Một khi nó có thể giải phóng mình khỏi những rào cản can thiệp của các nhóm lợi ích luôn có khuynh hướng mở rộng chính phủ và chi tiêu một cách không cần thiết, nó sẽ mang trong mình gen tự do để thay đổi cùng thời gian và để đối mặt với những thách thức từ những ngành công nghiệp lớn, các công đoàn lớn và chính phủ lớn. Hãy để thị trường vận hành, và tham vọng của mỗi các nhân sẽ phục vụ lợi ích chung của xã hội.
Chủ nghĩa tư bản là một hệ thống kinh tế mang niềm tin, giống như của Locke và Jefferson, rằng cuộc sống, tự do và của cải là một trong số những quyền bất khả nhượng của con người.
Chủ nghĩa tư bản phủ nhận sự phân chia sáo rỗng giữa giá trị tài sản và giá trị con người. Giá trị tài sản là giá trị con người. Hãy tưởng tượng sự phân chia đó khi nó được áp dụng đối với một người lắp chân tay giả hay một thiết bị điều hòa nhịp tim. Người thợ sống với những công cụ và người nông dân sống với mảnh đất của mình là ví dụ rõ ràng nhất cho sự đồng nhất giữa con người và tài sản của anh ta.
Chủ nghĩa tư bản là niềm tin vào con người – một giả định rằng sự thịnh vượng và hạnh phúc đạt được tốt nhất khi mỗi người sống theo ý muốn và trí thông minh của riêng mình. Mỗi người là một công dân có trách nhiệm.
Chính phủ hạn quyền
Chủ nghĩa tư bản thừa nhận sự chuyên chế tiềm tàng của bất kì chính phủ nào. Chính quyền được lập ra vì dân, không phải là dân vì chính quyền. Vì vậy, chính quyền nên được giới hạn về quy mô và chức năng, vì nếu không, các cá nhân tự do sẽ đánh mất bản sắc của riêng mình và trở thành người của chính phủ. Frederic Bastiat đã gọi Nhà nước là một “tổ chức hư cấu lớn, trong đó mọi người tìm cách sống bằng chi phí của những người khác.”
Chủ nghĩa tư bản phủ nhận niềm tin chất phác và thần bí vào Nhà nước rằng nhà nước phải kiểm soát tiền lương và giá cả. Một mức giá hợp lí là số tiền thỏa thuận giữa người mua và người bán. Cạnh tranh trên thị trường tự do đáng tin cậy hơn bất kì một quan chức chính phủ nào. Chính quyền là một cơ quan bảo vệ có trọng lượng chống lại việc sử dụng vũ lực và gian lận, nhưng thị trường lại thích hợp hơn trong việc bảo vệ chống lại độc quyền, lạm phát, giá cả tăng vọt, tiền lương thấp và các vấn đề khan hiếm. Chủ nghĩa tư bản hoạt động vì lợi ích của cả người tiêu dùng và người lao động.
Chủ nghĩa tư bản phủ nhận quyền của chính phủ trong việc tự tiện chiếm đoạt tài sản của công dân, hoặc tự tiện đánh thuế sinh kế của một người, hoặc nói anh ta phải làm việc khi nào và ở đâu hay anh ta phải sống thế nào và ở đâu. Chủ nghĩa tư bản được xây dựng trên nền tảng vững chắc của tự do cá nhân.
Chủ nghĩa tư bản tin rằng tất cả mọi người đều xứng đáng có cơ hội. “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng” về mặt cơ hội, nhưng con người không bình đẳng – cũng như không nên bình đẳng. Thế giới sẽ trì trệ như thế nào nếu không ai được chạy nhanh hơn người khác! Cạnh tranh là điều tốt, dù có bao nhiêu người cố gắng tránh nó đi chăng nữa. Bình đẳng và tự do mâu thuẫn với nhau. Chủ nghĩa tư bản lựa chọn tự do!
Bình đẳng về cơ hội
Chủ nghĩa tư bản cho người nghèo cơ hội trở nên giàu có. Nó không kìm hãm con người trong tình trạng nghèo đói. Nó kêu gọi mỗi cá nhân giúp đỡ người hàng xóm của mình, nhưng không bần cùng hóa anh ta bằng cách khiến anh ta trở thành phụ thuộc. Sự độc lập cho tất cả mọi người là lý tưởng của chủ nghĩa tư bản.
Khi một người kí kết hợp đồng làm việc trong một ngày, một tuần, hay một tháng trước khi anh ta được trả lương, anh ta đang thực thi chủ nghĩa tư bản. Đó là một loạt các hợp đồng giao dịch sẽ được hoàn thành trong tương lai. Chủ nghĩa tư bản là đưa ra lời hứa và thực hiện lời hứa.
Chủ nghĩa tư bản cung cấp công ăn việc làm đầy đủ cho những người muốn làm việc. Người lao động được tự do chấp nhận một công việc với mức lương bất kì mà anh ta có thể nhận được. Anh ta có thể cùng với các đồng nghiệp tham gia vào hiệp hội tự nguyện nhằm cải thiện tiền lương và điều kiện làm việc. Anh ta có thể thay đổi công việc hoặc bắt đầu kinh doanh riêng. Anh ta dựa vào khả năng của mình để làm việc hơn là dựa vào sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước để cưỡng ép người khác làm việc.
Chủ nghĩa tư bản mù màu. Da đen, da nâu, da vàng, da đỏ và da trắng đều giống nhau trên thị trường. Một người được coi trọng vì khả năng chứ không phải vì chủng tộc của anh ta. Lợi ích kinh tế trên thị trường, như danh dự và sự ngợi ca trên sân chơi, tương xứng với hiệu suất làm việc. Người có nhiều kĩ năng, khả năng và sự khéo léo nhất trong sản xuất được trả công phù hợp bởi những người coi trọng và cần hàng hóa và dịch vụ của anh ta.
Niềm tin vào Thị trường
Chủ nghĩa tư bản cho ta một niềm tin rằng không một ai đủ khôn ngoan và hiểu biết để kiểm soát cuộc sống của những người khác. Khi mỗi người tùy ý mua, bán, tiêu thụ, sản xuất, tiết kiệm, và chi tiêu, mà Leonard Read gọi là “phép lạ của thị trường” cho phép tất cả mọi người được hưởng lợi.
Chủ nghĩa tư bản coi thị trường như là phương tiện hiệu quả và công bằng duy nhất trong việc phân bổ những hàng hóa khan hiếm. Thị trường tự do phản ứng lại tình trạng khan hiếm và thúc đẩy sản xuất bằng cách tăng giá. Những biện pháp kiểm soát mang tính chuyên chế chỉ đơn thuần là chấp nhận và duy trì thiếu hụt. Giá tăng sẽ thôi thúc trí tuệ của người phát minh và sản xuất thêm hàng hoá; và khi hàng hóa được cung cấp nhiều hơn, giá sẽ giảm.
Không ai đủ hiểu biết để lắp một cái máy bay hay một cái máy vi tính, nhưng hàng trăm người cùng làm việc với nhau tạo nên những sáng tạo tuyệt vời đó. Đây là thành tích đáng chú ý của con người mà Adam Smith đã gọi là “Phân công lao động.”
Tên gọi chủ nghĩa tư bản bắt nguồn từ sự thật rằng vốn/tư bản là cần thiết cho sự thành công của bất kì doanh nghiệp nào cho dù đấy là một cá nhân, một công ty, hay một quốc gia. Vốn được hình thành từ tiết kiệm. Người tích lũy vốn được hưởng lợi và, cùng lúc đó, là một nhà hảo tâm cho cộng đồng.
Chủ nghĩa tư bản biến mọi người thành người tín thác với những gì anh ta có. Nó bổ nhiệm anh ta làm người quản lí tối cao cho cuộc sống và tài sản của chính anh ta, và nó khiến anh ta có trách nhiệm về sự ủy thác đó.
Nhà thờ và những ràng buộc gia đình
Chủ nghĩa tư bản là một đồng minh tự nhiên của tôn giáo. Các học thuyết Do thái–Cơ đốc giáo về quản gia và nghề nghiệp được phản ánh trong nền kinh tế thị trường tự do. Các nhà thờ và giáo đường được tự do giảng đạo và trở nên phát triển trong chủ nghĩa tư bản. Khi các nhà thờ mất quyền lực, sức mạnh tinh thần của chủ nghĩa tư bản bị giảm sút.
Chủ nghĩa tư bản phụ thuộc phần nhiều vào nền tảng gia đình để tạo dựng sức mạnh xã hội và đạo đức. Khi gia đình tan rã, trật tự tư bản rơi vào tình trạng hỗn loạn và lộn xộn. Động lực để theo đuổi cuộc sống, tự do, và tài sản nằm trong tình yêu giữa con cái và cha mẹ trong một gia đình gồm có tổ tiên và con cháu.
Chủ nghĩa tư bản cho phép các nghiệp chủ là những người tự do, chấp nhận những rủi ro và gặt hái những phần thưởng của riêng mình.
Công việc là một đặc ân và một đức tính trong chủ nghĩa tư bản. Giải trí được tôn trọng, nhưng lười nhác thì bị nghi ngờ. Ý tưởng cho rằng công việc là một sự trừng phạt và một lời nguyền không có chỗ đứng trong thế giới tư bản chủ nghĩa.
Chủ nghĩa tư bản coi lợi nhuận thu được từ việc chấp nhận rủi ro và đầu tư cũng xứng đáng như tiền lương hay tiền thuê. Cổ tức trả cho những người đầu tư vốn vào một công ty cũng xứng đáng như lãi trả cho người gửi tiền tại một ngân hàng tiết kiệm. Ý tưởng phổ biến rằng vốn rủi ro không hiệu quả rõ ràng là sai.
Con đường tự nguyện
Chủ nghĩa tư bản tôn vinh và khuyến khích từ thiện và đức hạnh. Từ thiện đích thực không thể bị ép buộc. Các trường đại học, bệnh viện, cơ quan xã hội sẽ hài lòng hơn và vui vẻ hơn khi nhận được hỗ trợ tự nguyện. Số tiền lấy được từ sự ép buộc và ban tặng bằng kế hoạch hóa thì không phải là một món quà.
Người tiêu dùng có quyền lực tối cao trong chủ nghĩa tư bản. Không quan chức, chuyên gia tiếp thị, người quảng cáo, chính trị gia hay người bảo vệ tự phong nào có thể bảo anh ta mua, bán hay làm gì.
Chủ nghĩa tư bản khuyến khích sáng chế, đổi mới và tiến bộ công nghệ. Sáng tạo không thể luật hóa mà có. Chỉ những người tự do mới có thể đem tới khám phá đáng kể cho xã hội. Thomas A. Edison không phải cam kết gì với chính phủ.
Khái niệm về kinh doanh tự do và mang tính cá nhân có thể áp dụng vào hoạt động học tập và sinh hoạt cũng như sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Khi một học sinh học bất cứ điều gì thì đó là của riêng anh ta. Không ai, chứ đừng nói là nhà nước, dạy ai bất cứ điều gì. Nhà nước có thể bắt ép học một số thứ, nhưng học hành chân chính là việc của mỗi cá nhân – một công việc tự do và có tính khám phá.
Tôn trọng cá nhân
Chủ nghĩa tư bản tôn vinh tự do và phẩm giá của mọi người. Công dân không bị coi là ngây thơ và ngu dốt, dễ bị những kẻ gian trá và bội tín lừa gạt. Anh ta được coi là người công dân tự do trước Chúa và luật pháp – có thể có những lựa chọn của riêng mình; không phải là tai mắt của Nhà nước, đòi hỏi phải được những kẻ bề trên tự phong hay những quan chức chính phủ bảo vệ.
Chủ nghĩa tư bản là một hệ thống phân phối quyền lực cho công nhân, giới trẻ, người tiêu dùng và những người gặp khó khăn bằng cách tạo dựng môi trường tự do cho tổ chức tự nguyện, bất đồng ý kiến, thay đổi, lựa chọn và ưu tiên chính trị, không có cản trở từ lực lượng cảnh sát của chính quyền.
Đổi mới chủ nghĩa tư bản có thể là sự đổi mới nước Mỹ; không có gì có thể triệt để hơn, kịp thời hơn, hoặc có lợi ích hơn cho người dân bình thường có trách nhiệm và đáng tin cậy, những người đang bị đánh lừa bởi những lời hứa nhẹ nhàng và hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội mới.
Không có hệ thống chính trị và kinh tế nào là hoàn hảo. Nền Cộng hòa của Plato là ở trên trời – không phải dưới mặt đất. Nếu tất cả mọi người đều hào phóng và tốt bụng thì hệ thống nào cũng vận hành được. Bởi vì con người làm trung tâm, họ sẽ tự do và hạnh phúc hơn trong một hệ thống cho phép tính tham lam và hung hăng của mỗi người đem lại lợi ích tốt nhất cho tất cả mọi người. Chủ nghĩa tư bản là một hệ thống như vậy. Nó đem lại hiệu quả, dù khiêm tốn, ngay cả khi bị xiềng xích. Đã tới thời điểm giải thoát chủ nghĩa tư bản khỏi xiềng xích và một lần nữa mở mắt cho thế giới thấy khả năng sáng tạo và năng suất của những người tự do!
Một vài đồng nghiệp khoa bảng của tôi có lẽ sẽ phủ nhận, tranh cãi hoặc khinh thường các ý kiến tán dương nói trên về chủ nghĩa tư bản. Họ sẽ nói rằng chủ nghĩa xã hội mang lại lợi ích cho người nghèo, giới trẻ, người tiêu dùng, các nhóm thiểu số, và rằng chủ nghĩa tư bản bảo vệ người giàu và người có quyền. Tuy nhiên, khi tham gia thảo luận, họ sẽ tranh cãi về chính trị hơn là về kinh tế, về tư tưởng hơn là về bằng chứng thực tiễn, và họ sẽ đổ lỗi cho tôi vì cũng làm như vậy. Khi đưa ra lập luận thuyết phục nhất mà không thuyết phục được, thì điều này có nghĩa là không thể thay đổi được các quan điểm chính trị bằng lập luận lí tính.
Một lời kêu gọi đổi mới
Những người ưa thích ý thức hệ xã hội chủ nghĩa thường tỏ ra khó chịu; họ kiêu ngạo và xem thường sự đánh giá trung thực như vậy về chủ nghĩa tư bản như tôi vừa trình bày. Tuy nhiên những học giả, như Ludwig von Mises, Friedrich Hayek, và Milton Friedman, đã khám phá ra mối ràng buộc giữa chủ nghĩa tư bản với tình trạng khó khăn hiện tại của chúng ta, sẽ tham gia vào công cuộc đổi mới hệ thống để làm cho nó hiệu quả hơn. Những người, như Josepth Schumpeter quá cố, đã theo dõi sự tan rã không ngừng của chủ nghĩa tư bản và kết luận rằng chủ nghĩa xã hội sẽ hoạt động dù có những khó khăn và gian nan, sẽ ráng thở dài tiếc nuối về sự tan biến dần dần của con đường tư bản chủ nghĩa hạnh phúc và thịnh vượng. Họ sẽ, giống như mọi người có trách nhiệm, chấp nhận những viễn cảnh mà họ cho là tất yếu, và cố gắng làm tốt nhất cho cuộc sống màu xám và giai tầng của chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, Schumpeter không theo tư tưởng chủ bại. Ông là một nhà phân tích sâu sắc về các vấn đề của con người. Trong lời nói đầu kiệt tác trong lần xuất bản thứ hai của mình, ông viết, “Cuối cùng, điều này đã dẫn đến cáo buộc ‘học thuyết chủ bại’. Tôi hoàn toàn phủ nhận tác phẩm của tôi có chỗ phân tích nào đó dính dáng đến thuật ngữ này. Học thuyết chủ bại miêu tả một trạng thái tâm lý nào đó mà chỉ có ý nghĩa khi đề cập đến hành động. Tự bản thân các số liệu và những suy luận từ đó không bao giờ có thể là chủ bại hoặc phản bác lại bất cứ thứ gì có thể bị cáo buộc như thế. Bản báo cáo rằng một con tàu nào đó đang chìm là không có thuộc tính chủ bại. Chỉ có tinh thần mà bản báo cáo ghi nhận là có thể có tính chủ bại: Thủy thủ có thể ngồi xuống và uống nước. Nhưng mọi người cũng có thể đổ xô đi tìm máy bơm.”2
Những người bạn của sự tự do, hãy đi tìm máy bơm!
Những người yêu tự do hơn bình đẳng, những người không thoải mái với chính quyền không bị giới hạn quyền lực, những người có niềm tin vào khả năng của con người trong việc quyết định vận mệnh của mình, những người đã ngạc nhiên trước sự kì diệu của thị trường sẽ tham gia cùng tôi vào công cuộc kêu gọi đổi mới hệ thống chủ nghĩa tư bản vốn dĩ đơn giản, hợp lí, linh hoạt và cởi mở; nó đã, đang và sẽ hoạt động nếu được giải thoát khỏi xiềng xích của sự can thiệp vô hạn của nhà nước. Tôi tin rằng lựa chọn đúng sẽ thuộc về chúng ta. Còn lựa chọn thay thế sẽ đẩy đất nước vào tù túng.
Chú thích:
(1) John Kenneth Galbraith, Economics and the Public Purpose (Boston: Houghton Mifflin Company,1973), tr. 277.
(2) Joseph Schumpeter, Capitalism, Socialism and Democracy (New York: Harper and Row, 1950), tr. xi.
Nguồn: Trích chương 10 cuốn Nền tảng đạo đức của kinh tế thị trường, “Mark W. Hendrickson (chủ biên), The Morality of Capitalism, The Freeman”, 3/1977