![[Tinh thần dân chủ] Chương 15: Thầy thuốc, hãy tự chữa bệnh (Phần 1)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k22071_17.1_(1).jpg)
[Tinh thần dân chủ] Chương 15: Thầy thuốc, hãy tự chữa bệnh (Phần 1)
Trong năm 2006, Kettering Foundation, chuyên về chiến lược củng cố dân chủ, đã tập họp hơn chín trăm “người Mỹ tiêu biểu” vào một loạt diễn đàn để thảo luận về tình hình chính trị ở Mỹ.1 Các cuộc thảo luận vẽ ra bức tranh đầy lo lắng, vỡ mộng, và ghẻ lạnh của các công dân Hoa Kỳ. Những người tham gia không chỉ đơn giản nói rằng đất nước “đang đi sai đường”, như vẫn thường xảy khi gặp khó khăn, chiến tranh dẫm chân tại chỗ, và chính quyền tổng thống có thành tích chính trị đáng thất vọng. Hơn thế, họ ít tin vào các nhà lãnh đạo của cả hai đảng, sự tức giận vì quyền lực quá lớn của các nhóm lợi ích đặc biệt, giữ thế thượng phong trong những chiến dịch đấu thầu, khó chịu trước sự phân cực trong đời sống chính trị, và cảm giác cho rằng họ bất lực, không thể thay đổi được gì. Trong tuyệt đại đa số trường hợp, những người tham gia nói rằng các quan chức dân cử “quan tâm nhiều hơn đến các nhóm lợi ích đặc biệt và những người vận động hành lang hơn là quan tâm tới quyền lợi của xã hội.”2
Tương tự như thế, các diễn đàn cho thấy sự suy giảm trong xã hội dân sự và ý thức về trách nhiệm công dân, đặc biệt là ước muốn của những công dân bình thường trong việc tham gia các tổ chức, làm công việc tự nguyện và hiến tặng cho cộng đồng. Từng là thành tố quyết định tinh thần dân chủ của Mỹ, cái tinh thần hồi đầu thế kỉ XIX đã làm cho Alexis de Tocqueville choáng váng, xu hướng liên kết và tham gia tiếp tục suy giảm, có thể là do sự ghẻ lạnh dẫn tới sự xa rời, có thể là vì dân chúng đã trở thành thụ động hơn về mặt chính trị khi họ nghiêng về tiêu thụ và giải trí. “Tiền quyết định”, báo cáo của tổ chức này nhận xét và người Mỹ tin rằng “người công dân trung bình không có tiếng nói và không có đại diện.”3 Như các diễn đàn đã chỉ ra, một số người tham gia có nhiều hi vọng hơn về khả năng củng cố dân chủ trong các cộng đồng địa phương, nhưng một số người khác “trở về với tâm trạng yếm thế và chán nản như khi họ tới.”4
Các quan điểm được nêu ra trong các nhóm phỏng vấn nhanh phù hợp với tình huống rộng hơn của dữ liệu về dư luận xã hội. Trừ giai đoạn loé sáng sau sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001, từ năm 2000, sự tin tưởng của xã hội vào chính phủ đã và đang giảm dần, và trong những năm gần đây, chỉ còn khoảng một phần ba người Mỹ “tin rằng chính phủ ở Washington làm được điều đúng mà thôi”. Cũng tương đương với mức độ tin tưởng trong giai đoạn Watergate, tức là giảm từ ba phần tư hồi cuối những năm 1950 và đầu 1960 và thậm chí là từ hơn một nửa tại đỉnh điểm của những cuộc phản đối chiến tranh Việt Nam hồi đầu những năm 1970.5 Ở châu Âu, sự suy giảm đột ngột niềm tin vào chính phủ và các chính trị gia cũng thể hiện rất rõ.6 Hơn nữa, “74% cử tri [Hoa Kỳ] trong cuộc thăm dò chớp nhoáng dư luận sau khi bỏ phiếu năm 2006, coi tham nhũng và vấn đề sắc tộc là “rất” (33%) hay “cực kì” (41%) quan trọng” – quan trọng hơn cả chiến tranh Iraq.7 Kettering Foundation kết luận rằng “cuộc thảo luận trong toàn quốc, tập trung vào sự tham gia của công chúng về vấn đề quá rắc rối này có thể là chìa khóa để làm giảm sự ghẻ lạnh, thiếu vắng niềm tin và yếm thế đang lan tràn.”8 Nhưng, trong khi củng cố đời sống dân chủ thông qua đối thoại thực chất là tốt đối với dân chủ nhưng đấy hầu như không phải là mục đích tự thân. Những người tham gia vào các diễn đàn này phản ứng với những vấn đề nằm sâu trong cơ cấu và hiệu quả của chế độ dân chủ Mỹ, tức là những vấn đề không phải chỉ nói mà sửa chữa được. Tuy nhiên, nhiều người không muốn phá bỏ hay thay đổi hệ thống theo bất kỳ cách nào. Trong khi một số người ủng hộ việc dùng công quỹ để tài trợ cho các chiến dịch tranh cử, coi đây là “bước đi đúng hướng”, nhưng những người khác lại kiên quyết phản đối, nhất là nếu nó lại làm cho thuế khóa gia tăng.9
Ngày càng có nhiều người Mỹ cảm thấy rằng cách thức hoạt động của chế độ dân chủ của họ có gì đó không đúng – và họ hoàn toàn có lí. Mặc dù Hoa Kỳ vẫn là một trong những nền dân chủ tự do, được thiết chế hóa và mạnh mẽ nhất trên thế giới, nhưng nền dân chủ này cũng có những vấn đề nghiêm trọng và thậm chí là đang gia tăng: tham nhũng chính trị, lạm dụng tín nhiệm, lạm dụng các quyền tự do, suy giảm chủ nghĩa hợp hiến và phân cực của nền chính trị đảng phái. Muốn thúc đẩy và truyền cảm hứng cho dân chủ một cách hiệu quả ở những nơi khác trên thế giới, Hoa Kỳ phải là nước đáng tin cậy ngay trong thực tiễn dân chủ của mình. Không có chế độ dân chủ nào là hoàn hảo, nhưng Hoa Kỳ phải trở thành chế độ dân chủ tốt hơn và là chế độ dân chủ đang cải cách, đấy là nói nếu muốn cho những lời kêu gọi thúc đẩy dân chủ của nước này được người ta đáp ứng. Không thể tiếp tục nói: “Làm như chúng tôi nói, đừng làm như chúng tôi làm” được nữa.
Chú thích:
1. Các diễn đàn được National Issues Forums (NIF) network tổ chức. Những người tham gia được lựa chọn để đại diện một cách ngẫu nhiên nhưng tiêu biểu cho cộng đồng dân cư, nhưng không phải được lựa chọn ngẫu nhiên theo khoa học.
2. The Kettering Foundation, “Public Thinking About Democracy’s Challenge: Reclaiming The Public’s Role”, November 13, 2006, p.11, http://wwtv.kettering.org/events/event_detail.aspx?catID=23&itemID=2595.
3. Ibid., p. 2.
4. Ibid.
5. The Gallup Poll, “Trust in Government”, http://www.galluppoll.com/content/defaull.aspx?ci=5392.
6. Susan J. Pharr and Robert D. Putnam, eds., Disaffected Democracies: What’s Troubling the Trilateral Democracies? (Princeton: Princeton University Press, 2000). Đọc thêm Susan J. Pharr, Robert D. Putnam, and Russell J. Dalton, “Trouble in the Advanced Democracies? A Quarter-Century of Declining Confidence”, Journal of Democracy 11 (April 2000): 5-25.
7. Pietro S. Nivola and William A. Galston, “Toward Depolarization”, in Pietro S. Nivola and David W. Brady, eds., Red and Blue Nation? Volume II: Consequences and Correction of America’s Polarized Politics (Washington, D.C.: Brookings Institution, 2008), p.241, note 17.
8. The Kettering foundation, “Democracy’s Challenge”, p. 2.
9. Ibid, p. 19.
Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)