[Tinh thần dân chủ] Chương 12: Trung Đông có thể dân chủ hóa hay không (Phần 3)

[Tinh thần dân chủ] Chương 12: Trung Đông có thể dân chủ hóa hay không (Phần 3)

VỤ ĐI DÂY BẤT KHẢ THI CỦA BUSH

Cùng với việc dân chủ trong thế giới Ả Rập đi vào thoái trào, trong khi Hoa Kỳ củng cố các mối quan hệ về kinh tế và an ninh với các chế độ độc tài Ả Rập, chính quyền Bush đã đánh mất sự tín nhiệm còn lại của mình đối với dân chủ trong khu vực. Tổng thống George W. Bush chưa bao giờ hùng biện đến thế khi nói về tự do và dân chủ trong bài diễn văn đọc trước hội nghị của những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động dân chủ, đến từ mười bảy nước, được tổ chức ở Prague ngày 5 Tháng 6 năm 2007. Một lần nữa, ông khẳng định tự do là “vũ khí mạnh nhất trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan”. Lặp lại chủ đề của bài diễn văn mang tính đột phá tại Quỹ Quốc gia vì Dân chủ, Bush nhắc lại: “Chính sách khoan dung với chế độ chuyên chế là thất bại về đạo đức và chiến lược.”1 Nhưng, đã có các chế độ chuyên chế đang tồn tại trong nhiều nước thuộc thế giới Ả Rập, nó lan tràn cùng với việc Hoa Kỳ mở rộng sự giúp đỡ nhằm phục vụ cho cuộc chiến chống khủng bố.

Sau bài diễn văn, nhà lãnh đạo xã hội dân sự Ai Cập và cũng từng là một tù nhân chính trị, Saad Eddin Ibrahim, nói với các nhà báo: “Tôi cảm thấy thất vọng và bị George Bush phản bội. Ông ta nói rằng ông ta thúc đẩy dân chủ, nhưng ông đã bị tổng thống Hosni Mubarak lừa, Mubarak đã dùng những mối đe dọa của Hồi giáo để dọa.”2 Trong một cuộc họp riêng, Ibrahim đã năn nỉ chính quyền Bush ra điều kiện về cải cách chính trị và phóng thích các chính trị phạm, trong đó có Ayman Nour, để đổi viện trợ của Hoa Kỳ. Trên thực tế, tổng thống Bush đã đưa ra một thông điệp hỗn hợp cho chế độ độc tài Ai Cập và chế độ độc tài hữu hảo khác trong khu vực, và những chế độ này, tương tự như những người đối kháng, cũng tỏ ra không thân thiện với bài diễn văn của Bush. Biểu dương Ai Cập, Ả Rập Saudi và Pakistan vì “thái độ dũng cảm và hành động mạnh mẽ của họ trong cuộc chiến đấu với những kẻ cực đoan, cùng với một số bước đi nhằm mở rộng tự do và minh bạch”, sau đó Bush nhận xét “khoảng cách rất lớn” mà họ cần phải đi và thề sẽ tiếp tục “áp lực những nước này nhằm mở cửa hệ thống chính trị của họ”. Ngoại trưởng Ai Cập nhanh chóng đáp lại bằng cách thể hiện “sự ngạc nhiên và buồn” với lời nhắc nhở nhẹ nhàng của Bush và tuyên bố rằng đây là “sự can thiệp không thể chấp nhận được.”3

Viện dẫn kinh nghiệm của Hoa Kỳ với Hàn Quốc và Đài Loan trong thời kì Chiến tranh Lạnh, Bush tuyên bố một cách tự tin rằng “Mỹ có thể giữ tình bằng hữu và thúc đẩy quốc gia tiến tới dân chủ cùng một lúc”. Nhưng Hàn Quốc và Đài Loan chỉ dân chủ hóa khi chiến tranh lạnh đang tiến đến giai đoạn kết thúc – sau gần bốn thập kỉ nằm dưới quyền cai trị của các quân nhân và chế độ độc đảng và là bạn bè của Mỹ. Vụ đi dây bất thành của bài diễn văn của Bush ở Prague là bằng chứng đau đớn, đấy là khi nói về những dấu hiệu của tiến trình dân chủ trong thế giới Ả Rập, ông “chúc mừng nhân dân Yemen về cuộc bầu cử tổng thống có tính bước ngoặt của họ”. Thực ra, “bước ngoặt” xảy ra khi vị tổng thống đã cầm quyền 28 năm và đã làm ngược lại lời hứa của mình là sẽ không tranh cử nữa được tuyên bố là “tái đắc cử” với 78% phiếu bầu. Có lẽ tuyên bố của các nhà quan sát của phái đoàn EU rằng cuộc bầu cử đã có “những khiếm khuyết nghiêm trọng, ví dụ, cử tri bị đe dọa, người chưa đến tuổi cũng đi bầu, và vi phạm bí mật hòm phiếu” cũng là cột mốc quan trọng.4 Cũng có thể đáng đưa lên mặt báo khi phe đối lập bác bỏ kết quả của cuộc bầu cử vì họ cho là bất hợp pháp, với cáo buộc cho rằng tổng thống tái đắc cử đã ra lệnh đánh cắp trắng trợn 2 triệu phiếu của những đối thủ chính của ông.5 Nhưng đây là “bước ngoặt” được một tổng thống Hoa Kỳ ca ngợi trong bài diễn văn tái khẳng định rằng đất nước ông “tiếp tục thúc đẩy tự do và dân chủ”? Nhân dân Yemen – những người bị kết quả cuộc bầu cử gần đây đánh lừa – có thể rút ra được điều gì từ những lời nhận xét của Bush khi ông này khẳng định với những người bất đồng chính kiến ở khắp mọi nơi rằng, “Chúng tôi sẽ luôn luôn ủng hộ quyền tự do của các bạn”?

Hiện nay, thời điểm của cải cách dân chủ trong thế giới Ả Rập đã qua rồi. Trừ một vài nước, đặc biệt là Morocco – quá trình dân chủ hóa mang tính thử nghiệm (và có lẽ không bao giờ thực sự chân thành) đã bị đảo ngược, và các lực lượng đối lập đã bị ngăn chặn hoặc bị đập tan. Xã hội lại trở thành ủ ê, xa lánh và vỡ mộng. Năm 2007, Jafar ai–Shayeb, thành viên của một trong những hội đồng thành phố chẳng có quyền lực gì của Ả Rập Saudi, nói với tờ New York Times như sau: “Nhân dân Ả Rập trong những chế độ này mắc bệnh trầm cảm và thiếu niềm tin, họ không tin rằng những cuộc bầu cử có thể đưa đến thay đổi mà họ ao ước.”6 Hơn nữa, khi các cuộc bầu cử chẳng khác gì nghi thức hợp pháp hóa trên bề mặt, người dân Ả Rập ở nhà, không tham gia bầu cử.

Ở Ai Cập, phe đối lập chính trị bị xáo trộn và mất tinh thần, không chỉ vì sự đàn áp nhanh chóng và tàn nhẫn của chế độ mà còn vì họ cảm thấy cay đắng và hoàn toàn có cơ sở là bị Hoa Kỳ phản bội. Chế độ Mubarak dường như đã ổn định và an toàn, chứ không phải là một pharaoh đã được thuần hóa. Tuy nhiên, ổn định được mua với giá là sự ghẻ lạnh của xã hội và mất dần tính chính danh của chế độ. Một trong những nhà khoa học xã hội sắc sảo nhất Ai Cập, Amr Hamzawy, hiện là học giả làm việc cho Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace) ở Washington, DC, nhận xét:

“Chế độ đóng sập cửa khi đối diện với lực lượng của nhân dân, lực lượng ngày càng gắn bó hơn với phe đối lập chính trị hòa bình, là họ đang tạo ra nguy cơ cho sự ổn định của chính mình”. Đấy là Huynh đệ Hồi giáo, lực lượng đối lập chính trị rộng rãi nhất ở nước này. Trong khi Huynh đệ lặp lại lời cam kết phi bạo lực và cam kết với các chuẩn mực dân chủ; nhưng khi bị đàn áp dữ dội, các thành viên bất đồng chính kiến có thể quay lại với biện pháp bạo động, “như họ đã từng làm trong những năm 1980 và 1990, sau khi bị đán áp. Vụ ám sát người tiền nhiệm của Mubarak, Anwar al-Sadat, là một lời nhắc nhở rõ ràng về hậu quả bi thảm của tình trạng bất ổn ở trong nước.”7 Đáng ngại là, chế độ phải đương đầu với cuộc khủng hoảng tính hợp pháp cùng lúc với cuộc đấu tranh giành quyền kế vị giữa quân đội và bộ máy an ninh và đảng do con trai Mubarak, Gamal, kiểm soát. Các nhà phân tích và các nhà hoạt động Ai Cập lo ngại rằng nếu Gamal Mubarak được cha bàn giao quyền lực thì ông ta sẽ là vị tổng thống yếu ớt, phải phụ thuộc vào bộ máy an ninh và không thể kiềm chế được những hành động đàn áp của họ, dân chủ hóa một lần nữa lại càng khó hơn.8

Nó giúp sự ổn định mang hình thức chế độ quân chủ cha truyền con nối với một chút tính chính danh về mặt lịch sử, chứ không phải là kiểu kế thừa cha truyền con nối giả tạo mà Mubarak sẵn sàng thiết kế. Ở Jordan, vua Abdullah lên ngôi đã diễn ra suôn sẻ, đủ bảo vệ sự ổn định của chế độ quân chủ – nhưng không khuyến khích thay đổi dân chủ. “Lịch sử Jordan chỉ ra rằng, những kịch bản mang tính đe dọa trong khu vực phá hoại ngầm các chương trình cải cách”, vì trao quyền hành cho bộ máy an ninh và làm cho những người chủ trương mở cửa dân chủ suy yếu thêm.9 Nằm giữa hai vùng lãnh thổ đang có nhiều khó khăn và bạo lực nhất ở Trung Đông – Iraq và Palestine – Nhà nước Jordan cảm thấy bị đe dọa và đang nằm trong vòng vây. Từ năm 2004, khoảng một triệu người Iraq đã chạy tới Jordan, bên cạnh dòng người tị nạn từ cuộc xung đột Israel-Palestine – quốc gia nhỏ bé, chỉ có 6 triệu dân. Trong bối cảnh đó, bản năng của chế độ ở Jordan là co mình lại, châu Âu và Hoa Kỳ phản ứng bằng cách trì hoãn những vấn đề chính trị có thể làm người ta lúng túng và đổ thêm viện trợ vào trụ cột ổn định còn lại giữa Israel và Iran. Từ khi Jordan kí hiệp ước hòa bình mang tính lịch sử với Israel vào năm 1994, từ khi nổ ra cuộc chiến ở Iraq mỗi năm Hoa Kỳ cung cấp khoảng 225 triệu USD viện trợ kinh tế cộng với 200 triệu USD viện trợ quân sự.10 Trong giai đoạn này, Jordan trở thành quốc gia Ả Rập đầu tiên kí hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ. Châu Âu cũng coi chế độ quân chủ độc tài ở Jordan là bức tường thành nhằm chống lại sự bất ổn định trong khu vực và phong trào Hồi giáo cấp tiến, và đã làm cho Jordan trở thành nước nhận viện trợ đứng thứ hai, theo bình quân đầu người – chỉ sau Palestine – với hơn một tỉ USD, tính từ năm 1997. Chừng nào mà các lân bang của Jordan còn nằm trong tình trạng hỗn loạn và sự tiết chế cũng như ổn định của nước này còn được các nhà tài trợ hào phóng đánh giá cao như vậy thì cải cách dân chủ chỉ là chủ đề của những bài hùng biện mù mờ mà thôi.

Chú thích:

(1) “President Bush Visits Prague, Czech Republic, Discusses Freedom”, Czemin Palace, Prague, June 5, 2007, While House press release, http://www.whitehouse.gov/news/releases/2007/06/print/20070605-8.html

(2) Robin Wright, “Bush is Losing Credibility on Democracy, activists Say”, Washington Post, June 10, 2007, http://www.washingtonpost.com/wp.dyn/content/artlcle/2007/06/09/AR200706090169_pf.html.

(3) Ibid.

(4) Donna Abu-Nasr, “Yemeni Opposition Threatens Protest”, Associated Press, September 22, 2006, http://www. washington post.com/wp-dyn/content/artile /2006/09/22/AR2006092200956.html?nav=hcmodule.

(5) “Saleh Reelected president of Yemen”; Aljazeera.net, September 26, 2006, http://English/aljazeera.net/English/archive? Archiveld=3 6226.

(6) Trích theo Michael Slackman, “Ballot Boxes? Yes, Actual Democracy? Tough Question”, New York Times, June 7, 2006.

(7) Amr Hamzawy, “Burying Democracy Further in Egypt”, Daily Star (Beirut), March 16, 2007,

http//www.carnegieendowment.org/publications/index.cfmfa=view&Ɛxid=19069Ɛxprog=zgpƐxproj=zdrl,zme.

(8) Hamzawy, “Egypt, 2005-2007”.

(9) Choucair, “Illusive Reform: Jordan’s Stubborn Stability”, p. 12.

(10) This came on top of a one time special supplement of more than a billion dollars “to offset the effect of the war on Jordan’s economy and bolster itssecurity”. Ibid., p. 17.

Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường