[Nền kinh tế tự do] Chương 7: Thất bại của thị trường (và thất bại của chính phủ)

[Nền kinh tế tự do] Chương 7: Thất bại của thị trường (và thất bại của chính phủ)

BONG BÓNG, BÙNG NỔ, ĐÌNH ĐỐN VÀ SUY THOÁI

Những người có con nhỏ vào năm 1982 hẳn vẫn còn rùng mình. Đấy là năm xảy ra cơn sốt Búp Bê Bắp Cải, quà tặng nhất định phải có vào dịp Giáng sinh. Đứa trẻ nào cũng muốn có một con búp bê như thế. Các ông bố bà mẹ xếp hàng dài trước cửa hàng đồ chơi. Rất nhiều búp bê đã được bán ra. Hàng ngày càng dài thêm, kệ thì trống rỗng. Nhiều cửa hàng hết sạch, người mua chạy hết cửa hàng này sang cửa hàng khác. Tin đồn về những chuyến hàng mới lan nhanh chẳng khác gì đám cháy. Các vị phụ huynh kéo về những cửa hàng may mắn và sẵn sàng đứng đợi hàng giờ dưới tuyết lạnh mùa đông, nếu cần. Khi hàng sắp hết, bao giờ cũng xảy ra hỗn loạn, thậm chí bạo lực. Ngày Giáng sinh đến gần, vẫn còn khá nhiều khách hàng thất vọng, chưa nói tới những người mệt mỏi và bị thâm tím.

Năm năm sau, nhà đầu cơ George Soros viết một cuốn sách, nói rằng thị trường tài chính chẳng khác gì người điên. Tất cả mọi người, ông nói, đều lao vào mua chứng khoán được ưa chuộng và tống khứ chứng khoán mà họ sợ là sẽ rớt giá, càng làm giá tăng hay rớt nhiều thêm. Thị trường, ông kết luận, dường như luôn luôn ở trong tình trạng mất thăng bằng, luôn luôn tạo ra các bong bóng, các vụ bùng nổ, đình đốn và suy thoái.

THỊ TRƯỜNG VỚI TÂM LÝ CON NGƯỜI

Chính vì thị trường tạo ra những xáo động điên rồ như thế, mà nhiều người nghĩ rằng đấy là cơ chế không đáng tin. Nhưng thị trường là sản phẩm của con người, nó dựa trên tâm lý của con người - dựa vào cách thức người ta xử lý những đánh giá khác nhau của mình.

Tương tác bất kỳ nào của con người cũng thường tạo ra một số kết quả kỳ quặc. Nếu người ta nghĩ rằng món hàng nào đó sẽ khan hiếm thì mọi người lập tức lao vào mua, để phòng trường hợp hết - và tất nhiên là nó hết thật. Khi các phương tiện truyền thông đại chúng cảnh báo rằng món đồ chơi của năm đó sẽ khó mua hay khi các chuyên gia dự đoán chứng khoán nào đó sẽ lên như diều gặp gió thì nỗi lo không mua được sản phẩm đó sẽ gây ra cơn bột phát, trong đó nhiều người quả thật đã bị mất cơ hội.

Thị trường là sản phẩm của con người

và dựa vào tâm lý của con người.

Người ta gọi những hiện tượng như thế là thất bại của thị trường. Nhưng, thực ra, đấy là thất bại của con người, hay đúng hơn, đấy là đặc điểm của con người. Chúng ta là các sinh vật xã hội. Chúng ta thích ở trong đám đông. Chúng ta theo trào lưu. Chúng ta muốn tham gia vào cơn điên loạn. Cho nên khi người ta nói với chúng ta rằng món hàng nào đó đang có nhiều người mua, tất cả chúng ta đều muốn mua, và nhà cung cấp bị quá tải.

Tất nhiên là người bán có thể phản ứng bằng cách tăng giá. Giá tăng sẽ kiềm chế nhu cầu, và khuyến khích những nhà cung cấp khác tham gia thị trường, lợi dụng giá cao để thu lợi. Nhưng không phải lúc nào cũng làm được như thế. Những cửa hàng bán Búp Bê Bắp Cải có thể tăng giá lên mười lần hay hai mươi lần để có thể đáp ứng những khách hàng sẵn sàng trả giá đó - nhưng chắc chắn là sẽ bị những khách hàng thường xuyên lên án là “bóc lột”, những người này có thể quyết định sẽ không bao giờ tới nữa. Và nhiều nước còn có quy định cấm tăng giá một khi đã quảng cáo món hàng với giá thấp hơn, ngay cả khi khách hàng có đòi mua bằng mọi giá.

THỜI GIAN VÀ TỐC ĐỘ

Phần lớn vấn đề phía sau những kiểu “thất bại” này chỉ đơn giản là không ai có thể dự đoán chính xác tương lai. Nếu trước đó một năm các nhà sản xuất đã biết rằng sẽ có nhiều người muốn mua Búp Bê Bắp Cải thì họ có thể đơn giản là sản xuất nhiều thêm. Nhưng không có cách nào dự đoán được chuyện đó. Các doanh nhân chỉ còn cách là phỏng đoán và chấp nhận rủi ro. Và các doanh nhân khác nhau thì đưa ra những phỏng đoán khác nhau.

Thị trường là hành vi có phối hợp của hàng ngàn người

đang phản ứng với thông tin, thông tin sai lầm và

những ý nghĩ bất chợt nảy ra trong đầu.

Nhà báo, chuyên bình luận

về lĩnh vực khoa học, Kennth Chang,

viết trên tờ New York Times

Xin xem xét ví dụ về vụ bùng nổ các công ty dotcom hồi những năm 1990. Người ta cho rằng công nghệ thông tin vừa xuất hiện quan trọng không khác gì việc phát minh ra điện - sẽ cách mạng hóa toàn bộ lĩnh vực thương mại. Tưởng thưởng cho các khoản đầu tư tiềm năng sẽ cực kỳ lớn. Thế là nhiều người tham gia vào đám đông và quyết định rằng cần phải liều. Bong bóng lớn dần. Nhưng sự thật là tưởng thưởng nhỏ hơn hẳn so với những dự đoán lạc quan và chỉ tập trung vào một vài công ty biết làm ăn và quản lý tốt, đấy là những công ty sử dụng công nghệ mới để giành lợi thế. Bong bóng xì hơi. Bạn có thể lên án “thị trường” khi người ta phản ứng với điều mà họ nghĩ sẽ xảy ra - nhưng lại không xảy ra?

Thông tin về những sự kiện thực sự đang diễn ra cũng không đi nhanh như tốc độ Internet. Cần phải có thời gian. Người ta phải tìm kiếm, chắt lọc, suy nghĩ, xử lý và hành động. Quá trình này không diễn ra tức thì. Sau quá trình tăng giá, người bên trong công ty nghĩ rằng đang có thay đổi và bắt đầu bán cổ phiếu của mình, trong khi những người khác tiếp tục mua vào vì họ không nhận được thông tin như thế hoặc thông tin mà họ nắm được lại là thông tin sai.

Bong bóng trên thị trường chứng khoán không tự nhiên xuất hiện.

Chúng bám vào nền tảng vững chắc của thực tế,

nhưng thực tế lại bị bóp méo bởi quan niệm sai lầm.

George Soros - Đạo sư về đầu tư

Đấy là cách bong bóng hình thành. Cơ sở của chúng là thực tế: Món hàng nào đó trở thành khan hiếm. Nhưng tình hình đôi khi bị phóng đại lên, không phải chỉ vì người ta muốn trở thành một phần của đám đông mà vì sự thực là người ta đã hành động trên cơ sở thông tin sai lầm.

Bạn có thể lên án thị trường vì điều đó hay không? Tương tự như xe cộ đâm nhau trên đường. Nếu mọi người đều nhìn thấy 12 chiếc xe phía trước đã dừng lại thì họ chỉ việc nhấn phanh một cách nhẹ nhàng. Nhưng nếu thấy chiếc xe đằng trước dừng lại một cách đột ngột thì họ sẽ lao vào đuôi của nó. Bạn không thể lên án chiếc xe hay con đường. Bạn phải lên án người lái xe.

THÔNG TIN BẤT ĐỐI XỨNG

Một lý do nữa làm cho thị trường khó hoạt động một cách thích đáng là điều mà các nhà kinh tế học gọi là thông tin bất đối xứng. Đấy là khi một người tham gia trao đổi biết nhiều thông tin hơn hẳn người kia. Đấy là lý do vì sao bạn không thể mua được chiếc xe cũ tươm tất nếu không có người môi giới. Bán cho bạn chiếc xe không dùng được thì người môi giới sẽ mất uy tín; nhưng bạn sẽ không được đảm bảo như thế nếu mua của chính chủ vì uy tín của anh ta không bị đe dọa. Tệ hơn nữa, đấy là khi chủ sở hữu tìm được chiếc xe tốt, nhưng không bán mà chỉ bán những chiếc xe cũ nát. Nếu chỉ xem qua, bạn không thể biết và thế là bạn đồng ý mua cái xe cũ nát, chủ nhân sẽ cười thầm trong bụng. Đấy là thông tin bất đối xứng.

Xin xem xét thêm trường hợp bảo hiểm y tế. Người ta thường không mua bảo hiểm y tế khi cảm thấy khỏe mạnh; người ta chỉ mua bảo hiểm khi nghĩ rằng có thể bị bệnh và chữa trị sẽ tốn kém. Vấn đề rắc rối cho người bán bảo hiểm là bạn (và hàng triệu người tương tự như bạn) biết rõ tình trạng sức khỏe của mình hơn hẳn người bán bảo hiểm ngồi trong văn phòng cách xa bạn hàng cây số. Nếu họ chấp nhận tất cả những người muốn mua bảo hiểm thì họ sẽ thấy rằng đang bảo hiểm cho quá nhiều người ốm yếu, chữa trị tốn kém và rất ít người khỏe mạnh. Cho nên phải nâng mặt bằng thông tin lên, họ có thể đưa bạn đi khám sức khỏe. Họ phải mất tiền để có thông tin về bạn.

Thông tin bất đối xứng có thể là tai họa thật sự.

Kể cả khi đã chấp nhận bảo hiểm cho bạn thì vấn đề của họ vẫn chưa dừng lại. Nếu bạn ốm, bác sĩ của bạn có thể đề nghị làm tất cả những loại xét nghiệm đắt tiền. Công ty bảo hiểm phải trả tất cả các khoản đó có thể không vui; nhưng bác sĩ biết nhiều thông tin về việc phải làm gì trong trường hợp của bạn hơn là công ty bảo hiểm. Công ty bảo hiểm có thể yêu cầu tham vấn thêm bác sĩ khác, nhưng thế thì họ còn bị mất nhiều tiền hơn nữa.

Công ty bảo hiểm có thể tìm cách tránh thông tin bất đối xứng, ví dụ buộc bạn trả một phần chi phí y tế, và thế là bạn sẽ không tự nguyện làm những xét nghiệm vô ích. Nhưng đấy sẽ là trò mèo vờn chuột. Kết quả là những người được bảo hiểm được chữa trị/uống/tiêm những loại thuốc mà họ không cần hoặc giá bảo hiểm cứ tăng lên mãi, hoặc là cả hai.

Nhưng đối với bạn, đấy là sự bất đối xứng của thông tin: Nguồn lực có xu hướng được đưa tới người nắm được nhiều thông tin hơn chứ không được đưa tới những người đánh giá những nguồn lực này cao hơn. Thông tin bất đối xứng có thể là tai họa thật sự.

THẤT BẠI CỦA CHÍNH TRỊ

Nhưng cái làm cho nguồn lực không đưa tới được nơi mà chúng được sử dụng với giá trị cao nhất lại không phải là thất bại của thị trường, mà là thất bại của chính trị.

Thị trường mềm dẻo hơn hẳn quá trình chính trị. Mấy năm chúng ta mới đi bỏ phiếu một lần. Ngay cả như thế, mỗi lần chúng ta đều bỏ phiếu cho cả gói chính sách - giá cả sinh hoạt, quốc phòng, việc làm, tội ác và nhiều thứ khác. Nhưng thị trường là cuộc bỏ phiếu diễn ra hằng ngày, với từng sản phẩm cụ thể. Khi bạn mua một thanh sô cô la nào đó là bạn đã gửi cho nhà sản xuất thông điệp về loại sô cô la mà bạn ưa thích và bạn thích ăn nó vào lúc nào, ở đâu, với giá bao nhiêu. Với mỗi món hàng bạn mua mỗi ngày, bạn đều gửi đi một thông điệp như thế.

Như vậy là, chính phủ không thể làm tốt hơn thị trường, nhưng khi thị trường tạo ra kết quả mà cử tri không ưa thì người ta liền kêu gọi các chính trị gia can thiệp. Dù xảy ra bất cứ chuyện gì - lương thấp, giá cao - người ta đều yêu cầu chính phủ phải “có biện pháp”. Nếu thị trường phải chiến đấu với thông tin bất đối xứng thì hệ thống chính trị thất bại vì quyền lợi bất đối xứng. Các nhóm nhỏ, nhưng sẽ giành được nhiều lợi ích nếu chính phủ can thiệp sẽ là nhóm ủng hộ lớn tiếng nhất; trong khi các nhóm lớn, nhưng chỉ mất ít sẽ không lên tiếng phản đối quyết liệt.

Giả sử nông dân gặp khó khăn. Họ sẽ đòi chính phủ trợ cấp, vì lương thực thực phẩm là nhu yếu phẩm và nếu nông dân phá sản thì chúng ta sẽ phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài. Nông dân là một nhóm nhỏ, trợ cấp sẽ cải thiện đáng kể hoàn cảnh của họ, họ sẽ thấy công sức bỏ ra cho cuộc vận động là xứng đáng. Tất nhiên là người đóng thuế phải trả cho những khoản trợ cấp như thế. Nhưng vì có nhiều người đóng thuế cho nên gánh nặng thuế khóa sẽ được chia cho nhiều người. Chẳng có người nào trong dân chúng nói chung thấy cần phải bỏ công giải quyết vấn đề có ảnh hưởng rất nhỏ tới khoản thuế khóa mà họ phải đóng.

Vấn đề sẽ xuất hiện khi có nhiều nhóm nhỏ, mà nhóm nào cũng vận động đòi ưu tiên xử lý hoàn cảnh của mình. Thuế khóa sẽ gia tăng, nhưng gia tăng rất ít, hầu như không nhận thấy được. Thế rồi một khoản tiền lớn sẽ ra khỏi hầu bao của công chúng và chui vào túi những nhóm lợi ích. Trong nền chính trị hiện đại, việc tống tiền như thế đã trở thành nghệ thuật.

 

TẠI SAO CHÍNH PHỦ PHÌNH RA

Khi làm việc ở Quốc hội Mỹ, tôi lấy làm ngạc nhiên là Chương trình Food Stamp Bill (trợ cấp phúc lợi), được gắn vào chương trình Farm Bill (trợ cấp nông nghiệp). Rồi tôi hiểu rằng các đảng viên Dân chủ không thích trợ cấp cho nông nghiệp nhưng lại rất thích các khoản phúc lợi cho cử tri sống ở đô thị. Các đảng viên Cộng hòa không thích các khoản phúc lợi nhưng lại rất thích trợ cấp nông nghiệp, dành cho những cử tri của mình ở vùng nông thôn. Gắn trợ cấp với phúc lợi và họ bỏ phiếu thông qua cả gói.

Lý thuyết gọi là Lựa chọn công giải thích chi tiết những vấn đề như thế, nhưng trên thực tế, nó khá đơn giản: Bạn bỏ phiếu thông qua đề xuất của tôi, tôi sẽ bỏ phiếu thông qua đề xuất của bạn. Tất cả các chính trị gia đều nhận được cái mà họ muốn. Không may là, trong tiến trình đó, cử tri sẽ có chính phủ lớn hơn mức họ cần.

 

 

HIỆN THỰC PHIỀN TOÁI

Mỗi thứ Hai, khi ngôi nhà rung lắc là tôi có nhiệm vụ cất quần áo đang phơi vào nhà. Sau khi đẩy chốt cửa ra ngoài, tôi phải bỏ hết quần áo đang phơi vào sọt (to đến mức chứa vừa cả tôi và một bạn nhỏ nữa) và kéo vào sân. Một cú rung lắc đi kèm với tiếng nổ rền vang, người ta đang cho nổ mìn ở mỏ đá, và bụi có thể bay về phía nhà của chúng tôi, phủ lên quần áo ướt của chúng tôi. Trên thực tế, vấn đề chỉ xảy ra trong những ngày giặt giũ, và có gió Đông-Bắc. Những người sống cách đó năm mươi dặm, trong vùng Midlands, có nhiều mỏ than của nước Anh khổ sở hơn nhiều, lúc nào không khí cũng đầy bụi và khói từ các nhà máy gần đó phun lên.

Nhiều người không nhìn thấy cách thức thị trường giải quyết những vấn đề gọi là ngoại tác (externality), như ô nhiễm, chưa nói tới kẹt xe, mất nước, đánh bắt đến cạn kiệt nguồn thủy sản, bảo vệ đời sống hoang dã và nhiều vấn đề môi trường khác. Cho nên họ yêu cầu chính phủ can thiệp – đặt ra tiêu chuẩn khí thải của xe ô tô và nhà máy, xây đường và cơ sở hạ tầng mới hoặc cấm săn bắn và đánh cá.

Đáng tiếc là những biện pháp hiển nhiên đó lại tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết vấn đề.

Quy định là cái búa tạ đập không trúng đầu đinh.

Nếu nhà máy nhả khói vào không khí, làm lan vào vườn nhà dân, tại sao không bảo họ ngưng làm việc đó? Câu trả lời là làm thế không hẳn là đúng, vì còn có mặt bên kia của vấn đề. Một số nhà máy có thể áp dụng công nghệ làm sạch khói bụi, nhưng người tiêu dùng sẽ phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm của họ. Một số nhà máy có thể dùng quy trình công nghệ không thể làm sạch được, họ sẽ phải đóng cửa, sản phẩm (và việc làm trong khu vực) sẽ không còn. Quy định là cái búa tạ đập không trúng đầu đinh.

Làm sao chúng ta biết dân chúng coi việc ô nhiễm môi trường quan trọng hơn là giá cả gia tăng hoặc người trong khu vực sẽ mất việc? Chúng ta không thể biết. Đấy là những vấn đề mà chúng ta cần thị trường giải quyết. Nhưng thường thì, đáng lẽ phải tìm cách phát triển thị trường, trong đó, đánh giá của những người khác nhau có thể được đo lường và làm cho cân bằng, chúng ta lại sử dụng quy định và thực ra là ngăn cản việc thiết lập thị trường.

Quy định cấm các nhà máy nhả khói vào khí quyển sẽ phải trả giá đắt và có khả năng là không đưa ra được cái mà dân chúng thực sự mong muốn. Nhưng kết quả sẽ ra sao nếu chúng ta thiết lập thị trường và yêu cầu chủ các nhà máy trả cho láng giềng của họ số tiền tỷ lệ thuận với lượng khói bụi mà nhà máy thải vào không khí? Hai bên sẽ nhanh chóng thống nhất được giá cả cho thiệt hại đã gây ra. Sẽ có sự hài hòa: Các nhà máy sẽ tiếp tục hoạt động với một số khói bụi, còn những người xung quanh sẽ cho rằng mình đã được đền bù. Và việc các nhà máy phải trả tiền cho lượng khói bụi thải vào không khí sẽ buộc họ phải đầu tư vào công nghệ sạch hoặc tìm quy trình sản xuất sạch - đấy là điều mà tất cả chúng ta cùng muốn.

Nói cách khác, vấn đề không phải là thị trường thất bại mà là không có thị trường. Và tốt hơn hết là chúng ta cố gắng tạo ra thị trường chứ không phải là cấm đoán và ngăn chặn không cho thị trường xuất hiện.

THỊ TRƯỜNG KHÍ THẢI

Thực ra, hiện nay đã có nhiều người nhận thức được giá trị của thị trường và đã phát triển những ý tưởng như giấy phép phát thải có thể mua bán được. Trong hệ thống này, cộng đồng trong khu vực quyết định họ có thể chịu đựng mức phát thải nào. Và cộng đồng sẽ cấp phép cho mức phát thải tổng cộng này, rồi chia cho các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp không thể giảm lượng khí thải sẽ phải mua quyền xả thải từ các doanh nghiệp có khả năng giảm thải. Nếu có thể giảm lượng khí thải, bạn có thể bán quyền xả thải của mình và đút túi khoản tiền thu được. Đấy là sáng kiến mang tính thị trường để có bầu không khí trong lành.

Hoa Kỳ tung ra hệ thống này vào năm 1995, cho phép các công ty bán quyền xả khí dioxid lưu huỳnh (chủ yếu là do các nhà máy điện dùng than đá thải ra). Kết quả vượt mọi kỳ vọng, các công ty môi giới lập tức xuất hiện, làm cho việc mua bán trở thành dễ dàng. Hiện nay châu Âu cũng đã có hệ thống buôn bán phát thải khí nhà kính: Hệ thống này bị chính trị hóa quá mức nhưng vẫn tốt hơn là những quy định buông lỏng hay cấm hoàn toàn trước đây.

GIÁ CHO TẮC ĐƯỜNG

Tắc đường là vấn đề khác do không có thị trường mà ra. Khi bạn đã mua một chiếc xe và lái đi thì sẽ chẳng có gì ngăn bạn lái vào những khu phố đông đúc nhất, theo những con đường đông đúc nhất, vào giờ cao điểm nhất. Nhưng, khi làm thế, bạn đã làm cho tình trạng tắc đường thêm nghiêm trọng hơn và gây khó khăn cho tất cả những người khác - mất thời gian, lỡ các cuộc hẹn và nhiều sự cố khác.

Một lần nữa, câu trả lời là sử dụng những nguyên tắc của thị trường - phải trả tiền cho việc sử dụng những đoạn đường đông xe cộ vào giờ cao điểm. Singapore đã làm như thế từ năm 1975, buộc người lái xe vào những khu vực kinh doanh của thành phố phải trả tiền theo ngày. Nạn tắc đường giảm hẳn và xe cộ lưu thông nhanh hơn hẳn. Na Uy cũng thế, nước này áp dụng hệ thống trả tiền đường trong ba thành phố, tiền thu được sẽ đầu tư nâng cấp đường sá, xây cầu cho người đi bộ và đường dành cho xe đạp. Sau khi áp dụng trả tiền để được lái xe vào trung tâm từ năm 2003, nạn tắc đường ở London cũng đã giảm.

Tất cả các hệ thống này đều đơn giản. Chỉ cần vạch một đường biên giới phân chia khu vực và thu tiền những người đi vào. Dễ hiểu, mà lại không ngăn cản ô tô lưu thông và thu tiền người đi vào phố tỷ lệ với mức độ đông đúc của nó - hệ thống này sẽ khuyến khích những người lái xe tìm những con đường và đi lại vào thời gian ít bị kẹt xe nhất.

QUYỀN LẤY NƯỚC

Nước quan trọng sống còn đối với sự sống, nhưng nhiều nơi còn khan hiếm nước. Chúng ta muốn mọi người đều được tiếp cận với nước, nhưng cũng không muốn lãng phí nước.

Không may là, cả trong lĩnh vực này, chính sách công cũng thường giết chết các giải pháp của thị trường. Ví dụ, ở miền Tây Hoa Kỳ, luật về “quyền ưu tiên” từ cổ xưa quy định rằng những người tới nguồn nước trước được quyền ưu tiên lấy nước so với những người tới sau. Điều luật đó thúc đẩy người ta lấy nước ngay cả khi họ không cần, chỉ nhằm giữ quyền ưu tiên mà thôi. Điều luật khác nói rằng nước phải được sử dụng để “sinh lợi”, có nghĩa là nước cho các hồ cá, cho đời sống hoang dã và những mục đích xã hội khác sẽ trở thành đặc biệt khan hiếm.

Thế thì tại sao không coi nước là một loại nguồn lực và thiết lập thị trường trong lĩnh vực này? Ý tưởng này được nhiều người quan tâm ngay từ đầu những năm 1990, và một số bang bắt đầu cho phép dân chúng bán quyền lấy nước của mình. Bang Montana cho phép người dân cho thuê quyền lấy nước để giữ các dòng suối để cá có thể sống. Bang Arizona tìm cách bán lượng nước được chia trên sông Colorado cho bang California và Nevada. Thị trường bán quyền sử dụng nước hiện đã lan khắp miền Tây, từ Washington tới Texas, từ California tới Colorado. Đúng là hệ thống này không hoàn hảo và có những rắc rối về pháp lý, nhưng nó khiến việc phân phối nước hiệu quả hơn.

Việc đo lượng nước sử dụng tại gia cũng tương tự. Nếu nước được thanh toán qua hệ thống thuế khóa thì người ta sẽ không tích cực chữa những chỗ rò rỉ hay khóa vòi tưới vườn hoa vì dù dùng ít hay nhiều, người ta vẫn phải trả từng ấy tiền. Nếu tiến hành việc đo lượng nước sử dụng, sẽ có nhiều sáng kiến nhằm tiết kiệm nước. Năm 1988, khi việc đo nước được tiến hành trên diện rộng ở nước Anh, lượng nước sử dụng trong những khu vực lắp đồng hồ đo đã giảm 10%. Chăm lo cho xã hội cũng có thể được xây dựng trên cơ sở giá cả - ví dụ, mỗi người đều được cấp miễn phí một lượng nhất định, và chỉ phải trả tiền khi dùng vượt quá giới hạn này.

 

Vấn đề người hưởng thụ miễn phí (free rider)

Trong suốt nhiều năm ròng, các nhà kinh tế học từng coi hải đăng gần như ví dụ hoàn hảo về “hàng hóa công” - có lợi, nhưng thị trường không thể cung cấp được. Nói cho cùng, nếu tàu thuyền được “hưởng lợi miễn phí” và để cho người khác trả tiền thì họ được lợi mà chả mất gì.

Trên thực tế, các chủ tàu thấu hiểu rằng cần trả tiền cho hải đăng. Năm 1722, chủ những con tàu đi ngang qua những bãi đá nguy hiểm đã đề nghị xây hải đăng Casquets - họ sẽ trả tiền tỷ lệ thuận với tải trọng con tàu. Những ngọn hải đăng khác cũng do tư nhân tài trợ, thông qua phí đánh vào những con tàu neo đậu trong những cảng gần đó - cách làm này có từ năm 1261.

Ngay cả ở những nơi không thể loại bỏ được những người hưởng lợi miễn phí, quỹ từ thiện tư nhân có thể giúp thanh toán dịch vụ. Viện Xuồng Cứu Hộ Hoàng Gia Anh được thành lập năm 1824 và vẫn hoạt động tốt mặc dù không nhận một đồng nào của chính phủ. Từ năm 1854 tổ chức này nhận tài trợ của chính phủ, nhưng phát hiện ra rằng họ bị mất nhiều khoản tài trợ tư nhân hơn là trợ cấp của chính phủ. Cho nên từ năm 1869 họ đã cắt được các khoản mất mát. Hiện nay, đây là tổ chức từ thiện lớn thứ mười hai ở Anh, có hơn 300 xuồng cứu hộ và mỗi năm cứu được khoảng 600 người.

 

 

QUYỀN ĐÁNH BẮT CÁ CÓ THỂ ĐƯỢC MUA BÁN

Đánh bắt cạn kiệt nguồn lợi thủy hải sản là một trong những bi kịch tài nguyên chung, nơi mà không ai là chủ thật sự của nguồn lực, cho nên mọi người đều sử dụng miễn phí, đến khi cạn kiệt. Một lần nữa, thị trường có giải pháp.

Scotland nổi tiếng thế giới vì có những đàn cá hồi lớn. Không phải là vì cá hồi Scotland ngon hơn những nơi khác (dù người Scotland sẽ nói khác). Mà vì quyền đánh cá trên mỗi mét, trên mỗi con sông đều thuộc tư nhân. Các ông chủ đều có thu nhập khá nhờ cấp quyền bắt cá cho những người đi câu và vì vậy mà tích cực giữ cho sông đủ nước và sạch.

Nếu những người chủ đất có quyền đuổi những người vi phạm ra khỏi khoảnh đất của họ, thì những người nắm quyền bắt cá cũng có quyền đuổi những người khác ra khỏi đoạn sông của mình. Những quyền này được bảo vệ một cách nghiêm ngặt: Câu trộm không bị coi là phản quốc, nhưng cũng gần như thế. Và người ta đã chi khá nhiều tiền nhằm duy trì thị trường này. Ví dụ, khi xây dựng đập thủy điện ở Highland Town trong khu vực Pitlochry người ta còn làm thêm “thang cá hồi” - một loạt bồn chứa nước theo bậc thang để cá hồi có thể bơi ngược dòng và vượt qua đập. Việc cá nhảy từ bồn chứa nước này lên bồn chứa nước khác cũng đã trở thành cảnh quan hấp dẫn đối với du khách.

Kết quả là những con sông có cá hồi bơi qua ở Scotland được giữ gìn cẩn thận và không bị đánh bắt đến cạn kiệt. Mấy năm trước có một công ty tư nhân mua một loạt quyền đánh bắt cá ở hạ lưu và để cho sông nghỉ - không cấp quyền bắt cá - nhằm gia tăng lượng cá hồi cho ngành câu cá giải trí ở thượng lưu. Ở đây thị trường đã chăm sóc môi trường.

ĐÁNH BẮT CÁ QUÁ MỨC

Thị trường có thể hoạt động trong cả lĩnh vực đánh bắt cá trên biển. Đứng trước hiện tượng suy giảm cá tuyết và những loài cá khác trên biển Bắc, EU đã thử đưa ra một số giải pháp. Thứ nhất, họ ban hành đạo luật nói rằng mỗi năm tàu đánh cá phải neo đậu trong cảng một số ngày nhất định. Nhưng điều đó lại có nghĩa là một khoản vốn lớn nằm trong cảng, không sinh lời. Còn trong những ngày được ra khơi, họ sẽ cố gắng đánh bắt thật nhiều để bù lại thời gian đã mất. Thứ hai: Cấp hạn ngạch số cá tuyết mà tàu cá có thể đánh bắt. Nhưng khi tàu tìm kiếm những loài cá khác, vô tình có thể bắt được cả cá tuyết và buộc phải vứt số cá đã vượt hạn ngạch xuống biển - lãng phí một cách đáng tiếc các nguồn lực.

Bằng cách sử dụng những nguyên tắc của thị trường, Iceland thu được thành công hơn hẳn. Năm 1983, nước này đặt ra giới hạn tổng lượng cá được phép đánh bắt trong vùng biển xung quanh Iceland, và phát hạn ngạch có thể bán được cho các tàu cá - tương tự như ý tưởng cho phép xả thải. Hạn ngạch của từng cá nhân là tài sản rất có giá trị. Những tàu đánh bắt hiệu quả mua hạn ngạch của những con tàu kém hiệu quả hơn và làm cho ngành đánh bắt cá có hiệu quả cao. Bạn có thể bán một phần hạn ngạch của mình: Nếu năm nay bạn muốn đánh bắt ít cá, nhưng sang năm lại muốn đánh bắt nhiều hơn thì năm nay bạn có thể bán bớt, sang năm lại mua thêm của người nào đó. Đấy là mô hình dựa trên thị trường mà lại bảo vệ được các nguồn lực - và hiện nay các nước khác cũng đang tìm kiếm mô hình tương tự.

THỊ TRƯỜNG SĂN BẮN BẢO VỆ ĐỘNG VẬT QUÝ HIẾM

Ở Scotland, câu trộm bị coi sánh ngang với tội phản quốc, nhưng ở một số nước thuộc châu Phi thì đó lại chỉ là việc bình thường: Tê giác bị săn trộm để lấy ngà, còn dân làng thì sẵn sàng bắn voi vì coi chúng là những con vật phá hoại mùa màng. Làm sao bảo vệ được những loài động vật quý hiếm này?

Chính sách hiện nay: Phạt nặng những người giết chúng không có tác dụng. Dân làng sẵn sàng mạo hiểm chứ không muốn thấy cảnh mùa màng của mình bị xéo nát, còn tuần tra trên những khu vực rộng lớn như vậy là việc bất khả thi. Nhưng thị trường có giải pháp: Làm cho những con vật này trở thành vô cùng quý hiếm. Hiện nay du khách có thể tới khu vực miền Nam châu Phi và trả tiền để tham gia săn bắn (hay đơn thuần là quan sát và chụp ảnh) tê giác, voi, sư tử và nhiều loài khác. Hạn ngạch săn bắn tỷ lệ thuận với tốc độ sinh sản và trưởng thành, và những người bảo vệ công viên thường đưa khách tới khu vực có những con vật già hơn. Du khách phải trả món tiền lớn thì mới được mang về nhà chiến lợi phẩm, còn tiền thì được sử dụng cho việc bảo vệ và giữ gìn số động vật hiện có.

Hiện nay dân chúng trong khu vực này đã coi voi là nguồn thu nhập chứ không còn là vật phá hoại, trong những giai đoạn hạn hán người ta còn đào hố tìm nước cho voi và sử dụng hàng rào điện, chứ không dùng súng để bảo vệ mùa màng. Ở một vài nước, chính sách dựa vào thị trường như thế đã làm hồi sinh một số loài từng có thời tưởng chừng sắp tuyệt chủng.

Thậm chí ở đây, nơi mà bạn nghĩ rằng không thể áp dụng những nguyên tắc của thị trường, nhưng hóa ra không những có thể áp dụng những nguyên tắc này, mà chúng còn tỏ ra khá hiệu quả. Ngoài ra, đa số sẽ nói rằng về mặt đạo đức, đây là kết quả tốt hơn. Như vậy, thị trường là hệ thống đáng kinh ngạc về mặt đạo đức.

Nguồn: Nền kinh tế tự do,  Eamonn Butler. Nhà xuất bản tri thức, 2023

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường