[Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập] Chương 7: Phê phán chế độ dân chủ
Chế độ dân chủ có thể mang lại một số lợi ích nhưng cũng phải trả giá. Chế độ này giải quyết được nhiều vấn đề nhưng lại tạo ra những vấn đề khác. Những người phê phán cho rằng dân chủ khó tìm được giải pháp đúng đắn, nhưng lại dễ mắc sai lầm. Hồ sơ thành tích của nó không thực sự hoàn hảo. Quá trình vươn lên của các đảng phái dân túy có thể là bằng chứng cho thấy nhiều cử tri cho rằng chế độ dân chủ phục vụ họ chưa đến nơi đến chốn. Chủ nghĩa thân hữu, bộ máy quan liêu, chính phủ lạm quyền, bóc lột, sự thiển cận của cử tri (và của các chính trị gia có thể chỉ nắm quyền trong một thời gian ngắn) dễ dàng tạo được ảnh hưởng cũng như các quyền cá nhân bị xói mòn. Trên thực tế hay thậm chí là về nguyên tắc, chế độ này có thực sự đáp ứng được những kỳ vọng mà người ta dành cho nó?
Cử tri không đáp ứng được đòi hỏi
Một trong những vấn đề mang tính nguyên tắc là liệu cử tri có phải là cơ sở đáng tin cậy để xây dựng hệ thống có thể tin cậy được trong quá trình ban hành những quyết định quan trọng hay không. Những dấu hiệu không tốt: cử tri có rất ít tri thức về các vấn đề chính trị. Đó có thể là do họ biết rằng một lá phiếu duy nhất của họ gần như không có khả năng quyết định kết quả của cuộc bầu cử. Xác suất có thể là một trên mấy triệu. Vì vậy, tìm hiểu các vấn đề chính sách trong khi lá phiếu của bạn tạo ra rất ít hoặc không tạo ra bất kỳ khác biệt nào là việc làm vô ích.
Dù nguyên nhân sâu xa có là gì đi nữa thì mức độ vô minh của cử tri cũng làm người ta phải kinh ngạc. Theo quan điểm của nhà kinh tế học người Mỹ, Bryan Caplan (2007), được trình bày trong tác phẩm The Myth of the Rational Voter (Huyền thoại về cử tri duy lý):
Khoảng 50% người Mỹ không biết rằng mỗi bang có hai thượng nghị sĩ và 3/4 không biết nhiệm kỳ của họ kéo dài bao lâu. Khoảng 70% không biết đảng nào đang kiểm soát Hạ viện và 60% không biết đảng nào đang kiểm soát Thượng viện. Hơn một nửa không thể nói tên hạ nghị sĩ mà họ đã bầu và 40% không thể nói tên một trong các thượng nghị sĩ mà họ đã bầu… Hơn nữa, trình độ hiểu biết thấp này vẫn giữ nguyên kể từ khi có những cuộc bầu cử đầu tiên, và so sánh trên bình diện quốc tế cũng cho thấy, nói chung, kiến thức chính trị của người Mỹ không cao hơn mức trung bình.
Cũng không phải lúc nào họ cũng sử dụng lá phiếu của mình như các lý thuyết gia dân chủ nghĩ - tức là để chọn ứng cử viên mà họ thích. Ngược lại, họ có thể bỏ phiếu cho những ứng cử viên khác, đôi khi là những ứng cử viên cấp tiến với mục đích là đưa ra thông điệp về thái độ bất mãn tới chính phủ, hoặc thậm chí để ủng hộ cho những quan điểm dốt nát, thiên vị hoặc thành kiến nhưng được họ giữ chặt trong lòng. (Có người kể rằng khi chính trị gia người Mỹ (thế kỷ XX) Adlai Stevenson II được một người ủng hộ nói rằng ông sẽ nhận được phiếu bầu của mọi người có tư duy ở Mỹ, ông đã trả lời: “Tôi rất vui khi nghe câu này; nhưng tôi cần đa số!”).
Đến lượt mình, xu hướng cử tri bỏ phiếu theo bản năng chứ không dùng lý trí đã thúc đẩy các ứng cử viên ve vuốt định kiến của họ. Để được lòng dân và nhận nhiều phiếu bầu, những người muốn nhận chức vụ nào đó (và cả các chính trị gia) thường sử dụng những khẩu hiệu và những câu nói sáo rỗng chứ không sử dụng những lý lẽ duy lý, đã được cân nhắc. Những người phê phán chế độ dân chủ cho rằng tất cả những hiện tượng này tạo ra kết quả bầu cử và chính sách công – động cơ của nó là thái độ cố chấp và vô minh chứ không phải là bằng chứng và lý trí.
Các ứng cử viên và các chính trị gia được bầu lên cũng ngả theo lợi ích thâm căn cố đế của những người vận động hành lang – họ có thể tập hợp được các nhóm cử tri to lớn và cam kết bầu cho những người này, cũng như sự ủng hộ của những người mà họ dựa vào – trong các cuộc bầu cử, trong các chiến dịch truyền thông và đôi khi là về mặt tài chính.
Phần thưởng tiềm năng thu được từ quá trình vận động hành lang có thể là rất lớn. Thành công trong việc có được các khoản ưu đãi về thuế cho lĩnh vực của bạn, hoặc áp đặt những quy định nhằm ngăn chặn đối thủ cạnh tranh, hoặc giành được hợp đồng lớn với chính phủ, và nó có thể tạo ra khác biệt to lớn cho doanh nghiệp hoặc mục tiêu của bạn. Quả thực, phần thưởng tiềm năng lớn đến mức các trung tâm của chính phủ dân chủ – như trong khu “Vành đai” (Beltway) của những con đường cao tốc xung quanh Washington, DC, hoặc trong “Ngôi làng” tức là khu vực Westminster ở London – luôn chật kín người từ những công ty vận động hành lang và các văn phòng công vụ của các tập đoàn lớn.
Nhưng vận động hành lang đòi hỏi thời gian, công sức và tiền bạc. (Một tổ chức nghiên cứu ở Washington tính toán rằng, chỉ riêng chi phí bằng tiền là khoảng 3,5 tỷ USD một năm). Do đó, những người tham gia vận động hành lang thường là những người có lợi ích - cá nhân hoặc nhóm – rất lớn trong việc thay đổi chính sách công, hoặc những người tìm kiếm ưu ái và đối xử đặc biệt từ phía các cơ quan công quyền. Lợi ích của họ có thể (và thường là) khác xa lợi ích của công chúng. Tất cả những hiện tượng này làm cho việc vận động hành lang trở thành biện pháp gây ảnh hưởng tới những quyết sách rất tốn kém, thiên vị, thiếu tính đại diện và phi lý mà toàn thể nhân dân sẽ phải tuân theo; nhưng những người phê phán nói rằng, nó là bản chất cố hữu của chế độ dân chủ.
Bất kỳ đề xuất ban hành điều luật hay quy định mới nào về thương mại có bắt nguồn từ giai cấp đó đều phải được lắng nghe một cách cực kỳ thận trọng, và chỉ được áp dụng sau khi đã kiểm tra một cách kỹ lưỡng và đủ lâu, kiểm tra không chỉ với sự chú ý cao nhất, mà còn với sự nghi ngờ cao nhất. Vì đề xuất đó xuất phát từ những người mà quyền lợi không bao giờ trùng khít với quyền lợi của xã hội, những người thường muốn lừa bịp, và thậm chí áp bức xã hội, và vì vậy mà đã nhiều lần lừa bịp và áp bức rồi . Adam Smith (1776) Của cải của các quốc gia, Cuốn I, Chương XI.
Tạo ra những quyết định không hiệu quả …
Nhiều người cho rằng chế độ dân chủ khá kém cỏi trong việc ban hành những các quyết định khó khăn, gây tranh cãi hoặc khẩn cấp. Vì có rất nhiều quan điểm khác nhau giữa công chúng và các chính trị gia, nên khó có thể đạt được đồng thuận và không thể xử lý các lựa chọn ngay lập tức. Tình trạng khẩn cấp quốc gia đòi hỏi phản ứng nhanh, đấy không phải là thời điểm tốt nhất dành cho những cuộc thảo luận tràng giang đại hải trong quốc hội. Khi quyền lực được phân chia cho các viện lập pháp khác nhau hoặc giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, thì có thể còn mất nhiều thời gian hơn nữa.
Hơn nữa, khi các vấn đề gây nhiều tranh cãi, ngay cả khi không phải là khẩn cấp, nhiều quan điểm cần được dung hòa có thể dẫn đến những cuộc tranh luận công khai, kéo dài và phức tạp ở quốc hội. Cựu Thủ tướng Anh, Clement Attlee (1957), đã nói một cách ngắn gọn: “Dân chủ có nghĩa là quản trị thông qua thảo luận, nhưng nó chỉ hiệu quả nếu bạn có thể ngăn, không cho người ta nói”. Còn khi ý kiến được chia đều hoặc khi có nhiều lựa chọn khả thi khác nhau, quy trình thậm chí có thể lâm vào bế tắc. Thông thường, mọi việc chỉ có thể được giải quyết bằng cách “mặc cả” - đưa ra những nhượng bộ khác nhau, thường là không liên quan, cho các nhóm khác nhau để được họ ủng hộ - chứ không dựa trên bằng chứng và lẽ phải.
… và những quyết định tồi dở
Có nhiều lý do khác khiến các chính phủ đại diện được bầu theo lối dân chủ có thể ban hành những quyết định tồi dở. Quyền lực nhà nước tạo điều kiện cho đa số bóc lột người khác - đặc biệt là bằng cách đánh thuế hoặc tịch thu tài sản của họ. Và khi các quyết định của đa số được quyền lực của nhà nước chống lưng và có tính chính danh vì được tiến hành một cách “dân chủ”, thì không thể biết việc bóc lột như thế có thể đi xa đến đâu. Tệ nhất là, hành vi trộm cắp đã được hợp pháp hóa. Trong trường hợp tốt nhất, đe dọa đánh thuế cao và tịch thu sẽ làm cho người dân không làm việc chăm chỉ và tích lũy phương tiện sản xuất và của cải nữa. Nó cũng không hiệu quả: những người phê phán cách làm như thế nói rằng người dân tiêu những khoản tiền do chính mình kiếm được có lẽ chi tiêu cẩn thận hơn và có ích hơn là các chính trị gia tiêu tiền mà họ buộc người nộp thuế phải trả.
Tệ hơn nữa, để lôi cuốn thành kiến của cử tri, các chính trị gia thường ban hành những quyết định rõ ràng là có hại. Ví dụ, gần như tất cả các nhà kinh tế học đều đồng ý về giá trị của thương mại tự do; nhưng các chính trị gia, chiều theo những lo lắng của các nhà sản xuất và công chúng về sự cạnh tranh của nước ngoài, thường tán thành những chính sách bảo hộ như hạn ngạch nhập khẩu và thuế xuất nhập khẩu. Đối với họ, đe dọa trực tiếp của những lời phàn nàn về việc “người nước ngoài cướp mất công việc của chúng ta” còn lớn hơn là sự thịnh vượng chưa thể đạt ngay được và có tính phân tán mà tự do hóa thương mại hứa hẹn sẽ mang lại cho mọi người.
Tầm nhìn ngắn
Quá trình ban những quyết định tồi dở còn do sự kiện là sự nghiệp của các nhà lãnh đạo dân cử tương đối ngắn. Họ thích được khen vì những chính sách được lòng dân trong giai đoạn tại vị ngắn ngủi, nhưng ít khi họ cầm quyền đủ lâu để phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại lâu dài mà những chính sách này gây ra. Do đó, việc họ vay hoặc in thêm tiền để tăng chi tiêu là hợp lý về mặt chính trị, và để những người kế nhiệm phải giải quyết những khoản nợ công hoặc lạm phát.
Những người phê phán chế độ dân chủ cho rằng, hệ thống chính phủ hợp lý hơn sẽ có những chính sách nhằm tới và tạo ra thịnh vượng lâu dài cho công dân của mình - chứ không phải những chính sách được thúc đẩy bởi ước muốn được yêu mến trong ngắn hạn của các chính trị gia. Hệ thống hợp lý sẽ không để cho người ta đánh thuế và bóc lột những người có năng suất cao nhằm xoa dịu thái độ ghen tị của đa số hoặc ước muốn của đa số được hưởng những lợi ích miễn phí, nhưng người khác phải trả tiền. Nhưng nếu không đặt ra những giới hạn nghiêm ngặt thì hệ thống “dân chủ” sẽ làm đúng như thế. Không những không giúp tích lũy những khoản đầu tư cho tương lai, họ lại ăn trộm và chi tiêu vốn liếng cho những khoản tiêu dùng trong ngày hôm nay. Chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho sự thịnh vượng lâu dài của toàn bộ xã hội.
Và vì hầu hết mọi người đều tham gia vào quá trình này trong vai trò cử tri, nên họ được thông báo rằng đó là chính phủ “của họ” và quyết định của chính phủ cũng là quyết định của “họ”. Ngôn từ như thế chứng tỏ rằng việc đa số bắt nạt hoặc cướp bóc các nhóm thiểu số là bình thường, hợp pháp và không phải là vô đạo đức nữa - các nhóm khác thì cũng thế thôi.
Dựa vào quyền lực của nhà nước
Dù những quyết định của chính phủ dân cử có tồi dở đến mức nào, bạn cũng không thể trốn thoát được. Quyết định của đa số được áp dụng ngay cả đối với những người không đồng ý, bằng cách đe dọa phạt tiền, bỏ tù, thu hồi giấy phép hành nghề và giấy phép buôn bán, và nhiều biện pháp trừng phạt khác. Không còn lối thoát nào: công dân bình thường không được phép sử dụng vũ lực chống lại bất kỳ người nào, trong đó có cả chính phủ đang bóc lột họ.
Đúng là việc ban hành quyết định dân chủ giúp giải quyết vấn đề “những kẻ ăn không”. Mọi người đều được hưởng lợi từ các dịch vụ công như quốc phòng và cảnh sát, vì vậy dường như là công bằng khi đòi hỏi tất cả mọi người đều phải đóng góp chi phí. Những người phê phán chế độ dân chủ cho rằng vấn đề là khi chúng ta thừa nhận nguyên tắc nói rằng, nhà nước có thể lấy tiền của người dân thì sẽ không biết đâu là điểm dừng hợp lý.
Tương tự như thế, người ta cũng có thể cho là hợp lý khi chính phủ phải hạn chế các quyền cá nhân và dân sự trong các trường hợp khẩn cấp - chẳng hạn như theo dõi hoặc thậm chí giam giữ những người bị nghi là đang lập kế hoạch khủng bố. Tuy nhiên, những người phê phán nói rằng khi nhà nước được trao quyền “khẩn cấp” thì cũng không có ranh giới rõ ràng về việc sử dụng chúng như thế nào. Và như F. A. Hayek (1979) nhận xét, “Các trường hợp khẩn cấp luôn luôn là nguyên nhân làm cho các biện pháp bảo vệ quyền tự do cá nhân bị gậm nhấm dần…”.
Ví dụ như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007–8 dẫn đến việc các chính phủ phương Tây tiếp quản các ngân hàng và áp đặt những quy định nặng nề lên các hoạt động kinh doanh tài chính khác. Chỉ hơn một thập kỷ sau, trong đại dịch Covid-19, ngay cả những chế độ dân chủ tự do nhất cũng áp đặt những hạn chế làm người ta phải kinh ngạc đối với việc đi lại của người dân (trong đó có cả việc buộc họ phải ở trong nhà), cũng như đóng cửa các cơ sở kinh doanh (phòng tập thể dục, sự kiện thể thao, tiệm làm tóc và nhà hàng), cấm bán những món hàng hóa “không thiết yếu” và mở rộng ồ ạt khu vực quốc doanh. Đầu năm 2020, nhiều người sẵn sàng tự nguyện chấp nhận những hạn chế như thế nhằm kiểm soát virus. Nhưng thời gian trôi qua và những hạn chế như thế vẫn tiếp tục (hoặc thậm chí là ngày càng sâu sắc hơn), sự phẫn nộ của công chúng trước những cấm đoán này ngày càng gia tăng. Lúc đó, các chính trị gia mới phát hiện được rằng mình đã sử dụng quyền lực nhà nước nhằm áp đặt các biện pháp kiểm soát lên nhiều công dân không hề muốn bị kiểm soát, và những công dân này phàn nàn rằng họ đang sống trong “nhà nước cảnh sát”.
Những người phê phán khẳng định rằng, ngay cả trong những nước dân chủ tự do nhất thế giới mà quyền cá nhân còn có thể bị đình chỉ dễ dàng như thế, thì cảnh giác trước quyền lực mà đa số cử tri trao cho các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta là hoàn toàn đúng. Dù chúng ta trao cho họ quyền hạn nào thì chúng cũng có thể được sử dụng nhằm chống lại chúng ta – cố ý hoặc vô tình. Các chính trị gia có thể không hiểu được vai trò quan trọng trong dài hạn của những biện pháp cứng rắn nhằm bảo vệ các quyền cá nhân, thậm chí không nhận ra là họ đang vi phạm những quyền này. Và ngay cả khi nhận ra, họ vẫn đứng trước những động lực ngắn hạn mạnh mẽ nhằm tối đa hóa quyền lực của mình.
Mặc cho tất cả những sự kiện vừa nói, như chúng ta đã thấy, các chế độ dân chủ đã chứng tỏ là rất ổn định. Những giai đoạn lịch sử mà các giá trị tự do giữ thế thượng phong trong chính phủ được cho là những giai đoạn phát triển nhanh nhất của nền văn minh - không chỉ về kinh tế mà còn về khoa học, công nghệ, nghệ thuật, giáo dục, văn học và nhiều lĩnh vực khác. Không người nào muốn hy sinh tiến bộ như thế. Lo lắng chủ yếu là vì nhầm lẫn mà chúng ta làm cho nó bị xói mòn.
Thúc đẩy chính phủ cồng kềnh
Những người ủng hộ dân chủ tin rằng chế độ này trung lập về mặt chính trị - có tác dụng tốt như nhau cho cả những người ủng hộ chính phủ nhỏ và những người ủng hộ can thiệp về kinh tế và xã hội nhiều hơn nữa. Nhưng xin nói một lần nữa rằng, dân chủ được thiết kế đặc biệt cho việc ban hành quyết định tập thể – không có ảnh hưởng tới những người theo chủ nghĩa Marx như lý thuyết gia người Ba Lan, Rosa Luxemburg (1899) đã viết một cách thẳng thắn: “Chủ nghĩa xã hội rất cần dân chủ”.
Mặc dù những người theo phái tự do tìm cách áp đặt các giới hạn cho hoạt động của chính phủ, nhưng vẫn không có bất kỳ biện pháp khách quan nào để quyết định một cách chính xác quyết định nào nên được ban hành theo lối tập thể còn quyết định nào nên dành cho cá nhân tự xử lý. Và trên thực tế, chế độ dân chủ dường như còn lâu mới trung lập về chính trị. Đầu những năm 1900, các chính phủ dân chủ ít khi nằm được hơn 10% thu nhập quốc dân; trong khi đó, đầu những năm 2000, 40%–50% thu nhập quốc dân nằm trong tay chính phủ đã là hiện tượng bình thường – chứng tỏ nhiều quyết định được ban hành theo lối tập thể chứ không để cho các cá nhân xử lý nữa.
Trong thế kỷ XX, những dịch vụ do tập thể cung cấp ngày càng thịnh hành trong nhiều lĩnh vực rộng lớn của đời sống – từ phúc lợi đến y tế, nhà ở, giáo dục, bảo hiểm, giao thông, dịch vụ công cộng như điện nước, chế tạo và nhiều thứ khác. Có lẽ sự bành trướng như thế đã được coi là hợp pháp là do quyền bầu cử ngày càng được mở rộng, đặc biệt là đối với phụ nữ. Còn khi ngân sách của chính phủ tăng lên, đấy là do kết quả của hai cuộc Thế chiến, thì ngày càng có nhiều nhóm lợi ích tìm kiếm ngày càng nhiều những ưu ái do nhà nước ban phát - các chính trị gia muôn giành phiếu nhiều bầu đã chấp nhận hiện tượng này.
Những lực lượng tương tự như thế vẫn còn cho đến ngày nay. Động cơ giành được phiếu bầu của các chính trị gia, và cái mà người ta cho là sự khôn ngoan và tính chính chính danh của đa số người đi bầu cử, đã thúc đẩy ngay cả những đảng “tự do”, “bảo thủ” hay “ủng hộ thị trường tự do” đều tìm cách khuếch trương quá trình ban hành quyết định tập thể ngày càng sâu hơn vào nhiều lĩnh vực như kinh tế, xã hội và đời sống cá nhân. Các chính trị gia còn tranh giành nhau để được dân chúng chú ý và có thêm phiếu bằng cách thúc đẩy những dự án công to lớn, ấn tượng nhưng thường là rất tốn kém và lãng phí, thường là bằng tiền đi vay, chứ không nhấn mạnh vào việc quản lý tài chính một cách hợp lý. Như nhà văn người Mỹ, Gore Vidal, viết trong tác phẩm Armageddon (tạm dịch Cuộc chiến thiện ác - 1987). “Hình thức dân chủ của chúng ta là hối lộ, ở quy mô lớn nhất”. Và tất cả những hiện tượng này có thể tạo ra chính phủ lớn hơn cái chính phủ mà hầu hết mọi người thực sự mong muốn.
Giá phải trả không nhìn thấy được
Trong khi người ta dễ dàng đánh giá cao những lợi ích mà hệ thống dân chủ mang lại thì người ta lại thường bỏ qua giá phải trả về tài chính, xã hội và đạo đức mà chúng tạo ra. Những người phê phán nói rằng, chế độ dân chủ không những không khuyến khích sự hòa hợp xã hội, mà còn thúc đẩy những hành vi xấu xa – các đảng phái chính trị đấu tranh với nhau chẳng khác gì các băng nhóm đường phố nhằm giành được sự chú ý và uy thế, các chính trị gia chú tâm vào kỳ bầu cử tiếp theo chứ không quan tâm tới sức khỏe lâu dài của quốc gia, và các nhóm vận động hành lang sử dụng hệ thống này mà không thèm quan tâm tới đạo đức chỉ để được đối xử một cách đặc biệt mà người khác phải trả giá.
Vì vậy, những người phê phán tiếp tục nói rằng, không có gì ngạc nhiên khi chế độ dân chủ, trong thế kỷ vừa qua, đã mang tới cho chúng ta chính phủ cồng kềnh hơn, tốn kém hơn và tập trung quyền lực về trung ương hơn trước. Tất cả các chính trị gia, doanh nghiệp và các nhóm lợi ích đều quan tâm đến việc khuếch trương khu vực nhà nước và giành thêm quyền lực hay đặc ân từ khu vực này. Khi các nhóm khác nhau đề nghị dành cho mình nhiều lợi ích hơn và để người khác trả chi phí, trong đó có cả thế hệ tương lai, những người không có khả năng chống cự, thì thuế khóa và nợ nần sẽ ngày càng gia tăng.
Chế độ dân chủ là nơi tổ chức rất nhiều cuộc bầu cử, rất tốn kém, mà không giải quyết được vấn đề gì và có nhiều ứng cử viên thế chễ cho nhau. — Gore Vidal (1991), A View from the Diner’s Club (tạm dịch Quan điểm từ Câu lạc bộ ăn tối).
Vô hiệu hóa những lực lượng này hoặc thay thế giai cấp chính trị đang kiểm soát chúng không phải là công việc dễ dàng. Chính trị lập ra những rào cản khá cao, mục đích là không cho người ta thâm nhập vào, như các nhà kinh tế học vẫn nói: các đảng mới và nhỏ hơn rất khó có thể tham gia vào chính phủ, đặc biệt là trong hệ thống đầu phiếu FPTP. Vì vậy, thách thức đáng kể trước chủ nghĩa thân hữu đang thịnh hành là hiện tượng ít khi xảy ra. Nhưng sự trỗi dậy của các phong trào dân túy có thể cho thấy đang diễn ra những thay đổi.
Nguồn: Eamonn Butler, Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập, Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên gốc: Eamonn Butler (2020), Introduction to Democracy, London Publishing Partnership.