[Nền kinh tế tự do] Chương 4: Triệt tiêu thông tin trên thương trường
NGHỆ THUẬT GIỮ NGUYÊN GIÁ BÁN
Bố tôi là thợ cơ khí và đã sống qua cả thời kì ô tô còn có bậc lên xuống và tay quay để khởi động. Một số ô tô thậm chí còn có đồng hồ đo nhiệt độ nhỏ xíu gắn ở đằng trước, ngay trên bộ tản nhiệt, để cho người ta biết máy có nóng quá hay không - lúc đó động cơ thường bị như thế.
Một lần, có khách hàng đến phàn nàn rằng xe của ông ta chỉ chạy mấy phút là đồng hồ đã vượt qua vạch đỏ rồi. Ông ta nghĩ rằng nước trong hệ thống làm mát đã gần sôi.
Bố tôi kiểm tra xe, không phát hiện được bất cứ lỗi nào: Chỉ có một lỗi là đồng hồ đo nhiệt độ chạy sai. Nhưng khách hàng vẫn băn khoăn, bố tôi biết rằng bảo ông ta lờ chuyện đó đi là không đủ. Và thế là, bằng một động tác, chắc chắn có thể được coi là mẫu mực trong kỹ nghệ ô tô, cha tôi lẳng lặng đưa đầu que hàn vào bánh răng của đồng hồ đo nhiệt độ, thế là kim đồng hồ luôn luôn đứng bên dưới mức an toàn.
Tương tự như đồng hồ đo nhiệt độ, giá cả tiết lộ điểm nóng của nhu cầu thị trường.
Ông khách này tỏ ra rất hài lòng, tuy nhiên tôi thường tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông ta cho xe chở đầy hàng chạy lên những ngọn đồi bên cạnh. Ông ta có thể làm bay hơi hết nước trong bộ tản nhiệt, nhưng sau khi chạy lên đồi, ông ta sẽ rất hài lòng vì máy móc làm việc ở nhiệt độ tuyệt hảo. May là chúng tôi không nghe thấy ông ta phàn nàn gì hết, cho nên tôi đoán là không có vấn đề gì.
Giá cả, tương tự như đồng hồ đo nhiệt độ - nó cho biết khan hiếm đang xảy ra ở đâu. Nó không nói cho chúng ta biết vì sao lại có những điểm nóng đó, chẳng khác gì đồng hồ đo nhiệt độ không nói cho chúng ta biết vì sao máy lại bị nóng. Nhưng cả hai đều nói cho chúng ta biết cần phải làm gì. Đồng hồ đo nhiệt độ tiến tới vạch đỏ nói cho chúng ta biết rằng phải tạt vào lề đường và dừng lại. Giá cả tăng nói với người mua rằng cần sử dụng ít sản phẩm khan hiếm và nói với người sản xuất rằng cần sản xuất thêm.
TÁC ĐỘNG VÀO CƠ CHẾ GIÁ CẢ
Tương tự như đồng hồ đo nhiệt độ, giá cả chỉ hoạt động nếu để nó tự do. Nếu bạn hàn kim đồng hồ nhiệt độ, bạn sẽ không thể biết khi nào ô tô quá nóng và bạn có thể tiếp tục chạy cho đến khi hỏng máy. Nếu can thiệp vào giá cả, bạn sẽ không biết ở đâu nhu cầu đang nóng nhất và có thể phí công sản xuất những thứ không cần thiết.
Có nhiều cách kìm hãm cơ chế giá cả. Các chính phủ có thể can thiệp bằng cách kiểm soát giá (tương tự như luật về lương tối thiểu hay quy định về cước phí taxi), hoặc bằng cách hạn chế số lượng hàng hóa mà người dân được phép buôn bán (ví, dụ, quota nhập khẩu), hay tuyệt đối cấm buôn bán (ví dụ, ma túy). Các cá nhân cũng có thể làm méo mó giá cả, bằng cách chiếm thế độc quyền (chỉ có một mình người đó bán), hoặc thị trường một người mua, hoặc bằng cách câu kết với nhau (các nhà cung cấp thỏa thuận tăng giá), hay sử dụng bạo lực (khi bố già mafia nói rằng anh phải kí hợp đồng hay chúng tôi sẽ bắn nát óc anh).
Trong mỗi trường hợp vừa được nhắc tới bên trên, trao đổi không hoàn toàn là tự nguyện (bị chĩa vào đầu thì hoàn toàn không còn là tự nguyện), cho nên người ta buộc phải chấp nhận giá cả mà nếu trong những hoàn cảnh khác, họ sẽ không đồng ý. Ví dụ, nếu chính phủ đặt trần cho giá bánh mì, thì những người nướng bánh mì phải chấp nhận việc đó hay không làm bánh nữa.
KIỂM SOÁT GIÁ VÀ LƯƠNG
Khi Robert I. Schuettinger và tôi chấp bút cuốn sách Bốn mươi thế kỷ kiểm soát giá và tiền công (Forty Centuries of Wage and Price Control), chúng tôi phát hiện ra rằng những cố gắng nhằm kiểm soát giá cả đã có lịch sử lâu đời (và ô nhục). Khoảng năm 1760 trước Công nguyên, Vua Hammurabi nước Babylon đã khắc giá cả chính thức cho hầu như tất cả mọi món hàng lên các cây cột bằng đá trong khu chợ (Vâng, tôi biết rằng những cột đá này mới có cách đây 3.750 năm thôi, nhưng nhan đề cuốn sách của chúng tôi dường như cũng không quá sai). Ý tưởng của Hammurabi là kiềm chế tiền công và giá cả; nhưng mặc dù chúng được khắc vào đá, theo đúng nghĩa đen, người ta vẫn tìm được cách tránh né kiểm soát và chính sách này đã thất bại.
Năm 284 sau Công nguyên, Diocletian, hoàng đế Rome, đã ấn định giá trần cho thịt bò, lúa mì, trứng và rất nhiều thứ khác và án tử hình cho bất cứ người nào đòi giá cao hơn. Thế là người làm bánh không làm bánh, người dân không mang hàng ra chợ vì họ biết rằng sẽ không đòi được đúng giá. Kết quả là thiếu hụt tràn lan.
Trong cuộc Chiến tranh giành độc lập của Mỹ (1775-1783), đội quân của George Washington suýt chết đói trên chiến trường vì các chính quyền địa phương kiểm soát giá cả lương thực thực phẩm. Ví dụ, Pennsylvania áp đặt những biện pháp kiểm soát đặc biệt nhằm làm hạ giá những loại hàng hóa mà quân đội cần. Nhưng, một lần nữa, không ai chịu tăng gia sản xuất để bán vì những cố gắng của họ chẳng mang lại kết quả gì và chẳng có gì ngạc nhiên khi lương thực thực phẩm trở thành khan hiếm. Mãi tới năm 1778, khi các biện pháp kiểm soát được gỡ bỏ thì quân đội (và tất cả mọi người) mới có đủ lương thực thực phẩm.
Bạn có nghĩ rằng những người ban hành luật pháp ngày nay
đã lĩnh hội được thông điệp này.
Năm 1793, các nhà cách mạng Pháp cũng mắc sai lầm tương tự. Họ ban hành Luật Trần, kiểm soát giá lúa mì và nhiều hàng hóa khác. Dân chúng đã gục ngã trên đường phố vì thiếu ăn. Đương nhiên là nhà lãnh đạo cách mạng Robespierre không bị đói; nhưng ông ta bị nhiều người lên án là đã gây ra cuộc khủng hoảng và bị chặt đầu mấy tháng sau đó.
Bạn có nghĩ rằng những người ban hành luật pháp ngày nay đã lĩnh hội được thông điệp này? Bạn không thể kiểm soát được giá cả, tương tự như việc bạn không thể kiểm soát được thời tiết. Bạn có thể thông qua điều luật nói rằng ngày nào cũng nắng, nhưng đừng hy vọng người dân sẽ mặc áo cộc tay ra đường khi trời tuyết. Bạn có thể thông qua quy định về giá cả, nhưng đừng hy vọng người ta sẽ mang hàng hóa ra chợ nếu họ biết rằng sẽ bị lỗ.
KIỂM SOÁT LÀM RỐI LOẠN THỊ TRƯỜNG
Vấn đề này quan trọng vì giá cả không phải là con số thống kê kinh tế bất di bất dịch. Giá mang theo thông tin thực về tình trạng cung và cầu và khuyến khích những hành động thực sự của con người. Giá cả nói cho dân chúng biết nơi thực sự cần những cố gắng và nguồn lực của họ và động viên mọi người - về khả năng có lời - nhằm hướng những cố gắng và nguồn lực của họ thẳng tới những điểm nóng. Nếu giá cả không khuyến khích làm việc thì thông tin và sáng kiến sẽ bị mất và những cố gắng của con người sẽ đi sai hướng.
Ví dụ “thời sự” có thể kể đến là kiểm soát tiền thuê nhà. Người thuê tài sản nói chung thường nghèo hơn người cho thuê, và nhằm bảo đảm cho những người nghèo có chỗ ở phù hợp với túi tiền, nhiều chính phủ đặt ra giá trần.
Kiểm soát tiền thuê nhà đã phá hủy hoàn toàn lĩnh vực xây dựng nhà ở
trong khu South Bronx của New York. Năm khu vực trong
thành phố này bị tàn phá và người dân bỏ đi hết.
Walter Block -
trong Bách khoa thư về kinh tế rút gọn
Muốn biết kết quả, xin mời tới South Bronx. Người ta cho rằng chỉ riêng trong những năm 1970 đã có khoảng 330.000 căn hộ ở New York bị bỏ trống chứ không được thuê, làm cho chủ những căn hộ này bị thiệt hại nặng. Khi lãi suất vay để xây nhà, công sửa chữa và sưởi ấm vẫn tăng, nhưng tiền thuê nhà không tăng, chủ sở hữu những căn hộ này phải làm gì? Trước hết, họ có thể hoãn việc sơn lại hay bảo dưỡng nhà. Sau đó, họ có thể cắt bớt dịch vụ. Cuối cùng, khi không có cả tiền để sửa chữa những chỗ cần sửa, tài sản sẽ xuống cấp. Bóp nghẹt hệ thống giá cả sẽ đưa đến kết quả là bóp nghẹt thị trường.
TRỢ CẤP LÀM THỊ TRƯỜNG MÉO MÓ
Các khoản trợ cấp là biện pháp can thiệp nữa vào giá cả, cũng tạo ra những ảnh hưởng không lường trước được và tiêu cực tương tự như kiểm soát giá cả. Chính sách nông nghiệp của EU (hiện đang được cải cách) trả giá cao cho sản phẩm của người nông dân, khuyến khích họ sản xuất lương thực thực phẩm - nhiều hơn là người tiêu dùng muốn mua. Kết quả là có “hàng núi bơ”, “hàng hồ rượu vang”, hàng triệu quả cà chua không thể bảo quản được lâu, bị bỏ đi một cách lãng phí. Nếu để yên, giá cả thị trường sẽ nói cho nông dân biết chính xác số lương thực và thực phẩm người tiêu dùng cần; nhưng các khoản trợ cấp cho nông dân làm giá cả tăng lên, khuyến khích họ sản xuất dư thừa.
Sản xuất dư thừa là ví dụ rõ ràng về việc những cố gắng và nguồn lực đã bị lãng phí, khi các khoản trợ cấp của chính phủ đã xóa bỏ hệ thống thị trường. Nhưng trợ cấp cũng có thể làm người mua lãng phí. Khi bánh mì được trợ giá quá nhiều như ở Hungary (để làm nó rẻ hơn), các doanh nhân xây dựng mua bánh mì không phải để ăn mà để làm vật liệu xây dựng.
Hệ thống giá cả bị bóp nghẹt trong một thị trường có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường khác. Năm 2006, các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học đã nhận được khoản tài trợ trị giá hàng triệu USD, đấy là khoản tài trợ của Quốc hội nhằm thúc đẩy năng lượng “xanh”. Tiền đổ về như thác, tạo điều kiện cho họ mua rất nhiều ngô, giá ngô tăng chóng mặt. Kết quả là đã có những vụ bạo loạn ở Mexico. Ở Mexico, ngô được coi là lương thực quan trọng, nhất là đối với người nghèo.
Trợ cấp làm méo mó thị trường vì nó cung cấp cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng thông tin sai lạc về những điểm nóng thực sự. Thuế cũng có tác dụng tương tự như thế. Nhằm khuyến khích dân chúng mua các vật liệu xây dựng được tái chế chứ không đào lấy cát, Anh quốc đặt ra thuế Aggregates Levy (đánh vào cát, sỏi, đất đá khai thác dưới đất hay các bãi biển nước Anh cũng như nhập khẩu). Nhưng khoản thuế này đã làm tăng giá cát, thành thử càng khuyến khích nạn khai thác cát bất hợp pháp. Khai thác cát bất hợp pháp trở thành ngành kinh doanh rất có lời, nhất là đối với những thành phần tội phạm.
CHỢ ĐEN
Cấm đoán triệt để một số hàng hóa là biện pháp nhanh nhất để gia tăng tỉ lệ tôi phạm. Từ năm 1920 đến năm 1933, Hoa Kỳ cấm triệt để việc sản xuất, vận chuyển và bán đồ uống có cồn. Đương nhiên là cấm đoán không chấm dứt được nhu cầu về đồ uống có cồn, đặc biệt là vì nhiều người thích uống các loại nước có cồn coi đây là thức uống vô hại và bực bội vì bị coi là tội phạm. Thị trường chợ đen xuất hiện và phát triển rất mạnh mẽ, người Mỹ chuyển sang thưởng thức cocktail (thay thế cho rượu mạnh trong các cửa hàng bán rượu lậu, được Mafia bảo trợ - đấy có lẽ là những người duy nhất được lợi nhờ đạo luật này).
Năm 1937, New York thông qua một biện pháp kỳ quặc khác, gọi là Luật Haas, ngưng cấp phép cho các taxi mới, ngoài những chiếc đang chạy. Trong vòng 5 năm sau, số lượng taxi đạt đỉnh vào năm 1931 là 21.000 chiếc (đưa những người say xỉn từ cửa hàng rượu lậu về nhà là công việc có thu nhập khá) rồi tụt xuống còn 11.878 vì lái xe bỏ nghề (Cuộc Đại suy thoái chắc chắn là không tốt cho nghề này). Số lượng taxi vẫn giữ nguyên như thế. Hiện nay nhu cầu về taxi ở New York cao hơn hẳn cung, nhưng lệnh cấm vẫn có hiệu lực. Nếu muốn tham gia vào dịch vụ đưa đón khách bằng taxi, bạn phải mua “quyền” từ người lái taxi đang hoạt động, hiện nay giá là hàng trăm ngàn USD. Đấy là lý do vì sao cước taxi ở New York đắt đến thế: Không có đủ taxi.
Đấy là lý do vì sao cước taxi ở New York đắt đến thế
Tem phiếu thời chiến (mãi tới năm 1954 chính phủ Anh mới bãi bỏ hoàn toàn) cũng có tác động tương tự. Cái gọi là chợ đen - hiện diện trên khắp thế giới - trên thực tế là thị trường thực sự, là hậu quả của những biện pháp quản lý. Mọi thứ đều có thể mua được, với số lượng không hạn chế - với giá nào đó. Nhưng, vì thị trường là bất hợp pháp, người bán thường không được đảm bảo: Những người buôn lậu đòi giá cao nhằm bù đắp những rủi ro phải chịu.
Không có cách nào chống lại được thị trường.
Thủ tướng Margaret Thatcher
nói trước Hạ viện Anh, 1988.
Chợ đen vẫn tồn tại trong một số lĩnh vực được coi là bất hợp pháp - ví dụ, ma túy. Việc con người trao đổi với nhau là thiết yếu đến mức dường như không thể nào dẹp bỏ được. Đôi khi, với ma túy, những cố gắng nhằm dẹp bỏ thị trường bị nhiều người cho là đã dẫn tới những hệ quả tệ hại hơn là vấn đề do chính ma túy gây ra.
Hạn ngạch là chính sách làm cho cơ chế giá cả hoạt động không hiệu quả. Hoa Kỳ áp đặt hạn ngạch thép nhập khẩu vì cho rằng cần bảo hộ các nhà sản xuất thép trong nước, không để thép giá rẻ hơn từ nước ngoài tràn vào. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là các nhà sản xuất ô tô trong nước không tiếp cận được với những loại thép nhập khẩu giá rẻ (thường có chất lượng cao hơn) và giá ô tô sẽ tăng.
Cùng với việc trợ cấp cho nông dân, các nước EU còn tìm cách không cho các nhà sản xuất nước ngoài thâm nhập thị trường của mình. Hạn chế nhập khẩu quần áo lót từ Trung Quốc đã gây ra “cuộc chiến áo lót” vào năm 2005 và buộc người tiêu dùng châu Âu phải mua hàng đắt đỏ hơn. Đơn thỉnh nguyện hài hước của Frédéric Bastiat, năm 1845, trong đó những người thợ làm nến phàn nàn về sự cạnh tranh của cường quốc bên ngoài - Mặt trời - không phải là quá xa hiện thực.
LẠM PHÁT
Lạm phát cũng bóp nghẹt cơ chế giá cả. Đấy là khi các chính khách cẩu thả với đồng tiền của chúng ta, làm cho nó mất giá trị và bạn phải mất nhiều tiền hơn để mua hầu như bất cứ thứ gì: Nói cách khác, giá cả mọi thứ đều tăng. Giá có thể tăng đến mức kinh ngạc: trong giai đoạn Siêu lạm phát ở Đức, những năm 1920, người ta đã dùng tiền làm chất đốt đúng theo nghĩa đen - bếp cháy lâu hơn là số củi mua được với khoản tiền đó.
Tiền còn rẻ hơn củi
Tuy nhiên, khi giá tất cả các loại hàng hóa đều tăng, thật khó biết hệ thống giá cả đang nói với chúng ta điều gì. Thường thì, người ta nghĩ rằng một số mặt hàng lên giá - cho thấy điểm nóng về thiếu hụt, khách hàng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua món hàng khan hiếm - còn giá một số hàng hóa khác thì giảm thì chứng tỏ dư thừa. Đấy là những tín hiệu rõ ràng để người ta hướng nỗ lực và nguồn lực của mình vào khu vực khan hiếm và rút khỏi những khu vực dư thừa. Nhưng khi giá tất cả các mặt hàng đều tăng thì tín hiệu không còn rõ ràng nữa. Ở những điểm nóng khan hiếm, giá sẽ tăng nhanh hơn mức trung bình, còn ở những khu vực dư thừa, giá tăng chậm hơn. Nhưng vẫn khó thấy: Tín hiệu về khan hiếm hay dư thừa bị lẫn trong những tiếng ồn ào về việc giá tất cả các mặt hàng đều tăng. Người dân không thể đưa nguồn lực của mình một cách nhanh chóng và hiệu quả tới nơi thực sự cần. Chắc chắn lạm phát làm mất mát nguồn lực.
TÔI PHẢI TRẢ NHIỀU TIỀN HƠN
(NHỜ CÓ SỰ GIÚP ĐỠ CỦA NHÀ NƯỚC)
Các đại lý tư nhân cũng có thể làm cho thị trường méo mó. Một trong các ví dụ là công ty độc quyền, đấy là khi chỉ có một người bán một món hàng hay cung cấp một dịch vụ nào đó. Đấy luôn luôn là tin xấu đối với người mua. Nếu không có nhà cung cấp nào có thể bước chân vào thị trường thì công ty độc quyền có thể muốn đòi giá nào cũng được.
Nhưng, trong nền kinh tế thị trường, công ty độc quyền là hiện tượng hiếm và khó tồn tại được nếu không có quy định nào đó của chính phủ nhằm bảo vệ họ. Ngay cả mỏ khoáng sản tư nhân là nguồn cung duy nhất một loại khoáng sản nào đó cũng không chắc đã giữ mãi được khách hàng. Nếu đòi giá quá cao người ta có thể đơn giản là không sử dụng sản phẩm đó hoặc chuyển sang sử dụng sản phẩm không tốt bằng, nhưng vẫn dùng được và giá quá cao còn khuyến khích các doanh nhân tìm nguồn cung cấp mới hoặc phát minh ra sản phẩm thay thế.
Khả năng chiếm lĩnh thị trường thậm chí còn ít hơn, nếu bạn chỉ là người bán lẻ, là tập đoàn truyền thông hay nhà sản xuất ô tô. Dù công ty của bạn có lớn đến đâu, luôn khả có năng người khác đánh hơi được lợi nhuận, bước vào thương trường và thành lập công ty cạnh tranh với bạn.
Ý tưởng tuyệt vời tới mức nhất định phải lạm dụng
Đấy là lý do vì sao các công ty độc quyền thường là các công ty quốc doanh hoặc trên những thị trường mà quy định của nhà nước không cho người khác cạnh tranh. Ở nhiều quốc gia, chính phủ quản lý dịch vụ bưu chính, dùng luật pháp ngăn chặn cạnh tranh. Các công ty độc quyền của nhà nước trong lĩnh vực xe buýt, đường sắt, cung cấp nước, cung cấp điện và khí đốt là hiện tượng thường thấy ở nhiều quốc gia. Một số nhà nước Bắc Âu còn nắm độc quyền trong ngành bán các loại nước uống có cồn (chắc chắn là các bộ trưởng tài chính rất thích làm việc này). Từ những năm 1980 đã có những phong trào rộng rãi đòi tư nhân hóa những ngành này, nhưng thường thì điều đó lại dẫn tới vài công ty độc quyền có kiểm soát chứ không phải là mở cửa cho cạnh tranh.
Trong thời hiện đại, chính quyền thành phố Florence là nơi đầu tiên giao độc quyền. Năm 1421, kiến trúc sư Brunelleschi được độc quyền sản xuất thuyền có trang bị bánh răng để nâng đá hoa cương. Khi thành phố Venice thành lập hệ thống độc quyền, họ đã cho phép người sáng chế giữ độc quyền 10 năm và phạt những người vi phạm tới 100 ducats.
Ý tưởng tuyệt vời tới mức nhất định phải lạm dụng. Có thể có những lý do chính đáng để bảo vệ các phát minh mới, nhưng năm 1600 các ông vua châu Âu đã cho (đúng hơn là bán) độc quyền cho tất cả các loại hàng hóa thông dụng, như muối, xà phòng, than và thậm chí là bộ bài tây - mà hậu quả là giá tăng khủng khiếp và không còn là hàng hóa thông dụng nữa.
BẰNG SÁNG CHẾ VÀ BẢN QUYỀN
Mặc dù vậy, về mặt chính thức, các công ty độc quyền vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, dưới hình thức bằng sáng chế: Dùng pháp luật để ngăn chặn người khác bắt chước, tức là dành cho những người sáng chế thời gian khai thác thành quả lao động trí óc của mình và thu được nhiều lợi nhuận hơn. Mục đích là khuyến khích người ta bỏ thời gian, công sức và nguồn lực nhằm tìm ra những phát minh mới, không cho những kẻ bắt chước sao chép tức thì ý tưởng của họ và thu được lợi nhuận từ những ý tưởng đó. Bằng sáng chế đặc biệt quan trọng trong những lĩnh vực như dược phẩm, vì việc phát triển các loại thuốc mới kéo dài nhiều năm và tốn hàng triệu USD, nhưng thế cũng có nghĩa là các công ty dược phẩm có thể định giá quá cao cho các sản phẩm của họ.
Trừ phi họ phải đối diện với một người mua duy nhất. Đấy là tình huống khi mà chỉ có duy nhất một người mua - và, một lần nữa, hiếm khi xảy ra, trừ phi nhà nước nhúng tay vào. Khi hệ thống y tế do nhà nước vận hành, ví dụ, Bộ Y tế Anh, thống lĩnh thị trường, họ có sức mạnh để buộc các công ty cung ứng chấp nhận giá thấp hơn. Đấy là tin tốt cho những người đóng thuế, chí ít là cho đến khi các nhà cung cấp đầu hàng và chuyển tới những nước mà họ có điều kiện làm ăn thuận lợi hơn.
Bản quyền là hình thức độc quyền được trao cho lĩnh vực thông tin như sách, phim ảnh, nhạc v.v.. Ở hầu hết các nước, bản quyền có thời hạn 50 hay 70 năm sau khi tác giả chết, những người thừa kế của tác giả được hưởng lợi vì độc quyền tạo điều kiện cho họ đòi giá cao hơn. Bạn có thể thấy tác động tại những nhà sách khi tác giả đã chết cách đây 50 hay 70 năm: Ngay lập tức xuất hiện những ấn bản mới với giá chỉ bằng một nửa hoặc một phần tư giá những ấn bản khi còn bản quyền.
GIẤY PHÉP HÀNH NGHỀ: NGÀY ẤY…
Trở lại năm 1776, trong tác phẩm Của cải của các quốc gia, Adam Smith đã có câu nhận xét nổi tiếng: “Người cùng làm một nghề hiếm khi gặp nhau, ngay cả khi vui chơi giải trí mà không kết lại bằng câu chuyện âm mưu chống lại xã hội hoặc tìm cách tăng giá”. Vâng, ông là học giả cho nên ông phải biết chuyện này.
Nhưng các nhóm nghề nghiệp đã âm mưu và dự tính như thế từ thời đế chế La Mã và trước nữa. Đầu thời Trung Cổ, những người làm nghề thủ công đã từng họp lại, cùng đưa một ít vàng vào bình tương trợ - thành lập “phường hội” - và thỏa thuận giúp đỡ lẫn nhau trong việc khuếch trương ngành nghề của mình. Thợ mộc, thợ cắt đá, nhà buôn, thợ kim hoàn, thợ làm bánh, thậm chí là thợ làm nến cũng đều có các phường hội, và đến những năm 1300, 1400 các phường hội đã trở thành những tổ chức vừa giàu có vừa quyền lực, đã xây dựng được những hội trường sang trọng trong những khu chợ trên khắp châu Âu.
Họp với những người “cùng nghề” và thỏa thuận cùng giữ giá ở mức cao, chắc chắn là có thể giúp tăng giá, ít nhất là trong một thời gian nào đó. Tất nhiên luôn có nguy cơ một số đồng nghiệp trẻ có thể lừa dối và hạ giá bán so với giá của bạn, nhưng các bạn có thể bắt họ phải trả giá. Vấn đề thực sự là người ở những nơi khác (hay ngành nghề khác) biết được rằng bạn thu được nhiều lợi nhuận và tìm cách xâm nhập vào lĩnh vực của bạn. Đấy chính là thị trường. Cho nên muốn giữ được giá cao, bạn phải ngăn chặn, phải làm cho cơ chế thị trường không hoạt động được và hạn chế cạnh tranh. Để làm thế, bạn cần sức mạnh của nhà nước.
Y khoa là phường hội theo theo kiểu
Trung cổ quyền lực nhất ở Mỹ.
Các phường hội tuyên bố lĩnh trách nhiệm bảo vệ dân chúng khỏi những người hành nghề bất tài, đã đỡ đầu cho những quy định kéo dài thời gian học nghề (thường là từ 6 tới 7 năm) và hạn chế số người được học (Adam Smith ghi nhận rằng luật pháp không cho người làm dao kéo ở Sheffield nhận hơn một người học việc, còn thợ dệt ở Norfolk và thợ làm mũ ở Anh thì không được nhận hơn hai người học việc). Ngay cả những người thợ dệt vải lanh có kinh nghiệm cũng không được truyền nghề cho thợ dệt lụa nếu chưa học nghề đủ lâu. Nhiều bộ luật khác còn cấm thợ mộc và thợ nề ở thị trấn này thiết lập doanh nghiệp ở thị trấn khác. Hạn chế cạnh tranh, được biện hộ bằng “lợi ích xã hội”, là những thủ đoạn nhằm giữ giá ở mức cao.
… VÀ BÂY GIỜ
Đáng chú ý là hiện tượng này vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay. Tại sao chữa bệnh ở Mỹ lại mất nhiều tiền như thế? Vì y khoa là phường hội theo kiểu Trung Cổ quyền lực nhất ở Mỹ. Muốn hành nghề y, bạn phải tốt nghiệp trường được chấp thuận và được chính phủ cấp chứng chỉ hành nghề. Nhưng chính hội nghề nghiệp này chấp thuận các trường học và quyết định trường được nhận bao nhiêu sinh viên. Bằng cách làm cho việc học trở thành khó khăn và kéo dài, nghề này đã làm nản chí các sinh viên, làm họ không muốn nộp đơn xin học ngay từ đầu. Cho nên đối thủ cạnh tranh bị hạn chế và phí cao ngất trời. Những người thợ làm dao kéo và thợ làm mũ chắc chắn sẽ tự hào về chuyện này.
Nhưng thậm chí không rõ là tất cả những biện pháp vừa nói có nâng được tay nghề và chất lượng dịch vụ hay không. Giới hạn số lượng bác sĩ có nghĩa là yêu cầu của một số bệnh nhân sẽ không được đáp ứng. Một số người có thể không được chữa trị hoặc phải quay sang những thầy thuốc có tay nghề không cao. Trong khi đó, một số thầy thuốc có năng lực và kinh nghiệm nhưng không nằm trong bất cứ tiêu chí nào của giấy phép hành nghề không thể chữa bệnh một cách hợp pháp. Còn những người vượt qua được cửa ải đều sẽ được đào tạo một cách chính thống: Không khuyến khích sáng kiến, sáng tạo.
Tất cả những biện pháp này, dù là quy định, giấy chứng nhận hay chứng
chỉ hành nghề cũng hầu như chắc chắn sẽ trở thành công cụ trong tay
một nhóm người sản xuất đặc biệt nhằm giành cho bằng được vị thế
độc quyền, trong khi những thành phần khác trong xã hội phải trả giá.
Milton & Rose Friedman -
Chủ nghĩa tư bản và Tự do
Trong việc ngăn chặn cạnh tranh, các luật sư ở Anh cũng là những người tài ba chẳng khác gì các bác sĩ Mỹ, cách làm việc (cũng như trang phục) xưa cũ của họ đã là minh chứng rõ ràng về tính chính thống và thiếu sáng tạo. Vào đó vừa rất khó vừa vô cùng tốn kém. Muốn tranh cãi trong những phiên tòa lớn, bạn phải là luật sư biện hộ. Muốn trở thành luật sư biện hộ bạn phải có bằng luật sư và phải tham gia một trong bốn Liên đoàn luật sư và mười hai khóa học. Sau đó bạn phải tìm văn phòng thuê bạn làm người học việc, nhưng (đương nhiên là) số chỗ bao giờ cũng ít hơn hẳn số người nộp đơn. Các luật sư nói rằng quá trình đào tạo kỹ lưỡng (và tốn kém) như thế là nhằm cung cấp cho xã hội dịch vụ hảo hạng.
Điều đó lại đưa chúng ta trở về với thúc đẩy thương mại. Những biện pháp ngăn cản việc cung cấp, ví dụ, kiểm soát giá cả, thuế nhập khẩu, phân phối, các công ty độc quyền, và giấy phép hành nghề, tất cả đều phải bám vào chính quyền. Không nghi ngờ gì, các chính quyền khuyến khích những biện pháp đó là vì mục tiêu tốt đẹp, ít nhất ý định là thế. Nhưng khi không để cơ chế thị trường hoạt động và kìm hãm cơ chế giá cả, bạn đã phá hoại khả năng đáng kinh ngạc của thị trường trong việc hướng công sức và nguồn lực tới nơi chúng được sử dụng với hiệu quả cao nhất và ít lãng phí nhất. Đấy là lý do vì sao không cần quản lý mà cần cạnh tranh.
Nguồn: Nền kinh tế tự do, Eamonn Butler. Nhà xuất bản tri thức, 2023