[Tinh thần dân chủ] Chương 15: Thầy thuốc, hãy tự chữa bệnh (Phần 2)

[Tinh thần dân chủ] Chương 15: Thầy thuốc, hãy tự chữa bệnh (Phần 2)

NGĂN CHẶN THAM NHŨNG

Tôi đã khẳng định trong cuốn sách này rằng ngăn chặn tham nhũng là thành tố quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh để xây dựng xã hội tự do và thịnh vượng trên toàn thế giới. Không có chính phủ tương đối lương thiện tận tụy với lợi ích của xã hội chứ không phải vì lợi ích của chính mình thì phát triển sẽ chậm chạp. Nếu tham nhũng và lạm dụng chức quyền lan tràn trong chế độ dân chủ thì người dân sẽ mất niềm tin vào chế độ này. Phần lớn các chương trình trợ giúp chính trị và kinh tế xuất phát từ giả định ngầm rằng đây là những vấn đề của các nước đang phát triển và hậu cộng sản chứ không phải của các nước dân chủ công nghiệp. Đúng là những chế độ dân chủ giàu có ở Bắc Mỹ, châu Âu và Australia là những nước đứng đầu trong việc phòng chống tham nhũng. Nhưng những nước này cũng khác nhau về mức độ phòng chống tham nhũng (hay chí ít là bị hiểu như thế), một số nước kém hơn hẳn những nước khác. Sự thất vọng với tham nhũng chính trị của người Mỹ là hoàn toàn có căn cứ: Trong báo cáo “Chỉ số nhận thức tham nhũng” (Corruption Perceptions Index) năm 2006 của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) Hoa Kỳ (cùng với Bỉ và Chile) xếp thứ 20, đứng sau Hong Kong, Nhật Bản và Pháp trong phòng chống tham nhũng.1

Nhiều người Mỹ (và phần lớn những người đang thúc đẩy dân chủ ở nước ngoài) có xu hướng nghĩ rằng tham nhũng công khai – lạm dụng theo kiểu tội phạm hình sự chức quyền để mưu lợi cá nhân – là hiện tượng hiếm có ở Hoa Kỳ. Chắc chắn đấy không phải là hiện tượng diễn ra thường xuyên, phần lớn các quan chức chính phủ không nhận hối lộ hay ăn cắp công quỹ. Nhưng mỗi năm các công tố liên bang cũng cáo buộc hơn một ngàn người tội liên quan tới tham nhũng.2 Từ năm 1986, mỗi năm Bộ tư pháp Hoa Kỳ kết án khoảng 485 quan chức tội tham nhũng.3 Đa số những người bị kết án không phải là quan chức dân cử, nhưng cũng có một số người là nghị sĩ lỗi lạc của Quốc hội Hoa Kỳ. Năm 2002, hạ nghị sĩ Jim Traficant Jr., đảng viên Dân chủ bang Ohio, bị kết án mười tội liên quan tới tham nhũng, trong đó có ăn hối lộ, trốn thuế và gian lận.4 Bị kết án tám năm tù giam, sau đó Traficant bị loại ra khỏi hạ viện, đây là người đầu tiên bị loại kể từ năm 1980; tháng 11 năm 2002, ông ta tranh cử – từ trong nhà tù – để giành lại ghế trong Quốc hội và nhận được 15% phiếu của những người không đảng phái.5 Năm 2002, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, Robert Torricelli bang New Jersey quyết định không tranh cử để được tái cử sau khi vướng vào vụ lùm xùm về tham nhũng và tài chính trong chiến dịch tranh cử (mặc dù không bị chính thức kết án.)6 Tháng 8 năm 2005, FBI ghi được hình ảnh William Jefferson, hạ nghị sĩ đảng Dân chủ bang Louisiana đang nhận 100.000 USD tiền mặt từ một thám tử bí mật, như một phần của chuyên án về tham nhũng. Số tiền này sau đó được tìm thấy trong ngăn đựng thức ăn đông lạnh trong tủ lạnh nhà Jefferson ở Wasgington, D.C.7 Mặc dù sự kiện là hai trợ tá của Jefferson đã nhận tội tham nhũng và lôi kéo Jefferson vào vụ này, nhưng Jefferson vẫn tái cử hạ viện vào tháng 11 năm 2006 và vẫn làm việc trong Quốc hội khi ông ta chuẩn bị tài liệu để bảo vệ mình về mặt pháp lí. Tháng 11 năm 2006, một hạ nghị sĩ khác, Randy “Duke” Cunningham, thuộc đảng Cộng hòa bang California, đã phục vụ bảy nhiệm kì và là cựu phi công hải quân, đã phải từ chức sau khi nhận tội đã ăn đút lót 2,4 triệu USD và báo cáo láo về thu nhập.8 Ông này bị tù hơn 8 năm và phải nộp lại 1,8 triệu USD.9 Tháng 1 năm 2006, doanh nhân và luật sư thuộc đảng Cộng hòa, Jack Abramoff, nhận ba tội liên quan tới lừa gạt các khách hàng làm nghề vận động hành lang và mua chuộc các quan chức. Tháng 6 năm 2006, tiết lộ từ một vụ tai tiếng đã buộc lãnh đạo phe đa số tại hạ viện, Tom DeLay, đại diện bang Texas, từ chức sau khi hai trợ lí của ông này nhận tội liên quan tới tham nhũng, và tháng 10 năm 2006, một hạ nghị sĩ Cộng hòa nữa thuộc bang Ohio, Bo Ney, thú nhận những tội tương tự.10

Trong thập kỉ trước, mỗi năm Bộ tư pháp cũng buộc tội khoảng một trăm quan chức nhà nước tội tham nhũng.11 Trong số những vụ ô nhục nhất, cựu thống đốc bang Louisiana, đảng viên Dân chủ, bị tòa án liên bang kết án tháng 5 năm 2000 mười bảy lần tham nhũng, trong đó có tống tiền những doanh nghiệp đang tìm giấy phép tổ chức đánh bạc trên thuyền thả neo trên sông bị cho là mang đến cho vị thống đốc bất lương hơn 1 triệu USD.12 Tháng 7 năm 2004, thống đốc bang Connecticut, đảng viên Cộng hòa, John Eowland, đã phải từ chức vì bị nghi là đã nhận quà và các dịch vụ khác từ những doanh nghiệp tìm cách kí hợp đồng với nhà nước.13 Ông ta đã nhận tội tham nhũng và sau đó bị kết án một năm tù.14 Tháng 8 năm 2005, thống đốc bang Ohio, đảng viên Cộng hòa, Bob Taft, bị kết tội tham nhũng vì không công khai quà tặng và những chuyến đi chơi golf do những người vận động hành lang và các doanh nghiệp tổ chức.15 Tháng 4 năm 2006, cựu thống đốc bang Illinois, đảng viên Cộng hòa, George Ryan, bị kết án mười tám tội liên quan đến tham nhũng.16 Trong khi làm thống đốc bang từ năm 1999 đến năm 2003, Ryan đã đưa hàng triệu USD từ doanh nghiệp nhà nước sang các trợ tá để nhận quà tặng cho mình, cho bạn bè và gia đình mình.17

Nếu những vụ vi phạm này là hãn hữu chứ không phải thường xuyên như trong nhiều chế độ dân chủ vừa xuất hiện, thì Hoa Kỳ cũng nên có thái độ khiêm tốn khi thuyết giáo cho thế giới về quản trị tốt.

Ở EU vấn đề còn xấu hơn. Như Carolyn Warner trình bày trong tác phẩm tuyệt vời của bà, nhan đề The Best System Money Can Buy (tạm dịch: Hệ thống tốt nhất mà tiền có thể mua được), trong số những nền dân chủ có uy tín ở châu Âu, quá trình hội nhập kinh tế, tư nhân hóa, phân quyền và cạnh tranh gia tăng đã và đang cung cấp động cơ và mảnh đất màu mỡ cho hiện tượng đút lót, “lại quả” và những hành động phi pháp khác. Những khoản tiền này thường dùng để tài trợ cho các đảng phái, các chiến dịch tranh cử và làm giàu cho những người có chức có quyền.18 Kết quả là, tham nhũng công khai, mặc dù được che đậy một cách khéo léo, đã ăn sâu bén rễ vào nền chính trị và thương mại châu Âu:

Gian dối và tham nhũng chiếm tỉ lệ khá lớn trong ngân sách của châu Âu và những vụ ồn ào đình đám về việc tài trợ cho các đảng phái trong các nước làm cho nhiều người kết luận rằng trong các nước dân chủ châu Âu, tham nhũng đã trở thành hiện tượng bình thường chứ không còn là hãn hữu nữa. Những vụ tham nhũng ở Đức trong những năm cuối 1990 và đầu 2000 kéo theo hàng triệu Euro... Các công ty của Pháp thường phải trả 2-5% hợp đồng với nhà nước cho các đảng phái chính trị. Tập đoàn quốc phòng và kĩ nghệ đã tư nhân hóa của Pháp, Thales... đang bị... điều tra về việc hối lộ các quan chức ở Pháp, Hy Lạp, Argentina và Campuchia... và lừa dối chính EU. Sau khi trở thành Thị trường Duy nhất, các công ty xây dựng của Đức đã lập mưu để giành những hợp đồng mua bán của chính phủ, và có bằng chứng chứng tỏ rằng từ năm 1999 đến năm 2006 tập đoàn Siemen của Đức đã chi tới 420 triệu EUR (553 triệu USD) hối lộ để giành các hợp đồng ở hải ngoại, trong nước và trong các lân bang của EU như Hy Lạp và Italy.19

Warner chỉ ra rằng, không thể ngăn chặm được tham nhũng (ở châu Âu và những nơi khác) bằng niềm tin vào thị trường hay bằng cách phân tán quyền lực và nguồn lực khỏi thủ đô vì ở địa phương tham nhũng còn tệ hại hơn. Cơ chế giám sát và thực thi pháp luật ở EU quá yếu và bị quá nhiều ảnh hưởng chính trị. Hơn nữa, các nước thành viên EU chưa thiết lập được những biện pháp dân chủ trong việc tài trợ cho các chiến dịch chính trị hay kiểm soát chi phí đang gia tăng rất nhanh. Những khoản “lại quả” phi pháp cung cấp những khoản tiền lớn cho các đảng phái và chiến dịch và ở đây, tài trợ chính trị cũng còn chưa được minh bạch. Xã hội nào cũng có, không nhiều thì ít, xu hướng lạm dụng quyền lực và tìm cách tích lũy tài sản bằng những biện pháp dễ dàng nhất và phải sử dụng những thiết chế pháp lí mạnh mẽ, độc lập và có đủ nguồn lực thì mới ngăn chặn hiệu quả được. Sự kiện là cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc chiến trên bình diện toàn cầu, không nước nào hay nền văn hóa nào có điểm tựa đặc biệt về đạo đức.

Chú thích:

1. Transparency International, “Corruption Perceptions Index 2006”, http://www.transparency.org/policy_research/surveys_indices/cpi/2006.
2. Năm 2005, năm cuối cùng có số liệu – các công tố viên liên bang đã cáo buộc 1.163 người những tội liên quan tới tham nhũng, trong khi năm 2000 là 1.000 người, năm 2004 là 1.213 người. “Report to Congress on the Activities and Operations of the Public Integrity Section for 2005”, Public Integrity Section, Criminal Division, U.S. Department of Justice, p. 53, http://www.usdoj.gov/criminal/pin.
3. Ibid. Năm 2005, 390 quan chức liên bang bị kết án.
4. Francis X. Clines, “Ohio Congressman Guilty in Bribes and Kickbacks”, New York Times, April 12, 2002.
5. “Demo-Crank Locks Up Votes from Jail”, Australian, November 7, 2002.

6. “Torricelli Drops Out of NJ Race”, CNN.com. October 1, 2002, http://archives.cnn.com/2002/ALLPOLITICS/09/30/elec02.nj.s.torricelli.race/.
7. Jim Drinkard, “Democrats’ Own Ethics Trouble ‘Dulls the Message’”, USA Today, May 10, 2006.
8. John M. Broder, “Representative Quits, Pleading Guilty in Graft”, New York Times, November 29, 2005.
9. Sonya Geis and Charles Babock, “Former Lawmaker Gets Eight-Year Prison Term”, Washington Post, March 5, 2006.
10. Walter F. Roche Jr. and Richard B. Schmitt, “Former Force on Capitol Hill Admits Fraud”, Los Angeles Times, January 4, 2006.
11. “Report to Congress”, p. 53.
12. Kevin Sack, “Former Louisiana Governor Guilty of Extortion on Casinos”, New York Times, May 10, 2000.

13. Robert D. McFadden, “Downfall in Connecticut”, New York Times, December 24, 2004.
14. Ibid.
15. Steve Eder and James Drew, “Taft Declared Guilty”, Toledo Blade, August 18, 2005.
16. Monica Davey and John O’Neil, “Ex-Governor of Illinois Is Convicted on All Charges, New York Times, April 17, 2006.
17. Ibid.
18. Carolyn M. Warner, The Best System Money Can Buy: Corruption in the European Union (Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 2007).

19. Ibid., p. 14.

Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường