[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 8: Thị trường (Phần 4)
Bảo đảm công ăn việc làm
Bất cứ khi người ta tìm được một cách tốt hơn nhằm đáp ứng nhu cầu nào đó của con người (hoặc khi nhu cầu về sản phẩm nào đó giảm đi), một số nguồn lực trước đây được dùng nhằm thỏa mãn nhu cầu đó sẽ không còn cần thiết nữa. Những nguồn lực không-còn-cần-thiết-nữa có thể là máy móc, nhà máy hay sức lao động. Một số ngưới có thể bị mất các khoản đầu tư hay công việc, nếu đối thủ cạnh tranh tìm được biện pháp rẻ hơn mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Chúng ta phải thông cảm với những người người bị thất nghiệp hoặc bị mất những khoản đầu tư trong tình huống này, nhưng chúng ta không được lờ đi những lợi ích của cạnh tranh và phá hủy sáng tạo. Những người lâm vào tình huống như vậy bao giờ cũng muốn chính phủ can thiệp, nhằm giữ nguyên nhu cầu đối với sản phẩm của họ hoặc ngăn, không cho đối thủ cạnh tranh tham gia thị trường, hoặc bằng cách nào đó bảo vệ công ăn việc làm cho họ.
Nhưng về lâu dài, bảo vệ những việc làm hoặc các khoản đầu tư không cần thiết là việc làm vô nghĩa. Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta tìm cách bảo vệ công việc chế tạo xe ngựa khi ô tô đã trở thành thông dụng. Làm thế nghĩa là chúng ta giữ những nguồn lực - đất đai, lao động và vốn - trong cái ngành không còn đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, trong khi những nguồn lực này có thể được sử dụng cho những nhu cầu khác. Xin lấy một ví dụ gần đây hơn – những người bắt đầu đi học trong những năm 1960 biết rõ, nhưng những người trẻ hơn có thể hoàn toàn không biết – trong những năm 1970, chỉ trong vài năm, không còn ai sử dụng thước lôgarit nữa, tất cả đều chuyển sang sử dụng máy tính (calculator). Chúng ta có cần bảo vệ công ăn việc việc làm của những người sản xuất thước lôgarit hay không? Để làm gì? Ai mua những cái thước đó khi đã có những chiếc máy tính khá rẻ? Nếu chúng ta làm như thế mỗi khi một công ty hay một ngành nào đó trở thành phi kinh tế, thì chẳng mấy chốc chúng ta sẽ có mức sống tương đương với Liên Xô.
Người ta thường nói rằng nhiệm vụ của nền kinh tế hay nhiệm vụ của chính sách kinh tế là tạo ra công ăn việc làm. Hoàn toàn sai. Nhiệm vụ của nền kinh tế là làm ra những thứ mà mọi người cần. Nếu chúng ta thực sự muốn tạo ra thật nhiều công ăn việc làm, như nhà kinh tế học Richard McKenzie đã chỉ ra, chúng ta có thể làm được điều đó với chính sách được thể hiện bằng mấy từ sau đây: Cấm sử dụng máy móc trong nông nghiệp. Điều đó sẽ tạo ra khoảng 60 triệu việc làm (ở Mỹ – ND), nhưng điều đó sẽ có nghĩa là chuyển người lao động từ nơi họ có năng suất lao động cao nhất và sử dụng họ trong việc sản xuất lương thực, thực phẩm, tức là những thứ có thể được sản xuất một cách hiệu quả hơn hẳn với ít công nhân hơn, nhưng nhiều máy móc hơn. Đời sống của tất cả chúng ta sẽ trở nên khó khăn hơn.
Norman Macrae, phó tổng biên tập lâu năm của tờ Economist, chỉ ra rằng ở Anh, từ thời Cách mạng Công nghiệp, khoảng hai phần ba những công việc từng tồn tại trong giai đoạn đầu mỗi thế kỷ đã biến mất vào giai đoạn cuối thế kỷ, nhưng vào cuối thế kỷ, số người làm việc lại tăng gấp ba lần so với hồi đầu thế thế kỷ. Ông nhận xét: “Trong những năm cuối 1880, khoảng 60% lực lượng lao động ở cả Mỹ và Anh làm trong lĩnh vực nông nghiệp, việc nhà và những công việc liên quan đến vận tải bằng xe ngựa. Hiện nay, chỉ có 3% lực lượng lao động làm trong những ngành này mà thôi. Trong thế kỷ XX, hầu hết công nhân đã chuyển từ những ngành đó vào lĩnh vục công nghiệp và sau đó thì sang lĩnh vực dịch vụ. Trong thế kỷ XXI, có khả năng là nhiều người, có lẽ là hầu hết, công nhân sẽ chuyển từ sản xuất vật chất sang những công việc trong lĩnh vực thông tin. Cùng với quá trình đó, nhiều người sẽ mất việc làm và mất những khoản đầu tư của họ, nhưng kết quả sẽ là mọi người đều có mức sống cao hơn. Nếu may mắn, năm mươi năm nữa sản lượng trên đầu người mà chúng ta sản xuất được sẽ gấp năm lần hiện nay – đấy là nói nếu chính phủ không bóp méo các tín hiệu do giá cả tạo ra, không cản trở việc phối hợp và không giữ các nguồn lực trong những lĩnh vực kém hiệu quả.
Nói cách khác, cách tốt nhất nhằm “bảo vệ” công ăn việc làm là giải phóng nền kinh tế. Công việc sẽ thay đổi, nhưng công việc mới được tạo ra bao giờ cũng nhiều hơn số cũ bị mất đi. Điều này đúng ngay cả khi có tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ; trong một lĩnh vực nào đó, sức người được thay thế bằng máy móc, nhưng những khoản đầu tư cao hơn vào nền kinh tế có nghĩa là tiền lương cho những chỗ làm việc khác sẽ gia tăng.
Kiểm soát giá cả
Kiểm soát giá cả, trong đó có tiền lương, tiền công lao động - có lẽ là biện pháp trực tiếp nhất mà chính phủ sử dụng nhằm làm méo mó tín hiệu do giá cả đưa ra. Đôi khi chính phủ tìm cách đặt giá tối thiểu, nhưng họ thường xuyên muốn kiềm chế giá tối đa. Kiểm soát giá thường được thực hiện khi giá cả gia tăng. Giá tăng vì nhiều lý do. Trên thị trường tự do, giá tăng thường chứng tỏ hoặc nhu cầu đối với một sản phẩm cụ thể nào đó gia tăng hoặc nguồn cung giảm. Trong cả hai trường hợp, các nguồn lực thường được đưa vào thị trường đó nhằm tận dụng lợi thế của sự tăng giá, việc này sẽ làm giảm mức độ tăng giá hoặc thậm chí là làm cho giá giảm. (Xin lưu ý rằng, về lâu dài, chỉ có giá nhân công – tính theo giá trị thực tế - là luôn luôn tăng mà thôi. Nhìn lại cách đây một trăm năm hoặc xa hơn nữa, chúng ta thấy rằng giá của hàng hoá, từ lúa mì, dầu đến máy tính, đều giảm, trong khi trong năm mươi năm qua, đồng lương lương thực tế đã tăng gấp năm lần. Từ quan điểm kinh tế học, nghĩa là nếu so với tất cả các tác nhân khác, thứ duy nhất ngày càng hiếm đi chính là con người).
Kiểm soát tiền thuê nhà là ví dụ thường thấy trong việc kiểm soát giá cả. Nhà kinh tế học nào cũng hiểu rằng kiểm soát tiền thuê nhà sẽ đẻ ra tình trạng khan hiềm nhà cho thuê. Nếu việc kiểm soát làm cho giá thuê thấp hơn giá trị thị trường thì người dân sẽ có nhu cầu thuê nhiều hơn. Đấy là vì, giá do nhà nước quy định không phải là giá cân bằng trên thị trường: người kéo vào thành phố sẽ tăng lên hoặc họ sẽ tìm những căn hộ lớn hơn so với căn hộ mà họ sẵn sàng thuê nếu giá được xác định theo giá thị trường hoặc ở lại trong căn hộ lớn sau khi con cái đã chuyển đi nơi khác hoặc họ tìm cách thuê nhà mặc dù họ có đủ khả năng để mua một ngôi nhà riêng. Nhưng vì giá thuê nhà nằm dưới giá thị trường, cho nên các nhà đầu tư sẽ thích đầu tư vào lĩnh vực mà họ có thể nhận được toàn bộ lợi nhuận của thị trường, do đó việc cung cấp nhà ở sẽ không tăng và sẽ không đáp ứng được nhu cầu.
Trên thực tế, nếu việc kiểm soát tiền thuê nhà có hiệu lực trong một thời gian dài thì nguồn cung có thể co lại, đấy là khi các chủ sở hữu quyết định sống trong nhà của của họ chứ không cho thuê nữa hay những ngôi nhà xuống cấp sẽ không được sửa chữa hay phá đi xây mới. Nếu chủ nhà không thể cho người trả giá cao nhất thuê thì họ sẽ tìm những cách khác để lựa chọn người thuê nhà tiềm năng; họ có thể nhận tiền đút lót, người thành phố New York gọi là “tiền chìa khóa” hoặc họ có thể phân biệt đối xử với những người thuộc một số chủng tộc nào đó, hay những người có xu hướng tình dục nào đó hay sẽ dựa vào một số yếu tố phi giá cả khác. Tình hình còn tệ đến nỗi trong một số khu vực thuộc South Bronx (thành phố New York – ND), tiền thuê một số toà nhà không đủ đóng các khoản thuế nhà đất và do đó cũng không thể bán được, chủ nhà chỉ còn cách là bỏ mặc và trốn đi.
Cũng như những hình thức can thiệp khác của chính phủ, vấn đề mà việc kiểm soát tiền thuê nhà tạo ra sẽ làm cho chính phủ phải can thiệp nhiều hơn nữa. Các chủ nhà tìm cách chuyển đổi các tòa nhà với những căn hộ cho thuê nhưng không có lời thành các chung cư, do đó hội đồng thành phố lại ban hành luật hạn chế việc chuyển đổi như thế. Trên thị trường, người thuê nhà và chủ nhà có đủ lý do để làm cho nhau hạnh phúc, nhưng kiểm soát giá thuê nhà nghĩa là người thuê nhà trở thành gánh nặng cho chủ nhà, vì vậy mà chủ nhà và người thuê nhà luôn luôn xung đột với nhau và chính phủ lại phải thành lập các hội đồng gồm đại diện của chủ nhà và người thuê nhà nhằm giải quyết những bất đồng trong quan hệ của họ với nhau. Cách tốt nhất để tìm căn hộ là hối lộ và mua thông tin nội bộ. Hội đồng thành phố Washington, DC, đã từng thông qua sắc lệnh nói rằng sẽ bãi bỏ việc kiểm soát tiền thuê ngay khi tỷ lệ những căn hộ trống đạt đến mức độ nhất định – chứng tỏ việc cung nhà ở đã tương đối đầy đủ - nhưng dĩ nhiên là khi tiền thuê nhà còn bị kiểm soát thì cung không thể nào tăng được. Không có gì ngạc nhiên khi nhà kinh tế học Thụy Điển, Assar Lindbeck, viết: “Cho đến nay, kiểm soát giá thuê nhà dường như vẫn là biện pháp phá hủy thành phố hữu hiệu, chỉ thua mỗi những vụ ném bom mà thôi”.
Những biện pháp kiểm soát không phải lúc nào cũng nhằm giảm giá. Đôi khi chính phủ tìm cách tạo ra giá tối thiểu, ví dụ như luật về lương tối thiểu. Có lẽ không thể tìm được ví dụ nào tốt hơn nhằm minh họa cho bản chất của trật tự tự phát – tức là quá trình của thị trường – đôi khi mâu thuẫn với nhận thức mang tính trực giác và chức năng phối hợp giá cả hơn là vấn đề lương tối thiểu. Tám mươi phần trăm người Mỹ thường xuyên ủng hộ nâng lương tối thiểu, và tại sao lại không? Ý tưởng nghe rất hay: khó sống, ví dụ, với 4 USD tiền công một giờ, thế thì tại sao không nâng lương tối thiểu lên 5 USD một giờ? Nhưng, nều giá tối đa gây ra tình trạng khan hiếm, thì giá tối thiểu lại tạo ra dư thừa. Những người lao động có năng suất mà người sử dụng lao động cho là không xứng đáng mức lương tối thiểu theo quy định của pháp luật sẽ không bao giờ được thuê. Ở đây, một lần nữa, tín hiệu do giá cả tạo ra đã bị bóp méo, và người ta không thể phối hợp với nhau. Bên trên chúng tôi đã nhận xét rằng, nếu quá trình của thị trường không bị cản trở thì nó sẽ tạo ra việc làm cho tất cả những người muốn làm việc. Như hai nhà kinh tế học là William Baumol và Alan Blinder (từng tham gia chính quyền của Tổng thống Bill Clinton) viết trong cuốn Kinh tế học: Các nguyên tắc và chính sách (Economics: Principles and Policies): “Hậu quả quan trọng nhất của luật về lương tối thiểu không phải là gia tăng thu nhập cho những người lao động có tay nghề thấp nhất mà là hạn chế cơ hội tìm việc làm đối với họ”. Người sử dụng sẽ thuê một người công nhân có tay nghề cao chứ không thuê hai công nhân có tay nghề thấp, hay sẽ đầu tư vào máy móc hoặc bỏ, không làm một số việc. Những người có tuổi nói rằng trước đây trong rạp chiếu phim vẫn có những người hướng dẫn, tìm chỗ ngồi cho khán giả; bây giờ đáng lẽ cũng có, nếu như rạp chiếu bóng có thể trả cho những người sẵn sàng làm bất cứ việc gì với mức lương thấp hơn lương tối thiểu. Không được làm thế, thành ra tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 13 đến 19 tuổi cao gấp mấy lần hồi những năm 1950. Muốn tăng lương thì không được cấm những việc làm có mức lương thấp hơn một mức lương nhất định nào đó mà là phải tăng tích lũy vốn, sao cho mỗi người lao động có thể sản xuất được nhiều hơn và nâng cao tay nghề của từng người để họ có thể sản xuất được nhiều hơn trên những thiết bị đó.
Trợ giá nông nghiệp là một ví dụ khác về giá tối thiểu. Trong bất kỳ nền kinh tế đang phát triển và không bị lạm phát nào, giá cả cũng giảm một cách rất từ từ; sản xuất được nhiều hơn có nghĩa là giá cả thực tế của tất cả các loại hàng hóa, tính theo giá trị lao động, đang giảm dần. Sản phẩm nông nghiệp, là sản phẩm “đầu tiên” trong bất kỳ nền kinh tế nào, là ví dụ minh họa rõ ràng nhất cho khẳng định đó. Thật vậy, trong hơn 200 năm qua, nguồn cung cấp ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp cơ bản khác đã tăng lên và giá cả đã giảm đi (tính bằng giờ lao động cần thiết để mua một đơn vị sản phẩm). Có nhiều lương thực thực phẩm hơn cho nên cần ít người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hơn là trước đây. Giá giảm là tín hiệu gửi tới những người nông dân. Đó là lý do vì sao năm 1870, 53% người Mỹ là nông dân trong khi hiện nay chỉ còn khoảng 2,5%. Đó là tin vui, nó có nghĩa là tất cả những người có thể làm ra những thứ khác đang làm cho bản thân mình và tất cả chúng ta trở nên giàu có hơn.
Nhưng bắt đầu từ những năm 1920, chính phủ liên bang đã quyết định giữ giá nông sản cao, để cho nông dân được hạnh phúc. Nghĩa là, chính phủ quyết định ngăn chặn các tín hiệu nói với người nông dân rằng họ nên chuyển sang những công việc mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Chính phủ đặt ra giá tối thiểu đối với nông sản và hứa sẽ mua hết sản phẩm để giữ giá ở mức đó. Đổi lại, nông dân bỏ hoang một số khu đất. Từ đó mới có câu nói đùa rằng chương trình giúp đỡ nông dân là “trả tiền cho nông dân để họ thôi trồng trọt”. Tất nhiên, nông dân không phải là người ngu. Họ đưa những mảnh ruộng xấu nhất vào “khu dự trữ” và chỉ trồng cấy trên những mảnh ruộng tốt nhất. Sau đó, vì chính phủ mua tất cả những sản phẩm do họ làm ra trên những mảnh đất mà họ canh tác, người nông dân đã cải tiến công nghệ, phân bón và hạt giống nhằm gia tăng sản xuất. Kết quả là chính phủ mua nhiều sản phẩm nông nghiệp hơn là họ dự định mua và chi hàng tỷ USD cho sản phẩm nông nghiệp dư thừa. (Có lẽ niềm an ủi duy nhất đối với người tiêu dùng và người đóng thuế ở Mỹ là Cộng đồng châu Âu cũng theo đuổi chính sách tương tự, thậm chí còn phi kinh tế hơn, tức là chính sách tạo ra cái mà những người chỉ trích ở châu Âu gọi là “hồ rượu” và “núi bơ”). Một số lương thực thực phẩm dư thừa được gửi đến những nước nghèo, ví dụ như Ấn Độ - nghe có vẻ hay, nếu không tính đến sự kiện là làm cho giá nông sản ở đó giảm đi và nông dân địa phương không còn muốn sản xuất nữa, điều này lại giúp giữ cho những nước này tiếp tục nghèo mãi và nhu cầu về nông sản thặng dư mà người nông dân Mỹ tiếp tục làm ra và bán cho chính phủ Mỹ.
Cùng với năm tháng, chương trình nông nghiệp đã có thay đổi, nhưng mục tiêu nói chung vẫn là giữ giá cao và do đó, bóp méo tín hiệu mà giá cả tạo ra, nếu không có những chương trình như thế thì những tín hiệu này sẽ khuyến khích nông dân áp dụng những biện pháp sản xuất hiệu quả hơn.
Kiểm soát tiền lương và kiểm soát giá cả là những biện pháp can thiệp thô thiển nhất vào quá trình phối hợp của thị trường. Chẳng khác gì khi hai bạn đang chuyền quả bóng rổ cho nhau mà Michael Jordan chạy vào rồi đứng ở giữa, tay vung lên tìm cách chặn bóng vậy.
Thuế khóa
Những biện pháp can thiệp vụng về, được mô tả bên trên rõ ràng là bất công và bất bình đẳng. Bây giờ chúng ta hãy xem xét một hình thức ép buộc rất thịnh hành mà chính quyền sử dụng nhằm lấy tiền trực tiếp từ những người làm ra nó: thuế khóa. Thuế làm giảm lợi nhuận mà mỗi người nhận được từ công việc làm ăn. Vì một trong các chức năng quan trọng của thu nhập – cả lời lẫn lỗ - là hướng nguồn lực vào nơi chúng có giá trị sử dụng cao nhất, giảm một cách nhân tạo lợi nhuận làm méo mó công tác hạch toán kinh tế. Những người ủng hộ việc đánh thuế có thể khẳng định rằng tất cả các hoạt động kinh tế đều bị đánh thuế như nhau, cho nên nó có ảnh hưởng như nhau đối với tất cả mọi người. Nhưng sự đa dạng và rất nhiều loại thuế mà chính phủ hiện nay đang thu – thuế doanh thu, thuế nhà đất, thuế thừa kế, thuế đánh vào hàng xa xỉ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế an sinh xã hội và thuế thu nhập, được thu với thuế suất khác nhau, đối với những người khác nhau – cho thấy rằng chính phủ chưa hết sức cố gắng nhằm tạo ra hệ thống thuế khóa bình đẳng đối với tất cả mọi người. Nhưng ngay cả khi họ cố gắng thì họ cũng sẽ thất bại. Thuế bao giờ cũng gây ra cho những tác nhân kinh tế khác nhau những ảnh hưởng khác nhau. Thuế khóa đẩy các nhà cung cấp nhỏ lẻ hoặc người mua nhỏ lẻ ra khỏi thương trường. Vì thuế khóa bao giờ cũng đi kèm với chi tiêu của chính phủ, hai thứ này kết hợp với nhau chỉ có thể tạo ra kết quả là đưa các nguồn lực ra khỏi nơi mà người tiêu dùng muốn, đến nơi mà các quan chức muốn.
Lấy bớt lợi nhuận mà doanh nhân có thể kiếm được nhờ tìm ra và khắc phục được sai lầm trong phân bổ nguồn lực tức là thuế khóa đã bóp nghẹt chức năng quan trọng sống còn của công việc kinh doanh. Đánh thuế món hàng nào đó là làm cho món hàng đó trở thành khan hiếm hơn; đánh thuế thu nhập của doanh nhân nghĩa là sẽ có ít doanh nhân hơn, và người ta sẽ ít chú ý hơn đến việc tìm những biện pháp nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng một cách tốt hơn.
Thuế khóa gây khó khăn cho quá trình trao đổi giữa người mua và người bán, trong đó có trao đổi giữa người sử dụng lao động và người lao động. Nếu tôi sẵn sàng trả 200 USD cho một bộ quần áo và bạn sẵn sàng bán nếu có người trả trên 190 USD thì rõ ràng là chúng ta có cơ hội trao đổi, việc này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai người. Nhưng nếu có thêm 10% thuế doanh thu thì bộ quần áo đó sẽ có giá mà hai bên không thể thỏa thuận được. Nếu tôi sẵn sàng làm việc cho bạn với đồng lương ít nhất là 30.000 USD và bạn đánh giá sức lao động của tôi là 35.000 USD thì chúng ta có thể ký hợp đồng với mức lương nằm giữa hai con số bên trên. Nhưng cộng thêm thuế an sinh xã hội là 15,3%, thuế thu nhập liên bang là 28 % và thuế thu nhập tiểu bang, lại còn thuế thu nhập của thành phố, và chúng ta sẽ không thể đồng ý về lương bổng được nữa. Nếu thuế khóa thấp hơn thì sẽ có nhiều tiền hơn trong khu vực tư nhân được đưa vào sản xuất nhằm thỏa mãn nhu cẩu của của người tiêu dùng và nhu cầu về lao động cũng tăng lên, do đó người thất nghiệp sẽ ít đi.
Thuế suất cao làm nản chí người sản xuất. Làm thêm giờ làm gì, nếu như chính phủ sẽ thu một nửa số tiền bạn kiếm được? Đầu tư vào một vụ làm ăn đầy rủi ro làm gì, khi chính phủ sẽ thu một nửa lợi nhuận nhưng lại để mặc bạn nếu bạn bị lỗ? Thuế làm người ta không muốn sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Thuế cao có thể còn khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào những dự án không phải đóng thuế chứ không đầu tư vào các dự án mà thực lãi lớn hơn nếu không có sự khác biệt về thuế. Thuế cao còn khuyến khích người ta tiêu tiền cho những món hàng đắt đỏ nhưng được khấu trừ thuế, ví dụ như văn phòng sang trọng hơn là công việc kinh doanh của họ thực sự đòi hỏi, đi nghỉ nhưng lại khai là đi công tác, mua xe ô tô cho công ty..v.v... Đối với một số người, những khoản chi đó có thể là xứng đáng, chúng ta biết như thế khi họ dùng tiền của mình cho những việc đó. Nhưng luật về thuế khóa có thể khuyến khích người ta đầu tư quá mức vào những việc mà người sẽ không đầu tư nếu đấy là tiền của cá nhân họ. Cuối cùng, tuân thủ pháp luật về thuế khóa là đưa các nguồn lực ra khỏi quá trình sản xuất những hàng hóa khác. Mỗi năm, các doanh nghiệp và người dân phải bỏ ra 5,5 tỷ giờ lao động để làm thủ tục nộp thuế - tương đương với 2 triệu 750 ngàn người, những người có thể làm ra hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng cần.
(Còn nữa)
Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.