Chiến tranh là sự cướp đoạt

Chiến tranh là sự cướp đoạt

Một người (và tương tự với một cộng đồng) có thể có được phương tiện để sinh tồn theo một trong hai cách – tạo ra hoặc lấy cắp chúng.

Mỗi một trong hai cách trên lại có rất nhiều phương pháp.

Chúng ta có thể tạo ra phương tiện để sinh tồn bằng cách săn đuổi, đánh bắt hay trồng trọt, …

Chúng ta có thể lấy cắp chúng bằng cách bội tín, bạo lực, cưỡng ép, lừa lọc, chiến tranh, …

Nếu tự giới hạn bản thân trong giới hạn của một trong hai phạm trù trên, chúng ta sẽ thấy rằng ưu thế của một trong những phương pháp này tạo nên sự khác biệt rõ rệt về nét đặc trưng của các quốc gia. Một quốc gia sống bằng sản xuất và một quốc gia sống bằng sự cướp đoạt sẽ khác nhau đến mức nào?

Không chỉ một, mà tất cả các quan năng của con người, đều cần thiết trong việc đem lại sinh kế; và để thay đổi tình trạng xã hội của một quốc gia thì còn gì có thể phù hợp hơn những thứ làm thay đổi toàn bộ quan năng của con người?

Mặc dù quan trọng, nhưng nhận định này lại rất ít được đề cập, khiến tôi phải suy nghẫm rất nhiều về nó.

Do đâu mà nhận thức về thú vui hoặc thỏa mãn dựa trên lao động dẫn đến quan điểm rằng sự cướp đoạt, vốn không bao hàm sản xuất, cũng dựa trên lao động, và coi đây là một điều hiển nhiên.  

Theo tôi, cần phải thay đổi lối suy nghĩ lệch lạc này; đây là tư duy mà các nhà sử học, nhà thơ, tiểu thuyết gia đã dành cho những kỷ nguyên anh hùng, và không phân biệt chúng với thời đại mà họ nhạo báng dưới cái mác chủ nghĩa công nghiệp. Trong những thời kỳ đó, cũng như ngày nay, con người sống, tồn tại; và người lao động chắc hẳn phải hoàn thành công việc của mình cũng như chúng ta hiện giờ. Chỉ khi có sự phân biệt này thì các quốc gia, các giai cấp và các cá nhân này mới đạt được thành công bằng việc việc đặt phần lao động và sự vất vả của mình lên vai các quốc gia, giai cấp và cá nhân khác.

Đặc điểm của sản xuất, tôi có thể nói rằng, là đem lại những thú vui và sự thỏa mãn để duy trì và tô điểm cuộc sống từ con số không; để một người hoặc một quốc gia có thể nhân rộng những thú vui này đến vô cùng, mà không gây ra tổn thất cho bất kỳ ai hoặc bất kỳ quốc gia nào khác. Trường hợp này phổ biến đến mức đã  có một nghiên cứu sâu về cơ chế kinh tế chỉ ra rằng thành quả lao động của một người sẽ khiến nỗ lực của một người khác gặt hái được kết quả.

Ngược lại, đặc điểm của sự cướp đoạt là, nó không thể mang đến sự thỏa mãn cho một người mà không gây ra mất mát tương ứng cho người khác; bởi cướp đoạt không tạo ra thứ gì nhưng lại làm mất đi những gì mà lao động tạo ra. Nó làm tốn công sức của cả hai phía. Do vậy, thay vì  làm tăng thêm những thú vui của nhân loại, cướp đoạt làm giảm đi những thú vui này, và hơn nữa, trao chúng cho những kẻ không xứng đáng được hưởng nó.

Để sản xuất, một người phải dành mọi sức lực và quan năng của mình để làm chủ các quy luật tự nhiên; bởi điều này có nghĩa là anh ta hoàn thành mục tiêu của mình. Do đó, sắt được chuyển thành lưỡi cày là biểu tượng của sản xuất.

Trong khi đó, để trộm cắp, con người phải dành sức lực và quan năng của mình để trở thành ông chủ đối với đồng loại của mình; vì điều này có nghĩa là hắn ta đạt được mục tiêu mà hắn ta muốn có. Do đó, sắt chuyển thành kiếm là biểu tượng của sự cướp đoạt.

Sự khác biệt giữa một quốc gia của những người lao động cần cù và một quốc gia của những kẻ đi cướp bóc không khác gì sự khác biệt giữa lưỡi cày mang lại sự sung túc và thanh gươm mang đến sự hủy diệt cùng chết chóc. Những quốc gia này không có, và cũng không thể có bất kỳ  điểm gì chung. Họ không có cùng lý tưởng, không có cùng quy tắc đánh giá, cũng không có cùng sở thích, cách cư xử, tính cách, luật lệ, đạo đức hay tôn giáo.

Trước con mắt của lòng bác ái, không cảnh tượng nào u sầu hơn viễn cảnh một thời đại công nghiệp ngày càng phát triển, nhưng trong cách giáo dục, lại đang gieo rắc những ý tưởng, tình cảm, sai lệch, định kiến, thói tật của kỷ nguyên cướp đoạt. Thời đại của chúng ta thường bị cáo buộc là mong muốn tính nhất quán, nhưng lại biểu lộ sự thiếu đồng nhất giữa việc đưa ra các phán xét và cách hành xử mà chúng ta theo đuổi; và tôi tin rằng điều này chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân mà tôi vừa chỉ ra.

Sự cướp đoạt, trong hình thù của Chiến tranh - mang nghĩa là sự cướp đoạt thuần túy, đơn giản, không che đậy - có nguồn gốc sâu xa trong trái tim con người, trong tổ chức của loài người, trong những động cơ phổ quát thúc đẩy thế giới xã hội, cụ thể là khát vọng hạnh phúc và sự phản kháng trước nỗi đau, - nói ngắn gọn, có nguồn gốc trong cái nguyên lý về bản tính của chúng ta, được gọi là tư lợi.

Không phải vì tôi đã từng bị cáo buộc tôn sùng nó, rằng những tác động của nó chỉ mang lại hạnh phúc cho nhân loại, và thậm chí nâng nó lên trên cả nguyên lý về sự cảm thông, tính bất vụ lợi, và tinh thần hy sinh bản thân, khiến tôi phải hối tiếc khi chỉ trích nguyên lý trên. Thực tế là, tôi không hề ngưỡng mộ nó; Tôi chỉ chứng minh một cách chắc chắn về sự tồn tại và sức mạnh vô song của nguyên lý ấy. Nếu tôi đánh giá sức mạnh vô song đó thấp đi, và nếu tôi nghi ngờ lòng tin của chính mình, trong việc coi lợi ích cá nhân là động cơ hành động chung của loài người, thì giờ đây tôi đã không chỉ ra những nguyên nhân đáng lo ngại do nó gây ra, giống như trước đây tôi đã từng chỉ ra các quy luật hài hòa của trật tự xã hội nảy sinh từ đó.

Con người, như đã nói, có một mong muốn tột độ là nâng bản thân mình lên, cải thiện vị trí của mình, hay ít nhất là tiệm cận với hạnh phúc hoặc những gì họ quan niệm là hạnh phúc. Cũng bởi lý do tương tự, người ta trốn tránh đớn đau và vất vả.

Nói đến lao động, hay nỗ lực mà chúng ta tạo ra để khiến thiên nhiên hòa hợp với hoạt động sản xuất của con người, tự bản thân nó đã vất vả hoặc mỏi mệt. Chính vì lý do này, người ta không thích phải lao động, và không muốn gò mình vào nó, trừ khi họ muốn né tránh những điều còn tồi tệ hơn. 

Một số người đã giữ quan điểm triết lý rằng lao động không phải là điều xấu mà là tốt, và họ đúng, nếu chúng ta tính đến kết quả của nó. Nó tương đối tốt; hoặc nếu nó là một điều xấu, nó hẳn là một điều xấu cứu chúng ta khỏi những điều xấu xa hơn. Đây chính là lý do tại sao con người có xu hướng trốn tránh lao động khi họ nghĩ rằng họ vẫn có thể gặt hái thành quả mà không cần nhờ đến nó.

Những người khác cho rằng tự bản thân lao động là tốt; và rằng, bất luận kết quả của lao động là gì, nó nâng cao, củng cố và thanh lọc tính cách của con người, mang đến sức khỏe và niềm vui. Tất cả điều này hoàn toàn đúng; và đây là bằng chứng bổ sung cho chúng ta về những ý định phong phú đầy diệu kỳ mà Đấng Tạo Hóa đã sắp đặt trong suốt phần việc của mình. Ngoài những sản phẩm là kết quả trực tiếp, như một phần thưởng bổ sung, lao động giúp con người bảo đảm sự cân bằng lành mạnh giữa tâm hồn và thể xác; và sự lười nhác là cội nguồn của những thói hư tật xấu cũng giống như lao động là cội nguồn của nhiều đức hạnh.

Nhưng điều này hoàn toàn không cản trở khuynh hướng tự nhiên và không thể chế ngự được của trái tim con người, hoặc cái cảm giác thôi thúc chúng ta không ham thích lao động chỉ vì lao động, mà phải là lao động để đạt được thành quả; ta không dành nhiều sức lực cho những gì có thể được hoàn thành với ít sức lực hơn; và ta không chọn lựa những công việc đòi hỏi cần cố gắng nhiều hơn. Chúng ta cũng không cố gắng loại bỏ sự không nhất quán giữa nỗ lực bỏ ra với kết quả đạt được một khi chúng ta có thời gian rảnh rỗi; chúng ta muốn dành thời gian nhàn rỗi đó cho những công việc khác phù hợp với sở thích của mình, với triển vọng mang đến phần thưởng mới nhiều hơn.

Khi suy xét đến tất cả những điều này thì các sự thật phổ quát là rõ ràng. Dù ở không gian hay thời gian nào đi nữa, chúng ta đều thấy rằng con người coi lao động là phiền phức, và hài lòng là một trạng thái mà người ta thấy được sự bù đắp cho sức lao động của mình. Ở mọi lúc, mọi nơi, con người đang cố gắng làm giảm bớt gánh nặng công việc của mình bằng cách kêu gọi sự trợ giúp, bất cứ khi nào có thể, từ động vật, gió, sức nước, hơi nước, thế lực tự nhiên, hoặc, hỡi ôi, từ cả đồng loại của mình khi anh ta thành công trong việc bắt người khác làm nô lệ. Trong trường hợp cuối cùng này, - tôi nhắc lại, vì nó quá dễ bị lãng quên, - lao động không bị giảm đi, mà bị thay thế.

Do đó, con người bị đặt giữa hai trạng thái không hay: một bên là ham muốn một bên là lao động; bị thôi thúc bởi tư lợi, anh ta đi tìm kiếm giải pháp, dù bằng cách này hay cách khác, để giải thoát khỏi cả hai. Đây chính là khi con người coi cướp đoạt như một giải pháp của vấn đề.

Con người tự nói với chính mình: “Đúng là tôi không có cách nào để mua được những thứ cần thiết cho cuộc sống và thú vui của tôi — thức ăn, quần áo và chỗ ở — trừ khi những thứ này đã được sản xuất bởi lao động. Nhưng không nhất thiết là những thứ này phải là thành quả lao động của chính tôi. Chỉ cần một vài người nào đó sản xuất ra chúng là đủ, miễn là tôi trở thành ông chủ.”

Đó là nguồn gốc của chiến tranh.

Tôi sẽ không sa đà vào chuyện suy xét hậu quả của nó.

Khi nhắc đến vấn đề này, trong khi một người, hoặc một quốc gia, cống hiến sức mình cho lao động, còn một người, hoặc một quốc gia khác, chờ đợi cho đến khi công việc đó được hoàn thành, để cống hiến sức mình cho việc cướp đoạt. Chỉ nhìn qua chúng ta cũng có thể thấy rằng công sức của rất nhiều người đã bị vứt xó.

Một mặt, kẻ đi cướp bóc đã không đạt được ý nguyện của mình trong việc từ bỏ mọi hình thức lao động. Cướp vũ trang chính xác là những nỗ lực, và đôi khi là những nỗ lực không hề nhỏ. Trong khi nhà sản xuất dành thời gian của mình để tạo ra các sản phẩm phù hợp để mang lại sự thỏa mãn, thì kẻ đi cướp bóc sử dụng thời gian của mình để nghĩ ra các phương tiện chiếm đoạt từ họ. Nhưng khi thực hiện hoặc cố gắng thực hiện hành động bạo lực, những yếu tố mang lại sự thỏa mãn không nhiều hơn cũng không ít hơn trước. Chúng có thể đáp ứng mong muốn của một nhóm người, nhưng không hẳn đáp ứng được nhiều ham muốn hơn. Bởi vậy, tất cả những nỗ lực mà kẻ đi cướp bóc đã thực hiện nhằm mục đích chiếm đoạt, và những nỗ lực nhằm mục đích sản xuất mà hắn ta đã không thực hiện, đều hoàn toàn mất đi, nếu không phải đối với hắn ta thì ít nhất là đối với xã hội.

Nhưng đấy vẫn không phải là tất cả. Trong hầu hết các trường hợp, tổn thất tương tự xảy ra cả ở phía nhà sản xuất. Không có chuyện người ta sẽ chờ đợi hành vi bạo lực đe dọa bản thân mà không có một vài biện pháp đề phòng trước để bảo vệ mình; và tất cả các biện pháp phòng ngừa kiểu này - vũ khí, công sự, đạn dược, rèn luyện - là lao động, và thành quả lao động bị mất vĩnh viễn, không phải đối với người mong đợi sự an toàn từ những thành quả này, mà đối với nhân loại nói chung.

Nhưng với việc phải prải qua quá trình lao động gấp đôi này, liệu người sản xuất có nên thôi coi trọng việc phòng thủ chống lại sự đe dọa bằng vũ lực? Nếu điều này xảy ra thì hệ quả tồi tệ hơn cho xã hội ắt xảy ra, và sức lực bị vứt bỏ trên quy mô lớn hơn nhiều; do trong trường hợp đó, người ta sẽ hoàn toàn từ bỏ lao động, bởi không ai sẵn sàng sản xuất để bị cướp đoạt.

Nếu chúng ta xem xét cách mà các quan năng của con người bị ảnh hưởng ở cả hai phía, thì hậu quả đạo đức của sự cướp đoạt còn thảm khốc không kém.

Ý trời đã định rằng con người nên cống hiến sức mình cho các cuộc chiến hòa bình chống lại các tác nhân tự nhiên, và nên gặt hái trực tiếp những thành quả chiến thắng của mình từ thiên nhiên. Còn khi hắn ta chỉ có thể trở thành chủ nhân ông đối với các tác nhân tự nhiên bằng cách trở thành ông chủ đối với đồng loại của mình, nhiệm vụ của hắn ta sẽ thay đổi theo một hướng hoàn toàn khác với những quan năng trời phú. Có thể thấy sự khác biệt lớn đến thế nào giữa nhà sản xuất và kẻ đi cướp bóc nếu xét đến khả năng tiên lượng (foresight) - khả năng tiên lượng trở nên đồng hóa ở một mức độ nào đó với ý trời, bởi tiên lượng cũng có nghĩa là để chống lại.

Người sản xuất đặt nhiệm vụ cho mình tìm hiểu mối quan hệ nhân quả. Với mục đích này, anh ta nghiên cứu các quy luật của thế giới vật chất, và tìm cách làm cho chúng trở thành những bổ trợ hữu ích hơn. Nếu anh ta quan tâm đến đồng loại của mình, có nghĩa là đang tiên lượng trước mong muốn của họ và tìm cách đáp ứng cho họ, với điều kiện có đi có lại.

Kẻ cướp đoạt thì không nghiên cứu bản chất. Nếu hắn ta để tâm đến đồng loại của mình, thì sự để tâm đó cũng chỉ giống như một con đại bàng quan sát con mồi, với mục đích phục kích và xử lý chúng.

Những khác biệt tương tự có thể quan sát được ở các quan năng khác và mở rộng đến tư tưởng của con người.

Sự cướp đoạt do chiến tranh không phải là một thực tế ngẫu nhiên, đơn lẻ và nhất thời; nó là một sự thực  tổng quát và bất biến đến mức nó không còn để lại không gian nào chỉ riêng cho lao động, ấy là xét trong một khoảng thời gian dài.

Hãy chỉ cho tôi bất kỳ quốc gia nào trên thế giới nơi có hai loại người, kẻ chinh phục và kẻ bị chinh phục mà người này không đàn áp người kia. Hãy cho tôi xem ở châu Âu, châu Á, hay giữa những hòn đảo trên đại dương bao la, nơi vẫn được cư dân nguyên thủy chiếm đóng. Nếu sự di dân xảy ra ở tất cả mọi nơi, thì chiến tranh cũng sẽ lan rộng như nhau ở tất cả các quốc gia. 

Dấu tích của chiến tranh là phổ biến. Ngoài cướp bóc và đổ máu, lòng dân oán hận, năng lực và tài năng bị tiêu tán, chiến tranh còn để lại những vết tích ở mọi nơi mà nó đi qua, trong đó phải kể đến chế độ nô lệ và quý tộc.

Cuộc tuần hành của sự cướp bóc không chỉ giữ nhịp bắt kịp với sự hình thành của cải, những kẻ cướp bóc còn hứng thú với của cải tích lũy, với tất cả các hình thức của tư bản; và đặc biệt quan tâm đến tư bản dưới dạng tài sản đất đai. Bước cuối cùng là chiếm hữu con người. Bởi sức lực và quan năng của con người là công cụ lao động, họ thấy rằng so với chiếm đoạt sản phẩm của người lao động, chiếm hữu là biện pháp nhanh hơn để nắm giữ những sức lực và quan năng này.

Không thể đo lường hết được các sự kiện kinh khủng này đã gây ra những trở ngại to lớn như thế nào đến sự tiến bộ tự nhiên của loài người. Nếu chúng ta tính đến tổn thất năng lực công nghiệp khi xảy ra chiến tranh, và sự suy giảm năng lực đó khi bị trao vào tay một số ít những kẻ chinh phục, chúng ta có thể tự hình dung về nguyên nhân của tình trạng khốn cùng của quần chúng, — một tình trạng thiếu thốn không thể giải thích được nếu như dựa trên giả thuyết về sự tự do trong thời đại chúng ta.

Cách tinh thần hiếu chiến được truyền bá khắp mọi nơi.

Các quốc gia hung hăng khó tránh khỏi bị trả đũa. Họ thường tấn công các nước khác; đôi khi họ tự bào chữa cho chính mình. Khi họ phòng thủ, họ có cảm giác về công lý và sự thiêng liêng của chính nghĩa mà họ dấn thân. Sau đó, họ có thể hoan hỉ với lòng dũng cảm, sự tận tâm và lòng yêu nước của mình. Nhưng, than ôi! Họ cũng mang những cảm tính này vào các cuộc chiến tấn công của mình — vậy khi đó, lòng yêu nước của họ ở đâu?

Khi hai loại người, một bên chiến thắng, ngồi mát ăn bát vàng, một bên bị chế ngự và sỉ nhục, cùng sống trong một lãnh thổ, mọi toan tính đánh thức ước nguyện hoặc khơi dậy lòng thương cảm đều nằm trong tay của những kẻ chinh phục. Những thứ đó là sự nhàn rỗi, những lễ hội, cuộc thưởng ngoạn nghệ thuật, sự giàu sang, trận duyệt binh, những giải đấu, sự phong nhã, thanh lịch, văn chương và thơ ca. Đối với nhóm người bị chinh phục, họ chẳng còn gì ngoài những túp lều đổ nát, áo quần bẩn thỉu, bàn tay chai sần vì lao động, hay những đôi tay lạnh buốt xin bố thí.

Hậu quả là những quan niệm và định kiến của nhóm người thống trị, luôn được hậu thuẫn bởi lực lượng quân sự, cấu thành dư luận. Tất cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em, đều đoàn kết ca ngợi đời sống của các chiến binh hơn là cuộc sống của người lao động, thích chiến tranh hơn công nghiệp, và cướp bóc hơn sản xuất. Nhóm người bị đánh bại có chung quan điểm, và khi ở những giai đoạn chuyển đổi, họ thành công trong việc đánh bại những kẻ áp bức mình, thể hiện rằng họ cũng có khả năng bắt chước những kẻ đi chinh phục ấy.

Ngoài tính điên rồ thì sự bắt chước này còn có ý nghĩa gì nữa?

Vậy chiến tranh kết thúc như thế nào.

Cướp đoạt, giống như sản xuất, đều có nguồn gốc từ trái tim con người, các quy luật của thế giới xã hội sẽ không thể hòa thuận thái bình, dù trong phạm vi hẹp, nếu như trong dài hạn sản xuất không thắng thế vượt qua xu hướng cướp đoạt đó. 

Nguồn: Claude Frédéric Bastiat, War as Spoliation, Mises Institute, 28/12/2005

 

Dịch giả:
Vũ Huệ Ngân
Hiệu đính:
Nguyễn Mai Trang

Bài viết liên quan