[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 8: Thị trường (Phần 5)

[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 8: Thị trường (Phần 5)

Quy định của nhà nước

Có thể dễ dàng viết được hẳn một cuốn sách về ảnh hưởng của những quy định của chính phủ đối với thị trường. Ở đây chúng ta chỉ có thể xem xét lướt qua một vài điểm chính. Chúng ta phải bắt đầu với nhận xét rằng một số quy tắc, thường được gọi là “quy định” là thành phần không thể thiếu của thị trường, chúng nằm trong hệ thống của quyền sở hữu và chế độ pháp quyền. Ví dụ, cấm làm ô nhiễm không khí, nước và đất của người khác là công nhận quyền sở hữu của họ (Chương 10 sẽ thảo luận một cách kỹ lưỡng hơn một chút những quy tắc có hiệu quả và phù hợp). Những luật lệ yêu cầu người ta thực hiện các điều khoản của hợp đồng, như cấm gian lận, cũng nằm trong thành phần của thông luật về thị trường.

Không may là, hầu hết các quy định của pháp luật do các cơ quan lập pháp và các cơ quan hành chính ban hành hiện nay không nằm trong những phạm trù này. Những quy định mà chúng ta quan tâm ở đây rõ ràng là được thiết kế nhằm tạo ra kết quả kinh tế khác hẳn với kết quả mà quá trình của thị trường có thể tạo ra. Đôi khi chúng ta có thể chỉ ra những vấn đề cụ thể mà những quy định này tạo ra: kiểm soát tiền thuê nhà làm giảm nguồn cung về nhà ở, quy định về hàng không làm tăng giá vé, quá trình xét duyệt các loại thuốc chữa bệnh quá dài làm cho các loại thuốc chữa bệnh và thuốc giảm đau không đến được tay người tiêu dùng đúng lúc. Nhưng thường thì khó đánh giá được ảnh hưởng của một quy định nào đó; ví dụ, chỉ ra được chuyện gì sẽ xảy ra nếu người ta cho phép quá trình phối hợp của thị trường hoạt động. Quy định của chính phủ có thể gây ra những cản trở không thể nhận ra đối với những người tham gia vào thị trường trong việc phát hiện và khắc phục những sự thiếu phối hợp khó thấy nhất. Nếu chúng ta tin rằng thị trường hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng - nghĩa là, phân bổ nguồn lực sao cho có thể làm ra được nhiều giá trị nhất với những nguồn lực đó – thì chúng ta sẽ kết luận rằng những quy định cản trở quá trình trao đổi tự nguyện nhất định sẽ gây ra thiệt hại cho xã hội.

Năm 1994, Robert Samuelson viết trên tờ tạp chí Newsweek như sau:

Hiện nay, toàn bộ các quy định của chính phủ liên bang được in thành 202 tập, dày 131.803 trang. Gấp 14 lần so với năm 1950 và gấp gần 4 lần so với năm 1965. 16 tập quy định liên quan đến môi trường, 19 tập quy định liên quan đến nông nghiệp và 2 tập quy định liên quan đến việc làm.

Nếu bạn là người quản lý doanh nghiệp, bạn cần phải biết nội dung của những quy định này và khoảng 60.000 trang những quy định mới (một số thay thế cho hoặc là sửa đổi những quy định cũ), được công bố hằng năm trong Federal Register. Khoảng 130.000 người làm việc trong các cơ quan quản lý liên bang, và nhà kinh tế học Thomas D. Hopkins, trong bài viết trên tờ Tạp chí về Quy định và Chi phí xã hội (Journal of Regulation and Social Costs), ước tính rằng các quy định của chính phủ làm nền kinh tế của chúng ta thiệt hại mỗi năm 600 tỷ USD - những nguồn lực này có thể được sử dụng nhằm thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Clifford Winston thuộc Brookings Institution ước tính rằng “Việc bãi bỏ các quy định làm lợi cho xã hội mỗi ít nhất là 36 đến 46 tỷ USD mỗi năm (theo giá năm 1990)”. Nghĩa là việc bãi bỏ những quy định về giao thông vận tải, truyền thông, năng lượng và các dịch vụ tài chính được đua ra trong thời gian gần đây vẫn hầu như chưa làm giảm được gánh nặng về quy định.

Winston còn viết: “Các nhà kinh tế học thấy khó dự đoán hay thậm chí là xem xét những thay đổi trong hoạt động và công nghệ của các công ty và phản ứng của người tiêu dùng đối với những thay đổi đó, tức là những thay đổi đã xuất hiện như là phản ứng trước những cải cách thủ tục hành chính”. Nghĩa là, sự thiếu phối hợp do những chính sách can thiệp vào thị trường tạo ra là rất lớn và rất phức tạp, vì vậy mà rất khó đánh giá và khó dự đoán được sự phối hợp sẽ được cải thiện như thế nào khi những quy định đó được bải bỏ. Xin đưa ra một ví dụ, các nhà kinh tế học công nhận rằng quy định về giá cước vận tải đường bộ và các tuyến đường do Ủy ban Thương mại Liên tiểu Bang đưa ra đã gây những rắc rối lớn. Họ dự đoán rằng bãi bỏ quy định này, tức là làm cho vận tải hiệu quả hơn, có thể tiết kiệm cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp từ 5 tỷ đến 8 tỷ USD một năm. Họ đã dự đoán đúng; trên thực tế, công trình nghiên cứu năm 1990 do Bộ Giao thông Vận tải Mỹ đặt hàng ước tính tính rằng sau khi bãi bỏ quy định vào năm 1980 mỗi năm tiết kiệm được khoảng 10 tỷ USD. Nhưng các nhà kinh tế học đã không dự đoán được kết quả còn quan trọng hơn nhiều: vận tải rẻ hơn và độ tin cậy cao hơn tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm số hàng tồn kho, vì người ta biết rằng có thể đưa sản phẩm tới người mua ngay khi họ cần. Khoảng giữa những năm 1980, tiết kiệm hàng tồn kho vào khoảng 56 tỷ đến 90 tỷ USD một năm, tức là làm lu mờ các khoản tiết kiệm trực tiếp trong chi phí vận tải đường bộ.

Thường thì động cơ thực sự của việc ban hành quy định là tư lợi, theo nghĩa xấu nhất của từ này - thông qua sức ép của chính phủ gặt hái một mối lợi nào đó mà người ta không thể thu được từ hoạt động của người tiêu dùng. Cái gọi là tìm kiếm lợi thế (transfer-seeking) được thể hiện dưới mọi hình thức, chúng ta sẽ thảo luận vấn đề này trong Chương 9. Bạn có thể làm cho ngành cạnh tranh với bạn chịu thuế cao hơn là ngành của chính bạn. Công ty lớn có thể ủng hộ những quy định nói rằng sẽ thu tất cả các công ty, cả lớn lẫn nhỏ, số tiền như nhau, tức là làm cho các công ty nhỏ bị thiệt hại nhiều hơn. Có thể vận động nhằm thông qua khoản thuế nhập khẩu để bảo vệ sản phẩm của bạn khỏi sự cạnh tranh của sản phẩm nước ngoài. Có thể vận động nhằm thông qua quy định làm cho sản phẩm của công ty bạn rẻ hơn so với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh với bạn. Có thể vận động nhằm thông qua quy định về giấy phép hành nghề nhằm hạn chế số lượng người làm trong ngành của bạn..v.v.. Tất cả những quy định này đều làm méo mó thị trường và đưa các nguồn lực ra khỏi nơi mà chúng được sử dụng một cách hiệu quả nhất.

Nhưng hiện nay, nhiều quy định lại do những người tin rằng chúng có lợi cho xã hội, đấy là những người có thể tin tưởng tuyệt đối vào thị trường, song lại cho rằng đôi khi vẫn cần có những quy định. Quy định được ban hành nhằm đảm bảo an toàn cho sản phẩm tiêu dùng; cấm phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia, tình trạng hôn nhân, khuynh hướng tình dục, hình thức bên ngoài; nhằm giảm bớt phiền hà cho người tàn tật; nhằm đảm bảo tính hiệu quả của các loại thuốc chữa bệnh; nhằm đảm bảo quyền hưởng bảo hiểm y tế; nhằm ngăn chặn doanh nghiệp sa thải công nhân và hàng loạt những nguyên nhân cao quý khác. Khó bác bỏ được mục đích của những quy định đó. Tất cả chúng ta đều muốn xã hội an toàn với những sản phẩm có hiệu quả, không còn nạn kì thị, nơi mà tất cả mọi người đều có bảo hiểm y tế và công việc ổn định.

Nhưng cố gắng thực hiện mục tiêu đó bằng các quy định của chính phủ là tự chuốc lấy thất bại. Đây là cố gắng nhằm dùng xét đoán của một nhóm nhỏ các chính trị gia có thể mắc sai lầm – như tất cả những người khác - thay thế cho kết quả của những quá trình diễn ra trên thương trường, tức là quá trình phối hợp các nhu cầu và sở thích của hàng triệu người. Nó tạo ra những luật lệ cứng nhắc, huớng về quá khứ, không bao giờ có thể đối phó được với những hoàn cảnh đang thay đổi, cũng như với sự trao đổi và hợp đồng tự nguyện. Không có quy định nào tự nó có thể phá vỡ được quá trình của thị trường. Nhưng mỗi một quy định lại có thể gậm nhấm dần, giống như một con mối, cơ cấu của hệ thống bề ngoài vẫn tưởng là còn vững chắc. Và nếu các quy định của nhà nước mỗi năm đã làm cho nền kinh tế của chúng ta thiệt hại tới 600 tỷ USD, thì đúng là chúng đã giết chết khá nhiều người rồi. Công trình nghiên cứu của Trung tâm Phân tích rủi ro thuộc Đại học Harvard (Harvard University's Center for Risk Analysis) thực hiện vào năm 1994 phát hiện ra rằng, hệ thống quản lý hành chính quan liêu của chúng ta tiêu tốn các nguồn lực vào những rủi ro không đáng kể, vì vậy mà người dân có ít tiền hơn để chi cho những biện pháp bảo vệ mình khỏi những rủi ro lớn hơn nhưng khó thấy hơn, có thể làm chết 60.000 người mỗi năm. Aaron Wildavsky thuộc Đại học California ở Berkeley (University of California at Berkeley) viết: Giàu hơn thì khỏe hơn và giàu hơn thì an toàn hơn. Khi người ta giàu có hơn, người ta sẽ chi nhiều tiền hơn cho sức khỏe và an toàn - không chỉ là chăm sóc y tế, mà ăn uống tốt hơn, giữ vệ sinh tốt hơn, làm việc ít hơn, nơi làm việc và nấu nướng an toàn hơn. Chi phí của mỗi quy định được đưa ra nhằm cải thiện sức khỏe hoặc mức độ an toàn phải được đem ra so sánh với những thiệt hại về sức khỏe vì người dân có ít tiền hơn. Wildavsky còn khẳng định rằng, trong dài hạn, các thiết chế và quá trình mang tính cạnh tranh tạo ra kết quả tốt hơn là những hệ thống tập quyền, vì vậy, có nhiều khả năng là thị trường cạnh tranh sẽ dẫn đến những tiến bộ về y tế và an toàn hơn là hệ thống quản lý hành chính quan liêu.

Thương mại quốc tế

Một trong những ứng dụng quan trọng nhất của nguyên tắc lợi thế so sánh là thương mại quốc tế. Đối với nhà kinh tế học, thương mại quốc tế không phải là hiện tượng đặc biệt; người ta buôn bán khi cả hai bên đều nghĩ là sẽ có lợi, dù họ sống trên cùng một đường phố, hay sống trong những bang khác nhau, hoặc sống ở những nước khác nhau thì cũng thế. Kể từ năm 1776, tức là từ khi Adam Smith chỉ rõ những lợi ích của thương mại tự do, những cuộc tranh luận mang tính trí tuệ về đề tài này đã giảm hẳn. Nhưng đây là chủ đề thương mại được khuấy động mạnh nhất bởi các nhóm lợi ích đang tìm kiếm những lợi thế đặc biệt do chính phủ ban phát, tức là những lợi thế mà họ không thể nào thu được trên thị trường.

Hai người buôn bán với nhau vì cả hai đều nghĩ rằng họ sẽ được lợi; cả lý thuyết lẫn nhiều điều chúng ta quan sát đều nói rằng thường thì cả hai bên đều có lợi và của cải trong xã hội gia tăng. Phân công lao động tạo điều kiện cho người ta chuyển sang sản xuất món hàng mà họ làm tốt nhất (chuyên môn hóa) và trao đổi với những người chuyên sản xuất những món hàng khác. Adam Smith viết: “Đó là câu châm ngôn của từng gia đình. . . khôn ngoan, không bao giờ tìm cách làm ở nhà những thứ mà làm thì. . . tốn hơn là mua. . . . Điều khôn ngoan cho từng gia đình nhỏ thì khó có thể là sự điên rồ cho cả vương quốc lớn”.

Nghĩa là, tốt nhất là bán ở nơi có giá cao nhất và mua ở nơi có giá thấp nhất. Nhưng đường ranh giới quốc gia làm người ta bối rối khi suy nghĩ về lợi ích của thương mại. Có lẽ là vì “cán cân thương mại” được tính toán trên cơ sở của từng nước. Nhưng, chúng ta cũng có thể tính toán cán cân thương mại giữa New York và New Jersey hay giữa Massachusetts và California. Thậm chí bạn có thể tính toán cán cân thương mại của bạn và tất cả những người mà bạn giao dịch. Nếu tôi làm như thế, tôi sẽ thấy tôi bị thâm hụt thương mại khủng khiếp với cửa hàng tạp hóa mà tôi hay mua, với ông nha sĩ chữa răng cho tôi, với của hàng bách hóa tôi hay ghé, bởi vì tôi mua rất nhiều của họ còn họ thì không bao giờ mua bất cứ thứ gì của tôi. Tôi chỉ có thặng dư thương mại với người sử dụng lao động của tôi và với nhà xuất bản cuốn sách này, bởi vì tôi hầu như không mua bất cứ thứ của họ. Tính toán như thế để làm gì? Tôi hy vọng là mỗi giao dịch đều mang lại lợi ích cho tôi và cán cân duy nhất mà tôi phải quan tâm là thu nhập của tôi cao hơn những khoản chi tiêu của mình. Cách tốt nhất để làm như thế là tập trung làm món hàng mà mình làm tốt nhất và để cho những người khác làm món hàng mà họ làm tốt nhất.

Chính khái niệm “cán cân thương mại” đã bị hiểu sai. Buôn bán phải dẫn đến cân bằng. Tương tự như mỗi cá nhân, người đó không thể tiêu thụ - trong thời gian dài - nhiều hơn số hàng hóa mà anh ta sản xuất ra (trừ khi anh ta là một tên trộm hay người được tặng quà, được nhận từ quỹ từ thiện hay được chính phủ trợ cấp), người dân trong nước cũng không thể tiêu thụ nhiều hơn số hàng hóa mà họ sản xuất được hoặc nhập khẩu nhiều hơn là xuất khẩu. Các nhà sản xuất ở những nước khác sẽ không cho không chúng ta sản phẩm của họ hay nhận lại mấy đồng tiền mà không bao giờ mua được bất cứ hàng hóa và dịch vụ nào của chúng ta. “Cán cân thương mại quốc gia”chỉ là tất cả các thương vụ do các cá nhân trong nước thực hiện mà thôi; nếu mỗi thương vụ đều có ý nghĩa kinh tế thì toàn bộ không thể tạo ra vấn đề.

Frederic Bastiat đã chỉ ra rằng đất nước có thể cải thiện cán cân thương mại của mình bằng cách chất đầy hàng xuất khẩu lên một con tàu, ghi lại ngày giờ tàu khởi hành rồi sau đó đánh chìm khi tàu cách bờ ba dặm. Hàng hóa đã được xuất khẩu, nhưng không nhập khẩu bất cứ thứ gì và cán cân thương mại sẽ tốt đẹp. Chính sách đó chắc chắn là không hợp lý.

Vấn đề thực sự có thể là một sai lầm kinh tế cơ bản: coi xuất khẩu là tốt, còn nhập khẩu là xấu. Sai lầm này xuất hiện trong tất cả những cuộc thảo luận về đàm phán thương mại. Báo chí luôn viết rằng Mỹ “từ bỏ” một số hạn chế nhập khẩu để đổi lấy “những nhượng bộ” tương tự từ các nước khác. Nhưng chúng ta không từ bỏ bất cứ thứ gì khi chính phủ Mỹ cho phép người tiêu dùng Mỹ mua hàng từ các nhà cung cấp nước ngoài. Mục đích của hoạt động kinh tế là tiêu dùng. Chúng ta sản xuất để chúng ta có thể tiêu thụ. Chúng ta bán để rồi sau đó chúng ta mua. Và chúng ta xuất khẩu để có tiền trả cho những món hàng mà chúng ta nhập. Mục tiêu của những người tham gia trong lĩnh vực ngoại thương là mua được hàng hóa tiêu dùng với giá rẻ nhất có thể. Lợi ích của thương mại là việc nhập khẩu, chi phí là xuất khẩu.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1996, ông Pat Buchanan đứng tại cảng Baltimore và nói: “Cảng ở Baltimore là một trong những cảng lớn nhất và hoạt động nhộn nhịp nhất trong cả nước. Cần phải có nhiều hơn nữa hàng hóa Mỹ được xuất khẩu”. Đó là sai lầm căn bản. Chúng ta không muốn gửi ra nước ngoài số của cải nhiều hơn số chúng ta phải gửi để có thể mua được hàng hóa ở nước ngoài. Nếu Saudi Arabia sẽ cho không chúng ta dầu hỏa hoặc nếu Nhật Bản cho không chúng ta TV thì người Mỹ sẽ sống sướng hơn. Người và vốn được dùng để sản xuất TV - hay dùng để sản xuất những món hàng để đổi lấy TV – lúc đó có thể được chuyển sang sản xuất những món hàng khác. Thật không may cho chúng ta là người nước ngoài không cho chúng ta những món hang đó. Nhưng nếu chúng ta có thể mua chúng với giá rẻ hơn so với chi phí sản xuất ở trong nước thì chúng ta sẽ sống sướng hơn.

Đôi khi người ta lại coi thương mại quốc tế là sự cạnh tranh giữa các quốc gia. Nhưng, tương tự như nội thương, chúng ta nên coi nó như một hình thức hợp tác. Buôn bán làm cho người dân ở cả hai nước đều có thể thịnh vượng. Và chúng ta phải nhớ rằng người dân và doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, nhà nước không làm chuyện đó. “Nhật Bản” không sản xuất TV; “Mỹ” không làm ra những trò giải trí được nhiều người trên thế giới yêu thích. Các cá nhân, được tổ chức thành những hiệp hội và các công ty ở mỗi nước, là những người sản xuất và trao đổi. Dù sao mặc lòng, hiện nay nền kinh tế đã hội nhập trên bình diện toàn cầu đến mức không thể nói được đâu là công ty “Nhật Bản” hay công ty “Hà Lan” nữa. Nếu Công ty Ford Motor là cổ đông nắm được quyền kiểm soát ở công ty Mazda - một công ty sản xuất ô tô tại Malaysia - và đem sang châu Âu bán, “nước” nào tham gia vào nền thương mại quốc tế? Các nhà đầu tư ở Mỹ và Nhật Bản, những người lao động ở Malaysia và người tiêu dùng ở châu Âu dường như là những người trực tiếp được lợi, nhưng theo nghĩa rộng hơn, thương mại quốc tế mang lại lợi ích cho tất cả các nhà đầu tư, người lao động và người tiêu dùng trong những khu vực này.

Lợi ích của thương mại quốc tế đối với người tiêu dùng là rõ ràng: chúng ta có thể mua những hàng hóa được sản xuất ở các nước khác nếu chúng ta thấy chúng tốt hơn hoặc rẻ hơn. Còn những lợi ích khác nữa. Trước hết, nó tạo điều kiện cho quá trình phân công lao động trên quy mô rộng lớn hơn, giúp cho người dân ở mỗi nước sản xuất những món hàng mà họ có lợi thế so sánh. Mises nói: “Người dân [Thụy Sĩ] thích sản xuất đồng hồ chứ không thích trồng lúa mì. Đối với họ, sản xuất đồng hồ là biện pháp rẻ nhất để có được lúa mì. Mặt khác, đối với người nông dân Canada thì trồng lúa mì là cách rẻ nhất cách để có được đồng hồ”.

Lợi thế vô cùng to lớn của hệ thống giá cả là nó cung cấp cho chúng ta tiêu chí nhằm xác định mỗi người trong chúng ta nên sản xuất những mặt hàng nào. Chúng ta có nên sản xuất cà phê, ngô, radio, phim ảnh hay máy làm mặt bích hay không? Câu trả lời là, làm bất cứ cái gì mang lại cho chúng nhiều lợi nhuận lớn nhất. Nhà kinh tế học Michael Boskin của Đại học Stanford (Stanford University) khi còn làm chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống George Bush đã bị nhiều người chỉ trích sau khi ông nói hoàn toàn đúng như sau: Một USD kiếm được do bán những miếng khoai tây rán (chip) cũng có giá trị như một USD kiếm được do bán những con chip máy tính, ai sản xuất không phải là điều quan trọng. Đất nước có nền công nghệ tiên tiến như Mỹ đang sản xuất được rất nhiều sản phẩm công nghệ cao, mặc dù có nhiều trường hợp chúng ta chỉ thiết kế - đấy là công việc mà chúng ta nhận được nhiều lợi nhuận nhất – còn những con chip máy tính, TV và những thứ khác thì được sản xuất ở những nơi có mức lương thấp hơn. Dường như chúng ta còn có lợi thế so sánh cực kỳ lớn trong việc sản xuất các sản phẩm văn hóa đại chúng: phim ảnh, truyền hình, âm nhạc, trò chơi máy tính..v.v.. Ngoài công nghệ hiện đại, chúng ta có rất nhiều đất nông nghiệp màu mỡ và những người nông dân chăm chỉ, có năng suất cao, vì vậy chúng ta còn sản xuất được nhiều loại nông sản và thực phẩm với giá rẻ hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới. Trái với quan niệm trọng thương, nhiều nền kinh tế đã phát triển nhờ xuất khẩu những loại nguyên, vật liệu bán thành phẩm như gỗ, thịt, ngũ cốc, len, và khoáng chất. Xin hãy nghĩ đến Canada, Mỹ, Australia và New Zealand. Những nước khác thịnh vượng vì họ đã trở thành thương nhân và các nhà sản xuất công nghiệp, mặc dù rõ ràng là họ không có các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Xin hãy nghĩ đến Hà Lan, Thụy Sĩ, Anh, Nhật Bản và Hồng Kông. Quan trọng là thị trường tự do chứ không phải là những nguồn lực hoặc sản phẩm cụ thể.

Xin nhớ rằng, không cần mỗi nước đều phải có lợi thế tuyệt đối trong việc sản xuất món hàng nào đó, nước nào cũng có lợi thế tương đối trong việc sản xuất một món hàng nào đó. Ngay cả nếu Liz Claiborne là người đánh máy giỏi nhất công ty thì bà vẫn có thể thiết kế quần áo và thuê người khác đánh máy. Thậm chí nếu người Mỹ có thể sản xuất được mọi sản phẩm có thể tưởng tượng được với giá rẻ hơn người Mexico thì cả hai nước vẫn được lợi khi buôn bán với nhau, vì các doanh nghiệp của Mexico sẽ sản xuất những hàng hóa mà họ có hiệu quả tương đối -  mặc dù họ không có hiệu quả tuyệt đối - trong việc sản xuất những hàng hóa đó.

Thương mại quốc tế cũng tạo ra các nền kinh tế quy mô lớn, mà những nền kinh tế quốc gia nhỏ hơn không thể nào đạt được. Đối với các công ty Mỹ, tức là những công ty đã chiếm được thị trường lớn nhất thế giới, thì điều này không quan trọng bằng những công ty của Thụy Sĩ, Hong Kong, Đài Loan, và những quốc gia nhỏ bé khác. Nhưng, ngay cả các công ty Mỹ, đặc biệt là nếu họ sản xuất hàng hóa cho thị trường nhỏ hẹp, cũng có thể giảm chi phí một đơn vị sản xuất bằng cách bán trên thị trường quốc tế.

Thương mại tự do quốc tế là tác nhân khuyến khích cạnh tranh quan trọng đối với các công ty trong nước. Xe ô tô của Mỹ tốt hơn so với cách đây 20 năm vì có sự cạnh tranh từ các công ty của Nhật và các công ty nước ngoài khác. Theo Brink Lindsey, luật sư chuyên về lĩnh vực thương mại, cạnh tranh quốc tế đã buộc các liên hợp sản xuất thép cải thiện hiệu quả quá trình sản xuất của họ, còn “các nhà sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ, khi đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt của các nhà sản xuất Nhật Bản trong việc sản xuất những con chip có dung lượng lớn, đã cải thiện được hiệu quả sản và tập trung nguồn lực vào thế mạnh của họ trong việc sản xuất những con chip logic, đòi hỏi phải nắm được kỹ thuật thiết kế tiên tiến”.

Khi chính phủ - dưới áp lực của các nhóm lợi ích trong nước - tiến hành những biện pháp nhằm cản trở thương mại quốc tế, là họ đang ngăn chặn thông tin và quá trình điều phối của thị trường. Họ “bảo vệ’ một số ngành và công ăn việc làm, nhưng đã làm cho toàn bộ nền kinh tế bị thiệt hại. Chủ nghĩa bảo hộ ngăn chặn việc di chuyển của tư bản và lao động, không để người ta sử dụng chúng nhằm sản xuất ra những món hàng hóa đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Tương tự như những loại máy móc tiết kiệm sức lao động, nhập khẩu đưa đến giảm việc làm trong một số lĩnh vực của nền kinh tế, nhưng lại tạo điều kiện cho người lao động chuyển sang những công việc có năng suất cao hơn.

Nhà kinh tế học thế kỷ XIX, Henry George viết trong tác phẩm Bảo hộ hay thương mại tự do (Protection or Free Trade) rằng các nước tìm cách cấm vận kẻ thù nhằm hạn chế giao thương với nước ngoài trong thời gian chiến tranh, chẳng khác gì chủ nghĩa bảo hộ: “Những đội tàu làm nhiệm vụ phong tỏa là biện pháp mà các nước tìm cách ngăn chặn kẻ thù, không cho họ buôn bán; thuế bảo hộ là biện pháp mà các nước tìm cách ngăn chặn người dân của mình, không cho họ buôn bán. Chủ nghĩa bảo hộ dạy chúng ta tự làm cho mình trong thời bình điều mà kẻ thù tìm cách làm cho chúng ta trong thời chiến”.

Cuối cùng, lợi ích cực kỳ to lớn của thương mại quốc tế là giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh. Những người theo phái tự do thế kỷ XIX nói: “Khi hàng hóa không thể vượt biên, thì quân đội sẽ vượt biên”. Thương mại làm cho người dân ở hai bên đường biên giới quốc gia quan tâm tới lợi ích của hòa bình, tăng cường những mối quan hệ quốc tế và sự hiểu biết lẫn nhau. Điều đó không có nghĩa là các nước thực hiện tư do thương sẽ không bao giờ đánh nhau, nhưng quan hệ thương mại tăng cường khả năng giữ gìn hòa bình.

(Còn nữa)

Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường

Tác phẩm liên quan